Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán số 07/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 07/2022/KDTM-PT NGÀY 29/08/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN

Ngày 29 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 05/2022/TLST-KDTM ngày 22 tháng 4 năm 2022 về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán".

Do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2022/KDTM-ST ngày 23 tháng 02 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh NA bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 07/2022/QĐXXPT-KDTM ngày 08 tháng 6 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty A. Địa chỉ: Phường TL, Quận ĐĐ, Thành phố HN. Văn phòng giao dịch: Phường NC, Quận TX, Thành phố HN. Người đại diện theo pháp luật: Ông Thái Bá T - Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện ủy quyền: ông Phạm Anh H, sinh năm 1996 và bà Đinh Thị H, sinh năm 1991. Đều có địa chỉ: Phường MT, Quận NTL, Thành phố HN. Có mặt tại phiên tòa.

2. Bị đơn: Công ty B. Địa chỉ: Phường QB, thành phố V, tỉnh NA. Người đại diện theo pháp luật ông Nguyễn Thanh H - Chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Xuân Đ; Địa chỉ: Xóm A, xã NK, thành phố V, tỉnh NA. Có mặt tại phiên tòa.

3. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Thanh H - Đại diện theo pháp luật của Công ty B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Ý kiến của nguyên đơn Công ty A:

Từ năm 2016 đến năm 2019, Công ty A và Công ty B đã ký kết, thực hiện 04 Hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán thép: Hợp đồng mua bán số 012016/VTTH-473 ngày 06/01/2016; Hợp đồng mua bán số 012017/VTTH-473 ngày 06/01/2017; Hợp đồng mua bán số 012018/VTTH-473 ngày 06/01/2018;

Hợp đồng mua bán số 012019/VTTH-473 ngày 02/01/2019. Công ty A đồng ý bán cho Công ty B các sản phẩm thép, số lượng và đơn giá được tính theo từng lần đặt hàng cụ thể theo các đơn đặt hàng.

Thc hiện các hợp đồng nêu trên, Công ty A đã cung cấp đầy đủ các sản phẩm thép theo đơn đặt hàng cho Công ty B đúng nội dung hai bên đã thỏa thuận. Tổng số hàng hóa Công ty A đã giao cho Công ty B có trị giá 132.421.957.416 đồng; các bên tháng tiến hành đối chiếu công nợ, tính theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2019 thì hiện tại Công ty B còn nợ Công ty A số tiền 23.360.638.702 đồng và hai bên đã thỏa thuận với nhau về tiền lãi do Công ty B chậm thanh toán tiền hàng tính từ ngày 22/02/2017 đến ngày 30/09/2020 là: 4.202.682.276 đồng (thể hiện tại các Biên bản tính lãi quá hạn tiền hàng lập ngày 01/06/2020, ngày 03/07/2020, ngày 31/07/2020; 31/08/2020 và ngày 30/09/2020).

Kể từ ngày 01/10/2020, Công ty A đề nghị xác nhận tiền lãi nhưng Công ty B không xác nhận số tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán. Công ty A căn cứ qui định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự đề nghị áp dụng mức lãi suất 10% /năm để tính tiền lãi phát sinh. Công ty A đã nhiều lần liên hệ yêu cầu Công ty B thanh toán và Công ty B đã nhiều lần cam kết trả nợ nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán.

Công ty A khởi kiện yêu cầu Công ty B phải thanh toán tổng số tiền tính đến ngày 23/02/2022, là 30.817.734.529 đồng. Trong đó: Nợ gốc tiền hàng:

23.360.638.702 đồng; tiền lãi chậm trả đã được các bên thỏa thuận tới ngày 30/09/2020 là 4.202.682.276 đồng; tiền lãi chậm trả từ ngày 01/10/2020 đến ngày 23/02/2022 với mức lãi suất 10%/năm, số tiền: 3.254.713.551 đồng.

Tiếp tục tính lãi chậm thanh toán kể từ ngày 24/02/2022, cho đến khi Công ty B thanh toán hết nợ gốc cho Công ty A với lãi suất 10%/năm.

2. Ý kiến của bị đơn Công ty B:

Công ty B thừa nhận đã ký các Hợp đồng kinh tế với Công ty A về việc mua bán vật tư (sắt thép). Sau khi ký hợp đồng thì bên Công ty A đã cung cấp đầy đủ số lượng hàng hóa cho Công ty B theo đúng đơn hàng. Hai bên đã ký biên bản đối chiếu công nợ. Tính đến ngày 30/09/2020 thì Công ty B còn nợ Công ty A số tiền 27.663.029.806 đồng.

