Bản án về tội cố ý gây thương tích số 13/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN H, TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 13/2022/HS-ST NGÀY 04/03/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 04 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bạc Liêu xét xử sơ thẩm công Ki vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 03/2022/TLST - HS ngày 06 tháng 01 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2022/QĐXXST-HS ngày 01 tháng 02 năm 2022 đối với bị cáo:

Họ và tên: Lê Công K, sinh năm: 1998 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng; giới tính: Nam; nơi cư trú: Ấp MT, xã NM, huyện KS, tỉnh Sóc Trăng; chỗ ở hiện nay: Không có nơi cư trú ổn định; nghề nghiệp: Không; trình độ học vấn:

09/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; cha: Lê Công Sang (đã chết), mẹ: Lê Thị Ngọc H1 (đã chết); anh, chị em ruột: Không có; vợ, con: Chưa có; tiền án: Không; về nhân thân: Năm 2012 bị Ủy ban nhân dân huyện H ra Quyết định “Đưa vào trường giáo dưỡng” số 2041 ngày 03/7/2012 trong thời hạn 24 tháng, ngày 12/7/2014 đã chấp hành xong, được xem là người chưa có tiền sự (có mặt).

Tiền sự: Năm 2019 bị Tòa án nhân dân huyện H ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính “Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” số 04/2019/QĐ-TA ngày 20/3/2019 trong thời hạn 18 tháng, ngày 01/7/2020 đã chấp hành xong nhưng chưa được xóa tiền sự.

Bị cáo Lê Công K bị khởi tố ngày 24/8/2021, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam từ ngày 27/8/2021 đến nay.

Bị hại:

- Em Phạm Thị Ái V, sinh ngày 09/6/2017.

Người đại diện hợp pháp của em V: Chị Hứa Thị N, sinh năm 1997 (có mặt). Cùng trú tại: Ấp 2, thị trấn GH, huyện H, tỉnh Bạc Liêu.

- Em Trần Quốc Q, sinh ngày 21/6/2017.

- Em Nguyễn Quốc K2, sinh ngày 30/11/2012.

Người đại diện hợp pháp của em Q, em K2: Chị Nguyễn Thị L3, sinh năm 1989 (có mặt).

Cùng trú tại: Ấp 2, thị trấn GH, huyện H, tỉnh Bạc Liêu.

- Em Phạm Tấn H4, sinh ngày 27/9/2013.

Người đại diện hợp pháp của em H4: Chị Huỳnh Thúy D4, sinh năm 1994 (có mặt).

Cùng trú tại: Ấp 2, thị trấn GH, huyện H, tỉnh Bạc Liêu.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em Phạm Thị Ái V: Ông Dương Bạch T là Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em Trần Quốc Q, em Nguyễn Quốc K2: Ông Trần Minh T3 là Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em Phạm Tấn H4: Ông Trần Hiển T5 là Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

- Em Lê Thị Diễm H2, sinh ngày 30/12/2016.

Người đại diện hợp pháp của em Lê Thị Diễm H2: Anh Lê Đức NN, sinh năm 1992 (vắng mặt).

Cùng trú tại: Ấp 2, thị trấn GH, huyện H, tỉnh Bạc Liêu.

Ngưi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em Lê Thị Diễm H2: Ông Trần Hiển T5 là Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

- Em Phạm NN, sinh ngày: 25/9/2014.

Người đại diện hợp pháp của em Phạm NN: Chị Hứa Thị N, sinh năm 1997 (có mặt).

Cùng trú tại: Ấp 2, thị trấn GH, huyện H, tỉnh Bạc Liêu.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em Phạm NN: Ông Dương Bạch T là Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

- Anh Nguyễn Hoàng D, sinh năm 2001; địa chỉ: Ấp 2, thị trấn GH, huyện H, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 13 giờ ngày 26/7/2021, bị cáo Lê Công K tham gia đánh bài cùng với ông H3 (không rõ nhân thân, lai lịch) và một số người trên chiếc tên H3 tại sân bê tông trước nhà ông Nguyễn Hoàng QQ, sinh năm 1977 ngụ ấp 2, thị trấn GH, huyện H, tỉnh Bạc Liêu. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, giữa bị cáo K và ông H3 xảy ra cự cải, nên K bỏ đi vào nhà ông PP gần đó và nảy sinh ý định mua xăng về đốt ném vào ông H3 để gây thương tích. Để thực hiện hành vi, K cầm chai Sting bằng thủy tinh rồi điều khiển xe mô tô đi mua xăng. Khi về bị cáo K ngồi ngay cửa ra vào nhà ông PP, lấy mảnh vải bịt đầu chai Sting có đựng xăng và dùng bật lửa đốt cháy rồi đứng dậy, bước chân trái về trước một bước, tay phải cầm chai xăng đang cháy ném về vị trí lúc đánh bài ông H3 đã ngồi với mục đích gây thương tích cho ông H3. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ có các em: Lê Thị Diễm H2, sinh ngày 30/12/2016; Phạm Tấn H4, sinh ngày 27/9/2013; Trần Quốc Q, sinh ngày 21/6/2017; Nguyễn Quốc K2, sinh ngày 30/11/2012; Phạm Thị Ái V, sinh ngày 09/6/2017 và Phạm NN, sinh ngày 25/9/2014 đang ngồi chơi trên chiếc chiếu. Lúc này, có ông Quân và anh D đang ở gần đó kịp thời đến dập tắt lửa, giữa anh D và bị cáo K xảy ra cự cãi, anh D nhặt chai thủy tinh gần đó ném trúng vào tay bị cáo K nhưng không gây thương tích, bị cáo K dùng ghế nhựa màu xanh ném trúng tay trái anh D bị trầy sướt nhẹ. Hậu quả lửa cháy gây ra thương tích cho các em và được người thân đưa đi điều trị tại Trung tâm y tế huyện H. Sự việc được trình báo đến Công an thị trấn GH đến lập biên bản. Đến ngày 27/7/2021, bị cáo K đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H đầu thú về hành vi trên của mình.

Ngày 27/7/2021, chị Hứa Thị N là mẹ ruột - người đại diện hợp pháp của bị hại Phạm Thị Ái V, chị Nguyễn Thị L3 là mẹ ruột - người đại diện hợp pháp của bị hại Trần Quốc Q và Nguyễn Tuấn K2, chị Huỳnh Thúy Diễm là mẹ ruột - người đại diện hợp pháp của bị hại Phạm Tấn H4 có đơn yêu cầu giám định thương tích của các bị hại và yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lê Công K.

Tại các Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 144/TgT, 145/TgT, 146 và 147/TgT cùng ngày 09/8/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Bạc Liêu, xác định bị hại Trần Quốc Q: Vết bỏng độ I – II ở mặt sau cẳng chân phải dưới 01% diện tích cơ thể. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 01%; bị hại Phạm Tấn H4: Vết bỏng độ I – II vùng mặt, tai trái, cẳng tay phải, ngón I bàn tay trái, cẳng chân phải khoảng 02% diện tích cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 02%; bị hại Phạm Thị Ái V: Vết bỏng độ I – II vùng môi, mũi, má trái, tai trái, đùi trái, cẳng bàn chân trái, mặt sau đùi phải, cẳng bàn chân phải khoảng 16% diện tích cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 16%; bị hại Nguyễn Quốc K2 kết luận: Vết bỏng độ I – II ở mặt sau đùi trái và cảng chân trái khoảng 06% diện tích cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 06%. Tất cả các vết bỏng trên nhiều khả năng là do nhiệt gây ra.

Quá trình điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H đã thu giữ: 01 chai thủy tinh (loại chai nước ngọt), bên trong rỗng, đã bị ám khói đen; 01 miếng vải đã bị cháy biến dạng màu đen; 01 chiếc bằng lát, một số vị trí bị cháy đen và 01 cái chế bằng nhựa màu xanh, có bốn chân, có lưng ghế, trong tình trạng đã bị gãy chờ xử lý theo quy định pháp luật.

Tại Cáo trạng số 51/CT-VKS-KSĐT, ngày 30/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện H truy tố bị cáo Lê Công K về tội ”Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa:

Bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội theo Cáo trạng đã truy tố, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, bị cáo K còn tự nguyện bồi thường thiệt hại cho em V theo yêu cầu của chị N là 20.000.000 đồng.

