Bản án 26/2017/HSST ngày 25/05/2017 về tội tham ô tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HIỆP HÒA, TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 26/2017/HSST NGÀY 25/05/2017 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Trong ngày 25 tháng 5 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 19/2017/HSST ngày 17 tháng 3 năm 2017 đối với các bị cáo:

- Trần Lâm S, sinh năm 1952 (Có mặt)

TQ: Thôn Sa Long, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Nghề nghiệp: Làm ruộng;Chức vụ:  Nguyên Trưởng thôn Sa Long, Trình độ văn hóa: Lớp 7/10.

Con ông: Trần Văn B (đã chết) Con bà: Nguyễn Thị V (Đã chết) Vợ: Trịnh Thị B - sinh năm 1952

Con: Bị cáo có 3 con, lớn sinh năm 1975, nhỏ sinh năm 1987. Anh chị em: Gia đình có 5 anh em, bị cáo là con thứ 2.

Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại.

- Nguyên đơn dân sự:

1, UBND xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa do ông Nguyễn Đức Khoa - Chủ tịch UBND xã đại diện (Có mặt)

2, Ban quản lý thôn Sa Long, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang do ông Trần Xuân Bái trưởng thôn đại diện (Có mặt)

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1, Anh Nguyễn Văn Công, sinh năm 1982 (Vắng mặt)

2, Bà Nguyễn Thị Viễn, sinh năm 1943 (Vắng mặt)

Đều TQ: Thôn Giữa, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

3, Ông  Trần Văn Ngọc, sinh năm 1958 (Vắng mặt)

4, Bà Trần Thị Xuyến, sinh năm 1956 (Có mặt)

5, Anh Trần Văn Thìn, sinh năm 1987 (Có mặt)

6, Ông Trần Văn Long, sinh năm 1959 (Có mặt)

7, Bà Trịnh Thị B, sinh năm 1952 (Có mặt)

8, Ông Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1950 (Vắng mặt)

9, Ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1966  (Có mặt)

10, Bà Nguyễn Thị Xuyến, sinh năm 1968 (Có mặt)

11, Bà Nguyễn Thị Ngân, sinh năm 1954 (Có mặt)

12, Bà Nguyễn Thị Quý, sinh năm 1960 (Có mặt)

13, Bà Nguyễn Thị Lộc, sinh năm 1952 (Có mặt)

14, Ông Trần Trọng Điều, sinh năm 1960 (Có mặt)

15, Anh Trần Văn Hiếu, sinh năm 1981 (Có mặt)

16, Anh Trần Văn Bắc, sinh năm 1966 (Có mặt)

17, Chị Trần Thị Luật, sinh năm 1972 (Có mặt)

18, Chị Lê Thị Trang, sinh năm 1978 (Vắng mặt)

19, Ông Trần Mạnh Dũng, sinh năm 1958 (Vắng mặt)

20, Ông Trần Trọng Thức, sinh năm 1960 (Có mặt)

21, Chị Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1974 (Vắng mặt)

22, Bà Phạm Thị Mơ, sinh năm 1965 (Có mặt)

23, Anh Trần Văn Hồng, sinh năm 1973 (Vắng mặt)

24, Bà Trần Thị Hợp, sinh năm 1971 (Vắng mặt)

25, Ông Trần Văn Hiên, sinh năm 1957 (Có mặt)

26, Ông Trần Văn Trọng, sinh năm 1966 (Vắng mặt)

27, Ông Ngô Văn Tài, sinh năm 1951 (Có mặt)

28, Ông Trần Văn Cảnh, sinh năm 1968 (Vắng mặt)

29, Chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1976 (Vắng mặt)

30, Chị Vũ Thị Hương, sinh năm 1979 (Vắng mặt)

31, Bà Nguyễn Thị Phận, sinh năm 1952 (Vắng mặt)

32, Ông Trần Trọng Đoan, sinh năm 1946 (Vắng mặt)

33, Bà Trần Thị Hiền, sinh năm 1959 (Vắng mặt)

34, Ông Trần Văn Bộ, sinh năm 1948 (Có mặt)

35, Bà Trần Thị Tường (tức Hòa), sinh năm 1936 (Vắng mặt)

36, Ông Trần Văn Khoa, sinh năm 1968 (Vắng mặt)

37, Anh Trần Văn Tịnh, sinh năm 1982 (Có mặt)

38, Bà Ngọ Thị Toan, sinh năm 1971 (Có mặt)

39, Ông Lê Văn Tố, sinh năm 1955 (Có mặt)

40, Bà Trần Thị Bảo, sinh năm 1963 (Có mặt)

41, Ông Trần Văn Quang, sinh năm 1967 (Vắng mặt)

42, Ông Trần Văn Khẩn, sinh năm 1972 (Có mặt)

Đều trú tại: Sa Long, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang

43, Bà Dương Thị Bài, sinh năm 1975 (Vắng mặt)

44, Ông Phạm Văn Toàn, sinh năm 1966 (Vắng mặt)

45, Bà Lê Thị Nhỏ, sinh năm 1963 (Vắng mặt)

46, Ông Lê Văn Năm, sinh năm 1952 (Có mặt)

47, Chị Ngô Thị Thơm, sinh năm 1978 (Vắng mặt)

Đều trú tại: Văn Tự, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang

48, Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, sinh năm 1970 (Vắng mặt) Trú tại: Đức Thịnh, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang

49, Ông Nguyễn Văn Mạnh, sinh năm 1969 (Vắng mặt) Trú tại: Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh

50, Ban quản lý thôn Văn Tự, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa - do ông

Nguyễn Duy Thanh trưởng thôn đại diện (Có mặt)

51, Ông Lê Viết Triệu, sinh năm 1964 (Vắng mặt)

Trú tại: Đức Thịnh, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

52, Công Ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Văn Bằng, do ông Tạ Văn Bằng, sinh năm 1967 - Giám đốc đại diện (Vắng mặt)

Địa chỉ: Vụ Bản, Bắc Lý, Hiệp Hòa, Bắc Giang

53, Công ty cổ phần HB do ông Nguyễn Viết Cường - Giám đốc đại diện (Công ty đã giải thể) (Có mặt)

Địa chỉ: V Xuyên Hoàng V, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

54, Công ty TNHH Duy Lộc do ông Nguyễn Văn Phượng - Giám đốc

Công ty đại diện (Có mặt)

Địa chỉ: Dinh Hương, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

55, Hợp tác xã xây dựng Mai Hạ, Mai Đình, Hiệp Hòa do ông Lê Tuấn Chương chủ nhiệm HTX đại diện (Vắng mặt)

56, Ông Phạm Ngọc Ban, sinh năm 1965 (Vắng mặt) Trú tại: Tân Hưng, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

NHẬN THẤY

Khoảng cuối năm 2005, thôn Sa Long, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa do Trần Thị Hào làm Trưởng thôn, nhưng do bà Hào nghỉ khi chưa hết nhiệm kỳ nên Trần Lâm S, sinh năm 1952 ở thôn Sa Long, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã được nhân dân bầu làm Trưởng thôn thay cho Trần Thị Hào (bút lục 123A). Sau khi hết nhiệm kỳ, tháng 5/2007, S lại được bầu tái cử chức vụ Trưởng thôn, ông Trần Trọng Điều làm Phó thôn. Chủ tịch UBND xã Đức Thắng đã ra quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 29/5/2007, công nhận chức danh trưởng, phó thôn Sa Long nhiệm kỳ 2007-2009 đối với S và ông Điều (bút lục 123B). Từ tháng 9/2009 đến tháng 3/2012 Trần Lâm S tiếp tục được bầu làm trưởng thôn, ông Trần Trọng Điều và ông Trần Văn Long được bầu làm Phó thôn Sa Long và được Chủ tịch UBND xã Đức Thắng ra quyết định số 66/QĐ- UBND ngày 04/9/2009 phê duyệt kết quả bầu cử trưởng, phó thôn Sa Long  (bút lục 124). Trong thời gian làm Trưởng thôn Sa Long, Trần Lâm S đã có hành vi tham ô tài sản như sau:

Năm 2006, thôn Sa Long, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa được UBND huyện Hiệp Hòa cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất để giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân theo Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 30/6/2006. Theo quyết định này, thôn Sa Long được chuyển 8.450 m2 đất nông nghiệp ở hai xứ đồng “Đồng Đanh” và “Cửa Đại” để làm đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, trong đó diện tích đất ở là 5.660 m2; đất làm hành lang giao thông là 1.158m2; đất làm đường mương máng và đất lưu không là 1.632m2. Số tiền sử dụng đất phải thu là: 452.800.000đ (Bốn trăm năm mươi hai triệu tám trăm nghìn đồng); phê duyệt kinh phí Bi thường thu hồi đất là: 204.998.000đ (Hai trăm linh bốn triệu chín trăm chín mươi tám nghìn đồng); số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước sau khi trừ tiền Bi thường thu hồi đất là 247.802.000đ (Hai trăm bốn mươi bẩy triệu tám trăm linh hai nghìn đồng). Khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Trần Lâm S đã thu tiền của các gia đình đăng ký nhận quyền sử dụng đất theo giá quy định của thôn Sa Long đã được thống nhất trong Ban Chi ủy, Chi Bộ, lãnh đạo Ban quản lý và nhân dân trong thôn với mức: Xứ đồng “Đồng Đanh” giá 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng)/01 lô đất ở, xứ đồng “Cửa Đại” giá 25.000.000đ (hai mươi lăm triệu đồng)/01 lô đất ở. Số tiền thu được của các hộ dân, sau khi nộp ngân sách và đền bù cho các hộ, còn lại sẽ sử dụng làm quỹ thôn để chi tiêu chung. Trần Lâm S đã nộp đầy đủ số tiền sử dụng đất vào Kho bạc nhà nước là 247.802.000đ (hai trăm bốn mươi bẩy triệu tám trăm linh hai nghìn đồng).

Năm 2006 thôn Sa Long không có phó thôn, không có thủ quỹ và kế toán, toàn bộ hoạt động của thôn đều do Trần Lâm S đảm nhiệm. Năm 2007, Ban quản lý thôn phân công ông Trần Trọng Điều làm Phó thôn kiêm kế toán, bà Nguyễn Thị Ngân làm thủ quỹ thôn. Từ năm 2008 đến tháng 3/2012, Trần Lâm S  làm Trưởng thôn kiêm Thủ quỹ, ông Trần Trọng Điều làm Phó thôn kiêm kế toán, riêng ông Trần Văn Long được bầu làm Phó thôn nhưng chỉ phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội không liên quan đến tài chính, kinh tế của thôn. Với tư cách là Trưởng thôn, Trần Lâm S đã chỉ đạo và trực tiếp thu tiền đất của các hộ gia đình, cá nhân đăng ký nhận quyền sử dụng đất tổng số 53 lô đất với số tiền thu được  như sau:

- 17 lô đất ở khu vực xứ đồng “Đồng Đanh” x 30.000.000đ/1 lô = 510.000.000 đồng.

- 01 lô đất ở  xứ đồng “Đồng Đanh” x 40.000.000đ/1 lô = 40.000.000 đồng.

- 35 lô đất ở khu vực “Cửa Đại” x 25.000đ/1 lô = 875.000.000 đồng.

Tổng số tiền đã thu được là: 1.425.000.000đ (Một tỷ bốn trăm hai mươi lăm triệu đồng).

Toàn bộ sổ quỹ tiền mặt thể hiện việc thu tiền đất từ năm 2006 đến năm 2011 của thôn Sa Long, Cơ quan Điều tra đã thu giữ được, trong đó Trần Lâm S và ông Trần Trọng Điều đã thu tiền đất, số tiền cụ thể thu từng năm như sau: Năm 2006 thu được 492.200.000đ; Năm 2007 thu được: 58.000.000đ; Năm 2008 thu được: 604.500.000đ; Năm 2009 thu được: 129.000.000đ; Năm 2010 thu của 53 lô (được chuyển đổi năm 2006) là: 50.000.000đ. Riêng năm 2010, thôn Sa Long còn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất cùng với thôn Văn Tự, xã Đức Thắng 04 lô đất thuộc đất liền kề, xen canh với thôn Văn Tự. Thu theo giá quy định của mỗi lô đất ở là 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng). Đến cuối năm 2010, tất cả các lô đất đã thu tiền đều được UBND huyện Hiệp Hòa ra quyết định giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Năm 2011 thôn không thu tiền đối với những lô đất được chuyển đổi năm 2006. Tổng số tiền đất đã thu của nhân dân được đưa vào quỹ thôn là: 1.333.700.000đ (Một tỷ ba trăm ba mươi ba triệu  bảy  trăm  nghìn  đồng).  Số  tiền  chênh  lệch  để  ngoài  quỹ  thôn  là: 1.425.000.000đ - 1.333.700.000đ = 91.300.000đ (Chín mươi mốt triệu ba trăm nghìn đồng). Trong số tiền chênh lệch để ngoài quỹ thôn này, quá trình điều tra đã chứng minh được Trần Lâm S chiếm đoạt 35.000.000đ (Ba mươi lăm triệu đồng) như sau:

- Năm 2006, anh Nguyễn Văn Công là cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hiệp Hòa về công tác tại thôn Sa Long, xã Đức Thắng. Biết thôn Sa Long được UBND huyện cho chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở, anh Công có nhờ Trần Lâm S khi đó là trưởng thôn Sa Long đăng ký mua hộ 1 lô đất ở khu vực xứ đồng “Cửa Đại” (lô đất số 2). S nhận lời và đăng ký mang tên vợ mình là bà Trịnh Thị B. Lô đất này theo quy định của thôn thu giá 25.000.000 đồng. Anh Công đã nộp đủ số tiền 25.000.000 đồng cho S theo giá quy định của thôn, nhưng S không nộp vào quỹ của thôn năm 2006 mà đã chiếm đoạt chi tiêu cá nhân hết. Do thời điểm này, S toàn quyền quyết định việc thu, chi tiền quỹ thôn nên S đã tự viết phiếu thu không số, ghi ngày 18, không ghi tháng, ghi năm 2006 với nội dung: Họ và tên người nộp tiền là Trịnh Thị B, địa chỉ: Sa Long, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Lý do nộp tiền: Tiền đất thổ cư Cửa Đại, số tiền 25.000.000 đồng (Hai mươi lăm triệu đồng), ký ghi rõ họ tên Trần Lâm S ở mục kế toán trưởng và S bảo vợ là bà B ghi chữ “Trịnh Thị B” ở mục người nộp tiền. Khi lô đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 188905 ngày 09/5/2011 mang tên Trịnh Thị B, anh Công và vợ chồng S đã làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng cho bà Nguyễn Thị Viễn (là mẹ đẻ anh Công). Hiện nay bà Viễn vẫn đang quản lý và sử dụng lô đất này (bút lục 236 đến 247).

- Bà Trần Thị Xuyến, sinh năm 1956 ở thôn Sa Long, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có đăng ký nhận quyền sử dụng 1 lô đất ở tại khu vực xứ đồng “Cửa Đại”. Theo quy định của thôn, gia đình bà Xuyến phải nộp 25.000.000 đồng. Bà Xuyến nộp 4 lần: Lần 1, nộp theo phiếu thu không số, không ngày tháng năm nội dung ghi: “Người nộp tiền: Trần Thị Xuyến (Sơn) địa chỉ Thôn Sa Long, lý do nộp: Đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thôn số tiền 6.000.000đ (sáu triệu đồng), phiếu thu có chữ ký, chữ viết của Trần Lâm S ở mục thủ trưởng đơn vị và chữ ký, chữ viết là Trần Thị Xuyến ở mục người nộp tiền (bút lục 523). Lần thứ 2, bà Xuyến nộp theo phiếu thu số 03 ghi ngày 05/2/2008. Nội dung phiếu thu ghi: Người nộp tiền Trần Thị Xuyến, địa chỉ thôn Sa Long, Đức Thắng, lý do nộp: Tạm cọc tiền thuế đất thổ cư (khu Cửa Đại) số tiền 4.000.000đ (bốn triệu đồng). Phiếu thu có chữ ký, chữ viết của Trần Lâm S ở mục thủ trưởng đơn vị và chữ ký, chữ viết Trần Thị Xuyến ở mục người nộp tiền (bút lục 524). Lần thứ 3, bà Xuyến nộp tiền theo phiếu thu không số đề ngày 16/6/2008, nội dung phiếu thu ghi: Người nộp tiền Trần Thị Xuyến (Sơn) địa chỉ: Sa Long, lý do nộp: tiền thuế đất thổ cư, số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng) có chữ ký, chữ viết của Trần Lâm S ở mục thủ trưởng đơn vị và có chữ ký, chữ viết Trần Thị Xuyến (Sơn) ở mục người nộp tiền (bút lục 525). Khi bà Xuyến nộp được 3 lần tiền, Trần Lâm S đã gộp tổng số 3 lần nộp tiền vào một phiếu thu khác ghi số tiền của 3 lần nộp đưa vào sổ quỹ thôn năm 2008 ghi bà Xuyến nộp 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng). Lần thứ 4, bà Xuyến nộp tiền được thể hiện trong phiếu thu không số đề ngày 19/9/2010, nội dung phiếu thu ghi: Người nộp tiền Trần Thị Xuyến (Sơn), địa chỉ: Thôn Sa Long, lý do nộp: Tiền tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng (đất thổ cư) số tiền 5.250.000đ (năm triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng). Phiếu thu có chữ ký, chữ viết của Trần Lâm S ở mục người lập phiếu và chữ ký, chữ viết Trần Thị Xuyến ở mục người nộp tiền. Số tiền này không được đưa vào sổ quỹ tiền mặt của thôn năm 2010, S đã chi tiêu cá nhân 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) còn 250.000 đ S khai là tiền lệ phí để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bút lục 526).

- Ông Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1958 ở thôn Sa Long, xã Đức Thắng có đăng ký mua hộ anh Nguyễn Văn Mạnh, sinh năm 1969 ở Từ Sơn, Bắc Ninh 01 lô đất ở khu “Cửa Đại” theo giá quy định của thôn là 25.000.000đ, anh Mạnh nhờ ông Ngọc nộp tiền hộ được thể hiện trong 3 phiếu thu, trong đó: 02 phiếu thu không số ghi ngày 10/3/2008; trong đó 01 phiếu nội dung ghi: người nộp tiền anh Nguyễn Văn Mạnh, địa chỉ Bắc Ninh, lý do nộp tiền tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thôn, số tiền 12.250.000đ (mười hai triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng); và 01 phiếu nội dung ghi chỉ khác lý do nộp “tiền thuế đất thổ cư” số tiền 8.000.000đ (tám triệu đồng). Cả 2 phiếu thu này đều có chữ ký, chữ viết của Trần Lâm S ở mục thủ trưởng đơn vị và có chữ Điều ở mục kết toán trưởng (bút lục 528, 529). Tổng số tiền của 2 phiếu thu này là 20.250.000 đồng (hai mươi triệu hai trăm năm mươi triệu đồng) được gộp vào và viết thêm 01 phiếu thu đề ngày 05/2/2008 ghi số tiền 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) (bút lục 589) và đưa vào sổ quỹ tiền mặt của thôn năm 2008, còn số tiền 250.000đ (hai trăm năm mươi nghìn đồng), S khai là tiền lệ phí làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không ghi sổ quỹ. 01 phiếu thu không số, ghi ngày 21/8/2010 nội dung ghi người nộp tiền: Ông Mạnh (Ngọc nộp hộ) địa chỉ: Sa Long, lý do nộp: Tiền mua đất thổ cư số tiền 5.500.000đ (Năm triệu năm trăm nghìn đồng), phiếu thu này có chữ ký, chữ viết của Trần Lâm S ở mục thủ quỹ và chữ Ngọc ở mục người nộp (bút lục 527) số tiền này S không đưa vào sổ quỹ tiền mặt của thôn năm 2010, S đã chi tiêu cá nhân 5.000.000đ (năm triệu đồng), còn lại 500.000đ (năm trăm nghìn đồng) S khai đây là phí làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cơ quan điều tra đã quyết định trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký trên 08 tờ phiếu thu tiền nêu trên. Tại các kết luận giám định số 697/KL-PC54 ngày 30/6/2015, số 765/KL-PC54 ngày 14/7/2015 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đều kết luận các chữ viết, chữ ký mang tên “Trần Lâm S” trên các phiếu thu tiền nêu trên so với chữ viết, chữ ký của Trần Lâm S trên các mẫu so sánh đều là do cùng một người ký, viết ra (bút lục 44-48; 49-52).

Quá trình điều tra, Trần Lâm S thừa nhận trực tiếp viết phiếu và thu tiền của người nộp nhưng không đưa vào sổ quỹ thôn. Quyển sổ ghi chép năm 2006 và các quyển sổ quỹ tiền mặt của thôn Sa Long các năm từ 2007 đến năm 2011: S ghi chép sổ năm 2006, bà Nguyễn Thị Ngân (thủ quỹ) ghi chép sổ năm 2007, còn lại từ năm 2008 đến năm 2011 do Trần Trọng Điều làm kế toán ghi chép. Hàng năm chốt sổ thanh quyết toán có chữ ký của Trần Lâm S ở cuối sổ. 04 quyển sổ này Cơ quan điều tra đã thu giữ và ra quyết định trưng cầu giám định. Tại Kết luận giám định số 535/KL-PC54 ngày 25/5/2015, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã xác định: Các chữ viết, chữ ký để chốt sổ quỹ tiền mặt của thôn làm cơ sở thanh quyết toán, là chữ ký, chữ viết của Trần Lâm S, các chữ ký, chữ viết còn lại là của ông Trần Trọng Điều (từ bút lục 38 đến 43). Như vậy, tổng số tiền Trần Lâm S trực tiếp thu, viết phiếu thu nhưng không nộp vào quỹ thôn, đã chiếm đoạt trong 03 trường hợp trên là: 35.000.000đ (Ba mươi lăm triệu đồng chẵn).

Ngoài ra, S còn có hành vi chiếm đoạt tiền từ quỹ thôn, đó là: Gia đình anh Phạm Văn Toàn (vợ là Lê Thị Nhỏ) ở thôn Văn Tự, xã Đức Thắng có 13 thước đất nông nghiệp, tương đương 312m2 nằm xen canh liền kề với đất thôn Sa Long, được thu hồi để chuyển đổi thành đất ở cùng với đất của thôn Sa Long theo Quyết định số: 30/QĐ ngày 30/6/2006 của UBND huyện Hiệp Hòa. Theo giá quy định được đền bù là 13.000.000đ (mười ba triệu đồng). Diện tích đất này được quy hoạch thành 02 lô đất ở là lô số 19 và lô số 20, trong đó anh Toàn được giao lô số 20, trị giá lô đất theo quy định ở xứ đồng “Đồng Đanh” là 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng). Sau khi đối trừ tiền được đền bù là 13.000.000 đồng, thì anh Toàn còn phải nộp vào 17.000.000 đồng. Anh Toàn đã nộp cho thôn Văn Tự, xã Đức Thắng số tiền 7.000.000đ (bảy triệu đồng) và nộp cho UBND xã Đức Thắng số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng). Hiện tại gia đình anh Toàn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đã xây nhà kiên cố, không có yêu cầu gì. Còn lô đất số 19, mang tên Trần Văn Thìn (là con trai Trần Lâm S), theo quyết định giao đất có diện tích là 107m2 (bút lục 449). Quy định số tiền phải nộp ngân sách là 80.000đ/1m2, thành tiền là 8.560.000đ (tám triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng). Lô đất số 20 mang tên Phạm Văn Toàn theo quyết định giao đất có diện tích là 108m2 (bút lục 433), số tiền phải nộp ngân sách là 8.640.000đ (tám triệu sáu trăm bốn mươi nghìn đồng). Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước (kho bạc) cho 2 lô đất là 17.200.000đ (mười bảy triệu hai trăm nghìn đồng). S đã lấy từ quỹ của thôn Sa Long ra 8.560.000đ (Tám triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng) nộp chung cho cả 2 lô đất này, rồi nhận lô số 19 đứng tên Trần Văn Thìn là con trai của S để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Thìn. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 13/5/2011 S làm thủ tục chuyển nhượng cho chị Dương Thị Bài, sinh năm 1975 ở thôn Văn Tự, xã Đức Thắng. S khai bán cho chị Bài được 70.000.000đ (bẩy mươi triệu đồng), nhưng theo biên lai thuế thu nhập cá nhân thể hiện số tiền chuyển nhượng là 55.000.000đ (năm mươi lăm triệu đồng). Hiện chị Dương Thị Bài đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đang quản lý, sử dụng lô đất này. Quá trình điều tra, S khai mua lại lô đất này của gia đình anh Toàn với giá 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng), anh Toàn không thừa nhận, các giấy tờ, tài liệu về quản lý đất đai cũng không thể hiện việc anh Toàn được quyền sử dụng lô đất này và chuyển nhượng cho S. Mặt khác, S cũng không đưa ra được chứng từ xác nhận việc mua bán và trả tiền cho anh Toàn. Như vậy, Trần Lâm S đã có hành vi tham ô số tiền 8.560.000 đồng từ quỹ thôn Sa Long nộp vào ngân sách để được nhận quyền sử dụng lô đất số 19 lấy tên con trai là Trần Văn Thìn, sau đó chuyển nhượng cho người khác.

Trong quá trình điều tra, tổng hợp số tiền chung theo phiếu thu và của một số gia đình có sự chênh lệch (nộp thừa tiền đất theo quy định) là do viết thêm phiếu thu gộp các phiếu thu mà dân đã nộp nhiều lần giao cho người nộp tiền. Nên có sự chồng chéo giữa các phiếu thu dẫn đến sự chênh lệch không chính xác. Số tiền chênh lệch giữa tiền đã thu được của 53 lô đất là 1.425.000.000đ (Một tỷ bốn trăm hai mươi lăm triệu đồng) với số tiền đã được đưa vào sổ quỹ thôn các năm mà hàng năm đã thanh quyết toán là 1.333.700.000đ (một tỷ ba trăm ba mươi ba triệu bẩy trăm nghìn đồng), chênh 91.300.000đ (chín mươi mốt triệu ba trăm nghìn đồng). Đã điều tra làm rõ 39.200.000đ (ba mươi chín triệu hai trăm nghìn đồng) là số tiền S chiếm đoạt, số còn lại 52.100.000đ chưa có căn cứ vững chắc để khẳng định Trần Lâm S và các đối tượng có liên quan tham ô chiếm đoạt tài sản trong việc thu tiền đất được chuyển đổi theo Quyết định số 30/QĐ ngày 30/6/2006 của UBND huyện Hiệp Hòa.

Năm 2010, Thôn Sa Long, xã Đức Thắng được UBND huyện Hiệp Hòa cho chuyển đổi 04 lô đất giáp ranh liền kề cùng thôn Văn Tự. Trần Lâm S đã rút quỹ của thôn Sa Long 31.000.000 đồng (Ba mươi mốt triệu đồng) ra để chi. Theo khai nhận thì S đã sử dụng vào việc quan hệ và chi phí cho việc làm hồ sơ chuyển đổi 04 lô đất này. Cụ thể khi đó ông Phạm Ngọc Ban là Chủ tịch UBND xã Đức Thắng đã điện thoại cho S mang 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng) lên UBND xã Đức Thắng. Khi đi S đã cùng ông Trần Văn Quang, là bí thư chi bộ đi cùng. Tại phòng làm việc của ông Ban, S đã đưa 31 triệu đồng cho anh Nguyễn Văn Giang, là cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hiệp Hòa, lúc đưa tiền chỉ có S và anh Giang. Quá trình điều tra, ông Ban và anh Giang đều không thừa nhận như nội dung S đã khai, cơ quan điều tra đã thực hiện đối chất nhưng không có kết quả; mặt khác S không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đã đưa tiền cho anh Giang. Bên cạnh đó, S còn rút quỹ thôn số tiền 6.700.000đ (sáu triệu bẩy trăm nghìn đồng), S khai đã dùng chi phí giao dịch để được UBND xã hỗ trợ 160 triệu đồng từ nguồn chuyển đổi 04 lô đất cùng với thôn Văn Tự (trong đó có 40 triệu đồng để xây cổng làng và 120 triệu đồng để trả nợ tiền xây dựng chùa). S khai số tiền này chi cho việc quan hệ giao dịch, nhưng không có chứng từ hợp lệ. Hai khoản chi này đã được thể hiện trong mục chi sổ quỹ tiền mặt của thôn năm 2011 (bút lục 418), do đó Trần Lâm S phải chịu trách nhiệm về hành vi chiếm đoạt với số tiền 37.700.000đ (Ba mươi bảy triệu bảy trăm nghìn đồng).

