TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN PHƯỚC - TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 23/2022/HS-ST NGÀY 28/07/2022 VỀ TỘI TÀNG TRỮ, SỬ DỤNG, MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT NỔ
Ngày 28 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam tiến hành mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 26/2022/TLST-HS ngày 17 tháng 6 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 23/2022/QĐXXST-HS ngày 13-7-2022 đối với bị cáo:
Hồ Văn T, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1967; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn K, xã T, huyện P, tỉnh Quảng Nam; Trình độ học vấn:
9/12; Nghề nghiệp: Nông; con ông Hồ Văn Q (chết) và bà Nguyễn Thị T (chết);
Vợ Trần Thị Kim H, sinh năm 1968, có 03 con, lớn nhất sinh năm 1987, nhỏ nhất sinh năm 1993.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 14/5/1996 đến ngày 23/5/1996.
Ngày 26/5/1996 được áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Ngày 05/11/1996, bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng ra Quyết định truy nã.
Hiện bị cáo đang bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho bị cáo Hồ Văn T có Luật sư Phạm Xuân Linh, Văn phòng Luật sư Thanh An thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Lê Xuân T, sinh năm 1963. Có mặt.
Trú tại: Thôn Đ, xã T, huyện P, tỉnh Quảng Nam.
2/ Nguyễn Đăng N , sinh năm 1955. Có mặt.
Trú tại: Thôn C, xã T, huyện P, tỉnh Quảng Nam.
3/ Phan Quang N, sinh năm 1960. Có mặt.
Trú tại: Thôn 4, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam.
4/ Hồ Văn C, sinh năm 1973. Có mặt.
Trú tại: Thôn 2, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam.
5/ Nguyễn Tấn X, sinh năm 1968. Có mặt.
Trú tại: Thôn K, xã T, huyện P, tỉnh Quảng Nam.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 10/4/1996, bị cáo Hồ Văn T cùng với Hồ Văn C, Nguyễn Tấn X, Phan Quang N và Nguyễn Đăng N cùng lên bãi vườn Dẻo, thuộc Thôn 6, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam để khai thác vàng. Khi tìm được quặng thì những người trên tiến hành khai thác đá, xay ra để lọc lấy vàng, lúc đầu sử dụng công cụ như xì rô, xà beng để đục đá khai thác. Sau một thời gian, do đá cứng không thể sử dụng các công cụ như trên để đục đá được nên bị cáo T nảy sinh ý định sử dụng vật liệu nổ để đánh mìn phá đá.
Do bị cáo T có quen biết với Lê Xuân T nên trong thời gian đó T gặp T để trao đổi nhờ T mua vật liệu nổ để sử dụng nổ mìn phá đá trên bãi vườn Dẻo. Qua trao đổi, T đồng ý mua vật liệu nổ cho T số lượng 09 ký thuốc nổ, 150 kíp nổ, 12 mét dây cháy chậm và nhờ người phụ nữ có tên là T (không rõ nhân thân, lai lịch) trú tại xã T, huyện P mang lên bãi cho T thì T thống nhất.
Vào ngày 20/4/1996, Lê Xuân T mua vật liệu nổ với số lượng như trên rồi nhờ bà T mang lên bãi cho T. T mang số vật liệu nổ trên cất giấu tại lán trại của T trên bãi vườn Dẻo để sử dụng.
T là người trực tiếp chế tạo và sử dụng vật liệu nổ. Mỗi ngày T sử dụng vật liệu nổ để đánh mìn phá đá từ 01 đến 02 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Bị cáo T dùng búa giã nhỏ thuốc nổ ra thành bột, lấy bao ni lông quấn bột thuốc nổ lại rồi dùng dây su buộc chặt hai đầu, lấy kíp nổ đặt vào khối thuốc nổ trên và gắn dây cháy chậm vào kíp nổ. Khi phá đá thì dùng xì rô hoặc máy khoan đá tạo thành lỗ rồi đặt quả nổ đã chế tạo vào trong, sau đó bị cáo T châm lửa vào dây cháy chậm để gây nổ làm cho đá vỡ ra thành nhiều mãnh nhỏ phục vụ việc khai thác vàng. Tại bãi vàng này, T là người quản lý bãi và là người trực tiếp mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.
Hồ Văn C, Nguyễn Tấn X, Phan Quang N, Nguyễn Đăng N thừa nhận trong thời gian khoảng tháng 4 năm 1996 có cùng tham gia khai thác vàng với Hồ Văn T tại vườn Dẽo thuộc thôn 6, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam. Nhiệm vụ của C, X, N và N là tham gia khoan đục đá tạo lỗ khoan để T đặt quả nổ vào phá đá. Vào ngày 14/5/1996, Công an huyện Tiên Phước tiến hành truy quét số người làm vàng tại xã T, huyện P. Qua truy quét thì bắt quả tang Hồ Văn T tàng trữ 103 kíp nổ, 07 ký thuốc nổ, 07 mét dây cháy chậm.
Tại Bản kết luận giám định vật liệu nổ số 08 ngày 08 tháng 6 năm 1996 của Phòng Kỹ thuật Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, kết luận:
- Các vật liệu nổ trên qua thí nghiệm bằng các phương pháp xác định còn sử dụng được nhưng khi sử dụng phải qua sàng lọc và tái chế.
- Phạm vi và đối tượng sử dụng: Các loại vật liệu nổ trên là loại vật chất đặc biệt do Nhà nước quản lý nên chỉ có các cơ quan, xí nghiệp được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ mới được sử dụng cho các việc đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Tại Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 780/KLGĐ ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Miền trung kết luận:
- Trước thời điểm gây án: Đủ khả năng nhận thức và đủ khả năng điều khiển hành vi.
- Tại thời điểm gây án: Đủ khả năng nhận thức và đủ khả năng điều khiển hành vi.
- Thời điểm hiện tại: Bị cáo Hồ Văn T bị động kinh hỗn hợp (cơn lớn và cơn tâm thần- vận động (G40), hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.
Với các tình tiết nêu trên, tại Bản cáo trạng số 13/CT-VKSQN-P1 ngày 17 tháng 01 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam đã truy tố bị cáo Hồ Văn T về tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ” theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985.
Tại phiên tòa, sau khi phân tích các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra cũng như diễn biến tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm như bản cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo; đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Hồ Văn T phạm tội“Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ” theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985.
Trên cơ sở phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội của bị cáo cũng như xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985; điểm q, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xử phạt bị cáo Hồ Văn T mức án từ 12 đến 15 tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng. Giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Về xử lý vật chứng và các vấn đề liên quan trong vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử xử lý theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Hồ Văn T thừa nhận hành vi phạm tội như Bản Cáo trạng đã truy tố, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt trong quá trình lượng hình.
Người bào chữa cho bị cáo Luật sư Phạm Xuân Linh trình bày luận cứ bào chữa: Người bào chữa thống nhất với tội danh, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Phước đề xuất, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cân nhắc một mức hình phạt cho phù hợp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, hành vi, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đều hợp pháp.
Hành vi của bị cáo Hồ Văn T được thực hiện khi Bộ luật Hình sự năm 1985 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1985 đang có hiệu lực pháp luật, đồng thời căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 hướng dẫn thi hành các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 quy định “Hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới......và các quy định khác có lợi cho người phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử”. So sánh khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985 với khoản 1 Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì thấy mức hình phạt áp dụng của 02 Bộ luật Hình sự đều từ 01 đến 05 năm tù, do đó việc truy tố của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam đối với hành vi của bị cáo Hồ Văn T theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định có lợi cho bị cáo được áp dụng theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là phù hợp với quy định của pháp luật.
[2] Về nội dung:
[2.1] Tại phiên tòa, bị cáo Hồ Văn T khai nhận: Với mục đích phục vụ cho việc khai thác vàng tại vườn Dẻo thuộc thôn 6, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Nam nên vào năm 1996 bị cáo đã nhờ Lê Xuân T mua 09 ký thuốc nổ, 150 kíp nổ, 12 mét dây cháy chậm và nhờ một người tên T mang lên bãi vàng cho bị cáo T. Sau khi tiếp nhận số vật liệu nổ trên thì bị cáo đã sử dụng hết 02 ký thuốc nổ, 47 kíp nổ, 05 mét dây cháy chậm; ngày 14/5/1996, Công an huyện Tiên Phước tiến hành truy quét và bắt quả tang bị cáo đang tàng trữ 103 kíp nổ, 07 ký huốc nổ và 07 mét dây cháy chậm.
Lời khai nhận của bị cáo đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án đã được thu thập hợp pháp thấy phù hợp.
Tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07 tháng 01 năm 1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985 như sau:
“Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ với số lượng sau đây thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự” a) Thuốc nổ các loại từ 1 kg đến 15kg.
d) Dây cháy chậm, dây nổ: Từ 500m đến 3000m.
đ) Kíp mìn, nụ xùy: Từ 200 cái đến 1000 cái.
Đối chiếu với số lượng thuốc nổ, dây cháy chậm, kíp nổ mà bị cáo Hồ Văn T mua, sử dụng và tàng trữ khi bắt quả tang thì thấy số lượng thuốc nổ bị cáo Hồ Văn T mua, sử dụng và tàng trữ khi bắt quả tang mới đủ định lượng cấu thành tội phạm.
Do đó, Hội đồng xét xử thấy có đủ cơ sở kết luận bị cáo Hồ Văn T đã phạm tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ” quy định tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985 là có cơ sở.
[2.2] Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về các vật liệu nổ mà còn gây mất trật tự an toàn công cộng vào thời điểm năm 1996 nên cần phải xử phạt bị cáo mức án thật nghiêm để giáo dục riêng và phòng ngừa chung cho xã hội.
Hiện tại bị cáo là người hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi, tuy nhiên trước và trong quá trình thực hiện tội phạm bị cáo Hồ Văn T đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nên là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ tác hại của việc mua bán, tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ nhưng với mục đích để khai thác vàng một cách thuận lợi, bị cáo đã bất chấp các quy định của pháp luật nên đã phạm tội.
[2.3] Xét, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo thì thấy: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Qúa trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Hồ Văn T thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bị cáo là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, mặc dù bị cáo đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam –Đà Nẵng (cũ) truy nã nhưng bị cáo đã tự nguyện ra đầu thú đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm q, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng. Căn cứ Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo thì thấy có đủ điều kiện để áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, không nhất thiết phải bắt bị cáo Hồ Văn T phải chấp hành hình phạt tù giam, giao bị cáo về chính quyền địa phương để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách cũng không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thể hiện được chính sách khoan hồng của pháp luật hình sự nước ta.
[2.4] Về xử lý vật chứng vụ án: Trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan An Ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đã chuyển toàn bộ số vật chứng trên (gồm 103 kíp nổ, 07 ký thuốc nổ, 07 mét dây cháy chậm) đến Phòng Kỹ thuật – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam –Đà Nẵng giám định theo Quyết định Trưng cầu giám định số 14 ngày 25/5/1996. Phòng Kỹ thuật – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam –Đà Nẵng tiến hành giám định bằng phương pháp gây nổ hoàn toàn nên đã được thử nổ, tiêu hủy hết, không còn lưu giữ, do đó Hội đồng xét xử không đề cập xử lý.
[2.5] Những vấn đề liên quan trong vụ án:
- Đối với Lê Xuân T, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Hồ Văn T khai có nhờ Lê Xuân T mua vật liệu nổ tuy nhiên Lê Xuân T không thừa nhận, ngoài lời khai của bị cáo Hồ Văn T ra thì không còn chứng cứ nào khác chứng minh nên không đủ cơ sở để xử lý đối với Lê Xuân T.
- Đối với người phụ nữ tên Tình, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Hồ Văn T cho rằng nhờ Lê Xuân T mua giúp vật liệu nổ sau đó gửi cho Tình không rõ nhân thân, lai lịch trú tại xã T, huyện P mang lên vườn Dẽo, thôn 6, xã T, huyện T, tuy nhiên cơ quan điều tra không xác minh được đối tượng T này nên không có cơ sở để xử lý.
- Đối với các đối tượng Hồ Văn C, Nguyễn Tấn X, Phan Quang N, Nguyễn Đăng N, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các đối tượng này khai nhận chỉ tham gia khoan đục đá tạo lỗ khoan để bị cáo T bỏ quả nổ vào, còn bị cáo T là người quản lý trông coi bãi vàng và là người trực tiếp mua, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ trái phép nên ngày 25/5/1996, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã có văn bản số 88/KSĐT-AN xét không cần thiết phải xử lý hình sự mà chuyển cho chính quyền địa phương xử lý biện pháp hành chính đối với những đối tượng trên nên Hội đồng xét xử không xem xét là phù hợp.
[2.6]: Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Hồ Văn T phạm tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ”.
Căn cứ khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985, điểm q, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xử phạt: Bị cáo Hồ Văn T 15 (mười lăm) tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 30 (Ba mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 28/7/2022).
Giao bị cáo Hồ Văn T cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện P, tỉnh Quảng Nam giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật Thi hành án hình sự.
2. Về án phí: Căn cứ Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Hồ Văn T phải chịu 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.
3. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, những người tham gia tố tụng khác có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7, 9 luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được quy định theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ số 23/2022/HS-ST
Số hiệu: | 23/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tiên Phước - Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/07/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về