TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ DĨ AN, TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 40/2020/DS-ST NGÀY 20/07/2020 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 20 tháng 07 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 92/2019/TLST-DS ngày 20 tháng 3 năm 2019 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 61/2020/QĐXXST-DS ngày 24 tháng 6 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 53/2020/QĐST-DS ngày 11 tháng 7 năm 2020, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đức Th, sinh năm 1950 và bà Ngô Thị Kim T, sinh năm 1962; cùng địa chỉ: Số A đường số B, khu T, khu phố N, phường D, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đặng Minh Th - Luật sư Công ty Luật TNHH MTV Đặng Minh thuộc đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.
- Bị đơn:
1. Ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1960; thường trú: Số A khu phố B, phường A, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
2. Anh Phạm Quốc V, sinh năm 1983; thường trú: Số B khu phố T, phường Đ, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Nguyễn Viết D, sinh năm 1982; địa chỉ: Số C khu phố B, phường A, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
2. Anh Lê Quốc B, sinh năm 1984; địa chỉ: Số A đường số B, khu T, khu phố N, phường D, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
3. Chị Nguyễn Thị Ngọc Q, sinh năm 1981; địa chỉ: Số C khu phố B, phường A, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có yêu cầu giải quyết vắng mặt.
Những người tham gia tố tụng khác:
- Người làm chứng:
1. Bà Mai Thị Th, sinh năm 1960; thường trú: Số A khu phố B, phường A, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương; chỗ ở: Số B khu phố T, phường Đ, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
2. Bà Lương Thị Th, sinh năm 1955; địa chỉ: Số C (số mới 125 đường A), khu phố B, phường A, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
3. Anh Phạm Chánh T, sinh năm 1984; địa chỉ: Số A khu phố T, phường Đ, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
4. Bà Nguyễn Thị Bạch T, sinh năm 1954, địa chỉ: Ấp Th, xã Th, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (không triệu tập).
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện ngày 15/12/2017, đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 05/4/2018 của ông Nguyễn Đức Th; đơn khởi kiện ngày 07/01/2019 của bà Ngô Thị Kim T, quá trình tiến hành tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Nguyễn Đức Th trình bày: Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 14/7/2016 ông đi công việc về tới nhà thì thấy ông Phạm Văn Đ (nhà kế bên) đang đổ bê tông nâng cấp hành lang và cán bê tông ra ngoài đường cao hơn các nhà phía trong bao gồm cả nhà ông. Ông góp ý với ông Đ là muốn làm thì phải nhìn tổng thể xung quanh, còn làm như ông Đ thì chắn dòng nước chảy. Sau khi ông Th nói như vậy thì hai bên xảy ra xô xát, anh V chạy đến đánh ông, ông lùi để tránh anh V đánh thì bị ngã vào đống cây mía và bị anh V tiếp tục ngồi lên người, đánh vào mặt làm ông bất tỉnh. Bà T (vợ ông) thấy vậy ra can ngăn thì bị ông Đ cầm cây đánh vào người, lúc đó có một người thanh niên phụ giúp gia đình ông Đ đổ bê tông cũng cầm khúc cây đánh bà T. Sau đó ông Th được người dân đưa lên Công an phường An Bình trình báo và ông, bà được đưa đến bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo để cấp cứu điều trị. Thời gian ông Th điều trị tại bệnh viện Hoàn Hảo là 07 ngày (từ ngày 15/7/2016 đến ngày 21/7/2016); thời gian điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương là 06 ngày (từ ngày 21 đến ngày 26/7/2016); thời gian điều trị tại Bệnh viện Quân đoàn IV là 17 ngày (từ ngày 02/8/2016 đến ngày 19/8/2016), tổng cộng thời gian nằm viện là 30 ngày. Thời gian bà T điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 01 ngày, thời gian điều trị tại Bệnh viện Quân đoàn 4 là 21 ngày (từ ngày 15/7/2016 đến 05/8/2016).
Ngày 16,25,26/8/2016 ông, bà đi giám định tỷ lệ thương tật theo yêu cầu của Cơ quan Điều tra Công an thành phố Dĩ An và ngày 12/9/2016, ông, bà được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Dĩ An thông báo kết quả giám định tỷ lệ thương tích, cụ thể: kết quả của ông Th là không định tỷ lệ cho chấn thương vùng đầu, ngực hiện không để lại sẹo, không để lại di chứng và không ảnh hưởng chức năng; kết quả giám định của bà T tỷ lệ thương tật là 1% và hướng dẫn ông bà làm thủ tục khởi kiện tại Tòa án. Vì vậy, ông, bà khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Phạm Văn Đ, ông Phạm Quốc V bồi thường cho ông, bà số tiền 162.047.773 đồng bao gồm các khoản sau:
1. Chi phí cứu chữa tại các bệnh viện:
+ Hóa đơn tại Bệnh viện đa khoa Hòan Hảo: của ông Th 3.081.000đ, của bà T: 1.494.000đ; chi phí xe đi lại của ông Th 300.000đ; xe chuyển viện của bà T: 900.000đ;
+ Hóa đơn tại Bệnh viện Chợ Rẫy của bà T: 1.225.811đ;
+ Hóa đơn tại Bệnh viện Quân đoàn 4 của bà T: 5.289.762đ;
2. Chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm sút gồm:
+ Tiền ăn các bữa chính, tiền nước, vệ sinh:
- Của ông Th: 5.400.000đ (30 ngày x 180.000đ);
- Của bà T: 4.140.000đ (23 ngày x 180.000đ) + Tiền bữa ăn phụ: 4.897.200đ, trong đó:
- Của ông Th: 2.772.000 đồng (2chai sữa Ensure x 46.200đ x 30 ngày) - Của bà T: 2.125.200đ (2chai sữa Ensure x 46.200đ x 23 ngày);
3. Tiền thuốc bổ uống phục hồi sức khỏe của ông Th 675.000đ và của bà T là 675.000đ.
4. Chi phí của người chăm sóc:
+ Tiền chăm sóc và phục vụ: 53.000.000đ trong đó:
- Ông Th: 30.000.000đ (1.000.000đ/ngày x 30 ngày);
- Bà T: 23.000.000đ (1.000.000đ/ngày x 30 ngày);
+ Tiền đi lại chăm sóc phục vụ (tiền xăng, gửi xe): 4.240.000đ, trong đó:
- Của ông Th: 2.400.000đ (80.000đ/ngày x 30 ngày);
- Của bà T 1.840.000đ (80.000đ/ngày x 30 ngày).
5. Tiền bồi thường tổn thất tinh thần cho ông Th 36.000.000 đồng, cho bà T 33.630.000đ.
6. Tiền chở đi giám định (03 lần) 2.100.000 đồng.
7. Tiền thu nhập thực tế bị mất một tháng của bà T: 5.000.000đ.
- Nguyên đơn bà Ngô Thị Kim T trình bày: Thống nhất toàn bộ với lời trình bày của ông Th.
- Tại bản tự khai ngày 12 tháng 01 năm 2018, biên bản lấy lời khai ngày 10/6/2019, quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, bị đơn ông Phạm Văn Đ trình bày: Do phía trước cửa và con hẻm bên hông nhà ông thường xuyên bị ngập nước nên ngày 14/7/2016, ông nâng nền mặt tiền nhà và làm con lươn chắn ngang đường hẻm để ngăn không cho nước chảy vào hẻm. Khi ông và con trai (Phạm Quốc V) đang nâng tấm đan (của ống cống công cộng phía trước cửa nhà ông) để xây nâng miệng cống lên thì có người thanh niên (không rõ nhân thân, lai lịch) đến nói phụ làm cùng. Trong lúc đang làm, khoảng 11 giờ thì ông Th (là hàng xóm) đi đâu về thấy ông cán nền cao hơn nhà ông Th, ông Th có nói cán cao như vậy nước tràn vào nhà ông Th không thoát được, ông giải thích nhưng ông Th không đồng ý mà lăng mạ, chửi rủa ông. Ông yêu cầu ông Th đi về nhưng ông Th không chịu mà vẫn đứng chửi, khi đó trong tay ông đang cầm cây chổi quét hồ, ông giơ lên để xua ông Th về, ông Th tưởng ông đánh ông Th nên đã chạy vào chỗ để cây mía của quán nước mía và cầm khúc mía định đánh ông Đ. Thấy vậy anh V (con ông) vào can ngăn, làm ông Th ngã vào đống mía, bà T (vợ ông Th) đang ở trong nhà nghe to tiếng nên bà T cầm cây chạy ra, vừa chạy vừa chửi. Lúc đó có cây điếu cày bên cạnh chỗ ông đứng ông đã lấy điếu cày giơ lên để hù dọa bà T, bà T lấy tay gạt ra nên trúng vào tay. Người thanh niên phụ làm hồ có lên tiếng với bà T thì bị bà T chửi nên người thanh niên xông vào dùng cây giơ lên đánh bà T, ông thấy vậy đến đẩy người thanh niên ra nhưng do vẫn còn đà với tay của người thanh niên nên khúc cây trúng vào trán của bà T. Sau đó gia đình ông đuổi người thanh niên đó về cũng chưa kịp hỏi nhân thân, lai lịch của người thanh niên đó, còn ông Th, bà T lên công an phường trình báo sự việc. Ông khẳng định không đánh gây thương tích cho ông Th, bà T nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Bị đơn anh Phạm Quốc V trình bày: Thống nhất với phần trình bày của ông Đ và bổ sung thêm, lúc bà T bị thương anh V không nhìn thấy và không biết ai đánh bà T vì lúc đó anh V đang giằng co với ông Th ở đống cây mía.
- Tại bản tự khai ngày 07 tháng 3 năm 2018, biên bản lấy lời khai ngày 22/6/2020, quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Viết D trình bày: Ngày 14/7/2016, anh D nghe tin bố mẹ vợ của anh bị gia đình ông Đ đánh phải nhập viện, lúc này anh đang kinh doanh quán cà phê nhưng phải đóng cửa tạm thời 03 ngày, sau đó anh thuê quản lý để làm việc tại quán cà phê trong thời gian từ ngày 17/7/2016 đến ngày 13/8/2016 với số tiền 10.000.000 đồng, đồng thời doanh thu của quán trong thời gian anh không trực tiếp quản lý quán (do phải đi chăm sóc người bệnh) bị thiệt hại 1.000.000 đồng/ngày. Vì vậy, bố mẹ anh yêu cầu ông Đ, anh V bồi thường chi phí thu nhập thực tế của người đi chăm sóc 1.000.000 đồng/ngày, anh đồng ý. Đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đề nghị Tòa án căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết.
- Tại biên bản lấy lời khai ngày 14/7/2020, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lê Quốc B trình bày: Anh thống nhất với lời trình bày của ông Th, bà T và anh D. Anh không chứng kiến việc cãi nhau, xô xát nhưng anh nghe bố, mẹ anh kể lại và anh chính là người làm đơn khởi kiện cho ông Th, bà T. Trong thời gian ông Th, bà T nằm viện anh có chăm sóc ông Th, bà T nhưng do anh làm nghề tự do không chứng minh được thu nhập nên anh không yêu cầu tính chi phí thu nhập bị mất trong thời gian chăm sóc ông Th, bà T. Anh không yêu cầu tiến hành lại các bước tố tụng mà tòa án đã giải quyết như tiếp cận công khai chứng cứ, hòa giải, không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì, không yêu cầu triệu tập thêm người vào tham gia tố tụng trong vụ án.
- Tại bản tự khai ngày 17/7/2020, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị Ngọc Q trình bày: Chị là người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nhưng thực tế chị không quản lý việc kinh doanh mà do chồng chị là anh Nguyễn Viết D trực tiếp kinh doanh, quản lý. Chị thống nhất với lời khai của ông Th, bà T, anh D và không bổ sung gì thêm. Chị không yêu cầu tiến hành lại các bước tố tụng mà tòa án đã giải quyết như tiếp cận công khai chứng cứ, hòa giải, không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì, không yêu cầu triệu tập thêm người vào tham gia tố tụng trong vụ án.
- Tại biên bản lấy lời khai ngày 15/4/2020, người làm chứng bà Mai Thị Th trình bày: Trưa ngày xảy ra sự việc xô xát, bà đang nấu ăn trưa thì nghe tiếng ồn áo ở trước sân nhà bà, bà chạy ra thì thấy bà T chửi bới gia đình bà, anh V (con bà) đang đẩy ông Th về phía nhà ông Th, ông Th đi giật lùi nên bị ngã vào đống ngọn mía, anh V cũng bị ngã vào đống mía. Lúc này bà T đang đứng ở đó trên tay cầm cây mía và chửi gia đình bà. Bà lên tiếng nói “Thôi bỏ đi” nhưng không ai nghe. Bà nghe mọi người nói qua nói lại nhưng không rõ chỉ nghe người thanh niên nói là “người ta làm cao hơn nhà cô thì cô lại láng cao hơn nhà người ta”, khi người thanh niên nói xong thì bà T chửi, mắng người thanh niên, do bị xúc phạm nên người thanh niên này cầm khúc cây giơ lên định đánh bà T nhưng được bà và chồng bà là ông Đ can ngăn nhưng do người thanh niên này cao hơn nên khúc cây đã chạm vào đầu bà T. Buổi chiều bà có vào viện thăm bà T, bà mang theo sữa và 1,5 triệu đồng để hỗ trợ bà T tiền thuốc nhưng bà T không đồng ý cho bà vào thăm, không nhận tiền và sữa nên bà mang về. Từ đó đến khi bà T ra viện gia đình bà cũng không đi thăm bà T, ông Th.
- Tại biên bản lấy lời khai ngày 15/4/2020, người làm chứng bà Lương Thị Th trình bày: Bà có chứng kiến việc gia đình ông Đ nâng nền phía trước cửa nhà và làm con lươn chắn ngang đường hẻm để ngăn không cho nước chảy vào đường hẻm (vì bên hông nhà ông Đ có con hẻm bị ngập nước nên tiện thể nâng nền nhà ông Đ làm con lươn luôn) nhưng bà không chứng kiến việc xô xát giữa gia đình ông Th với gia đình ông Đ. Khi bà đang trồng hoa trước nhà nghỉ do bà làm chủ thì thấy ông Đ, anh V nâng tấm đan của nắp cống công cộng trước cửa nhà của ông Đ, do tấm đan nặng bà đề nghị được nhấc lên nhưng ông Đ không đồng ý vì nó rất nặng, vừa lúc đó có người thanh niên đi bộ trên đường thấy vậy mới vào phụ cùng và làm giúp cho ông Đ. Bà xác định người thanh niên đó không phải là người quen của gia đình ông Đ mà chỉ là người đi đường.
- Tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng anh Phạm Chánh T trình bày: Khoảng trưa một ngày của tháng 7 năm 2016, lúc đó anh đang trực ban tại công an phường An Bình thì nhận được tin báo từ tổ dân phố về việc xô xát giữa 2 hộ dân là hộ ông Phạm Văn Đ và ông Nguyễn Đức Th. Sau khi nhận được tin báo anh có xuống hiện trường lập biên bản sự việc, ghi lời khai của bà T, sau đó đến bệnh viện Hoàn Hảo ở Cầu vượt Linh Xuân để lấy lời khai của ông Th và quay về lấy lời khai của ông Đ, ông V. Còn sự việc xảy ra ở bệnh viện Hoàn Hảo theo như lời trình bày của bà Th (vợ ông Đ) thì anh không nhớ vì sự việc xảy ra cũng đã lâu và anh cũng tiếp xúc với nhiều vụ việc ở khu vực nên không nhớ được chính xác.
Còn nội dung sự việc cụ thể xảy ra như thế nào bản thân anh không chứng kiến mà chỉ biết được thông qua lấy lời khai của các đương sự. Đến nay thì chi tiết các lời khai của đương sự anh cũng không nhớ rõ vì thời gian cũng đã lâu, đề nghị Tòa án trích sao hồ sơ hình sự bên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Dĩ An để nắm rõ tình hình.
- Tại đơn xin xác nhận lời khai của người làm chứng Nguyễn Thị Bạch T:
Thống nhất với lời khai của nguyên đơn ông Th, bà T.
- Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Trong biên bản lấy lời khai ngày 14, 15/7/2016 tại Cơ quan Điều tra Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương ông Đ, anh V đều thừa nhận có đánh bà T, ông Th và việc ông Đ, anh V đánh ông Th, bà T có gây ra thương tích theo kết luận giám định thương tích. Sự việc đánh nhau diễn ra liên tục, có mối quan hệ nhân quả với nhau, có thiệt hại xảy ra, cụ thể: Ông Th, bà T là người lớn tuổi mà bị đánh nên ảnh hưởng rất nặng nề về tinh thần, sau khi xảy ra sự việc đó khiến ông Th, bà T không thể chung sống cùng con phố với gia đình ông Đ và bà con hàng xóm láng giềng vì xấu hổ nên phải bán nhà đi nơi khác ở. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát:
Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại Điều 203 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tại phiên tnòa Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc xét xử sơ thẩm vụ án.
Nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Về nội dung: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án nhận thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận một phần gồm tiền chi phí viện phí có hóa đơn chứng từ, tiền thu nhập thực tế bị mất của bà T, tiền chi phí thuê xe, tiền ăn bữa chính và tiền bồi thường tổn thất tinh thần tương đương với 4 tháng lương tối thiểu tại thời điểm xét xử sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét quyết định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An nhận định:
[1] Về tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lê Quốc B, chị Nguyễn Thị Ngọc Q, người làm chứng bà Mai Thị Th, bà Lương Thị Th, anh Phạm Chánh T có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt. Căn cứ Điều 228, 229 Bộ luật Tố tụng Dân sự Tòa án giải quyết vắng mặt những người có tên trên.
[2] Đương sự tham gia tố tụng: theo lời trình bày của các đương sự người gây thương tích cho bà Ngô Thị Kim T là người thanh niên phụ hồ cho gia đình ông Đ lúc trưa ngày 14/7/2016. Tòa án đã ra Thông báo yêu cầu cung cấp chứng cứ số 55/2019/TB-TA ngày 23/4/2019, yêu cầu các đương sự cung cấp thông tin họ, tên, địa chỉ của người thanh niên để đưa họ vào tham gia tố tụng. Tuy nhiên các đương sự không cung cấp được thông tin của người thanh niên đã đánh bà T nên Tòa án không thể đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án này.
[3] Tòa án đã triệu tập các đương sự để tiến hành đối chất, tại buổi đối chất ngày 12/5/2020, các đương sự đều có ý kiến từ chối đối chất nên Tòa án không tiến hành đối chất được, Tòa án lập biên bản để làm căn cứ giải quyết vụ án (BL số 390).
[4] Về nội dung: Nguyên đơn ông Th, bà T, bị đơn ông Đ, anh V đều xác định người thanh niên làm giúp nhà ông Đ trong ngày xảy ra xô xát là người gây thương tích nơi vùng trán của bà T, thương tích tại cánh tay của bà T là do ông Đ cầm cây điếu cày giơ lên, bà T đưa tay ra đỡ nên bị thương. Đây là tình tiết được các đương sự thừa nhận nên thuộc tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng Dân sự.
[5] Nguyên đơn ông Th, bà T khởi kiện yêu cầu bị đơn ông Đ, anh V bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tổn thất về tinh thần tổng cộng số tiền 162.047.773 đồng, bị đơn không đồng ý bồi thường vì bị đơn cho rằng không gây thương tích cho nguyên đơn.
[6] Nhà ông Th, bà T và nhà ông Đ, anh V có quan hệ hàng xóm, hai nhà giáp ranh nhau. Sáng ngày 14/7/2016 nhà ông Đ gồm có ông Đ, anh V và một người thanh niên phụ hồ cho nhà ông Đ đổ bê tông trước cửa nhà mình nhưng đổ cao hơn phía nhà ông Th làm ngăn dòng chảy thoát nước nhà ông Th, ông Th có góp ý, hai bên lời qua tiếng lại nên đã xảy ra xô xát. Ông Th, bà T đã trình báo sự việc lên Công an và đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, bà T đã có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã đình chỉ giải quyết vụ án hình sự theo Quyết định đình chỉ điều tra vụ án Hình sự số 05 ngày 29/10/2019 nên Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án. Theo đơn trình báo (BL số 85), đơn khởi kiện (BL số 01, 02, 286) của ông Th, bà T thể hiện: ông Th, bà T bị ông Đ, anh V và một người cháu của ông Đ xông vào đánh. Ông Đ cầm cây đánh vào tay, cháu của ông Đ cầm cây đánh vào đầu bà T, ông Th thì bị anh V đẩy ngã vào đống mía. Những lời khai này của ông Th, bà T cũng phù hợp với lời trình bày của ông Đ, anh V, bà Thanh về sự việc xảy ra xô xát, cụ thể: Tại các bút lục số 65, 68, 316 và 344, ông Đ, anh V, bà Th đều khai: khi ông Th mắng ông Đ về việc đổ xi măng nâng nền trước cửa nhà cao hơn nhà ông Th thì hai bên xảy ra cãi nhau, lúc đó tay ông Đ đang cầm cây chổi quét xi măng, ông Đ đã giơ cây chổi lên quơ quơ vào ông Th, anh V can ngăn và đẩy ông Th ngã vào đống mía. Còn bà T đang ở trong nhà thấy ồn ào chạy ra lớn tiếng chửi gia đình ông Đ, chửi người thanh niên thì bị ông Đ cầm cái điếu cày giơ lê dọa, để tự vệ bà T lấy tay gạt ra nên bị thương tích, người thanh niên cầm cây đánh vào đầu bà T nhưng do có bà Thanh, ông Đ can ngăn đẩy ra nên cái cây đánh trúng vào mắt bà T. Các lời khai này của các đương sự cũng phù hợp với kết quả giám định pháp y về thương tích của bà T thể hiện vật gây thương tích cho bà T là vật tày. Anh V, ông Đ trình bày anh V không đánh ông Th nhưng tại Biên bản lấy lời khai ngày 15/7/2016 (BL 65) và ngày 03/8/2016 (BL 45) anh V khai: “..khi ông Th ngã giữa anh và ông Th có giằng co, anh có dùng tay đấm vào mặt, vào người ông Th” và khi giằng co anh V có dùng tay quơ qua quơ lại nhưng không biết có trúng ông Th không. Lời khai này của anh V cũng phù hợp lời khai của ông Th và phù hợp với kết luận giám định về vật gây thương tích cho ông Th là vật tày. Mặc dù thương tích của ông Th không định tỷ lệ nhưng có chấn thương vùng đầu, ngực. Từ những phân tích trên cho thấy hành vi của ông Đ, anh V và người thanh niên diễn ra liên tục đã gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cho ông Th bà T. Vì vậy, ông Th, bà T yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe tinh thần là có căn cứ chấp nhận.
[7] Ông Th, bà T yêu cầu ông Đ, anh V phải bồi thường tổng số tiền 162.047.773đ. Xét, theo hướng dẫn tại mục 1 Phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm có thiệt hại về sức khỏe, tổn thất về tinh thần. Như vậy các khoản chi phí như tiền viện phí: 11.090.573đ, chi phí thuê xe chở đi cấp cứu, đi giám định: 3.000.000đ; chi phí mua thuốc bổ cho ông Th 675.000đ, tổng cộng là 14.765.573đ có hóa đơn, chứng từ thể hiện ở các bút lục số 135, 136, 139, 301, 302, 303, 304 là những chi phí hợp lý cần được bồi thường.
[8] Trong đơn khởi kiện bà T yêu cầu bồi thường chi phí là tiền thu nhập thực tế của bà T bị mất do bà T phải nằm viện không trông trẻ được là 5.000.000đ và bà T cung cấp cho Tòa án chứng cứ là Hợp đồng lao động (giúp việc nhà và chăm em bé –BL299), tại phiên tòa bà T trình bày cháu ngoại của bà còn nhỏ hàng tháng bà giữ cháu và được các con (vợ chồng anh B) gửi phí trông con mỗi tháng 3.000.000 đồng. Xét, bà T có cháu ngoại sinh ngày 21 tháng 8 năm 2014, cháu còn nhỏ bố, mẹ đi làm nên cần bà trông giữ và hàng tháng vợ chồng anh B chi trả cho bà số tiền 3.000.000đ nhưng trong thời gian từ ngày 14/7/2016 đến ngày 05/8/2016 bà T phải nằm viện điều trị và thời gian sau đó phải nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, không trực tiếp trông cháu nên không nhận được số tiền này. Vì vậy, yêu cầu bồi thường số tiền 3.000.000đ của bà T là có cơ cở chấp nhận.
[9] Đối với số tiền thu nhập thực tế bị mất của anh Nguyễn Viết D do phải chăm sóc ông Th, bà T với số tiền yêu cầu bồi thường là 53.000.000đ và ông Th, bà T cung cấp cho Tòa án Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tên chủ hộ Nguyễn Thị Ngọc Q, giấy chứng nhận kết hôn giữa anh Nguyễn Viết D với chị Nguyễn Thị Ngọc Q cùng bảng kê doanh thu thời gian trước và sau khi anh D đi chăm sóc ông Th, bà T. Xét, thời gian nằm viện của ông Th từ ngày 15/7/2016 đến ngày 19/8/2016, thời gian nằm viện của bà T từ ngày 14/7/2016 đến ngày 05/8/2016, như vậy ông Th, bà T có thời gian nằm viện trùng nhau, doanh thu của người chăm sóc bị giảm sút một ngày 1.000.000đ nhưng lại yêu cầu bồi thường mỗi người 1.000.000đ/ngày, tổng cộng 2.000.000đ/ngày là không hợp lý. Thêm nữa, theo thông tin trong Công văn số 3747/CCT-LP2 ngày 15/7/2020 của Chi cục Thuế quận Thủ Đức cung cấp cho Tòa án thể hiện “Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngọc Q kê khai nộp thuế khoán năm 2016 với tổng doanh thu dưới 100.000.000 đồng/năm, do đó không phải nộp thuế giá trị gia tăng….”, vì vậy, không có căn cứ xác định thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cho ông Th, bà T là 1.000.000đ/ngày. Theo Công văn số 3747/CCT-LP2 ngày 15/7/2020 của Chi cục Thuế quận Thủ Đức chỉ có có căn cứ xác định mức thu nhập của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngọc Q khoảng 100.000.000 đồng/1 năm, bình quân một tháng là 8.333.000 đồng, như vậy chỉ có cơ cở chấp nhận mức thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cho ông Th, bà T là 8.333.000đồng.
[10] Ngoài ra ông Th, bà T còn yêu cầu bồi thường các khoản chi phí không có chứng từ trong thời gian chữa trị bao gồm tiền 3 bữa ăn chính của hai ông bà là 9.540.000đ (mỗi ngày 180.000đ, 2 người 53 ngày); tiền uống sữa bồi dưỡng sức khỏe hai người là 4.897.200đ (92.400/ngày x 53 ngày); tiền chi phí đi lại (xăng xe, gửi xe): 4.240.000đ. Xét, chi phí ăn uống 3 bữa chính của ông Th, bà T tại thời điểm điều trị là hợp lý với mức sống tại địa phương nên chấp nhận. Đối với chi phí uống sữa ensure của hai ông, bà, chi phí mua thuốc bổ 675.000 đồng của bà T là không có cơ sở chấp nhận theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì không có sự chỉ định của bác sĩ và không có hóa đơn, chứng từ mua thuốc, số tiền 300.000 đồng chi phí thuê xe đi từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (BV 512 giường) về phường An Bình, Dĩ An nhưng không để ngày tháng nên không thể xác định có phải đi về trong thời gian điều trị hay không nên không có cơ sở chấp nhận. Đối với tiền xăng xe đi lại chăm sóc ông bà: ông Th nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương 06 ngày từ ngày 21/7 đến ngày 26/7/2016, chi phí xăng xe đi lại một ngày 80.000, thành tiền là 480.000đồng là hợp lý vì khoảng cách từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương về nhà anh D ở phường An Bình tương đối xa; thời gian ông Th nằm điều trị tại Bệnh viện Quân đoàn IV và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo là 24 ngày, bà T điều trị tại Bệnh viện Quân đoàn IV là 20 ngày, khoảng cách đi lại từ nhà anh D tới các Bệnh viện này gần bằng ½ quãng đường lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nên chỉ có cơ sở chấp nhận mức xăng xe là 40.000đồng/ngày, thành tiền là 1.760.000đ. Như vậy, số tiền xăng xe đi lại được chấp nhận là 2.240.000đồng.