Sau khi có đơn tố cáo của công dân, ngày 20/5/2012 Chủ tịch UBND xã Đức Thắng đã thành lập tổ kiểm tra tài chính, kinh tế của Ban quản lý thôn Sa Long thời điểm từ năm 2006 đến tháng 3/2012, đã ban hành kết luận số 03/KL- UBND ngày 20/9/2012. Do một số công dân tiếp tục khiếu nại, ngày 4/01/2013 Thanh tra huyện Hiệp Hòa đã có công văn số 10/TTr về việc chỉ đạo xử lý đơn tố cáo của công dân. Ngày 17/4/2013 Chủ tịch UBND xã Đức Thắng đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND yêu cầu Trần Lâm S nộp về UBND xã Đức Thắng số tiền 230.908.290 đồng xong trước ngày 17/5/2013. Khi có quyết định của Chủ tịch UBND xã, S đã nộp đủ số tiền trên. Ngày 14/4/2014, Chánh Thanh tra huyện Hiệp Hòa ra Quyết định số 12/QĐ-TTr thu hồi 230.908.290 đồng của UBND xã Đức Thắng chuyển vào tài khoản tạm gửi của Thanh tra huyện Hiệp Hòa tại Kho bạc nhà nước. Ngày 17/7/2015, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa ra thông báo số 187/TB-UBND về việc xử lý số tiền trên do Trần Lâm S đã vi phạm trong công tác quản lý, chi tiêu tài chính của thôn, trong đó trích 70 triệu đồng cho Thanh Tra huyện, số tiền còn lại là 160.908.290 đồng hỗ trợ ngân sách xã Đức Thắng để hoàn trả người dân, quỹ tập thể và chi trả nợ công trình xây dựng chung của thôn La Long. Sau khi có các văn bản chỉ đạo nêu trên, UBND xã Đức Thắng đã trả lại 31.370.000đ (trong đó 06 hộ dân số tiền là 17.600.000đ mua đất từ năm 2003 nộp cho S và 13.770.000 đồng cho thôn Sa Long); trả tiền thuế quỹ cho thôn 8.800.000đ và tiền lễ thượng nguyên 5.382.000đ; trả cho ông Tâm tiền nợ xây dựng chùa số tiền 45.356.000đ; trả cho ông Thùy tiền nợ xây dựng mương máng 70.000.00đ qua tài khoản của Ngân hàng nông nghiệp huyện Hiệp Hòa.

Quá trình điều tra bị can khai nhận:

+ Do thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu và thu các khoản thuế quỹ, làm việc không tuân theo nguyên tắc, không có sổ sách theo dõi các loại thuế quỹ, một số hộ gia đình nộp thuế quỹ không đầy đủ dẫn đến thất thoát số tiền 20.756.000đ. S đã tự nguyện giao nộp theo Quyết định số 40/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND xã Đức Thắng.

+ Thu tiền lễ, tiền công đức của Chùa vào các dịp lễ Thượng Nguyên hàng năm chưa bàn giao 5.382.000đ, S đã tự nguyện giao nộp theo Quyết định số 40/QĐ ngày 17/4/2013 của Chủ tịch UBND xã Đức Thắng.

+ Năm 2006, Thôn Sa Long có đề nghị UBND xã Đức Thắng cho cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn giai đoạn 1 đã được UBND xã chấp thuận đầu tư và phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật. Chỉ định thầu xây dựng công trình cho ông Lê Tuấn Chương (chủ nhiệm HTX xây dựng) ở Mai Hạ, Mai Đình thi công và được phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hiệp Hòa thẩm định xây dựng đường bê tông. Ngày 12/11/2006 đã có biên bản nghiệm thu khối lượng, quyết toán khối lượng theo bảng tổng hợp khối lượng hoàn thành với số tiền là: 106.464.000đ (một trăm linh sáu triệu  bốn trăm sáu mươi tư nghìn). Ngày 30/01/2011, Trần Lâm S duyệt chi trả tiền xây dựng đường bê tông (giai đoạn 1) cho ông Chương là 110.000.000 đồng, số tiền 3.536.000đ thừa ra, S khai chi trả thêm cho ông Chương (vì thôn nợ tiền quá lâu). S đã tự nguyện giao nộp theo Quyết định số 40/QĐ.

+ Năm 2008, thôn Sa Long có xây dựng chùa làng theo nghị quyết của hội người cao tuổi ngày 10/9/2007. Chi bộ, Ban quản lý thôn và Hội người cao tuổi đại diện là ông Trần Trọng Đoan đã ký hợp đồng xây dựng chùa với ông Trần Văn Tâm, khởi công ngày 16/11/2008 với giá trị công trình là 220.000.000đ. Năm 2010, do không có tiền chi trả công trình, cũng trong thời điểm này thôn Sa Long được UBND huyện cho chuyển mục đích dử dụng 04 lô đất cùng thôn Văn Tự được UBND xã hỗ trợ lại cho thôn 160.000.000đ. Để rút được khoản tiền này từ ngân sách nhà nước (Kho bạc), Trần Lâm S đã lập bộ hồ sơ thể hiện hợp đồng với Công ty cổ phần HB do ông Nguyễn Viết Cường làm giám đốc, khảo sát, thiết kế bản vẽ công trình chùa đã xây dựng, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Văn Bằng do ông Tạ Văn Bằng làm giám đốc thẩm tra hồ sơ, khảo sát thiết kế bản vẽ và Công ty TNHH Duy Lộc do ông Nguyễn Văn Phượng làm giám đốc có nhiệm vụ giám sát thi công xây dựng công trình chùa để hợp thức hóa thủ tục rút số tiền 160.000.000đ từ ngân sách chi trả tiền nợ xây dựng chùa 120.000.000đ và xây dựng cổng làng thôn Sa Long 40.000.000đ. Số tiền chi cho việc khảo sát, thiết kế bản vẽ, thẩm tra hết 20.174.000đ trả cho Công ty cổ phần HB. Chi cho việc giám sát xây dựng công trình là 11.838.000đ. Tổng số tiền là 32.000.000đ  đã được thể hiện trong mục chi của sổ quỹ tiền mặt năm 2011. Quá trình điều tra S khai nộp số tiền trên cho anh Vũ Quang Toản và Đỗ Trương Kiên khi đó là cán bộ Thanh tra huyện Hiệp Hòa. Ông Cường khai đã được nhận số tiền 20.174.000đ, còn 11.838.000đ CTy TNHH Duy Lộc ông Phượng không thừa nhận.

Tổ kiểm tra của UBND xã Đức Thắng không chấp nhận chi 11.838.000đ tiền giám sát xây dựng công trình chùa vì chùa đã xây dựng xong và kết luận là chi sai nguyên tắc buộc S phải nộp lại theo quyết định số 40/QĐ, S đã thực hiện. Ngày 10/3/2017, ông Nguyễn Văn Phượng đã tự nguyện giao nộp cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Hiệp Hòa số tiền 11.838.000đ, Viện kiểm sát đã tiếp nhận và nhập kho vật chứng để xem xét giải quyết theo pháp luật.

+ Năm 2008 Ban quản lý thôn Sa Long có hợp đồng với ông Lê Viết Triệu ở thôn Đức Thịnh, xã Đức Thắng đổ đất cạp đường từ đường 296 vào thôn Sa Long và tân nền chùa. Thôn đã cử ông Trần Văn Tốn giám sát. Tổng số tiền phải trả ông Triệu là 283.009.000 đồng (hai trăm tám mươi ba triệu không trăm lẻ chín nghìn) đã trả ông Triệu 158.706.000đ, còn nợ 124.303.000đ. Biên bản làm việc chốt nợ với ông Triệu là 149.025.000đ; đã được bàn giao cho khóa sau. Tổ kiểm tra của UBND xã không chấp nhận khối lượng đã thanh toán và tiền nợ. Sau khi đo đạc thực tế, tính toán toàn bộ khối lượng đất của đường (tính 2/3 là nền đường cũ và 1/3 là khối lượng đất cạp thêm) nên đã buộc Trần Lâm S nộp lại số tiền 100.464.000đ theo Quyết định số 40/QĐ.

+ Chi tiếp khách các năm không có đầy đủ chứng từ. Từ năm 2006 đến năm 2011, số tiền chi tiếp khách có chứng từ là: 6.712.000đ, báo chi không có chứng từ là 5.300.000đ, tổng 12.012.000đ. Toàn bộ số tiền này đã được thể hiện trong mục chi sổ quỹ tiền mặt của thôn năm 2011. Tổ kiểm tra của UBND xã không chấp nhận và yêu cầu S nộp lại theo Quyết định số 40/QĐ.

+ Năm 2008 thôn Sa Long có chủ trương đề nghị chuyển đổi các mảnh đất mặt đường từ đường tỉnh 296 vào thôn Sa Long. Một số người dân có nhu cầu đăng ký mua đất nộp tiền đặt cọc. Theo quy định của Ban quản lý thôn thì mỗi lô đất đặt cọc 20 triệu đồng. Năm 2010 do biết khu vực này nằm trong khu quy hoạch đường vành đai nên UBND huyện không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tại thời điểm thu tiền đặt cọc của dân, Ban quản lý thôn phải nộp ngân sách nhà nước số tiền sử dụng đất của 56 lô đất đã được chuyển mục đích sử dụng đất nên đã lấy số tiền thu của các hộ trên nộp vào kho bạc nhà nước. Khi đặt cọc mua đất không được, các hộ dân đòi tiền cọc và tiền lãi. Chi bộ và Ban quản lý thôn đã thống nhất trả lãi cho các hộ là 1,5% của số tiền đặt cọc. S khai do thời gian thu tiền cọc và trả lại gần như nhau, mỗi người được nhận tiền lãi khoảng trên dưới 05 triệu đồng. Khi viết phiếu thu cho các hộ ghi rõ thời gian và số tiền đặt cọc. Khi trả lại tiền gốc và lãi, S đã thu lại phiếu thu và hủy bỏ. Cơ quan điều tra không thu được phiếu thu. Những người đặt cọc gồm: Ông Tịnh, ông Khẩn, bà Toan, ông Tuyên (Xuyến) mỗi người một lô đất. Vợ chồng ông Thoan (Hiền) 02 lô đất, ông Triệu: 05 lô đất. Trong số những người đặt cọc nêu trên có 04 người mua được đất ở chỗ khác (04 lô chuyển đổi cùng thôn Văn Tự). Tất cả những người đặt cọc mua đất do thời gian quá lâu đều được thôn trả lãi tổng số tiền 55.800.000đ được thể hiện trong sổ quỹ tiền mặt của thôn cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Tổ kiểm tra của UBND xã chấp nhận 02 mã chia riêng cho ông Tuyên (xuyến) và bà Toan mỗi người 5.100.000đ, còn lại 9 người đặt cọc được trả lãi 45.600.000đ không được tổ kiểm tra chấp nhận nên đã buộc S phải  nộp lại theo quyết định số 40/QĐ.

+ Năm 2003, thời kỳ bà Trần Thị Hào làm Trưởng thôn Sa Long đã bán đất trái thẩm quyền cho các hộ gia đình trong thôn. Tổng số tiền bà Hào đã thu theo phiếu  thu  tiền của 09 hộ dân mà Cơ quan điều tra thu thập được là 61.200.000đ.

Về sau S đã thu của 09 hộ được 42.770.000đ, đã đưa vào sổ quỹ tiền mặt của thôn năm 2006 là 8.300.000đ, không đưa vào quỹ thôn 34.470.000đ. Theo kết luận của tổ kiểm tra xác định số tiền 31.370.000đ (chênh lệch 3.100.000đ). S khai nhận đã thu số tiền trên mục đích để đề nghị cấp trên hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, nên không đưa vào quỹ thôn. Sau khi có kết luận và quyết định của Chủ tịch UBND xã Đức Thắng, S đã nộp lại số tiền 31.370.000đ. Khi được UBND huyện có văn bản chỉ đạo, UBND xã Đức Thắng đã trả lại cho bà Trần Thị Hợp, ông Trần Văn Hiên (Lan), ông Trần Văn Trọng, ông Ngô Văn Tài mỗi người số tiền 3.625.000đ, ông Trần Văn Cảnh 2.600.000đ, bà Nguyễn Thị Ngân (Hùng) 500.000đ. Số tiền trả lại cho 6 hộ là 17.600.000đ, còn lại trả cho Ban quản lý thôn Sa Long (ông Bộ nhận 13.770.000đ theo phiếu chi ngày 29/5/2015) Tất cả các hộ gia đình trên đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có đề nghị gì.

+ Trong thời gian làm trưởng thôn, một số thửa đất ở rìa làng sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, đất thùng vũng ở xung quanh làng, mỗi người dân sử dụng một ít dẫn đến tranh chấp hoặc lấn chiếm. Chi bộ thôn Sa Long đã có chủ trương và thông qua hội nghị toàn thể nhân dân trong thôn thống nhất “giao thầu dài hạn” cho một số gia đình trong thôn thu tiền một lần lấy tiền để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi. Ban quản lý thôn Sa Long do Trần Lâm S làm trưởng thôn đã thu của các gia đình: ông Lê Văn Tô 16 triệu đồng, ông Trần Văn Tốn 14 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Dũng 4 triệu đồng, bà Trần Thị Bảo 3 triệu đồng, Trần Thị Mai (con gái ông Mạnh, cháu cụ Đạt) 02 triệu đồng. Tổng số tiền thu được là 39.000.000đ (ba mươi chín triệu đồng) đều đã được nhập quỹ thôn (theo sổ quỹ tiền mặt các năm 2008, 2009, 2010). Hiện nay các thửa đất và thùng vũng nêu trên các hộ gia đình vẫn đang quản lý sử dụng và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

+ Ngoài các nội dung như đã nêu trên, quá trình giải quyết vụ án ông Trần Trọng Thức (được ông Trần Văn Bộ, trưởng thôn (cũ) ủy quyền) phản ánh về việc Trần Lâm S và Ban quản lý thôn còn có hành vi chi tiền Bi thường cho gia đình bà Trần Thị Tường và gia đình ông Trần Văn Bộ sai quy định. Kết quả điều tra xác định: Gia đình bà Trần Thị Tường (Hòa) có thửa ruộng ở khu vực nhà văn hóa thôn, bà Hòa chia cho 2 người con trai. Một thửa 384m2 bà Hòa cho anh Hồng, thửa 352m2 cho anh Khoa đứng tên. Gia đình được đền bù khi thu hồi đất mỗi sào là 15 triệu đồng (tính theo mét vuông là 41.666 đồng/1m2). Ban quản lý thôn đã chi trả tiền đền bù cho anh Hồng (con bà Hòa) là 16 triệu đồng. Bà Hòa là người trực tiếp nhận tiền thay anh Hồng nhưng anh Khoa ký nhận và anh Khoa trực tiếp nhận 14.643.000đ, phiếu chi có chữ ký của Trần Lâm S ở mục thủ trưởng và chữ ký của Trần Văn Quang (bí thư chi bộ) ở mục thủ quỹ. Việc thu hồi 2 thửa đất của gia đình bà Hòa để làm khu trung tâm văn hóa của thôn và chuyển mục đích sử dụng trong 56 lô đất được UBND huyện cho phép chuyển đổi nằm trong diện được đền bù, gia đình đã nhận được tiền theo quy định. Gia đình ông Trần Văn Bộ (vợ là Triệu) có 3 mảnh đất ở gần khu trung tâm văn hóa thôn, một thửa 2 sào, một thửa 1 sào và một thửa 12 thước. Khi thôn thu hồi đất để chuyển mục đích sử dụng 56 lô và làm khu trung tâm văn hóa thôn Sa Long đã đền bù cho gia đình ông Bộ thông qua 2 phiếu thu (phiếu thu ngày 15/7/2006 là 15 triệu đồng, ngày 25/2/2008 là 30 triệu đồng). Thửa đất 12 thước chung với bà Hiền, bà Triệu (vợ ông Bộ) đã nhận 08 triệu đồng, bà Hiền (em ông Bộ) đã nhận 04 triệu đồng. (riêng thửa đất được nhận đền bù theo phiếu thu ngày 15/7/2006 có sự khác nhau về diện tích theo số liệu cũ là 1 sào, số mới 13 thước nhưng gia đình ông Bộ yêu cầu tính theo diện tích cũ). Các thửa đất trên nằm trong số đất bị thu hồi, giải phóng mặt bằng để làm trung tâm văn hóa và nằm trong 56 lô đất được UBND huyện cho chuyển đổi mục đích sử dụng.

Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra, S đã giao nộp lại cho Cơ quan điều tra số tiền 31.000.000 đồng và nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hiệp Hòa 10.000.000đ (mười triệu đồng). Tổng số tiền đã khắc phục hậu quả là 41.000.000đ (Bốn mươi mốt triệu đồng).

Quá trình điều tra, Trần Lâm S đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu ở trên.

Tại bản cáo trạng số: 21/KSĐT ngày 16/3/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hiệp Hòa – tỉnh Bắc Giang đã truy tố Trần Lâm S về tội: "Tham ô tài sản" theo điểm c, d khoản 2 điều 278 BLHS.

Tại phiên tòa hôm nay kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo: Trần Lâm S phạm tội "Tham ô tài sản”.

Áp dụng: Điểm c, d khoản 2, 5 điều 278; điểm b, p, s khoản 1, 2 điều 46; điều 47; điều 33 BLHS.

Xử phạt: Trần Lâm S từ 5 đến 5 năm 6 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam bị cáo để Thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng: khoản 1 điều 42 – BLHS;  khoản 2 điều  76 - BLTTHS.

Buộc bị cáo phải Bi thường cho thôn Sa Long 81.260.000 đồng.

Tạm giữ của Trần Lâm S số tiền 41.000.000 đồng do bị cáo tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.

Trả lại Trần Lâm S số tiền 11.838.000 đồng do Công ty TNHH Duy Lộc nộp, nhưng được giữ lại để đảm bảo cho việc thi hành án.

Truy thu của Trần Lâm S 70.000.000 đồng do bán đất cho bà Dương Thị Bài mà có.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, lời khai bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2011 giữ chức vụ Trưởng thôn Sa Long, Trần Lâm S đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thu tiền của các hộ gia đình nộp tiền sử dụng đất ở, nhưng không đưa vào quỹ của thôn, chiếm đoạt số tiền 35.000.000đ  (ba mươi lăm triệu đồng); Tự ý lấy quỹ thôn 8.560.000đ (Tám triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng) nộp ngân sách nhà nước để được nhận quyền sử dụng 01 lô đất ở; rút quỹ thôn 37.700.000đ (ba mươi bầy triệu đồng) chi tiêu. Tổng số tiền S tham ô là 81.260.000đ (Tám mốt triệu hai trăm sáu mươi nghìn đồng).

Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Trần Lâm S thừa nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng truy tố là không oan.

Tại bản cáo trạng số: 21/KSĐT, ngày 16/3/2017 của VKSND huyện Hiệp Hòa đã truy tố Trần Lâm S về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại điểm c, d khoản 2 điều 278 - BLHS là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhưng theo cáo trạng Viện kiển sát nhân dân Hiệp Hòa truy tố Trần Lâm S tham ô số tiền 76.900.000 đồng, trong đó tiền S rút từ quỹ thôn ra để nhập kho bạc nhà nước để được nhận lô đất mang tên Trần Văn Thìn con trai S là 4.200.000 đồng. Tại phiên tòa qua xét hỏi S thừa nhận để được giao lô đất đứng tên Trần Văn Thìn S không phải bỏ ra đồng nào và toàn bộ số tiền S nộp vào kho bạc Nhà nước là S rút từ quỹ thôn ra. Tại bản luận tôi Viện kiểm sát xác định S rút 8.560.000 đồng từ quỹ thôn nộp vào kho bạc để được giao lô đất số 19; Viện khiểm sát đề nghị truy tố S tham ô số tiền 81.260.000 đồng là có căn cứ.

Hành vi phạm tội của bị cáo là rất táo bạo và nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự coi thường kỷ cương Pháp luật của Nhà nước, đồng thời xâm phạm trật tự công cộng. Hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, mà còn gây dư luận xấu trong nhân dân.

Mặc dù trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ công chức nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, trong đó có tội tham nhũng. Nhưng vì mục đích vụ lợi, bị cáo đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế để tham ô tài sản.

Để giữ nghiêm kỷ cương Pháp luật của Nhà nước, đưa mọi hoạt động xã hội đều tuân thủ theo Pháp luật; giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Pháp luật. Đồng thời phục vụ phòng chống tội phạm đặc biệt là các loại tội phạm về kinh tế, chức vụ. HĐXX thấy cần phải áp dụng hình phạt nghiêm minh với hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, có như vậy mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung.

Xét về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX thấy:

Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

Về tình tiết giảm nhẹ: Sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện Bi thường thiệt hại khắc phục hậu quả; trong thời gian phục vụ quân đội bị cáo còn được tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng ba, Huy chương kháng chiến hạng nhì. Do vậy, bị cáo được hưởng ba tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p, s khoản 1 điều 46 - BLHS. Ngoài ra bị cáo trong thời gian công tác tại địa phương được tặng thưởng hai giấy khen của UBND xã Đức Thắng và gia đình được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì, nên bị cáo còn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự.

Xét về nhân thân của bị cáo HĐXX thấy: Bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội và bị đưa ra xét xử. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã tự nguyện Bi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, đại diện cho nguyên đơn dân sự là trưởng thô Sa Long đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì trong thời gian công tác bị cáo đã có nhiều công sức đóng góp cho địa phương. Khi nói lời sau cùng bị cáo đã cảm ơn nhân dân thôn Sa Long đã ủng hộ bị cáo trong thời gian làm trưởng thôn, bị cáo đã xin lỗi nhân dân thôn Sa Long về việc làm sai của mình và đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do vậy; HĐXX thấy cần áp dụng điều 47 Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Ngoài hình phạt chính HĐXX thấy cần cấm Trần Lâm S đảm nhiệm chức vụ nhất định trong thời hạn 3 năm theo quy định tại khoản 5 điều 278 Bộ luật hình sự. Do bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và là người cao tuổi nên không áp dụng hình phạt tiền và tịch thu tài sản đối với bị cáo.

Tại phiên tòa hôm nay đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX truy thu số tiền thu lời bất chính 70.000.000 đồng từ việc bị cáo bán đất cho bà Bài mà có; HĐXX thấy, người đăng ký mua lô đất số 19 là anh Thìn con trai bị cáo. Bị cáo chỉ nộp tiền mua đất hộ anh Thìn, việc bị cáo lấy tiền từ quỹ thôn Sa Long ra nộp anh Thìn không biết và bị cáo cũng không bàn bạc với anh Thìn việc này. Tại phiên tòa cả anh Thìn và bị cáo đều thừa nhận khi chuyển giao lô đất cho bà Bài anh Thìn là người làm thủ tục chuyển nhượng. Do vậy; HĐXX không truy thu số tiền 70.000.000 đồng do bán đất cho bà Bài mà có.

Đối với các hành vi: Do thiếu trách nhiệm trong việc thu các loại thuế quỹ từ năm 2006 đến năm 2011; chưa bàn giao tiền chùa thu được các năm qua lễ thượng nguyên; chi trả thêm tiền bê tông giai đoạn 1 cho ông Lê Tuấn Chương; chi tiền giám sát xây dựng chùa; chi tiếp khách các năm không đầy đủ chứng từ hợp lệ; chi tiền trả lãi cho các hộ đặt cọc mua đất. Các hành vi này không có dấu hiệu tội phạm, bản thân S đã tự nguyện nộp lại tiền sau khi có quyết định thu hồi của Chủ tịch UBND xã Đức Thắng. Do vậy, không xử lý Trần Lâm S về các hành vi này.

Đối với hành vi “giao thầu dài hạn” một số diện tích đất ven làng, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, đất thùng vũng cho 05 hộ gia đình trong thôn thu tiền đưa vào quỹ tập thể; thu tiền của các hộ dân mua đất trái thẩm quyền từ năm 2003 thời kỳ Trần Thị Hào làm trưởng thôn; tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Xét thấy, Trần Lâm S không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, tài sản đã được thu hồi trả lại cho các cá nhân và tập thể, nên không cần thiết phải xử lý đối với các hành vi trên.

Riêng số tiền 100.464.000 đồng mà tổ kiểm tra của UBND xã Đức Thắng đã kết luận: Việc đo đạc, tính toán thực tế và xác định 1/3 tổng khối lượng các đoạn đường là đất đổ đường mới cạp thêm, còn 2/3 là nền đường cũ. Không đủ căn cứ chính xác để kết luận; Số tiền quỹ còn tồn không được bàn giao; đền bù đất không đúng khi thu hồi giải phóng mặt bằng của gia đình bà Tường (Hòa) và gia đình ông Bộ. Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra nhưng không có cơ sở để xem xét xử lý.

Đối với ông Phạm Ngọc Ban và anh Nguyễn Văn Giang không xác định được ông Ban có điện cho S mang tiền để đưa cho anh Giang và chưa có căn cứ chứng minh anh Giang được nhận tiền từ Trần Lâm S nên chưa có căn cứ để xử lý.

Đối với anh Vũ Quang Toản và anh Đỗ Trương Kiên là người giới thiệu cho Trần Lâm S ký các hợp đồng với các công ty có liên quan đến việc làm hồ sơ xây dựng chùa thôn Sa Long để rút tiền hỗ trợ (tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất) không có dấu hiệu tội phạm nên không xem xét xử lý.

Đối với Trần Thị Hào có hành vi bán đất cho các hộ dân trái thẩm quyền từ năm 2003. Hành vi có dấu hiệu của tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” các hộ dân mua đất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Đến nay đã 14 năm, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên không xem xét xử lý.

Đối với các ông, bà Trần Trọng Điều, Trần Văn Long, Nguyễn Thị Ngân, quá trình điều tra chứng minh không liên quan đến hành vi phạm tội của Trần Lâm S nên không xử lý.

Đối với anh Nguyễn Văn Công, bà Nguyễn Thị Viễn, bà Trịnh Thị B, anh Trần Văn Thìn, chị Dương Thị Bài chỉ là những người có liên quan đến việc đăng ký và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên không có căn cứ xử lý.

Về trách nhiệm dân sự:

Đối với số tiền 81.260.000 đồng Trần Lâm S tham ô mà có trả lại thôn Sa Long.

Quá trình điều tra, S đã giao nộp lại cho Cơ quan điều tra số tiền 31.000.000 đồng và nộp tại Chi  cục Thi hành  án dân sự huyện  Hiệp Hòa 10.000.000đ (mười triệu đồng). Tổng số tiền đã khắc phục hậu quả là 41.000.000đ (Bốn mươi mốt triệu đồng) tạm giữ để đảm bảo cho việc thi hành án.

Đối với số tiền 11.838.000 đồng S chi phí giám sát cho Công ty TNHH Duy Lộc sau khi công trình chùa Sa Long đã xây dựng xong, khi đoàn kiển tra của UBND xã Đức Thắng kiểm tra S đã tự nguyện nộp lại cho đoàn kiểm tra để khắc phục hậu quả. Ngày 10/3/2017 Công ty TNHH Duy Lộc do ông Nguyễn Văn Phượng giám đốc đại diện đã nộp lại số tiền này cho cơ quan pháp luật. Nay số tiền này trả cho bị cáo, nhưng được giữ lại để đảm bảo cho việc thi hành án.

Về án phí: Do bị cáo là người cao tuổi, căn cứ điểm đ khoản 1 điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban thường vụ Quốc Hội. Miễn án phí cho bị cáo.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo: Trần Lâm S – phạm tội “Tham ô tài sản”

Áp dụng: Điểm c, d khoản 2, 5 điều 278; điểm b, p, s khoản 1, 2 điều 46; điều 47; điều 36; điều 33 BLHS.

Xử phạt: Trần Lâm S 4 năm 6 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam bị cáo để thi hành án.

Cấm bị cáo Trần Lâm S đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn nhất định trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng: Khoản 1 điều 42 – BLHS; khoản 2, 3 điều 76 - BLTTHS.

Buộc bị cáo phải Bi thường cho thôn Sa Long, xã Đức Thắng 81.260.000 đồn

Tạm giữ số tiền 41.000.000 đồng bị cáo tự nguyện nộp khắc phục hậu qu để đảm bảo cho việc thi hành án.

Trả lại Trần Lâm S 11.838.000 đồng do Công ty TNHH Duy Lộc nộp ngày 10/3/2017, nhưng giữ lại để đảm bảo cho việc thi hành án.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được THA dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận THA, quyền yêu cầu THA, tự nguyện THA hoặc bị cưỡng chế THA theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 luật THADS; thời hiệu THA được thực hiện theo quy định tại điều 30 luật THADS.

Áp dụng theo Điều 231; điều 234  – Bộ luật tố tụng hình sự và căn cứ điểm đ khoản 1 điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Về án phí: Miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo.

Bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được án xử vắng mặt hoặc niêm yết bản án tại UBND xã nơi cư trú.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

847
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 26/2017/HSST ngày 25/05/2017 về tội tham ô tài sản

Số hiệu:26/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/05/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về