Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 13/2022/HSST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 13/2022/HSST NGÀY 22/07/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 22 tháng 7 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 13/2022/TLST-HS ngày 14 tháng 6 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:

12/2022/XXST-HS ngày 12 tháng 7 năm 2022 đối với bị cáo:

Họ và tên: Trần Quốc Nh (tên gọi khác: Không); sinh ngày 1x tháng x năm 199x tại Quảng Ngãi;

Nơi cư trú: Thôn V, xã H, huyện K, tỉnh Kon Tum.

Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Quang H, sinh năm: 196x và bà Nguyễn Thị Thu Th, sinh năm:197x; bị cáo có 03 chị em, bị cáo là con thứ hai trong gia đình; tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Tốt.

Bị cáo bị tạm giam từ ngày 01/6/2022 đến ngày 11/7/2022 thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh đến nay, có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đầu năm 2021, Trần Quốc Nh nhận thấy ở xã H và các khu vực lân cận có nhiều loài động vật hoang dã được người dân địa phương săn bắn nên đã nảy sinh ý định mua về để bán kiếm lời. Đồng thời, Nh sử dụng một số tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok để chào bán một số mặt hàng mà Nh thu mua được.

Khong tháng 03/2021, Nh đi đến một số thôn làng của xã P, huyện K, tỉnh Kon Tum thu mua được 02 móng vuốt động vật nghi của loài Gấu với giá tiền 400.000 đồng từ 01 người dân địa phương mà Nh không quen biết.

Khong tháng 04/2021, Nh tiếp tục đến xã P và mua được thêm 02 móng vuốt động vật nghi là của loài Gấu với số tiền 600.000 đồng từ 01 người dân địa phương mà Nh không quen biết. Cả 04 móng động vật mua được, Nh cất giữ trong người, chờ khi có người hỏi mua sẽ bán kiếm lời. Ngoài ra, trong nhiều lần đến xã H, huyện K, tỉnh Kon Tum, Nh đã thu mua được của nhiều người dân địa phương tổng số 17 răng nanh động vật nghi của loài lợn rừng với số tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/01 chiếc.

Ngày 28/10/2021, Công an huyện K tiếp nhận Văn bản số 835/2020/EVN ngày 18/10/2021 của Trung tâm giáo dục thiên nhiên thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (EVN) (có địa chỉ: Phòng 1701, tòa nhà 17T5, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội) về việc chuyển giao thông tin vi phạm kèm theo các tài liệu có liên quan đến hành vi quảng cáo, buôn bán kỳ đà vân và nhiều sản phẩm của động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên Facebook, Tiktok, Zalo của Trần Quốc Nh. EVN kiến nghị Công an huyện K kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/12/2021, Nh điều khiển xe mô tô mang BKS 76K1- 02060 từ xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi về hướng huyện K, tỉnh Kon Tum. Khi đi đến khu vực xã M, huyện K, tỉnh Kon Tum, Nh gặp một người đàn ông lạ mặt người dân tộc thiểu số và thu mua được 04 cá thể động vật đã chết, ướp lạnh, trong đó có 01 cá thể có tên thường gọi là Chồn ngận và 03 cá thể thường gọi là Chồn đen với giá tiền 2.700.000 đồng. Khi đi đến đoạn đường G, thị trấn M, Nh dừng lại để kiểm tra hàng thì bị tổ tuần tra của Công an huyện K phát hiện và lập biên bản về hành vi tàng trữ 04 cá thể động vật nghi là chồn, 04 móng vuốt động vật nghi của loài Gấu và 17 răng nanh động vật nghi của loài Lợn rừng; 01 xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA EXCITER màu xanh - trắng, BKS 76K1 - 02060 mang tên Trần Quốc Nh; 01 (Một) điện thoại di động nhãn hiệu Iphone của Trần Quốc Nh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại kết luận giám định số: 86/STTNSV Ngày 19/01/2022 của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận các mẫu vật gửi giám định gồm:

+ 01 cá thể động vật là loài Cầy vòi mốc (có tên khoa học là Paguma larvata);

+ 03 cá thể động vật là loài Sóc đen (có tên khoa học là Ratufa bicolor);

+ 02 (hai) móng vuốt động vật được ký hiệu 02, 03 là bộ phận của Loài Gấu ngựa (Có tên khoa học là Ursus thibetanus);

+ 02 (hai) móng vuốt động vật được ký hiệu 01, 04 là bộ phận của Loài Gấu chó (Có tên khoa học là Helarctos malayanus);

+ 17 (Mười bảy) răng nanh động vật là của loài Lợn rừng (có tên khoa học là Sus scrofa) (04 (Bốn) cá thể động vật, vì không đủ điều kiện bảo quản trong môi trường đông lạnh nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện K đã phối hợp và bảo quản tại Vườn Quốc gia Ch, huyện S, tỉnh Kon Tum).

Tại Bản Cáo trạng số: 11/CT-VKS ngày 13 tháng 6 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh Kon Tum truy tố bị cáo Trần Quốc Nh về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51;

điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo từ 01 (Một) năm đến 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù.

- Về hình phạt bổ sung: Bị cáo là không có nghề nghiệp ổn định, bị cáo không có tài sản riêng, sống chung với bố mẹ, bị cáo hiện đang bị bệnh nên đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền theo quy định tại khoản 4 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bị cáo.

- Về vật chứng vụ án: Căn cứ điểm a, c khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

Đề nghị tịch thu, tiêu hủy:

+ 01 cá thể động vật là loài Cầy vòi mốc (có tên khoa học là Paguma larvata);

+ 03 cá thể động vật là loài Sóc đen (có tên khoa học là Ratufa bicolor);

+ 02 (hai) móng vuốt động vật được ký hiệu 02, 03 là bộ phận của Loài Gấu ngựa (Có tên khoa học là Ursus thibetanus);

+ 02 (hai) móng vuốt động vật được ký hiệu 01, 04 là bộ phận của Loài Gấu chó (Có tên khoa học là Helarctos malayanus);

+ 17 răng nanh động vật là của loài Lợn rừng (có tên khoa học là Sus scrofa) Đề nghị tịch thu sung vào công quỹ Nhà nước:

+ 01 (Một) điện thoại di động nhãn hiệu Iphone của Trần Quốc Nh sử dụng để đăng tải các nội dung liên quan đến sản phẩm động vật hoang dã lên mạng internet.

+ 01 xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA EXCITER màu xanh - trắng, BKS 76K1 - 02060 mang tên Trần Quốc Nh.

Tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo và thừa nhận toàn bộ về hành vi phạm tội của mình, không có ý kiến tranh luận với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát.

Bị cáo nói lời sau cùng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được hưởng án treo vì hiện nay bị cáo bị bệnh tai biến liệt nửa người cần phải điều trị theo chỉ định của Bác sỹ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tn cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện K tỉnh Kon Tum, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh Kon Tum, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung: Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và lời khai nhận tội của bị cáo hoàn toàn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy có căn cứ xác định:

Khong tháng 03/2021, bị cáo Trần Quốc Nh tàng trữ 02 móng vuốt động vật là bộ phận sản phẩm của Loài Gấu chó (Có tên khoa học là Helarctos malayanus) và tháng 04/2021, Nh tiếp tục tàng trữ thêm 02 (hai) móng vuốt động vật là bộ phận sản phẩm của Loài Gấu ngựa (Có tên khoa học là Ursus thibetanus).

Hành vi của bị cáo Trần Quốc Nh tàng trữ, vận chuyển, mua bán 02 móng vuốt là sản phẩm động vật của loài Gấu ngựa, 02 móng vuốt động vật là sản phẩm động vật của loài Gấu chó nhằm mục đích bán lại kiếm tiền lời. Loài Gấu Ngựa, loài Gấu Chó có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ) và đồng thời có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ), thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES (Ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB- CTVNHTQT ngày 27/11/2019, của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Hành vi của Trần Quốc Nh đã xâm phạm đến chế độ quản lý của nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; xâm phạm đến môi trường sinh thái được Bộ luật hình sự bảo vệ. Bị cáo Trần Quốc Nh đã hai lần thực hiện hành vi phạm tội theo qui định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Do đó, hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện K đã truy tố và luận tội của Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Xét tính chất nguy hiểm, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội của bị cáo: Vụ án thuộc trường hợp nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm vào chính sách của Nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Động cơ, mục đích tàng trữ 02 móng vuốt sản phẩm của loài gấu ngựa và 02 móng vuốt là sản phẩm của loài gấu chó để bán lại kiếm lời. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng vẫn thực hiện nhiều lần. Vì vậy, cần xử phạt bị cáo mức án nghiêm và cần thiết phải xử bị cáo hình phạt tù, cách ly ra khỏi xã hội một thời gian để bị cáo học tập, cải tạo phấn đấu trở thành người tốt, biết tôn trọng pháp luật đồng thời cũng nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm chung cho xã hội trong việc bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật.

[4] Về đặc điểm nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

s.

- Về nhân thân: Bị cáo Trần Quốc Nh có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền - Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần theo điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

[5] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 4 Điều 244 của Bộ luật hình sự ngoài hình phạt chính bị cáo còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là hình phạt tiền nhưng xét thấy bị cáo hiện nay sống chung với cha mẹ đẻ, tài sản riêng không có, bị cáo hiện đang bị bệnh tai biến liệt nửa người đang điều trị theo chỉ dẫn của Bác sỹ; áp dụng hình phạt tù đối với đã đủ sức răn đe nên Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[6] Về xử lý vật chứng:

- Đối với 01 xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA EXCITER màu xanh - trắng, BKS 76K1 - 02060 mang tên Trần Quốc Nh bị cáo sử dụng làm phương tiện phạm tội và 01 (Một) điện thoại di động nhãn hiệu Iphone của Trần Quốc Nh sử dụng để đăng tải các nội dung liên quan đến sản phẩm động vật hoang dã. Hội đồng xét xử xét thấy còn giá trị sử dụng nên tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.

- Đối với 02 (hai) móng vuốt động vật được ký hiệu 02, 03 là bộ phận của Loài Gấu ngựa (Có tên khoa học là Ursus thibetanus); 02 (hai) móng vuốt động vật được ký hiệu 01, 04 là bộ phận của Loài Gấu chó (Có tên khoa học là Helarctos malayanus); 01 cá thể động vật là loài Cầy vòi mốc (có tên khoa học là Paguma larvata) và 03 cá thể động vật là loài Sóc đen (có tên khoa học là Ratufa bicolor) và 17 răng nanh động vật là của loài Lợn rừng (có tên khoa học là Sus scrofa). Xét thấy, đây là vật chứng thuộc loại Nhà nước cấm nên tịch thu tiêu hủy.

(Theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 15/6/2022 và biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 29/6/2022 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện K và Chi cục Thi hành án dân sự huyện K và biên bản giao nhận động vật rừng ngày 29/6/2022 giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện K và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái).

[7] Đối với hành vi Trần Quốc Nh tàng trữ, mua bán 01 cá thể động vật là loài Cầy vòi mốc, 03 cá thể động vật là loài Sóc đen và 17 răng nanh loài Lợn rừng. Loài Cầy vòi mốc (có tên khoa học là Paguma larvata) và loài Sóc Đen (có tên khoa học là Ratufa bicolor) thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB ban hành kèm theo Nghị định 84/2021 ngày 22/09/2021 của Chính phủ về “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”; Loài Lợn rừng không thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, không thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hay Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Các hành vi này chưa đủ định mức để khởi tố về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234 Bộ luật Hình sự, bản thân Trần Quốc Nh chưa bị xử phạt hành chính, chưa bị kết án về các hành vi liên quan đến động vật hoang dã. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện K đã lập hồ sơ để xử lý hành chính đối với Trần Quốc Nh. Hội đồng xét xử xét thấy phù hợp nên không xem xét.

[8] Đối với hành vi của Trần Quốc Nh đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội gồm: 01 tài khoản Facebook tên “Authen Tic” để đăng tải các hình ảnh gồm móng vuốt hổ, mật gấu, móng vuốt gấu; sử dụng 01 tài khoản Zalo tên “Huynh Bin” để đăng tải hình ảnh móng vuốt hổ và móng vuốt gấu; sử dụng 01 tài khoản Tik Tok tên “Authentic911” để đăng tải các hình ảnh nanh hổ, móng hổ. Đồng thời, Nh còn đăng tải các hình ảnh của một số loài động vật và bộ phận của loài động vật như: móng hổ, cao hổ, mật gấu, kỳ đà... có một số bài đăng khác đã được Nh xóa trước đó. Việc đăng bài trên các trang mạng xã hội như trên nhằm mục đích tạo lượng tương tác, tăng lượt theo dõi để phục vụ việc bán những mặt hàng mà Nh có. Tuy nhiên, thực tế Nh không có những mặt hàng như: Cao hổ, móng hổ, ngà voi, mật gấu, kỳ đà,... và không quảng cáo để bán những mặt hàng này. Do đó, không đủ cơ sở để xem xét xử lý về hành vi quảng cáo sản phẩm của động vật hoang dã. Hội đồng xét xử không xem xét.

[9] Đối với một số đối tượng có hành vi bán các sản phẩm của động vật hoang dã, cá thể động vật hoang dã cho Trần Quốc Nh, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện K chưa có căn cứ, cơ sở để xử lý nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét.

[10] Về án phí: Bị cáo Trần Quốc Nh phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Trần Quốc Nh phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Trần Quốc Nh 13 (Mười ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án được trừ đi thời gian bị cáo bị bắt tạm giam (từ ngày 01/6/2022 đến ngày 11/7/2022).

Về hình phạt bổ sung: Bị cáo Trần Quốc Nh không có tài sản, không có nghề nghiêp, thu nhập ổn định nên miễn hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo theo quy định tại khoản 4 Điều 244 Bộ luật hình sự.

2. Về xử lý vật chứng:

Căn cứ điểm a, c khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

- Tịch thu tiêu hủy số vật chứng gồm:

+ 01 (một) cá thể động vật là loài Cầy vòi mốc. Tình trạng: Đã chết, bảo quản đông lạnh, được đánh số ký hiệu 01; 03 (ba) cá thể động vật là loài Sóc đen.

Tình trạng: Đã chết, bảo quản đông lạnh, được đánh số ký hiệu 02, 03, 04 (đang được bảo quản tại Vườn quốc gia Ch - S) + 02 (hai) móng vuốt động vật loài Gấu chó được đánh số ký hiệu và kính thước lần lượt là 01: 04cm, 04: 06cm; 02 (hai) móng vuốt động vật loài Gấu ngựa được đánh số ký hiệu và kích thước lần lượt là 02: 04cm, 03: 05cm. Tất cả được niêm phong trong 01 phong bì niêm phong có kích thước (11 x 18) cm, trên các mép dán có chữ ký của: Trịnh Thanh Hoàng, Nguyễn Trường Sơn và in dấu màu đỏ xác nhận “Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam – Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật”;

+ 17 (mười bảy) răng nanh động vật (là bộ phận của loài Lợn rừng) có kích thước đa dạng (dài từ 06 đến 08 cm), hình dạng vòng cung, màu trắng - đục. Tất cả được niêm phòng trong 01 phong bì niêm phong có kích thước (11 x 18) cm, trên các mép dán có chữ ký của Trịnh Thanh Hoàng, Nguyễn Trường Sơn và in dấu màu đỏ xác nhận của “Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam – Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật”.

- Tịch thu sung vào công quỹ Nhà nước:

+ 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu Iphone đã qua sử dụng, dạng màn hình cảm ứng, màu đen (không kiểm tra chi tiết bên trong);

+ 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter màu xanh - trắng đã qua sử dụng, BKS 76K1 - 02060.

(Theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 15/6/2022 và biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 29/6/2022 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện K và Chi cục Thi hành án dân sự huyện K và biên bản giao nhận động vật rừng ngày 29/6/2022 giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện K và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái).

3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; khoản 1 Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Trần Quốc Nh phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, 333 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (22/7/2022).

Trong trường hợp bản án, quyết định được quy định theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6 Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

387
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 13/2022/HSST

Số hiệu:13/2022/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kon Plông - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về