17/11/2023 19:57

Hàng hóa là vũ khí có được phép quá cảnh ở Việt Nam không?

Hàng hóa là vũ khí có được phép quá cảnh ở Việt Nam không?

Tôi muốn hỏi quá cảnh hàng hóa là gì? Hàng hóa là vũ khí có được phép quá cảnh ở Việt Nam không?_Hoa Lệ( Lâm Đồng)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quá cảnh hàng hóa là gì?

Theo quy định tại Điều 241 Luật thương mại 2005 thì quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.

Thời gian quá cảnh hàng hóa tại Việt Nam tối đa bao nhiêu ngày?

Theo Điều 47 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định thời gian quá cảnh hàng hóa tại Việt Nam như sau:

- Thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp được gia hạn; trường hợp hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất; phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh bị hư hỏng trong quá trình quá cảnh.

- Đối với hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất hoặc phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh bị hư hỏng trong thời gian quá cảnh cần phải có thêm thời gian để lưu kho, khắc phục hư hỏng, tổn thất thì thời gian quá cảnh được gia hạn tương ứng với thời gian cần thiết để thực hiện các công việc đó và phải được cơ quan hải quan nơi làm thủ tục quá cảnh chấp thuận.

- Trường hợp gia hạn thời gian quá cảnh đối với hàng hóa quá cảnh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thì phải được Bộ trưởng Bộ Công Thương cho phép.

- Trong thời gian lưu kho và khắc phục hư hỏng, tổn thất quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Quản lý ngoại thương 2017, hàng hóa và phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh vẫn phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.

Như vậy, theo quy định trên thì thời gian quá cảnh hàng hóa tại Việt Nam tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Tuy nhiên, trừ các trường hợp như hàng hóa được gia hạn; hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất; phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh bị hư hỏng trong quá trình quá cảnh thì thời gian quá cảnh có thể kéo dài hơn để khắc phục.

2. Hàng hóa là vũ khí có được phép quá cảnh ở Việt Nam không?

Theo Điều 35 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về quá cảnh hàng hóa tại Việt Nam cụ thể:

- Đối với hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép quá cảnh.

-  Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật, Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa.

- Đối với hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 35 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thủ tục quá cảnh thực hiện tại cơ quan hải quan.

Như vậy, theo quy định trên thì hàng hóa là vũ khí muốn quá cảnh tại Việt Nam phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép quá cảnh.

3. Hồ sơ, quy trình cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa là vũ khí

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa là vũ khí thực hiện như sau:

Bước 1. Nộp hồ sơ

- Chủ hàng gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị quá cảnh hàng hóa trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương.

Hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị quá cảnh hàng hóa nêu rõ mặt hàng (tên hàng, mã HS, số lượng, trị giá); phương tiện vận chuyển; tuyến đường vận chuyển: 1 bản chính.

+ Hợp đồng vận tải: 1 bản chính.

+ Công thư đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước đề nghị cho hàng hóa quá cảnh gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương: 1 bản chính.

Mẫu đơn đề nghị cấp giấp phép quá cảnh hàng hóa:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/Mau-don-de-nghi-cap-giay-phep-qua-canh-hang-hoa.doc

Bước 2. Hoàn thiện hồ sơ

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu chủ hàng hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3. Các cơ quan liên quan trao đổi ý kiến

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định của chủ hàng, Bộ Công Thương có văn bản trao đổi ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản trả lời.

Bước 4. Thủ tướng Chính phủ xem xét ý kiến

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bước 5. Quyết định xét duyệt

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trả lời chủ hàng bằng văn bản.

Hứa Lê Huy
643

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn