Tại Điều 115, 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 115. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn
Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.”
“Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Tại Bản án 14/2017/HNGĐ-ST ngày 01/09/2017 về tranh chấp ly hôn, nuôi con chung, vay nợ chung giữa chị Dịch Thị C với anh Nông Văn H thì phía anh Nông Văn H đã yêu cầu chị C cấp dưỡng cho mình vì anh H đã ngã bất tỉnh vào ngày 20/12/2016 (âm lịch) từ đó có biểu hiện về thần kinh.
Mặc dù vậy, Hội đồng xét xử xét thấy Anh Nông Văn H đã được hưởng trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng theo Quyết định số 1253/QĐ-UBND, ngày 31/3/2017 của Chủ tịch UBND huyện Văn Quan và có tài sản là ruộng, vườn, rừng do ông cha để lại có thể tạo ra của cải nuôi sống được bản thân. Mặt khác chị Dịch Thị C không có tài sản riêng, thu nhập chủ yếu từ sức lao động phổ thông, không ổn định, đã phải cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn nên không có điều kiện để cấp dưỡng cho chồng.Vì vậy, Tòa án không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của phía anh Nông Văn H về việc yêu cầu chị C cấp dưỡng.
Vậy, pháp luật có quy định về việc vợ chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau sau khi ly hôn nếu bên kia gặp khó khăn, túng thiếu nhưng không có quy định cụ thể khi nào thì phải cấp dưỡng. Vì vậy, yêu cầu vợ, chồng cấp dưỡng cho mình có được chấp nhận hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các nhận định từ phía tòa án, không phải khi nào yêu cầu cấp dưỡng cũng được chấp nhận.