Quyết định giám đốc thẩm về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 32/2023/KDTM-GĐT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 32/2023/KDTM-GĐT NGÀY 15/11/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 15/11/2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, mở phiên tòa Giám đốc thẩm xét xử vụ án Kinh doanh-Thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng mua-bán hàng hóa” giữa các đương sự:

1/Nguyên đơn: Công ty cổ phần S;

Địa chỉ: 155/19 Đ, phường X, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

2/Bị đơn:

Công ty cổ phần Đ1.

Địa chỉ: B đường số A, khu B, xã B, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là công ty cổ phần S (công ty S) trình bày yêu cầu khởi kiện như sau:

Công ty S và công ty cổ phần Đ1 (công ty Đ1) ký kết các hợp đồng sau đây:

-Hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012; phụ lục hợp đồng mua bán thép số 01/11/2806/HĐNT-NT ngày 28/04/2014 và hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMBT/2016 ngày 01/01/2016.

Sự việc mua-bán giữa hai bên về số lượng, giá cả, chất lượng, căn cứ theo từng lần nhận hàng cụ thể. Giao dịch giữa hai bên đã diễn ra trong một thời gian dài.

Vào ngày 31/08/2018, công ty Đ1 và công ty S lập biên bản đối chiếu khoản nợ (đối với hợp đồng số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012); công ty Đ1 xác nhận còn nợ số tiền 11.465.761.115 đồng.

Cùng vào ngày 31/08/2018, công ty Đ1 và công ty S lập biên bản đối chiếu khoản nợ (đối với hợp đồng số 02/HĐMBT/2016 ngày 01/01/2016); công ty Đ1 xác nhận còn nợ số tiền 4.751.582.266 đồng.

Sau đó, vào ngày 06/09/2018, công ty Đ1 còn tiếp tục nhập thêm hàng theo hóa đơn số 00145, trị giá là 480.358.744 đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà công ty Đ1 còn nợ công ty S theo cả hai hợp đồng là 11.465.761.115 đồng + 4.751.582.266 đồng + 480.358.744 đồng mua hàng vào ngày 06/09/2018 = 16.697.702.125 đồng.

Sau khi đối chiếu khoản nợ ngày 31/08/2018 của cả 02 hợp đồng, công ty Đ1 đã trả cho công ty S tổng số tiền là 8.071.402.375 đồng, như sau:

-Ngày 31/08/2018, trả 1.000.000.000 đồng (chứng từ giao dịch: giấy báo có của ngân hàng TMCP N-V);

-Ngày 11/09/2018, trả 1.000.000.000 đồng (chứng từ giao dịch: giấy báo có của V);

-Ngày 21/09/2018, trả 500.000.000 đồng (chứng từ giao dịch: giấy báo có của V);

-Ngày 05/10/2018, trả 500.000.000 đồng (chứng từ giao dịch: giấy báo có của V);

-Ngày 06/11/2018, trả 590.840.000 đồng (chứng từ giao dịch: giấy báo có của V);

-Ngày 14/12/2018, trả 480.562.375 đồng (chứng từ giao dịch: giấy báo có của V);

-Ngày 03/02/2019, trả 1.000.000.000 đồng (công văn số 06/CV-NP-2019 ngày 04/06/2019);

-Ngày 22/08/2019, trả 1.000.000.000 đồng (theo bảng sao kê tài khoản của V ngày 18/03/2021);

-Ngày 17/01/2020, trả 1.000.000.000 đồng (theo bảng sao kê tài khoản của V ngày 16/03/2021);

-Ngày 20/01/2020, trả 1.000.000.000 đồng (theo bảng sao kê tài khoản của V ngày 16/03/2021.

Như vậy, công ty Đ1 còn nợ công ty S số tiền là (16.697.702.125 đồng - 8.071.402.375 đồng) = 8.627.285.000 đồng.

Hợp đồng nguyên tắc giao kết giữa hai bên dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận. Theo hợp đồng nguyên tắc, các bên thỏa thuận lãi suất 1,5%/ tháng (tương đương với 18%/năm) và chậm trả 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. Sau khi hai bên cùng thỏa thuận, thì công ty S đã soạn thảo phụ lục hợp đồng ngày 28/04/2014, giảm lãi suất từ 18%/năm xuống 13%/năm; thời hạn chậm trả được tính là 40 ngày.

