27/04/2024 07:42

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” tại nước ngoài

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” tại nước ngoài

Cho tôi hỏi làm sao để cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” tại nước ngoài? Chị Minh-Bình Dương

Việc nhẹ, lương cao là công việc mà người lao động có thể dễ dàng có được mức thu nhập như mong muốn nhưng không phải bỏ ra quá nhiều công sức, không cần đối mặt với nhiều áp lực. Và trên thực tế có công việc nào việc nhẹ, lương cao hay không?

Câu trả lời có thể có, nhưng đối với một công việc nhẹ nhàng ai cũng có thể làm được thì lương không thể nào cao được, và ngược lại để đạt được mức lương ao ước thì người lao động phải cần trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới mối quan hệ và nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo thì tất nhiên công việc không thể nào là “nhẹ nhàng”. Như vậy, để có được một công việc “việc nhẹ, lương cao” thì rất cần sự cố gắng, nỗ lực và nắm vững kiến thức, kỹ năng chuyên môn về một ngành nghề, lĩnh vực nào đó.

Tuy nhiên, với những người nhẹ dạ cả tin thì vẫn dễ dàng bị dính bẫy với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” này. Cùng xem thêm ở bài viết này.

1. Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” tại nước ngoài

Lợi dung sự cả tin, nhu cầu tìm việc làm và mong muốn làm việc nhẹ lương cao mà các đối tượng thường sử dụng một số phương thức, thủ đoạn để lừa đảo công dân Việt Nam sang nước ngoài để lao động bất hợp pháp, như: Thông qua các nhóm, trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, zalo, … để đăng tin, bài nội dung quảng cáo, tuyển dụng lao động.

Một số dấu hiệu lừa đảo với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” có thể kể đến là:

- Giới thiệu công việc nhẹ nhàng, mức thu nhập cao có thể từ 800–1200 USD/tháng.

- Chế độ đãi ngộ tốt như về nhà ở, phụ cấp hấp dẫn.

- Công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, bằng cấp hay trình độ chuyên môn.

- Khi làm việc đủ lâu thì sẽ có cơ hội định cư tại nước ngoài.

Một số vụ việc điển hình như:

(1) Thông qua mạng xã hội Facebook, đầu năm 2022, N.Q.D, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo đọc được thông tin tuyển dụng làm bảo vệ tại Campuchia với mức lương khởi điểm 800 USD/tháng. Khi liên lạc với người đăng thông tin này, nạn nhân được một người phụ nữ hướng dẫn cung cấp thông tin cá nhân để đặt mua vé máy bay từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất, sau đó đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia.Tuy nhiên, khi sang đến nơi, N.Q.D đã bị các đối tượng thu giữ điện thoại, căn cước công dân, đưa đến một công ty của người nước ngoài và bị bắt làm việc lừa đảo trên mạng xã hội. Thấy công việc không đúng như thông tin ban đầu, nạn nhân xin được trở về Việt Nam thì bị quản lý giam giữ, ép gọi điện thoại về cho gia đình gửi 250 triệu đồng tiền chuộc thì mới được trở về Việt Nam. 

(2) T được một đối tượng người ngoại quốc (T gọi đối tượng này là “ông chủ”) thuê và trả lương 17 triệu đồng/tháng với điều kiện lập nhóm đa cấp lừa người Việt Nam mở tài khoản đầu tư tiền điện tử rồi chiếm đoạt. Mặc dù biết rõ hoạt động của nhóm mà mình đang làm là lừa đảo, vi phạm pháp luật, tuy nhiên khi biết thông tin nếu dụ dỗ, lừa đưa được thêm người tham gia vào nhóm sẽ được trả 35 triệu đồng/người... T đã liên lạc về quê dụ dỗ, lừa đưa người sang để hưởng tiền hoa hồng nói trên. Từ tháng 8/2022 đến đầu tháng 10/2022, T đã 03 lần thực hiện hành vi trên và đưa 11 người sang nước ngoài làm việc. Các nạn nhân bị Tín lừa bán cho “ông chủ” được tổ chức thành một nhóm và bị ép ký các hợp đồng để thực hiện hành vi lừa đảo, dụ dỗ các nạn nhân khác đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động, không cho ra khỏi cơ sở.

2. Biện pháp phòng, ngừa chiêu trò lừa đảo "việc nhẹ, lương cao"

Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động môi giới đưa người xuất cảnh sang nước ngoài lao động trái phép, thì người lao động cần:

- Cảnh giác trước các lời mời chào, dụ dỗ, hứa hẹn về “việc nhẹ lương cao”, từ các đối tượng trên mạng xã hội hoặc các thông tin tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài trên mạng xã hội nhất là họ sử dụng công nghệ AI để mạo danh các công ty, doanh nghiệp mà không có địa chỉ, tư cách pháp nhân ở Việt Nam. Nếu có nhu cầu xuất cảnh lao động ở nước ngoài thì liên hệ các cơ quan chức năng ở địa phương để giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín, có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm đảm bảo an toàn, hợp pháp.

- Trước khi xác định nhận lời mời đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc; đặc điểm thông tin của người giới thiệu đi làm việc, du lịch và người đi cùng, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm, công ty làm việc, thông tin người đi cùng trước khi xuất cảnh.

- Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang nước ngoài làm việc, có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo, mua bán người, cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Đồng thời, nếu có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, người lao động cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 8 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, là các doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Và tuyệt đối không thông qua trung gian. Nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động tại các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua địa chỉ của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương. 

Trân trọng!

Phạm Thị Thu Hà
996

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn