Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 201/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 201/2023/DS-PT NGÀY 06/04/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 06 tháng 4 năm 2023, tại Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 33/2023/TLPT-DS ngày 08 tháng 02 năm 2023 về việc tranh chấp “Quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 281/2022/DS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện G, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 120/2023/QĐ-PT ngày 01 tháng 3 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1956. Địa chỉ: ấp T, xã T, huyện G, tỉnh Tiền Giang.

Đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Thanh G, sinh năm 1978 – Là đại diện ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 04/4/2023 (Có mặt).

2. Bị đơn: Bà Trần Thị Ng, sinh năm 1928 (chết ngày 29/8/2018) Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng cho bà Trần Thị Ng:

2.1. Ông Lê Thành T, sinh năm 1954 (Có mặt);

2.2. Ông Lê Thành Tr, sinh năm 1973 (Vắng mặt);

Cùng địa chỉ: ấp T, xã T, huyện G, tỉnh Tiền Giang.

2.3. Bà Lê Thị Kim T1, sinh năm 1956 (Có mặt) Địa chỉ: ấp T, xã Đ, huyện G, tỉnh Tiền Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà T1: Luật sư Trần Thị Kim P – Văn phòng Luật sư V, Chi nhánh G; thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang (Có mặt).

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Nguyễn Thị T2, sinh năm 1945 (Vắng mặt);

Địa chỉ: 400/5/10 H.T, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.2. Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1941(Vắng mặt);

Địa chỉ: 108 L.T.T, tổ M, phường M, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.3. Ông Nguyễn Văn T3, sinh năm 1949 (Vắng mặt) Địa chỉ: 110 lầu M Chung cư T.Q.D, phường B, Quận B, thành phố Hồ Chí Minh.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm;

Theo đơn khởi kiện và bản tự khai của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N trình bày:

Năm 1968 gia đình bà Trần Thị Ng vào xin ở nhờ trong phần đất làm sân phơi lúa của gia đình ông thuộc quyền sở hữu của cha ông là ông Nguyễn Văn Q (có kèm chứng từ). Sau bà Ng có mướn thêm 01 công ruộng mỗi năm đong 5 thùng lúa. Khi mướn được ruộng ông Lê Thành H chồng bà Ng lại lén lút đào đìa để lên nền ra riêng cho con. Cha của ông có thưa đến chính quyền xã cũ ở xã ông H có hứa lấp nhưng ông lần lựa không lấp, vì lúc đó ông có tham gia với chính quyền cũ nên có sự bao che. Sau ngày giải phóng năm 1975 ông trồng cây chiếm luôn bờ mương mở rộng diện tích để cất nhà ra riêng cho con là Lê Thành T và bà Lê Thị Kim T1. Đến năm 1990 có luật đất đai cha ông có đệ đơn khiếu nại đến chính quyền các cấp (có kèm chứng từ) nhưng chưa được giải quyết. Phần 01 công ruộng lên nền bà Ng chia cắt bán cho nhiều người. Năm 1995 bán cho ông Trần Ngọc V khoảng 300m2. Năm 1996 bán cho Trần Văn N khoảng 300m2. Năm 2001 bán tiếp khoảng 50m2 để ông N cất nhà sau. Tháng 2/2018 con bà Ng về kêu người bán hết đất, ông có làm đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân xã, huyện. Ông được hướng dẫn khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất ra Tòa án nhân dân huyện G yêu cầu bà Ng trả lại phần đất có diện tích khoảng 300m2 phía sau nhà của bà Ng từ rào ông Trần Văn N vì phần đất này là con đường chính để gia đình ông đi ra phần mộ của gia tộc. Sau ngày giải phóng cha ông có đăng ký và đóng thuế cây lâu năm 300m2 thuộc thửa 15, tờ bản đồ số 18 đất tọa lạc tại ấp T, xã T.

Tại văn bản lời khai của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Trần Thị Ng là ông Lê Thành T trình bày:

Năm 1963 chính quyền Sài Gòn lấp ấp chiến lược, dồn dân vào ấp chiến lược, gia đình ông được chính quyền Sài Gòn cho vào ở tại phần đất của bà Dương Thị P (tức bà nội của ông N) lúc đó còn sống. Gia đình ông cất nhà tại đài quan sát của chính quyền Sài Gòn, hiện giờ vẫn còn 4 gốc trụ bê tông. Gia đình ông có mướn khoảng 01 công đất bỏ hoang của bà Dương Thị P mỗi năm là 5 giạ lúa và 5.000 đồng từ năm 1964 -1965. Đất không trồng lúa được, nó là đất lung (trũng), nước quá sâu, nên xuồng ghe các nơi đi chợ U.G (xã T) đậu. Nên cha ông mướn đất này đào ao nuôi cá tra dầu, hàng năm bán cho lái ở M.T xuống cân. Còn phần đất phía trước lộ gia đình ông mướn ông Hai B và ông Ba T. Hai ông này có xe bò chở đất lấp dần, mỗi năm lấp một ít, thời gian lấp là 7 năm mới thành đất vườn tạp, từ đó gia đình ông mới trồng cây ăn trái. Năm 1975 Cách mạng thành công, Ban lãnh đạo ấp, xã T kiểm tra nhân khẩu, lấy phần đất của gia đình ông đang canh tác, bình quân nhân khẩu và được cấp thêm 3 công rưỡi đất ruộng. Từ đó gia đình ông không còn đóng lúa ruộng cho địa chủ nữa. Mỗi năm gia đình ông nộp thuế tại Ủy ban nhân dân xã T cho đến hôm nay (có biên lai đỏ photo kèm theo). Còn ông N nói gia đình ông đào đìa lén là không đúng. Năm 1965 gia đình ông mướn cha con ông Tư Đ và ông Ba C ngụ cùng ấp đào hơn nửa tháng mới xong. Ông N nói đào đìa để cất nhà ra riêng cho con là không đúng, lúc năm 1965 đến năm 1968 ông được bao nhiêu tuổi mà ra riêng cho con, ông là con trai lớn trong gia đình ông có gia đình năm 1977. Ông N cho rằng cha ông có thưa việc đào đìa với chính quyền Sài Gòn cũ ở xã, không ai giải quyết, còn bao che, nói cha ông có làm việc ở xã càng không đúng. Gia đình ông Hai Q (tức cha ông N) làm chức Hương Quản thời Ngô Đình Diệm. Khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ gia đình ông Hương Quản về Sài Gòn sống đến chính quyền Thiệu Kỳ mỗi năm cha con ông N vẫn về quê nhà bình thường. Cha ông nghề nghiệp thợ mộc, đóng tủ bàn ghế, làm mướn cho ông Thôn L tại chợ U.G (ấp T, xã T). Nay ông không đồng ý theo yêu cầu của ông N.

Tại văn bản lời khai của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Trần Thị Ng là bà Lê Thị Kim T1, ông Lê Thành Tr trình bày:

Thống nhất với lời trình bày của ông Lê Thành T.

Tại văn bản lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị T2, bà Nguyễn Thị S, ông Nguyễn Văn T2 cùng trình bày:

Phần đất đang tranh chấp giữa ông Nguyễn Văn N và bà Trần Thị Ng là thuộc quyền sở hữu của cha các ông bà là ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1918 (đã chết), mẹ là bà Trần Tố N, sinh năm 1922 (đã chết). Hàng thừa kế các con gồm Nguyễn Thị S, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Văn T2 và Nguyễn Văn N. Chị em các ông bà đã lớn tuổi bệnh tật và ở xa nên không thể có mặt đầy đủ, khi Tòa án triệu tập từ sơ thẩm đến phúc thẩm. Nay các ông bà làm đơn này xin không tham gia vụ kiện và đồng ý để em các ông bà là Nguyễn Văn N đại diện thay mặt các ông bà tại Tòa án, ông N có quyền quyết định mọi sự việc, các ông bà hứa không khiếu nại về sau.

