13/07/2022 15:15

Võ Thị Tr phạm tội Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Võ Thị Tr phạm tội Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Qua nghiên cứu bài viết “Võ Thị Tr phạm tội gì ?” của tác giả Đinh Thu Nhanh đăng ngày 10/07/2022, tôi cho rằng Võ Thị Tr phạm tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” dẫn  đến chết người.

Qua nội dung vụ án, tôi cho rằng hành vi của Tr phạm tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” vì những lý do sau:

Thứ nhất, theo Điều 135 BLHS, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái kích động mạnh là hành vi của một người có nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng do bị tác động mạnh bởi hành vi trái pháp luật của nạn nhân đối với họ hoặc với những người thân thích của họ, khiến họ mất tự chủ, không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình.

Trạng thái tinh thần bị kích động của Tr là đã bị đánh đập trong thời gian dài, chịu sự ức chế thần kinh từ việc bị chồng là S bạo hành.

Hành vi “Giết người” phải được thực hiện với lỗi cố ý, nghĩa là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Trường hợp này có thể khẳng định, Tr không cố ý tước đi tính mạng của S. Về ý thức chủ quan, Tr không hề mong muốn hậu quả chết người xảy ra.

Tình tiết vụ án cho thấy Tr ở trong trạng thái bị kích động về tinh thần đã cầm cán cuốc đánh S vào những vị trí hiểm yếu trên người. Tuy nhiên Tr không có mục đích giết S. Mục đích ở đây là Tr muốn trút bỏ những tổn thương mà Tr phải chịu trong thời gian bị S bạo hành. Sau khi không thấy có phản ứng gì, Tr đã vội vàng kéo S lên bờ để xem tình hình sức khỏe như thế nào chứ không bỏ mặc hay bỏ đi. Hơn nữa, cả hai có quan hệ là vợ chồng. Chắc chắn, nếu lúc đó S còn sự sống thì Tr sẽ đưa đi cấp cứu. Nên hậu quả S chết là ngoài mong muốn của Tr khi thực hiện hành vi phạm tội.

Thứ hai, hành vi của Tr không phải “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Hành vi chống trả là cần thiết và phù hợp với tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại thì đó là hành vi phòng vệ. Tuy nhiên, nếu như hành vi đó không được coi là cần thiết, và cũng không phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại thì không được xác định là hành vi phòng vệ.

Xét thấy, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại của S và hành vi của Tr  là không cần thiết và cũng không phù hợp với mức độ xâm hại để coi là hành vi phòng vệ, vì trước đó cả hai cũng đã thường xuyên cãi nhau cộng với việc S thường xuyên có hành vi bạo hành đối với vợ. Hành vi chống lại Tr cũng là từ những uất ức trước đó dồn nén lại, việc đánh vào chỗ hiểm cho đã cho thấy rõ nên đã dẫn tới hậu quả mà Tr không mong muốn xảy ra là S chết.

Trên đây là quan điểm trao đổi về vụ án rất mong nhận được sự phản hồi của bạn đọc và đồng nghiệp./.

DUY LINH (Tòa án quân sự Quân khu 3)

Nguồn: Tạp chí Toà án

951

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]