Bản án về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số 141/2021/HNGĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 141/2021/HNGĐ-ST NGÀY 06/09/2021 VỀ THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 06 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án Hôn nhân gia đình thụ lý số 71/2021/TLST-HNGĐ ngày 12 tháng 4 năm 2021 về “ Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 107/2021/QĐXXST-HNGĐ ngày 08 tháng 7 năm 2021; Quyết định hoãn phiên tòa số 133/2021/QĐ-ST ngày 26/7/2021, Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa ngày 06/8/2021 giữa:

1. Nguyên đơn: Anh Lê Văn H, sinh năm 1987. Địa chỉ: Thôn B, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương. Có mặt.

2. Bị đơn: Chị Lê Thị M, sinh năm 1995.

Địa chỉ trước khi xuất cảnh: Thôn Th, xã Y, huyện Gi, tỉnh Hải Dương. Hiện đang lao động tại: Nhật Bản. Vắng mặt và đề nghị xét xử vắng mặt.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Ông Lê Quang M, sinh năm 1955 và bà Phạm Thị K, sinh năm 1960. Đều có mặt.

Địa chỉ: Thôn Th, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương.

4. Người làm chứng: Ông Lê Văn H – Sinh năm 1963. Vắng mặt. Địa chỉ: Thôn B, xã Y, huyện Gi, tỉnh Hải Dương.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai của nguyên đơn anh Lê Văn H trình bày:

Trước đây anh và chị M là vợ chồng, hai bên có một con chung là L, sinh ngày 21/10/2014. Do bất đồng quan điểm, mâu thuẫn nên năm 2019 anh và chị M đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 130/2019/QĐST-HNGĐ ngày 12/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Theo đó, chị M là người trực tiếp, nuôi dưỡng, chăm sóc con chung. Đầu năm 2021 chị M sang Nhật Bản lao động, để cháu D cho ông bà ngoại là ông Lê Quang M và bà Phạm Thị K chăm sóc, nuôi dưỡng. Do con chung mới vào cấp 1, còn nhiều bỡ ngỡ trong việc học tập nên cần có bố mẹ bên cạnh để kèm cặp. Tuy nhiên, do chị Minh không ở Việt Nam, ông bà ngoại đã nhiều tuổi (trên 60 tuổi) nên không thể kèm cháu học. Mặt khác mỗi lần anh xuống chơi và đón con đều bị ông bà ngoại từ chối, không cho thăm gặp. Hiện tại anh đang làm công nhân tại công ty TNHH Zhang Hong Việt Nam, thời gian lao động từ 8 giờ đến 12 giờ, bình quân tiền lương từ 14 triệu/tháng, anh có đủ khả năng để nuôi con. Nay anh đề nghị Tòa án giải quyết cho anh được nuôi con chung là Lê Văn Tiến D, anh tự nguyện không yêu cầu chị M phải cấp dưỡng cho con.

Tại biên bản lấy lời khai của ông Lê Quang M và bà Phạm Thị K là bố mẹ đẻ chị M xác định: Chị M đi Nhật Bản lao động từ tháng 01/2021, địa chỉ của chị M ở nước ngoài ông bà không biết, nhưng hàng ngày chị M vẫn gọi điện về cho gia đình. Trước khi đi nước ngoài, chị Minh đã làm thủ tục ủy quyền và đăng ký giám hộ, theo đó ông bà được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Lê Văn Tiến D trong thời gian chị M không ở Việt Nam. Hiện tại ông bà chăm sóc cháu D rất tốt, được học hành đầy đủ nên không đồng ý việc anh H làm đơn đề nghị thay đổi quyền nuôi con. Ông bà đồng ý nhận văn bản tố tụng và có trách nhiệm thông báo cho chị M biết.

Thông qua gia đình, chị M có quan điểm không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của anh Hảo, chị vẫn đề nghị được quyền nuôi con.

Tòa án xác minh tại Ủy ban nhân xã Y huyện Gia L, tỉnh Hải Dương thể hiện: Sau khi anh H, chị Minh ly hôn, chị M là người nuôi con và về nhà bố mẹ đẻ là ông Lê Quang M và bà Phạm Thị K tại thôn Th, xã Y sinh sống. Đầu năm 2021 chị M đi nước ngoài, còn con chung là Lê Văn Tiến D do ông bà ngoại chăm sóc. Sau khi ly hôn anh Hảo đã xây dựng gia đình mới, hiện chưa có con chung. Ông M, bà K chăm sóc cháu D tốt, được học tập và phát triển bình thường. Nay anh H có đơn đề nghị thay đổi quyền nuôi con, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cháu Lê Văn Tiến D có nguyện vọng được ở với mẹ là Lê Thị M. Trong thời gian mẹ cháu Lê Thị M không ở Việt Nam cháu D có nguyện vọng được ở với ông bà ngoại.

Người làm chứng ông Lê Văn H khai: Chị M và anh H đã ly hôn, hiện nay anh H đã xây dựng gia đình mới và đang ở cùng nhà ông. Anh H đi làm công nhân, có thu nhập ổn định. Việc ông và gia đình thăm gặp, đón cháu D thường bị gia đình thông gia hạn chế, gây khó khăn. Trong thời gian chị M đi nước ngoài, cháu D ở với ông bà ngoại có sức khỏe và học tập tốt. Nếu Tòa án giao cháu D cho anh H nuôi dưỡng, ông sẽ hỗ trợ việc chăm sóc, đưa đón cháu D đi học.

Tại phiên tòa: Anh xác định hiện nay con chung bước vào năm học mới cần có sự chăm sóc, kèm cặp trong việc học tập. Bản thân anh là công nhân, có công việc và thu nhập ổn định, trong khi đó chị M ở nước ngoài nên không thể chăm sóc con bằng anh. Do vậy anh đề nghị giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và tự nguyện chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.

Ông M, bà K khai: Trước khi đi nước ngoài, chị M đã ủy quyền cho ông bà nuôi dưỡng cháu. Ông bà vẫn còn khỏe mạnh, có nhiều thời gian chăm sóc cháu ngoại. Cháu D được ông bà cho ăn học đầy đủ, phát triển bình thường. Nếu cháu Dũng có nguyện vọng ở với anh H thì ông bà không có ý kiến gì. Chị M cũng đã được ông bà thông báo về việc Tòa án giải quyết yêu cầu khởi kiện của anh H, chị M không đồng ý yêu cầu khởi kiện. Do công việc ở nước ngoài bận nên chị không về tham gia tố tụng được nên đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt. Trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu của anh H thì ông bà vẫn đồng ý tiếp tục nuôi dưỡng cháu D.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử (HĐXX), Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (viết tắt BLTTDS). Về việc giải quyết vụ án: Áp dụng Điều 81, 82, 83 Luật Hôn nhân và gia đình, Điều 147 của BLTTDS, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung của anh Lê Văn H. Giao cháu Lê Văn Tiến D, sinh ngày 21/10/2014 cho anh Hảo nuôi dưỡng, chị Minh không phải cấp dưỡng cho con. Anh Lê Văn H phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và xem xét ý kiến của các đương sự, quan điểm đại diện Viện kiểm sát, HĐXX nhận định:

[1] Về tố tụng: Nguyên đơn anh Lê Văn H khởi kiện bị đơn chị Lê Thị M có nơi cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh ở Thôn Th, xã Y, huyện Gi, tỉnh Hải Dương, hiện đang lao động tại Nhật Bản nhưng không rõ địa chỉ cụ thể. Do vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết vụ án, anh H không cung cấp được địa chỉ của chị M ở nước ngoài. Chị M thường xuyên liên lạc qua điện thoại với bố mẹ đẻ là ông Lê Quang M và bà Phạm Thị K. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã đề nghị người thân của chị Minh cung cấp địa chỉ, nhưng gia đình không cung cấp được. Sau khi nhận các văn bản tố tụng, gia đình đã thông báo cho chị Minh biết việc Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, theo đơn khởi kiện của anh H. Tòa án đã niêm yết các văn bản tố tụng theo quy định của pháp luật. Khi. Đến ngày mở phiên tòa lần thứ hai chị M vẫn vắng mặt. Căn cứ Điều 227 và khoản 1 Điều 228 BLTTDS, HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt đương sự theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung: Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 130/2019/QĐST- HNGĐ ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc đã quyết định giao con chung là Lê Văn Tiến Dũ, sinh ngày 21/10/2014 cho chị Lê Thị M chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi con đủ 18 tuổi. Sau khi ly hôn, anh Hảo đã kết hôn với người khác nhưng chưa có con chung, hiện anh H làm việc tại công ty ZhangHong ở Cẩm Giàng, Hải Dương với mức thu nhập trung bình 14.000.000đ/tháng. Căn cứ công văn số 10875/QLXNC – P5 ngày 10 tháng 5 năm 2021 của Cục quản lý xuất nhập cảnh – Bộ công an đã xác định chị Lê Thị M xuất cảnh ngày 07/01/2021 qua cửa khẩu Nội Bài, hiện chưa có thông tin nhập cảnh. Ông Lê Quang Mậu và bà Phạm Thị K xác đinh chị M hiện đang lao động tại Nhật Bản, không có mặt tại Việt Nam, trước khi chị Minh đi nước ngoài đã làm thủ tục ủy quyền và đăng ký tại UBND xã Y để bà Phạm Thị K là người giám hộ cho cháu Lê Văn Tiến D. Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định anh Hảo và chị Minh đều có thu nhập, có điều kiện về kinh tế để nuôi con. Chị Minh có ủy quyền cho bà Kết và bà Kết đồng ý nuôi con thay chị trong thời gian chị ở nước ngoài nhưng anh Hảo không đồng ý để bà Kết nuôi con của anh. Mặc dù con chung Lê Văn Tiến D có nguyện vọng ở với chị M, tuy nhiên thực tế chị M hiện đang sinh sống, lao động ở Nhật Bản nên không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung. Anh H có mặt tại Việt Nam, có đủ điều kiện dạy con trong việc học tập, chăm sóc và nuôi dưỡng con chung. Từ phân tích trên, xét thấy việc giao con Lê Văn Tiến D cho anh Hảo trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng là phù với Điều 81, 82, 83 và 84 Luật Hôn nhân và gia đình và cũng đảm bảo sự phát triển toàn diện của con chung chưa thành niên. Chấp nhận sự tự nguyện của anh H không yêu cầu chị M phải cấp dưỡng cho con. Sau này chị M về Việt Nam, nếu có căn cứ cho rằng anh H nuôi con không đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của con chung hoặc không còn đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung thì có quyền làm đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

[3] Về án phí: Chấp nhận sự tự nguyện của anh Lê Văn H chịu án phí dân sự (về hôn nhân gia đình) sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì những lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 58, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử : Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Lê Văn H.

1.Giao cho anh Lê Văn H trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung là Lê Văn Tiến D, sinh ngày 21/10/2014 cho đến khi con chung thành niên (đủ 18 tuổi). Chấp nhận sự tự nguyện của anh Lê Văn Hảo không yêu cầu chị Lê Thị M phải cấp dưỡng cho con.

Không ai được cản trở chị Lê Thị M thực hiện quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung.

2.Về án phí: Chấp nhận sự tự nguyện của anh Lê Văn H chịu toàn bộ số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm về Hôn nhân gia đình và được đối trừ số tiền tạm ứng án phí 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai thu số AA/2018/0005837 ngày 12 tháng 4 năm 2021 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.

3.Về quyền kháng cáo: Anh Lê Văn H, bà Phạm Thị K, ông Lê Quang M được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Chị Lê Thị M được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

179
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số 141/2021/HNGĐ-ST

Số hiệu:141/2021/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 06/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về