Sau đó, tại biên bản đối chiếu khoản nợ ngày 31/08/2018, công ty S đã tính giảm lãi suất xuống, chỉ còn 13%/năm, kể từ ngày công ty Đ1 chậm trả (là ngày 09/08/2012) và 7%/năm theo biên bản làm việc ngày 31/10/2017. Vào thời điểm ký hợp đồng (trong những năm 2012, 2013) lãi suất ngân hàng mà bên công ty S phải vay, là rất cao (18%/năm). Khi đối chiếu khoản nợ, công ty S đã phải đưa sổ phụ cho công ty Đ1 xem về lãi suất vay của công ty S.

Vì vậy, công ty S khởi kiện, yêu cầu công ty Đ1 trả ngày khoản nợ là 8.627.285.000 đồng, không yêu cầu tính tiền lãi.

Sau khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, hai bên nhận thấy số liệu đối chiếu trong biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/08/2018 (đối với hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012) có sự nhầm lẫn về số ngày tính lãi. Vì vậy, kế toán của hai bên đã cùng nhau đối chiếu và xác nhận lại số ngày bị chênh lệch là 370 ngày, tương ứng với tiền bị chênh lệch là 175.869.923 đồng.

Để tỏ thiện chí, công ty S còn tính thêm phương án tiếp tục giảm lãi cho công ty Đ1 trong giai đoạn từ ngày 05/02/2016 đến ngày 28/04/2017, từ lãi suất 13%/ năm xuống còn 10,5%/ năm. Căn cứ để tính lãi suất 10,5%/ năm là trong giai đoạn này, công ty S đã tất toán hợp đồng vay với ngân hàng Đ2 nên lãi suất được áp dụng cho công ty Đ1 dựa vào lãi suất của ngân hàng N1 (áp dụng cho các ngân hàng TMCN).

Như vậy, tổng số tiền chênh lệch về ngày tính lãi và cộng lãi suất giảm thêm của Hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012 là 457.458.327 đồng. Do đó, số tiền Công ty Đ1 còn nợ công ty S được xác nhận lại trong biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/08/2018 đối với hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/6/2012, là 11.008.302.788 đồng (số nợ cũ là 11.465.761.115 đồng).

Tổng số tiền mà công ty Đ1 còn nợ công ty S, theo cả hai hợp đồng, là 11.008.302.788 đồng + 4.751.582.266 đồng + 480.358.744 đồng = 16.240.243.798 đồng. Sau khi trừ đi khoản tiền mà công ty Đ1 đã trả sau ngày đối chiếu công nợ 31/08/2018 là 8.071.402.375 đồng, hiện nay công ty Đ1 còn nợ số tiền 8.168.841.423 đồng.

Công ty S vẫn đồng ý giảm số tiền 168.841.423 đồng. Công ty S chỉ yêu cầu công ty Đ1 trả tổng số tiền còn nợ, là 8.000.000.000 đồng, không yêu cầu tính lãi từ khi đối chiếu công nợ cho đến ngày nay.

Đối với yêu cầu của công ty Đ1 về thẩm quyền giải quyết vụ án:

-Công ty S khẳng định rằng việc công ty S lựa chọn Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ án, là phù hợp với ý chí tự nguyện thỏa thuận của các bên theo hợp đồng đã ký kết (nơi bên A- tức là nơi công ty S đặt trụ sở chính giải quyết) và phù hợp với Đ b Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Về thời hiệu khởi kiện, công ty S khẳng định rằng yêu cầu khởi kiện của công ty S vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện được (Điều 319 của Luật Thương mại năm 2005) vì những lý do sau đây:

-Vào ngày 31/08/2018, hai bên tiến hành đối chiếu công nợ của hợp đồng số 2806/HĐNT/NP-2012 và hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMBT/2016 (với số nợ của hai hợp đồng là 16.697.702.125 đồng). Theo biên bản này, hai bên không ấn định cụ thể về thời gian trả nợ;