Ngày 22/07/2020, Công ty B đã “ủy quyền chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp vật tư cho dự án C” và Công ty C đã chuyển trả cho Công ty A số tiền 500.000.000 đồng. Công ty A khởi kiện yêu cầu trả số tiền còn nợ, Công ty B đề nghị không tính lãi phát sinh từ số tiền nợ tính từ ngày 30/09/2020 do hiện tại Công ty B đang làm ăn thua lỗ, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, phương án trả nợ sẽ đưa vào kế hoạch thu hồi số tiền nợ của các chủ đầu tư cũ một phần để tái cơ cấu sản xuất, một phần để trả nợ cho khách hàng.

Với nội dung trên, Bản án số 04/202/KDTM-ST ngày 23/02/2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh NA đã quyết định: Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự; Điều 24, Điều 50, Điều 55, Điều 306 Luật thương mại; khoản 2 Điều 26 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty A.

Buộc Công ty B phải trả cho Công ty A tổng số tiền 30.817.734.529 đồng tính đến ngày 23/02/2022. Trong đó: Nợ gốc: 23.360.638.702 đồng; tiền lãi chậm trả đã được các bên thỏa thuận đến ngày 30/9/2020 là 4.202.382.276 đồng; tiền lãi chậm trả tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 23/02/2022 với mức lãi suất 10%/năm số tiền 3.254.713.551 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí, quyền kháng cáo, tiền lãi suất và việc thi hành bản án theo quy định.

Ngày 09 tháng 3 năm 2022, ông Nguyễn Thanh H người đại diện theo pháp luật của Công ty B có đơn kháng cáo với nội dung:

- Bản án số 04/2022/KDTM-ST ngày ngày 23/02/2022 của Toà án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh NA nhận định khiếu nại của Công ty B là khiếu nại về tố tụng trong quá trình xét xử nên thuộc thẩm quyền xem xét của Hội đồng xét xử là không đúng, vì khi phát hiện Tòa án nhân dân thành phố V thụ lý vụ án không đúng thẩm quyền, Công ty B đã nhiều lần gửi đơn đề nghị và khiếu nại yêu cầu chuyển thẩm quyền giải quyết vụ án vào các ngày 14/09/2021, ngày 06/01/2022, ngày 22/02/202 nhưng Tòa án nhân dân thành phố V chưa giải quyết nhưng vẫn tiến hành phiên họp công khai chứng cứ, hòa giải và đưa vụ án ra xét xử; việc khiếu nại, yêu cầu chuyển thẩm quyền của Công ty B đã được thực hiện từ ngày 14/09/2021 khi chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Trước và tại phiên tòa diễn ra ngày 23/02/2022, người đại diện theo ủy quyền của công ty đã có ý kiến yêu cầu hoãn phiên tòa cho đến khi khiếu nại về thẩm quyền được giải quyết xong nhưng Tòa án cấp sơ thẩm từ chối yêu cầu này nên người đại diện anh Nguyễn Xuân Đ đã rời phòng xử án và không tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng bản án ghi người đại diện theo ủy quyền của Công ty B có mặt tại phiên tòa là không đúng với thực tế.

- Công ty C là đơn vị được Công ty B ủy quyền để thanh toán cho Công ty A với số tiền: 10.000.000.000 đồng. Hiện nay Công ty C đã thanh toán cho phía nguyên đơn số tiền bao nhiêu Công ty B chưa rõ, chưa có đối chiếu, còn phía nguyên đơn trình bày là đã thanh toán được 500.000.000 đồng nhưng Công ty B chưa biết cụ thể thế nào, cần có sự đối chiếu giữa ba bên nguyên đơn, bị đơn và Công ty C.

Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm số 04/2022/KDTM-ST ngày 23/02/2022 của Toà án nhân dân thành phố V vì đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty B.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Công ty B giữ nguyên nội dung kháng cáo và bổ sung kháng cáo đề nghị đưa Công ty thủy điện C tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An:

Thẩm phán, thư ký Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định Bộ luật tố tụng dân sự ; các đương sự đã thực hiện đúng các quy định tại Điều 70, Điêu 71, Điều 72, Điều 73, Điều 85, Điều 86, Điều 234 Bô luât tố tụng dân sự.

Đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty B phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và ý kiến của các đương sự có mặt tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Người kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo của người được bị đơn ủy quyền đúng theo quy định tại các Điều 271, 272, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự nên kháng cáo hợp lệ, được chấp nhận.

[2] Về nội dung: Bản án sơ thẩm quyết định buộc Công ty B phải trả cho Công ty A tổng số tiền 30.817.734.529 đồng tính đến ngày 23/02/2022 (trong đó nợ gốc: 23.360.638.702 đồng; tiền lãi chậm trả các bên thỏa thuận đến ngày 30/9/2020 là 4.202.382.276 đồng; tiền lãi chậm trả tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 23/02/2022 với mức lãi suất 10%/năm là 3.254.713.551 đồng). Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thừa nhận bản án sơ thẩm quyết định buộc Công ty B phải trả cho Công ty A tổng số tiền 30.817.734.529 đồng bao gồm tiền gốc tiền lãi chậm trả đã thỏa thuận và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật là đúng, bị đơn không kháng cáo và nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn Công ty B đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử xét thấy:

[3.1] Đối với nội dung kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm về thẩm quyền xét xử thấy rằng:

Công ty A và Công ty B đều có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận, tranh chấp phát sinh trong việc mua bán hàng hóa nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp hợp đồng mua bán theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự là đúng quy định của pháp luật. Quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp về hợp đồng mua bán được quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Do Công ty B có trụ sở tại thành phố V, tỉnh NA nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân thành phố V có thẩm quyền giải quyết. Công ty A khởi kiện Công ty B tại Tòa án nhân dân thành phố V nên Tòa án nhân dân thành phố V thụ lý, giải quyết vụ án là đúng, không vi phạm về thẩm quyền. Công ty B cho rằng phải căn cứ Điều 6 của các hợp đồng mua bán các bên đã thỏa thuận lựa chọn Tòa kinh tế, Tòa án nhân dân thành phố HN giải quyết tranh chấp nếu có tranh chấp xảy ra là không đúng với quy định pháp luật về thẩm quyền được quy định tại Điều 30, Điều 35, Điều 37 và Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo này của Công ty B.

[3.2] Đối với nội dung kháng cáo Tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết khiếu nại về thẩm quyền nhưng vẫn đưa vụ án ra xét xử; tại phiên tòa ngày 23/2/2022, bị đơn yêu cầu hoãn phiên tòa cho đến khi khiếu nại về thẩm quyền được giải quyết xong nhưng không được chấp nhận; người đại diện theo ủy quyền anh Nguyễn Xuân Đức đã rời phòng xử án và không tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng bản án ghi có mặt là vi pham tố tụng.

Xét thấy, ngày 12/5/2021, Tòa án nhân dân thành phố V thụ lý vụ án; ngày 14/9/2021, Công ty B có đơn đề nghị Tòa án nhân thành phố V chuyển vụ án cho Tòa kinh tế Tòa án nhân dân thành phố HN thụ lý, giải quyết theo quy định được thỏa thuận tại Điều 6 của các hợp đồng mua bán mà hai bên đã ký kết. Tài liệu có tại hồ sơ vụ án thể hiện Tòa án nhân dân thành phố V đã có Công văn số 111/2022/CV-GQKN ngày 11/1/2022 của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố V trả lời khiếu nại của bị đơn với nội dung không chấp nhận đơn khiếu nại người đại diện theo ủy quyền của bị đơn. Tại hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ chứng minh Tòa án đã giao công văn cho bị đơn và tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng chưa nhận được công văn trả lời này; việc không trả lời khiếu nại về thẩm quyền thụ lý vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là vi phạm quy định tại Điều 47, Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên do Tòa án nhân dân thành phố V thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền nên vi phạm này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, ngày 24/09/2021, Công ty B có công văn số 116 đề nghị Tòa án nhân dân thành phố V cho kéo dài thời gian để hai bên trao đổi giải quyết công nợ và đến ngày 10/12/2021, Công ty A và Công ty B đã hòa giải thành nhưng đến ngày 13/12/2021 Công ty B đã có đơn xin thay đổi nội dung thỏa thuận. Ngày 14/12/2021, Tòa án nhân dân thành phố V đã ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử mở phiên tòa vào 14 giờ ngày 30/12/2021 và Công ty B đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 20/12/2021. Do Công ty B vắng mặt không lý do nên Hội đồng xét xử đã Quyết định hoãn phiên tòa và ấn định ngày mở lại phiên tòa là ngày 07/01/2022. Ngày 06/01/2022, Công ty B đã làm đơn khiếu nại hành vi không giải quyết yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án của Tòa án nhân dân thành phố V và ngày 07/01/2022, đại diện theo ủy quyền của Công ty B đề nghị hoãn phiên tòa để giải quyết nội dung khiếu nại về việc chuyển hồ sơ vụ án theo thẩm quyền. Ngày 23/02/2022, Tòa án nhân dân thành phố V tiếp tục mở phiên tòa lần thứ 3, đại diện theo yêu quyền của bị đơn có mặt đề nghị hoãn phiên tòa cho đến khi việc khiếu nại được giải quyết xong nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận nên đại diện của bị đơn không tham gia phiên tòa.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự về thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa thì: Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của Bộ luật này. Phiên tòa thứ nhất ngày 30/12/2021, bị đơn đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do; phiên tòa thứ hai ngày 07/01/2022, bị đơn có đơn xin hoãn phiên tòa để chờ giải quyết khiếu nại; phiên tòa lần 3 ngày 23/02/2022, bị đơn có mặt nhưng xin hoãn phiên tòa, Hội đồng xét xử không chấp nhận và quyết định xét xử vụ án là đúng pháp luật.

Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 23/2/2022 phản ánh: Sau khi Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử thông báo về việc không chấp nhận đơn đề nghị hoãn phiên tòa của bị đơn thì đại diện theo ủy quyền của bị đơn đã trình bày sẽ không tiếp tục tham gia phiên tòa do chưa nhận được trả lời về khiếu nại và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đã bỏ về không tiếp tục tham gia phiên tòa. Bản án số 04/2022/KDTMST ngày 23/02/2022 của Tòa án nhân dân thành phố V ghi người đại diện theo ủy quyền của Công ty B có mặt tại phiên tòa là chưa chính xác; người đại diện theo ủy quyền ông Nguyên Xuân Đ chỉ tham gia ở phần thủ tục bắt đầu tại phiên tòa nên phải được xác định là vắng mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, xét thấy nội dung phản ánh sự có mặt, vắng mặt của bị đơn tại phiên tòa ngày 23/02/2022 không ảnh hưởng tới quá trình xét xử và bản chất của vụ án và cũng không làm ảnh hưởng tới quyền kháng cáo của Công ty B; thời hạn kháng cáo của Công ty B được tính từ ngày nhận được bản án; nội dung này Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[3.3] Đối với nội dung kháng cáo Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty C tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng tố tụng; Công ty C là đơn vị được Công ty B ủy quyền để thanh toán cho Công ty A số tiền 10.000.000.000 đồng.

Tòa án cấp phúc thẩm có công văn gửi Công ty C cho biết ý kiến về việc Công ty B đề nghị đưa Công ty C tham gia tố tụng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán giữa Công ty A và Công ty B. Ngày 10/8/2022, Công ty C có công văn số 47/CV-KT trả lời với nội dung: Công ty C không ký kết bất cứ văn bản ủy quyền thanh thanh toán về việc đồng ý trả số tiền nợ 10.000.000 đồng thay cho Công ty B và công ty cũng không trả số tiền 500.000.000 đồng cho Công ty A; số tiền 500.000.000 đồng trả cho Công ty A là do ông Phạm Lê H cổ đông của Công ty C theo thỏa thuận giữa ông Hùng, Công ty B và Công ty A; Công ty C đã có văn bản trả lời Công ty B và Công ty A về nội dung của những văn bản mà Công ty B đơn phương ủy quyền là không có giá trị pháp lý; Công ty C không có bất cứ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan đến vụ án giữa Công ty A và Công ty B. Quá trình giải quyết vụ án Công ty B cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Như vậy, việc giải quyết tranh chấp giữa Công ty A và Công ty B không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của Công ty C nên Tòa án cấp sơ thẩm không xác định Công ty C là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là đúng quy định.

Từ sự phân tích trên thấy rằng về tố tụng Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến việc xét xử và bản chất của vụ án. Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Công ty B về việc yêu cầu hủy bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2022/KDTM-ST ngày 23 tháng 02 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh NA.

4. Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty B phải chịu án phí theo quy định.

5. Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty B, giữ nguyên bản án sơ thẩm Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2022/KDTM-ST ngày 23 tháng 02 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh NA.

2. Về án phí phúc thẩm: Buộc Công ty B phải chịu 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm nhưng được trừ số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) đã nộp tại chi Cục thi hành án dân sự thành phố V, tỉnh NA theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009964 ngày 18/3/2022. Công ty B đã nộp xong số tiền 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) án phí phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

290
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán số 07/2022/KDTM-PT

Số hiệu:07/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về