Các tranh chấp về hợp đồng hợp tác kinh doanh thường xoay quanh các vấn đề như sau:
- Khởi kiện yêu cầu rút vốn đầu tư.
- Tranh chấp về tài sản, lợi tức của hoạt động hợp tác kinh doanh.
- Tranh chấp liên quan đến việc minh bạch trong quản lý việc kinh doanh theo đúng thỏa thuận hợp đồng làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên.
Dưới đây, là tổng hợp các bản án có nội dung về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh, mời các bạn tham khảo cách giải quyết của Tòa án các cấp:
1. Bản án 146/2019/DSPT ngày 21/08/2019 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ
- Trích dẫn nội dung: “Ngày 26/3/2018, vợ chồng ông ký Hợp đồng thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần M (viết tắt là Công ty) để góp vốn kinh doanh và phân chia lợi nhuận với thời hạn là 03 năm. Theo đó, vợ chồng ông góp 150.000.000 đồng để Công ty xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nội thất nhựa cao cấp, quá trình kinh doanh bị lỗ nên vợ chồng ông liên hệ với Công ty để chấm dứt hợp đồng. Nay vợ chồng ông khởi kiện yêu cầu Công ty trả lại vốn góp còn lại là 136.632.000 đồng, sau khi đã trừ chi phí đầu tư ban đầu theo thỏa thuận.”
2. Bản án 913/2019/KDTM-PT ngày 15/10/2019 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- Trích dẫn nội dung: “Công ty HPH có ký Hợp đồng hợp tác số 01/HĐHT-HPH/2017 với Công ty ML. Hai bên thống nhất hợp tác khai thác khu nhà khách Bộ tư lệnh Thành phố H với dịch vụ khách sạn mang thương hiệu MV. Thời hạn hợp đồng hợp tác kinh doanh đến hết ngày 06/6/2022. Theo đó, Công ty ML sẽ được hưởng toàn bộ lợi nhuận, lợi ích thu được từ hoạt động kinh doanh và từ năm 2017 đến năm 2020 chia lợi nhuận cho Công ty HPH là 28.000 USD/tháng, từ năn 2020 đến năm 2022 là 30.800 USD/tháng. Công ty HPH có nhận số tiền cọc của Công ty ML là 3.184.300.000 đồng. Ngay sau khi ký kết hợp đồng, Công ty HPH đã tiến hành bàn giao toàn bộ công trình và trang thiết bị đầu tư tại đây cho Công ty ML để tiến hành việc kinh doanh khách sạn. Công ty ML vẫn thanh toán số tiền chia lợi nhuận đầy đủ bằn tiền đồng Việt Nam qua tài khỏan của Công ty HPH cho đến tháng 6/2018 thì Công ty ML không thanh toán tiền lợi nhuận mặc dù vẫn đang tiếp tục hoạt động kinh doanh tại đây.”
3. Bản án 720/2020/DS-PT ngày 28/07/2020 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- Trích dẫn nội dung: “Ông T và vợ chồng ông Q, bà N1 có ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 14/3/2008 với nội dung: Căn nhà và đất số 76/9 NTT có diện tích 1.551,85m² là tài sản chung giữa ông T (sở hữu 35%) và vợ chồng ông Q, bà N1 (sở hữu 65%).Hai bên thống nhất vợ chồng ông Q và bà N1 đứng tên trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và không được mua bán, thế chấp, cho thuê hoặc sử dụng nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của ông T. Về thanh lý hợp đồng hai bên thống nhất sau khi chuyển nhượng căn nhà trên, phần vốn của bên nào bên đó lấy về, phần lãi được chia theo tỷ lệ ông T được 40% và vợ chồng ông Q, bà N1 được 60%. Nếu không bán thì các bên sẽ chia đất theo tỷ lệ góp vốn.”
4. Bản án 148/2020/DS-PT ngày 23/11/2020 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
- Trích dẫn nội dung: “ Thông qua bạn bè giới thiệu, ông L được biết vợ chồng ông Nguyễn Văn T và Tô Thị Hồng Y có diện tích nhà xưởng bỏ trống không sản xuất mặt hàng gì. Sau khi tiếp xúc, gặp gỡ và thảo luận, ông L và vợ chồng ông T thống nhất hợp tác sản xuất viên gỗ nén tại nhà xưởng của ông T. Vợ chồng ông T có nhà xưởng nhưng không có máy móc, thiết bị chuyên dụng sản xuất viên gỗ nén và không có vốn kinh doanh. Vì vậy, ngày 05-6-2018 sau khi thỏa thuận, ông L và ông T ký hợp đồng hợp tác sản xuất viên gỗ nén. Sau khi nhận máy móc thiết bị và tiền đầu tư, ông T đã đưa vào sử dụng sản xuất viên gỗ nén. Tính đến ngày 08-11-2018 ông T đã chia lợi nhuận cho ông L được 03 lần, tổng số tiền là 150.000.000 đồng. Sau đó, ông T ngừng hoạt động sản xuất viên gỗ nén nên không có sản phẩm. Ngày 13/12/2019 vợ chồng ông T đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ thửa đất và nhà xưởng sản xuất viên gỗ nén cho người khác. Do vậy, nay ông L không đồng ý tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận.”
5. Bản án 09/2020/KDTM-PT ngày 29/09/2020 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang
- Trích dẫn nội dung: “Do có mối quan hệ quen biết với nhau nhiều năm nên Quách Trường T và Huỳnh Thanh T1 đã hai lần thực hiện việc thỏa thuận hợp tác kinh doanh đầu tư vào dự án để thu lợi nhuận. Đối với hai dự án đều do ông Huỳnh Thanh T1 đại diện cho công ty ký kết. Về việc giao nhận tiền đều do ông T1 và ông T tự giao nhận với nhau, sau khi nhận đủ tiền thì ông T1 và ông T mới lập biên nhận nhận tiền. Việc giao nhận tiền không có người chứng kiến. Sau khi ký kết hợp đồng và nhận tiền, phía công ty vi phạm hợp đồng. Cụ thể là: Công ty không cung cấp thông tin về việc đầu tư, không thông tin về tiến độ thực hiện dự án, không trao đổi, bàn bạc, chia lợi nhuận cho ông T theo thỏa thuận, thậm chí còn trốn tránh, ngăn cản không cho ông T vào dự án và không thừa nhận phần vốn ông T đã góp vào công ty.”