Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 22/2020/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUAN HÓA, TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 22/2020/HS-ST NGÀY 22/07/2020 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Ngày 22 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 17/2020/TLST-HS ngày 27 tháng 5 năm 2020; Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 24/2020/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 7 năm 2020, đối với bị cáo:

Họ và tên: Lương Thị E - Sinh năm 1965. Tên gọi khác: Không. Nơi sinh: Xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa Nơi ĐKHKTT và nơi ở: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Mường; Trình độ học vấn: 1/12; Con ông: Lương Văn M, đã chết; Con bà: Hà Thị O, đã chết; Chồng: Hà Văn C, sinh năm 1967; Có 03 con, lớn nhất sinh năm 1983, nhỏ nhất sinh năm 1992.

Tiền án, Tiền sự: Không.

Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 31/12/2019 chuyển tạm giam ngày 09/01/2020, đến ngày 12/3/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn “Tạm giam” bằng biện pháp “Bảo lĩnh”. Có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Ngọc K, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Lương Thị H, sinh năm 1980. Trú tại: P, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

2. Anh Phạm Bá C, sinh năm 1964 (Tên gọi khác là T). Trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

3. Chị Hà Thị T, sinh năm 1988. Trú tại: Bản Bai, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

4. Anh Hà Văn H, sinh năm 1967. Trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

5. Chị Lương Thị C, sinh năm 1988. Trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

6. Chị Phạm Thị C, sinh năm 1975. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

7. Anh Ngân Văn Q, sinh năm 1989. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

8. Chị Hà Thị L, sinh năm 1974. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

9. Chị Hà Thị T, sinh năm 1993. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

10. CHị Hà Thị M, sinh năm 1987. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

11. Anh Ngân Văn D, sinh năm 1984. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

12. Anh Ngân Văn D, sinh năm 1987. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

13. Anh Lò Minh Đ, sinh năm 1982. Trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

14. Anh Ngân Văn S, sinh năm 1967. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

15. Chị Phạm Thị D, sinh năm 1981. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

16. Chị Phạm Thị H, sinh năm 1990. Trú tại: Bản Ta Bán, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

17. Anh Phạm Văn S, sinh năm 1968. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

18. Anh Hà Văn T, sinh năm 1975. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt có lý do.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến, tiền, đồ vật, vật chứng:

1. Anh Hà Văn C, sinh năm 1967. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

2. Anh Hà Văn N, sinh năm 1992. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

3. Anh Hà Văn Ng, sinh năm 1986. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

4. Anh Hà Văn H, sinh năm 1988. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

5. Anh Lương Văn T, sinh năm 1984. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

6. Ông Lương Văn Ò, sinh năm 1961. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

7. Anh Ngân Văn Đ, sinh năm 1983. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

* Người làm chứng:

1. Chị Hà Thị Th, sinh năm 1980. Trú tại: Bản Bai, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Vắng mặt.

2. Anh Đinh Công Th, sinh năm 1980. Trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

3. Chi Hà Thị Đ, sinh năm 1978. Trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 31/12/2019, Tổ công tác Công an huyện Quan Hóa làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực xã S, huyện Quan Hóa. Khoảng 17h cùng ngày khi đến bản T, xã S, Tổ công tác phát hiện Lương Thị E đang ngồi tại bàn uống nước của gia đình và có biểu hiện ghi số lô đề, nên Tổ công tác yêu cầu kiểm tra. Quá trình kiểm tra, Tổ công tác thu giữ 09 tờ giấy, trên mặt các tờ giấy có ghi các dãy số tự nhiên. Lương Thị E khai nhận các con số trên tờ giấy là số lô đề của những người đánh số lô đề ngày 31/12/2019, nên Lương Thị E đang tổng hợp số tiền ghi trên tờ giấy ghi lô đề là 2.191.000đ (Hai triệu một trăm chín mươi mốt nghìn đồng). Sau đó, Tổ công tác đã khám xét khẩn cấp nhà ở của Lương Thị E, quá trình khám xét, Tổ công tác đã thu giữ, gồm:

- 01 két sắt, bên trong có 276.550.000đ (Hai trăm bảy mươi sáu triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng) gồm nhiều tờ tiền mệnh giá khác nhau.

- Thu trong tủ tôn đựng quần áo 02 quyển vở ô ly, gồm: 01 quyền bìa màu xanh trước mặt có các loại sinh vật biển, mặt sau có hình bảng cửu chương, bên trong có 48 trang, trên một số trang có các dãy số tự nhiên; 01 quyển bìa màu hồng mặt trước có dòng chữ “School Notebook”, bên trong có 34 trang, trên một số trang giấy có chữ viết và số tự nhiên; 01 bản cam kết trả tiền của Hà Văn Tịch.

- 01 điện thoại di động loại có bàn phím, có dòng chữ Masstel; 01 điện thoại loại có bàn phím, có dòng chữ Nokia.

Sau khi bị bắt về hành vi ghi số lô đề và các tài liệu bị thu giữ, Lương Thị E khai nhận: Do nắm bắt được nhu cầu vay tiền của người dân tại các xã S, xã T, xã T, nên Lương Thị E đã mở dịch vụ cho vay lãi suất cao. Nguồn tiền Lương Thị E dùng để cho vay lãi là tiền của gia đình, tiền do Lương Thị E vay mượn của những người thân để làm vốn cho vay. Thời gian Lương Thị E mở dịch vụ cho vay lãi khoảng từ đầu năm 2017 đến 31/12/2019, trong thời gian này, bị cáo đã cho nhiều người vay tiền với mức lãi suất từ 3.000đ đến 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương lãi suất từ 109,5%/năm đến 182,5%/năm, hình thức Lương Thị E cho vay bằng tiền mặt, không cầm cố tài sản. Thông thường những người đến vay thỏa thuận số tiền vay, thời gian vay và lãi suất với Lương Thị E; khi người vay đồng ý vay tiền thì Lương Thị E giao tiền, rồi Lương Thị E ghi vào sổ hoặc cho người vay tiền trực tiếp ghi vào sổ ô ly của Lương Thị E để theo dõi. Quá trình mở dịch vụ cho vay Lương Thị E đã cho những người vay tiền với lãi suất cao, gồm có:

1. Lương Thị E đã cho chị Lương Thị H, sinh năm 1980, trú tại: P, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay tiền nhiều lần. Cụ thể:

- Lần 1: Ngày 24/8/2018, Lương Thị E cho chị Huyến vay số tiền 7.000.000đ (Bảy triệu đồng chẵn), lãi suất 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 182,5%/năm, thời hạn vay 63 ngày, chị H đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 2.205.000đ (Hai triệu hai trăm linh năm nghìn đồng).

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi suất cho vay tối đa 20%/năm, tương ứng 1,667%/tháng = 547,945đ/1.000.000đ/ngày. Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là: 547,945đ x 7.000.000đ x 63 ngày = 241.644đ; số tiền E thu lợi bất chính là: 2.205.000đ – 241.644đ = 1.963.356đ.

- Lần 2: Ngày 22/9/2018, Lương Thị E cho chị H vay số tiền 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng chẵn), lãi suất 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 182,5%/năm, thời hạn vay 72 ngày, chị H đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 4.320.000đ (Bốn triệu ba trăm hai mươi nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 12.000.000đ x 72 ngày = 473.425đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

4.320.000đ – 473.425đ = 3.846.575đ.

- Lần 3: Ngày 11/10/2018, Lương Thị E cho chị H vay số tiền 5.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn), lãi suất 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 182,5%/năm, thời hạn vay 25 ngày, chị H đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 625.000đ (Sáu trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 5.000.000đ x 25 ngày = 68.493đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

625.000đ – 68.493đ = 556.507đ.

Như vậy, tổng số tiền Lương Thị E cho chị Huyến vay là 24.000.000đ, số tiền lãi Lương Thị E đã thu của chị H là 7.150.000đ, số tiền lãi được thu theo quy định là 783.562đ, số tiền Lương Thị E thu lời bất chính là 6.365.988đ.

2. Ngày 16/7/2019 Lương Thị E cho ông Phạm Bá C, sinh năm 1964 (Tên gọi khác là T), trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời hạn vay 45 ngày, ông Ch đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 3.375.000đ (Ba triệu ba trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 25.000.000đ x 45 ngày = 616.438đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

3.375.000đ – 616.438đ = 2.758.562đ.

3. Ngày 23/02/2019 Lương Thị E cho chị Hà Thị T, sinh năm 1988, trú tại: Bản Bai, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 15.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời hạn vay 120 ngày, chị T đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 5.400.000đ (Năm triệu bốn trăm nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 15.000.000đ x 120 ngày = 986.301đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

5.400.000đ – 986.301đ = 4.413.699đ.

4. Ngày 23/8/2018 Lương Thị E đã cho ông Hà Văn H, sinh năm 1967, trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 6.000.000đ (Sáu triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời hạn vay 30 ngày, ông Hồng đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 540.000đ (Năm trăm bốn mươi nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 6.000.000đ x 30 ngày = 98.630đ; số tiền E thu lợi bất chính là: 540.000đ – 98.630đ = 441.370đ.

5. Ngày 15/7/2018 Lương Thị E cho chị Lương Thị Ch, sinh năm 1988, trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 6.000.000đ (Sáu triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời hạn vay 60 ngày, chị Ch đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 1.080.000đ (Một triệu không trăm tám mươi nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 6.000.000đ x 60 ngày = 197.260đ; số tiền thu lợi bất chính là: 1.080.000đ – 197.260đ = 882.740đ.

6. Ngày 17/10/2019 Lương Thị E cho chị Phạm Thị Ch, sinh năm 1975, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời hạn vay 65 ngày, chị Ch đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 390.000đ (Ba tăm chín mươi nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 2.000.000đ x 65 ngày = 71.232đ; số tiền E thu lợi bất chính là: 390.000đ – 71.232đ = 318.768đ.

7. Ngày 10/6/2019 Lương Thị E cho anh Ngân Văn Q, sinh năm 1989, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 5.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn), lãi suất 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 182,5%/năm, thời hạn vay 158 ngày, anh Q đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 3.950.000đ (Ba triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 5.000.000đ x 158 ngày = 432.877đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

3.950.000đ – 432.877đ = 3.517.123đ.

8. Tháng 02/2019 Lương Thị E cho chị Hà Thị L, sinh năm 1974, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 2.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn), lãi suất 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 182,5%/năm, thời hạn vay 07 ngày, chị L đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 70.000đ (Bảy mươi nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 2.000.000đ x 07 ngày = 7.671đ; số tiền E thu lợi bất chính là: 70.000đ – 7.671đ = 62.329đ.

9. Tháng 05/02/2018 Lương Thị E cho chị Hà Thị Tr, sinh năm 1993, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 8.000.000đ (Tám triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời hạn vay 190 ngày, chị Tr đã trả hết tiền gốc và đã trả tiền lãi là 4.560.000đ (Bốn triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 8.000.000đ x 190 ngày = 832.876đ; số tiền thu lợi bất chính là:

4.560.000đ – 832.876đ = 3.727.124đ.

10. Lương Thị E cho chị Hà Thị M, sinh năm 1974, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay tiền nhiều lần, cụ thể:

- Lần 1: Ngày 04/6/2017 Lương Thị E cho chị M vay số tiền là 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng chẵn), lãi suất 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 182,5%/năm, đến ngày 09/02/2019 thì chị Mới đã thanh toán đủ tiền gốc và đã trả tiền lãi cho Lương Thị E (tổng số tiền vay này chỉ được tính từ ngày 01/01/2018 ngày BLHS có hiệu lực), thời gian vay 38 ngày, số tiền lãi chị M đã trả là 5.700.000đ (Năm triệu bảy trăm nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 30.000.000đ x 38 ngày = 624.657đ; số tiền thu lợi bất chính là:

5.700.000đ – 624.657đ = 5.075.343đ.

- Lần 2: Ngày 16/9/2017, Lương Thị E cho chị Mới vay số tiền là 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, đến ngày 09/02/2019 thì chị M đã trả được 10.000.000đ tiền gốc và trả tiền lãi cho Lương Thị E (tổng số tiền vay này chỉ được tính từ ngày 01/01/2018 ngày BLHS có hiệu lực), thời gian vay 38 ngày, số tiền lãi chị Mới đã trả là 2.280.000đ (Hai triệu hai trăm tám mươi nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 20.000.000đ x 38 ngày = 416.438đ; số tiền thu lợi bất chính là:

2.280.000đ – 416.438đ = 1.863.562đ.

Đối với số tiền gốc 10.000.000đ chị M còn nợ lại của lần vay tiền ngày 16/9/2017 thì Lương Thị E đã giảm lãi còn 2.000đ/1.000.000đ/ngày, đến thời điểm hiện tại, chị M đã trả gần hết, chị Mới còn nợ Lương Thị E là 2.300.000đ (Hai triệu ba trăm ngìn đồng).

Như vậy, số tiền lãi hợp pháp được hưởng là 1.041.095đ; Số tiền E thu lợi bất từ chị M đã vay cả 02 lần là 6.938.905đ.

11. Lương Thị E cho anh Ngân Văn D, sinh năm 1984, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay tiền nhiều lần, cụ thể:.

- Lần 1: Tháng 10/2018 Lương Thị E cho anh D vay số tiền là 3.000.000đ (Ba triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời gian vay 64 ngày. Anh D đã trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 576.000đ (Năm trăm bảy sáu nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 3.000.000đ x 64 ngày = 105.205đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

576.000đ – 105.205đ = 470.795đ.

- Lần 2: Ngày 15/12/2018, Lương Thị E cho anh D vay số tiền là 5.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời gian vay 37 ngày. Anh D đã trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 555.000đ (Năm trăm năm mươi lăm nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là: 547,945đ x 5.000.000đ x 37 ngày = 101.370đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

555.000đ – 101.370đ = 453.630đ.

- Lần 3: Ngày 02/02/2019, Lương Thị E cho anh D vay số tiền là 5.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời gian vay 64 ngày. Anh D đã trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 960.000đ (Chín trăm sáu mươi nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 5.000.000đ x 64 ngày = 175.342đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

960.000đ – 175.342đ = 784.658đ.

- Lần 4: Ngày 21/3/2019, Lương Thị E cho anh D vay số tiền là 8.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời gian vay 25 ngày. Anh D đã trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 8.000.000đ x 25 ngày = 109.589đ; số tiền thu lợi bất chính là: 600.000đ – 109.589đ = 490.411đ.

Như vậy, số tiền lãi hợp pháp được hưởng của 04 lần vay là 491.506đ; số tiền thu lợi bất của Lương Thị E trên tổng số tiền anh D cả 04 lần là 2.199.494đ.

12. Lương Thị E đã cho anh Ngân Văn D, sinh năm 1987, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay tiền nhiều lần.

- Lần 1: Ngày 13/7/2018 Lương Thị E cho anh D vay số tiền là 8.000.000đ (Tám triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời gian vay 05 ngày. Anh D đã trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 120.000đ (Một trăm hai mươi nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 8.000.000đ x 05 ngày = 21.918đ; số tiền E thu lợi bất chính là: 120.000đ – 21.918đ = 98.082đ.

- Lần 2: Ngày 10/3/2018, anh D vay số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời gian vay 40 ngày. Anh D đã trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 240.000đ (Hai trăm bốn mươi nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 2.000.000đ x 40 ngày = 43.836đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

240.000đ – 43.836đ = 196.164đ.

Như vậy, số tiền lãi hợp pháp được hưởng 02 lần cho vay là 65.754đ; số tiền thu lợi bất của Lương Thị E trên tổng số tiền anh D đã vay 02 lần là 294.246đ.

13. Lương Thị E đã cho anh Lò Minh Đ, sinh năm 1982, trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay tiền nhiều lần.

- Lần 1: Ngày 26/9/2018 Lương Thị E cho anh Đ vay số tiền là 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời gian vay 20 ngày. Anh Đ đã trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 1.200.000đ (Một triệu hai trăm nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 20.000.000đ x 20 ngày = 219.178đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

1.200.000đ – 219.178đ = 980.822đ.

- Lần 2: Ngày 11/10/2018, Lương Thị E cho anh Đ vay số tiền là 8.000.000đ (Tám triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thời gian vay 05 ngày. Anh Đ đã trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 120.000đ (Một trăm hai mươi nghìn đồng) Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 8.000.000đ x 05 ngày = 21.918đ; số tiền thu lợi bất chính là: 120.000đ – 21.918đ = 98.082đ.

Như vậy, số tiền lãi hợp pháp được hưởng của 02 lần cho vay là 241.096đ; số tiền thu lợi bất của Lương Thị E trên tổng số tiền anh Đ đã vay 02 lần là 1.078.904đ.

14. Lương Thị E đã cho anh Ngân Văn S, sinh năm 1967, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay tiền nhiều lần.

- Lần 1: Ngày 03/4/2019 Lương Thị E cho anh S vay số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, anh S đã trả đủ tiền gốc ngày 05/7/2019 và trả số tiền lãi là 552.000đ (Năm trăm năm hai nghìn đồng) của thời gian vay 92 ngày Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 2.000.000đ x 92 ngày = 100.822đ; số tiền thu lợi bất chính là: 552.000đ – 100.822đ = 451.178đ.

- Lần 2: Ngày 03/5/2019, Lương Thị E cho anh S vay số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, anh S đã trả đủ tiền gốc ngày 05/7/2019 và trả số tiền lãi là 372.000đ (Ba trăm bảy hai nghìn đồng) của thời gian vay 62 ngày Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 2.000.000đ x 62 ngày = 67.945đ; số tiền thu lợi bất chính là: 372.000đ – 67.945đ = 304.055đ.

Như vậy, số tiền lãi hợp pháp theo quy định của 02 lần vay là 168.767đ; số tiền E thu lợi bất từ anh Sờn của 02 lần cho vay là 755.233đ.

