Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 29/2021/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 29/2021/KDTM-PT NGÀY 27/04/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐồNG MUA BÁN HÀNG HÓA 

Ngày 27 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thuong mại thụ lý số: 57/2020/TLPT-KDTM ngày 06 tháng 8 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 40/2020/KDTM-ST ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 3989/2020/QĐPT- KDTM ngày 26 tháng 10 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH B.

Địa chỉ trụ sở: Tầng 7, số 25, Sec 1, đường K, Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc).

Địa chỉ liên lạc: 53/1/28 đường T, phường T, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Juanita C (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phùng Thanh S (có mặt).

Địa chỉ: Lầu 7, Tòa nhà PTS Sài Gòn, số 118 đường H, phường T, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Văn bản ủy quyền, được hợp pháp hóa lãnh sự số 2479/2018 ngày 08/8/2018 tại Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc).

Bị đơn:

1. Ông Phạm Dân H (vắng mặt).

Địa chỉ: 87 đường L, phường P, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Công ty Cổ phần Q.M.T JP Plastic.

Địa chỉ: Đường số 4, Khu công nghiệp H, huyện T, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền: (có mặt).

Địa chỉ thường trú: MP 43 APDD10, phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo văn bản ủy quyền ngày 20/12/2018).

Người kháng cáo: Bà Juanita C-Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, nguyên đơn, Công ty TNHH B và người đại diện hợp pháp trình bày:

Vào thời điểm tháng 5/2014, ông Phạm Dân H qua sự giới thiệu của ông Stanley H (ông Hồ S-người Hongkong) đã liên hệ với Công ty TNHH B (Công ty B) để nhập khẩu 08 container nhựa phế thải. Do ông H không biết tiếng Anh nên nhờ ông Stanley H liên lạc, qua email địa chỉ [email protected] và địa chỉ [email protected] trao đổi (Vi bằng số 129/2019/Vb-VPTPLBT ngày 20/3/2019 và số 420/2019/Vb-VPTPLBT ngày 09/12/2019 của Văn phòng Thừa phát lại Quận B). Đơn hàng đã được xác lập về giá và phương thức thanh toán.

Đơn hàng ngày 18/7/2014, thể hiện tại email ngày 18/7/2014, có nội dung: Ông H chấp nhận giá nhựa phế thải khác:

1) Yellow PVC + sponge -- CFR USD 550./mt

2) LDPE film white/natural -- CFR USD 900./mt

3) LDPE film mix color -- CFR USD 700./mt

4) PVC sheet natural/transparent -- CFR USD 900./mt

5) PVC milk color tube -- CFR USD 600./mt

6) PVC, PET, PS sheet together-- CFR USD 550./mt;

Ông H sẽ thanh toán bằng tiền mặt sau 20 ngày kể từ ngày nhận hàng, thể hiện tại email ngày 24/5/2014.

Ngày 30/8/2014, Công ty B đã xuất hóa đơn giao hàng cho ông H dưới danh nghĩa Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Xuất nhập khẩu T (Công ty T), địa chỉ tại tổ 1, ấp 1, xã T 1, huyện H, tỉnh Đồng Tháp, do công ty này được ông H ủy thác nhận hàng (Email ngày 24/5/2014). Nhưng về sau chuyển sang Công ty Cổ phần Q.M.T JP Plastic-Đồng Nai (Công ty Q.M.T) nhận hàng, nên thay đổi tại Vận đơn số APLU 701561742 (Email ngày 11/10/2014). Từ email [email protected] của Công ty Q.M.T, nguyên đơn nhận được bản sao Hợp đồng nguyên tắc ủy thác nhập khẩu số 01-2014/DH-QMT ngày 15/9/2014, Biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác nhập khẩu ngày 08/10/2014 giữa ông H và Công ty Q.M.T; Giấy xác nhận ngày 01/3/2015 của ông H do Công ty Q.M.T cung cấp. Theo các tài liệu này, ông H đã nhận đủ 178,30 tấn nhựa phế thải (08 container) với giá 117,386.25 USD. Nguyên đơn đã giao đủ hàng nhưng không được ông H thanh toán tiền hàng. Nguyên đơn nhiều lần gửi yêu cầu thanh toán đến Công ty Q.M.T nhưng đều bị từ chối với lý do không có trách nhiệm thanh toán (email ngày 13/01/2016).

Toàn bộ tài liệu nhập khẩu lô hàng theo Tờ khai hải quan số 100173511911 ngày 21/10/2014 của Công ty Q.M.T là không đúng thực tế và lập khống chỉ để thông quan lô hàng (Gồm có: Hợp đồng mua bán số 001/BET ngày 05/8/2014; Hóa đơn số 001/BET ngày 28/8/2014 với số lượng hàng hóa 170.830kg trị giá 13,666.40 USD); Danh sách đóng gói số 001/BET ngày 28/8/2014 (08 container). Chữ ký trên hợp đồng và hóa đơn không phải của Công ty B do Công ty không có người tên Wang M. Hơn nữa, việc đàm phán, ký hợp đồng đều qua email và điện thoại với Stanley H và ông H, không phải là Công ty Q.M.T. Chỉ riêng Vận đơn số APLU 701561742 của hãng tàu APL là đúng vì không thể làm giả.

Nguyên đơn cho rằng, bằng chứng về giá của 178,30 tấn nhựa đã được thống nhất: Email ngày 18/7/2014, bà Ciao J gửi cho ông Stanley H để đề nghị ông Stanley H xác nhận lại giá mà các bên đã trao đổi trước đó đối với các mặt hàng mà Nguyên đơn bán cho ông H; Email lúc 9 giờ 10 phút ngày 18/7/2014, ông Stanley H xác nhận lại giá mà bà J đề cập trong email là đúng là giá mà ông H đã thống nhất qua điện thoại. Email ngày 10/9/2014, bà Ciao J gửi cho ông Stanley H có đính kèm Hóa đơn số BT0829-2014 ngày 29/8/2014 với số tiền của 08 container phế liệu là 117.386.25 USD mà Công ty B xuất cho Công ty T (trước khi thay đổi người nhận hàng sang Công ty Q.M.T); Giấy xác nhận ngày 01/3/2015 của ông Hùng về việc nhận đủ 08 container hàng; 02 đĩa CD (Có nội dung ghi âm cuộc trao đổi giữa ông H và Công ty B (bà Juanita C và bà Emily H, người đi cùng bà Juanita C), ông H và vợ của ông H tại nhà máy của ông H ngày 01/3/2015.

Giá trị thực của lô hàng nhập khẩu không thể 13,666.40 USD như hợp đồng mua bán trong hồ sơ hải quan. Bởi lẽ: Trước khi hàng được thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, giữa Công ty B và Công ty Q.M.T không có liên hệ nào và cũng không có ký bất kỳ hợp đồng nào nên không thể căn cứ vào hợp đồng có trong hồ sơ hải quan để xác định giá trị của lô hàng. Lô hàng này, Công ty B mua lại từ Công ty TNHH Nhựa KVS, theo Hóa đơn số DR1400410 ngày 12/8/2014 và số DR1400413 ngày 14/8/2014 (có bản dịch đính kèm) 36.939,9 EUR (tương đương 48.612,91 USD), chưa bao gồm chi phí vận chuyển; Chi phí vận chuyển mà Công ty B trả cho đơn vị vận chuyển về Việt Nam là 11.902,64 EUR (tương đương 15.628,88 USD-theo tỷ giá 1EUR = 1,31306 USD). Hóa đơn số 2256358 ngày 03/09/2014 của Công ty TNHH Vận tải S và Chứng từ chuyển khoản thanh toán 09/9/2014. Nếu tính cả chi phí bán hàng, chi phí đi lại giữa Đài Loan, Châu Âu, Việt Nam thì giá vốn của lô hàng mà Công ty B bán cho ông H không dưới 64.241,79 USD.

Trong kinh doanh, bán một lời một là bình thường nên lô hàng mà Công ty B bán cho ông H với giá 117.386.25 USD là hoàn toàn hợp lý. Điều này hoàn toàn phù hợp với số tiền phí ủy thác nhập khẩu mà ông H thừa nhận đã thanh toán cho Công ty Q.M.T là 440.400.000 đồng. Phù hợp với thực tế là Công ty Q.M.T chưa hề phản đối số tiền 117.386.25 USD mà Công ty B yêu cầu là không đúng giá trị thực tế.

Công ty Q.M.T là bên nhận ủy thác (không phải là bên mua hàng từ ông H): Công ty Q.M.T gửi hợp đồng ủy thác và các thư phản hồi cho Công ty B để chứng minh rằng mình là bên nhận ủy thác từ ông H để nhập khẩu lô hàng nhựa phế liệu, không phải là bên mua thực sự. Email mà Công ty Q.M.T gửi cho Công ty B từ địa chỉ email: [email protected] là của ông Bùi Ngọc T, nhân viên của Công ty Q.M.T ghi trong Thông báo nhập khẩu phế liệu ngày 21/10/2014 mà Công ty Q.M.T gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (do Tòa án thu thập tại cơ quan Hải quan tỉnh Đồng Nai chứ không phải do nguyên đơn tự thu thập). Do đó, những thông tin gửi đi từ địa chỉ email [email protected] cho Công ty B chính là thông tin của Công ty Q.M.T; Không có bằng chứng nào chứng minh việc Công ty Q.M.T mua hàng từ ông H cũng như đã thanh toán cho ông H.

Tuy nguyên đơn và Công ty Q.M.T không ký Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 05/8/2014, nhưng trên vận đơn đã được sửa đổi thì Công ty Q.M.T với tư cách là người nhận hàng, người được thông báo và Hợp đồng nguyên tắc ủy thác nhập khẩu số 01-2014/DH-QMT ngày 15/9/2014 giữa Công ty Q.M.T và ông Hùng thì Công ty Q.M.T là bên nhận ủy thác nhập khẩu 8 container hàng nói trên nên theo Điều 155 Luật Thương mại 2005 thì Công ty Q.M.T phải chịu trách nhiệm thanh toán cho Nguyên đơn.

Công ty Q.M.T đã có lỗi khi lập khống hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Q.M.T và Công ty B nên Công ty Q.M.T cũng có lỗi trong giao dịch này. Do đó, theo khoản 7 Điều 165 Luật Thương mại 2005 thì Công ty Q.M.T có nghĩa vụ liên đới với ông H trong việc trả tiền hàng và lãi suất phát sinh cho Nguyên đơn.

Vì vậy, Công ty B yêu cầu Tòa án buộc ông H và Công ty Q.M.T có trách nhiệm liên đới trả nợ mua bán nhựa phế thải là 4.283.048.703 đồng, gồm: Tiền mua hàng chưa thanh toán: 117.386,25 USD, tương đương số tiền 2.728.056.498 đồng (theo tỷ giá bán ra của Vietcombank ngày 11/12/2019, ngày xét xử sơ thẩm, là 1 USD = 23.240 VND; Lãi suất chậm thanh toán với mức lãi suất 1%/tháng, tạm tính từ ngày 21/3/2015 đến ngày 21/12/2019, tổng cộng 57 tháng, là: 2.728.056.498 đồng x 1%/tháng x 57 tháng = 1.554.992.204 đồng.

Bị đơn, Công ty Cổ phần Q.M.T JP Plastic trình bày:

Do có nhu cầu mua phế liệu nhựa làm nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh. Vào năm 2014, thông qua môi giới là ông Phạm Dân H giới thiệu lô hàng 170.830kg nhựa phế liệu của Công ty B và Công ty Q.M.T đồng ý mua với giá là 0,08 USD/kg và cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan của Công ty cho ông H để làm hợp đồng. Đến ngày 05/8/2014, giữa Công ty Q.M.T với Công ty B đã ký kết Hợp đồng mua bán số 001/BET, theo đó: Công ty B bán cho Công ty Q.M.T 170.830kg nhựa phế liệu, đơn giá 0,08 USD/kg, với tổng giá trị lô hàng là 13.666,40 USD.

Ngày 04/10/2014, lô hàng về đến Cảng Vict, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 21/10/2014, Công ty Q.M.T lập tờ khai hải quan nhận đủ hàng theo hợp đồng và đã đóng thuế nhập khẩu theo đúng quy định của Nhà nước (Hồ sơ do ông H cung cấp) gồm: Hợp đồng mua bán số 001/BET ngày 05/8/2014; Hóa đơn số 001/BET ngày 28/8/2014; Danh sách đóng gói số 001/BET ngày 28/8/2014 (08 container); Vận đơn số APLU 701561742 do hãng tàu APL cấp ngày: 30/8/2014 Nơi cấp: Bremen, Đức (ông H đã nộp phí thay đổi thành Vận đơn ngày 14/10/2014 của hãng tàu APL, nội dung (không ghi mô tả hàng hóa): (Bên gửi hàng Công ty B. Bên nhận hàng Công ty Q.M.T. Bên nhận thông báo hàng đến/bên nhận hàng: Công ty T (Điện thoại: 84-918918719 ông H). Thông báo hàng đến giữa Công ty Q.M.T (Bên mua) với Công ty B (Bên bán). Theo đó: Hàng hóa: 170.830kg nhựa phế liệu (8 kiện hàng, phí trả trước), trị giá 13.666,40 USD. Do việc mua bán giữa Công ty Q.M.T với Công ty B thông qua ông H giới thiệu, nên sau khi nhận đủ hàng hóa thì Công ty Q.M.T đã thanh toán đủ số tiền mua bán theo hợp đồng là 13.666,40 USD cho ông H.

Quá trình giải quyết vụ án, Bị đơn không thừa nhận Email ngày 13/01/2016 (trang 11 của Vi bằng) nội dung: Công ty đứng ra thực hiện dịch vụ thông quan lô hàng (ông Phạm Quốc H-đại diện); Ông H: Lô hàng đã được nguyên đơn bán cho Công ty T, thực chất ông mua (Ông Hồ S bên Đài Loan giới thiệu) thông qua Công ty T (tư cách là bên mua). Công ty T không làm thủ tục thông quan khi hàng cập bến nên nhờ Công ty Q.M.T. theo yêu cầu của ông H, Công ty Q.M.T cung cấp thông tin của Công ty Q.M.T để chuyển cho Nguyên đơn nhằm mục đích thay đổi bên nhận hàng từ Công ty T sang Công ty Q.M.T, không liên quan đến việc mua hàng). Tài liệu phô tô Hợp đồng nguyên tắc ủy thác nhập khẩu số 01- 2014/DH-QMT ngày 15/9/2014 và Biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác nhập khẩu ngày 08/10/2014, giữa Công ty Q.M.T ký với ông H mà Nguyên đơn nhận được từ địa chỉ email: [email protected] của ông Bùi Ngọc T là nhân viên của Công ty Q.M.T nhưng không có thẩm quyền. Công ty Q.M.T không có chức năng ủy thác nên đã thanh lý hủy bỏ hợp đồng này. Giấy xác nhận ngày 01/3/2015 (Phần in sẵn) có nội dung Công ty Q.M.T và đại diện Phạm Dân H xác nhận đã thực hiện nhập khẩu lô hàng theo Tờ khai hải quan số 100173511911 ngày 21/10/2014 số lượng 170.830 tấn với giá 117.386,25 USD, có chữ viết và ký tên Hùng và chữ viết thêm khác “Tôi có nhận 08 cont giá tiền theo thời điểm, không như giá báo trên” và “Tôi đã trả trước phí hải quan, phí xuống cont, phí đổi Bill tàu tổng số tiền là 440.400.000 đồng”, Công ty Q.M.T không biết, không thừa nhận, ông Hùng không bao giờ là đại diện của Công ty Q.M.T.

Công ty Q.M.T cho rằng: Căn cứ khoản 2 điều 27 Luật Thương mại, quy định: “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Việc mua bán nhựa phế liệu kể trên giữa Công ty Q.M.T và Công ty B là mua bán hàng hóa quốc tế. Điều đó, buộc các bên phải thực hiện việc mua bán trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản. Nếu không có hợp đồng bằng văn bản thì không thể thực hiện được. Công ty B yêu cầu Công ty Q.M.T liên đới bồi thường tiền hàng là 117,368.25 USD nhưng không cung cấp được hợp đồng bằng văn bản nào thể hiện mức giá nêu trên nên yêu cầu của Nguyên đơn là không có cơ sở. Căn cứ vào hợp đồng mua bán giữa các bên, hóa đơn, vận đơn thì tổng số tiền hàng là 13,666.40 USD nên Công ty Q.M.T chỉ chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký kết. Công ty Q.M.T không biết ông Hồ S là ai. Ông H chỉ là người môi giới, không phải là người của Công ty Q.M.T.

Vì vậy, Công ty Q.M.T không chấp nhận việc liên đới với ông H phải trả cho Công ty B tiền hàng và tiền lãi suất là 3.032.461.000 đồng. Vì Công ty Q.M.T đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán với Công ty B thông qua ông H.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số số 40/2019/KDTM-ST ngày 08/01/2020 và Quyết định sửa đổi bổ sung bản án sơ thẩm số 54/2020/QĐ- SĐBSBA ngày 12/02/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định:

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 306 của Luật Thương mại 2005; Pháp lệnh án phí lệ phí Toà án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự, Tuyên xử:

1. Buộc Công ty Cổ phần Q.M.T JP Plastic thanh toán cho Công ty TNHH B 13.666,40 USD tiền hàng, tương đương 317.607.136 đồng (Theo tỷ giá 23.240 VND/1USD) Và tiền lãi 181.036.000 đồng do chậm thanh toán. Tổng cộng 498.643.203 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty TNHH B về việc buộc ông Phạm Dân H thanh toán tiền hàng nêu trên.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 21/01/2020, Công ty B kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của Công ty B giữ nguyên kháng cáo và trình bày:

Công ty B không ký hợp đồng với Công ty Q.M.T. Hồ sơ thông quan tại hải quan, trong đó có hợp đồng giữa Công ty B và Công ty Q.M.T là không đúng, chữ ký, con dấu tại hợp đồng này không phải do người đại diện theo pháp luật và con dấu của Công ty B. Vì vậy, Công ty Betheel Trading đề nghị Tòa án trưng cầu giám định để làm căn cứ giải quyết vụ án. Thực tế, Công ty B chỉ thỏa thuận với ông H, ông Hùng ủy thác cho Công ty T để nhập khẩu nên vận đơn mới được gửi cho Công ty T. Tuy nhiên, do việc nhập khẩu khó khăn nên ông H đã ký hợp đồng ủy thác nhập khẩu số 01-2014/DH-QMT ngày 15/9/2014 với Q.M.T và vận đơn được chuyển tiếp cho Q.M.T. Trong quá trình vận chuyển hàng về Việt Nam có nhiều vận đơn nhưng số vận đơn APLU 701561742 (do hãng tàu APL cấp) là không thay đổi. Trong quá trình giao dịch qua thư điện tử, Công ty B nhận được email của Công ty Q.M.T có tên buingocthien, đã cung cấp cho Công ty B Hợp đồng ủy thác nhập khẩu số 01-2014/DH-QMT nêu trên và biên bản thanh lý hợp đồng ngày 08/10/2014 giữa Công ty Q.M.T với ông H và một số tài liệu chứng minh giữa Công ty Q.M.T với ông H liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa của Công ty B.