Bản án dân sự sơ thẩm số 281/2022/DS-ST ngày 15/9/2022 của Toà án nhân dân huyện G, tỉnh Tiền Giang đã áp dụng các Điều 174, 175, 228, 235 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, 236 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 5 Điều 26 Luật đất đai năm 2013; Điều 2 Luật người cao tuổi; điểm đ Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn N về việc yêu cầu bà Trần Thị Ng (người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Trần Thị Ng là ông Lê Thành T, bà Lê Thị Kim T1, ông Lê Thành Tr) trả lại phần đất khoảng 300m2 (đo đạc thực tế là 640,1m2 thuộc thửa 690, tờ bản đồ số 18 (1 phần thửa 15, tờ bản đồ số 18) tọa lạc tại ấp T, xã T, huyện G, tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 26/9/2022, nguyên đơn ông Nguyễn Văn N có đơn kháng cáo đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 281/2022/DS-ST ngày 15/9/2022 của Toà án nhân dân huyện G, tỉnh Tiền Giang; yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm theo hướng sửa toàn bộ nội dung bản án dân sự sơ thẩm số 281/2022/DS-ST ngày 15/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện G, chấp nhận yêu cầu của ông về việc buộc bà Ng, nay là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Ng giao trả phần đất tranh chấp thuộc thửa 690, tờ bản đồ số 18, diện tích 652,3m2 tọa lạc tại ấp T, xã T, huyện G, tỉnh Tiền Giang.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lê Thị Kim T1 phát biểu, nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của mình. Theo xác minh năm 2001 của Ủy ban nhân dân xã T xác nhận, phần đất tranh chấp thuộc thửa 661, theo sổ mục kê ghi “cộng đồng sử dụng”, đồng thời xác nhận bà Ng có nhà trên đất. Xác nhận ngày 23/3/2001 của Ủy ban nhân dân xã T cũng xác nhận bà Ng có diện tích đóng thuế tại ấp T là 300m2. Theo bà T1, đối với phần đất mộ của gia đình ông N có vị trí về hướng Đông Bắc thửa đất 690, các hướng còn lại đều giáp với phần đất thuộc thửa 15 của ông N. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, nguồn gốc thửa đất 690 được gia đình bà Ng sử dụng khi chính quyền cũ lập ấp chiến lược. Năm 2015, những người dân sử dụng thửa đất theo sổ mục kê ghi cộng đồng sử dụng được Ủy ban nhân dân huyện đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có bà Ng. Bà Ng có thời gian sử dụng đất ổn định, liên tục nên ông N yêu cầu trả lại đất là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 103 Luật đất đai, Điều 236 Bộ luật dân sự, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phát biểu ý kiến: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về quan điểm giải quyết yêu cầu kháng cáo: Nguyên đơn kháng cáo trong thời hạn luật định. Phần đất tranh chấp hiện chưa được cấp quyền sử dụng đất. Nguồn gốc đất được xác định là của bà Dương Thị P, bà nội của nguyên đơn. Tuy nhiên, ông N không trực tiếp sử dụng, không đi đăng ký kê khai. Trong khi đó, bà Ng là người trực tiếp sử dụng ổn định, lâu dài từ năm 1963, có đăng ký kê khai, đóng thuế theo quy định nên thuộc trường hợp được cấp quyền sử dụng đất. Quá trình sử dụng đất không có tranh chấp. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông N không cung cấp được chứng cứ mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện G.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang, Hội đồng xét xử nhận định.

[1] Về tố tụng:

Xét đơn kháng cáo và biên lai thu tạm ứng án phí phúc thẩm do nguyên đơn Nguyễn Văn N nộp còn trong thời hạn và hợp lệ, đúng với quy định tại Điều 271, 272, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Về quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp yêu cầu giải quyết: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp “quyền sử dụng đất”, là chính xác với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Các tranh chấp được Bộ luật dân sự điều chỉnh và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Khoản 9 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự.

Các đương sự gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, Lê Thành Tr, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị S, Nguyễn Văn T2 có đơn xin vắng mặt nên căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự này.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện hợp pháp của nguyên đơn đề nghị xác minh những nội dung sau: Trên phần đất tranh chấp có lối đi vào phần đất mộ của gia đình nguyên đơn hay không; Yêu cầu xác minh tại Chi cục thuế huyện G xem bà Ng có đóng thuế đối với phần đất tranh chấp hay không; Đưa Ủy ban nhân dân huyện G tham gia tố tụng và lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện G về việc phần đất tranh chấp có thuộc quyền quản lý của Nhà nước hay không; Nếu không thì cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có quyền được đăng ký kê khai và đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu không tranh chấp.

Hội đồng xét xử nhận thấy, yêu cầu thu thập chứng cứ bổ sung của đại diện hợp pháp của nguyên đơn là không cần thiết vì các lý do sau: Thứ nhất, bị đơn thừa nhận, bị đơn không rào đất tranh chấp nên nguyên đơn có đi nhờ trên phần đất tranh chấp vào thăm mộ. Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của nguyên đơn thừa nhận, hiện nay nguyên đơn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 66 (thửa cũ là 15), có vị trí giáp với phần đất tranh chấp. Theo Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện G ngày 14/3/2019 (bút lục 136-138), phần đất tranh chấp có vị trí giáp với phần đất thửa 66 (thửa 15) thuộc quyền sử dụng của ông N về các hướng Đông, Tây, Nam và phần đất mộ là một phần của thửa đất số 15. Ông N không bị hạn chế quyền về lối đi qua vào thửa đất số 15 nên cũng không bị hạn chế quyền về lối đi qua vào phần đất mộ. Thứ hai, việc xác minh đóng thuế của bà Ng đã được Ủy ban nhân dân xã T xác nhận ngày 23/3/2001 thể hiện qua tài liệu do nguyên đơn cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm. Việc đưa Ủy ban nhân dân huyện G người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không có căn cứ. Ngoài ra, các yêu cầu khác của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đã được Luật đất đai quy định cụ thể nên không cần phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện G về thẩm quyền quản lý phần đất tranh chấp cũng như ai là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với phần đất này.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của nguyên đơn.

