Pi Network là một dự án tiền mã hóa (cryptocurrency) được ra mắt vào năm 2019 bởi một nhóm các tiến sĩ và cựu sinh viên từ Đại học Stanford, dẫn đầu bởi Tiến sĩ Nicolas Kokkalis. Mục tiêu của dự án là tạo ra một loại tiền điện tử dễ tiếp cận, cho phép mọi người khai thác (mine) Pi coin trực tiếp trên điện thoại mà không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên hay năng lượng như Bitcoin.
Pi Network đã chính thức chuyển sang giai đoạn Open Network vào lúc 15:00 ngày 20 tháng 2 năm 2025 theo giờ Việt Nam (8:00 UTC). Việc chuyển sang giai đoạn này mở đường cho đồng Pi được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền điện tử lớn.
Pi Network sử dụng giao thức đồng thuận Stellar (Stellar Consensus Protocol - SCP), cho phép người dùng "đào" Pi thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.
Quá trình khai thác đơn giản, người dùng chỉ cần mở ứng dụng và nhấn vào biểu tượng "tia sét" mỗi ngày để nhận Pi. Việc này không tiêu tốn pin hay tài nguyên của thiết bị.
Người dùng còn có thể tăng tốc độ khai thác bằng cách mời bạn bè tham gia hoặc thiết lập "vòng tròn bảo mật" với những người dùng đáng tin cậy
Trước khi tham gia giao dịch hoặc đầu tư vào Pi Network, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin và cân nhắc rủi ro. Việc đầu tư vào các loại tiền điện tử luôn tiềm ẩn nguy cơ mất mát tài chính.
Trước đó, trên thị trường "chợ đen", Pi đã được giao dịch với mức giá từ 30.000 đến 50.000 VND mỗi Pi.
Tuy nhiên, giá trị này có thể không phản ánh đúng giá trị thực tế của đồng Pi, giá trị thực tế của Pi sẽ phụ thuộc vào cung cầu thị trường, khối lượng giao dịch và sự chấp nhận của cộng đồng sau khi chính thức niêm yết.
Một số sàn giao dịch tiền điện tử như OKX và Bitget đã thông báo hỗ trợ nạp đồng Pi lên nền tảng của họ, chuẩn bị cho việc giao dịch chính thức. Tuy nhiên, đội ngũ Pi Network đã yêu cầu áp dụng chế độ niêm yết cô lập (Isolated Listing Mode), dẫn đến việc người dùng từ một số quốc gia và khu vực nhất định có thể không thể nạp hoặc giao dịch đồng Pi.
Do đó, để có thông tin cập nhật và chính xác nhất về giá niêm yết của Pi Network, nhà đầu tư nên theo dõi các thông báo chính thức từ đội ngũ phát triển Pi và các sàn giao dịch uy tín sau thời điểm 15h ngày 20/2/2025.
Theo đó, đúng 15h ngày 20/02/2025 đồng Pi chính thức được mở cửa niêm yết với giá từ 1,3 đến 2 USD
Tại Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nội dung như sau:
Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Theo Ngân hàng Nhà nước thì tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 có quy định về ngoại hối như sau:
2. Ngoại hối bao gồm:
a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
...
Tại Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 có quy định về phát hành tiền giấy, tiền kim loại như sau:
Phát hành tiền giấy, tiền kim loại
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
...
Đồng thời, tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
10. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) là phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
...
Từ các quy định trên, có thể thấy phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam chỉ bao gồm các phương tiện sau:
- Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành;
- Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực.
Do đó, đồng tiền Pi Network không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Hiện tại, pháp luật Việt Nam không chấp nhận sử dụng đồng Pi làm tiền tệ thanh toán giao dịch dân sự.
Xem thêm: Giá Pi Network trên sàn hiện tại là bao nhiêu? Dùng tiền ảo để trả lương cho NLĐ có được không?