TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 239/2022/HS-PT NGÀY 28/10/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 28 tháng 10 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 186/2022/TLPT-HS ngày 27 tháng 7 năm 2022 đối với bị cáo Nguyễn Quang D về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2022/HS-ST ngày 02/6/2022 của Toà án nhân dân huyện Ea H’leo tỉnh Đắk Lắk.
Bị cáo có kháng cáo
1. Họ và tên: Nguyễn Quang D; sinh năm 1989, tại tỉnh Đắk Lắk; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn 2B, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 3/12; con ông Nguyễn Quang C, sinh năm 1963 và bà Lê Thị Đ, sinh năm 1969; vợ Nhan Thị H; tiền án: có 1 tiền án, tại bản án số 145/2015/HSST ngày 08/12/2015 của Tòa án nhân dân huyện Ea H'leo xử phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm tính từ ngày tuyên án; tiền sự: không; Bị cáo đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo có mặt tại phiên toà.
2. Bị hại: UBND xã C, huyện E, tỉnh Đăk Lăk;
Đại diện ủy quyền: Ông Đoàn Ngọc C1– chức danh công chức địa chính xã C, vắng mặt.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
3.1 Ông: Nguyễn Đức S; vắng mặt.
3.2 Ông Nguyễn Đức D1; vắng mặt.
Cùng địa chỉ: Thôn 3, xã E, huyện E, tỉnh Đăk Lăk;
3.3 Bà La Thị H1, sinh năm 1957; địa chỉ: Thôn 10B, xã C, huyện E, tỉnh Đăk Lăk; vắng mặt.
3.4 Bà Lê Thị Đ; vắng mặt.
3.5 Ông Nguyễn Quang C; vắng mặt.
Cùng địa chỉ: Thôn 2B, xã E, huyện E, tỉnh Đăk Lăk.
4. Người làm chứng:
4.1 Ông Trương Văn K; địa chỉ: TDP 6, thị trấn P, huyện P, tỉnh Gia Lai; vắng mặt.
4.2 Bà Võ Thị T; địa chỉ: Làng K, xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai; vắng mặt.
4.5 Ông Đỗ Việt Đ1; địa chỉ: Thôn 2A, xã E, huyện E, tỉnh Đăk Lăk; vắng mặt.
- Ngoài ra còn có bị cáo Hà Thị N và bị cáo Phàng Thị Q không có kháng cáo, không bị kháng cáo và không bị kháng nghị: Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 14/01/2020, Hà Thị N đến xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk để tìm mua gỗ vườn. Khi đi ngang qua rẫy của Phàng Thị Q thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 2, diện tích 13.281,3 m2, địa chỉ thôn 10B, xã C, huyện E, tỉnh Đăk Lăk (đất được UBND huyện Ea H’leo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 435022 ngày 30/11/2015 cho hộ ông Phàng Văn P và bà La Thị H1, ngày 07/8/2019, thay đổi nội dung cơ sở pháp lý để thừa kế cho Phàng Thị Q). N thấy có các cây gỗ ven suối nên gặp Q hỏi “số gỗ có giấy tờ gì không” Q nói với N “là số gỗ nêu trên là của gia đình, có từ thời điểm cha mẹ khai hoang năm 1987 đến nay, đất có bìa đỏ và Q cũng đang có ý định bán”, hai bên thỏa thuận mua bán với giá 40.000.000 đồng và đồng ý bán cho N.
Ngày 16/01/2020 N đến nhà Q để mua 05 cây gỗ, không rõ chủng loại và giao cho Q 40.000.000 đồng. Sau khi nhận đủ tiền của N, Q và N lập đơn ủy quyền khai thác “Cây trên nương rẫy” đề ngày 16/01/2020 với nội dung “Trên diện tích đất của Q có một số cây tạp đường kính tầm 01 mét, chiều cao hơn 20 mét…nay cây lớn che rợp bóng mát cây nông nghiệp và sợ mưa bão cây ngã…do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn không đủ điều kiện khai thác nên Q ủy quyền cho N tiến hành chặt hạ số cây trên” (có chữ ký của N và Q, không có xác nhận của chính quyền địa phương). Sau khi thỏa thuận mua bán và nhận tiền xong, Q nói N “chặt hạ lúc nào thì chặt, không cần báo trước với Q”.
Việc mua bán số lâm sản nêu trên, Q và N không xin phép chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn, không lập hồ sơ lâm sản.
Sau đó, trên đường đi về ngang qua rẫy của Nguyễn Quang D, (đất rẫy đứng tên cha mẹ D là ông Nguyễn Quang C và bà Lê Thị Đ, đã chia cho D ở, trông coi, quản lý và sử dụng đất từ năm 2016 đến nay) N thấy có bãi đất trống có thể tập kết gỗ khi khai thác, chặt hạ nên N gọi điện thoại nhờ Đỗ Việt Đ1, hỏi giúp. Đ1 nói bãi đất nêu trên là của D bạn Đ1 nên Nam nhờ Đ1 nói với D cho N để nhờ gỗ, khi bán được gỗ sẽ trả tiền thuê bãi. Đ1 gọi điện cho D nói là cho bà chị để nhờ ít gỗ vài hôm tại rẫy của D, D có hỏi gỗ có giấy tờ gì không thì Đ1 tắt máy gọi lại hỏi N “gỗ có giấy tờ gì không, gỗ gì vậy chị”; N trả lời “Gỗ vườn, có giấy tờ đầy đủ”. Sau đó, Đ1 gọi điện thoại báo cho D thì D đồng ý cho N gửi gỗ tại rẫy mà không kiểm tra hồ sơ lâm sản, nguồn gốc gỗ và không giữ bất cứ giấy tờ gì liên quan đến số gỗ N gửi.
Sau đó N gặp một nhóm thanh niên (không rõ họ tên, địa chỉ, nhân thân, lai lịch) gần chợ xã Ea Wy, đặt vấn đề thuê những người này chặt hạ số cây gỗ đã mua của Q thì có một thanh niên đứng ra nhận lời rồi lấy xe máy chở N đi xem gỗ, N ra giá chặt hạ, cưa thành từng lóng và kéo về tập kết ở rẫy của Nguyễn Quang D với giá là 10.000.000 đồng thì người thanh niên này đồng ý.
Khoảng 02 ngày sau (18/01/2020), nhóm thanh niên đã cưa hạ 05 cây gỗ nêu trên theo quy cách N yêu cầu và đưa về tập kết tại rẫy của D. Sau khi hoàn thành, N thanh toán xong tiền.
Do gần tết nguyên đán Canh tý (2020), N không tìm được người mua gỗ, nên N gặp D nói D cho gửi gỗ qua tết mới bốc đi được và thỏa thuận với D sau khi bán được gỗ sẽ trả chi phí gửi gỗ (không nói cụ thể bao nhiêu tiền).
Quá trình gửi gỗ tại rẫy D, N và Đ1 thường xuyên lui tới xem gỗ và ăn nhậu với D, N nhiều lần nói với D cho N gửi nhờ gỗ cho đến khi nào bán được gỗ sẽ trả chi phí tiền gửi gỗ cho D và Đ1 (không nói cụ thể bao nhiêu tiền).
Đến ngày 24/02/2020 N dự định trong ngày sẽ bốc gỗ để vận chuyển đi nên nhờ D và Đ1 phụ giúp việc bốc xếp gỗ lên xe để vận chuyển đi, sau khi bán được gỗ thì N sẽ gửi tiền nhờ gửi gỗ và tiền công phụ giúp bốc xếp gỗ cho Đ1 và D. Ngoài ra, N còn nhờ Đ1 và D đi chợ nấu ăn và phụ giúp những việc khác trong quá trình bốc xếp gỗ lên xe.
Cùng ngày, bà Võ Thị T nói với N xưởng gỗ ở tỉnh Tây Ninh có nhu cầu mua gỗ, bà T hỏi N “Gỗ có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp không, có thì họ mới mua” N trả lời “Gỗ có hồ sơ đầy đủ” nên bà T đã cung cấp cho N số điện thoại của người đàn ông tên T1 (không rõ nhân thân, lai lịch) nhận mua gỗ để trực tiếp liên lạc, thoả thuận giá cả, thoả thuận khi bán được gỗ thì N phải trích lại tiền hoa hồng môi giới bán gỗ cho bà T. Sau đó, N gọi điện cho T1 và T1 cho N số điện thoại người đàn ông (không rõ lai lịch) để N thống nhất việc mua, bán gỗ. Sau khi N thoả thuận việc mua bán gỗ với người đàn ông này xong, khoảng 08 giờ ngày 25/02/2020 N thuê xe ô tô 77C-068.57 do Nguyễn Đức S điều khiển nhận vận chuyển gỗ, có phụ xe Trương Văn K sinh năm 1993 đi cùng; giá vận chuyển là 10.500.000 đồng giao hàng xong mới thanh toán chi phí vận chuyển. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày khi liên hệ được 02 xe cẩu gỗ (không rõ đặc điểm, biển số xe, họ tên, địa chỉ người lái xe cẩu) thỏa thuận chi phí 02 xe cẩu gỗ là 8.000.000 đồng, thì tiến hành cẩu gỗ, bốc xếp lên xe tải đến 21 giờ cùng ngày thì cẩu và xếp 18,552 m3 gỗ lên xe xong, sau đó N đưa bộ hồ sơ gỗ vườn cho S (bao gồm 01 đơn xin mua gom cây gỗ trên địa bàn xã C, ngày 25/02/2020, 01 bảng kê lâm sản ngày 25/02/2020 có xác nhận của chủ tịch xã C, 01 bản pho to giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ Công T bà Y C1) có nguồn gốc mua gom gỗ từ tỉnh Kon Tum với mục đích khi giao gỗ nếu người mua hỏi thì giao hồ sơ gỗ, còn bà T thì đưa cho S tờ giấy viết tay ghi địa chỉ nơi giao, cụ thể: “Địa chỉ: Ấp Đá Hàn, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, thành phố Tây Ninh, Cô K Tân – 0972662607”, với mục đích để khi xe vận chuyển gỗ đến nơi thì gọi điện cho bà T để bà T liên hệ với T gọi người mua gỗ ra nhận hàng. (Bà T trình bày do đổi máy điện thoại, bị mất hết danh bạ nên không nhớ và không cung cấp được số điện thoại của người đàn ông nhận mua gỗ tại tỉnh Tây Ninh). Khi Nguyễn Đức S điều khiển xe ô tô số 77C-068.57 vận chuyển gỗ đến thôn 3, xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo thì bị lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện tạm giữ 18,552 m3 gỗ đang vận chuyển trái phép.
Ngày 26/02/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk phối hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo tiến hành khám nghiệm hiện trường địa điểm bốc gỗ tại vị trí vườn của Nguyễn Quang D thuộc thôn 2C, xã E, huyện E, phát hiện, tạm giữ 22 lóng gỗ tròn các loại, có khối lượng 6,623 m3 còn lại tại hiện trường.
- Tại Kết luận giám định số 307/PC09 ngày 24/4/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk xác định:
+ Chữ ký đứng tên “Quách Cao N” trong các tài liệu cần giám định với chữ kí đứng tên Quách Cao N trong tài liệu mẫu so sánh, do cùng một người kí ra.
+ Hình dấu tên “Quách Cao N” trong các tài liệu cần giám định với hình dấu tên “Quách Cao N” trong tài liệu mẫu so sánh, do cùng một con dấu đóng ra.
+ Hình dấu chức danh “PHÓ CHỦ TỊCH” trong các tài liệu cần giám định với hình dấu chức danh “PHÓ CHỦ TỊCH” trong tài liệu mẫu so sánh, do cùng một con dấu đóng ra.
+ Hình dấu tròn “U.B.N.D XÃ CHƯ HRENG TP KON TUM T.KON TUM” trong các tài liệu cần giám định với hình dấu tròn “U.B.N.D XÃ CHƯ HRENG TP KON TUM T.KON TUM” trong tài liệu mẫu so sánh, do cùng một con dấu đóng ra.
+ Chữ ký đứng tên Mai Viết Đ2 trong các tài liệu cần giám định với chữ kí đứng tên Mai Viết Đ2 trong tài liệu mẫu so sánh, không phải do cùng một người kí ra (BL 70-71).
- Tại Kết luận giám định số 672/PC09 ngày 29/7/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk xác định:
+ Chữ viết dạng số “1988”, “16”, “01”, “20”, chữ ký, chữ viết mang tên Hà Thị N trong tài liệu cần giám định (Đơn uỷ quyền khai thác “cây trên nương rẫy”) so với chữ ký, chữ viết do Hà Thị N ký và viết ra trong các tài liệu mẫu so sánh, là do cùng một người ký và viết ra.
+ Chữ ký, chữ viết mang tên Phàng Thị Q dưới mục người viết đơn trong tài liệu cần giám định (Đơn uỷ quyền khai thác “cây trên nương rẫy”) so với chữ ký, chữ viết đứng tên Phàng Thị Q trong các tài liệu mẫu so sánh, là do cùng một người ký và viết ra (BL 74-75).
- Tại Kết luận giám định ngày 12/3/2020 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Khoa Nông lâm nghiệp - Trường Đại học Tây Nguyên xác định:
+ Số lượng gỗ được vận chuyển trên thùng xe ô tô tải biển số 77C-068.57 gồm 24 lóng gỗ tròn với tổng khối lượng 18,552 m3, chủng loại từ Nhóm II – VI. Toàn bộ 24 lóng gỗ tròn nêu trên đều không có dấu búa Kiểm lâm.
+ Số lượng gỗ được tạm giữ tại hiện trường là rẫy của Dũng sau này đưa về bảo quản tại Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Cư Mốt (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’Leo) gồm 22 lóng gỗ với tổng khối lượng 6,623 m3, chủng loại từ Nhóm II - VI. Toàn bộ số lượng gỗ nêu trên đều không có dấu búa Kiểm lâm.
- Kết luận giám định ngày 07/4/2020 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Khoa Nông lâm nghiệp - Trường Đại học Tây Nguyên xác định được toạ độ, chủng loại gỗ:
Gốc số 01 có tọa độ: 0448.629-1462.492, chủng loại Mít nài - Nhóm VI (gốc cây chia thành 03 thân có đường kính bình quân từ 39 - 70 cm);
Gốc số 02 có tọa độ: 0448.622-1462.496 chủng loại Lòng mang - Nhóm VI, đường kính bình quân 35 cm;
Gốc số 03 có tọa độ: 0448.625-1462.502, chủng loại Lòng mang - Nhóm VI, đường kính bình quân 90 cm;
Gốc số 04 có tọa độ: 0448.613-1462.507, chủng loại Lòng mang - Nhóm VI, đường kính bình quân 105 cm;
Gốc số 05 có tọa độ: 0448.645-1462.493, chủng loại Sao - Nhóm II, đường kính bình quân 45 cm.
Tại thời điểm giám định, hiện trường của 05 cây gỗ nêu trên chỉ còn lại gốc, cành, lá, không còn thân cây nên không xác định được đường kính và chiều dài của cây để tính được khối lượng cây gỗ đã bị chặt hạ. Đối chiếu với bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 và Quyết định số 227/QĐ-UBND ngày 20/01/2020 của UBND huyện Ea H’Leo về việc phê duyệt số liệu diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn huyện (có đến ngày 31/12/2019) thì vị trí 05 gốc cây gỗ tự nhiên nêu trên mọc trên đất nông nghiệp, nằm ngoài quy hoạch 03 loại rừng, thuộc địa giới hành chính thuộc Thôn 10B, xã C, huyện E.
- Tại Kết luận định giá tài sản số 1170/KLĐG-HĐĐGTS ngày 06/5/2020 của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đắk Lắk kết luận:
Giá trị của 24 lóng gỗ tròn với tổng khối lượng 18,552 m3, chủng loại từ nhóm II - VI (được vận chuyển trên thùng xe ô tô tải biển số 77C-068.57, đang được tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo) là 95.820.000 đồng; Giá trị của 22 lóng gỗ tròn với tổng khối lượng 6,623 m3, chủng loại từ Nhóm II - VI (được tạm giữ tại rẫy của Nguyễn Quang D thuộc thôn 2c, xã E, huyện E, đang được quản lý, bảo quản tại Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Cư Mốt) là 46.928.000 đồng; Tổng giá trị lâm sản 25,175 m3 từ Nhóm II - VI là 142.748.000 đồng. Giá trị xe ô tô tải biển số 77C-068.57 là 638.000.000 đồng.
- Tại biên bản làm việc ngày 10/12/2021 tại trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Ea H’Leo- Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk thể hiện:
Lý lịch gỗ tròn do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk phối hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo và các đơn vị chức năng lập kèm theo biên bản khám nghiệm hiện trường thực hiện việc đo đạc sơ bộ về kích thước (chiều dài, đường kính) của từng lóng gỗ tròn, để xác định đặc điểm ban đầu đối với số lượng gỗ vi phạm được phát hiện, thực hiện thủ tục tạm giữ để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh; không xác định chủng loại gỗ. Lý lịch gỗ tròn nêu trên do các cá nhân có mặt tại thời điểm khám nghiệm hiện trường lập, cá nhân thực hiện lập lý lịch gỗ tròn không phải là giám định viên tư pháp, không thực hiện theo quy trình giám định tư pháp về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, số liệu về kích thước gỗ đo sơ bộ ban đầu (đường kính, chiều dài) có thể là không chính xác hoặc không chính xác. Lý lịch gỗ tròn nêu trên có giá trị tham khảo trong quá trình kiểm tra, xác minh ban đầu đối với vụ việc vi phạm.
Làm việc tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ea H’Leo, xác định:
+ Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 435022 do UBND huyện Ea H’Leo cấp ngày 30/11/2015 cho hộ ông Phàng Văn P và bà La Thị H1 (bố mẹ của Phàng Thị Q), thửa đất số 18, tờ bản đồ số 2, địa chỉ: thôn 10B, xã C, huyện E, diện tích 13.281,3 m2, mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm đến ngày 07/8/2019 đăng kí để thừa kế lại cho Phàng Thị Q; Hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu của hộ gia đình ông Phàng Văn P và bà La Thị H1 không thể hiện có đăng ký cấp tài sản khác gắn liền với đất đối với 05 cây gỗ nêu trên. Vị trí toạ độ của 05 gốc cây gỗ bị khai thác được mọc trên đất sông suối và thuộc địa giới hành chính xã C quản lý, nằm ngoài phần diện tích đất được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 435022 của Phàng Thị Q.
+ Vị trí thửa đất rẫy mà Nguyễn Quang D đồng ý để cho Hà Thị N tập kết gỗ đã được UBND huyện Ea H’Leo cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 327492 ngày 25/11/2013 mang tên Nguyễn Quang C và Lê Thị Đ (bố mẹ của Nguyễn Quang D), Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đang tồn đọng, thửa đất số 24, tờ bản đồ số 82, diện tích 20.317,5 m2 ở xã E, huyện E. Khoảng cách theo đường thẳng từ thửa đất số 24, tờ bản đồ số 82, xã E, huyện E (do Nguyễn Quang D đang quản lý) đến thửa đất số 18, tờ bản đồ số 2, thôn 10B, xã C, huyện E (của Phàng Thị Q) là 585,4 m (trên cơ sở đo đạc bằng phần mềm chuyên ngành trên nền bản đồ địa chính số hiện đang lưu trữ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ea H’Leo).
Qua lồng ghép trên hệ thống bản đồ địa chính hiện đang lưa giữ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ea H’Leo, xác định vị trí 05 gốc cây có tọa độ nằm ngoài phần diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 435022, thửa đất số 18, tờ bản đồ số 02 địa chỉ: thôn 10B, xã C, huyện E của Phàng Thị Q. Thực hiện trích lục sơ đồ thửa đất, xác định tọa độ vị trí 05 gốc cây bị khai thác trái phép, đo khoảng cách từ từ vị trí từng gốc cây đến ranh giới thửa đất số 18 theo cạnh ranh giới hướng Tây Bắc, có khoảng cách ngắn nhất, cụ thể như sau:
Vị trí (448645; 1462493): khoảng cách 1,3 m. Vị trí (448629; 1462492): khoảng cách 10,9 m. Vị trí (448622; 1462496): khoảng cách 18,5 m. Vị trí (448625; 1462502): khoảng cách 21,1 m. Vị trí (448613; 1462507): khoảng cách 32,7 m.
Qua tra cứu trên nền bản đồ số địa chính hiện đang lưu giữ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ea H’Leo không thể hiện có đường mòn tại khu vực thửa đất số 18 của Phàng Thị Q nên không xác định phạm vi ranh giới và khoảng cách của đường mòn đến thửa đất số 18.
- Xác minh tại UBND xã C, huyện E thể hiện:
Trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 3/2020, UBND xã C không tiếp nhận hồ sơ, thủ tục của Hà Thị N, Phàng Thị Q hoặc cá nhân nào khác xin khai thác, mua bán cây gỗ tại địa bàn xã C. Nên UBND xã C không cấp thủ tục khai thác, mua bán gố tại thôn 10B, xã C.
Kết quả điều tra 05 gốc cây gỗ thuộc địa bàn thôn 10B, xã C nằm ngoài ranh giới thửa đất số 18; vị trí 05 gốc cây nằm trên đất nông nghiệp, ngoài quy hoạch 03 loại rừng, thuộc địa giới hành chính do UBND xã C quản lý; 05 cây gỗ nêu trên là cây gỗ tự nhiên đã hình thành từ lâu trên diện tích sát bờ suối Ea Wy; UBND xã C không giao cho tổ chức, cá nhân nào chăm sóc, bảo quản, quản lý.
Từ năm 2019 -2020 tại địa bàn thôn 10B, xã C, khu vực suối Ea Wy giáp ranh địa giới hành chính xã E, huyện E không phát hiện sự việc khai thác gỗ trái phép nào, ngoài vụ việc khai thác 05 gốc cây gỗ tại thôn 10B, xã C do cơ quan tố tụng đang xử lý.
- Tại biên bản làm việc kiểm tra thực địa ngày 10/12/2021 tại thôn 10B, xã C, huyện E (đất rẫy của Q) thể hiện:
Tại đường ranh giới phía Tây bắc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 2, địa chỉ: thôn 10B, xã C, huyện E có 01 đường đất nhỏ là đường mòn do gia đình sử dụng đất tự mở để phục vụ việc đi lại và canh tác trên đất, chiều rộng trung bình của con đường là 02 m. Khoảng cách từ gốc cây bị khai thác gần nhất đến thửa đất số 18 có vị trí tọa độ (448645;
1462493) đến mép đường mòn là 7,3 m. 04 gốc cây bị khai thác còn lại nằm ngoài ranh giới thửa đất số 18 có khoảng cách xa hơn gốc cây đã mô tả nêu trên, vị trí khu vực suối Ea Wy.
Bà La Thị H1 trình bày: Từ khi bà H1 và chồng là ông P đến khai hoang làm rẫy này thì đã thấy các cây gỗ mọc tự nhiên giáp bờ suối từ trước đó (trong đó bao gồm cả 05 cây gỗ Q bán cho Hà Thị N). Gia đình không chăm sóc, quản lý các cây gỗ trên.
Phàng Thị Q trình bày: Thửa đất số 18, tờ bản đồ số 2, địa chỉ: thôn 10B, xã C, huyện E do bố mẹ để lại cho Q. Các cây gỗ mọc tự nhiên giáp bờ suối đã có từ trước đó Gia đình không chăm sóc, quản lý các cây gỗ trên. Bản thân Q không biết các cây gỗ đã bị khai thác có thuộc phạm vi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Q hay không. Chính quyền địa phương chưa giao cho ai quản lý, chăm sóc.
Diện tích đất trong phạm vi từ mép đường mòn tại rẫy đến 05 cây gỗ bị khai thác kéo dài đến bờ suối Ea Wy thì địa hình dốc sâu xuống suối, chỉ có cây gai, cây cỏ bụi mọc và còn nhiều cây rừng tự nhiên, gia đình Q không canh tác, trồng cây gì trên đất này.
Tổng khối lượng gỗ tạm giữ trong vụ án là 25,175 m3 gỗ thông thường từ Nhóm II - VI, trong đó: Gỗ trên xe ô tô tải biển số 77C-068.57 là 18,552 m3; gỗ tạm giữ tại vườn rẫy của Nguyễn Quang D ở thôn 2C, xã E, huyện E là 6,623 m3. Căn cứ kết luận giám định về khối lượng, chủng loại gỗ được tạm giữ, kết quả khám nghiệm hiện trường, giám định các gốc cây gỗ bị khai thác, xác định tổng khối lượng 25,175 m3, trong đó có:
- 03 chủng loại gỗ phù hợp chủng loại của 05 gốc cây gỗ mà Phàng Thị Q bán cho Hà Thị N, khối lượng 23,96 m3, cụ thể: Gỗ Lòng mang (nhóm VI) = 16,465 m3/30 lóng gỗ tròn; gỗ Mít nài (Nhóm VI) =2,091 m3/02 lóng gỗ tròn; gỗ Sao (nhóm II) = 5,404 m3/12 lóng gỗ tròn.
- 02 chủng loại gỗ còn lại gồm 04 lóng gỗ khối lượng 1,215 m3, gồm gỗ Râm (Nhóm VI) = 0,34 m3/02 lóng ; gỗ Bời lời (Nhóm IV) = 0,875 m3/02 lóng, không xác định được nguồn gốc.
Theo nội dung của Công văn số 1425/TCLN-PCTT ngày 13/9/2019 của Tổng cục Lâm nghiệp (phần phụ lục) v/v giải đáp trong thực hiện pháp luật về lâm nghiệp, thì:
- Trường hợp diện tích đất nương rẫy, diện tích đất rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất còn sót lại các cây gỗ rừng tự nhiên, nhưng khi cấp có thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân không ghi hoặc không xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản trên đất, thì các cây gỗ rừng tự nhiên trên đất thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Đối với trường hợp này thì kiểm đếm, thống kê, lập hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi tài sản theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, do được thừa kế thửa đất số 18, địa chỉ: thôn 10B, xã C, huyện E do bố mẹ để lại và cho rằng 05 cây gỗ có tọa độ (448645; 1462493); (448629; 1462492); (448622; 1462496); (448625; 1462502); (448613; 1462507) thuộc quyền quản lý của UBND xã C là của mình nên ngày 16/01/2020 Q đã bán số cây gỗ này cho Hà Thị N, khối lượng là 23,96 m3, gồm Gỗ Lòng mang (nhóm VI); gỗ Mít nài (Nhóm VI); gỗ Sao (Nhóm II) với giá 40.000.000 đồng mà không có giấy phép khai thác của cơ quan có thẩm quyền, không lập hồ sơ lâm sản, hành vi nêu trên gây thiệt hại cho nhà nước 23,96 m3 gỗ, giá trị 138.058.000 đồng.
Từ ngày 18/01/2020 đến 25/02/2020, mặc dù không kiểm tra giấy tờ, nguồn gốc số gỗ và do chủ quan nên dù không biết gỗ có giấy tờ hợp pháp hay không nhưng khi nghe Hà Thị N nói là gỗ vườn, có nguồn gốc hợp pháp thì Nguyễn Quang D đã đồng ý cho N gửi tại rẫy của mình. Số lượng 46 lóng gỗ, khối lượng 25,175 m3, gồm 05 chủng loại: Gỗ Lòng mang (nhóm VI); gỗ Mít nài (Nhóm VI); gỗ Sao (Nhóm II), gỗ Bời lời (Nhóm IV), gỗ Râm (Nhóm VI) không có hồ sơ lâm sản, dấu búa kiểm lâm. D trông coi số gỗ nêu trên 38 ngày và được Nam hứa cho tiền, số gỗ mà Dũng tàng trữ có giá trị 142.748.000 đồng.
Trong số 25,175 m3 bị tạm giữ, có 02 chủng loại gỗ không xác định được nguồn gốc, cụ thể: Loại gỗ Râm (Nhóm VI) = 0,34 m3 và gỗ Bời lời (Nhóm IV) = 0,875 m3 có khối lượng 1,215 m3 theo lời khai của Hà Thị N và Phàng Thị Q do các đối tượng lúc chặt hạ đã bốc vác nhầm, không biết số gỗ này có nguồn gốc từ đâu. N và Q không có ý thức mua, bán số gỗ này. Riêng D phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số gỗ nêu trên. Sau khi bị Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo tuyên án, N đã cho D 02 lần tiền, tổng số tiền là 15.000.000 đồng.
Trong quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk đã thu giữ, xử lý các vật chứng:
- Thu giữ Số lượng 46 lóng gỗ tròn với tổng khối lượng 25,175 m3, trong đó: Gỗ trên xe tải biển số 77C-068.57 là 24 lóng tổng khối lượng 18,552 m3, chủng loại từ Nhóm II - VI (cụ thể: Cây gỗ Lòng Mang (Nhóm VI): 13,382 m3/17 lóng gỗ tròn; Cây gỗ Mít Nài (Nhóm VI): 2,091 m3/02 lóng gỗ tròn; Cây gỗ Sao (Nhóm II): 3,079 m3/05 lóng gỗ tròn) và Gỗ tạm giữ tại vườn của Nguyễn Quang D: Số lượng 22 lóng gỗ tròn các loại được đánh số thứ tự từ 01 đến 22 (riêng lóng số thứ tự 01 được cắt thành 02 lóng ký hiệu 1A, 1B và lóng số thứ tự 18 được cắt thành 02 lóng ký hiệu 18A, 18B), với tổng khối lượng 6,623 m3, chủng loại từ Nhóm II - VI trong đó: Cây gỗ Lòng Mang (Nhóm VI): 3,083 m3/13 lóng gỗ tròn; Cây gỗ Sao (Nhóm II): 2,325 m3/07 lóng gỗ tròn; Cây gỗ Râm (Nhóm VI) 0,340 m3/02 lóng gỗ tròn; Cây gỗ Bời lời (Nhóm IV) 0,875 m3/02 lóng gỗ tròn).
- Đối với xe ô tô tải biển số 77C-068.57 bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk tạm giữ qua điều tra xác định là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của ông Nguyễn Đức D1 nên trả lại cho ông Nguyễn Đ1 D1 quản lý.
- Đối với Giấy Chứng minh nhân dân số 241122075 của Nguyễn Đức S; 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA màn hình trắng đen, màu xanh; 01 điện thoại di động nhãn hiệu IPHONE X, màu trắng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã xử lý trả lại cho S nhận sử dụng.
- Đối với điện thoại di động (không rõ hiệu) của Hà Thị N hiện nay đã hư hỏng thất lạc không thu giữ được. Đối với điện thoại di động (không rõ hiệu) của Nguyễn Quang D đã bị mất không thu giữ được nên không đặt vấn đề xử lý.
- Tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số tiền 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng), là số tiền Hà Thị N trả cho Phàng Thị Q mua bán 05 cây gỗ Phàng Thị Q tự nguyện giao nộp vào tài khoản của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H'leo;
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2022/HS-ST ngày 02/6/2022 của Toà án nhân dân huyện Ea H’leo đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Quang D phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
- Áp dụng điểm k khoản 1 Điều 232; điểm s, m khoản 1, 2 Điều 51; điểm h, khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt Bị cáo Nguyễn Quang D 03 (ba) tháng tù.
Áp dụng khoản 5 Điều 65; khoản 2 Điều 56 của BLHS. Tổng hợp mức hình phạt 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “ Cố ý gây thương tích” của Bản án số 145/2015/HS-ST, ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo. Buộc bị cáo Nguyễn Quang D chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 02 (hai) năm 09 tháng tù. Bị cáo được khấu trừ thời gian tạm giam của Bản án số 145/2015/HS-ST, ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo (từ ngày 15/10/2015 đến 24/11/2015 là 01 tháng 09 ngày). Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án còn các bị cáo Hà Thị N, Phàng Thị Q nhưng không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.
Ngày 16/6/2022, bị cáo D kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan và đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình, phù hợp với nội dung bản cáo trạng, bản án hình sự sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phân tích, đánh giá tính chất của vụ án và xét kháng cáo kêu oan của bị cáo D, thấy rằng: bị cáo D có hành vi cho bị cáo N sử dụng diện tích đất rẫy thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình để cất dấu với tổng khối lượng 25,175 m3 nhưng không kiểm tra giấy tờ, nguồn gốc gỗ là hành vi vi phạm pháp luật.
Xét Kết luận giám định ngày 07/4/2020 của Khoa Nông Lâm nghiệp trường Đại học Tây nguyên và Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác định: tại thời điểm giám định, hiện trường của 5 cây gỗ đã bị chặt hạ tại khu vực nhà rẫy của ông Hoàng Văn T1 và bà Phàng Thị Q chỉ còn lại gốc, cành, lá, không còn thân cây nên không xác định được đường kính 1,3m và chiều dài của cây để tính khối lượng cây gỗ đã bị chặt hạ. Chủng loại được xác định có: 03 cây Lòng mang, 01 cây Mít nài và 01 cây Sao. Nhưng số gỗ thu trên xe 77C-068.57 và tại khu vực rẫy nhà bị cáo Nguyễn Quang D ngoài 3 chủng loại gỗ trên, thì còn có gỗ thuộc chủng loại Bời lời và Râm. Khi bị cáo Hà Thị N cưa hạ 5 cây gỗ tại nhà Phàng Thị Q thì Q không mặt tại nơi cưa cắt gỗ. Số lượng gỗ N tập kết đến nhà D thì D có thấy kéo gỗ dưới khu vực suối EaWy lên nhưng cũng không biết rõ bao nhiêu. Tuy nhiên, CQĐT chưa điều tra, xác minh làm rõ ngoài gỗ mà Hà Thị N mua của Phàng Thị Q ra, N có đưa gỗ từ nơi nào khác đến nhà D gửi không? Nếu có thì bao nhiêu? Nếu không thì số gỗ thuộc chủng loại Râm và Bời Lời ở đâu ra (chưa xác định được gỗ Hà Thị N mua của Phàng Thị Q có khối lượng là bao nhiêu?);
- Kết luận giám định ngày 07/4/2020 của Khoa Nông Lâm nghiệp trường Đại học Tây nguyên và Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác định: 5 cây gỗ đã bị chặt hạ tại khu vực nhà rẫy của vợ chồng ông Hoàng Văn T1 và bà Phàng Thị Q mọc trên đất nông nghiệp. Như vậy, gỗ cưa cắt từ cây tự nhiên mọc trên đất nông nghiệp có phải là “gỗ loài thực vật rừng” hay không? Do cấp sơ thẩm chưa chứng minh các cây gỗ mọc tự nhiên trên đất nông nghiệp mà bị cáo Q bán cho bị cáo N sau đó bị cáo N khai khác và tập kết tại rẫy nhà bị cáo D là “gỗ loài thực vật rừng” hay không?. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355 của BLTTHS chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Quang D, cần hủy Bản án sơ thẩm số 38/HS-ST ngày 02/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, giao hồ sơ cho VKSND huyện Ea H’leo giải quyết theo thủ tục chung.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và của bị cáo tại phiên toà.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ phát triển rừng quy định “1. Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng’’.
Tại Điều 2 và Điều 5 của Luật Lâm nghiệp quy định “…3. Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.
16. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến Tại Điều 5. Phân loại rừng:
1. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau:
a) Rừng đặc dụng; b) Rừng phòng hộ; c) Rừng sản xuất” Điều 232 của BLHS quy định “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
k) Tàng trữ, ...mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 m3 gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 m3gỗ loài thực vật rừng thông thường”.
Theo kết quả điều tra, xác minh vị trí các cây gỗ mà các bị cáo có hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ thuộc thôn 10B, xã C, huyện E, diện tích đất được UBND tỉnh Đắk Lắk giao địa phương quản lý. Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì vị trí 5 cây gỗ bị khai thác thuộc đất nông nghiệp nằm ngoài quy hoạch đất rừng (rừng tự nhiên, rừng rồng trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng).
Xét thấy, hộ ông Phàng Văn P và bà La Thị H1 là chủ thửa đất số 18, tờ bản đồ số 2, diện tích 13.281,3 m2, địa chỉ thôn 10B, xã C, huyện E, tỉnh Đăk Lăk, được UBND huyện Ea H’leo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 435022 ngày 30/11/2015 đến năm 2019, thay đổi cơ sở pháp lý cho bị cáo Q do nhận thừa kế quyền sử dụng đất.
Ông P, bà H1 và bị cáo Q xác nhận tại thời điểm khai hoang đất năm 1987 các cây gỗ đã có trên đất và theo kết quả giám định vị trí 05 gốc cây gỗ tự nhiên nêu trên mọc trên đất nông nghiệp, nằm ngoài quy hoạch 03 loại rừng, thuộc địa giới hành chính xã C quản lý.
Tại Công văn số 1425/TCLN-PCTT ngày 13/9/2019 của Tổng cục Lâm nghiệp (phần phụ lục) v/v giải đáp trong thực hiện pháp luật về lâm nghiệp, hướng dẫn. “ Trường hợp diện tích đất nương rẫy, diện tích đất rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất còn sót lại các cây gỗ rừng tự nhiên, nhưng khi cấp có thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân không ghi hoặc không xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản trên đất, thì các cây gỗ rừng tự nhiên trên đất thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Đối với trường hợp này thì kiểm đếm, thống kê, lập hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi tài sản theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công”.
Mặc dù, các cây gỗ trên chưa được cơ quan, tổ chức nào kiểm đếm, thống kê, lập hồ sơ báo cáo trình UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi tài sản theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công nhưng các cây gỗ tự nhiên nêu trên mọc trên đất nông nghiệp được UBND tỉnh Đắk Lắk giao đất cho UBND xã C quản lý nên thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, hành vi của các bị cáo xâm phạm đến chế độ sở hữu tài sản. Đây là quyền về tài sản được quy định tại Điều 157 và 158 của BLDS Xét thấy: Quá trình điều tra, N, Đ1 và D đều khai nhận, bị cáo N gọi điện nhờ Đ1 hỏi D cho N gửi gỗ tại bãi đất trống trên đất rẫy của D, D có hỏi Đ1 gỗ có giấy tờ gì không thì Đ1 tắt máy gọi lại hỏi N “gỗ có giấy tờ gì không, gỗ gì vậy chị”; N trả lời “Gỗ vườn, có giấy tờ đầy đủ”. Sau đó, Đ1 gọi điện thoại báo cho D thì D đồng ý cho N gửi gỗ tại rẫy”. Như vậy, trước khi cho bị cáo N gửi gỗ, bị cáo D được Đ1 cho biết “ gỗ vườn, có giấy tờ đầy đủ”, bị cáo không biết số lượng gỗ N gửi không có giấy tờ hợp pháp. Ngoài ra, đến ngày bị cáo N thuê xe chở gỗ đi (25/02/2020) bị cáo N có đưa bộ hồ sơ gỗ vườn cho Nguyễn Đức S (người chở gỗ thuê) để S đem theo trong quá trình vận chuyển gỗ, ngoài ra bị cáo D là người không biết chữ, Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá hành vi của bị cáo D cho bị cáo N sử dụng diện tích đất rẫy thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình để cất giấu với tổng khối lượng 25,175 m3 mà không kiểm tra hồ sơ lâm sản, nguồn gốc gỗ và không giữ bất cứ giấy tờ gì liên quan đến số gỗ bị cáo N gửi và xử phạt bị cáo D 03 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 232 của BLHS là đánh giá chưa khách quan.
[2] Xét kết luận giám định ngày 07/4/2020 của Khoa Nông Lâm nghiệp trường Đại học Tây nguyên và Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác định: 5 cây gỗ đã bị chặt hạ tại khu vực nhà rẫy của vợ chồng ông Hoàng Văn T1 và bà Phàng Thị Q mọc trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định 5 cây gỗ bị chặt nằm ngoài diện tích đất cấp cho Phàng Thị Q, nằm trên đất ven suối thuộc UBND xã C được giao quản lý. Như vậy, các cây gỗ cưa cắt từ cây tự nhiên mọc trên đất nông nghiệp chưa được cơ quan điều tra chứng minh là “gỗ loài thực vật rừng” hay không? Do cấp sơ thẩm chưa chứng minh các cây gỗ mọc tự nhiên trên đất nông nghiệp mà bị cáo Q bán cho bị cáo N sau đó bị cáo N khai khác và tập kết tại rẫy nhà bị cáo D là “gỗ loài thực vật rừng” hay không.
[3] Xét thấy, Bản án sơ thẩm còn xử phạt bị cáo Hà Thị N 01 (Một) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (hai) năm và xử phạt bị cáo Phàng Thị Q 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng, về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 232 của BLHS. Mặc dù, bị cáo N, Q không kháng cáo và không bị kháng cáo kháng nghị. Tuy nhiên, xét thấy cần áp dụng Điều 345 của BLTTHS, cần thiết phải xem xét các phần khác của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị.
Do đó, cần áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355; điểm đ khoản 1 Điều 358 của BLTTHS. Cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 38/2022/HS-ST ngày 02/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND huyện Ea Hleo để giải quyết theo thủ tục chung.
[3] Về án phí: Do được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo Nguyễn Quang D không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm đ khoản 1 Điều 358 của Bộ luật tố tụng hình sự.
[1] Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Quang D. Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 38/2022/HS-ST ngày 02/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND huyện Ea H’leo để giải quyết theo thẩm thủ tục chung.
thẩm.
[2] Về án phí: Bị cáo Nguyễn Quang D không phải chịu án phí hình sự phúc [3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 239/2022/HS-PT
Số hiệu: | 239/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/10/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về