26/08/2023 17:30

Tạm hoãn hợp đồng NLĐ có được trả lương ngày nghỉ lễ không?

Tạm hoãn hợp đồng NLĐ có được trả lương ngày nghỉ lễ không?

Tôi muốn hỏi, tôi có xin công ty nghỉ một tháng (tháng 9/2023) và được công ty đồng ý. Trong tháng 9 có ngày nghỉ lễ 02/9 người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương. Vậy tôi có được công ty trả lương ngày lễ đó không? “Hồng Nhung-Gia Lai”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tạm hoãn hợp đồng NLĐ có được trả lương ngày nghỉ lễ không?

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 30 của Bộ luật lao động 2019 có quy định về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

- Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật lao động 2019;

- Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

- Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

Như vậy, người lao động đươc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong các trường hợp trên. Trong trường hợp người lao động xin tạm hoãn hợp đồng lao động và được người sử dụng lao động đồng ý thì thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo sự thỏa thuận của hai bên theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 30 của Bộ luật lao động năm 2019.

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 30 Bộ luật lao động năm 2019 có quy định như sau: “Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.”

Căn cứ quy định trên, trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

Như vậy, người lao động sẽ không được hưởng chế độ lương trong ngày lễ khi đang trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

2. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ

Căn cứ Điều 31 Bộ luật lao động 2019 quy định về nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

“Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, trong 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nếu người lao động có mặt tại nơi làm việc thì sẽ được nhận lại vào làm việc.

3. Người sử dụng lao động có được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ

Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

..

Có thể thấy, đối với trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động thì người lao sẽ không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, khi đã hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động mà trong vòng 15 ngày người lao động không có mặt tại nơi làm việc như đã thỏa thuận ban đầu thì người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Bùi Thị Như Ý
871

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]