Bản án về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và thừa kế tài sản số 356/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 356/2023/DS-PT NGÀY 25/07/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 25 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 54/2022/TLPT-DS ngày 02 tháng 4 năm 2022 về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và thừa kế tài sản.Do Bản án số 13/2021/DS-ST ngày 30-9-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 7720/2023/QĐ-PT ngày 10-7-2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: ông Đặng Văn M sinh năm 1959; trú tại: xã Đ, huyện H, tỉnh Bắc Giang; có mặt.

2. Bị đơn:

+ Ông Đặng Văn N sinh năm 1963; trú tại: thị trấn T, huyện H, tỉnh Bắc Giang; có mặt.

+ Bà Đặng Thị C sinh năm 1971; trú tại: xã Đ, huyện H, tỉnh Bắc Giang; có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà C: bà Nguyễn Thị H - Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Bắc Giang; có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Bà Trần Thị T sinh năm 1965; có mặt.

+ Anh Đặng Văn A sinh năm 1988; vắng mặt.

Đều trú tại: xã Đ, huyện H, tỉnh Bắc Giang.

+ Chị Đặng Thị L sinh năm 1985; trú tại: xã Đ, huyện H, tỉnh Bắc Giang;

vắng mặt.

+ Bà Nguyễn Thị D sinh năm 1962 (vợ ông N); trú tại: thị trấn T, huyện H, tỉnh Bắc Giang; có mặt.

+ Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Bắc Giang; vắng mặt.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: bà Đặng Thị N sinh năm 1967; trú tại: xã L, huyện H, tỉnh Bắc Giang; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: bà Nguyễn Thị D; có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà D, bà N: các luật sư Phan Thị V và Đào Hồng S - Công ty luật TNHH S, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; đều có mặt.

5. Người kháng cáo: nguyên đơn - ông Đặng Văn M và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà Đặng Thị N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn - ông Đặng Văn M trình bày: ngày 08/8/2009, mẹ ông là cụ Trần Thị X khởi kiện vụ án chia thừa kế di sản của bố ông là cụ Đặng Văn Y chết để lại. Ngày 30/9/2011, Tòa án nhân dân huyện H xử sơ thẩm, sau đó vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm vào ngày 23/3/2012. Theo các bản án nói trên thì bà C được chia sử dụng phần đất thổ cư có diện tích 375 m2 và ông N được tạm sử dụng phần đất thổ cư có diện tích 205,2 m2 tại thôn D, xã Đ. Trước đó, toàn bộ diện tích giao cho bà C, ông N nói trên nằm trong thửa đất thổ cư có tổng diện tích 1.196 m2 thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông theo Giấy chứng nhận QSD ngày 15/9/2004 do UBND huyện H cấp mang tên hộ ông Đặng Văn M.

Căn cứ các bản án nêu trên, bà C và ông N đã được UBND huyện H cấp GCN QSD đất, cụ thể là: ông Đặng Văn N được cấp GCNQSD đất số BR 373605 ngày 14/5/2014, được quyền sử dụng 196,3 m2 đất thổ cư gồm 60 m2 đất ở và 136,3 m2 đất vườn; bà Đặng Thị C được cấp GCNQSD đất số BR 373606 cùng ngày 14/5/2014, được sử dụng 372,3 m2 đất thổ cư gồm 110 m2 đất ở và 262,3 m2 đất vườn. Không nhất trí với các bản án nêu trên, ông tiếp tục khiếu nại, các bản án nêu trên đã bị kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 12/2015/DS-GĐT ngày 16/9/2015, Tòa án cấp cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao Tòa án nhân dân huyện H xét xử sơ thẩm lại. Tuy nhiên sau đó vụ án bị đình chỉ.

Vì vậy, nay ông khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông N phải trả cho ông toàn bộ diện tích đất mà ông N được giao theo các bản án và phải tháo dỡ bức tường xây trên phần đất đó và yêu cầu bà C trả lại cho ông 20 m2 trong tổng số diện tích được giao theo các bản án vì hiện nay các bản án đã bị hủy nên toàn bộ diện tích đất vẫn thuộc quyền sử dụng của ông theo Giấy CNQSD đất số X 085763 ngày 15/9/2004 mà UBND huyện H đã cấp mang tên hộ gia đình ông, đồng thời ông yêu cầu hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện H đã cấp cho bà C và ông N.

Về di sản là đất ở mà bố mẹ ông là cụ Đăng Văn Y và cụ Trần Thị X để lại, ông xác định, trong tổng diện tích 1.196 m2 mà hộ gia đình ông được cấp GCNQSD đất thì hai cụ chỉ có 200 m2. Cụ thể là, vào khoảng năm 1965, cụ Đặng Văn Y bán toàn bộ nhà, đất cũ của các cụ ở thôn Đông Nứa, sau đó, đến khoảng năm 1968 thì cả nhà ra khu ruộng ở khu Nhà Mền làm nhà ở. Do hợp tác xã không cho phép gia đình ông ở khu Nhà Mền nên khoảng năm 1978, Hợp tác xã cắm đất cho bố mẹ ông ở thôn Đông Nứa ngày nay để làm nhà ở, diện tích chỉ có 200 m2. Hàng năm ông vẫn đóng thuế đất ở cho địa phương trên diện tích 200 m2 . Năm 1982, ông đi bộ đội về rồi lấy vợ, sau đó san lấp thùng vũng, lấn rộng ra, đồng thời được gia đình ông Chanh cho một thửa ruộng khoảng 5, 6 thước nên đến nay mới có được diện tích đất thổ cư là 1.196 m2 (theo Giấy CNQSD đất số X 085763 ngày 19/5/2004 mang tên hộ ông Đặng Văn M), diện tích đo thực tế năm 2006 là 1.232,2 m2.

Về đất nông nghiệp, năm 1992, hộ gia đình ông khi đó có 7 khẩu gồm bố mẹ đẻ ông là cụ Y, cụ X; vợ chồng ông bà (vợ ông là bà T); bà C và hai con chung của ông với bà T là anh A, chị L đều thuộc đối tượng được chia đất nông nông nghiệp. Theo quy định của UBND xã Đ, mỗi khẩu được chia 2 sào (nếu được chia đủ đất nông nghiệp thì cả hộ được chia 14 sào) nhưng do gia đình ông có diện tích đất thổ cư rộng do lấn đất ruộng nên địa phương đã trừ vào diện tích đất nông nghiệp được giao, không được giao đủ định mức đất nông nghiệp như quy định. Theo GCNQSD đất nông nghiệp ngày 07/12/1999 thì hộ gia đình ông được sử dụng tổng cộng 3632 m2.

Tháng 3/2000 cụ Y chết, năm 2011 cụ X chết, ông xác định di sản của bố mẹ đẻ ông là cụ Y, cụ X để lại chỉ có 200 m2 đất ở trong thửa đất thổ cư 1.196 m2 đã được cấp GCNQSD đất mang tên hộ ông Đặng Văn M và 4 sào đất nông nghiệp, ngoài ra không còn gì khác.

Tại các bản tự khai, biên bản lấy lời khai, bà C, ông N, đại diện theo ủy quyền của ông N là bà Nguyễn Thị D trình bày: cụ Trần Thị X và cụ Đặng Văn Y sinh được 04 người con là Đặng Văn M, Đặng Văn N, Đặng Thị N, Đặng Thị C. Nguồn gốc đất thổ cư của gia đình là của hai cụ có từ trước năm 1980, được địa phương chia cho hai cụ, tổng diện tích là 1.196 m2 (đo lại vào năm 2006 là 1.232,2 m2). Ngày 07/3/2000, cụ Đặng Văn Y chết. Đến ngày 10/3/2002, ông Đặng Văn M làm đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất và sau đó được UNND huyện H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 085763 ngày 19/5/2004 mang tên ông Đặng Văn M. Do lo sợ ông M chiếm hết tài sản nên năm 2010 cụ X đã khởi kiện tranh chấp thừa kế tài sản, vụ án đã được hai cấp Tòa án giải quyết, bà C và ông N được chia đất thổ cư, sau đó đã được UBND huyện H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được chia theo bản án. Mặt khác, trước khi cụ X chết, cụ X đã có di chúc để lại di sản của cụ X cho ông N và bà C (di chúc lập ngày 08/6/2010, cụ X chết ngày 19/10/2011), vì vậy, nay ông N, bà C không chấp nhận nhận yêu cầu của ông M về việc đòi lại diện tích đất mà các ông bà đã được chia, đồng thời, nay theo yêu cầu của bà N về việc chia thừa kế tài sản của bố mẹ để lại là toàn bộ đất thổ cư và đất nông nghiệp, ông, bà đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế và các bản tự khai, bà Đặng Thị N trình bày: bố mẹ bà cụ Đặng Văn Y - Trần Thị X sinh được 4 người con là: ông Đặng Văn M, Đặng Văn N, Đặng Thị C và bà Đặng Thị N. Diện tích đất thổ cư 1.196 m2 (đo thực tế là 1.232,2 m2) do ông Đặng Văn M đang quản lý là của bố mẹ bà. Ngoài ra, bố mẹ bà còn có định suất ruộng (khoảng 4 sào) được chia chung với vợ chồng ông M - bà T và các con của ông M, hiện nay bà C sử dụng phần ruộng của cụ X, còn ông M đang sử dụng ruộng của cụ Y. Nay bố mẹ bà đã chết, bà yêu cầu chia di sản thừa kế do bố mẹ để lại theo quy định pháp luật.

Tại các Bản tự khai trong hồ sơ vụ án, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị T, anh Đặng Văn A, chị Đặng Thị L đều trình bày nội dung vụ việc như ông Đặng Văn M trình bày, đều xác định cụ X và cụ Y chỉ có 200 m2 đất ở, diện tích còn lại là của vợ chồng bà và các con lấn chiếm sau đó bị đối trừ ruộng ở ngoài đồng có được, đã được cấp Giấy CNQSD đất vào năm 2004. Đều đề nghị Tòa án xem xét chia quyền sử dụng đất và gộp chung vào một phần với ông M, đồng thời, bà T còn yêu cầu xem xét công sức của bà trong việc duy trì tôn tạo đối với di sản do cụ Y, cụ X để lại.

Tại văn bản ngày 10/5/2017 và ngày 09/11/2018, UBND huyện H nêu ý kiến cho rằng, việc UBND huyện H cấp Giấy CNQSD đất số PR 373605 cho ông Đặng Văn N và cấp Giấy CNQSD đất số PR 373606 cho bà Đặng Thị C cùng ngày 14/5/2014 là thực hiện theo quyết định của Bản án phúc thẩm số 11/2012/DS-PT ngày 13/3/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang và Quyết định thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự huyện H. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù bản án phúc thẩm nêu trên bị hủy nhưng Chi cục thi hành án chưa có Quyết định thay thế Quyết định thi hành án trước đó nên UBND huyện H chưa có cơ sở để thu hồi các Giấy CNQSD đất nêu trên.

Tại Bản án số 13/2021/DS-ST ngày 30-9-2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã áp dụng các Điều 26, 34, 147, 149, 227, 228, 271 và 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 32 Luật tố tụng hành chính; các điều 624, 626, 630, 635, 649, 651, 659 và 660 Bộ luật dân sự; quyết định:

- Bác yêu cầu của ông Đặng Văn M về việc đòi 196,3 m2 đất thổ cư do ông N đang quản lý và và yêu cầu ông N tháo dỡ bức tường trên phần đất ông N được giao; bác yêu cầu của ông Đặng Văn M về việc đòi 20 m2 đất thổ cư do bà C đang quản lý; bác yêu cầu của ông M về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BR 373 606 và BR 373 606 ngày 14/5/2014 của UBND huyện H cấp cho bà C và ông N.

Xác nhận di sản do cụ Đặng Văn Y để lại tại thời điểm mở thừa kế gồm có 247,4m2 (trong đó 100 m2 là đất ở) và 601m2 đất nông nghiệp tại thôn D xã Đ, huyện H, sau khi trừ công sức công sức duy trì, tôn tạo của bà Trần Thị Thà, giá trị còn lại là 803.567.200 đồng.

Xác nhận di sản do cụ Trần Thị X để lại tại thời điểm mở thừa kế gồm có 247,4 m2 (trong đó 100 m2 là đất ở); 601 m2 đất nông nghiệp tại thôn D xã Đ, huyện H và tài sản là đất thổ cư, đất nông nghiệp được hưởng thừa kế từ cụ Đặng Văn Y (đất nông nghiệp là 120,2 m2; đất thổ cư giá trị bằng 129.798.000 đồng). Tổng giá trị di sản là 1.036.390.600 đồng. Xác định một phần di chúc của cụ Trần Thị X lập ngày 08/6/2010 về việc định đoạt tài sản của cụ Trần Thị X cho bà Đặng Thị C và ông Đặng Văn N là hợp pháp.

- Giao cho Bà Đặng Thị C được sử dụng 372,3 m2 đất thổ cư thuộc thửa đất số 34, tờ bản đồ 20 tại thôn D, xã Đ, huyện H (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BR 373 606 ngày 14/5/2014 của UBND huyện H - có sơ đồ kèm theo) và được sử dụng 1.200,1 m2 đất nông nghiệp, bao gồm các thửa:

+ Thửa 255 tờ bản đồ 35 (đồng Nhà Mền) = 478,7 m2.

+ Thửa 267, tờ bản đồ 35 (đồng Nhà Mền) = 357,1 m2.

+ Thửa 84, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền Trên) = 292,3 m2.

+ Thửa 3 thước đám mạ (bà C đã chuyển quyền sử dụng cho người khác)= 72,0 m2. Tổng giá trị tài sản 1.252.115.700 đồng.

Về nghĩa vụ: bà C phải có nghĩa vụ: chia thừa kế bằng tiền cho bà Đặng Thị N số tiền 111.702.000 đồng; trả cho ông Đặng Văn N số tiền 54.835.000 đồng và trả cho bà Đặng Thị N thửa đất nông nghiệp số 263, tờ bản đồ 35 diện tích 138,1 m2;

- Giao cho ông Đặng Văn N được sử dụng 196,3 m2 đất thổ cư thuộc thửa 36, tờ bản đồ 20 tại thôn D, xã Đ, H (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BR 373 605 ngày 14/5/2014 của UBND huyện H - có sơ đồ kèm theo); được sở hữu số tiền do bà Đặng Thị C trả là 54.835.000 đồng; được sử dụng 462,2 m2 đất nông nghiệp và sở hữu số tiền 745.800 đồng tiền chênh lệch đất nông nghiệp do ông Đặng Văn M trả. Các thửa đất nông nghiệp gồm có:

+ Thửa 257, tờ bản đồ 25 = 165,7 m2.

+ Thửa 251, tờ bản đồ 25 = 132,9 m2.

+ Thửa 169, tờ bản đồ 24 = 163,6 m2.

Tổng giá trị tài sản là 678.908.600 đồng.

- Giao cho vợ chồng ông Đặng Văn M - bà Trần Thị T, anh Đặng Văn A và chị Đặng Thị L được sử dụng thửa đất đất thổ cư số 35, tờ bản đồ 20 có diện tích 663,6 m2 (vị trí thửa đất nằm giữa thửa đất của bà C và thửa đất của ông N, có sơ đồ kèm theo), được sử dụng 2.406,9 m2 đất nông nghiệp tại các thửa:

+ Thửa 227, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền) = 355,6 m2; + Thửa 278, tờ bàn đồ 35 (Đồng Cầu) = 744,0 m2; + Thửa 237, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền) = 326,2 m2.

+ Thửa 241, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền) = 91,9 m2; + Thửa 260, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền) = 189,6 m2; + Thửa 274, tờ bản đồ 25 (Gò Mả Đồng) = 255,4 m2.

+ Thửa 260, tờ bản đồ 25 (Gò Mả Đồng) = 188,7 m2; + Thửa 525, tờ bản đồ 25 (Cửa Nang) = 255,5 m2.

Tổng giá trị tài sản 1.719.454.600 đồng.

Về nghĩa vụ: ông Đặng Văn M phải chia chênh lệch bằng tiền cho bà Đặng Thị N số tiền 14.000.000 đồng và trả cho ông Đặng Văn N quyền sử dụng 462,2 m2 gồm 3 thửa đất nông nghiệp (nêu cụ thể trong phần giao cho ông N) và số tiền 745.800 đồng.

- Giao cho bà Đặng Thị N được sở hữu số tiền 111.702.000 đồng (do bà C trả), số tiền 14.000.000 đồng do ông Đặng Văn M trả và được quyền sử dụng 138,1 m2 đất nông nghiệp tại thửa 263, tờ bản đồ 35 (xứ đồng Nhà Mền), thuộc thôn D xã Đ, huyện H do bà C trả (tổng giá trị tài sản là 165.221.300 đồng).

- Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 085763 ngày 15/9/2004 của UBND huyện H, tỉnh Bắc Giang cấp cho hộ ông Đặng Văn M.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; về án phí theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Ngày 14-10-2021, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là bà Đặng Thị N kháng cáo đề nghị chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại, yêu cầu được nhận tài sản bằng đất, không nhận tiền; xác minh diện tích đất nông nghiệp nguyên đơn đang sử dụng; định giá lại tài sản để bảo đảm công bằng khi phân chia tài sản.

- Ngày 21-10-2021, nguyên đơn là ông Đặng Văn M kháng cáo không đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

Tại phiên tòa:

Ông M đề nghị chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Đặng Thị N và các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà N đề nghị chấp nhận nội dung kháng cáo nêu trên.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, có ý kiến: căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét thấy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đối với các đương sự là có căn cứ, đúng pháp luật; đề nghị giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đối với các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1]. Về thủ tục tố tụng: theo đơn khởi kiện của ông M về đòi quyền sử dụng đất đối với ông Đặng Văn N và bà Đặng Thị C, việc Tòa án thụ lý quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất”. Quá trình giải quyết vụ án, bà Đặng Thị N có yêu cầu độc lập về việc chia di sản thừa kế. Xét thấy yêu cầu của bà N có liên quan đến đối tượng tranh chấp mà ông M khởi kiện, do đó để giải quyết triệt để vụ án, yêu cầu của bà N được xem xét và thụ lý giải quyết trong cùng vụ án. Vì vậy quan hệ pháp luật được xác định là “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và tranh chấp về thừa kế tài sản”. Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang thụ lý, giải quyết vụ án là đúng.

Trong vụ án này, đối tượng tranh chấp mà ông M khởi kiện là quyền sử dụng đất mà ông Đặng Văn N, bà Đặng Thị C được chia trong vụ án thừa kế do cụ Trần Thị X (là mẹ đẻ của ông M, ông N, bà N, bà C) khởi kiện; vụ án chia thừa kế trước đó đã bị hủy nhưng chưa được giải quyết lại; ngoài ra, cần giải quyết về tranh chấp thừa kế di sản (theo yêu cầu của bà N) để làm căn cứ giải quyết yêu cầu của các bên.

Tại phiên tòa, vắng mặt một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Ủy ban nhân dân huyện H; chị L, anh A), nhưng các đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt họ.

[2]. Về nội dung Căn cứ các lời khai do các bên đương sự trình bày và các tài liệu thu thập được, có cơ sở xác định: cụ Y và cụ X sinh được 4 người con là ông Đặng Văn M, Đặng Văn N, Đặng Thị C và Đặng Thị N. Năm 1968, hai cụ ở cánh đồng Nhà Mền thuộc đất ruộng nên chính quyền địa phương không cho ở, do đó hai cụ về thôn D và được HTX giao đất. Cho đến nay không có tài liệu nào thể hiện diện tích đất ở mà hai cụ được giao ban đầu, tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của ông M và các tài liệu ông M xuất trình là các giấy tờ nộp thuế đất ở của gia đình trước đây, đồng thời Tòa án đã xác minh tại địa phương thì thấy rằng, diện tích chịu thuế đất ở mà hộ cụ Đặng Văn Y nộp thời điểm từ năm 2011 trở về trước là 200 m2 (tương đương với nghĩa vụ đóng thuế có thời điểm là 5,6; có thời điểm 6,3 kg thóc), được ghi nhận tại các thông báo nộp thuế, sổ bộ thuế thôn D, số thứ tự 31, mã số 030021976. Do đó, cần xác định diện tích đất ở phải chịu thuế này (200 m2) là diện tích mà hai cụ được giao ban đầu (giao cho hai cụ vì khi đó các con của hai cụ đều còn nhỏ), là di sản hai cụ để lại (theo Biên bản định giá 5.000.000đ/m2 đất ở = 1.000.000.000 đồng).

Quá trình ở trên đất này, hai cụ ở cùng với bà C, vợ chồng ông M (bà T), và các con của ông M - bà T là anh A, chị L. Ngoài diện tích đất ở được giao ban đầu (200 m2), hộ gia đình đã cơi nới, mở rộng đất thổ cư, hình thành nên diện tích 1.196 m2 (theo GCNQSD đất cấp năm 2004) sau đó được địa phương hợp pháp hóa diện tích lấn chiếm này bằng việc trừ vào diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình khi địa phương giao đất nông nghiệp năm 1993. Tổng diện tích đất thổ cư đo đạc năm 2006 là 1232,2 m2, ngoài diện tích 2 cụ được giao ban đầu thì gia đình được sử dụng thêm 1.032,2 m2. Diện tích tăng thêm này do các thành viên trong hộ cùng có công sức cơi nới, lấn chiếm mở rộng, đồng thời, để được sử dụng hợp pháp thì đã bị trừ một phần đất nông nghiệp của hộ khi địa phương giao đất nông nghiệp nên đây là tài sản chung của 7 thành viên trong hộ gia đình tại thời điểm giao đất nông nghiệp là cụ Y, cụ X, ông M, bà T, bà C, anh A, chị L (thời điểm này ông N, bà N đã lấy vợ, lấy chồng ở nơi khác). Việc ông M tự ý kê khai để được cấp Giấy CNQSD đất mang tên hộ ông Đặng Văn M khi chưa được sự đồng ý, hoặc tặng cho của cụ Y, cụ X, bà C và những người được thừa kế di sản của cụ Y là không có căn cứ; việc UBND huyện H cấp Giấy CNQSD đất số X 085763 ngày 15/9/2004 mang tên hộ ông Đặng Văn M là không đúng pháp luật. Do đó, ông M - bà T không có căn cứ xác lập quyền sử dụng quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất nói trên. Cần xác định diện tích 1232,2 m2 đất thổ cư, trong đó 200 m2 đất ở là của cụ Y và cụ X (mỗi cụ 100 m2), diện tích còn lại là 1032,2 m2 đất vườn là tài sản chung của cả hộ gồm: cụ Y, cụ X, bà C, ông M, bà T, anh A, chị L (mỗi người có 147,4 m2, theo Biên bản định giá thì đất vườn có giá 1.500.000đ/m2, phần của mỗi người có giá trị là 221.100.000 đồng).

Cụ Y chết năm 2000, tại thời điểm cụ Y chết, xác định được di sản của cụ Y là 247,4 m2 (trong đó 100 m2 là đất ở), trị giá 721.100.000 đồng (theo Biên bản định giá tài sản thì giá đất ở là 5.000.000 đ/m2; đất vườn là 1.500.000đ/m2). Sau khi cụ Y chết, cả ông M, ông N đều đứng ra mai táng. Tuy nhiên, cả hai ông đều không thống nhất về số tiền đã bỏ ra, cũng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc chi phí mai táng và quá trình giải quyết trước đây, các ông cũng tự nguyện không yêu cầu gì về chi phí mai táng nên không đặt ra xem xét.

Cụ Y chết không để lại di chúc nên di sản được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất gồm: cụ X, ông M, ông N, bà C, bà N (5 người). Bà T là vợ ông M không được chia di sản của cụ Y, tuy nhiên, bà T có thời gian dài ở cùng với hai cụ trên thửa đất này, có công sức duy trì, tôn tạo đối với di sản, bà T yêu cầu được xem xét về công sức. Xét thấy yêu cầu của bà T là có căn cứ, cần trích chia công sức cho bà bằng ½ của 1 xuất thừa kế khi chưa trích chia (tương đương 1/10 giá trị di sản của cụ Y) = 72.110.000 đồng. Như vậy, di sản của cụ Y sau khi trích chia công sức cho bà T còn lại trị giá 648.990.000 đồng. Chia đều cho 5 người là cụ X, ông M, ông N, bà C và bà N, mỗi người được 129.798.000 đồng.

Đối với di sản của cụ X, ngoài di sản là 247,4 m2 (100 m2 đất ở và 147,4 m2 đất vườn), trị giá 721.100.000 đồng thì di sản của cụ X còn có phần được hưởng thừa kế của cụ Y, trị giá 129.798.000 đồng. Tổng di sản của cụ X để lại sau khi chết là 850.898.000 đồng. Cụ X chết có để lại di chúc để lại toàn bộ di sản của cụ cho ông N và bà C. Di chúc có chứng thực tại UBND xã Đ, được chứng thực đúng ý chí và nguyện vọng của cụ X nên phần di chúc mà cụ X định đoạt đối với tài sản của mình (cho ông N, bà C) là hợp pháp, theo đó ông N và bà C được hưởng thừa kế tài sản của cụ X theo di chúc, mỗi người được hưởng ½ giá trị di sản = 425.449.000 đồng.

Như vậy, tổng giá trị di sản mà ông N được hưởng của cụ Y, cụ X là 425.449.000 đồng + 129.798.000 đồng = 555.247.000 đồng; tổng giá trị tài sản mà bà C được chia từ tài sản chung, được hưởng di sản từ cụ Y, cụ X là:

221.100.000 đồng + 425.449.000 đồng + 129.798.000 đồng = 776.347.000 đồng.

Về phía vợ chồng ông M - bà T và 2 con chung là anh A, chị L, do yêu cầu được nhận chung một phần nên được hưởng bao gồm: phần tài sản chung của 4 người (221.100.000 đồng x 4 = 884.400.000 đồng), phần ông M được hưởng di sản từ cụ Y (129.798.000 đồng) và phần bà T được trích chia công sức (72.100.000 đồng), tổng cộng là 1.086.298.000 đồng.

Ông N đang quản lý 196,3 m2 đất thổ cư, trong đó có 60 m2 đất vườn (theo Giấy CNQSD đất), tổng trị giá là 504.450.000 đồng (còn thiếu so với giá trị được hưởng là 50.797.000 đồng).

Bà C đang quản lý 372,3 m2 đất thổ cư, trong đó có 110 m2 đất ở (theo Giấy CNQSD đất), tổng trị giá là 943.450.000 đồng (thừa so với phần tài sản, di sản được hưởng là 167.103.000 đồng).

Vợ chồng ông M, anh A, chị L đang quản lý diện tích đất thổ cư còn lại là 663,6 m2 đất thổ cư (trong đó 30 m2 đất ở), tổng trị giá là 1.100.400.000 đồng (thừa so với phần được hưởng là 14.102.000 đồng).

Như vậy, sau khi xem xét thực trạng đất thổ cư mà các bên đang quản lý, đồng thời căn cứ vào nhu cầu sử dụng, cần tiếp tục giao cho vợ chồng ông M - bà T, ông N, bà C được sử dụng diện tích đất hiện từng người đang quản lý, đồng thời chia giá trị bằng tiền cho bà N. Bà C và ông M phải chia bằng tiền cho bà N phần bà N được hưởng và trả chênh lệch thêm bằng tiền cho ông N. Cụ Thể là bà C phải trả chênh lệch cho ông N 50.797.000 đồng; trả cho bà N 116.306.000 đồng; ông M phải trả cho bà N 14.000.000 đồng.

Cần bác yêu cầu của ông M về việc đòi 196,3 m2 đất thổ cư ông N đang quản lý và yêu cầu ông N tháo dỡ bức tường trên phần đất ông N được giao; bác yêu cầu của ông M về việc đòi và 20 m2 đất thổ cư bà C đang quản lý, đồng thời bác yêu cầu của ông M về việc hủy các Giấy CNQSD đất mà UBND huyện H đã cấp cho bà C, ông N.

Về di sản là ruộng canh tác (đất nông nghiệp): theo Giấy chứng nhận QSD đất nông nghiệp ngày 07/12/1999 thì hộ gia đình ông Đặng Văn M (bao gồm định xuất gồm ông M, bà T, cụ X, cụ Y, anh A, chị L) được sử dụng tổng cộng 3632 m2. Tuy nhiên, theo địa phương cung cấp thì thời điểm chia ruộng, định suất ruộng của hộ ông M như sau: 4 thành viên là bà T, bà C, anh A, chị L mỗi người được chia 1 sào 12 thước (mỗi người được tương đương 648 m2); còn 3 thành viên là cụ X, cụ Y, ông M mỗi người được chia 2 sào (mỗi người tương đương 720 m2), tổng cộng cả hộ nếu được chia đủ đất nông nghiệp sẽ là 4.852 m2. Tại thời điểm chia đất nông nghiệp, hộ ông M đã phải trừ đất nông nghiệp để đối trừ vào diện tích đất vườn nên diện tích không đủ theo định suất quy định tại địa phương. Nay toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình ông M trước đây do vợ chồng ông M và các con ông M quản lý sử dụng 1 phần, phần còn lại do bà C đang quản lý (bao gồm cả diện tích đất rau xanh không nằm trong Giấy CNQSD đất), cần xác định tổng diện tích đất nông nghiệp mà cả hộ bà C và hộ ông M đang quản lý (đã quy chủ theo bản đồ chính quy) là diện tích đất nông nghiệp cả hộ (7 định suất) được chia năm 1993.

Căn cứ lời khai, các tài liệu do đương sự cung cấp và kết quả thu thập chứng cứ, hiện hộ bà C (gồm 1 mình bà C) và hộ ông M (gồm vợ chồng ông M, anh A, chị L) đang quản lý, sử dụng diện tích đất nông nghiệp như sau:

- Bà C đang sử dụng 5 thửa gồm có:

+ Thửa 255 tờ bản đồ 35 (đồng Nhà Mền) = 478,7 m2.

+ Thửa 267, tờ bản đồ 35 (đồng Nhà Mền) = 357,1 m2.

+ Thửa 263, tờ bản đồ 35 (đồng Nhà Mền) = 138,1 m2.

+ Thửa 84, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền Trên) = 292,3 m2.

+ Thửa 3 thước đám mạ (bà C đã chuyển quyền sử dụng cho người khác) = 72,0 m2. Tổng diện tích 5 thửa là = 1.338,2 m2.

- Hộ ông M đang sử dụng 11 thửa gồm có:

+ Thửa 227, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền) = 355,6 m2; + Thửa 278, tờ bàn đồ 35 (Đồng Cầu) = 744,0 m2.

+ Thửa 237, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền) = 326,2 m2; + Thửa 241, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền) = 91,9 m2.

+ Thửa 260, tờ bản đồ 35 (Nhà Mền) = 189,6 m2; + Thửa 257, tờ bản đồ 25 (Gò Mả Đồng) = 165,7 m2.

+ Thửa 274, tờ bản đồ 25 (Gò Mả Đồng) = 255,4 m2; + Thửa 251, tờ bản đồ 25 (Gò Mả Đồng) = 132,9 m2.

+ Thửa 260, tờ bản đồ 25 (Gò Mả Đồng) = 188,7 m2; + Thửa 169, tờ bản đồ 24 (Cửa Nang) = 163,6 m2; + Thửa 525, tờ bản đồ 25 (Cửa Nang) = 255,5 m2.

Tổng diện tích = 2.869,1 m2.

Như vậy, tổng diện tích 7 định xuất (gồm cụ Y, cụ X, ông M, bà T, bà C, anh A, chị L) được chia là 4.207 m2. Đây là diện tích đất nông nghiệp còn lại được chia sau khi bị trừ để lấy đất vườn, nay cần xác định mỗi định xuất là 60 m2 (giá trị đất nông nghiệp được tính theo Biên bản định giá = 257.200đ/m2).

Đối với định xuất đất nông nghiệp của cụ Y (601 m2), sau khi cụ Y chết được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế gồm: cụ X, ông M, ông N, bà C, bà N, mỗi người được 120,2 m2.

Tại thời điểm cụ X chết (chết sau cụ Y) nên diện tích đất nông nghiệp cụ X để lại là 601 m2 + 120,2 m2 = 721,2 m2. Cụ X có di chúc để lại di sản cho ông N và bà C, do đó ông N và bà C mỗi người được thừa kế 360,6 m2 đất nông nghiệp (của cụ X).

Như vậy, tổng diện tích đất nông nghiệp mà bà C, ông N, bà N, hộ ông M (bao gồm vợ chồng ông M và 2 con ông M là anh A, chị L) được chia từ tài sản chung của hộ và được thừa kế như sau:

- Bà C: phần đất nông nghiệp được được chia theo định xuất và phần được hưởng thừa kế từ cụ Y, cụ X là:

601 m2 + 120,2 m2 + 360,6 m2 = 1.081,8 m2.

