10/11/2023 18:14

Doanh nghiệp có được đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng không?

Doanh nghiệp có được đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng không?

Tôi muốn hỏi doanh nghiệp có được đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng không? Nếu doanh nghiệp được đầu tư kinh doanh thì cần đáp ứng điều kiện gì?_Lâm Phông(Hà Nam)

 Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Vũ khí quân dụng là gì?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 sửa đổi 2019 quy định vũ khí quân dụng bao gồm các vũ khí sau:

- Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ, bao gồm:

+ Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

+ Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

+ Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

+ Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

- Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ.

2. Doanh nghiệp có được đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng không?

Theo Điều 2 Nghị định 101/2022/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng liên quan đến đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng cụ thể:

“Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.”

Như vậy, theo quy định trên thì doanh nghiệp được phép đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng dùng phục vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên sẽ có sự khác nhau về điều kiện áp dụng giữa doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (BQP), Bộ Công an (BCA) và doanh nghiệp không thuộc BQP, BCA.

3. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng cần đáp ứng điều kiện gì?

Theo Điều 7 Nghị định 101/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

Đối với doanh nghiệp thuộc BQP, BCA

Doanh nghiệp thuộc BQP, BCA được đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 79/2018/NĐ-CP cụ thể:

Điều kiện nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí đối với doanh nghiệp thuộc BQP, BCA

- Doanh nghiệp được Bộ trưởng BQP hoặc Bộ trưởng BCA giao kế hoạch hoặc nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

- Bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:

+ Có nội quy ra, vào doanh nghiệp, phương án bảo đảm an ninh, trật tự; kiểm soát phương tiện, đồ vật, hàng hóa được vận chuyển ra, vào tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức lực lượng bảo vệ;

+ Có nội quy, trang bị đầy đủ phương tiện, tổ chức lực lượng, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, xây dựng phương án chữa cháy cơ sở; tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố cháy, nổ và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

+ Thực hiện các biện pháp giảm thiểu, thu gom, xử lý nguyên liệu, phế thải và xử lý ô nhiễm môi trường tại chỗ; không để rò rỉ, phát tán độc hại ra môi trường; bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

- Địa điểm chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với khu dân cư, công trình văn hóa, xã hội, lịch sử, khu vực bảo vệ, nơi cấm, khu vực cấm.

- Có phương tiện, thiết bị phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí; có nơi thử nghiệm riêng biệt (trừ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí thô sơ). Kho chứa thành phẩm phải bảo đảm an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Chủng loại sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; sản phẩm vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao phải có nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất.

- Người quản lý doanh nghiệp phải được huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình sản xuất, sửa chữa vũ khí.

- Người lao động trực tiếp tham gia chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

Điều kiện kinh doanh vũ khí đối với doanh nghiệp thuộc BQP, BCA

- Doanh nghiệp được Bộ trưởng BQP hoặc Bộ trưởng BCA giao kế hoạch hoặc nhiệm vụ kinh doanh vũ khí.

- Bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 79/2018/NĐ-CP.

- Kho, nơi cất giữ, phương tiện vận chuyển phục vụ hoạt động kinh doanh vũ khí phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường theo quy định.

- Người quản lý doanh nghiệp phải được huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng BQP, BCA

Doanh nghiệp không thuộc đối tượng BQP, BCA được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 10 Nghị định 79/2018/NĐ-CP cụ thể:

- Doanh nghiệp được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sửa chữa vũ khí theo đơn đặt hàng của BQP hoặc BCA và phải bảo đảm các điều kiện sau:

+ Là doanh nghiệp Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật;

+ Bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 7 Nghị định 79/2018/NĐ-CP.

- Doanh nghiệp có nhu cầu tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí phải lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng BCA (đối với trường hợp theo đơn đặt hàng của BCA) hoặc Bộ trưởng BQP (đối với trường hợp theo đơn đặt hàng của BQP) quyết định, hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị;

+ Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh năng lực, điều kiện để tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

+ Người được doanh nghiệp cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu và xuất trình một trong các giấy tờ sau: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 79/2018/NĐ-CP xem xét, có văn bản thông báo cho tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức kiểm tra, đánh giá việc bảo đảm các điều kiện để tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

- Sau khi kết thúc kiểm tra, đánh giá, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 79/2018/NĐ-CP phải có văn bản đề xuất, báo cáo Bộ trưởng BQP hoặc Bộ trưởng BCA, trong đó nêu rõ lý do, điều kiện, năng lực, phạm vi doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

- Bộ trưởng BQP hoặc Bộ trưởng BCA xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép doanh nghiệp được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 79/2018/NĐ-CP có văn bản thông báo cho tổ chức, doanh nghiệp biết để tổ chức thực hiện. Trường hợp không đồng ý, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 79/2018/NĐ-CP phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Như vậy, theo quy định trên thì cả doanh nghiệp trong và ngoài BQP, BCA đều có thể được phép đầu tư kinh doanh vũ khí quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, điều kiệp áp dụng đối với doanh nghiệp ngoài BQP, BCA thì cần nhiều thủ tục hơn và phải được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
1287

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn