TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 90/2023/DS-PT NGÀY 07/03/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 07 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm, công khai vụ án thụ lý số 496/2022/TLPT- DS ngày 14 tháng 11 năm 2022, về việc “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất”, Do Bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DS-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 46/2023/QĐ-PT ngày 09/02/2023, Quyết định hoãn phiên toà số 61/2023/QĐPT-HPT ngày 24/02/2023, giữa các đương sự:
-Nguyên đơn: Ông Phạm Đức T, sinh năm 1981; Ông Phạm Đức T2, sinh năm 1979.
HKTT, chỗ ở hiện nay: Xóm 4, thôn Đ, xã H, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lê Sỹ H, Luật sư Phạm Thế H – Văn phòng Luật sư Hòa Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
- Bị đơn: Ông Đặng Văn Đ, sinh năm 1961;
Chỗ ở hiện nay: Xóm 4, thôn Đ, xã H, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Bà Đặng Thị H2, sinh năm 1966 (vợ ông Đ);
+ Ông Đặng Hồng M2, sinh năm 1987 (con ông Đ);
HKTT: Xóm 4, thôn Đ, xã H, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Người kháng cáo, ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án dân sự sơ thẩm vụ án có nội dung như sau:
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai của ông Phạm Đức T, Phạm Đức T2 là nguyên đơn trình bày:
Ông Phạm Đức T và ông Phạm Đức T2 là hai anh em ruột được cha đẻ là ông Phạm Đức H để lại thửa đất số 72, tờ bản đồ số 04, diện tích 296m2 tại thôn Đ, xã H, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Thửa đất này được UBND huyện Thanh Trì cấp GCNQSDĐ cho ông Phạm Đức H năm 2003.
Trong quá trình sử dụng đất, ông Phạm Đức H và gia đình sử dụng ổn định không chuyển nhượng cho ai. Đến năm 2011, ông Phạm Đức H chia cho ông Phạm Đức T và Phạm Đức T2 mỗi người một phần của thửa đất, cụ thể: Ông Phạm Đức T được quyền sử dụng 174,5m2; ông Phạm Đức T2 được quyền sử dụng 121,5m2, ông T2 và ông T đều được UBND huyện Thanh Trì cấp GCNQSDĐ năm 2011. Cùng năm 2011, ông T2 xây nhà kiên cố trên phần đất được chia.
Tuy nhiên, theo số liệu hình thể các cạnh được ghi trên GCNQSDĐ thì diện tích thửa đất được tính 246,75m2, diện tích được đo đạc thực tế hiện đang sử dụng của ông T và ông T2 là 215,8m2.
Đầu tháng 4/2021, ông Đặng Văn Đ là chủ sử dụng đất liền kề cho tiến hành xây dựng nhà xưởng, khi đào móng xây tường giáp với phần đất của ông T, do ông T, ông T2 đi vắng và phần đất của ông T chưa xây dựng nên ông Đ đã xây lấn sang phần đất của ông T. Ông T, ông T2 đã yêu cầu ông Đ phải điều chỉnh lại công trình về đúng mốc giới nhưng ông Đ không nghe mà vẫn thi công công trình cho đến khi hoàn thành.
Nay ông T, ông T2 xác định ông Đ lấn chiếm khoảng 30m2 đất, cụ thể: Phía bên sườn giáp đất nhà ông T khoảng 4m2, phía sau giáp đất ông T, ông T2 khoảng 26m2. Ông T, ông T2 đề nghị Tòa án buộc ông Đ trả lại cho hai ông diện tích bị lấn chiếm.
Bị đơn, ông Đặng Văn Đ trình bày: Cụ Đặng Văn Đ là bố đẻ của ông Đặng Văn Đ quản lý, sử dụng thửa đất số 73, tờ bản đồ số 04, diện tích 1034m2, trong đó có 300m2 đất ở và 734m2 đất vườn, được UBND huyện Thanh Trì cấp GCNQSDĐ số DD861595 ngày 15/6/2004 mang tên ông Đặng Văn Đ. Tháng 4/2009 cụ Đặng Văn Đ làm thủ tục tặng cho vợ chồng ông Đặng Văn Đ.
Đầu tháng 4/2021, vợ chồng ông Đ xây dựng khu nhà xưởng và căn nhà cấp 4 trên thửa đất nêu trên. Khi xây dựng công trình gia đình nhà ông Đ vẫn chưa xây hết phần đất theo GCNQSDĐ đã được cấp. Gia đình ông Đ xây dựng gian nhà cấp 4 theo mốc hàng rào cây ô dô của các cụ trồng để lại. Tại mốc hàng rào cây ô dô này đã được xác định khi cháu Phạm Đức T2 xây dựng nhà ở kiên cố năm 2010.
Nay hai cháu Tân, T2 khởi kiện tại Tòa án về việc gia đình ông Đ xây lấn sang phần đất của hai cháu, gia đình ông Đ khẳng định không xây lấn đất, phía mặt đường liên xã H – Yên Mỹ thửa đất nhà ông Đ có chiều dài 21m, nhưng gia đình ông Đ mới xây dựng 20,3m vẫn còn thiếu 0,7m. Còn phần xây dựng nhà cấp 4 được xây dựng theo mốc giới các cụ để lại là hàng rào cây ô dô.
Theo bản đồ năm 1986, diện tích đất của gia đình ông Đ là 1138m2, đến năm 1994 khi đo đạc là bản đồ thì gia đình ông Đ lại có 1034m2 do thời điểm đo đạc gia đình ông Đ không có nhà nên việc dẫn đạc không đúng mốc giới. Kết quả đo đạc giữa hai hệ thống bản đồ thì gia đình ông Đ bị thiếu 104m2, còn gia đình cháu Tân, cháu T2 lại tăng hơn 84m2. Gia đình ông Đ không chấp nhận yêu cầu của cháu Tân, cháu T2 và đề nghị Tòa án căn cứ hồ sơ địa chính để giải quyết.
Người liên quan bà Đặng Thị H2, anh Đặng Hồng M2 có cùng quan điểm với ông Đặng Văn Đ và không có yêu cầu đề nghị gì khác.
Qua xem xét thẩm định tại chỗ thể hiện: Phần đất nhà ông T, ông T2 hiện nay ông T2 đã xây dựng nhà kiên cố, phần đất hiện nay của ông T đang để trống. Phần đất tranh chấp là phần đất phía Tây Bắc thửa đất của ông T, ông T2 nhà ông Đ lấn sang 50cm chạy dọc theo thửa đất của ông T; Phía Đông Bắc thửa đất của ông T, ông T2 thì nhà ông Đ lấn sang nhà ông T, ông T2 chiều ngang mặt ngõ đi là 1,4m chạy dọc theo thửa đất của ông T, ông T2. Phần đất này có một phần khoảng sân và một phần xây nhà cấp 4 lợp tôn.
Tại phiên tòa sơ thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Thửa đất hiện nay ông T, ông T2 đang quản lý sử dụng được ông Phạm Đức H là bố đẻ để lại. Quá trình sử dụng đất gia đình nhà ông T, ông T2 không chuyển nhượng, trao đổi đất với ai. Theo bản đồ năm 1986, thửa đất của ông Phạm Đức H có diện tích 212m2, đến năm 1994 cũng thửa đất này có diện tích là 296m2. Tuy nhiên nếu tính diện tích theo hình thể được ghi trên GCNQSDĐ thì diện tích được xác định là 246,75m2. Như vậy so với diện tích thực tế sử dụng thì diện tích đất ông T, ông T2 đang sử dụng bị hụt hơn 30m2. Sau khi đo đạc thực tế thì thấy diện tích nhà ông Đ là 1064m2 chưa kể phần diện tích tranh chấp, như vậy so với diện tích sử dụng thực tế sử dụng 1095m2 thì gia đình ông Đ đang thừa 31m2. Do vậy đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/ DS-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì đã quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 về việc yêu cầu ông Đặng Văn Đ trả lại phần đất lấn chiếm. Giao gia đình ông Đặng Văn Đ quản lý, sử dụng diện tích 1095,1m2 đất được giới hạn bởi các điểm 1,2,3,4,5,6,7,8,9,21,22,23,16,13,14,15,1 Giao ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 quản lý, sử dụng diện tích 215,1m2 được giới hạn bởi các điểm 9,10,11,12,13,16,23,22,21,9 (Có sơ đồ kèm theo).