-Sau khi tiến hành đối chiếu công nợ ngày 31/08/2018, công ty Đ1 đã thực hiện việc trả số tiền 8.071.402.375 đồng (trong đó có 4.000.000.000 đồng tiền lãi) cho công ty S; nội dung trả nợ thể hiện rõ ràng, như “Thanh toán tiền thép” hay “Thanh toán tiền lãi”; ngày thanh toán cuối cùng là ngày 20/01/2020;

-Sau khi trả cho công ty S số tiền 1.000.000.000 đồng vào ngày 20/01/2020, thì kể từ lúc này, công ty Đ1 luôn viện cớ (do dịch bệnh, do khó khăn về tài chính) để không tiếp tục trả nợ. Như vậy, thời hiệu được tính kể từ lần cuối cùng bên công ty Đ1 trả tiền (kể cả tiền gốc hoặc trả lãi chậm thanh toán), tức là ngày 20/01/2020. Kể từ lúc này, quyền và lợi ích hợp pháp của công ty S mới bị xâm phạm;

-Vào ngày 30/03/2021, công ty S nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, là còn trong thời hiệu khởi kiện.

Bị đơn là công ty Cổ phần Đ1 trình bày ý kiến như sau:

Công ty Đ1 và công ty S là bạn hàng lâu năm, đã cùng thực hiện nhiều dự án: công ty Đ1 là nhà thầu thi công xây dựng; công ty S là nhà cung cấp thép cho công ty Đ1.

Số tiền hàng mà công ty S đã cung cấp cho công ty Đ1 lên tới 363.201.343.336 đồng; công ty Đ1 đã thanh toán đủ cho công ty S, tính đến ngày 14/12/2018. Do đặc thù của ngành xây dựng, nên nhà thầu sẽ gặp những khó khăn (như chậm trả, để nợ quá hạn….).

Vào ngày 31/08/2018, công ty S yêu cầu công ty Đ1 xác nhận về khoản nợ giữa hai bên (nợ lãi phát sinh), số tiền là 11.465.761.115 đồng. Vào lúc đó, công ty Đ1 có đề nghị và đã ghi rõ vào biên bản về việc hai bên sẽ thương lượng lại về lãi suất.

Vì dịch bệnh khó khăn (covid19), công ty Đ1 bị mất cân đối tài chính, bị nợ đọng quá hạn cả nguồn thu và nguồn chi. Công ty Đ1 có văn bản đề nghị công ty S chia sẻ khoản tiền nợ lãi; từ ngày 01/02/2019 đến ngày 20/01/2020, công ty Đ1 thương lượng và đã trả tiền lãi được 4.000.000.000 đồng.

Công ty Đ1 xác nhận toàn bộ những chứng cứ về khoản nợ do công ty S cung cấp. Theo các chứng từ này, công ty Đ1 xác nhận khoản nợ 8.627.285.000 đồng theo yêu cầu của Công ty S. Vì gặp khó khăn nên công ty Đ1 đề nghị giảm 50% số tiền nợ.

Công ty Đ1 đề nghị Tòa án xem xét lại về thẩm quyền giải quyết vụ án (theo công ty Đ1, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi công ty Đ1 có trụ sở). Mặc dù khi ký kết hợp đồng, hai bên thỏa thuận rằng Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án nơi công ty S có trụ sở, nhưng sự thỏa thuận như vậy là trái với Đ b Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.

Công ty Đ1 cũng đề nghị Tòa án xem xét về thời hiệu đối với yêu cầu khởi kiện của công ty S về tiền lãi trong hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP- 2012 ngày 28/06/2012 vì những lý do sau đây:

-Sự việc giao-nhận, mua-bán hàng hóa và toàn bộ nợ gốc trong hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012 đã được công ty Đ1 trả xong lần cuối vào ngày 12/02/2018. Tại biên bản đối chiếu khoản nợ ngày 31/08/2018, mặc dù có đóng dấu, ký tên nhưng công ty Đ1 đã ghi thêm dòng chữ “thương lượng lại lãi suất”; điều này được hiểu là công ty Đ1 không đồng ý với lãi suất mà công ty S đưa ra. Như vậy, vào ngày 12/02/2018 khi công ty Đ1 trả hết nợ gốc nhưng không trả tiền lãi theo hợp đồng, thì về mặt pháp luật, ngày 12/02/2018 được xác định là ngày mà công ty S biết (hoặc phải biết) rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm (theo Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015). Thời hiệu khởi kiện của công ty S được tính là 03 năm, kể từ khi tất toán nợ gốc (12/02/2018), không phải kể từ ngày đối chiếu công nợ (31/08/2018).