Bản án sơ thẩm chỉ căn cứ hồ sơ do Chi cục Hải quan Thống Nhất cung cấp mà không xem xét các tình tiết khác của vụ án để chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

Người đại diện hợp pháp của Công ty Q.M.T trình bày:

Ngày 05/8/2014, Công ty Q.M.T và Công ty B ký Hợp đồng mua bán số 001/BET. Việc ký hợp đồng này, các bên không có thỏa thuận trực tiếp mà thông qua ông H. Nay, Công ty B cho rằng hợp đồng lưu tại Chi cục Hải quan Thống Nhất là giả mạo thì Công ty Q.M.T không đồng ý, đồng thời không phản đối việc trưng cầu giám định. Số vận đơn APLU 701561742 trong hồ sơ thông quan tại Chi cục Hải quan Thống Nhất là đúng.

Mặc dù hợp đồng mua bán được ký với Công ty B ngày 05/8/2014 nhưng theo yêu cầu của ông H nên ngày 15/9/2014, Công ty Q.M.T với ông H đã ký Hợp đồng ủy thác nhập khẩu số 01-2014/DH-QMT như nguyên đơn trình bày nhưng do Công ty Q.M.T không có chức năng nhập khẩu nên các bên đã thanh lý hợp đồng theo Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 08/10/2014. Thực tế, Công ty Q.M.T đã trả cho Công ty B số tiền 13.666,40 USD thông qua ông H là người nhận. Việc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Tuy nhiên, do kế toán đã nghỉ việc, việc lưu giữ còn sơ sài nên quá trình giải quyết vụ án Công ty Q.M.T không cung cấp được cho Tòa án, Công ty sẽ cung cấp sau.

Người gửi email cho Công ty B theo địa chỉ: buingocthien là nhân viên của Công ty Q.M.T nhưng ông Bùi Ngọc T không có nhiệm vụ liên quan đến việc nhập khẩu này và hiện nay ông T đã nghỉ việc làm gì, ở đâu thì Công ty không rõ. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ hồ sơ thông quan tại hải quan là đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến:

Công ty Q.M.T cho rằng có ký hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty B nhưng lại thanh toán tiền (13.666,40 USD) cho ông H, trong khi Công ty B cho rằng không ký hợp đồng mua bán này và Công ty Q.M.T cũng không cung cấp chứng từ thanh toán cho ông H. Tại giai đoạn phúc thẩm, Công ty B tiếp tục cho rằng không ký hợp đồng mua bán với Công ty Q.M.T và đề nghị trưng cầu giám định các tài liệu thông quan tại Chị cục Hải quan Thống Nhất. Hồ sơ vụ án thể hiện hàng hóa theo vận đơn APLU 701561742 ban đầu được chuyển đến Công ty T, sau đó được chuyển tiếp cho Công ty Q.M.T. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ vì sao lại có sự thay đổi này? mối quan hệ giữa ông H với Công ty T như thế nào? Có phải như nội dung Công ty B trình bày là ông H ủy thác nhập khẩu cho Công ty T hay không? Những vấn đề trên chưa được làm rõ.

Như vậy, việc điều tra là chưa đầy đủ mà không thể khắc phục được tại phiên tòa phúc thẩm, đồng thời Công ty B yêu cầu giám định. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty B, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Công ty B kháng cáo đúng quy định tại Điều 271, 272, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận. Người kháng cáo không rút đơn kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Vụ án được xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2] Đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, Công ty B khởi kiện Công ty Q.M.T và ông Phạm Dân H yêu cầu thanh toán tiền theo hợp đồng đã giao kết nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị đơn là Công ty Q.M.T và ông Phạm Dân H là đúng pháp luật.

