Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật số 01/2021/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 01/2021/LĐ-PT NGÀY 16/03/2021 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI DƯỠNG CHẾ ĐỘ ĐỘC HẠI BẰNG HIỆN VẬT

Trong các ngày 10 và 16 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 23/2020/TLPT-LĐ ngày 21/12/2020 về việc “tranh chấp yêu cầu bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 04/2020/LĐ-ST ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 07/2021/QĐ-PT ngày 22/02/2021, giữa:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Công T, sinh năm 1988; địa chỉ: Số x đường H, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Hữu Tuấn M là Luật sư của Văn phòng Luật sư Phạm Hữu T1 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương; địa chỉ: Số N đường H, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương; có mặt.

2. Bị đơn: Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương; địa chỉ: Số M đường T, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Quách Trung N, chức vụ: Giám đốc; có mặt.

3. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Công T là nguyên đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Nguyễn Công T và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Ông Nguyễn Công T (gọi tắt là ông T) khởi kiện Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Bệnh viện) để yêu cầu thanh toán khoản bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật cho ông T từ ngày 01/3/2013 đến ngày 01/7/2020 với số tiền 54.600.000 đồng. Căn cứ để ông T khởi kiện là theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì: Ông T là viên chức của Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương theo Hợp đồng lao động ngày 26/02/2013, công việc là nhân viên chụp X-quang, đây là vị trí tiếp xúc với bức xạ thuộc công việc độc hại, nguy hiểm được quy định tại Mục 6 Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996, cụ thể: “trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm” nên ông T được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng với mức 4 là 25.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng lao động, các bên không có thỏa thuận về khoản bồi dưỡng này. Một vài tháng đầu, cụ thể là từ ngày 01/3/2013 đến 28/02/2014, ông T có nhận được khoản bồi dưỡng bằng hiện vật là đường sữa theo Quyết định số 3033/QĐ-BYT ngày 11/7/2011 của Bộ Y tế về việc “ban hành danh mục, công việc được bồi dưỡng chống độc hại”. Quá trình làm việc tiếp theo, ông T có yêu cầu Bệnh viện chi trả khoản bồi dưỡng này, nhưng Bệnh viện không thực hiện.

Theo ông T, đây là khoản bồi dưỡng bằng hiện vật hằng ngày, không phải lương, không phải phụ cấp lương nên không được tính vào lương. Trước khi khởi kiện ông T đã có đơn khiếu nại đến Sở Y tế tỉnh Bình Dương, nhưng Sở Y tế có văn bản cho rằng: Phải có kết quả đo môi trường mới xác định vị trí làm việc hiện tại của ông T có được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật ở mức nào và hưởng theo quy định nào. Tuy nhiên, ngày 10/02/2020, Sở Y tế có văn bản trả lời là trường hợp của ông T chưa đủ cơ sở để hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật ở mức 4 theo Thông tư số 25/2013/TT- BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Không đồng ý với văn bản trả lời trên, ông T nộp đơn khởi kiện ra Tòa án. Qua hòa giải, ông T thay đổi yêu cầu khởi kiện, cụ thể: Ông T yêu cầu thanh toán khoản bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2013/TT- BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Quyết định số 3033/QĐ-BYT ngày 11/7/2011 của Bộ Y tế và Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ Y tế, trong thời gian làm việc từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2017 và từ 01/4/2019 tạm tính đến ngày 05/8/2020 tương đương 1.945 ngày, tương ứng số tiền là 48.625.000 đồng.

* Bị đơn Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương do người đại diện theo pháp luật là ông Quách Trung N trình bày: Thống nhất với ý kiến trình bày của nguyên đơn ông T về thời gian ông T vào làm việc tại Bệnh viện, vị trí công tác, cụ thể: Ngày 26/02/2013, ông Nguyễn Công T vào Bệnh viện làm việc theo Quyết định tuyển dụng số 154/QĐ.SYT với vị trí là điều dưỡng. Sau khi tiếp nhận ông T, Bệnh viện đã ký hợp đồng làm việc với ông T theo quy định của Luật Viên chức và bố trí công việc là nhân viên chụp X-quang, nội dung hợp đồng làm việc không thể hiện thỏa thuận về việc ông T được hưởng “chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật”. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Thông tư số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30/5/2012 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế thì Bệnh viện vẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho ông T và một số nhân viên khác trong năm 2013 theo quy định. Đến khi có Thông tư số 25/2013/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế thì Bệnh viện phải tiến hành đo kết quả môi trường mới có căn cứ thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; do thời điểm trên, đơn vị phải chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên về việc đo kết quả môi trường nên Bệnh viện vẫn thực hiện việc chi trả bồi dưỡng bằng hiện vật cho ông T theo quy định tại Quyết định số 3033/QĐ-BYT ngày 11/7/2011 của Bộ Y tế ở mức 4, hiện vật bồi dưỡng bằng sữa trong khi chờ hướng dẫn cấp trên. Từ tháng 01 năm 2014 đến năm 2017, thực hiện Công văn số 81 ngày 09/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật thì đơn vị đã tiến hành mời cơ quan chuyên môn để đo môi trường, nhưng kết quả đo môi trường không đạt nên từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2017 Bệnh viện không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho ông T. Từ tháng 12/2017 đến tháng 03 năm 2019, căn cứ kết quả đo môi trường Bệnh viện có thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho ông T theo mức 2 là 15.000 đồng/ngày, hình thức chi trả bằng hiện vật là sữa. Từ tháng 4 năm 2019 đến nay, căn cứ kết quả đo môi trường Bệnh viện không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho ông T, vì không đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế. Ông T khiếu nại đến Sở Y tế tỉnh Bình Dương để giải quyết, kết quả giải quyết là không chấp nhận khiếu nại của ông T do không đủ điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại Mục 6 Quyết định số 915/BLĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 thì đặc điểm về điều kiện lao động của nghề, công việc của ông T là “tiếp xúc với bức xạ ion hóa vượt mức tiêu chuẩn cho phép và các nguồn lây nhiễm”. Tuy nhiên, qua kết quả đo liều kế định hàng quý đều cho thấy bức xạ ion hóa tại các vị trí việc làm của ông T không vượt mức quy định. Về tiếp xúc với nguồn lây nhiễm thì đây có thể hiểu là nguồn lây nhiễm về bức xạ, ion hóa hoặc từ trường chứ chưa hẳn là nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Trong khi điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2013/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế quy định “trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm”, ông T làm việc chiếu chụp X-quang không phải tham gia trực tiếp khám, điều trị bệnh nhân. Mặt khác, Bệnh viện Y là Bệnh viện chuyên khoa Y, khám chữa bệnh bằng phương pháp y, dược cổ truyền, không có khoa truyền nhiễm nên áp dụng theo Mục 8 Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là không phù hợp. Việc ông T yêu cầu áp dụng Quyết định số 3033/QĐ-BYT ngày 11/7/2011 của Bộ Y tế ở mức 4 mà không dựa vào kết quả đo môi trường là không phù hợp với quy định hiện hành nên Bệnh viện không đồng ý.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 04/2020/LĐ-ST ngày 14/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương đã căn cứ khoản 4 Điều 147, Điều 235, Điều 266, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 15, Điều 141 của Bộ luật Lao động; Thông tư số 25/2013/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Công T đối với bị đơn Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương về việc “yêu cầu bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật”.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về phần án phí lao động sơ thẩm và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 25/9/2020, nguyên đơn ông T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông T vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của mình. Bị đơn Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương chấp nhận theo bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm. Các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng: Những sai sót của Bệnh viện là việc kiểm tra quan trắc môi trường không được bệnh viện thực hiện đầy đủ; năm 2015 - 2016, Bệnh viện không thực hiện quan trắc môi trường. Quá trình làm việc với Tòa án cấp sơ thẩm, bị đơn có những lời khai mâu thuẫn, cụ thể: Tại bút lục 252, 260 bị đơn khai có quan trắc môi trường nhưng không đủ điều kiện; tại văn bản trả lời của Bệnh viện thì thừa nhận 2015, 2016 không quan trắc; không thể lấy kết quả quan trắc năm 2014 để không chi trả cho năm 2015, 2016. Những sai phạm của Bệnh viện đã được Cục Quản lý môi trường của Bộ Y tế chỉ rõ. Việc bồi dưỡng của Bệnh viện đối với người lao động thực hiện rất cảm tính, từ đầu tháng 3 năm 2014 Bệnh viện đã cắt chế độ bồi dưỡng trong khi đến 28/3/2014 mới có kết quả quan trắc môi trường. Ngày 01/4/2019, Bệnh viện cắt chế độ bồi dưỡng trong khi đến ngày 12/7/2019 mới có kết quả quan trắc môi trường. Ngoài ra, quá trình quan trắc môi trường có sai sót nên không có căn cứ đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp; chỉ có năm 2019 được Bệnh viện thực hiện đúng quy định của pháp luật. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có ý kiến: Quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về hướng giải quyết vụ án, nhận thấy: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2013/TTLT-BLĐTBXH- BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế thì việc thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật phải căn cứ vào “Kết quả đo liều kế” tại môi trường lao động và “Báo cáo kết quả thực hiện quan trắc môi trường lao động”, nếu kết quả vượt mức cho phép thì người lao động mới được hưởng. Năm 2015 và 2016, mặc dù Bệnh viện không thực hiện quan trắc môi trường nhưng Bệnh viện có tiến hành “đo liều kế” tại vị trí làm việc của ông T, kết quả không vượt mức quy định nên Bệnh viện không thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hai bằng hiện vật cho ông T là đúng quy định. Tòa án cấp sơ thẩm xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T là có căn cứ; ông T kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ để chứng minh, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến trình bày tranh luật của các bên đương sự và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về hướng giải quyết vụ án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án “Tranh chấp yêu cầu bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật”, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố T theo quy định tại khoản 5 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn ông T được thực hiện trong thời hạn luật định và người kháng cáo đã thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ.

[3] Xét nội dung vụ án, nhận thấy: Quá trình giải quyết vụ án, hai bên đương sự đều thống nhất thừa nhận: Ông T vào làm việc tại Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương từ ngày 26/02/2013 theo Quyết định tuyển dụng số 154/QĐ.SYT với vị trí công việc là điều dưỡng. Sau khi tiếp nhận ông T, Bệnh viện đã ký hợp đồng làm việc với ông T theo quy định của Luật Viên chức và bố trí công việc là nhân viên chụp X-quang, nội dung hợp đồng hai bên không thỏa thuận việc ông T được hưởng “chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật”. Tuy nhiên, theo vị trí công việc của ông T là nhân viên đứng máy chụp X-quang nên thuộc danh mục “nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” “nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” và quy định tại điểm 6 Mục 6 Danh mục kèm theo Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là “Đứng máy, phụ máy, chuyên sửa chữa, kiểm chuẩn máy X-quang, máy chiếu xạ; sử dụng máy cobalt, kim radium và các chất phóng xạ khác để điều trị và chẩn đoán bệnh”. Căn cứ Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì các vấn đề trên được xem là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Quá trình làm việc, Bệnh viện đã căn cứ vào vị trí công việc của ông T và quy định tại điểm 3 Mục II Danh mục kèm theo Quyết định số 3033/QĐ-BYT ngày 11/7/2001 của Bộ Y tế để xác định: Ông T là người “Trực tiếp vận hành máy: Chiếu xạ, X-quang, máy cobalt…” nên được bồi dưỡng ở mức “4”. Do đó, năm 2013 trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên về việc “Tổ chức đo môi trường lao động hằng năm” theo quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30/5/2012 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế, Bệnh viện vẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho ông T và một số nhân viên khác theo mức 4 là 25.000 đồng/ngày là đúng quy định. Từ tháng 01 năm 2014 đến nay, thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30/5/2012 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế; Thông tư số 25/2013/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế, Công văn số 81/UBND-VX ngày 09/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương “hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật”, Bệnh viện tiến hành mời cơ quan chuyên môn để đo môi trường môi trường lao động. Do kết quả đo môi trường không đạt, nên từ ngày 01/01/2014 đến hết tháng 11 năm 2017, Bệnh viện không thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho ông T. Từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 03 năm 2019, căn cứ kết quả đo môi trường lao động vượt mức cho phép nên Bệnh viện có thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho ông T theo mức 2 là 15.000 đồng/ngày, hình thức chi trả bằng hiện vật là sữa. Từ tháng 4 năm 2019 đến nay, kết quả đo môi trường lao động không đủ điều kiện theo quy định nên Bệnh viện không thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho ông T. Ông T cho rằng: Theo quy định tại Quyết định số 3033/QĐ-BYT ngày 11/7/2001 của Bộ Y tế thì ông T là người “Trực tiếp vận hành máy: Chiếu xạ, X-quang, … để điều trị và chẩn đoán bệnh”, “trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm” nên ông T phải được bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật ở mức “4”. Do đó, ngày 03/7/2019 ông T gửi đơn khiếu nại đến Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương và Sở Y tế tỉnh Bình Dương để yêu cầu giải quyết, tuy nhiên không được chấp nhận nên ông T khởi kiện yêu cầu: Bệnh viện phải chi trả trợ cấp độc hại bằng hiện vật cho ông T theo mức 4 là 25.000 đồng/ngày, kể từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2017 và kẻ từ 01/4/2019 tạm tính đến ngày 05/8/2020 là 1.945 ngày, tương ứng với số tiền 48.625.000 đồng.

[4] Xét yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của ông T, nhận thấy: Theo quy định tại Điều 141 của Bộ luật Lao động thì: “Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”. Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30/5/2012 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế quy định “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Thông tư này”. Tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30/5/2012 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế quy định về “trách nhiệm của người sử dụng lao động” như sau: “Tổ chức đo môi trường lao động hằng năm. Căn cứ vào kết quả đo môi trường lao động hằng năm của đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động, đối chiếu với chỉ tiêu về môi trường lao động, áp dụng mức bồi dưỡng bằng hiện vật tương ứng cho từng nghề, công việc cụ thể”. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2013/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế quy định về “điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật” quy định: “Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế …”. Do từ ngày 01/01/2014 đến tháng 11 năm 2017, “Kết quả đo liều kế” định hàng quý và “Báo cáo kết quả thực hiện quan trắc môi trường lao động” tại vị trí làm việc của ông T thì mức bức xạ ion hóa không vượt mức quy định; năm 2015 và 2016, mặc dù Bệnh viện không thực hiện quan trắc môi trường nhưng Bệnh viện có tiến hành “đo liều kế” tại vị trí làm việc của người lao động; mặt khác, việc tiếp xúc với nguồn lây nhiễm ở đây phải hiểu là nguồn lây nhiễm về bức xạ, ion hóa hoặc từ trường, không phải là nguồn gây bệnh truyền nhiễm như ông T trình bày, bởi lẽ: Công việc của ông T là chiếu chụp X-quang, không phải người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân. Do môi trường lao động của ông T không đủ “điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2013/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế nên Bệnh viện không thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho ông T trong thời gian nêu trên là đúng quy định. Vấn đề này, tại mục 3 Văn bản số 1341/MT- LĐ ngày 20/7/2020 của Cục Quản lý Môi trường Y tế “về việc trả lời đơn khiếu nại của công dân” cũng đã xác định: “Việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định”. Do đó, việc ông T căn cứ nội dung Văn bản số 1341/MT-LĐ ngày 20/7/2020 của Cục Quản lý Môi trường Y tế “về việc trả lời đơn khiếu nại của công dân” để cho rằng ông T phải được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật là không phù hợp. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T đối với Bệnh viện Y Bình Dương là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[5] Theo phân tích nêu trên, nguyên đơn ông T kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ để chứng minh. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và ý kiến trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đưa ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308 và Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Công T. Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 04/2020/LĐ-ST ngày 14/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương như sau:

Căn cứ khoản 4 Điều 147, Điều 235, Điều 266, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 15, Điều 141 của Bộ luật Lao động; Thông tư số 25/2013/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Y tế và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. 1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Công T đối với bị đơn Bệnh viện Y tỉnh Bình Dương về việc “yêu cầu bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật”.

1. 2. Về án phí lao động sơ thẩm: Ông Nguyễn Công T phải chịu số tiền 1.458.750 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0041609 ngày 30/3/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Bình Dương. Ông T còn phải nộp số tiền 629.750 đồng.

2. Về án phí lao động phúc thẩm: Ông Nguyễn Công T phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0050490 ngày 09/10/2020.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1657
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật số 01/2021/LĐ-PT

Số hiệu:01/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 16/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về