Bản án về tội cố ý gây thương tích số 25/2019/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 25/2019/HS-PT NGÀY 21/06/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 21 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 24/2019/TLPT-HS ngày 06 tháng 3 năm 2019 đối với bị cáo Đặng Quang A do có kháng cáo của bị hại là ông Lê Văn V đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2018/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

- Bị cáo bị kháng cáo:

Đặng Quang A, sinh ngày 28 tháng 7 năm 1977 tại tỉnh Nghệ An.

Nơi cư trú: xóm 14, xã N, thành phố V, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Đức C và bà Phan Thị T; có vợ: Nguyễn Thị Thanh H và có 02 con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2013; tiền án, tiền sự: Không. Ngày 28/10/2013, bị xử phạt hành chính về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”; bị bắt tạm giam từ ngày 06/6/2014 đến ngày 08/8/2014 thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Bị hại: Ông Lê Văn V, sinh ngày: 20/10/1974 tại tỉnh Thanh Hóa. Trú tại: Thôn R, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai. Có mặt.

Người làm chứng: Ông Lê Thanh H, sinh năm: 1987 tại tỉnh Hưng Yên. Trú tại: Thôn G, xã L, huyện T, tỉnh Hưng Yên. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đặng Quang A, Lê Văn V và Lê Thanh H cùng làm công nhân tại xí nghiệp S 10.2 thuộc công ty S xây dựng công trình thủy điện ĐắkRinh, huyện Sơn T, tỉnh Quảng Ngãi. Đặng Quang A, Lê Văn V có mâu thuẫn với nhau. Do bực tức vì bị Lê Văn V đánh và bị kiểm điểm trước toàn thể xí nghiệp, sáng ngày 04/11/2013 khi biết V chuẩn bị về quê nên Đặng Quang A nảy sinh ý định chặn đánh V để trả thù. Để thực hiện ý định, A nói với Lê Thanh H: “Mày đi cùng với anh xuống dưới S một tí, có gì mày giúp anh”. Nghe A nói, dù không biết đi làm gì nhưng H vẫn đồng ý.

Khoảng 07 giờ 30 phút, ngày 04/11/2013, A lấy dao phay (loại dao dùng chọc tiết lợn) dài 42cm kẹp ở ba ga xe máy của A mang biển kiểm soát: 37Z4- 28xx chở H theo đường tỉnh lộ 623 từ huyện Sơn T xuống huyện S. Trên đường đi, A nói với H:“Anh đi xuống S là để chặn đánh thằng V, có gì mày giúp anh với”. H không nói gì và cũng không phản đối, ngăn cản A. Khi đến xã ST, huyện Sơn T thì A đưa xe cho H điều khiển chở A tiếp tục xuống huyện S. A và H đi đến đoạn đường vắng thuộc thôn Làng V, xã Sơn Th, huyện S, A bảo H dừng xe bên phải đường, A xuống xe lấy dao mang theo đi lên đồi keo chặt 01 đoạn cây keo (dài 1,28m, đường kính 04cm) đưa cho H và bảo H đi ngược lên phía trên đường để chặn đánh V. Nghe A nói vậy thì H cầm đoạn cây keo đi ngược lên đường đi huyện Sơn T khoảng 20m thì bỏ đoạn cây keo bên lề đường rồi H tiếp tục đi bộ ngược lên khoảng 30m nữa thì dừng lại, còn A cầm dao đứng tại vị trí dừng xe máy để chặn đánh V.

Khoảng 09 giờ cùng ngày, A phát hiện Lê Văn V điều khiển xe máy mang biển kiểm soát: 81F5- 68XX từ huyện Sơn T xuống đến gần chỗ A đứng thì A nói to để cho H nghe: “Nó đây rồi”. H nghe A nói nhưng không ra chặn đánh V mà quay mặt vào lề đường để V đi qua. Khi V điều khiển xe đi đến thì A cầm dao bước ra đường và hô to: “Thằng V mày đứng lại tao bảo” nhưng V không dừng mà điều khiển xe né qua bên trái theo chiều đi của V. Lúc này, A cầm dao ở bên tay phải phóng về phía V làm con dao xuyên thủng mũ bảo hiểm và găm vào đầu V. Sau khi phóng dao găm vào mũ bảo hiểm của V, A chạy về hướng V, khi cách V khoảng 05 đến 06 mét thì thấy V đang rút dao ra khỏi mũ bảo hiểm nên A chạy quay lại bảo H ném cho A đoạn cây keo dài 1,28m rồi chạy xuống về hướng V để đánh V.

Đối với V, sau khi bị A dùng dao phóng găm vào mũ bảo hiểm thì tiếp tục điều khiển xe đi xuống một đoạn khoảng từ 20-30m và bỏ chạy về hướng huyện S. Khi bỏ chạy được khoảng 10-12m thì V phát hiện dao găm vào mũ bảo hiểm đội trên đầu. V tháo mũ bảo hiểm để xuống đất dùng chân đạp và tay rút dao ra khỏi mũ bảo hiểm. Khi A cầm cây keo chạy xuống đến cách chỗ V khoảng 03m thì thấy V đang khom người rút dao ra khỏi mũ bảo hiểm, A vung cây lên cao đánh xuống vào người V, vừa khi đó V rút được dao ra, xoay người bước một đến hai bước chân rồi dùng dao chém trúng vào cẳng tay trái làm gãy tay và làm đoạn cây keo văng ra khỏi tay của A. Do tay trái bị gãy và chảy nhiều máu nên A dùng tay phải nắm giữ tay trái rồi quỳ xuống đường nói với V:"V mày tha cho tao, tao gãy tay rồi" nhưng V không dừng lại mà tiếp tục dùng dao chém hai nhát liên tiếp, một nhát trúng gò má bên phải, một nhát vào môi trên bên phải làm A bị gãy xương gò má bên phải và gãy răng 1.3, vừa chém V vừa nói: “Tao giết mày luôn”. Thấy V không dừng lại, A gọi H: “Mày không xuống giúp anh à?”. Nghe A nói thì V nói với H: “Mày xuống đây tao chém mày luôn”. Nghe V nói vậy thì H nói với A: “Em không dám đâu” rồi bỏ chạy ngược lên vào nhà dân. Lúc này, A tiếp tục nói với V: “Tao bị gãy hết răng rồi, tao xin mày, mày tha cho tao”. Nghe A xin nhưng V không dừng mà tiếp tục cầm dao ở tay phải chém vào cẳng tay phải, bả vai phải rồi đâm vào ngực phải gây thương tích cho A. A vùng dậy bỏ chạy ngược lên hướng đi huyện Sơn T thì V tiếp tục cầm dao đuổi theo. Cùng lúc này, có xe U oát của anh Nguyễn Văn N điều khiển từ huyện S đi hướng lên huyện Sơn T thì A chạy quay xuống nhờ chở đi cấp cứu. Anh N bước xuống can ngăn và lấy dao trên tay V và báo cơ quan chức năng. Lúc này, H và một số người dân chạy đến đưa Đặng Quang A, Lê Văn V đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện S.

Nhận được tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện S phối hợp cùng Công an xã Sơn Th tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ một số vật chứng liên quan đến vụ án, cụ thể gồm: 01 mũ bảo hiểm màu nâu; 01 con dao dài 42cm, cán gỗ, lưỡi sắt dài 27cm bị gãy mũi; 01 cây gỗ dài 1,28m đường kính 04cm.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra tiếp tục thu giữ 01 mũi dao nhọn hình tam giác có kích thước (1,3x 0,6)cm; 01 xe máy nhãn hiệu Wave S, biển kiểm soát 37Z4-2886, màu sơn đỏ của Đặng Quang A.

Đối với thương tích của Đặng Quang A, sau khi được đưa xuống Trung tâm Y tế huyện S sơ cứu tiếp tục chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi điều trị đến ngày 11/11/2013 xuất viện về điều trị ngoại trú tại Bệnh viện 115, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về tỷ lệ thương tích số: 43/2014/GĐPY ngày 12/3/2014 của Phòng Giám định pháp y - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi kết luận tổn thương trên người Đặng Quang A là: 02 sẹo vùng má phải dài 02cm và 05cm; 01 sẹo môi trên phải dài 02cm; 06 sẹo phần mềm vùng cẳng tay phải, cánh tay phải, cẳng tay trái, ngực phải kích thước vừa; gãy răng 1.3; gãy thân xương trụ tay trái đã kết hợp xương; gãy xương gò má phải. Tỷ lệ thương tích của Đặng Quang A là 34%.

