Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán và gửi giữ hàng hóa số 06/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 06/2022/KDTM-PT NGÀY 08/04/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN VÀ GỬI GIỮ HÀNG HÓA

Ngày 08 tháng 4 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2020/TLPT-KDTM ngày 13 tháng 10 năm 2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán và gửi giữ hàng hóa.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2020/KDTM-ST ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 113/2021/QĐ-PT ngày 12 tháng 4 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty M; địa chỉ: Tầng 2, tòa nhà V, đường T, phường T, quận C, Thành phố H (Nay đã sáp nhập vào Công ty P) Địa chỉ trụ sở: Tầng 9, Tòa nhà H, số 11B C, phường Q, quận D, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:

1. Ông Đào Mạnh Đ – Trưởng Phòng Quản lý và Khai thác tài sản Công ty P. (Vắng mặt)

2. Ông Vũ Thanh C – Chuyên viên Phòng Quản lý và Khai thác tài sản Công ty P. (Vắng mặt)

Ông Đ và ông C là người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Thanh H – Giám đốc Công ty P (Văn bản ủy quyền số 13/2021/PAMC-GUQ ngày 27/4/2021)

- Bị đơn: Công ty T

Địa chỉ trụ sở chính: Số 174 đường N, phường N, thành phố Q, tỉnh Bình Định.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Thanh T; địa chỉ: Số 59 đường N, quận C, Thành phố H là người đại diện theo ủy quyền của ông Lương Tiến M – Giám đốc Công ty T (Văn bản ủy quyền ngày 14/01/2014). (Có mặt)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty T1;

Địa chỉ trụ sở: Khu 3 Đ, xã T, huyện T, tỉnh P.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trần Thị H – Giám đốc T1; chỗ ở hiện nay: Tổ 17, ngõ 16 phố T, phường C, quận Đ, Thành phố H. (Vắng mặt)

2. Bà Lương Thị T; địa chỉ: Số 22B, ngõ 20, phố N, phường Đ, quận B, Thành phố H. (Vắng mặt)

3. Ông Trần Quang T; địa chỉ: Số 336 phố B, phường B, quận H, Thành phố H. (Vắng mặt)

- Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty P; bị đơn Công ty T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo, người đại diện hợp pháp của Công ty P là ông Đào Mạnh Đ và ông Vũ Thanh C thống nhất trình bày:

Công ty M (Viết tắt là Công ty M) hiện nay đã sáp nhập vào Công ty P Ngày 18/4/2013, Công ty T (Viết tắt là Công ty T) và Công ty M ký Hợp đồng mua bán sắn lát số 07/HĐKT-2013 (Viết tắt là Hợp đồng 07). Theo hợp đồng, Công ty M bán cho Công ty T 2.649 tấn sắn lát khô, đơn giá 4.530.000 đồng/tấn, thành tiền đã bao bồm VAT là 12.000.000.000 đồng. Số lượng và chất lượng hàng hóa đã được các bên kiểm tra và xác nhận theo Hợp đồng gửi giữ hàng hóa số 06/MK-TPHQ/2012 ngày 13/12/2012 (Viết tắt là Hợp đồng gửi giữ hàng hóa) và biên bản giao nhận hàng hóa ngày 13/12/2012. Tiêu chuẩn, quy cách đóng gói, bao bì theo Hợp đồng mua bán sắn lát số 06/HĐKT-2012 ngày 12/12/2012 (Viết tắt là Hợp đồng 06), Hợp đồng gửi giữ hàng hóa và biên bản giao nhận hàng hóa ngày 13/12/2012.

Công ty T đã thanh toán (đặt cọc) cho Công ty M số tiền 1.711.797.925 đồng, thống nhất đến ngày 26/4/2013 phải thanh toán số tiền còn lại 10.288.202.075 đồng nhưng Công ty T không thanh toán. Do Công ty T vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Công ty M gửi Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đến Công ty T và Thông báo thu hồi hàng hóa sắn lát theo Hợp đồng gửi giữ hàng hóa.

Ngày 15/6/2013, tại trụ sở Công ty T, đại diện Công ty T và Công ty M đã làm việc và thống nhất: “Công ty T đã vi phạm Hợp đồng mua bán sắn lát số 07/HĐKT-2013 với Công ty M, vi phạm điều kiện thanh toán cũng như vi phạm bao gồm: Công ty M và Công ty T thống nhất để Công ty T dùng tài sản của mình hoặc tài sản của bên thứ 3 để làm bảo lãnh và thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ với điều kiện tài sản phải là tài sản hợp pháp. Nếu tài sản đủ điều kiện vay vốn thì Công ty M sẽ phối hợp Công ty T dùng tài sản thế chấp bảo lãnh để vay vốn trả nợ cho Công ty M. Các bên thống nhất Công ty T đến ngày 30/8/2013 phải trả nợ cho Công ty M, nếu không trả nợ sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp Công ty M giúp đỡ vay được vốn lúc nào thì Công ty T sẽ thanh toán cho ngay lúc đó cho Công ty M theo nghĩa vụ của mình”.

Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty T vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng 07 và không bàn giao hàng theo Hợp đồng gửi giữ hàng hóa; do đó, Công ty M khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty T có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

- Yêu cầu Công ty T phải trả cho Công ty M (Nay là Công ty P) 2.649 tấn mỳ lát khô theo Hợp đồng gửi giữ hàng hóa và biên bản giao nhận hàng hóa ngày 13/12/2012.

- Nếu Công ty T không trả được sắn lát khô thì yêu cầu Công ty T phải thanh toán cho Công ty M (Nay là Công ty P) số tiền là 18.920.000.000 đồng (Trong đó:

12.000.000.000 đồng tiền hàng và tiền lãi chậm trả 8%/năm tạm tính đến ngày 22/7/2020 là 6.920.000.000 đồng).

- Yêu cầu Công ty T phải thanh toán cho Công ty M (Nay là Công ty P) 960.000.000 đồng là tiền phạt vi phạm hợp đồng 8% theo thỏa thuận.

- Công ty M yêu cầu được hưởng số tiền 1.711.797.925 đồng là tiền cọc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng 07 mà Công ty T đã thanh toán cho Công ty M (Nay là Công ty P).

Đối với việc Công ty T rút yêu cầu phản tố của mình về việc buộc Công ty M phải bồi thường toàn bộ chi phí thiệt hại và khoản phạt hợp đồng cho Công ty T với tổng số tiền là 2.000.000.000 đồng vì Hợp đồng gửi giữ hàng hóa là 15 tấn sắn lát khô nhưng Công ty M chỉ gửi giữ 2.649 tấn sắt lát khô khiến cho Công ty T bị thiệt hại do để trống kho, không sử dụng nhà kho trong suốt thời gian dài, Công ty M đồng ý và không có ý kiến gì.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty T, ông Nguyễn Thanh T trình bày:

Công ty T không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty M; bởi lẽ:

- Trong quá trình thực hiện Hợp đồng 07, Công ty M chưa bàn giao hàng 2.649 tấn sắn lát khô cho Công ty T; số tiền 1.711.797.925 đồng mà Công ty T giao cho Công ty M là tiền hàng thanh toán trước chứ không phải tiền đặt cọc. Về việc thực hiện Hợp đồng gửi giữ hàng hóa có số lượng 15.000 tấn, ngày 13/12/2012, Công ty M chỉ mới gửi giữ 2.649 tấn mỳ lát khô, còn thiếu 12.351 tấn. Hai hợp đồng nói trên hoàn toàn độc lập với nhau, Công ty M không thể căn cứ vào vi phạm Hợp đồng 07 để buộc Công ty T trả lại số hàng đang là tài sản gửi giữ theo Hợp đồng gửi giữ hàng hóa. Mặt khác, Công ty M đang vi phạm Hợp đồng gửi giữ hàng hóa vì Công ty M chỉ mới gửi giữ 2.649 tấn mỳ lát khô, còn thiếu 12.351 tấn so với hợp đồng nói trên, khiến cho Công ty T bị thiệt hại nặng vì phải để trống, không sử dụng được nhà kho trong suốt thời gian dài. Do đó, Công ty M cho rằng Công ty T đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo khoản 2.2 của Hợp đồng 07 để yêu cầu công ty hoàn trả 2.649 tấn mỳ lát khô theo Hợp đồng gửi giữ hàng hóa và biên bản giao nhận hàng hóa ngày 13/12/2012 là không có căn cứ.

- Đối với yêu cầu của Công ty M là trong trường hợp không trả hàng thì buộc Công ty T thực hiện đúng Hợp đồng 07, cụ thể là buộc thanh toán 12.000.000.000 đồng và nộp phạt 08% giá trị hợp đồng; Công ty T nhận thấy vấn đề nói trên đã được các bên thỏa thuận tại Biên bản ngày 15/6/2013 và Biên bản giao tài liệu, tài sản ngày 15/6/2013. Theo đó, Công ty M đã nhận các giấy tờ có giá và tài sản của các bên bảo lãnh cho Công ty T là Công ty T1 (Viết tắt là Công ty T1); Công ty M sẽ dùng các tài sản này để thế chấp vay vốn ngân hàng. Theo thỏa thuận ngày 15/6/2013 thì “…Công ty M giúp đỡ vay được vốn lúc nào thì Công ty T sẽ thanh toán ngay lúc đó cho Công ty M”, nhưng cho đến thời điểm hiện nay, Công ty T vẫn chưa nhận được một thông báo nào về việc thế chấp vay vốn của Công ty M và cũng không biết các giấy tờ, tài liệu về tài sản theo Biên bản bàn giao ngày 15/6/2013 hiện đang trong tình trạng như thế nào nên chưa phát sinh hiệu lực của văn bản thỏa thuận ngày 15/6/2013; Công ty T yêu cầu Công ty M trả lại toàn bộ giấy tờ trên. Do đó, Công ty M không thể yêu cầu Công ty T thanh toán 12.000.000.000 đồng tiền hàng và nộp phạt 08% giá trị hợp đồng cũng như tiền lãi chậm trả và hưởng tiền đặt cọc được.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty T có yêu cầu phản tố về việc buộc Công ty M phải bồi thường toàn bộ chi phí thiệt hại và khoản phạt hợp đồng cho Công ty T với tổng số tiền là 2.000.000.000 đồng vì Hợp đồng gửi giữ hàng hóa là 15 tấn sắn lát khô nhưng Công ty M chỉ gửi giữ 2.649 tấn sắt lát khô khiến cho Công ty T bị thiệt hại do để trống kho, không sử dụng nhà kho trong suốt thời gian dài. Tại phiên tòa, Công ty T đã rút yêu cầu phản tố nói trên.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị H – Giám đốc Công ty T1, bà Lương Thị T và ông Trần Quang T đã được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại các phiên họp hòa giải, xét xử và không có văn bản trình bày ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2020/KDTM-ST ngày 22/7/2020, Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định đã quyết định:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty M (Nay là Công ty P) Buộc Công ty T có nghĩa vụ trả cho Công ty M (Nay là Công ty P) số tiền 12.960.000.000 đồng; trong đó 12.000.000.000 đồng là tiền mua bán hàng hóa và 960.000.000 đồng là tiền phạt vi phạm hợp đồng.

- Số tiền đặt cọc 1.711.797.925 đồng của Công ty T sẽ thuộc về Công ty M (Nay là Công ty P).

- Không chấp nhận yêu cầu tính lãi phát sinh do Công ty T chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tính đến ngày 22/7/2020 là 6.920.000.000 đồng.

- Đình chỉ yêu cầu phải tố của Công ty T về việc yêu cầu Công ty M (Nay là Công ty P) bồi thường 2.000.000.000 đồng.

- Công ty M (Nay là Công ty P) có nghĩa vụ giao trả lại các tài liệu về tài sản theo Biên bản giao nhận tài liệu ngày 15/6/2013 cho bên Công ty T.

- Không chấp nhận lời nại của Công ty T về việc bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, quyền nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 06/8/2020, Công ty T đã có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng hủy Bản án sơ thẩm số 35/2020/KDTM-ST ngày 22/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Q vì Tòa án sơ thẩm không đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện; không thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ và xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.

Ngày 07/8/2020, Công ty P đã có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng buộc Công ty T có nghĩa vụ trả cho Công ty M (Nay là Công ty P) số tiền lãi chậm trả 08%/năm, tính từ ngày 15/6/2013 đến ngày 22/7/2020 là 6.920.000.000 đồng vì căn cứ khoản 5.2 Điều 5 Hợp đồng quy định rõ: Khi các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng thì Công ty T sẽ phải thanh toán cho M (Nay là Công ty P) một khoản tiền chậm thanh toán với lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước ban hành tại thời điểm thanh toán tính trên số tiền chậm thanh toán và số ngày chậm thanh toán; mặt khác, theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 thì trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hoặc chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của Công ty T giữ nguyên kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm số 35/2020/KDTM-ST ngày 22/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Q vì những lý do sau đây:

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: Trước đây, nguyên đơn đã rút yêu cầu trả lại 2.649 tấn mỳ lát khô; tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, hủy bỏ yêu cầu rút yêu cầu trả lại 2.649 tấn mỳ lát khô. Tòa án đã xem xét và giải quyết yêu cầu nói trên là vượt quá giới hạn xét xử, không đúng quy định vì yêu cầu phải được đưa ra trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

- Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định thời điểm phát sinh tranh chấp giữa hai bên, chưa xem xét toàn diện các hợp đồng mà hai bên đã ký kết, chưa làm rõ các bên đã tất toán hợp đồng nào, còn hợp đồng nào.

- Công ty T không biết Công ty M sáp nhập vào Công ty P vào thời gian nào cho đến khi Tòa án sơ thẩm thông báo cho Công ty T biết; không biết việc Công ty M đã chuyển nợ cho Công ty P vào thời gian nào và chuyển các khoản nợ nào. Kể từ thời điểm sáp nhập cho đến nay, Công ty T, Công ty M và Công ty P chưa tiến hành họp 03 bên để thống nhất quyền, nghĩa Công ty P kế thừa từ Công ty M và kế thừa yêu cầu khởi kiện của Công ty M. Tại phiên tòa sơ thẩm, phía Công ty T có đặt câu hỏi cho phía Công ty P để làm rõ Công ty M đã chuyển cho Công ty P nghĩa vụ và khoản nợ nào để tránh trường hợp Công ty M khởi kiện lại một vụ án khác sau này. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định chủ thể về giao quyền giữa Công ty M và Công ty P.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu xác định về trình tự, thủ tục Tòa án thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm là đúng quy định của pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa và các quy định của pháp luật; Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

[1] Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh H – Giám đốc Công ty P đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị H – Giám đốc Công ty T1, bà Lương Thị T và ông Trần Quang T được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt không có lý do.

Căn cứ quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt các đương sự nói trên.

[2] Theo Nghị quyết số 13253/NQ-PVB ngày 26/9/2019 thì Hội đồng quản trị Ngân hàng T đã quyết nghị đồng ý phê duyệt việc sáp nhập Công ty M vào Công ty P; việc sáp nhập được thực hiện theo phương thức Công ty M chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Công ty P, chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ khác đối với khách hàng… Căn cứ Điều 89 của Bộ luật dân sự, khoản 1 Điều 201 của Luật doanh nghiệp 2014 và nghị quyết nói trên thì sau khi sáp nhập, Công ty M đã chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Công ty P và đồng thời Công ty M đã chấm dứt sự tồn tại.

[3] Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 74 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Công ty P sẽ là đơn vị tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của Công ty M tham gia tố tụng trong vụ án.

Mặc dù có sự thay đổi về người khởi kiện nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu Công ty P thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, gây khó khăn cho công tác thi hành án bản án sau này.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

[4] Về án phí:

[4.1] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Sẽ được xác định lại khi xét xử sơ thẩm lại vụ án.

[4.2] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

- Công ty P không phải chịu. Hoàn trả lại cho Công ty P 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0008435 ngày 07/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q, tỉnh Bình Định.

- Công ty T không phải chịu. Hoàn trả lại cho Công ty T 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0008399 ngày 26/8/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q, tỉnh Bình Định.

[5] Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 3 Điều 308 và khoản 2 Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2020/KDTM-ST ngày 22/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Q về tranh chấp hợp đồng mua bán và gửi giữ hàng hóa giữa nguyên đơn là Công ty M (Nay đã sáp nhập vào Công ty P); bị đơn là Công ty T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty T1, bà Lương Thị T, ông Trần Quang T.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định xét xử lại.

2. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Sẽ được xác định lại khi xét xử sơ thẩm lại vụ án.

3. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

3.1. Công ty P không phải chịu. Hoàn trả lại cho Công ty P 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0008435 ngày 07/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q, tỉnh Bình Định.

3.2. Công ty T không phải chịu. Hoàn trả lại cho Công ty T 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0008399 ngày 26/8/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q, tỉnh Bình Định.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

439
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán và gửi giữ hàng hóa số 06/2022/KDTM-PT

Số hiệu:06/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 08/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về