-Ngày mà công ty S nộp đơn khởi kiện (tại Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh) là ngày 31/03/2021, thì đã quá 03 năm kể từ ngày 12/02/2018;

-Vì công ty Đ1 có ghi chú thêm dòng chữ “thương lượng lại lãi suất” tại biên bản đối chiếu ngày 31/08/2018, nên trường hợp này sẽ không được áp dụng Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đối với số tiền lãi;

-Về số tiền lãi 4.000.000.000 đồng mà công ty Đ1 đã trả cho công ty S sau khi đối chiếu nợ vào ngày 31/08/2018, đây là việc công ty Đ1 thể hiện sự thiện chí của mình, không mang ý nghĩa là công ty Đ1 đã đồng ý trả lãi cho công ty S. Vì vậy, trường hợp này không được xem là “bên có nghĩa vụ thừa nhận và thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện” để từ đó, tính lại thời hiệu khởi kiện theo Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

-Đối với số tiền 4.000.000.000 đồng mà công ty Đ1 đã ứng trước cho công ty S, thì công ty Đ1 bảo lưu quyền yêu cầu trong một vụ án khác.

Do đó, công ty Đ1 đề nghị Tòa án bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của công ty S đối với khoản tiền lãi ghi nhận trong biên bản đối chiếu nợ ngày 31/08/2018 đối với hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012.

Đối với hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMBT/2016, công ty Đ1 cho rằng yêu cầu khởi kiện của công ty S là còn thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, công ty Đ1 chỉ đồng ý trả số tiền lãi 1.161.523.885 đồng theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/08/2018 khi nào công ty S xuất trình được bảng kê của từng hóa đơn giá trị gia tăng, thời hạn thanh toán chậm của từng hóa đơn, lãi suất áp dụng.

Tại bản án Kinh doanh-Thương mại sơ thẩm số 1849/2022/KDTM-ST ngày 09/09/2022, Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử như sau:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần S. Buộc Công ty Cổ phần Đ1 phải thanh toán cho Công ty Cổ phần S tổng số tiền còn nợ của Hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/6/2012;

Phụ lục hợp đồng mua bán thép số 01/11/2806/HĐNT-NP ngày 28/4/2014 và Hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMBT/2016 ngày 01/01/2016 là 8.000.000.000 đồng, số tiền 8.000.000.000 đồng được trả làm một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày Công ty S có đơn yêu cầu thi hành án mà Công ty Đ1 chưa trả nợ thì Công ty Cổ phần Đ1 còn phải trả thêm tiền lãi theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Vào ngày 23/09/2022, công ty Đ1 có đơn kháng cáo, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm nói trên của Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại bản án Kinh doanh-Thương mại phúc thẩm số 433/2023/KDTM-PT ngày 11/04/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử như sau:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần Đ1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần S. Buộc Công ty Cổ phần Đ1 phải thanh toán cho Công ty Cổ phần S tổng số tiền còn nợ của Hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/6/2012;

Phụ lục hợp đồng mua bán thép số 01/11/2806/HĐNT-NP ngày 28/4/2014 và Hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMBT/2016 ngày 01/01/2016 là 8.000.000.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

Vào ngày 05/07/2023, công ty Đ1 có đơn yêu cầu xem xét lại bản án phúc thẩm nói trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại quyết định số 270/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 17/10/2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị bản án phúc thẩm nói trên, đề nghị Ủy ban Thẩm phán-Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy bản án phúc thẩm và hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại; lý do như sau:

-Vào ngày 31/08/2018, công ty S và công ty Đ1 ký kết các biên bản đối chiếu những khoản tiền còn nợ phát sinh từ giao dịch mua-bán (thép) giữa hai bên với nhau. Cho đến ngày 31/03/2021, công ty S mới có đơn khởi kiện, đòi công ty Đ1 phải trả tiền (theo biên bản đối chiếu nợ), là đã hết thời hiệu khởi kiện.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Thẩm phán-Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]Công ty Cổ phần S (gọi là công ty S) và công ty Cổ phần Đ1 (gọi là Công ty Đ1) xác nhận rằng việc ký kết hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012 và hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMBT/2016 ngày 01/01/2016 là hoàn toàn tự nguyện, không trái đạo đức xã hội và phù hợp với quy định pháp luật; đây là chứng cứ không phải chứng minh theo Khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

