12/04/2019 10:34

Tài sản chung của hai vợ chồng sau khi ly hôn sẽ được chia như thế nào?

Tài sản chung của hai vợ chồng sau khi ly hôn sẽ được chia như thế nào?

Hôn nhân là kết quả của quá trình yêu thương giữa hai con người nhưng không ai đảm bảo rằng cuộc hôn nhân đó có thể duy trì mãi mãi. Khi mục đích hôn nhân không còn đạt được thì ly hôn là lựa chọn cuối cùng để giải thoát cho nhau.

Quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, liên quan đến vấn đề tài sản vợ, chồng được quyền phân chia tài sản hoặc yêu cầu Tòa án chia. Vậy phải xác định tài sản chung như thế nào và chia ra sao?

Khối tài sản chung được xác định căn cứ theo Điều 33 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

Nội dung này được khái quát bằng Bản án 34/2018/HNGĐ-ST ngày 07/03/2018 về ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Tóm tắt nội dung bản án:

Chị Nguyễn Thị V (vợ) kết hôn với anh Trịnh Xuân M vào năm 1995.

Về tài sản: Khi kết hôn hai người được ông, bà Trịnh Xuân B (bố mẹ đẻ anh M) cho một mảnh đất 334m2. Vào năm 2012 hai vợ chồng xây 01 căn nhà cấp 4 và công trình phụ trên diện tích đất nêu trên.

Ở đây tài sản chung được Tóa án xác định là bao gồm mảnh đất mà bố mẹ anh M đã cho hai vợ chồng anh và tài sản mà người người tự tạo lập được trong quá trình hôn nhân là căn nhà cấp 4 và các công trình phụ hai người đã xây dựng được sau khi kết hôn.

Về con chung: Hai người chung sống với nhau và có 3 người con lần lượt là Trịnh Thị V (1996), Trịnh Thị H (2001) và Trịnh Xuân V (2006).

Phần giải quyết của Tòa án và bình luận:

Thứ nhất, nguyên tắc chia tài sản chung như sau:

Theo Khoản 1, Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tài sản chung sẽ được chia theo nguyên tắc:

+ Phân chia tài sản theo thỏa thuận của các bên.

+ Phân chia tài sản theo quy định của pháp luật.

Sẽ ưu tiên phân chia theo thỏa thuận của các bên, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được yêu cầu Tòa án giải quyết thì tòa án sẽ chia khối tài sản chung này.

Nếu phần tài sản hai vợ chồng thỏa thuận được và chỉ yêu cầu Tòa án công nhận thì sẽ chỉ phải đóng án phí dân sự sơ thẩm: 300.000 đồng. Nếu không thỏa thuận được và yêu cầu tòa chia thì phải đóng án phí theo giá ngạch được tính dựa trên giá trị tài sản được chia.

Ở đây vì hai người yêu cầu chia tài sản nên ngoài 300.000 án phí dân sự sơ thẩm, chị V phải chịu thêm 7.399.600 đồng và anh M phải chịu 8.081.100 đồng án phí cho việc yêu cầu Tòa chia tài sản.

Xem chi tiết án phí tại danh mục Án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14

Thứ hai, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng cũng còn xem xét đến một số yếu tố như sau: căn cứ vào hoàn cảnh, phần đóng góp của mỗi bên vào khối tài sản chung đó, lỗi của mỗi bên dẫn đến ly hôn.

Khoản 2, Khoản 3, Điều 59, Luật hôn nhân và Gia đình 2014

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Số tài sản của hai người được chia đôi, tuy nhiên Tòa án đã dựa theo mảnh đất mà hai người đang ở có nguồn gốc của bố mẹ anh V nên khi chia cũng xem xét cho anh M có phần nhiều hơn.

Để tiện cho việc sử dụng và không làm mất đi giá trị sử dụng của tài sản thì đối với tài sản gắn liền trên đất sẽ được chia và giao cho bên nào được quyền sử dụng đất được sở hữu phần tài sản gắn liền với phần diện tích đất đó, phần chệnh lệch về tài sản sẽ được bên kia giao lại bằng tiền.

Tòa án chia như sau:

Giao chị Nguyễn Thị V được quyền sở hữu khu nhà bếp trị giá 24.854.000 đồng; chuồng trại mái prôximăng trị giá 12.573.000 đồng; cổng sắt trị giá 1.725.000 đồng; mái tôn không tường (2x3,4m) trị giá 2.040.000 đồng và quyền sử dụng diện tích đất 167 m2 trị giá 66.800.000 đồng. Tổng cộng: 107.992.000 đồng

Giao anh Trịnh Xuân M được quyền sở hữu 01 nhà ở mái ngói trị giá 132.476.000 đồng; mái tôn (2,3 x 3,4m) trị giá 2.346.000 đồng và quyền sử dụng diện tích đất 167 m2 trị giá 66.800.000 đồng. Tổng cộng: 201.622.000 đồng

Phần chệnh lệch tài sản anh Trịnh Xuân M có nghĩa vụ giao lại cho chị Nguyễn Thị V số tiền 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng).

Phần chênh lệch tài sản của anh M so với chị V là gần 100.000.000 đồng nhưng anh M chỉ phải giao lại cho chị V 40.000.000 đồng.

Cách tòa án đã chia:

+ Chia đôi mảnh đất: mỗi người 167m2

+ Nhà của hai vợ chồng xây dựng nhưng anh M được phần nhiều hơn.

Không thể sẻ đôi căn nhà và cho mỗi người một nửa như thế làm mất giá trị căn nhà, thay vào đó Tòa chia cho mỗi người một nửa mảnh diện tích đất vì phần này dễ chia đôi hơn so và việc này cũng không làm mất giá trị của thửa đất.

Thay vì phải trả cho chị V gần phần chênh lệch là gần 100.000.000 đồng anh chỉ trả 40.000.000 đồng (40.000.000 triệu này coi như phần chênh lệch trong việc anh được hưởng phần hơn của căn nhà và gần 60.000.000 đồng còn lại anh được hưởng nhiều hơn vì đây là đất của bố mẹ cho anh).

Như vậy, việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn có thể được giải quyết theo thỏa thuận của vợ chồng hoặc bằng con đường Tòa án.

Đức Phong
37917

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]