[11]. Đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại tinh thần cho ông Th 36.000.000 đồng, cho bà T 33.630.000đ. Xét, ông Th, bà T là người lớn tuổi lại bị hành hung, bà T bị thương tích là 1%, nên cũng ảnh hưởng đến tinh thần của ông Th, bà T, cụ thể: ông, bà xấu hổ với hàng xóm láng giềng, mâu thuẫn căng thẳng giữa hai gia đình sống giáp ranh với nhau khiến ông Th, bà T không thể chung sống cạnh gia đình ông Đ, không dám nói chuyện với hàng xóm mà phải bán nhà, chuyển đến nơi ở mới. Sự việc xảy ra đã lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết do không truy tìm được người thanh niên gây thương tích cho bà T, gia đình ông Đ cũng không có thiện chí bồi thường những tổn thất đã gây ra cho ông Th, bà T nên ông, bà cũng có những ức chế về tinh thần. Tuy nhiên với mức bồi thường mà ông Th, bà T yêu cầu là quá cao và việc ông Th, bà T bị gây thương tích cũng có một phần lỗi của chính ông Th, bà T. Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ vào tỷ lệ thương tích, mức độ tổn thương tinh thần của ông Th, bà T sẽ xét xử buộc những người gây ra thương tích cho ông Th, bà T phải bồi thường khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần cho ông Th, bà T mỗi người là 10 tháng lương tối thiểu tại thời điểm xét xử sơ thẩm, tương đương số tiền mỗi người được hưởng là 14.900.000đ là phù hợp.
[12] Ông Đ, anh V cho rằng mình không gây thương tích cho ông Th, bà T và không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn. Như đã phân tích tại mục [6] thì ông Đ, anh V và người thanh niên là những người đã gây ra thương tích cho bà T, ông Th nên ông Đ, anh V và người thanh niên phụ hồ phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho ông Th, bà T. Tuy nhiên, người thanh niên được ông Đ nhờ phụ hồ nhưng ông Đ không rõ nhân thân lai lịch nên ông Đ, anh V phải là người bồi thường thiệt hại cho ông Th, bà T. Quyền lợi giữa ông Đ, anh V với người thanh niên sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi ông Đ, anh V tìm thấy người thanh niên đó và có yêu cầu Tòa án giải quyết.
Từ những phân tích trên, thấy rằng có cơ sở để chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Th, bà T về việc buộc ông Đ, anh V bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tinh thần. Số tiền ông Đ, anh V phải bồi thường cho ông Th, bà T gồm: tiền thuốc và tiền xe đi cấp cứu, giám định: 14.765.573 đồng, tiền thu nhập của bà T bị mất: 3.000.000đồng; tiền thu nhập bị mất của người chăm sóc ông Th, bà T: 8.333.000 đồng; tiền ba bữa ăn chính: 9.540.000 đồng; tiền xăng xe đi lại: 2.240.000đồng; tiền tổn thất tinh thần của ông Th, bà T: 29.800.000 đồng, tổng cộng là 67.678.573 đồng, làm tròn thành 67.678.500đồng.
Xét ý kiến của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là có cơ sở để chấp nhận một phần.
Về án phí dân sự sơ thẩm: Do chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên bị đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận. Nguyên đơn ông Th, bà T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 144, 147, 227, 228, 238, 271, 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Các Điều 604, 605 và Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005; điểm d khoản 1 Điều 12; khoản 9 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Đức Th và bà Ngô Thị Kim T với bị đơn ông Phạm Văn Đ, anh Phạm Quốc V về việc tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Buộc ông Phạm Văn Đ và anh Phạm Quốc V liên đới bồi thường cho ông Nguyễn Đức Th và bà Ngô Thị Kim T số tiền 67.678.000đồng (sáu mươi bảy triệu sáu trăm bảy mươi tám nghìn đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành số tiền trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải trả cho người được thi hành án số tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
2. Án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn ông Phạm Văn Đ và anh Nguyễn Quốc V phải chịu số tiền án phí là 3.383.900đồng (ba triệu ba trăm tám mươi ba nghìn chín trăm đồng). Trả lại cho ông Nguyễn Đức Th số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.009.000đồng (hai triệu không trăm lẻ chín đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0018716 ngày 29/12/2017 của Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An (nay là thành phố Dĩ An), tỉnh Bình Dương.
3.Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự
4. Nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ./.
Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 40/2020/DS-ST
Số hiệu: | 40/2020/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Dĩ An - Bình Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/07/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về