15. Khoảng tháng 6/2018, Lương Thị E đã cho chị Phạm Thị D, sinh năm 1981, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng), lãi suất 5.000đ/1.000.000đ/ ngày, tương đương với lãi suất 182,5%/năm, thời hạn vay là 01 ngày thì chị D trả đủ tiền gốc và đã trả số tiền lãi là 100.000đ (Một trăm nghìn đồng).

Tiền lãi hợp pháp Lương Thị E được hưởng đối với khoản vay này là:

547,945đ x 20.000.000đ x 01 ngày = 10.959đ; số tiền E thu lợi bất chính là:

100.000đ – 10.959đ = 89.041đ.

Tại cơ quan điều tra, Lương Thị E cũng đã khai nhận có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cụ thể:

- Ngày 29/6/2018, Lương Thị E đã cho chị Phạm Thị H, sinh năm 1990, trú tại: Bản Ta Bán, xã T, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 15.000.000đ (Mươi lăm triệu đồng), lãi suất 3.000đ/1.000.000/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, ngày 18/9/2018 thì chị Hiện đã trả đủ tiền gốc, số tiền lãi chị Hiện còn nợ là 3.600.000đ, Lương Thị E tiếp tục tính lãi suất 2.000đ/1.000.000đ/ngày, hiện tại chị H chưa trả số tiền này.

- Ngày 29/3/2019, Lương Thị E cho chị ông Phạm Văn S, sinh năm 1968, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 1.000.000đ (Một triệu đồng), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, hiện nay ông S chưa trả tiền gốc và tiền lãi.

- Ngày 24/10/2019 Lương Thị E đã cho anh Hà Văn T, sinh năm 1975, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vay số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, hiện anh T chưa trả tiền gốc và tiền lãi.

Những khoản vay này Lương Thị E chưa thu lợi bất chính, nên không xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tại cơ quan Điều tra Lương Thị E còn khai, đã cho một số người liên quan vay tiền, gồm: Anh Ngân Văn D - sinh năm 1985, anh Hà Văn D - sinh năm 1989, anh Hà Văn T, anh Hà Văn H – sinh năm 1969, đều trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa; anh Lò Văn Th - sinh năm 1991, anh Lò Minh Ch - sinh năm 1986, anh Hà Văn Nh – sinh năm 1968, đều trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa. Những người này, Cơ quan điều tra đã xác minh, hiện không có mặt tại địa phương, không xác định được đang ở đâu, nên chưa lấy được lời khai, nên không đủ căn cứ kết luận việc cho vay tiền và số tiền thu lợi bất chính của Lương Thị E đối với những khoản vay này.

Đối với một số người được Lương Thị E cho vay tiền không tính lãi hoặc tính lãi suất 2.000đ/1.000.000đ/ngày, gồm những người sau: Chị Hà Thị Th, sinh năm 1980, trú tại: Bản Bai, xã S, huyện Quan Hóa; anh Đinh Công Th, sinh năm 1980, trú tại: B,xã T, huyện Quan Hóa; bà Hà Thị H- sinh năm 1962, ông Lò Văn Ch - sinh năm 1965, trú tại: Bản T, xã S, huyện Quan Hóa; anh Đinh Văn M, sinh năm 1990, trú tại: Bản Chiềng, xã T, huyện Quan Hóa; anh Hà Văn T, sinh năm 1980, trú tại: B, xã T, huyện Quan Hóa; chị Hà Thị Đ, sinh năm 1978, trú tại: Bản Thành Yên, xã S, huyện Quan Hóa. Đây là những khoản vay không tính lãi suất và lãi suất chưa vượt quá mức lãi suất theo điều 468 BLDS, xác định đây là quan hệ dân sự, nên Cơ quan Điều tra không xem xét giải quyết trong vụ án.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì trong quá trình điều tra đã làm rõ. Có những người vay đã trả gốc và lãi cho Lương Thị E, có người vay chưa trả tiền gốc và tiền lãi. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên đều đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với số tiền, tài liệu, đồ vật thu giữ gồm: Số tiền 276.550.000đ, thì Cơ quan CSĐT đã trả lại 135.000.000đ; 01 giấy vay tiền; 01 két bạc và 02 điện thoại di động cho các chủ sở hữu hợp pháp.

Cáo trạng số 21/CT-VKS-QH ngày 27/5/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa truy tố bị cáo Lương Thị E về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 1 điều 201 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa:

- Bị cáo Lương Thị E thừa nhận: Trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 31/12/2019, bị cáo đã cho nhiều người vay tiền với mức lãi suất từ 3.000đ đến 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương từ 109,5%/năm đến 182,5%/năm, hình thức cho vay bằng tiền mặt, không cầm cố tài sản. Những người bị cáo đã cho vay lãi suất cao, gồm: Lương Thị H, Phạm Bá Ch, Hà Thị T, Hà Văn H, Lương Thị Ch, Phạm Thị Ch, Hà Văn T, Ngân Văn Q, Hà Thị L, Hà Thị Tr, Hà Thị M, Ngân Văn D, Ngân Văn D, Lò Minh Đ, Ngân Văn S và Phạm Thị D, nhưng bị cáo không nhớ chính xác là bao nhiêu tiền gốc và tiền lãi thu được, do bị cáo chưa cộng, bị cáo đã khai báo đầy đủ tại cơ quan điều tra và tại tòa. Ngoài ra bị cáo còn khai nhận cho một số người liên quan vay nhưng họ không còn ở nơi cư trú và cho một số anh em, bạn bè thân quen vay không lấy lãi hoặc lấy lãi nhưng chưa vượt ngưỡng Nhà nước quy định về lãi suất. Bị cáo không bổ sung thêm gì với lời khai tại Cơ quan điều tra, không khai báo thêm tình tiết mới.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo, có mặt tại tòa vẫn giữ nguyên lời khai như tại Cơ quan điều tra, Tại phiên tòa những người có mặt đều trình bày phù hợp với lời khai trước đây, phù với với lời khai của bị cáo tại phiên tòa, không bổ sung, thay đổi gì và đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Những người vắng, thì trong quá trình điều tra đã đề nghị giải quyết theo quy định, tại tòa vắng mặt nhưng đã có đơn đề nghị xét xử theo quy định của pháp luật.

- Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến tiền, tài liệu, đồ vật, có mặt tại phiên tòa thì đều trình bày là đã nhận lại được tiền, tài sản, tài liệu, nên không đề nghị gì.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát luận tội đối với bị cáo, cho rằng thời gian từ đầu năm 2017 bị cáo đã cho vay lãi nặng tương đương mức lãi suất từ 109,5% đến 182,5%, gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất do Bộ luật dân sự. Tổng số tiền gốc bị cáo dùng cho vay là 226.000.000đ, thu lời bất chính 33.843.973đ, nên Kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như trong bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố Bị cáo Lương Thị E phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Áp dụng: Khoản 1, 3 điều 201; Điều 36; điều 46; điều 47; điều 48 điểm i, s khoản 1, điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Hình phạt áp dụng đối với bị cáo Lương Thị E từ 12-15 tháng cải tạo không giam giữ, số ngày bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam được quy đổi sang cải tạo không giam giữ.

Phạt bổ sung bị cáo 30.000.000đ để sung công quỹ Nhà nước.

- Về biện pháp tư pháp:

+ Truy thu của bị cáo số tiền gốc dùng cho vay lãi nặng là: 226.000.000đ (Hai trăm hai mươi sáu triệu đồng) để sung vào Ngân sách Nhà nước;

+ Truy thu của bị cáo số tiền lãi tương ứng với mức 20%/năm theo quy định số tiền là 6.046.027đ (Sáu triệu không trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm hai mươi bảy đồng) để sung vào Ngân sách Nhà nước;

+ Truy thu của bị cáo số tiền là 2.191.000đ (Hai triệu một trăm chín mốt nghìn đồng) do ghi số lô, số đề mà có để sung vào Ngân sách Nhà nước.

+ Buộc bị cáo Lương Thị E phải có trách nhiệm trả lại cho những người có quyền lợi nghĩa liên quan đến vụ án tổng số tiền là 33.843.100đ (Ba mươi ba triệu tám trăm bốn mươi ba nghìn một trăm đồng chẵn) + Buộc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên, gồm: Anh Phạm Văn S phải nộp lại số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng chẵn) là tiền vay của bị cáo Lương Thị E để tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước; Anh Hà Văn T phải nộp lại số tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn) là tiền vay của bị cáo Lương Thị E để tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước.

- Về xử lý vật chứng:

Quy trữ để đảm bảo cho việc thi hành án, đối với số tiền 141.550.000đ (Một trăm bốn mươi mốt triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng).

Tịch thu tiêu hủy, gồm: 01 quyển bìa màu xanh, mặt trước có hình các loại sinh vật biển, mặt sau có hình bảng cửu chương, bên trong có 48 trang, trên một số trang có ghi chữ; 01 quyển bìa màu màu hồng, mặt trước có dòng chữ “School Notebook”, bên trong có 34 trang, trên một số trang có chữ viết và số tự nhiên và 09 bảng thống kê số lô, số đề, được ký hiệu từ E1, E2, E3, E4, E5, E6, E7, E8, E9 được đựng trong một túi (loại túi đụng hồ sơ hộ khẩu) và dán kín niêm phong;

Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Người bào chữa cho bị cáo Lương Thị E trình bày: Về trách nhiệm hình sự đồng tình với cáo trạng về tội danh đã truy tố. Cho rằng, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năm hối cải; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo là người dân tộc thiểu số, thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhân thân tốt. Hơn nữa, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tự tìm đến bị cáo để thỏa thuận vay tiền, đề xuất mức lãi suất, không ai ép buộc mà những người này hoàn toàn tự nguyện vay, do vậy những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng tự tạo điều kiện cho bị cáo phạm tội; Bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan Điều tra, thể hiện có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị báo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; đề nghị mức án từ 06 - 09 tháng cải tạo không giam giữ, không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo; Đối với số tiền thu giữ tại nhà bị cáo thì đây là tiền của bị cáo, không tách bạch đâu là tiền do phạm tội mà có, đâu là tiền của gia đình bị cáo, nên không truy thu số tiền này. Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, miễm án phí cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và lời luận tội tại phiên tòa.

Tại phiên tòa Bị cáo nhận tội, đồng ý với lời bào chữa, không bổ sung thêm gì, không có ý kiến tranh luận với đại diện VKS, Bị cáo xác nhận trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo không bị Cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng biện pháp ép cung, bức cung hay nhục hình và khai nhận biết rõ hành vi phạm tội, vì ham lợi nhuận nên đã cho vay lãi năng lấy tiền sử dụng cho cá nhân, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản Cáo trạng đã nêu là đúng.

Lời nói sau cùng của bị cáo: Bị cáo rất ân hận về việc làm của mình, mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố: Trong quá trình điều tra, truy tố, Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 37, Điều 42 của Bộ luật Tố tụng hình sự; các tài liệu, chứng cứ được thu thập, bảo quản theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Nên các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố là hợp pháp, Hội đồng xét xử chấp nhận.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Người làm chứng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ, nhưng vắng mặt tại phiên tòa có lý do. Tại phiên tòa, Bị cáo, những tham gia tố tụng có mặt và đại diện Viện kiểm sát không yêu cầu triệu tập những người này đến phiên tòa, vì họ đã có đầy đủ lời khai trong hồ sơ vụ án và có đơn xin xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử căn cứ vào điều 292, 293 Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định vẫn xét xử vụ án.

[2] Tại phiên tòa bị cáo Lương Thị E đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân như Cáo trạng đã truy tố. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 31/12/2019 và các vật chứng đã thu giữ. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp nhau, phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra cũng như lời khai người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định: Từ đầu năm 2017 bị cáo nắm bắt được nhu cầu vay tiền của người dân tại địa phương nơi bị cáo sinh sống và các xã lân cận, nên bị cáo đã cho nhiều người vay tiền với mức lãi suất từ 3.000đ đến 5.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương từ 109,5%/năm đến 182,5%/năm, cho vay bằng tiền mặt, không cầm cố tài sản, có người vay thì các bên thỏa thuận rồi bị cáo giao tiền, cho người vay viết vào sổ ghi chép để bị cáo theo dõi, có người thì không ghi chép vào sổ, chỉ lập thông qua hợp đồng miệng. Tính đến ngày 31/12/2019, bị cáo đã cho vay lãi suất cao gồm: Lương Thị H, Phạm Bá Ch, Hà Thị T, Hà Văn H, Lương Thị Ch, Phạm Thị Ch, Ngân Văn Q, Hà Thị L, Hà Thị Tr, Hà Thị M, Ngân Văn D, Ngân Văn D, Lò Minh Đ, Ngân Văn S và Phạm Thị D, với tổng số tiền gốc cho vay là 226.000.000đ (Hai trăm hai mươi sáu triệu đồng chẵn), để thu lợi bất chính tổng số tiền là 33.843.100đ (Ba mươi ba triệu tám trăm bốn mươi ba nghìn một trăm đồng chẵn) đã vượt mức cho phép quy định tại điều 468 Bộ luật dân sự. Do đó, đủ cơ sở kết luận bị cáo Lương Thị E phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 201 của Bộ luật Hình sự, như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa truy tố bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng, hành vi đó làm cho người vay tiền lâm vào hoàn cảnh khó khăn, gây bất bình cho quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực pháp luật hình sự, ý thức được hành vi cho vay lãi nặng bị pháp luật nghiêm cấm nhưng do hám lợi và coi thường pháp luật nên bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội, do đó hành vi của bị cáo cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để nhằm răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.

[4] Ngoài việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nêu trên, để có mức án thỏa đáng còn phải xem xét những yếu tố liên quan đến nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các yếu tố khác có liên quan của bị cáo, trên cơ sở xem xét lời đề nghị, luận tội của đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa cho bị cáo.

[5] Để áp dụng mức hình phạt phù hợp với bị cáo, cần đánh giá mức độ hành vi phạm tội của bị cáo cũng như về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và các yếu tố khác có liên quan của bị cáo, xét thấy đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về hình phạt đối với bị cáo là phù hợp. Đối với đề nghị về hình phạt của người bào chữa cho bị cáo thì HĐXX không đủ cơ chấp nhận.

[6] Xét về nhân thân: Bị cáo không có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng.

[7] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo có bổ đẻ được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì, nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Về tình tăng nặng: Không có.

[8] Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện, xét thấy đến nay, bị cáo không có biểu hiện vi phạm pháp luật mới, đã thực sự hối cải, có khả năng tự cải tạo, vì vậy thấy cần thiết áp dụng mức hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo là phù hợp, qua đó để bị cáo có thời gian cải tạo thành người có ích cho xã hội, đồng thời bảo đảm tính giáo dục chung và có tác dụng đấu tranh, phòng ngừa trước tình hình hình loại tội phạm này đang gia tăng địa phương. Thời gian bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 31/12/2019 đến ngày 12/3/2020 là 73 (Bảy mươi ba) ngày, được quy đổi (01 ngày tạm giữ, tạm giam = 03 ngày cải tạo không giam giữ, như vậy bị cáo được trừ đi là (73 ngày x 03) = 219 ngày. Qua xác minh và báo cáo của chính quyền địa phương thì bị cáo có tài sản để đảm bảo thi hành án như: nhà cửa, đất đai, ô tô, máy xay xát, tủ lạnh, ti vi… hành vi phạm tội của bị cáo là trục lợi cá nhân, nên cần áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo là 30.000.000 đồng mới đủ sức răn đe đối với các bị cáo và phòng ngừa chung trong xã hội. Thấy rằng bị cáo không có công việc ổn định, nên xét thấy không cần thiết phải khấu trừ thu nhập đối với bị cáo.

[9] Về biện pháp tư pháp:

- Đối với số tiền gốc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã trả cho các bị cáo 226.000.000đ (Hai trăm hai mươi sáu triệu đồng chẵn) là phương tiện phạm tội nên cần truy thu sung để công quỹ Nhà nước;

- Đối với số tiền lãi tương ứng với mức 20%/năm theo quy định của Bộ luật dân sự là 6.046.027đ (Sáu triệu không trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm hai mươi bảy đồng) tuy không bị tính xác định trách nhiệm hình sự nhưng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm nên bị truy thu sung công quỹ Nhà nước;

- Khoản tiền lãi vượt quá mức lãi suất 20%/năm là khoản tiền mà bị cáo thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay, do đó bị cáo phải trả lại cho những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án số tiền 33.843.100đ (Ba mươi ba triệu tám trăm bốn mươi ba nghìn một trăm đồng chẵn) cụ thể: Trả lại cho chị Lương Thị H 6.365.988đ; ông Phạm Bá Ch 2.758.562đ; chị Hà Thị T 4.413.699đ; ông Hà Văn H 441.370đ; chị Lương Thị Ch 882.740đ; chị Phạm Thị Ch 318.768đ; anh Ngân Văn Q 3.517.123đ; chị Hà Thị L 62.329đ; chị Hà Thị Tr 3.727.124đ; chị Hà Thị M 6.938.905đ; anh Ngân Văn D 2.199.494đ; anh Ngân Văn D 294.246đ; anh Lò Minh Đ 1.078.904đ; anh Ngân Văn S 755.233đ; chị Phạm Thị D 89.041đ.

- Đối với Ngân Văn D, Hà Văn D, Hà Văn T, Hà Văn H, Lò Văn Th, Lò Minh Ch, Hà Văn Nh. Cơ quan điều tra đã xác minh, hiện những người này không có mặt tại địa phương, không xác định được đang ở đâu, nên chưa lấy được lời khai, nên không đủ căn cứ kết luận việc cho vay tiền và số tiền thu lợi bất chính của Lương Thị E. Nên Hội đồng xét xử không xem xét.

- Đối với các giao dịch, gồm:

+ Ngày 29/6/2018, Lương Thị E đã cho chị Phạm Thị H vay số tiền 15.000.000đ (Mươi lăm triệu đồng), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, ngày 18/9/2018 thì chị H đã trả đủ tiền gốc, số tiền lãi chị còn nợ là 3.600.000đ, đây là là giao dịch dân sự vô hiệu, vi phạm pháp luật, nên chị H không phải trả số tiền nợ này cho Lương Thị E nữa.

+ Ngày 29/3/2019, Lương Thị E đã cho ông Phạm Văn S vay số tiền là 1.000.000đ (Một triệu đồng), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, hiện nay ông S chưa trả tiền gốc và tiền lãi, là giao dịch dân sự vô hiệu, vi phạm pháp luật, vì vậy buộc ông Phạm Văn S phải nộp lại để sung vào Ngân sách nhà nước số tiền là 1.000.000đ.

+ Ngày 24/10/2019 Lương Thị E đã cho anh Hà Văn T vay số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn), lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, hiện anh T chưa trả tiền gốc và tiền lãi, đây là giao dịch dân sự vô hiệu, vi phạm pháp luật, vì vậy buộc anh Hà Văn T phải nộp lại để sung vào Ngân sách nhà nước số tiền là 2.000.000đ.

- Đối với hành vi đánh bạc bằng hình thức ghi số lô đề của Lương Thị E ngày 31/12/2019 với số tiền là 2.191.000đ (Hai triệu một trăm chín mốt nghìn đồng), hành vi này chưa đủ yếu cố cấu thành tội phạm, nên Cơ quan Công an huyện Quan Hóa đã xử phạt vi phạm hành chính, nên HĐXX không xét. Đối với số tiền 2.191.000đ là tiền do bị cáo bán số lô, số đề mà có là hành vi vi phạm pháp luật, Cơ quan cảnh sát điều tra chưa xử lý số tiền này, nên truy thu số tiền này từ bị cáo để sung vào Ngân sách nhà nước.

- Quyết định bảo lĩnh hết hiệu lực thi hành khi án có hiệu lực pháp luật. [10] Về vật chứng, tiền, tài liệu, đồ vật thu giữ:

- Đối với 01 chiếc điện thoại di động NOKIA, loại bàn phím bấm, đã qua sử dụng, không phải là vật chứng vụ án. Cơ quan CSĐT đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là anh Hà Văn Ch. Nên HĐXX chấp nhận.

- Đối với 01 chiếc điện thoại di động Masster, loại bàn phím bấm, đã qua sử dụng và 01 tờ giấy có dòng kẻ ô ly là giấy tờ cam đam vay và trả tiền mang tên Hà Văn Tịch, không phải là vật chứng vụ án. Cơ quan CSĐT đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là Lương Thị E. Nên HĐXX chấp nhận.

- Đối với 01 chiếc két sắt hiệu GOLD SUN, đã qua sử dụng, không phải là vật chứng vụ án. Cơ quan CSĐT đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là anh Hà Văn Ng. Nên HĐXX chấp nhận.

- Đối với số tiền 276.550.000đ (Hai trăm bảy sáu triệu năm năm năm nươi nghìn đồng, thì Cơ quan CSĐT đã trả lại cho anh Hà Văn Ng số tiền 135.000.000đ (Một trăm ba mươi lăm triệu đồng), anh Ng nhận tiền theo sự ủy quyền của những người sở hữu hợp pháp là ông Lương Văn Ò là 15.000.000đ, anh Hà Văn H là 30.000.000đ, anh Ngân Văn Đ là 40.000.000đ, anh Hà Văn Ng là 50.000.000đ.

- Đối với số tiền 141.550.000đ còn lại trong tổng số tiền bị thu giữ, thì đây là tiền do bị cáo dùng để làm phương tiện phạm tội, tiền do phạm tội mà có, nên HĐXX quyết định quy trữ số tiền này để đảm bảo cho việc thi hành án.

- Đối với 02 quyển sổ: Gồm 01 quyển bìa màu xanh, mặt trước có hình các loại sinh vật biển, mặt sau có hình bảng cửu chương, bên trong có 48 trang, trên một số trang có ghi chữ và 01 quyển bìa màu màu hồng, mặt trước có dòng chữ “School Notebook”, bên trong có 34 trang, trên một số trang có chữ viết và số tự nhiên. 02 quyển sổ này là vật chứng của vụ án, đã được sao y lưu trong hồ sơ vụ án, còn bản gốc tịch thu tiêu hủy.

- Đối với 09 bảng thống kê số lô, số đề, được ký hiệu từ E1, E2, E3, E4, E5, E6, E7, E8, E9 thì đây không phải là vật chứng của vụ án, là vật chứng của hành vi vi phạm hành chính, không có giá trị sử dụng, tịch thu tiêu hủy.

[11] Về án phí, kháng cáo, kháng nghị: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định; Bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền khác cáo theo quy định; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo luật định.

[12] Các nhận định khác:

- Đối với hành vi mua số lô, số đề ngày 31/12/2019 của những người, gồm: Lương Văn Ò, Hà Văn H, Lương Văn Th, Hà Văn S, Hà Văn Th, Hà Văn Th, Hà Thị T, Hà Thị Ng, Hà Văn D, Phạm Văn Ch, hành vi đánh bạc của những người này chưa đủ yếu cố cấu thành tội phạm, nên Cơ quan Công an huyện Quan Hóa đã xử phạt vi phạm hành chính đối với những người này, nên HĐXX không xét.

- Đối với đề nghị xin lại tài sản của anh Hà Văn Th với số tiền là 65.000.000đ, thì quá trình xem xét, xét thấy đây là giao dịch dân sự giữa anh Th và bị cáo Lương Thị E, không liên quan đến vụ án, nên giành quyền khởi kiện cho anh Thành ở vụ án dân sự khác, khi có yêu cầu.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ vào:

Điều 260, điều 292, 293 Bộ luật tố tụng hình sự;

Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 201; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36, Điều 46, Điều 47; Điều 48 của Bộ luật Hình sự;

Căn cứ vào điểm a khoản 2; điểm a khoản 3 Điều 106; Điều 135; khoản 2 Điều 136; Điều 262; Điều 331; Điều 333; Điều 337 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Căn cứ Điều 123, điều 131, điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 6; điểm a, khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Lương Thị E phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

2. Về hình phạt:

2.1. Xử phạt bị cáo Lương Thị E 15 (Mười lăm) tháng cải tạo không giam giữ, được trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam là 219 (Hai trăm mười chín) ngày = 07 (Bảy) tháng 09 (Chín) ngày, còn lại bị cáo phải chấp hành là 07 (Bảy) tháng 21 (Hai mươi mốt) ngày cải tạo không giam giữ. Thời hạn tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo Lương Thị E cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã S, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Không áp dụng biện pháp khấu trừ thu nhập của bị cáo Lương Thị E.

- Phạt bổ sung bị cáo Lương Thị E 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng) để sung Ngân sách Nhà nước.

3. Về biện pháp tư pháp:

3.1. Truy thu đối với bị cáo Lương Thị E, gồm:

- Truy thu của bị cáo số tiền gốc cho vay lãi nặng là: 226.000.000đ (Hai trăm hai mươi sáu triệu đồng) để sung vào Ngân sách Nhà nước;

- Truy thu của bị cáo số tiền lãi tương ứng với mức 20%/năm theo quy định, số tiền là 6.046.027đ (Sáu triệu không trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm hai mươi bảy đồng) để sung vào Ngân sách Nhà nước;

- Tủy thu của bị cáo số tiền là 2.191.000đ (Hai triệu một trăm chín mốt nghìn đồng) do bán số lô, số đề mà có để sung vào Ngân sách Nhà nước.

3.2. Buộc bị cáo Lương Thị E phải có trách nhiệm trả lại cho những người có quyền lợi nghĩa liên quan đến vụ án tổng số tiền lãi thu vượt mức 20%/năm là 33.843.100đ (Ba mươi ba triệu tám trăm bốn mươi ba nghìn một trăm đồng chẵn), cụ thể:

- Trả lại cho chị Lương Thị H số tiền 6.365.988 đồng;

- Trả cho ông Phạm Bá Ch số tiền 2.758.562 đồng;

- Trả cho chị Hà Thị T số tiền 4.413.699 đồng;

- Trả cho ông Hà Văn H số tiền 441.370 đồng;

- Trả cho chị Lương Thị Ch số tiền 882.740 đồng;

- Trả cho chị Phạm Thị Ch số tiền 318.768 đồng;

- Trả cho anh Ngân Văn Q số tiền 3.517.123 đồng;

- Trả cho chị Hà Thị L số tiền 62.329 đồng;

- Trả cho chị Hà Thị Tr số tiền 3.727.124 đồng;

- Trả cho chị Hà Thị M số tiền 6.938.905 đồng;

- Trả cho anh Ngân Văn D số tiền 2.199.494 đồng;

- Trả cho anh Ngân Văn D số tiền 294.246 đồng;

- Trả cho anh Lò Minh Đ số tiền 1.078.904 đồng;

- Trả cho anh Ngân Văn S số tiền 755.233 đồng;

- Trả cho chị Phạm Thị D số tiền 89.041 đồng.

Khi Bản án có hiệu lực pháp luật bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành nếu bên phải thi hành chậm trả thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo Điều 357 của Bộ luật dân sự. Lãi suất phát sinh chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

3.3. Buộc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên, gồm:

- Anh Phạm Văn S phải nộp lại số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng chẵn) để tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước.

- Anh Hà Văn T phải nộp lại số tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn) để tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước.

3.4. Quyết định bảo lĩnh số 01/2020/QĐ-TA ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa hết hiệu lực thi hành khi bản án có hiệu lực pháp luật.

4. Về xử lý vật chứng:

- Quy trữ để đảm bảo cho việc thi hành án, đối với số tiền 141.550.000đ (Một trăm bốn mươi mốt triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng) kèm theo Giấy nộp tiền vào tài khoản số 01 ngày 28/5/2020.

- Tịch thu tiêu hủy, gồm:

+ 01 quyển bìa màu xanh, mặt trước có hình các loại sinh vật biển, mặt sau có hình bảng cửu chương, bên trong có 48 trang, trên một số trang có ghi chữ, được đựng trong một phong bì niêm phong mẫu vật do Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Hóa phát hành, dán kín, niêm phong bởi các chữ ký, ghi rõ họ tên của Lê Ngọc Sơn, Lê Đình Hòa, Hà Mạnh Hùng, Lương Thị E và các hình dấu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Hóa.

+ 01 quyển bìa màu màu hồng, mặt trước có dòng chữ “School Notebook”, bên trong có 34 trang, trên một số trang có chữ viết và số tự nhiên, được đựng trong một phong bì niêm phong mẫu vật do Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Hóa phát hành, dán kín, niêm phong bởi các chữ ký, ghi rõ họ tên của Lê Ngọc Sơn, Lê Đình Hòa, Hà Mạnh Hùng, Lương Thị E và các hình dấu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Hóa.

+ 09 bảng thống kê số lô, số đề, được ký hiệu từ E1, E2, E3, E4, E5, E6, E7, E8, E9 được đựng trong một túi (loại túi đụng hồ sơ hộ khẩu) và dán kín niêm phong, bên ngoài có các chữ ký, chữ viết của được đựng trong một phong bì niêm phong mẫu vật do Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Hóa phát hành, dán kín, niêm phong bởi các chữ ký, ghi rõ họ tên của Lê Ngọc Sơn, Lê Đình Hòa, Hà Mạnh Hùng, Lương Thị E và các hình dấu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Hóa.

Tất cả các vật chứng kể trên hiện đang lưu giữ, bảo quản tại kho tang vật của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quan Hóa theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 28/5/2020 giữa Công an huyện Quan Hóa và Chi cục THADS huyện Quan Hóa.

5. Về án phí:

Buộc bị cáo Lương Thị E phải nộp số tiền 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ để sung Ngân sách Nhà nước;

6. Về Kháng cáo, kháng nghị:

Án xử công khai; Có mặt bị cáo, Người bào chữa cho bị cáo và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, gồm: chị Huyến, chị Tú, ông Hồng, chị Chín, anh Dược, anh Sờn, chị Hiện, anh Sự và anh Tốn; Bị cáo và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; Người vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ hoặc niêm yết bản án theo quy định.

Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, điều 7, điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án căn cứ điều 30 luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

64
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 22/2020/HS-ST

Số hiệu:22/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quan Hóa - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về