14/03/2024 16:13

Tiền ảo là gì? Ở Việt Nam có được thanh toán bằng tiền ảo hay không?

Tiền ảo là gì? Ở Việt Nam có được thanh toán bằng tiền ảo hay không?

Cho tôi hỏi tiền ảo là gì và có dùng tiền ảo để thay thế tiền mặt được hay không? Chị Thùy Dương (Đồng Tháp).

Tiền ảo đã và đang trở thành xu hướng trong giao dịch trên Internet trong thời đại công nghệ số hiện nay. Và ở các quốc gia trên thế giới, pháp luật cũng đang ngày càng hoàn thiện hơn để phù hợp với sự phát triển của tiền ảo. Vậy tiền ảo là gì và tiền ảo có được xem như một phương tiện thanh toán hay không, cùng Ban biên tập tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Tiền ảo là gì?

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa ban hành quy định cụ thể để giải đáp cho câu hỏi "tiền ảo là gì". Tuy nhiên, ta có thể hiểu về nó thông qua định nghĩa của Ngân hàng Trung ương Châu Âu như sau:

Tiền ảo là đại diện kỹ thuật số về giá trị mà không phải do Ngân hàng Trung ương hay cơ quan công quyền phát hành, và cũng không nhất thiết phải gắn với tiền tệ fiat (tiền định danh), nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện thanh toán và có thể được chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử.

Qua định nghĩa trên, ta có thể hiểu đơn giản rằng tiền ảo là một loại tiền chỉ có sẵn ở dạng điện tử và không được phát hành bởi chính phủ. Loại tiền này thường chỉ được phát hành, quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành tư nhân, các nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập.

Tiền ảo sẽ được giao dịch thông qua phần mềm cho phép giao dịch tiền ảo, ứng dụng trên di động hoặc máy tính hoặc thông qua ví điện tử chuyên dụng và các giao dịch xảy ra trên internet.

Ví dụ về một số đồng tiền ảo phổ biến có thể kể đến như: Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), RIPPLE (XRP),...

2. Có được phép thanh toán bằng tiền ảo ở Việt Nam không?

Để giải đáp câu hỏi trên, ta cần phải hiểu được về những phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.

Tại khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 đã quy định rõ rằng tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cũng theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về những phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán hợp pháp tại Việt Nam bao gồm:

- Séc;

- Lệnh chi;

- Uy nhiệm chi,

- Nhờ thu;

- Ủy nhiệm thu;

- Thẻ ngân hàng

- Các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo khoản 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) thì những phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc những dịch vụ thanh toán nêu trên.

Như vậy, tiền ảo không được xem là tiền tệ và cũng không được phép thanh toán bằng tiền ảo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Do đó tiền ảo cũng không được phép dùng để thay thế tiền mặt nhằm thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán.

3. Mua bán tiền ảo có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

Hiện nay, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán được xem là hành vi bị cấm và có những chế tài xử phạt như sau:

(1) Xử phạt vi phạm hành chính

Theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo như là một phương tiện thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

(2) Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, qua đó việc phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định về việc xử lý đối với trường hợp mua bán tiền ảo thông qua các sàn giao dịch điện tử (Ví dụ như dùng tiền mặt để mua Bitcoin và bán Bitcoin để đổi lấy tiền mặt) mà chỉ quy định chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán.

Do đó, đối với việc mua bán tiền ảo bằng tiền mặt thì hiện nay pháp luật vẫn chưa ban hành quy định cấm, nên hoạt động này không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
2077

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn