10/11/2023 19:49

CFS là gì? Quy trình cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thế nào?

CFS là gì? Quy trình cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thế nào?

Tôi muốn hỏi CFS là gì? Quy trình cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thế nào?_Bảo Lâm(Hà Nam)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau;

1. CFS là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thì CFS (viết tắt từ cụm từ Container Freight Station) là giấy chứng nhận lưu hành tự do. Theo đó, giấy chứng nhận lưu hành tự do là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.

Ngoài ra CFS còn một ý nghĩa khác cũng liên quan đến lĩnh vực logistics. Theo đó CFS (Certificate of free sale) là khoản chi phí trong xuất nhập kho khi hàng hóa ra vào kho. Sau khi kho CFS thực hiện các thao tác như nâng hạ hàng hóa, vận chuyển và di chuyển hàng hóa bằng xe nâng ra cảng. Tiếp đó tiến hành đóng hàng vào container. Để thực hiện được nghiệp vụ này, các doanh nghiệp cần thanh toán chi phí mà cảng yêu cầu, phần chi phí được yêu cầu thanh toán này được gọi là chi phí CFS. CFS cũng có thể coi là một hệ thống kho riêng biệt được các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng làm nơi tập kết, gom hoặc tách hàng lẻ từ đó giúp doanh nghiệp gom hàng lẻ từ nhiều nguồn khác nhau, hoặc chia nhỏ, gộp hàng của nhiều chủ hàng vào 1 container để đảm bảo tiết kiệm chi phí khi xuất khẩu. Hoạt động của kho CFS khá giống với các kho, cảng hàng hóa hiện nay.

Như vậy, CFS vừa có nghĩa là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, vừa có nghĩa là trạm, kho container phục vụ xuất nhập khẩu.

2. Cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp nào?

Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 11 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp sau:

- Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý thực hiện cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu theo các quy định sau:

+ Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu về việc cấp CFS cho hàng hóa.

+ Hàng hóa có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

- CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh và phải có tối thiểu các thông tin quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 69/2018/NĐ-CP cụ thể:

+ Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.

+ Số, ngày cấp CFS.

+ Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.

+ Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.

+ Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.

+ Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.

+ Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.

Lưu ý: Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu thương nhân nộp CFS theo mẫu CFS do nước đó quy định, cơ quan cấp CFS dựa trên mẫu được yêu cầu để cấp CFS.

Như vậy, việc cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp thương nhân có yêu cầu cấp CFS cho hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, khi nước nhập khẩu yêu cầu theo mẫu riêng, cơ quan cấp CFS sẽ căn cứ vào mẫu đó để cấp.

3. Quy trình cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thế nào?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định quy trình cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu như sau:

Bước 1. Hồ sơ cấp CFS

- Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến cơ quan cấp CFS, hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị cấp CFS nêu rõ tên hàng, mã HS của hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa: 01 bản chính, thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

+ Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 01 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

+ Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 01 bản chính.

+ Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 01 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

Bước 2. Bổ sung hồ sơ trong trường hợp chưa đầy đủ

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp CFS thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3. Thời hạn cấp CFS

- Thời hạn cấp CFS không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Trường hợp không cấp CFS, cơ quan cấp CFS có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Bước 4. Kiểm tra tại nơi sản xuất khi có dấu hiệu vi phạm

- Cơ quan cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp CFS hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định đối với CFS đã cấp trước đó.

Bước 5. Xác định số lượng CFS được cấp

- Số lượng CFS được cấp cho hàng hóa theo yêu cầu của thương nhân.

Bước 6. Cấp lại hồ sơ khi có yêu cầu

- Trường hợp bổ sung, sửa đổi CFS; cấp lại do mất, thất lạc CFS, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến cơ quan cấp CFS. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan cấp CFS xem xét điều chỉnh, cấp lại CFS cho thương nhân.

Lưu ý: Bộ, cơ quan ngang bộ thu hồi CFS đã cấp trong những trường hợp sau:

- Thương nhân xuất khẩu giả mạo chứng từ, tài liệu.

- CFS được cấp cho hàng hóa mà không phù hợp các tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
11571

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]