Về nội dung:

[2] Hồ sơ vụ án thể hiện:

[2.1] Tại Vận đơn số APLU 701561742 ngày cấp 30/8/2014, tại Breme, Đức (bút lục 325), thể hiện: Công ty TNHH B Taiwan là bên gửi hàng, bên nhận hàng là Công ty Q.M.T và bên nhận thông báo hàng đến là Công ty T, địa chỉ: Tổ 1, ấp 1, xã T 1, huyện H, tỉnh Đồng Tháp. Thông báo hàng đến theo vận đơn số 701561742 (bút lục 332), thể hiện: Công ty B Taiwan là bên gửi hàng, bên nhận hàng là Công ty Q.M.T và bên nhận thông báo hàng đến là Công ty T. Ngày dự kiến hàng đến: 04/10/2014, tại Cảng SGN.

[2.3] Như vậy, Vận đơn và Thông báo hàng đến đều thể hiện Công ty B Taiwan là bên gửi hàng, bên nhận hàng là Công ty Q.M.T và bên nhận thông báo hàng đến là Công ty T.

[3] Tại Hợp đồng nguyên tắc ủy thác nhập khẩu số: 01-2014/DH-QMT ngày 15/9/2014 (bút lục 169), thể hiện: Bên ủy thác là Phạm Dân H (Bên A) và bên nhận ủy thác là Công ty Q.M.T (Bên B), do ông Lê Hoài N; Chức vụ Giám đốc làm đại diện. Nội dung của hợp đồng như sau: Bên A và Bên B thống nhất ủy thác và nhận ủy thác vật tư hàng hóa nhập khẩu của Công ty B, theo vận đơn số: APLU 701561742. Chủng loại vật tư: Ông H ủy thác cho Công ty Q.M.T nhập khẩu phế liệu từ Taiwan, gồm 178,30 tấn nhựa phế liệu dạng miếng. Địa điểm giao nhận hàng: Hàng được giao trên phương tiện vận chuyển của Bên B đến kho Gò Dầu do Bên A quy định. Trách nhiệm của các bên như sau: Trách nhiệm của bên B được chấm dứt khi đại diện của Bên A ký nhận vào biên bản giao nhận hàng giữa các bên. Trách nhiệm của Bên A được chấm dứt khi đã thanh toán hết giá trị của lô hàng đã nhận và các chi phí khác phát sinh (nếu có).

[4] Ngày 08/10/2014, Bên ủy thác là Phạm Dân H (Bên A) và bên nhận ủy thác là Công ty Q.M.T (Bên B) đã lập Biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác nhập khẩu (bút lục 164), có nội dung: Căn cứ Hợp đồng nguyên tắc ủy thác nhập khẩu số 01-2014/DH-QMT ngày 15/9/2014, Bên A và bên B (do ông Lê Hoài N; Chức vụ Giám đốc làm đại diện). Nội dung như sau: Hai bên cùng bàn bạc và thống nhất đồng ý thanh lý hợp đồng ủy thác và nhận ủy thác vật tư hàng hóa nhập khẩu của Công ty B LTD, theo Hợp đồng số: 01-2014/DH-QMT ngày 15/9/2014, theo số tờ khai hải quan 100173511910 ngày 01/10/2014 và số bill APLU 701561742. Bên B đã giao hàng cho Bên A 178,30 tấn nhựa phế liệu dạng miếng tại kho Gò Dầu do bên A quy định. Bên A đã nhận đủ hàng hóa theo thỏa thuận trên hợp đồng.