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TTLB, ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động thương binh và Xã hội xác định tỷ lệ thương tích của Đặng Quang A là 34%, trong đó gãy thân xương trụ tay trái là 10%, gãy xương gò má phải là 10%, gãy răng 1.3 là 02%, 03 sẹo mặt ảnh hưởng thẩm mỹ 12%, riêng 06 sẹo phần mềm vùng cẳng tay phải, cánh tay phải, cẳng tay trái, ngực phải kích thước vừa không có trong Danh mục xếp tỷ lệ.

Đối với thương tích của Lê Văn V, sau khi chuyển xuống Trung tâm Y tế huyện S điều trị đến chiều ngày 06/11/2013 được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi điều trị nhưng đến khoảng 22 giờ cùng ngày thì V trốn khỏi Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Ngày 07/11/2013, V nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị phẫu thuật lấy mũi dao dính trong đầu, đến ngày 12/11/2013 thì xuất viện.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số: 273/2013/GĐPY ngày 11/12/2013, Công văn số 05/2015/CV-PY ngày 21/01/2015 của Phòng Giám định pháp y - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi kết luận tổn thương còn thấy trên cơ thể thương tích Lê Văn V là: Đau đầu, đau lưng; 01 sẹo đỉnh đầu (P) dài 4,5cm; trượt đốt sống L4 ra trước độ I là do ngoại lực tác động; hủy eo cung sống L4 do bệnh lý.

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TTLB, ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động thương binh và Xã hội xác định tỷ lệ thương tích của Lê Văn V là 30%, trong đó vết thương đỉnh đầu là 05%, trượt đốt sống L4 ra trước độ I là 25%.

Trong quá trình điều tra, Lê Văn V cho rằng tỷ lệ 30% thương tích là không đúng với thực tế bệnh trạng của V, không đồng tình với kết quả này, V đã nhiều lần khiếu nại và gửi đơn xin được giám định lại. Trong thời gian này, Lê Văn V đã chủ động làm hồ sơ Bệnh án số: 140023070 tại Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. Ngày 04/8/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện S ra Quyết định trưng cầu giám định lại tỷ lệ thương tích cho Lê Văn V, lúc này V đã nộp cho Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an hồ sơ bệnh án đã làm. Ngày 08/9/2014, Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an có Kết luận giám định số: 441/C54 kết luận tỷ lệ thương tích của Lê Văn V là 32% (tăng 02%). Sau khi phát hiện hồ sơ bệnh án của V nộp là giả nên Cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát ra Quyết định hủy bỏ Quyết định trưng cầu giám định lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S và ngày 03/3/2015, Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an có văn bản số: 26/CV-C54 rút Kết luận giám định số: 441/C54 ngày 08/9/2014.

Ngày 20/4/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S có Công văn gửi Hội đồng khoa học y khoa - Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi về việc xin xác định, làm rõ các thương tích của Lê Văn V. Ngày 13/5/2016 Sở y tế có Công văn phúc đáp số 982/SYT-NVY. Hủy eo cung sống là do bệnh lý, rất khó xác định thời điểm hình thành bệnh lý này. Tiến triển của bệnh hủy eo cung sống theo thời gian sẽ dẫn đến trượt đốt sống, nếu có ngoại lực tác động thì tình trạng trượt đốt sống có thể xảy ra nhanh hơn. Vậy xác định Lê Văn V có bệnh lý hủy eo cung sống nên việc xác định thời điểm trượt đốt sống L4 ra trước độ I là khó xác định. Nếu trượt đốt sống L4 ra trước độ I ở vị trí hủy eo cung sống thì người bệnh vẫn đi lại được. Tại hồ sơ, tài liệu mà V cung cấp cũng không thể hiện V đã chữa trị hủy eo cung sống. Vậy có thể xác định V bị hủy eo cung sống do bệnh lý, trượt đốt sống L4 ra trước độ I là do ngoại lực tác động nên không có cơ sở chấp nhận 25% là do A gây ra cho V, chỉ chấp nhận A gây thương tích cho V ở phần đỉnh đầu với tỷ lệ thương tích 5%.

Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2018/HS-ST ngày 28/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện S quyết định:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các điều 17, 58, 36; khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.

Tuyên bố bị cáo: Đặng Quang A phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt: Bị cáo Đặng Quang A 24 tháng cải tạo không giam giữ; trừ thời gian bị cáo bị tạm giam từ ngày 06/6/2014 đến ngày 08/8/2014 là 02 tháng 03 ngày và được trừ vào thời gian cải tạo không giam giữ là 06 tháng 09 ngày; bị cáo còn phải chấp hành 17 tháng 21 ngày cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo cho UBND xã N, thành phố V, tỉnh Nghệ An nơi bị cáo thường trú giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được bản sao bản án và quyết định thi hành án.

Căn cứ vào Điều 48 Bộ luật hình sự và các Điều 584, 585, 586, 590 và đoạn 2 Điều 594 Bộ luật dân sự năm 2015, buộc Đặng Quang A phải bồi thường cho Lê Văn V số tiền 25.799.099 đồng (Hai mươi lăm triệu bảy trăm chín mươi chín nghìn không trăm chín mươi chín đồng) và cho bà Vi Thị Q số tiền 2.000.000đồng (Hai triệu đồng).

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 11/01/2019, bị hại ông Lê Văn V có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lê Văn V giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau: Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2018/HS-ST ngày 28/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện S xét xử bị cáo Đặng Quang A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 là có căn cứ.

Bị hại ông Lê Văn V kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng không có căn cứ nào mới để chứng minh cho kháng cáo của mình. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa, người làm chứng Lê Thanh H đã được triệu tập nhưng vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Xét thấy, việc vắng mặt của người làm chứng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử căn cứ Điều 293 Bộ luật tố tụng Hình sự quyết định xét xử vắng mặt người làm chứng.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đặng Quang A thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, lời khai tại Cơ quan điều tra và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án nên đủ cơ sở kết luận: Do bực tức bị Lê Văn V đánh và bị kiểm điểm trước Công ty nên Đặng Quang A đã rủ Lê Thanh H chặn đánh Lê Văn V. Bị cáo Đặng Quang A dùng dao (là hung khí nguy hiểm) phóng vào đầu Lê Văn V, gây thương tích cho V với tỷ lệ thương tật 05%. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Đặng Quang A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ.

[3] Đối với hành vi của Lê Văn V gây thương tích cho Đặng Quang A với tỷ lệ thương tích 34% (trong đó gãy thân xương trụ tay trái là 10%, gãy xương gò má phải là 10%, gãy răng 1.3 là 02%, 03 sẹo mặt ảnh hưởng thẩm mỹ 12%), cấp sơ thẩm nhận định:

Đặng Quang A có hành vi dùng dao phay phóng găm vào mũ bảo hiểm đang đội trên đầu của Lê Văn V gây thương tích cho V khi V đang điều khiển xe máy, sau đó A lấy khúc cây keo đuổi theo định tấn công V nhưng V đã rút được dao ra khỏi mũ bảo hiểm và dùng dao này chém gãy cẳng tay trái của A, gây thương tích cho A với tỷ lệ 10%; hành vi chống trả này là cần thiết, là hành vi phòng vệ chính đáng, không phải là tội phạm.

Khi đã bị thương ở tay và không thể chống cự, bị cáo A quỳ gối xin V tha cho nhưng V vẫn dùng dao chém loạn xạ vào người A, gây thương tích cho A với tỷ lệ là 24% (gồm gãy xương gò má phải 10%, gãy răng 1.3 là 02%, 03 sẹo mặt ảnh hưởng thẩm mỹ 12%), hành vi gây thương tích này có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Tuy nhiên, tỷ lệ thương tật của A là 24% nên không đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1999.

Nhận định trên của Tòa án cấp sơ thẩm là chủ quan, không phù hợp với diễn biến thực tế của vụ án, bởi lẽ:

Sau khi bị Lê Văn V chém gãy cẳng tay trái, làm rớt khúc cây thì bị cáo A không còn khả năng tấn công, thậm chí không còn khả năng chống đỡ, nên bị cáo không thể tấn công liên tục, quyết liệt vào người bị hại như cấp sơ thẩm đánh giá. Trên thực tế, hành vi tấn công của A lúc này đã chấm dứt (thể hiện khi A quỳ xuống cầu xin "V mày tha cho tao, tao gãy tay rồi") nhưng V không dừng lại mà tiếp tục dùng dao chém hai nhát liên tiếp, một nhát trúng gò má bên phải, một nhát vào môi trên bên phải làm A bị gãy xương gò má bên phải và gãy răng 1.3, vừa chém V vừa nói: “Tao giết mày luôn”, sau đó V còn dùng dao chém vào cẳng tay phải, bả vai phải rồi đâm vào ngực phải của A. Khi A vùng dậy bỏ chạy thì V tiếp tục cầm dao đuổi theo, mãi đến khi có xe ô tô do Nguyễn Văn N điều khiển chạy đến và anh N bước xuống can ngăn, lấy dao thì V mới dừng lại. Tại cơ quan điều tra (BL 1423, 1426, 1429) và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/12/2018 (BL 1695, 1697), Lê Văn V đều khai khi dùng dao gây thương tích cho bị cáo Đặng Quang A, bị hại không bực tức, tinh thần bị hại rất tỉnh táo và không bị kích động gì, bị hại nhận thức được hành vi của mình. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đặng Quang A cũng yêu cầu Hội đồng xét xử phải xem xét hành vi của Lê Văn V vì khi gây thương tích cho bị cáo, bị hại Lê Văn V rất tỉnh táo (BL 1702).

Lời khai của Lê Văn V tại phiên tòa và tại các biên bản lấy lời khai là không thống nhất với nhau (lúc thì khai “bình tĩnh”, lúc thì khai “bị dao cắm vào đầu làm sao bình tĩnh được”…), cấp sơ thẩm cho rằng do tâm lý của V bị kích động mạnh về tinh thần nên mới khai không thống nhất, đây cũng là nhận định mang tính suy đoán chủ quan, không phù hợp với nguyên tắc về xác định sự thật của vụ án, không đúng quy định về đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự.

Mặt khác, cấp sơ thẩm cho rằng nguyên nhân dẫn đến tinh thần bị kích động của bị hại còn do V đang bị thất nghiệp; điều kiện sống khó khăn; tính tình nóng nảy… nhận định này không có căn cứ và không đúng với yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1999.

Như vậy, theo các tài liệu có trong hồ sơ và qua quá trình xét xử công khai tại phiên tòa phúc thẩm thì hành vi của Lê Văn V gây thương tích cho Đặng Quang A vẫn chưa được cấp sơ thẩm điều tra làm rõ, dù đã hai lần Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại về nội dung này. Việc cấp sơ thẩm chỉ truy tố, xét xử hành vi của Đặng Quang A mà không xem xét hành vi của Lê Văn V là không giải quyết triệt để vụ án, không thực hiện đúng nguyên tắc xác định sự thật của vụ án trong tố tụng hình sự, có khả năng bỏ lọt tội phạm.

[4] Về xác định tiền sự của bị cáo Đặng Quang A: Kết luận điều tra xác định bị cáo không có tiền sự; Cáo trạng xác định bị cáo có 01 tiền sự; Tòa án chưa xác minh làm rõ nhưng cũng khẳng định bị cáo có 01 tiền sự là chưa phù hợp.

[5] Về phần trách nhiệm dân sự: Kết luận điều tra, Cáo trạng cũng như tại phiên tòa sơ thẩm đều không thể hiện việc bà Vi Thị Q có yêu cầu bồi thường dân sự; phần nhận định của Bản án sơ thẩm cũng không xem xét, đánh giá gì đến việc bồi thường thiệt hại cho bà Vi Thị Q. Tuy nhiên, tại phần quyết định của bản án, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Đặng Quang A có trách nhiệm bồi thường cho bà Vi Thị Q số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) là không có căn cứ và không đúng quy định về Bồi thường thiệt hại.

[6] Xét thấy, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

[7] Do Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2018/HS-ST ngày 28/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện S bị hủy nên các nội dung kháng cáo khác của người bị hại, Hội đồng xét xử không xem xét.

[8] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[9] Do Bản án sơ thẩm bị hủy nên bị hại ông Lê Văn V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 27/2018/HS-ST ngày 28/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi để điều tra lại theo thủ tục chung.

2. Bị hại ông Lê Văn V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

99
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 25/2019/HS-PT

Số hiệu:25/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về