Bản án về tranh chấp hợp đồng dân sự số 06/2021/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K - TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 06/2021/DS-ST NGÀY 04/03/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Ngày 04 tháng 3 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân Huyện K - tỉnh Ninh Bình. Xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2020/TLST - LĐ ngày 05 tháng 11 năm 2020 về “Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bỏ trốn của thực tập sinh trong thời gian thực tập tại Nhật bản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2021/QĐXXST-LĐ ngày 18 tháng 01 năm 2021 giữa các đương sự :

- Nguyên đơn: Công ty TNHH Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F; Địa chỉ cũ : Số 2C, 2B, 2D, tòa nhà A3, 151 N, phương T, quận H, thành phố Hà Nội; Địa chỉ hiện nay: Số 9-10 Lô C, Khu đô thị K, phường K, quận H, thành phố Hà Nội.

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Như H, nhân viên pháp chế ( có mặt )

- Bị đơn: Ông Phạm Quốc T, sinh năm 1956; địa chỉ: xóm 9, xã N, huyện K, tỉnh Ninh Bình ( vắng mặt lần 2 không có lý do)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 22/10/2020 và bản tự khai đề ngày 26/11/2020 của nguyên đơn trình bày như sau:

Ngày 10/01/2017 Công ty TNHH Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F ( viết tắt Công ty) đã ký với anh Phạm Đức K, sinh năm 1982; ĐKHKTT và trú tại: xóm 9, xã N, huyện K, tỉnh Ninh Bình hợp đồng dịch vụ phái cử thực tập sinh đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản ( Hợp đồng thực tập). Ngày 21/7/2017, Công ty cũng đã ký với anh K Hợp đồng dịch vụ phái cử thực tập sinh đi Nhật Bản số 99/HĐ-DVPC ( hợp đồng phái cử) Theo đó anh Phạm Đức K sẽ sang Nhật Bản học tập và thực tập kỹ năng tại Công ty K với nội dung thực tập kỹ năng: Các công việc liên quan đến ngành xây dựng do nghiệp đoàn NBC quản lý. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 01 năm thực tập cấp I và 02 năm thực tập cấp II, tổng thời gian là 3 năm.

Ngày 26/7/2017, để ràng buộc trách nhiệm của thực tập sinh thực hiện theo các hợp đồng, ông Phạm Quốc T và anh Phạm Đức K đã tiến hành ký kết với công ty Hợp đồng bảo lãnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bỏ trốn của thực tập sinh trong thời gian thực tập tại Nhật Bản dưới sự làm chứng của Luật sư Phạm Thành T1, là luật sư Công ty luật P – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội và có xác nhận của chính quyền địa phương UBND xã N, huyện K, tỉnh Ninh Bình Ngày 03/8/2017 anh Phạm Đức K được công ty làm thủ tục xuất cảnh sang Nhật Bản thực tập kỹ năng tại sân bay Nội Bài. Sau khi sang Nhật là việc 1 thời gian thì anh K bỏ trốn khỏi nơi thực tập. Ngay sau đó công ty đã gửi Thông báo số 82/TB-F ngày 15/6/2018 về việc rời khỏi nơi thực tập của anh Phạm Đức K đến gia đình ông Phạm Quốc T. UBND xã N yêu cầu gia đình địa phương phối hợp với Công ty để vận động anh K quay lại nơi làm việc. Tuy nhiên Công ty không nhận được thông tin từ phía gia đình anh K.

Do vậy ngày 20/6/2018 nghiệp đoàn NBC đã có thông báo chính thức về việc bỏ trốn của thực tập sinh gửi tới cục Di trú Tokyo, trung tâm lợi ích cộng đồng – Hợp tác đào tạo quốc tế Việc anh Khanh bỏ trốn đã gây tổn thất và thiệt hại cho công ty, ảnh hưởng đến uy tín mà còn bị đối tác bên Nhật Bản đòi bồi thường do thực tập sinh bỏ trốn.

Ngày 06/8/2018 Công ty đã gửi thông báo cho ông Phạm Quốc T là người bảo lãnh cho anh K, yêu cầu ông T đến công ty thanh lý hợp đồng và thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho công ty theo hợp đồng bảo lãnh đã ký kết. Ngày 20/11/2018 Công ty tiếp tục gửi thông báo lần 2 cho ông T để yêu cầu ông T thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh đối với công ty nhưng ông T không đến làm việc Vì vậy Công ty khởi kiện yêu cầu ông Phạm Quốc T phải bồi thường số tiền 100.000.000đ cho công ty theo hợp đồng bảo lãnh đã ký Kèm theo đơn khởi kiện nguyên đơn giao nộp các tài liệu chứng cứ bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH một thành viên; Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng dịch vụ phái cử thực tập sinh đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản; Hợp đồng bảo lãnh; Thông báo lần 2; Bản cam kết; Thông báo bỏ trốn; Thông báo; Giấy chứng minh nhân dân; Sổ hộ khẩu; Giấy ủy quyền Bị đơn ông Phạm Đức T trong bản tự khai ngày 24/11/2020 và trong quá trình giải quyết vụ án trình bày : Ông là bố đẻ của anh Phạm Đức K. Năm 2017, anh K có ký hợp đồng dịch vụ phái cử với Công ty. Theo đó con trai ông sẽ đi thực tập tại Nhật Bản. Ông không biết cụ thể như thế nào nhưng gia đình ông phải nộp cho công ty số tiền 270.000.000đ trong đó có 100.000.000đ là tiền sau này gia đình ông sẽ được nhận lại khi anh K thực hiện xong nghĩa vụ đi Nhật. Thời gian sau đó ông nghe tin con trai ông không làm việc theo hợp đồng đã ký mà bỏ ra ngoài làm. Lý do là do công ty không đảm bảo công việc đúng theo chuyên môn mà còn bị đánh đập. Từ năm 2019 đến nay anh K cũng không liên lạc về nhà, gia đình ông cũng không biết anh K đang ở đâu. Nay phía công ty khởi kiện yêu cầu gia đình ông bồi thường số tiền 100.000.000đ về hành vi bỏ trốn của anh K thì ông không nhất trí. Việc có hợp đồng bảo lãnh ông không hề hay biết, anh K đi làm cũng không gửi tiền về và gia đình ông cũng không biết anh K đang ở đâu. Ông yêu cầu phía công ty phải cung cấp địa chỉ và thông tin của anh K cho gia đình ông. Trường hợp tìm được anh K thì phải đưa anh K về nước.

Ngày 27/11/2020, ông T có đơn đề nghị với nội dung đưa anh Phạm Đức K, sinh năm 1982, ĐKHKTT: xóm 9, xã N, huyện K, tỉnh Ninh Bình vào tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đề nghị công ty đưa anh K về để có trách nhiệm giải quyết với công ty.

Bị đơn không giao nộp tài liệu chứng cứ nào để chứng minh cho trình bày của mình Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng quy định của pháp luật; Nguyên đơn đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLTTDS, bị đơn thực hiện tương đối đúng quyền, nghĩa vụ theo quy định của BLTTDS.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 335, 336, 339, 340 Bộ luật dân sự, Điều 54, 55, 56, 57 Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006; Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT- TANDTC-BLĐTB&XH-VKSNDTC, Điều 147, 228 Bộ luật TTDS, Nghị quyết 326/2016/UBNTVQH14. Đề nghị tuyên:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Phạm Quốc T phải thanh toán toàn bộ số tiền 100.000.000đ cho công ty TNHH Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm và các chi phí tố tụng khác: đề nghị Tòa án căn cứ vào các quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tuyên theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Bị đơn ông Phạm Quốc T đã được tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định hoãn phiên tòa hợp lệ nhưng vắng mặt lần 2 không có lý do. Áp dụng khoản 3 Điều 228 Bộ luật TTDS xét xử vắng mặt bị đơn [2] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn có đơn khởi kiện bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền theo hợp đồng bảo lãnh đối với bị đơn có địa chỉ cư trú tại xóm 9, xã N, huyện K, tỉnh Ninh Bình, theo quy định tại khoản 3 Điều 26 và Khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật TTDS vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện K.

[3] Về quan hệ pháp luật phải giải quyết: ban đầu TAND huyện K xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết là tranh chấp về lao động; quá trình xét xử căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; quy định tại Điều 54, 55, 56, 57 Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006; Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-TANDTC-BLĐTB&XH-VKSNDTC Hội đồng xét xử xác định đây là quan hệ pháp luật dân sự là tranh chấp hợp đồng bảo lãnh.

[3] Xét yêu cầu của nguyên đơn công ty TNHH Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F thì thấy rằng:

[3.1] Tại hợp đồng bảo lãnh ngày 26/7/2017 giữa ông Phạm Quốc T, anh Phạm Đức K và Công ty ký kết để bảo lãnh đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bỏ trốn của thực tập sinh trong thời gian thực tập tại Nhật Bản “ Điều 1: Nội dung bảo lãnh 1. Bên bảo lãnh đồng ý nhận bảo lãnh cho người được bảo lãnh là anh Phạm Đức K và chịu trách nhiệm bồi thường nếu trong thời gian thực tập tại Nhật Bản mà anh Phạm Đức K bỏ trốn, tự ý rời khỏi nơi thực tập dẫn đến Công ty không thể liên lạc với người được bảo lãnh để giải quyết (Hành vi bỏ trốn được xem là hành vi người được bảo lãnh không đến, không có mặt hoặc tự ý rời khỏi nơi thực tập trái quy định với bất kỳ lý do nào và không có thông báo của nghiệp đoàn quản lý ( cơ quan tiếp nhận; chủ sử dụng lao động) hoặc thông báo của các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc bỏ trốn, tự ý rời khỏi nơi thực tập của người được bảo lãnh) 2. Số tiền bảo lãnh: bên bảo lãnh có trách nhiệm nhận bồi thường cho bên yêu cầu bảo lãnh số tiền 100.000.000đ cho thiệt hại do người được bảo lãnh bỏ trốn gây ra đối với bên yêu cầu bảo lãnh.

3. Tài sản bảo lãnh: Bên bảo lãnh cam kết dùng toàn bộ tài sản của mình để bảo lãnh cho người được bảo lãnh” Nội dung trên trong hợp đồng là thỏa thuận tự nguyện của các bên, có xác nhận của chính quyền địa phương xã N và không vi phạm điều cấm của pháp luật nên hợp pháp và cần được pháp luật bảo vệ.

[3.2] Sau khi anh Phạm Đức K được công ty làm thủ tục sang Nhật Bản thực tập được một thời gian thì đã tự ý bỏ trốn khỏi nơi làm việc. Ngay sau đó công ty đã gửi Thông báo số 82/TB-F ngày 15/6/2018 về việc rời khỏi nơi thực tập của anh Phạm Đức K đến gia đình ông Phạm Quốc T. UBND xã N yêu cầu gia đình địa phương phối hợp với Công ty để vận động anh K quay lại nơi làm việc.

Ngày 20/6/2018 nghiệp đoàn NBC đã có thông báo chính thức về việc bỏ trốn của thực tập sinh gửi tới cục Di trú Tokyo, trung tâm lợi ích cộng đồng – Hợp tác đào tạo quốc tế.

Như vậy việc người được bảo lãnh là anh Phạm Đức K tự ý rời khỏi nơi thực tập đã làm phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của người bảo lãnh là ông Phạm Quốc T.

Ngày 06/8/2018 Công ty đã gửi thông báo cho ông Phạm Quốc T là người bảo lãnh cho anh K, yêu cầu ông T đến công ty thanh lý hợp đồng và thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho công ty theo hợp đồng bảo lãnh đã ký kết. Ngày 20/11/2018 Công ty tiếp tục gửi thông báo lần 2 cho ông T để yêu cầu ông T thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh đối với công ty nhưng ông T không đến làm việc.

[3.3] Bị đơn ông T cũng xác nhận anh K đã tự ý bỏ trốn khỏi nơi thực tập nhưng cho rằng việc bỏ trốn do việc thực tập không đúng chuyên môn, thường xuyên bị đánh đập và hiện không biết anh K đang ở đâu. Ông T còn yêu cầu Tòa án đưa anh K vào tham gia với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu phía Công ty phải đưa anh K về nước thì mới giải quyết. Tuy nhiên ông T không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào chứng minh việc anh K thực tập tại Nhật Bản không đúng chuyên ngành và thường xuyên bị đánh đập nên mới bỏ trốn. Mặt khác hiện tại không xác định được địa chỉ cư trú hiện nay của anh K ở đâu và việc anh K không tham gia vào quá trình giải quyết không ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa ông T và công ty nên không có căn cứ để xem xét.

[3.4] Ông Phạm Quốc T có ý kiến cho rằng trước khi anh K xuất cảnh sang Nhật Bản, gia đình ông phải nộp cho công ty số tiền 270.000.000đ trong đó có 100.000.000đ là tiền sau này gia đình ông sẽ được nhận lại khi anh K thực hiện xong nghĩa vụ đi Nhật. Tuy nhiên ông không giao nộp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho trình bày của mình, do vậy không đủ căn cứ để chấp nhận yêu cầu này để đối trừ nghĩa vụ của ông với công ty. Khi ông thu thập đủ chứng cứ sẽ được xem xét giải quyết bằng vụ kiện khác.

[3.5] Căn cứ vào các phân tích tại mục [3.1 đến [3.4] nêu trên yêu cầu khởi kiên của nguyên đơn là có căn cứ được chấp nhận, cần buộc ông Phạm Quốc T phải thực hiện trách nhiệm bảo lãnh theo hợp đồng đã ký kết với số tiền 100.000.000đ theo quy định tại Điều 335,339,340,342 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 55,56,57 Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

[4] Về án phí: Công ty không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, ông T là người cao tuổi theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH2014 được miễn án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 335, 336, 339, 340 Bộ luật dân sự, Điều 54, 55, 56, 57 Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006; Điều 2 Thông tư liên tịch 1/2010/TTLT-TANDTC-BLĐTB&XH-VKSNDTC, Điều 147, 228 Bộ luật tố tụng Dân sự; nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công ty TNHH Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F đối với bị đơn ông Phạm Quốc T. Buộc bị đơn ông Phạm Quốc T phải bồi thường cho công ty số tiền 100.000.000đ ( một trăm triệu đồng)

2. Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Phạm Quốc T.

Trả lại cho nguyên đơn toàn bộ số tiền tạm ứng án phí 2.5000.000đ đã nộp theo biên lai số AA0002462 ngày 05/11/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai sơ thẩm các đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

61
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng dân sự số 06/2021/DS-ST

Số hiệu:06/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kim Sơn - Ninh Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về