11/05/2024 08:30

Lợi dụng tình cảm để chiếm đoạt tài sản qua MXH: Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Lợi dụng tình cảm để chiếm đoạt tài sản qua MXH: Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Mấy ngày qua vụ việc Mèo Béo và Đàm Trúc đã khiến cho nhiều người thương cảm và phẫn nộ. Cho tôi hỏi việc lợi dụng tình cảm của người khác để chiếm đoạt tiền như vậy có bị xử lý theo pháp luật Việt Nam? (Mộc Đàm - TP.HCM)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thủ đoạn lừa đảo tình cảm để chiếm đoạt tài sản

Đây là thủ đoạn lừa đảo đã xuất hiện từ rất lâu, thủ đoạn này đã nhiều lần được cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi, nhưng do “nhẹ dạ cả tin” nên một số người vẫn bị mắc bẫy.

Gần đây, vụ việc Mèo Béo và Đàm Trúc bên Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận cả trong và ngoài nước. Theo các nguồn tin trên mạng, trong khoảng thời gian 2 năm yêu nhau, Mèo Béo đã liên tục gửi tiền cho Đàm Trúc với tổng số tiền hơn 510.000 NDT (khoảng 1,8 tỷ VNĐ). Theo thông tin, số tiền trên được biết là do Mèo Béo cày hạng thuê trong game để có được. Bản thân anh chỉ ăn những bữa ăn khoảng 10 NDT (khoảng 35.000 VNĐ), phần lớn số tiền kiếm được anh lại đều gửi hết cho bạn gái. Hành động của Đàm Trúc nhận về cơn bão chỉ trích của cư dân mạng, cho rằng cô đã lợi dụng hoàn cảnh, tình cảm của Mèo Béo để kiếm lợi, "đào mỏ".

Còn ở Việt Nam, thủ đoạn lừa đảo tình cảm để chiếm đoạt tài sản thường sẽ có có kịch bản là các đối tượng tạo một hồ sơ giả mạo, hoặc sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn. Sau đó, các đối tượng tạo mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa, rồi dẫn dụ nạn nhân gửi hình ảnh, video nhạy cảm và dùng những hình ảnh này để đe dọa, tống tiền nạn nhân.

Hoặc tinh vi hơn, khi đã nắm bắt được tâm lý và tình hình tài chính của nạn nhân, một số đối tượng còn sử dụng nhiều cách khác nhau để thuyết phục nạn nhân tham gia đầu tư vào thị trường tài chính, thông qua một sàn giao dịch giả mạo mà kẻ lừa đảo kiểm soát. Nạn nhân sẽ bị dẫn dụ thắng vài lần để tạo niềm tin và lòng tham sau đó kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt hết tiền, tài sản.

2. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về thủ đoạn lợi dụng tình cảm để chiếm đoạt tài sản

Tại Việt Nam, hành vì lừa dối tình cảm đơn thuần có thể không bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, tuy nhiên việc “lừa tình, “lừa tiền” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nếu như có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo đó, pháp luật Việt Nam quy định về khung hình phạt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

- Khung cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với một trong các trường hợp:

+  Tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng

+ Tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

- Khung hai: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

- Khung ba: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Khung bốn: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với một trong các trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Theo đó, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng kèm các hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

+ Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

Như vậy, trong tình cảm, người nào có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của nửa kia thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1332

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn