Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 27/2020/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 27/2020/HS-ST NGÀY 29/04/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 29 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 25/2020/TLST-HS ngày 23/3/2020, đối với bị cáo:

Nguyễn Quang T - Sinh ngày 14/9/1972, tại thành phố Hải Phòng; nơi cư trú: Buôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; trình độ học vấn: 7/10; nghề nghiệp: Kinh doanh đồ gỗ; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Quang K, sinh năm 1930 (đã chết) và con bà Đỗ Thị T, sinh năm 1932; bị cáo có vợ là Phạm Thị M, sinh năm 1972 và có 02 con (lớn sinh năm 1993, nhỏ sinh năm 2001); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 06/9/2019 đến ngày 05/11/2019, được gia đình bảo lĩnh tại ngoại, có mặt tại phiên toà.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Bà Phạm Thị M, sinh năm 1972; địa chỉ: Buôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, có mặt;

2. Anh Nguyễn Lập Đ, sinh năm 1993; địa chỉ: Buôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt;

3. Ông Hà Văn L (C), sinh năm 1971; địa chỉ: đường T, thị trấn K, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt;

4. Ông Hồ Văn N, sinh năm 1976; địa chỉ: Thôn A, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt;

5. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn B, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước, vắng mặt;

6. Anh Đinh Bá T, sinh năm 1991; địa chỉ: Thôn B, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước, vắng mặt;

7. Anh Trần N, sinh năm 1987; địa chỉ: Đội C, Thôn E, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt;

8. Anh Đoàn Kim S, sinh năm 1986; địa chỉ: Buôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt;

9. Anh Nguyễn Trọng G, sinh năm 1984; địa chỉ: Thôn E, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt;

- Người làm chứng: Anh Phạm Hữu T1, sinh năm 1990; địa chỉ: Thôn E, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hộ kinh doanh Nguyễn Quang T, địa chỉ: Buôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện K cấp Giấy Chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh số 40D8002565 ngày 12/5/2009; ngành nghề kinh doanh: Sản xuất các sản phẩm từ gỗ (mộc dân dụng), mua, bán đồ gỗ, đồ trang trí nội thất, gỗ xây dựng các loại; vốn kinh doanh: 500.000.000 đồng; chủ hộ là Nguyễn Quang T. Hộ kinh doanh đồ gỗ Nguyễn Quang T có nhà ở, xưởng chế biến gỗ và kho chứa gỗ tại địa chỉ: Buôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Xưởng chế biến gỗ có diện tích 9,8 x 24 m, cách nhà ở khoảng 30m theo hướng Đông Nam; Kho chứa gỗ diện tích 5 x 25 m, cách nhà ở khoảng 20m theo hướng Bắc; Kho chứa gỗ, nhà ở và xưởng chế biến gỗ nằm biệt lập với nhau.

Ngày 22/10/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra Hộ kinh doanh đồ gỗ của Nguyễn Quang T và phát hiện:

Tại xưởng chế biến gỗ có 01 máy cưa CD ngang; 660 tấm ván xẻ và 20 hộp gỗ, qua đo đếm ban đầu xác định khối lượng là 19,323 m3; kiểm tra tại kho chứa gỗ phát hiện có 166 hộp gỗ xẻ, khối lượng đo đếm ban đầu là 19,559 m3. Tại thời điểm kiểm tra T không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản.

Tiếp tục mở rộng kiểm tra xung quanh cơ sở chế biến gỗ của T với bán kính từ 200 đến 1.000m, phát hiện 12 bãi tập kết gỗ với tổng khối lượng đo đếm ban đầu là 76,547m3, cụ thể: Bãi số 01: Có 08 hộp gỗ xẻ và 03 lóng gỗ tròn nằm trên đường đất giữa lô cà phê của ông Trần Đình T2, trú tại xã Đ và ông Y B Mlô, trú tại Buôn Đ, xã Đ, cách xưởng chế biến gỗ của T 200m về hướng Đông, thuộc địa phận Buôn Đ; Bãi số 02: Có 14 hộp gỗ xẻ và 01 lóng gỗ tròn, nằm cách bãi số một 40m về hướng Đông, nằm trên đường đất giữa lô cà phê của ông T2 và ông Y B Mlô; Bãi số 03: Có 29 hộp gỗ xẻ và 01 lóng gỗ tròn, nằm tiếp giáp giữa rẫy cà phê của ông Y T Mlô, trú tại Buôn J, xã Đ và vườn tiêu của T, cách Bãi số hai 500 mét về hướng Đông Nam, thuộc địa phận Buôn J, xã Đ; Bãi số 04: Có 08 hộp gỗ xẻ nằm trên đường đất giữa vườn tiêu của ông T và vườn trồng gừng, sachi của ông Y L Niê, trú tại Buôn J, xã Đ, cách Bãi số ba 50m về hướng Tây Nam, thuộc địa phận Buôn J, xã Đ; Bãi số 05: Có 12 hộp gỗ xẻ và 01 lóng gỗ tròn, nằm trên đường đất giữa rẫy cà phê của ông Đinh Tiến T3, trú tại Buôn Đ, xã Đ, và ông Y B Mlô, cách Bãi số một 100m về hướng Nam, thuộc địa phận Buôn J, xã Đ; Bãi số 06: Có 21 hộp gỗ xẻ và 02 lóng gỗ, nằm trên đường đất giữa rẫy cà phê của ông Y D Ksơr, trú tại Buôn Đ, xã Đ, (hiện nay đã chết) và ông Nguyễn Thanh L, trú tại Buôn K, xã Đ cách xưởng chế biến gỗ của T 1.000m về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận Thôn E, xã Đ; Bãi số 07: Có 14 hộp gỗ xẻ, nằm trên sân đất phía trước nhà ông Lê Hữu T4, trú tại thôn E, xã Đ, cách bãi số sáu 600m về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận Thôn E, xã Đ; Bãi số 08: Có 04 hộp gỗ xẻ, nằm trên đường đất giữa rẫy cà phê của ông Lê Ngọc T5, trú tại xã Đ, cách bãi số bảy 250m hướng Đông Bắc, thuộc địa phận Thôn E, xã Đ; Bãi số 09: Có 03 lóng gỗ tròn, nằm trên đường đất giữa rẫy cà phê của ông Nguyễn Tiến C và ông Kpa B, cùng trú tại Buôn Đ, xã Đ, cách Bãi số 8 900m về hướng Tây Nam, thuộc địa phận Thôn E, xã Đ; Bãi số 10: Có 01 hộp gỗ xẻ và 01 lóng gỗ tròn nằm trên đường đất giáp rẫy cà phê của ông Lục Văn T6, trú tại Thôn E, xã Đ, cách bãi số chín 300m về hướng Đông Nam, thuộc địa phận Thôn E, xã Đ; Bãi số 11: Có 02 hộp gỗ xẻ nằm trên đường đất giữa rẫy cà phê của ông Y N, trú tại Buôn S, xã Đ và ông Trần Đình T1, cách Bãi số mười 300m về hướng Tây Nam, thuộc địa phận Buôn Đ, xã Đ. Bãi số 12: Có 21 hộp gỗ xẻ nằm trên đường đất giữa rẫy cà phê của ông Y G Mlô, trú tại Buôn S, xã Đ, huyện K và ông Vũ Quốc T7, trú tại Thôn E, xã Đ, cách bãi số mười một 50m về hướng Tây, thuộc địa phận Buôn Đ, xã Đ. Cơ quan điều tra đã thu giữ toàn bộ số gỗ trên và 01 máy cưa CD ngang. Sau khi kiểm tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã tạm giữ toàn bộ số lượng gỗ nêu trên để điều tra xác minh làm rõ.

Quá trình điều tra, T khai nhận: Số gỗ trong kho và tại xưởng chế biến là gỗ của T, số gỗ này được mua từ nhiều nguồn khác nhau, như: Một số mua từ thanh lý bán đấu giá tại Hạt kiểm lâm huyện K, tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm bán đấu giá tỉnh Đắk Lắk; một số được mua của người dân vãng lai, không có giấy tờ nên hiện nay không nhớ đã mua của những ai, khối lượng bao nhiêu, chủng loại gỗ gì. Số gỗ mua về sau đó xẻ, gia công bán kiếm lời, đồng thời cung cấp 15 bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, trong đó có 07 bộ hồ sơ có liên quan đến số lượng gỗ tạm giữ tại kho và xưởng cụ thể như sau: Hóa đơn Giá trị gia tăng số 0047454 ngày 04/7/2018 của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ H, địa chỉ: Xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước, khối lượng 20,037m3 gỗ xẻ tạp từ nhóm IV đến nhóm VI; Hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước số 0095654 ngày 30/9/2015 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, khối lượng 8,025m3 gỗ, bao gồm 3,969m3 gỗ xẻ Giổi nhóm III, 4,056m3 gỗ xẻ Vàng Tâm nhóm IV; Hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước số 0095687 ngày 06/6/2016 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, khối lượng 13,324m3 gỗ, bao gồm 12,116m3 gỗ xẻ Giổi nhóm III, 1,208m3 gỗ xẻ Vàng Tâm nhóm IV; Hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước số 0095686 ngày 06/6/2016 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, khối lượng 6,062m3 gỗ xẻ Giổi nhóm III; Hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước số 0095518 ngày 06/9/2018 của Hạt Kiểm lâm huyện K, khối lượng 4,360m3 gỗ xẻ hộp thuộc nhóm V; Hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước số 0096162 ngày 29/12/2016 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, khối lượng 3,419m3 gỗ xẻ Giổi xẻ hộp nhóm III; Hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước số 0096161 ngày 29/12/2016 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, khối lượng 1,609m3 gỗ Sao xẻ hộp nhóm II. Tổng số lượng gỗ theo 07 bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ do Nguyễn Quang T cung cấp là 106 hộp, khối lượng 58,635m3. Riêng 12 bãi tập kết gỗ có khối lượng là 76,547m3 (quy tròn là 119,790m3) được phát hiện nằm rải rác trong vườn cà phê của các hộ dân khác, không có người ở, cách xa khuôn viên nhà, xưởng của T từ 200m đến 1.000m, thì T không thừa nhận là gỗ của mình.

Tại bản Kết luận giám định số 370/CNR-TH ngày 26/7/2019 của Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam kết luận:

- Lô gỗ trong xưởng: Gồm 680 hộp/lóng/ván gỗ xẻ, tổng khối lượng là 18,733m3, quy ra thành 29,972m3 gỗ tròn. Cụ thể từng chủng loại gỗ như sau: 652 hộp/lóng/ván gỗ Thông Nàng (Bạch tùng) Nhóm IV, khối lượng gỗ xẻ 12,591m3, gỗ quy tròn 20,145m3; 10 hộp/lóng/ván gỗ Giổi ford (Vàng Tâm) Nhóm IV, khối lượng gỗ xẻ 0,880m3, gỗ quy tròn 1,408m3; 08 hộp/lóng/ván gỗ Xoay - Nhóm II, khối lượng gỗ xẻ 1,430m3, gỗ quy tròn 2,228m3; 06 hộp/lóng/ván gỗ Kháo - Nhóm IV, khối lượng gỗ xẻ 2,670m3, gỗ quy tròn 4,272m3; 01 hộp/lóng/ván gỗ Giổi lá láng - Nhóm III, khối lượng gỗ xẻ 0,363m3, quy tròn 0,579m3; 01 hộp/lóng/ván gỗ Cồng tía - Nhóm V, khối lượng gỗ xẻ 0,738m3, quy tròn 1,181m3; 02 hộp/lóng/ván gỗ Cà Chắc - Nhóm III, khối lượng gỗ xẻ 0,062m3, gỗ hộp quy tròn 0,099m3.

- Lô gỗ trong kho gồm 166 hộp/lóng/ván gỗ xẻ, tổng khối lượng 20,058m3, quy ra thành 32,092m3 gỗ tròn, bao gồm các loại gỗ sau: 27 hộp/lóng/ván gỗ Giổi ford (Vàng tâm) Nhóm IV, khối lượng gỗ xẻ 9,274m3, gỗ quy tròn 14,838m3; 04 hộp/lóng/ván gỗ Xoay - Nhóm II, khối lượng gỗ xẻ 4,488m3, gỗ quy tròn 7,181m3;

126 hộp/lóng/ván gỗ Giổi lá láng - Nhóm III, khối lượng gỗ xẻ 2,992m3, gỗ quy tròn 4,787m3; 09 hộp/lóng/ván gỗ Kháo Nhậm - Nhóm VI, khối lượng gỗ xẻ 3,304m3, quy tròn 5,286 m3.

Đối với việc xác định tính phù hợp với hồ sơ lâm sản do Nguyễn Quang T cung cấp, kết luận: Có 17,175m3 gỗ xẻ các loại không phù hợp với hồ sơ; quy tròn thành 27,480m3, bao gồm các loại gỗ sau: 07 hộp/lóng/ván Giổi ford (Vàng Tâm) - Nhóm IV, khối lượng 2,986m3; 1,898m3 gỗ Giổi ford (Vàng Tâm) - Nhóm IV (chênh lệch về khối lượng, chưa xác định được bao nhiêu hộp/lóng/ván); 12 hộp/lóng/ván gỗ Xoay - Nhóm II, khối lượng 5,918m3; 02 hộp/lóng/ván gỗ Cà Chắc - Nhóm III, khối lượng 0,062m3; 01 hộp/lóng/ván gỗ Giổi lá láng - Nhóm III, khối lượng 0,363m3; 06 hộp/lóng/ván gỗ Kháo - Nhóm IV, khối lượng 2,670m3; 01 hộp/lóng/ván gỗ Cồng tía - Nhóm V, khối lượng 0,738m3; 06 hộp/lóng/ván gỗ Kháo Nhậm - Nhóm VI, khối lượng 2,539m3.

Sau khi được thông báo nội dung Bản kết luận giám định nêu trên, Nguyễn Quang T không đồng ý với nội dung xác định trong lô gỗ tạm giữ tại kho và xưởng có 17,175m3 gỗ xẻ các loại không phù hợp với hồ sơ lâm sản vì T cho rằng trong lô gỗ tạm giữ tại kho và xưởng của mình chỉ có khoảng 06m3 đến 08m3 gỗ xẻ là gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Nguyễn Quang T còn khai nhận: Từ năm 2015 đến 2018, cùng với bà Phạm Thị M (vợ của T) đã mua gỗ từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Hạt Kiểm lâm huyện K và một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, sau đó vận chuyển về tập kết tại kho và xưởng tại Buôn Đ, xã Đ, huyện K, rồi dùng cưa CD xẻ thành nhiều thanh, lách nhỏ làm đồ mộc dân dụng để bán và làm nhà ở. Việc mua, bán gỗ không được lập sổ sách theo dõi, vì vậy không xác định được từ năm 2015 đến năm 2018 đã mua, bán khối lượng bao nhiêu m3 gỗ, hiện nay còn lại bao nhiêu gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Khoảng đầu năm 2018, T đã mua 03 - 04 lượt khoảng từ 06 - 08 m3 gỗ xẻ các loại không có hóa đơn chứng từ của một số người dân vãng lai (không rõ nhân thân lai lịch) việc mua bán không được lập sổ sách theo dõi nên T không xác định được đã mua những loại gỗ gì, số lượng và giá bao nhiêu. Sau khi mua gỗ, T cất giữ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp này trong kho và xưởng của mình lẫn lộn với số lượng gỗ có nguồn gốc hợp pháp, sau đó nhờ Nguyễn Lập Đ (con của T) và thuê Phạm Hữu T1, trú tại Thôn E, xã Đ, huyện K sử dụng cưa CD ngang xẻ sơ chế làm đồ mộc dân dụng để sử dụng. Việc mua gỗ bất hợp pháp chỉ một mình T biết, nhưng không nhớ được đã cưa, sơ chế sử dụng được bao nhiêu m3 gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, còn lại bao nhiêu m3 gỗ bất hợp pháp và cũng không nhớ rõ số lượng, chủng loại, quy cách của các hộp gỗ đã mua từ nguồn gốc bất hợp pháp mà chỉ ước lượng đã mua tổng cộng từ 06 - 08 m3.

Ngoài ra, trong lô gỗ mà Cơ quan điều tra đã tạm giữ có 06 hộp gỗ, khối lượng khoảng 2,8m3 là gỗ của ông Hà Văn L gửi để thuê gia công, cụ thể: Khoảng tháng 4/2018, T nhận gia công làm sập cho ông Hà Văn L, trú tại đường T, thị trấn K, huyện K, gồm 06 hộp gỗ, khối lượng khoảng 2,8m3, giá nhận gia công là 10.000.000 đồng. Việc thoả thuận nhận gia công không có giấy tờ gì, ông Hà Văn L không xuất trình hồ sơ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ mà chỉ nói với T đây là gỗ Sao cát có nguồn gốc hợp pháp. Sau đó, T đã dùng cưa CD xẻ, sơ chế để làm sập và để tại xưởng và được ông Hà Văn L xuất trình hóa đơn số 0000123 ngày 16/11/2017 của Công ty TNHH MTV Đ, địa chỉ xã T, huyện Đ, tỉnh Kon Tum về nguồn gốc của 06 hộp gỗ Sao Cát - Nhóm III, khối lượng khoảng 4,462m3 mà ông L đã thuê T gia công. Sau khi thuê gia công, ông L nhiều lần yêu cầu T trả lại gỗ nhưng đến nay T chưa trả lại. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị ông L đến xem toàn bộ lô gỗ tạm giữ của T để nhận dạng 06 hộp gỗ của ông L gửi, nhưng ông L không xác định được gỗ của mình. Tại Bản kết luận giám định số 370/CNR- TH ngày 26/7/2019 của Viện nghiên cứu Công nghệ rừng - Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã xác định trong lô gỗ tạm giữ của T không có gỗ Sao cát. Vì vậy, không đủ cơ sở để xác định trong lô gỗ tạm giữ của T có gỗ của ông L gửi thuê gia công.

Như vậy, Nguyễn Quang T đã có hành vi tàng trữ trái phép 17,175m3 gỗ xẻ các loại từ Nhóm II đến Nhóm VI (là gỗ loài thực vật rừng thông thường), quy tròn thành 27,480m3.

Ngày 25/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu, về việc trả lại cho T (bà Phạm Thị M là vợ của T là người được ủy quyền) các đồ vật, tài liệu gồm: 805 hộp/lóng/ván gỗ các loại từ nhóm III đến Nhóm VI, tổng khối lượng 21,616m3 (quy tròn thành 34,58m3); 15 bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản Nguyễn Quang T cung cấp; 01 Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh số 40D8002565, cấp ngày 13/10/2016.

Đối với bà Phạm Thị M, là người đã cùng T tham gia mua bán, chế biến gỗ các loại tại Cơ sở kinh doanh đồ gỗ Nguyễn Quang T. Tuy nhiên, bà M không biết được việc Nguyễn Quang T mua bán, tàng trữ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Đối với anh Nguyễn Lập Đ là người trực tiếp tham gia vào việc cưa, xẻ gỗ tại xưởng chế biến gỗ của T. Tuy nhiên, trong thời gian Đ trình bày từ tháng 7/2018 - 10/2018, Đ đi làm thuê tại Thành phố M, tỉnh Quảng Ninh, không tham gia vào việc kinh doanh đồ gỗ cùng gia đình; trong ngày 21 và 22/10/2018, Đ được T nhờ ra xưởng phụ xẻ gỗ, nhưng Đ không được biết nguồn gốc gỗ mình xẻ và không biết việc T mua bán, tàng trữ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Đối với anh Phạm Hữu T1 là người trực tiếp tham gia vào việc cưa, xẻ gỗ tại xưởng chế biến gỗ của T. Tuy nhiên, T1 không được biết nguồn gốc gỗ mình xẻ và không biết việc T mua bán, tàng trữ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Do vậy, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk không đề cập xử lý đối với bà Phạm Thị M, anh Nguyễn Lập Đ và anh Phạm Hữu T1.