Theo Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 14/3/2019 (bút lục 137), phần đất thửa 690 có diện tích thực tế là 640,1m2, tờ bản đồ số 18, tọa lạc ấp T, xã T, huyện G, tỉnh Tiền Giang. Phần đất này do ông Lê Thành T đang trực tiếp sử dụng. Theo Công văn số 720/CNVPĐK ngày 15/4/2022 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G, phần đất trên chưa có ai đăng ký kê khai trong sổ mục kê và đăng ký đứng tên quyền sử dụng đất (bút lục 107).

Theo công văn số 102/UBND-TH ngày 18/8/2019 của Ủy ban nhân dân xã T, phần đất tranh chấp có nguồn gốc của bà giáo T tức cụ Dương Thị P (là bà nội của ông Nguyễn Văn N); Vào khoảng năm 1963, lập ấp chiến lược, gia đình bà Ng chuyển vào và sinh sống trên phần đất của bà giáo T (bà P); Trong quá trình sử dụng, gia đình cụ Ng đã cải tạo san lấp phần kênh (ụ ghe cũ) - (bút lục 89).

Hội đồng xét xử nhận thấy, mặc dù phần đất tranh chấp diện tích 640,1m2 có nguồn gốc của bà nội ông N nhưng bà Ng là người trực tiếp sử dụng ổn định liên tục từ năm 1963, có thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (bút lục 174- 194). Như vậy, trường hợp sử dụng đất của bà Ng có căn cứ xác định là sử dụng đất ổn định theo quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ. Đồng thời, việc chiếm hữu phần đất tranh chấp của bà Ng thuộc trường hợp chiếm hữu ngay tình, liên tục công khai trong thời hạn trên 30 năm nên bà được xem là chủ sở hữu tài sản theo quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự.

Nhận thấy, nguyên đơn không trực tiếp sử dụng đất cũng như không đi đăng ký kê khai theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong khi đó, bà Ng có kê khai thuế và nộp thuế cho Nhà nước phần đất này và được Ủy ban nhân dân xã T xác nhận ngày 23/3/2001, bà Ng có đất ở + vườn tạp (bút lục 13). Tại sổ mục kê đất năm 1995 của xã T thì phần đất này nằm trong thửa 661 tên chủ sử dụng đất là cộng đồng sử dụng với tổng diện tích là 27.500m2.

Từ phân tích trên, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N là phù hợp với quy định của pháp luật nên yêu cầu kháng cáo của ông N là không có căn cứ, cần giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 281/2022/DS- ST ngày 15/9/2022 của Toà án nhân dân huyện G, tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đánh máy tên bà Lê Thị Kim T1 chưa chính xác nên cần điều chỉnh lại.

[3] Ý kiến và đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà T1 phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[4] Ý kiến và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[5] Về án phí: Kháng cáo của ông N và yêu cầu khởi kiện của ông không được chấp nhận nhưng ông là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm và sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 308, Điều 313, Khoản 3 Điều 26, điểm b Khoản 1 Điều 38, Điều 147, Điều 148, Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Căn cứ Điều 166, 236 Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 4, khoản 5 Điều 26 Luật đất đai năm 2013; Căn cứ Điều 2 Luật người cao tuổi;

Căn cứ điểm đ Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Xử: Không chấp nhận kháng cáo của ông của ông Nguyễn Văn N.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 281/2022/DS-ST ngày 15/9/2022 của Toà án nhân dân huyện G, tỉnh Tiền Giang.

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn N về việc yêu cầu bà Trần Thị Ng (người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Trần Thị Ng là ông Lê Thành T, bà Lê Thị Kim T1, ông Lê Thành Tr) trả lại phần đất khoảng 300m2 (đo đạc thực tế là 640,1m2 thuộc thửa 690, tờ bản đồ số 18 (1 phần thửa 15, tờ bản đồ số 18) tọa lạc tại ấp T, xã T, huyện G, tỉnh Tiền Giang.

2. Về án phí: Ông Nguyễn Văn N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm và sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

93
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 201/2023/DS-PT

Số hiệu:201/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 06/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về