- Ông N: được thừa kế của cụ Y và cụ X là:

120,2 m2 + 360,6 m2 = 480,8 m2.

- Bà N: được thừa kế của cụ Y = 120,2 m2.

- Ông M, bà T, anh A, chị L: phần đất nông nghiệp trong tổng diện tích đất nông nghiệp được chia, phần ông M được thừa kế từ cụ Y:

601 m2 x4 + 120,2 m2 = 2.524,2 m2.

Đối chiếu với diện tích đất nông nghiệp hiện nay hộ ông M, hộ bà C đang quản lý, sử dụng với diện tích được chia, được thừa kế thì hộ ông M thừa 465,1 m2; hộ bà C đang thừa 256,4 m2. Trong số diện tích bà C đang quản lý, sử dụng, bà C đã chuyển quyền sử dụng 1 thửa 72 m2 cho người khác, hiện không còn nữa nhưng cần phải xem xét để tính và trừ vào phần của bà C.

- Nay cần buộc ông M, bà T phải trả phần diện tích đất thừa cho ông N, cụ thể là các thửa sau:

+ Thửa 257, tờ bản đồ 25 = 165,7 m2;

+ Thửa 251, tờ bản đồ 25 =132,9 m2;

+ Thửa 169, tờ bản đồ 24 = 163,6 m2.

Tổng diện tích cả 3 thửa là 462,2 m2. So với diện tích thừa thì sau khi trả cho ông N 3 thửa trên, hộ ông M vẫn còn thừa 2,9 m2. Cần tính giá trị bằng tiền (theo giá trị đã định giá 257.200 đ/m2), thành tiền là 745.800 đồng, buộc ông M, bà T trả thêm cho ông N số tiền này.

- Bà C phải trả cho bà N thửa 263, tờ bản đồ 35 có diện tích 138,1 m2. So với diện tích được hưởng (120,2 m2), bà N phải Y toán lại giá trị phần diện tích thừa bằng tiền cho bà C là 17,9 m2 x 257.200 đồng = 4.603.800 đồng (số tiền này sẽ được đối trừ vào số tiền mà bà C phải Y toán giá trị di sản là đất ở cho bà N, cụ thể là 116.306.000 đồng- 4.603.800 đồng = 111.702.000 đồng).

Ngoài ra, do bà C sau khi trả ruộng cho bà N thì vẫn thừa so với diện tích ruộng mà bà C được hưởng nên bà C còn phải chia giá trị bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp mà ông N còn thiếu so với phần ông N được hưởng (sau khi đã nhận 465,1 m2 từ ông M), cụ thể là 15,7 m2, tính thành tiền là 4.038.000 đồng.

Ngoài di sản là đất thổ cư, đất nông nghiệp nêu trên, bà N (do bà D đại diện) còn cho rằng di sản do cụ Y, cụ X để lại còn có căn nhà cấp 4 lợp ngói, công trình phụ và 1 số cây cối lâm lộc trên đất. Tuy nhiên, các tài sản trên hiện không còn tại thời điểm xem xét, định giá, không có cơ sở để xác định giá trị và phân chia nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu này của bà N.

Tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 09/7/2021 thể hiện, ngoài các thửa đất nông nghiệp đã nêu ở trên và đã được xem xét phân chia thì hiện ông M hiện còn đang sử dụng 3 thửa đất nông nghiệp là: Thửa 255, tờ bản đồ 25, diện tích 204,7 m2; thửa 496, tờ bản đồ 35, diện tích 115, m2 và thửa 467, tờ bản đồ 35, diện tích 217,4 m2. Tuy nhiên, ông M xác định các thửa ruộng này là của người khác bỏ hoang không làm nên gia đình ông đã sử dụng để canh tác chứ không phải của gia đình ông. Địa phương cũng xác định các thửa đất này không thuộc quyền sử dụng của gia đình ông M. Các đương sự khác cũng không đưa ra được chứng cứ tài liệu chứng minh là tài sản của cụ Y, cụ X để lại nên không có cơ sở để xem xét phân chia.

Với các lý do trên, xét thấy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đối với các đương sự là đúng pháp luật. Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông M, bà N.

[3]. Về án phí: ông M sinh năm 1959, là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí nên không phải nộp án phí phúc thẩm. Bà N phải nộp án phí phúc thẩm theo quy định.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308; khoản 3 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Giữ nguyên Bản án số 13/2021/DS- ST ngày 30-9-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.

2. Bà Đặng Thị N phải nộp án phí phúc thẩm là 300.000 đồng. Bà Nguyễn Thị D đã nộp thay bà N số tiền trên vào ngày 22-10-2021, tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

99
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và thừa kế tài sản số 356/2023/DS-PT

Số hiệu:356/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về