Đối với hành vi có dấu hiệu tàng trữ 146 hộp/lóng gỗ từ Nhóm III đến Nhóm VIII, tổng khối lượng quy tròn là 119,79m3 tại 12 bãi gỗ: Các ông, bà Trần Đình T, Y Bla M, Y Toan M, Y Lua N, Đinh Tiến T, Y Dô K, Nguyễn Thanh L, Lê Hữu T, Kpă B, Rô H N, Nguyễn Tiến C, Lục Văn T, Y Nguyên N, Vũ Quốc T, Y Gum M, Phạm Xuân H (là chủ các lô cà phê liên quan đến 12 bãi tập kết gỗ), đều không biết số gỗ này là của ai, được tập kết từ thời gian nào. Còn T trình bày không biết số lượng 146 hộp/lóng gỗ với tổng khối lượng 119,79m3 gỗ quy tròn được tạm giữ tại 12 bãi gỗ khu vực xung quanh kho, xưởng là gỗ của của ai. Ngày 18/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Công văn số 03 đề nghị Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để xác định chủ sở hữu của 119,79m3 gỗ trên. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả, vì vậy chưa đủ cơ sở để xử lý. Do vậy, ngày 25/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 1703, tách hành vi có dấu hiệu tập kết 146 hộp, lóng gỗ các loại từ nhóm III đến nhóm VIII, tổng khối lượng quy tròn là 119,79m3 có nguồn gốc bất hợp pháp, để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý sau.

Bản cáo trạng số 85/CT-VKS-P3 ngày 29/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã truy tố bị cáo Nguyễn Quang T về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm k khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Kết quả xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quang T đã khai nhận: Bị cáo là chủ hộ kinh doanh, với ngành nghề kinh doanh sản xuất các sản phẩm từ gỗ và mua bán đồ gỗ, trang trí nội thất. Trong thời gian sản xuất, kinh doanh, bị cáo có một số lần mua gỗ không có giấy tờ và nguồn gốc hợp pháp của một số người dân bán, để có nguyên liệu sản xuất. Ngày 22/10/2018, khi cơ quan Công an đến kiểm tra đã tạm giữ một số gỗ thành phẩm của bị cáo và qua điều tra xác định bị cáo có hành vi cất giữ 17,175m3 gỗ xẻ các loại từ Nhóm II đến Nhóm VI, quy tròn thành 27,480m3. Bị cáo T thừa nhận số gỗ thu giữ là của bị cáo và số gỗ này không có giấy tờ theo quy định và không có nguồn gốc hợp pháp.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, giữ nguyên quyết định truy tố như cáo trạng và khẳng định hành vi của bị cáo Nguyễn Quang T đã phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”; đồng thời phân tích các tình tiết tăng nặng, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm k khoản 1 Điều 232, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 36 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Quang T từ 02 năm đến 03 năm cải tạo không giam giữ.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự 2015 và Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước vật chứng của vụ án gồm: 17,175m3 gỗ xẻ từ nhóm II đến nhóm VI (quy tròn là 27,48m3); 01 dàn máy cưa CD ngang bằng kim loại màu xám, kích thước dài 3m, rộng 1,05m, cao 1,73m, bao gồm: 01 khung bằng kim loại, 01 lưỡi cưa và 01 mô tơ điện.

- Chấp nhận việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu, về việc trả lại cho bị cáo Nguyễn Quang T (bà Phạm Thị M là vợ của T là người được ủy quyền) các đồ vật, tài liệu gồm: 805 hộp/lóng/ván gỗ các loại từ nhóm III đến Nhóm VI, tổng khối lượng 21,616 m3 (quy tròn thành 34,58 m3); 15 bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản Nguyễn Quang T cung cấp;

01 Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh số 40D8002565, cấp ngày 13/10/2016.

Bị cáo Nguyễn Quang T không tranh luận, bào chữa gì với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát. Bị cáo nói lời sau cùng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ và cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai của bị cáo Nguyễn Quang T tại phiên tòa là cơ bản phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án.

[3] Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về tội danh truy tố và ý kiến luận tội đối với bị cáo là có căn cứ, phù hợp với pháp luật.

[4] Như vậy đã có đủ cơ sở kết luận: Ngày 22/10/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra Hộ kinh doanh đồ gỗ của Nguyễn Quang T, phát hiện và thu giữ tại xưởng chế biến gỗ của bị cáo số lượng gỗ gồm ván xẻ và gỗ hộp. Qua điều tra, đối chiếu với hồ sơ lâm sản do bị cáo Nguyễn Quang T cung cấp, đã xác định có 17,175m3 gỗ xẻ các loại, quy tròn thành 27,480m3, không phù hợp với hồ sơ, không có hồ sơ hợp pháp, bao gồm: 13 hộp/lóng/ván Giổi ford (Vàng Tâm) nhóm IV, khối lượng 4,885m3; 12 hộp/lóng/ván gỗ Xoay nhóm II, khối lượng 5,918m3; 02 hộp/lóng/ván gỗ Cà Chắc nhóm III, khối lượng 0,062m3; 01 hộp/lóng/ván gỗ Giổi lá láng nhóm III, khối lượng 0,363m3; 06 hộp/lóng/ván gỗ Kháo nhóm IV, khối lượng 2,670m3; 01 hộp/lóng/ván gỗ Cồng tía nhóm V, khối lượng 0,738m3; 06 hộp/lóng/ván gỗ Kháo Nhậm nhóm VI, khối lượng 2,539m3. Bị cáo đã có hành vi tàng trữ trái phép 27,480m3 gỗ (quy tròn) các loại nhóm II đến nhóm VI, do đó hành vi của bị cáo Nguyễn Quang T đã phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

… k) Tàng trữ …trái phép … từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường”.

Bị cáo Nguyễn Quang T là công dân có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của bản thân trong cuộc sống, bị cáo biết được rằng hành vi tàng trữ gỗ trái phép, không có hồ sơ hợp pháp theo quy định là vi phạm pháp luật và bị pháp luật nghiêm cấm. Song vì tham lam tư lợi bất chính, nên bị cáo đã bất chấp pháp luật và cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội đã thực hiện. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, số lượng gỗ tàng trữ không nhiều, nên cần xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo là phù hợp. Xét thấy, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng và phạm tội ít nghiêm trọng. Do đó, không cần thiết phải cách ly bị cáo với xã hội mà chỉ cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo, để cho bị cáo được tự cải ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và cũng đảm bảo việc phòng ngừa chung trong xã hội. Xét thấy, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn nên cần miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo.

[5] Về xử lý vật chứng: Vật chứng và đồ vật, tài sản mà Cơ quan điều tra đã thu giữ, Hội đồng xét xử cần xử lý theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự và Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể như sau:

- Đối với số lượng gỗ đã thu giữ là 17,175m3 gỗ xẻ các loại từ nhóm II đến nhóm VI (27,48m3 gỗ quy tròn), không có giấy tờ, hồ sơ hợp pháp, là vật chứng của vụ án nên cần tịch thu, sung quỹ nhà nước là đúng đắn.

- Đối với dàn máy cưa CD ngang bằng kim loại màu xám, kích thước dài 3m, rộng 1,05m, cao 1,73m, bao gồm: 01 khung bằng kim loại, 01 lưỡi cưa và 01 mô tơ điện, là công cụ bị cáo sử dụng vào việc gia công, chế biến gỗ không có nguồn gốc hợp pháp nên cần tịch thu, sung quỹ nhà nước.

- Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu, về việc trả lại cho bị cáo Nguyễn Quang T (bà Phạm Thị M là vợ của T là người được ủy quyền) số gỗ có nguồn gốc hợp pháp và các giấy tờ của bị cáo, không liên quan đến tội phạm, gồm: 805 hộp/lóng/ván gỗ các loại từ nhóm III đến Nhóm VI, tổng khối lượng 21,616 m3 (quy tròn thành 34,58 m3); 15 bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản Nguyễn Quang T cung cấp; 01 Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh số 40D8002565, cấp ngày 13/10/2016. Xét việc giao trả là đúng đắn, nên cần chấp nhận.

[6] Trong vụ án này, đối với bà Phạm Thị M là người đã cùng T tham gia mua bán, chế biến gỗ các loại tại Cơ sở kinh doanh đồ gỗ Nguyễn Quang T. Tuy nhiên, bà M không biết được việc Nguyễn Quang T mua bán, tàng trữ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp; đối với anh Nguyễn Lập Đ là người trực tiếp tham gia vào việc cưa, xẻ gỗ tại xưởng chế biến gỗ của T. Tuy nhiên, trong thời từ tháng 7/2018 đến tháng 10/2018, anh Đ đi làm thuê tại thành phố M, tỉnh Quảng Ninh, không tham gia vào việc kinh doanh đồ gỗ cùng gia đình và trong ngày 21 và 22/10/2018, anh Đ được T nhờ ra xưởng phụ xẻ gỗ, nhưng anh Đ không được biết nguồn gốc gỗ mình xẻ và không biết việc T mua bán, tàng trữ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp; đối với anh Phạm Hữu T1 là người trực tiếp tham gia vào việc cưa, xẻ gỗ tại xưởng chế biến gỗ của T, tuy nhiên anh T1 không được biết nguồn gốc gỗ mình xẻ và không biết việc T mua bán, tàng trữ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra không đề cập xử lý đối với bà Phạm Thị M, anh Nguyễn Lập Đ và anh Phạm Hữu T1 là phù hợp.

[7] Về án phí: Bị cáo Nguyễn Quang T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Quang T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Áp dụng: điểm k khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Quang T 02 (Hai) năm cải tạo không giam giữ, được khấu trừ thời gian bị tạm giam (từ ngày 06/9/2019 đến ngày 04/11/2019 là 60 ngày) vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Cứ 01 ngày tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ (60 ngày tạm giam = 180 ngày cải tạo không giam giữ). Bị cáo còn phải chấp hành 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng 05 (Năm) ngày cải tạo không giam giữ. Thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Nguyễn Quang T.

Giao bị cáo Nguyễn Quang T cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện K, tỉnh Đắk Lắk là nơi bị cáo thường trú để giám sát và giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 100, khoản 1 Điều 68 Luật thi hành án hình sự 2019.

[2] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước số lượng gỗ là 17,175m3 gỗ xẻ các loại từ nhóm II đến nhóm VI, quy tròn là 27,48m3 (có đặc điểm như trong biên bản giao nhận vật chứng ngày 10/12/2019 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk).

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước dàn máy cưa CD ngang bằng kim loại màu xám, kích thước dài 3m, rộng 1,05m, cao 1,73m, bao gồm: 01 khung bằng kim loại, 01 lưỡi cưa và 01 mô tơ điện (có đặc điểm như trong biên bản giao nhận vật chứng ngày 10/12/2019 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk).

- Chấp nhận việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu, về việc trả lại cho bị cáo Nguyễn Quang T (bà Phạm Thị M là vợ của T là người được ủy quyền) các đồ vật, tài liệu gồm: 805 hộp/lóng/ván gỗ các loại từ nhóm III đến Nhóm VI, tổng khối lượng 21,616m3 (quy tròn thành 34,58m3); 15 bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản Nguyễn Quang T cung cấp và 01 Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh số 40D8002565, cấp ngày 13/10/2016.

[3] Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Bị cáo Nguyễn Quang T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

[4] Quyền kháng cáo: Bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

73
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 27/2020/HS-ST

Số hiệu:27/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/04/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về