16/03/2024 17:48

Cảnh giác lừa đảo "chuyển tiền nhầm": Nên làm gì để bảo vệ bản thân?

Cảnh giác lừa đảo "chuyển tiền nhầm": Nên làm gì để bảo vệ bản thân?

Một người lạ chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng tôi, sau đó họ liên hệ tôi để đòi lại. Nhưng họ bảo tôi chuyển tiền lại vào một tài khoản khác, vì nhẹ dạ cả tin nên tôi cũng chuyển lại như họ nói. Sau đó ngân hàng gọi cho tôi báo rằng có người chuyển tiền nhầm vào tài khoản tôi và yêu cầu hoàn lại. Như vậy tôi phải chuyển lại số tiền gấp đôi số tiền bị chuyển nhầm, tôi phải xử lý thế nào? (Thùy Dương - Vũng Tàu)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Một số chiêu trò lừa đảo “chuyển tiền nhầm” cần phải cảnh giác 

Hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng ngày càng được nhiều người áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, kéo theo đó là hàng loạt các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc cố tình chuyển khoản nhầm với các chiêu thức vô cùng tinh vi, khiến cho nạn nhân dễ dàng "sập bẫy".

Chiêu trò lừa đảo này thường nhắm đến các nạn nhân "nhẹ dạ cả tin" hoặc các nạn nhân để lộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Sau đó cố ý chuyển nhầm vào tài khoản nạn nhân, rồi họ sẽ áp dụng một trong các kịch bản sau đây:

- Liên hệ với người nhận số tiền chuyển nhầm để đòi lại, nếu người nhận không hoàn lại sẽ báo công an. Sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển lại tiền vào tài khoản khác. Khi nạn nhân đã chuyển tiền lại rồi thì bên lừa đảo lại báo lên ngân hàng và yêu cầu ngân hàng thông báo nạn nhân hoàn trả lại thêm lần nữa. Như vậy, nạn nhân bị lừa mất số tiền bằng với số tiền bị cố tình chuyển nhầm

- Giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính rồi liên hệ với người nhận số tiền chuyển nhầm, dọa nạt và yêu cầu nạn nhân trả lại số tiền vừa nhận được như một khoản vay kèm theo tiền lãi “cắt cổ”. 

- Mạo danh ngân hàng liên hệ đến nạn nhân để thông báo về việc có người chuyển tiền nhầm vào tài khoản và yêu cầu nạn nhân truy cập vào đường link giả nhầm lấy thông tin tài khoản ngân hàng như tên truy cập, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản.

Hoặc có thể đối tượng lừa đảo nói rằng mình đang ở nước ngoài và yêu cầu nạn nhân trả lại số tiền qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế bằng đường link mà họ cung cấp, sau đó đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân và rút sạch tiền.

Và thêm nhiều chiêu thức tinh vi khác bằng cách chuyển tiền nhầm vào tài khoản nạn nhân và lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Cách xử lý khi có người lạ chuyển nhầm tiền

Sẽ có trường hợp người nhận số tiền bị chuyển nhầm không trả lại hoàn trả lại tiền vì có thể họ cho rằng đó là lừa đảo hoặc với mục đích chiếm giữ luôn số tiền đó.

Tuy nhiên, theo Điều 579 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ hoàn trả tài sản như sau:

- Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự 2015.

- Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự 2015.

Bên cạnh đó, tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác như sau:

- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, việc người nhận số tiền chuyển nhầm không trả lại số tiền chuyển nhầm cũng có thể bị xem xét là hành vi vi phạm pháp luật. Dù là vô tình hay cố tình chuyển khoản nhầm thì người nhận số tiền này cũng phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho chủ sở hữu theo quy định pháp luật.

Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khi chưa biết chắc rằng số tiền chuyển khoản nhầm là do lừa đảo hay có người chuyển nhầm thật là giữ nguyên và không chi tiêu tiêu số tiền này, dù chưa có ai liên hệ lại. Sau đó, liên hệ đến ngân hàng để thông báo về số tiền chuyển nhầm này, nhân viên sẽ hỗ trợ bạn xác minh số tiền và hoàn trả cho chủ sở hữu. 

Hoặc nếu bạn không ra ngân hàng thì khi bạn chuyển lại tiền phải có sự chứng kiến của bên thứ ba và lưu lại các chứng cứ về việc chuyển lại tiền này.

Nếu nhận thấy vụ việc có tính chất lừa đảo, bạn nên trình báo lên công an địa phương để được giải quyết kịp thời, tránh việc bị mất tiền oan.

Trân trọng!

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
2578

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn