Bản án về tội tham ô tài sản số 45/2018/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN A, TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 45/2018/HS-ST NGÀY 06/09/2018 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Trong ngày 06 tháng 9 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 36/2018/TLST-HS ngày 13 tháng 8 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 128/2018/QĐXXST-HS ngày 22 tháng 8 năm 2018, đối với bị cáo:

Phạm D, sinh năm 1981; nơi sinh: Huyện A, tỉnh An Giang; ĐKHKTT: Ấp P, xã P, huyện A, tỉnh An Giang; chỗ ở hiện nay: Ấp P, xã P, huyện A, tỉnh An Giang; nghề nghiệp: Viên chức; trình độ học vấn: 12/12; trình độ chuyện môn: Trung cấp kế toán; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật giáo Hòa Hảo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Ngọc C, sinh năm 1954 và bà Đặng Thị Đ, sinh năm 1946; có vợ tên Nguyễn Thị Mỹ H, sinh năm 1982 và có 02 con, con lớn sinh năm 2007 và nhỏ sinh năm 2011;

Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Tốt;

Bị bắt tạm giam từ ngày 26/3/2018 đến ngày 25/6/2018 được tại ngoại cho đến nay.

Bị cáo có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Lê Văn M, sinh năm 1971 Nơi cư trú: Ấp P, xã P, huyện A, tỉnh An Giang. Anh Trần Hữu H, sinh năm 1971 Nơi cư trú: Ấp P, xã P, huyện A, tỉnh An Giang.

Anh Lê Hùng D, sinh năm 1966 Nơi cư trú: Ấp P, xã P, huyện A, tỉnh An Giang. Chị Lâm Ngọc D, sinh năm 1983 Nơi cư trú: Ấp V, xã V, huyện A, tỉnh An Giang. Anh Nguyễn Thanh H, sinh năm 1973 Nơi công tác: Kho bạc Nhà nước huyện A, tỉnh An Giang. Chị Nguyễn Thị Mỹ H (tên gọi khác: Đ), sinh năm 1982 Nơi cư trú: Ấp P, xã P, huyện A, tỉnh An Giang.

Nơi công tác: Bảo hiểm Xã hội huyện A, tỉnh An Giang.

Đia chỉ: Số 17, đường T, ấp A, thị trấn A, huyện A, tỉnh An Giang.

Người đại diện theo pháp luật ông Phạm Ngọc Thạch – Chúc vụ: Giám đốc.

Tại phiên tòa, anh M, anh D, anh H, chị D có mặt; những người còn lại vắng mặt. Anh H có đơn yêu cầu không tham gia phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 29/11/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện A tiếp nhận Công văn số 1330 ngày 06/10/2017 của Thanh tra nhà nước huyện An Phú, về việc kiến nghị khởi tố đối với Phạm D có hành vi chiếm dụng tiền ngân sách Nhà nước.

Qua điều tra xác định: Năm 2003, D được tuyển dụng và công tác tại Trường Tiểu học “C” P (sau này là Trường Tiểu học “B” P do Trường “C” sáp nhập vào Trường “B”). Nhiệm vụ mở các loại hồ sơ sổ sách theo quy định về tài chính - kế toán; tham mưu với Lãnh đạo dự trù kinh phí theo quy định về sử dụng ngân sách Nhà nước; rút và quyết toán các khoản lương, phụ cấp, hoạt động phí; lập các loại báo cáo tháng, quý, năm về tình hình sử dụng ngân sách Nhà nước theo đúng quy định, theo dõi quá trình nâng lương, phụ cấp của giáo viên, công nhân viên của Trường; dự toán phần bảo hiểm xã hội do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho cơ quan; quản lý, cập nhật hồ sơ viên chức của đơn vị. Trong khoảng thời gian từ tháng 01/2009 đến hết tháng 12/2012, sau khi thủ quỹ đã trích thu tiền bảo hiểm của giáo viên, nhân viên thuộc biên chế của Trường trên bảng thanh toán tiền lương (phần cá nhân buộc phải nộp) với tổng số tiền 209.225.915 đồng nhờ D đi nộp cho Cơ quan Bảo hiểm nhưng D chỉ nộp 11.964.860 đồng, còn lại 197.261.055 đồng giữ lại tiêu xài cá nhân. Để có tiền trả cho Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện, thì D lập các giấy rút dự toán ngân sách, kê số tiền cao hơn số tiền thực tế mà Nhà nước hỗ trợ, cụ thể:

- Từ tháng 01 đến hết tháng 12 năm 2009, quy định phần Ngân sách Nhà nước hỗ trợ số tiền nộp bảo hiểm là 81.974.565 đồng, nhưng D đã lập chứng từ rút 111.193.535 đồng, thừa 29.218.970 đồng.

- Từ tháng 01 đến hết tháng 12 năm 2010, quy định phần Ngân sách Nhà nước hỗ trợ số tiền nộp bảo hiểm là 108.137.360 đồng, nhưng D đã lập chứng từ rút 124.825.521 đồng, thừa 16.688.161 đồng.

- Từ tháng 01 đến hết tháng 12 năm 2011, quy định phần Ngân sách Nhà nước hỗ trợ số tiền nộp bảo hiểm là 132.256.236 đồng, nhưng D đã lập chứng từ rút 265.426.011 đồng, thừa 133.169.775 đồng.

- Từ tháng 01 đến hết tháng 12 năm 2012, quy định phần Ngân sách Nhà nước hỗ trợ số tiền nộp bảo hiểm là 191.479.955 đồng, nhưng D chỉ lập chứng từ rút 186.190.662 đồng, thiếu 5.289.293 đồng.

Như vậy, từ tháng 01/2009 đến hết tháng 12/2012 D đã lập chứng từ rút ngân sách 687.635.729 đồng, nhưng theo quy định thì Nhà nước chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm 513.848.116 đồng, thừa 173.787.613 đồng. Số tiền này D bù vào số tiền đã chiếm đoạt từ tiền thu của giáo viên trước đó. Ngoài ra, tính đến thời điểm tháng 12/2012 thì D còn giữ của Trường 23.473.442 đồng chưa nộp cho Cơ quan Bảo hiểm huyện A.

Trong quá trình điều tra, chị Nguyễn Thị Mỹ H (vợ bị cáo) giao nộp số tiền 197.262.000 đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo.

Cáo trạng số 36/CT-VKSAP ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện A truy tố bị cáo Phạm D về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa, Bị cáo khai nhận: Trong thời gian từ tháng 1/2009 đến hết tháng 12/2012 bị cáo làm kế toán cho Trường Tiểu học “C” P. Trong thời gian này bị cáo đi học và gia đình gặp khó khăn, nên khi anh H và anh D thu tiền bảo hiểm của nhân viên trong Trường nhờ D đi nộp cho Cơ quan Bảo hiểm thì D giữ lại một phần tiêu xài cá nhân. Để có số tiền bù lại thì D đã lập chứng từ cao hơn so với quy định (tiền Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho giáo viên). Cụ thể từng tháng kê khống thế nào D không nhớ. D thừa nhận trong thời gian từ tháng 1/2009 đến hết năm 2012 có chiếm đoạt số tiền 197.261.055 đồng. Gia đình D đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 197.262.000 đồng, số thừa 945 đồng D không yêu cầu nhận lại.

Anh Lê Văn M, anh Trần Hữu H, anh Lê Hùng D trình bày phù hợp nội dung vụ án. Anh M thừa nhận đã thiếu sót trong việc kiểm tra các chứng từ và do ít am hiểu nghiệp vụ kế toán nên để xảy ra việc D kê khống chứng từ rút tiền ngân sách. Anh H, anh D cũng thừa nhận vì tin tưởng D nên nhờ D nộp tiền bảo hiểm mà thiếu sự kiểm tra nên để xảy ra tình trạng D chiếm đoạt tiền bảo hiểm.

Chị Lâm Ngọc D cho rằng cách tính tiền nợ bảo hiểm xã hội giữa Cơ quan điều tra với chuyên môn của ngành Bảo hiểm có sự khác nhau. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra tính trong thời gian từ tháng 1/2009 đến hết tháng 12/2012 Trường “C” P (Nay là Trường “B” P) còn nợ 23.473.442 đồng thì Cơ quan Bảo hiểm huyện A xin nhận số tiền này. Ngoài ra, chị D còn cho biết, trong quá trình theo dõi việc nợ bảo hiểm, thấy đơn vị nào chưa nộp hoặc nộp trễ thì Cơ quan bảo hiểm đều có thông báo, nhắc nhở.

Trong bài phát biểu luận tội, vị đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên bản Cáo trạng. Sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi; các tình tiết giảm nhẹ; nhân thân của bị cáo đã đề nghị:

Về hình phạt, đề nghị áp dụng các điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo từ 02 (hai) năm đến 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù.

Về xử lý vật chứng, đề nghị tuyên giao số tiền gia đình bị cáo nộp khắc phục hậu quả sung quỹ Nhà nước và trả nợ bảo hiểm.

Về biện pháp tư pháp, đề nghị không áp dụng hình phạt tiền, nhưng cần áp dụng biện pháp cấm bị cáo hành nghề liên quan đến tài chính – kế toán trong một khoảng thời gian nhất định.

Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án anh Lê Văn M, anh Lê Hùng D, anh Trần Hữu H, anh Nguyễn Thanh H đề nghị Hội đồng xét xử có kiến nghị cơ quan quản lý có hình thức xử lý đối với những sai phạm của họ theo thủ tục hành chính.

Bị cáo Phạm D không có ý kiến tranh luận.

Anh Lê Văn M, anh Trần Hữu H, anh Lê Hùng D xác định trong khoảng thời gian các anh đương chức tại Trường Tiểu học “C” P thì các anh chưa nhận được thông báo nào của Cơ quan Bảo hiểm về việc Trường còn nợ tiền bảo hiểm. Anh H và anh D xác định các anh đã bị cấp trên họp xét xử lý sai phạm trong việc để xảy ra tình trạng nợ tiền bảo hiểm, nay đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử lý lần nữa là thiệt thòi cho các anh, mong Hội đồng xét xử có xem xét.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình; hoàn cảnh gia đình bị cáo gặp khó khăn về kinh tế; cha, mẹ bị cáo đều đang bị bệnh không tiền điều trị; các con của bị cáo còn nhỏ, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Mặc dù, đã được Tòa án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập tham gia phiên tòa nhưng tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án anh Nguyễn Thanh H, Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện A vắng mặt; anh H có đơn yêu cầu không tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, những người tham gia tố tụng này đã có lời khai thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án và việc vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc xét xử. Vì vậy, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người tham gia tố tụng này là phù hợp quy định tại Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[2] Những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập. Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử:

Những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập là đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, bị cáo, những người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Do đó, Hội đồng xét xử xem xét hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là hợp pháp và phù hợp với quy định của pháp luật.

[3] Về nội dung vụ án: Căn cứ lời khai nhận của bị cáo; trình bày của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án anh Lê Văn M, anh Lê Hùng D, anh Trần Hữu H, anh Nguyễn Thanh H, chị Lâm Ngọc D; đối chiếu các quyết định giao dự toán hàng năm cho trường, các quy định về hỗ trợ tiền bảo hiểm của Nhà nước với các chứng từ lập dự toán rút tiền bảo hiểm do D lập từ năm 2009 đến hết năm 2012, có cơ sở kết luận: Từ tháng 01/2009 đến hết tháng 12/2012, Phạm D đã có hành vi giữ lại một phần tiền do các viên chức và người lao động Trường Tiểu học “C” P nộp bảo hiểm để tiêu xài cá nhân, sau đó lập chứng từ rút tiền Nhà nước hỗ trợ cao hơn so quy định để bù vào tiền đã giữ lại tiêu xài. Năm 2009 kê chứng từ rút thừa 29.218.970 đồng; năm 2010 kê chứng từ rút thừa 16.688.161 đồng; năm 2011 kê chứng từ rút thừa 133.169.775 đồng; năm 2012 lập chứng từ rút thiếu 5.289.293 đồng. Tổng số tiền D lập dự toán cao hơn so quy định để chiếm đoạt là 173.787.613 đồng. Ngoài ra, Phạm D còn chưa nộp đầy đủ tiền bảo hiểm trong 04 năm là 23.473.442 đồng. Tổng số tiền Phạm D chiếm đoạt là 197.261.055 đồng. Phạm D là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; thực hiện hành vi với lỗi cố ý; hành vi của Phạm D là nguy hiểm cho xã hội nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo D thực hiện hành vi phạm tội từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2012 là thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung 2009 có hiệu lực pháp luật, tội danh này được quy định tại Điều 278. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 278 thì “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”; còn điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì quy định “Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”. Như vậy, về số tiền chiếm đoạt thì điều luật của Bộ luật hình sự 2015 quy định có lợi cho bị cáo so với Bộ luật hình sự năm 1999. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện A truy tố bị cáo theo Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ. Xác định bị cáo Phạm D phạm tội nhiều lần, tài sản chiếm đoạt có giá trị 197.261.055 đồng là các tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[4] Xét tính chất vụ án: Đây là vụ án tham nhũng có số tiền chiếm đoạt lớn, bị cáo đã lợi dụng vào chức trách, nhiệm vụ được giao kê khống chứng từ để trục lợi tiêu xài cá nhân. Bị cáo hoàn toàn ý thức được hành vi vi phạm nhưng cố tình thực hiện vì mục đích vụ lợi. Hành vi tham nhũng của bị cáo đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Ngành Giáo dục nói riêng và của cán bộ, công chức, viên chức nói chung. Điều đáng nói là hành vi vi phạm của bị cáo đã xảy ra trong một khoảng thời gian dài nhưng không được phát hiện, mãi đến năm 2017 khi Thanh tra kiểm tra thì mới phát hiện. Từ đó cho thấy sự thiếu trách nhiệm của người được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền ngân sách; sự thiếu trách nhiệm kiểm tra của thủ trưởng đơn vị đối với cấp dưới; sự thiếu trách nhiệm của cán bộ chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dự toán, quyết toán; sự thiếu kiểm tra đôn đốc của Kho bạc nhà nước, Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện A. Những thiếu sót này đã tạo cơ hội để bị cáo nhiều lần chiếm đoạt tiền ngân sách trong một khoảng thời gian dài. Mức độ nguy hiểm cho xã hội từ hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.

[5] Xét lượng hình:

Về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi: Hành vi của bị cáo là hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng việc thu – chi Ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Số tiền bị cáo chiếm đoạt từ Ngân sách Nhà nước là rất lớn, mức độ rất nghiêm trọng.

Về nhân thân: Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thật thà khai báo, thừa nhận hành vi vi phạm; đã tác động gia đình khắc phục hậu quả nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt 197.261.613 đồng, nên được xem xét giảm nhẹ theo quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, ngày 05/9/2018 Công an huyện A có công văn số 1198/CV- CAH gửi Hội đồng xét xử, đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì trong thời gian bị tạm giam, bị cáo Phạm D đã tích cực cung cấp thông tin giúp Cơ quan điều tra xử lý các bị can trong vụ án “Trộm cắp tài sản”. Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Như vậy, bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự, áp dụng hình phạt dưới khung hình phạt đã truy tố đối với bị cáo là đúng quy định.

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng hình phạt nghiêm, cần tiếp tục cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội thêm một thời gian nhất định mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Xét đề nghị của Viện kiểm sát về mức hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, nên được chập nhận.

[6] Về trách nhiệm của những người có quyền lợi, ghĩa vụ liên quan trong vụ án:

Đối với anh Lê Văn M, là thủ trưởng trực tiếp và là chủ tài khoản; là người được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả tiền ngân sách nhưng đã thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với kế toán gây thiệt hại cho Nhà nước 197.261.055 đồng. Đây là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, do áp lực công tác, kiến thức về kế toán – tài chính hạn chế; bản thân anh M không có động cơ, mục đích vụ lợi và có nhiều năm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nên Cơ quan điều tra không khởi tố là có căn cứ. Tuy nhiên, kiến nghị Phòng giáo dục huyện An Phú cần có biện pháp xử lý sai phạm của anh M theo thủ tục hành chính.

Đối với anh Lê Hùng D và anh Trần Hữu H nguyên là thủ quỹ của Trường, là người có nhiệm vụ thu – nộp tiền bảo hiểm xã hội nhưng lại không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ mà lại giao cho bị cáo Phạm D nộp thay. Xét anh D, anh H không có động cơ, mục đích vụ lợi nên Cơ quan điều tra không đặt vấn đề trách nhiệm hình sự là có căn cứ. Các anh cũng đã bị cấp trên kiểm điểm, xử lý bằng hình thức cắt thi đua. Xét việc xử lý các anh như đã nêu trên cũng tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, nên không kiến nghị tiếp tục xử lý. Các anh cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Đối với anh Nguyễn Thanh H là người được Giám đốc Kho bạc huyện A giao nhiệm vụ kiểm soát chi của đơn vị Trường Tiểu học “C” P nhưng lại không phát hiện các chứng từ chênh lệch theo quy định do Phạm D lập là thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính thì không bắt buộc phải kiểm tra loại chứng từ này, nên Cơ quan điều tra không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự là có cơ sở. Tuy nhiên, kiến nghị Kho bạc Nhà nước cũng cần kiểm điểm, xử lý hành vi thiếu trách nhiệm của anh H; kiến nghị ngành chức năng cần ban hành văn bản để kịp thời chấn chỉnh thiếu sót này nhằm quản lý tốt nhất việc thu – chi tiền ngân sách.

Đối với Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện A là cơ quan có trách nhiệm thu – nộp tiền bảo hiểm xã hội đã thiếu sự kiểm tra, nhắc nhở những người có trách nhiệm nộp tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định, để xảy ra tình trạng nộp thiếu tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian dài mà không phát hiện. Kiến nghị cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhằm phòng ngừa chung.

[7] Về biện pháp tư pháp:

Tang vật trong vụ án số tiền 197.262.000 đồng do chị Nguyễn Thị Mỹ H đã nộp khắc phục hậu quả cho bị cáo được xử lý như sau:

Số tiền nộp bảo hiểm xã hội do cán bộ, viên chức Trường Tiểu học “C” P còn nợ từ tháng 1/2009 đến hết tháng 12/2012 là 23.473.442 đồng. Lẽ ra số tiền này được giao trả cho Trường Tiểu học “B” P (Trường “C” sáp nhập trường “B”). Tuy nhiên, số tiền này cũng nộp cho Bảo hiểm xã hội huyện A, nghỉ nên cho Cơ quan Bảo hiểm xã hội trực tiếp nhận số tiền này.

Số tiền bị cáo D kê khống chứng từ chiếm đoạt là 173.787.613 đồng được nộp lại Ngân sách Nhà nước.

Như vậy, số tiền chị H nộp khắc phục hậu quả cho bị cáo còn thừa 945 đồng, xét nên giao trả cho chị Nguyễn Thị Mỹ H.

Về hình phạt bổ sung: Xét cần áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Cấm bị cáo đảm nhận những chức vụ liên quan lĩnh vực kế toán, thủ quỹ và công tác tài chính trong một thời gian nhất định để đảm bảo phòng ngừa chung.

[8] Về án phí hình sự sơ thẩm và các chi phí tố tụng khác:

Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm;

Bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không phải chịu các chi phí tố tụng khác.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Phạm D phạm tội: “Tham ô tài sản”;

Căn cứ các điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt: Bị cáo Phạm D 02 (hai) năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện chấp hành án hoặc bị bắt chấp hành án nhưng được khấu trừ 03 (ba) tháng bị tạm giam (Từ 26/3/2018 đến 25/6/2018);

Cấm Phạm D đảm nhiệm chức vụ liên quan đến kế toán, thủ quỹ và công tác tài chính trong thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Tuyên giao cho Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện A số tiền 23.473.442 (hai mươi ba triệu bốn trăm bảy mươi ba nghìn bốn trăm bốn mươi hai) đồng;

Tuyên nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền 173.787.613 (một trăm bảy mươi ba triệu bảy trăm tám mươi bảy nghìn sáu trăm mười ba) đồng;

Trả lại cho chị Nguyễn Thị Mỹ H 945 (chín trăm bốn mươi lăm) đồng.

(Theo Ủy nhiệm chi số tài khoản 3949.0.1054832.00000 tại Kho bạc Nhà nước huyện A lập ngày 11/7/2018 và Biên lai thu tiền số 007231 ngày 04/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A).

Căn cứ Điều 136, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Bị cáo Phạm D phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ Bị cáo và những người tham gia tố tụng không phải chịu các chi phí tố tụng Thời hạn kháng cáo của bị cáo Phạm D, anh Lê Văn M, anh Lê Hùng D, anh Trần Hữu H và chị Lâm Ngọc D là 15 ngày kể từ ngày tuyên án (06/9/2018);

Thời hạn kháng cáo của anh Nguyễn Thanh H, chị Nguyễn Thị Mỹ H, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện A là 15 ngày kể từ ngày nhận tống đạt bản án hoặc bản án được niêm yết.

(Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1883
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tham ô tài sản số 45/2018/HS-ST

Số hiệu:45/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện An Phú - An Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về