Anh Nguyễn Hoàng D và chị Hứa Thị N là người đại diện hợp pháp của em Phạm NN không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Người đại diện hợp pháp của bị hai Trần Quốc Q, Nguyễn Quốc K2 là chị Nguyễn Thị L3; người đại diện hợp pháp của bị hai Nguyễn Tấn H4 là chị Huỳnh Thúy D4 đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Người đại diện hợp pháp cho các em Phạm Thị Ái V, Trần Quốc Q, Nguyễn Quốc K2, Phạm Tấn H4 vẫn giữ nguyên yêu cầu xử lý hình sự đối với bị cáo. Về trách nhiệm dân sự: Chị Hứa Thị N là đại diện hợp pháp của bị hại Phạm Thị Ái V yêu cầu bị cáo K bồi thường tiền khám, điều trị, ngày công lao động của người đại diện phải nghỉ để chăm sóc em V, tiền tổn thất tinh thần và tiền điều trị thẩm mỹ cho em V tổng cộng là 20.000.000 đồng. Những người đại diện hợp pháp của các bị hại còn lại không yêu cầu gì về trách nhiệm dân sự, kể cả khoản tiền tổn thất tinh thần.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, giữ nguyên Cáo trạng truy tố đối với bị cáo về tội ”Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đề nghị Hội đồng xét xử:

- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xử phạt bị cáo Lê Công K từ 03 (ba) năm đến 04 (bốn) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 27/8/2021.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 590 của Bộ luật dân sự năm 2015, ghi nhận ý kiến của bị cáo về việc tự nguyện bồi thường cho em V số tiền 20.000.000 đồng. Buộc bị cáo K bồi thường cho em Phạm Thị Ái V số tiền 20.000.000 đồng do chị Hứa Thị N đại diện nhận.

- Vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu tiêu hủy 01 chai thủy tinh (loại chai nước ngọt), bên trong rỗng, đã bị ám khói đen; 01 miếng vải đã bị cháy biến dạng màu đen; 01 chiếc bằng lát, một số vị trí bị cháy đen và 01 cái chế bằng nhựa màu xanh, có bốn chân, có lưng ghế, trong tình trạng đã bị gãy.

- Về án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch buộc bị cáo Lê Công K phải chịu theo quy định của pháp luật.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại em Phạm Thị Ái V, em Phạm NN phát biểu tranh luận: Thống nhất không tranh luận với Kiểm sát viên về tội danh, điều luật truy tố đối với bị cáo và mức hình phạt đề nghị đối với bị cáo từ 03 đến 04 năm tù là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét hành vi bị cáo K tụ tập đánh bài với các đối tượng khác trong thời gian giãn cách xã hội là vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 theo Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giản cách xã hội và Công văn số 2887/UBND/KGVX ngày 18/7/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhưng hành vi này của bị cáo chưa được điều tra, làm rõ để xử lý vi phạm hành chính nên đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung làm căn cứ để xác định tiền sự để xem xét áp dụng vào mức hình phạt cho phù hợp đối với hành vi của bị cáo đã gây ra. Đối với em Phạm NN bị bỏng không đáng kể nên không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về hành đã gây ra cho em Phạm NN. Về phần trách nhiệm dân sự, ghi nhận ý kiến của bị cáo tự nguyện bồi thường cho em Phạm Thị Ái V số tiền 20.000.000 đồng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại em Trần Quốc Q, em Nguyễn Quốc K2 phát biểu tranh luận: Thống nhất về tội danh, khung hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo từ 03 đến 04 năm tù. Thương tích bị cáo gây ra đối với em Q là 01%, em K2 là 06%. Thống nhất với ý kiến của người đại diện hợp pháp của em Q và em K2 không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về dân sự.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại em Phạm Tấn H4 và em Lê Thị Diễm H2 phát biểu tranh luận: Cáo trạng truy tố đối với bị cáo K là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hành vi của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội nên đề nghị áp dụng mức hình phạt cao nhất là 04 năm tù theo đề nghị của Viện Kiểm sát mới tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian thực hiện giản cách xã hội, tuy nhiên hành vi này của bị cáo không làm lây lan dịch bệnh, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị xử phạt vi phạt hành chính, do đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi này của bị cáo theo quy định của pháp luật. Về phần trách nhiệm dân sự, thống nhất với ý kiến của người đại diện hợp pháp của em H4, em H2 không yêu cầu bị cáo bồi thường về trách nhiệm dân sự.

Kiểm sát viên tranh luận: Hành vi tụ tập đông người trong thời gian giãn cách xã hội của bị cáo không ảnh hưởng đến việc xử lý hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo; Cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét không cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung theo đề nghị này của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em V, em Na. Thống nhất ý kiến tranh luận người người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em H2 và em H4 là kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu có căn cứ thì xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này của bị cáo theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc kH3 nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan em Lê Thị Diễm H2 là anh Lê Đức N5 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt lần thứ hai không có lý do, tuy nhiên trong hồ sơ vụ án đã có lời Khai nên việc vắng mặt của anh N5 không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, căn cứ khoản 1 Điều 292, Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án.

[3] Trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án, Tòa án nhân dân huyện H đã ban hành Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 12/2021/HSST-QĐ ngày 28/12/2021 về những nội dung: Hành vi của bị cáo K đã sử dụng xăng gây thương tích cho các bị hại, căn cứ điểm d khoản 4 Điều 4 của Luật hóa chất năm 2018, Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa thì xăng nằm trong danh mục được xác định là “hoá chất nguy hiểm” nhưng Cáo trạng số 54/CT-VKS-KSĐT ngày 30/11/2012 của Viện kiểm sát nhân dân huyện H không viện dẫn tình tiết định khung “dùng hóa chất nguy hiểm” theo điểm b khoản 1 Điều 134 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là thiếu sót nên cần phải bổ sung cho đầy đủ; yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định thương tích đối với em Phạm NN, em Lê Thị Diễm H2 để xác định mức độ tổn hại sức khỏe do hành vi phạm tội gây ra theo quy định tại khoản 4 Điều 85, khoản 4 Điều 206 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Cơ quan Cảnh sát điều tra không thu thập các giấy tờ hợp pháp, xác minh làm rõ chứng cứ để xác định chính xác tuổi của các bị hại Trần Quốc Q, Nguyễn Quốc K2 thì không có căn cứ để xác định độ tuổi của bị hại cũng là một trong các căn cứ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản m Điều 3 của Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, các vấn đề nêu trên không được Viện kiểm sát nhân dân huyện H chấp nhận. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vẫn tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

[4] Tại phiên tòa, bị cáo Lê Công K đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội theo Cáo trạng đã truy tố. Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời Khai của những người đại diện hợp pháp của các bị hại, người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh, tang vật thu giữ và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, đã có đủ cơ sở xác định: Vào khoảng 13 giờ ngày 26/7/2021, bị cáo Lê Công K tham gia đánh bài cùng với ông H3 (không rõ nhân thân, lai lịch) và một số người khác trên chiếc chiếu tại sân bê tông trước nhà ông Nguyễn Hoàng QQ, sinh năm 1977, ngụ ấp 2, thị trấn GH, huyện H, tỉnh Bạc Liêu. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, giữa bị cáo K và ông H3 xảy ra cự cải, nên bị cáo K bỏ đi vào nhà ông PP gần đó và nảy sinh ý định mua xăng về đốt ném vào ông H3 để gây thương tích. Bị cáo K mang theo chai Sting bằng thủy tinh rồi điều khiển xe mô tô đi mua xăng. Khi quay trở lại, bị cáo K ngồi ngay cửa ra vào nhà ông PP, lấy mảnh vải bịt đầu chai Sting có đựng xăng và dùng bật lửa đốt cháy rồi đứng dậy, bước chân trái về trước một bước, tay phải cầm chai xăng đang cháy ném về vị trí lúc đánh bài ông H3 đã ngồi với mục đích gây thương tích cho ông H3 nhưng hậu quả làm cho các em bị bỏng gồm: Lê Thị Diễm H2, sinh ngày 30/12/2016; Phạm Tấn H4, sinh ngày 27/9/2013; Trần Quốc Q, sinh ngày 21/6/2017; Nguyễn Quốc K2, sinh ngày 30/11/2012; Phạm Thị Ái V, sinh ngày 09/6/2017 và Phạm NN, sinh ngày 25/9/2014 bị bỏng.

Ngày 27/7/2021, chị Hứa Thị N là người đại diện hợp pháp của bị hại Phạm Thị Ái V, chị Nguyễn Thị L3 là người đại diện hợp pháp của bị hại Trần Quốc Q và anh Nguyễn Tuấn K2, chị H2 Thúy Diễm là người đại diện hợp pháp của bị hại Phạm Tấn H4 có đơn yêu cầu giám định thương tích của các bị hại và yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lê Công K.

Tại các Kết luận giám định pháp y về thương tích số 144/TgT, 145/TgT, 146 và 147/TgT cùng ngày 09/8/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Bạc Liêu, xác định bị hại Trần Quốc Q: Vết bỏng độ I – II ở mặt sau cẳng chân phải dưới 01% diện tích cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 01%; bị hại Phạm Tấn H4: Vết bỏng độ I – II vùng mặt, tai trái, cẳng tay phải, ngón I bàn tay trái, cẳng chân phải khoảng 02% diện tích cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 02%; bị hại Phạm Thị Ái V: Vết bỏng độ I – II vùng môi, mũi, má trái, tai trái, đùi trái, cẳng bàn chân trái, mặt sau đùi phải, cẳng bàn chân phải khoảng 16% diện tích cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 16%; bị hại Nguyễn Quốc K2 kết luận: Vết bỏng độ I – II ở mặt sau đùi trái và cảng chân trái khoảng 06% diện tích cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 06%. Tất cả các vết bỏng trên nhiều khả năng là do nhiệt gây ra.

Xét thấy: Bị cáo gây thương tích cho nhiều người, các bị hại là người dưới 16 tuổi đều ở độ tuổi trẻ em, trong đó hành vi của bị cáo gây ra thương tích của bị hại Phạm Thị Ái V với tỷ lệ thương tật 16%; đồng thời, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà bị cáo đã gây thương tích cho các bị hại thể hiện tính chất “côn đồ” xem thường pháp luật của bị cáo. Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử xác định hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” với các tình tiết định khung quy định tại điểm a, c, i khoản 1 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Huyện H truy tố bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không oan.

[5] Xét tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến đến sức khỏe của các bị hại đều ở độ tuổi trẻ em, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển bình thường, gây hoang mang, lo sợ cho các bị hại. Hành vi của bị cáo đã thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, không những xem thường sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ mà còn thể hiện sự xem thường pháp luật và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương; bị cáo có nhân thân xấu, năm 2012 bị Ủy ban nhân dân huyện H ra Quyết định “Đưa vào trường giáo dưỡng” số 2041 ngày 03/7/2012 trong thời hạn 24 tháng, ngày 12/7/2014 đã chấp hành xong; năm 2019 bị Tòa án nhân dân huyện H ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính “Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” số 04/2019/QĐ-TA ngày 20/3/2019 trong thời hạn 18 tháng, ngày 01/7/2020 đã chấp hành xong nhưng chưa được xóa tiền sự; điều này thể hiện được thái độ ý thức rất xem thường pháp luật, không thể hiện được sự ăn năn, hối cải của bị cáo. Do đó, khi lượng hình cần áp dụng mức hình phạt nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra là áp dụng mức phạt án tù nghiêm khắc nhằm mục đích giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt, đồng thời răn đe phòng ngừa chung trong xã hội trước tình hình các tội phạm về sức khỏe, tính mạng của người dân có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

[6] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn Khai báo, ăn năn hối cải, người đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo ra đầu thú là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 được xem xét áp dụng đối với bị cáo.

[7] Về trách nhiệm dân sự:

Người đại diện hợp pháp của bị hại em Phạm Thị Ái V là chị Hứa Thị N yêu cầu bị cáo bồi thường các khoản gồm: Bồi thường tiền khám, điều trị, ngày công lao động của người đại diện phải nghỉ để chăm sóc em V, tiền tổn thất tinh thần và tiền điều trị thẩm mỹ cho em V tổng cộng 20.000.000 đồng; bị cáo đồng ý bồi thường theo yêu cầu của chị N. Hội đồng xét xử xét thấy: Đây là ý kiến tự nguyện của bị cáo, phù hợp quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Buộc bị cáo có nghĩa vụ bồi thường cho em Phạm Thị Ái V số tiền 20.000.000 đồng do chị Hứa Thị N đại diện nhận.

[8] Đại diện hợp pháp của bị hại Trần Quốc Q, Nguyễn Quốc K2, Phạm Tấn H4; đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Lê Thị Diễm H2, Phạm NN và anh Nguyễn Hoàng D không yêu cầu bị cáo bồi thường về trách nhiệm dân sự nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

Trong quá trình điều tra, người đại diện hợp pháp của em Pham NN là chị Hứa Thị N không yêu cầu giám định tỷ lệ thương tích của em Na và tại phiên tòa chị N không yêu cầu xử lý hình sự đối với bị cáo về hành vi gây ra đối với em NN do thương tích không đáng kể nên không đề cập và việc anh Lê Đức N5 là người đại diện hợp pháp của em Lê Thị Diễm H2 có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với bị cáo nhưng không yêu cầu giám định tỷ lệ thương tích nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an hH không đề cập xử lý là có căn cứ.

Đối với việc anh Nguyễn Hoàng D bị bỏng trong quá trình dập lửa và tay trái bị trày xước da do bị cáo K ném ghế nhựa trúng do thương tích không đáng kể và tại phiên tòa anh D không yêu cầu xử lý hình sự, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an hH không đề cập xử lý là có căn cứ.

Đối với thương tích của bị cáo K không đáng kể, bị cáo không xác định ai gây ra, bị cáo không yêu cầu xử lý người đã gây ra thương tích cho mình, không yêu cầu bồi thường nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H không để cập xử lý là có cơ sở.

Ngoài ra, bị cáo K có hành vi “Đánh bạc dưới hình thức thắng thua bằng tiền” với ông H3, chị Hồ Thị Thùy Tr, chị Nguyễn Thị Ch; bị cáo còn Khai có hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”. Xét hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của của Công an thị trấn GH, huyện H do đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H thông tin đến Công an thị trấn GH biết để tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh theo quy định của pháp luật là phù hợp.

[9] Vật chứng vụ án: Quá trình điều tra có thu giữ các vật chứng gồm 01 (một) chai thủy tinh (loại chai nước ngọt), bên trong rỗng, đã bị ám khói đen; 01 (một) miếng vải đã bị cháy biến dạng màu đen; 01(một) chiếc chiếc bằng lát, một số vị trí bị cháy đen và 01(một) cái chế bằng nhựa màu xanh, có bốn chân, có lưng ghế, trong tình trạng đã bị gãy; đây là các vật chứng của vụ án, không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy theo quy định pháp luật.

[10] Về án: Áp dụng các Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; các Điều 584, 585, 590 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Lê Công K phải nộp số tiền án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng, án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch số tiền 1.000.000 đồng.

[11] Xét đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật nên được chấp nhận; đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Nguyễn Quốc Q, Nguyễn Quốc K2 là có căn cứ nên được xem xét.

[12] Đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Phạm Thị Ái V, Phạm NN về tội danh, điều luật áp dụng, mức hình phạt có căn cứ nên được xem xét. Tuy nhiên, đối với quan điểm đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để xử lý hành chính về hành vi bị cáo vi phạm thời gian giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giản cách xã hội và Công văn số 2887/UBND/KGVX ngày 18/7/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Hội đồng xét xử xét thấy: Hành vi nêu trên của bị cáo được thực hiện cùng lúc với hành vi phạm tội, hành vi này xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, không xem là tiền sự để áp dụng vào việc đánh giá ấn định mức hình phạt chung đối với bị cáo. Vì vậy, việc điều tra, truy tố chưa xem xét xử lý về hành vi này không làm ảnh hưởng đến việc xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích”, không bỏ lọt tội phạm nên không có căn cứ chấp nhận đề nghị này của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em V, em NN.

[13] Đối với đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các em Phạm Tấn H4, Lê Thị Diễm H2 là có căn cứ nên được chấp nhận. Đối với đề nghị áp dụng mức hình phạt 04 năm tù đối với bị cáo. Hội đồng xét xử đánh giá: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp tiếp xâm phạm đến đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo thành khẩn Ki báo, đầu thú đã thể hiện được sự ăn năn, hối cải của bị cáo và tại phiên tòa đại diện của các bị hại có mặt đều xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, không chấp nhận yêu cầu áp dụng mức hình phạt cao nhất theo đề nghị của người người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các em H4, H2. Việc áp dụng mức hình phạt tương xứng, phù hợp để thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với bị cáo.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Về tội danh và hình phạt áp dụng:

Tuyên bố bị cáo Lê Công K phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt bị cáo Lê Công K 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam ngày 27/8/2021.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 590 của Bộ luật dân sự năm 2015;

Buộc bị cáo Lê Công K bồi thường số tiền 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng cho em Phạm Thị Ái V do chị Hứa Thị N đại diện nhận.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án, cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

3. Về vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự;

Tịch thu tiêu hủy 01 (một) chai thủy tinh (loại chai nước ngọt), bên trong rỗng, đã bị ám khói đen; 01 miếng vải đã bị cháy biến dạng màu đen; 01(một) chiếc chiếu bằng lát, một số vị trí bị cháy đen và 01(một) cái chế bằng nhựa màu xanh, có bốn chân, có lưng ghế, trong tình trạng đã bị gãy. Các vật chứng trên Chi cục thi hành án dân sự huyện H đang quản lý, theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 10/02/2022.

4. Về án phí: Áp dụng Điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Lê Công K phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và phải nộp 1.000.000 (một triệu) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo bản án: Căn cứ các Điều 331, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Người đại diện hợp pháp của bị hại, đại diện hợp pháp của người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án theo quy định.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các Điều 6, Điều 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

216
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 13/2022/HS-ST

Số hiệu:13/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hòa Bình - Bạc Liêu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về