Ngoài ra Bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Không đồng ý, ông Phạm Đức T2, ông Phạm Đức T kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm.
Đơn kháng cáo của ông Phạm Đức T2, ông Phạm Đức T có nội dung chính: Do trong quá trình xây dựng nhà xưởng, ông Đặng Văn Đ đã có hành vi lấn chiếm 30m2 đất của ông T2, ông T nhưng Tòa án huyện Thanh Trì đã tuyên: Không chấp nhận việc khởi kiện của Nguyên đơn; giữ nguyên vị trí các mốc giới và diện tích đất thực tế hiện các bên đang quản lý sử dụng. Nên ông T2, ông T kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm. Ông T2, ông T yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đương sự giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, không xuất trình chứng cứ mới.
Luật sư Lê Sỹ H, Luật sư Phạm Thế H trình bầy luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ Bản án dân sự sơ thẩm do có vi phạm như: Diện tích đất của gia đình ông T, ông T2 có tới 3 số liệu khác nhau; tuyên án khi chưa xác minh thu thập đầy đủ chứng cứ, không đưa các thành phần, cơ quan có trách nhiệm tham gia tố tụng để cung cấp tài liệu, chứng cứ, tranh tụng.
Tham gia phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm:
Về tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung, sau khi phân tích đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
Về tố tụng, ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 nộp đơn kháng cáo, nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong hạn luật định là hợp lệ.
Về nội dung, xét yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
Nguồn gốc của thửa đất nhà ông Đ và nhà ông T, ông T2 đều do các cụ để lại, sử dụng ổn định lâu dài không có tranh chấp cho đến khi ông Đ xây dựng các công trình trên đất vào tháng 4 năm 2021. Quá trình sử dụng đất, gia đình ông Đ cũng như ông T, ông T2 đều thừa nhận không trao đổi, tặng cho đất với ai.
Theo tài liệu do UBND xã H cung cấp: Trích lục bản đồ năm 1986 thửa đất của cụ Đức sử dụng có diện tích 1138m2, trích lục bản đồ năm 1994 vẫn thửa đất nêu trên có diện tích 1034m2, thực tế đo hiện trạng sử dụng là 1095,1m2. Đối với thửa đất của ông T, ông T2 theo trích lục bản đồ năm 1986 diện tích là 212m2, trích lục bản đồ năm 1994 diện tích là 296m2, thực tế đo hiện trạng sử dụng là 215,1m2. Diện tích của các thửa đất theo các trích lục bản đồ qua các năm có sự chênh lệch diện tích.
Qua xác minh tại UBND xã H được biết sự chênh lệch diện tích nêu trên do hệ bản đồ năm 1994 đo không đúng ranh, mốc giới diện tích đất sử dụng của hai gia đình. Như vậy, căn cứ để xác định ranh giới đất cần phải theo Trích lục bản đồ năm 1986 và hiện trạng sử dụng đất hiện nay. Cụ thể, bản đồ năm 1986 thửa đất của cụ Đức (hiện do ông Đ sử dụng) có diện tích 1138m2, thực tế đo hiện trạng sử dụng là 1095,1m2; so với bản đồ năm 1986 thửa đất thiếu 42,9m2. Đối với thửa đất của ông T và ông T2 theo trích lục bản đồ năm 1986 diện tích là 212m2, thực tế đo hiện trạng sử dụng là 215,1m2; so với bản đồ năm 1986 thửa đất thừa 3,1m2 Về đường ranh giới vuông góc với đường ngõ xóm: Xét thấy, năm 2011 khi ông T2 xây nhà kiên cố, giáp phần sân hiện nay của gia đình ông Đ, ông T2 không có ý kiến về mốc giới mà đã xây dựng theo đúng hiện trạng cho đến nay. Theo Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 13/12/2022 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội: Tại phần đất có công trình xây dựng đầu năm 2002 của gia đình ông Đ giáp ranh phần đất chưa xây dựng của ông T có 03 gốc cây ô dô đã chặt còn lại gốc có đường kính khoảng 7cm, đã mọc cành mới; vị trí 03 gốc cây ô dô này thuộc diện tích đất của ông T. Như vậy, về đường ranh giới này trùng khớp với hiện trạng hai bên đã xây dựng nhà ở kiên cố, việc ông T, ông T2 cho rằng nhà ông Đ lấn chiếm phần đất này là không có căn cứ.
Về đường ranh giới vuông góc với mặt đường liên xã H – Yên Mỹ: Ông T, ông T2 cho rằng nhà ông Đ lấn chiếm mốc giới khoảng 50cm chiều ngang dọc hết thửa đất, nhưng ông T, ông T2 không đưa ra được mốc giới trước đây của hai thửa đất. Ông T, ông T2 thừa nhận khi phân chia quyền sử dụng đất, nhà hai ông và nhà ông Đ đều được 21m mặt đường liên xã. Qua đo thực tế dọc theo mặt đường liên xã H – Yên Mỹ thì đất của nhà ông T, ông T2 có chiều dài 20,52m, đất của nhà ông Đ có chiều dài là 20,12m (đã bao gồm 50cm mà ông T, ông T2 cho rằng lấn sang). Như vậy, ông T, ông T2 cho rằng nhà ông Đ lấn sang nhà hai ông phần đất 50cm mặt đường liên xã là không có căn cứ.
Như đã trích dẫn và phân tích trên, khi khởi kiện ông T, ông T2 đã căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Phạm Đức H (bố của ông T, ông T2) năm 2003 trên cơ sở bản đồ lập năm 1994 (đã được UBND xã H xác định là đo không đúng ranh, mốc giới diện tích đất sử dụng của hai gia đình) để cho rằng nhà ông Đ lấn sang. Bản án dân sự sơ thẩm đã xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan và áp dụng đúng các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án; kháng cáo của ông T, ông T2 không có căn cứ, không được chấp nhận, cần giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
Án phí phúc thẩm: Ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 26, 35, 39, 147, 148, 203, 266, 271, 273, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 175 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; Luật thi hành án dân sự.
Xử:
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2.
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DS-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì, cụ thể như sau:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 về việc yêu cầu ông Đặng Văn Đ trả lại phần đất lấn chiếm.
2. Ông Đặng Văn Đ quản lý, sử dụng diện tích 1095,1m2 đất được giới hạn bởi các điểm 1,2,3,4,5,6,7,8,9,21,22,23,16,13,14,15,1. Ông Phạm Đức T và ông Phạm Đức T2 quản lý, sử dụng diện tích 215,1m2 được giới hạn bởi các điểm 9,10,11,12,13,16,23,22,21,9 (có sơ đồ kèm theo).
3 . Về án phí:
* Án phí sơ thẩm: Ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 mỗi người phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 062385 ngày 17/3/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Trì
* Án phí phúc thẩm: Ông Phạm Đức T, ông Phạm Đức T2 mỗi người phải chịu 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) án phí dân sự phúc thẩm được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 062769, số 062768 ngày 20/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự của huyện Thanh Trì
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất số 90/2023/DS-PT
Số hiệu: | 90/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/03/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về