[5] Quá trình tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa của Công ty B. Ngày 17/10/2018, Chi cục Hải quan Thống Nhất, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 1289/HQTN-TH về việc cung cấp hồ sơ nhập khẩu hàng hóa theo Tờ khai hải quan nhập khẩu số 100173511911 ngày 21/10/2014 của Công ty Cổ phần Q.M.T, bao gồm: Hợp đồng mua bán số 001/BET ngày 05/8/2014 giữa Công ty Cổ phần Q.M.T (Bên mua) với Công ty B (Bên bán); Hóa đơn số 001/BET ngày 28/8/2014, Danh sách đóng gói số 001/BETngày 28/8/2014 (08 container), Thông báo hàng đến của Công ty B; Vận đơn số APLU 701561742 ngày 14/10/2014 của Hãng tàu APL. Các tài liệu trên thể hiện: Hàng hóa là 170.830kg nhựa phế liệu (8 kiện hàng, phí trả trước) là của Công ty B bán cho Công ty Q.M.T với giá là 13.666,40 USD.

[6] Tại mục [3], [4] nêu trên thể hiện ông H đã ủy thác cho Công ty Q.M.T để nhập khẩu hàng hóa là 178,30 tấn nhựa phế liệu dạng miếng của Công ty B, theo vận đơn số: APLU 701561742.

[7] Theo Hợp đồng nguyên tắc ủy thác nhập khẩu số: 01-2014/DH-QMT ngày 15/9/2014 và Biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác nhập khẩu ngày 08/10/2014 thì Công ty Q.M.T là người nhận ủy thác nhập khẩu 178,30 tấn nhựa phế liệu dạng miếng của Công ty B (vận đơn số: APLU 701561742) theo sự ủy thác của ông H. Nhưng các tài liệu do Chi cục Hải quan Thống Nhất cung cấp lại thể hiện Công ty Cổ phần Q.M.T (Bên mua) với Công ty TNHH B (Bên bán) đã ký Hợp đồng mua bán số 001/BETngày 05/8/2014, có nội dung mua bán hàng hóa là 170.830kg nhựa phế liệu theo cùng Vận đơn số APLU 701561742 ngày 14/10/2014 của hãng tàu APL. Trong quá trình tố tụng, đại diện hợp pháp của Công ty B cho rằng Công ty B không ký hợp đồng với Công ty Q.M.T mà chỉ ký hợp đồng với ông H thông qua ông Hồ S.

[8] Trong giai đoạn phúc thẩm, Công ty TNHH B cho rằng người ký tên tại Hợp đồng mua bán số 001/BET ngày 05/8/2014 không phải là đại diện hợp pháp của Công ty và dấu đóng trên hợp đồng cũng không phải con dấu của Công ty nên đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định làm cơ sở để giải quyết vụ án. Đồng thời, Vận đơn số APLU 701561742 ban đầu được chuyển đến người nhận là Công ty T, sau đó người nhận được chuyển thành Công ty Q.M.T nhưng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm điều tra làm rõ là có thiếu sót.

[9] Thấy rằng, việc giám định là cần thiết, là căn cứ để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, đây là tình tiết mới phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm, mà không thể khắc phục được tại phiên tòa phúc thẩm. Vì vậy, Hội đồng xét xử thống nhất ý kiến của Viện kiểm sát, hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Công ty B không phải chịu án phí phúc thẩm. Án phí sơ thẩm và tạm ứng chi phí tố tụng (nếu có) sẽ được xem xét khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội,

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty TNHH B.

2. Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại số 40/2020/KDTM-ST ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

4. Án phí sơ thẩm và các chi phí tố tụng khác (nếu có) do các đương sự nộp sẽ được xem xét khi Tòa án giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

5. Án phí phúc thẩm: Công ty TNHH B không phải chịu và được trả lại 2.000.000 (hai triệu) đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0045678 ngày 19/02/2020 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3116
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 29/2021/KDTM-PT

Số hiệu:29/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:27/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về