[2]Công ty Đ1 cũng thừa nhận rằng tại Mục 5.4 Điều 5 của hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012 và Mục 5.3 Điều 5 của hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMBT/2016 ngày 01/01/2016, hai bên đều thỏa thuậnnhư sau: “Trong trường hợp hai bên không tự giải quyết được thì vụ việc sẽ do Tòa án nơi Bên A đặt trụ sở chính giải quyết”.

Trụ sở của công ty S đặt tại quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh thụ lý, giải quyết vụ án này, là đúng với sự thỏa thuận của hai bên đương sự và đúng theo Điểm b Khoản 1 Điều 35; Điểm b Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện theo lãnh thổ.

[3]Công ty Đ1 cho rằng hai bên đã đối chiếu khoản tiền còn nợ vào ngày 31/08/2018. Nhưng đến ngày 31/03/2021, công ty S mới khởi kiện, là đã hết thời hiệu khởi kiện (theo Điều 319 của Luật Thương mại năm 2005).

Xét thấy ý kiến nói trên của công ty Đ1 là không đúng pháp luật; lý do như sau:

-Biên bản đối chiếu những khoản tiền còn nợ, do công ty S và công ty Đ1 ký kết vào ngày 31/08/2018, không thỏa thuận về thời hạn sau cùng phải trả nợ;

-Sau khi công ty S và công ty Đ1 ký biên bản đối chiếu khoản tiền còn nợ vào ngày 31/08/2018 (đối với hợp đồng nguyên tắc số 2806/HĐNT/NP-2012 ngày 28/06/2012 và hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMBT/2016 ngày 01/01/2016), thì phía công ty Đ1 vẫn tiếp tục trả tiền nợ gốc và trả tiền lãi cho công ty Đ1, liệt kê như sau:

-Ngày 31/08/2018, trả 1.000.000.000 đồng;

-Ngày 11/9/2018, trả 1.000.000.000 đồng;

-Ngày 21/9/2018, trả 500.000.000 đồng;

-Ngày 05/10/2018, trả 500.000.000 đồng;

-Ngày 06/11/2018, trả 590.840.000 đồng;

-Ngày 14/12/2018, trả 480.562.375 đồng.

(tất cả số tiền trên là do công ty Đ1 trả tiền mua thép cho công ty S).

-Ngày 01/02/2019, trả 1.000.000.000 đồng;

-Ngày 22/08/2019, trả 1.000.000.000 đồng;

-Ngày 17/01/2020, trả 1.000.000.000 đồng.

-Ngày 20/01/2020, trả 1.000.000.000 đồng.

(tất cả số tiền trên là do công ty Đ1 trả tiền lãi cho công ty S).

[4[Như vậy, sau khi ký kết biên bản ngày 31/08/2018 để đối chiếu những khoản tiền còn nợ giữa hai bên, công ty Đ1 vẫn tiếp tục trả tiền (tiền vốn và tiền lãi) cho công ty S, cho đến ngày 20/01/2020 là kỳ hạn sau cùng.

Do đó, vào ngày 31/03/2021, công ty S có đơn khởi kiện công ty Đ1 (để đòi nợ), là vẫn còn thời hiệu khởi kiện, chiếu theo Điểm b Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 319 của Luật Thương mại năm 2005.

Như vậy, Tòa án cấp Giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 325; Điều 334; Điều 337; Điều 342; Điều 343; Điều 348 và Điều 349 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

1/Không chấp nhận kháng nghị số 270/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 17/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giữ nguyên bản án Kinh doanh-Thương mại phúc thẩm số 433/2023/KDTM-PT ngày 11/04/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua-bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần S; bị đơn là công ty Cổ phần Đ1.

2/Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

88
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Quyết định giám đốc thẩm về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 32/2023/KDTM-GĐT

Số hiệu:32/2023/KDTM-GĐT
Cấp xét xử:Giám đốc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 15/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về