25/09/2018 09:47

Vợ chồng ly hôn lần thứ hai Tòa án có giải quyết việc nuôi con chung không?

Vợ chồng ly hôn lần thứ hai Tòa án có giải quyết việc nuôi con chung không?

Tôi muốn hỏi vợ chồng ly hôn lần thứ hai Tòa án có giải quyết việc nuôi con chung không?

Trong thực tế, có trường hợp vợ chồng ly hôn lần thứ nhất Tòa án đã giải quyết giao con cho người vợ/người chồng nuôi dưỡng, sau đó họ đăng ký kết hôn lại và vì nhiều lý do khác nhau họ lại ly hôn thì lần ly hôn thứ hai Tòa án có giải quyết việc nuôi con chung nữa không? Vấn đề này hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.

Chẳng hạn như vụ việc sau:

Năm 2013, Tòa án nhân dân huyện X đã giải quyết bằng bản án, quyết định cho anh T và chị C ly hôn; giao cháu B, sinh năm 2008 cho chị C tiếp tục nuôi dưỡng, anh T không phải cấp dưỡng cho cháu B vì chị C không yêu cầu.

Năm 2014, anh T và chị C quay lại chung sống và đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật. Trong thời gian chung sống, anh T và chị C tiếp tục phát sinh nhiều mâu thuẫn nên anh T nộp đơn ly hôn chị C và yêu cầu Tòa án giải quyết cho anh T được quyền nuôi cháu B. Vậy Tòa án có giải quyết yêu cầu nuôi con của anh T không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi anh T và chị C đăng ký kết hôn lần thứ hai thì quan hệ hôn nhân của họ là hợp pháp. Tuy nhiên, trong thời gian chung sống, sau khi ly hôn giữa anh T và chị C không có thêm người con chung nào khác. Như vậy, nếu anh T và chị C có tranh chấp ly hôn và anh T có yêu cầu Tòa án giải quyết cho anh được quyền nuôi cháu B thì Tòa án chỉ giải quyết ly hôn giữa anh T và chị C. Còn yêu cầu giải quyết nuôi con chung thì Tòa án không được giải quyết. Bởi vì:

- Vấn đề tranh chấp nuôi con (cháu B) giữa anh T và chị C đã được Tòa án giải quyết xong. Cho nên Tòa án không được giải quyết tranh chấp nuôi con giữa anh T và chị C lần thứ hai.

- Bản án giải quyết ly hôn giữa anh T và chị C của Tòa án nhân dân huyện X vẫn còn hiệu lực pháp luật (trừ quyết định cho anh T và chị C ly hôn). Vì bản án chưa bị hủy bỏ hoặc sửa một phần bởi bản án hoặc quyết định nào khác. Cho nên chị C vẫn có quyền tiếp tục nuôi dưỡng cháu B theo Bản án của Tòa án nhân dân huyện X.

- Nếu có căn cứ cho rằng chị C không đảm bảo được điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc… đối với cháu B thì anh T chỉ được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn mà không được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về nuôi con chung.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng:  Theo quy định của pháp luật thì khi giải quyết tranh chấp về ly hôn, Tòa án phải giải quyết các vấn đề liên quan bao gồm: nuôi con chung, cấp dưỡng, chia tài sản chung… Vì vậy, khi anh T và chị C đăng ký kết hôn lần thứ hai thì giữa anh T và chị C đã tạo lập hôn nhân mới nên khi họ có tranh chấp về nuôi con khi ly hôn thì Tòa án phải giải quyết giao con cho một trong hai người vợ hoặc chồng nuôi dưỡng.

Việc Tòa án giao cháu B cho chị C nuôi dưỡng không có giá trị vĩnh viễn. Năm 2014, anh chị đăng ký kết hôn lại thì đã tái thiết lập mối quan hệ vợ chồng giữa T và C, giữa anh chị với con chung là cháu B. Do vậy, khi ly hôn lần 2, Tòa án phải tiếp tục giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc ly hôn của anh T và chị C, trong đó có tranh chấp về quyền nuôi con (khi có yêu cầu).

Có ý kiến cho rằng không đồng tình với quan điểm cho rằng Tòa án chỉ giải quyết việc ly hôn giữa anh T và chị C còn yêu cầu giải quyết nuôi con chung thì Tòa án không giải quyết.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án khi thụ lý các vụ việc về chế độ hôn nhân, gia đình nói chung và tranh chấp về ly hôn nói riêng phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết tất cả các vấn đề liên quan bao gồm: kết hôn, ly hôn, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng trước và sau ly hôn với con cái,…đối với mọi trường hợp (nếu có yêu cầu). Ở nội dung vụ án ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con giữa anh T, chị C nói trên cần làm rõ một số vấn đề sau đây:

Năm 2013, Tòa án nhân dân huyện X đã có bản án, quyết định cho anh T và chị C ly hôn, đồng thời giao cháu B là con chung cho chị C nuôi dưỡng. Anh T và chị C không còn ràng buộc trên quan hệ vợ chồng, tuy nhiên về quan hệ cha mẹ và con giữa anh T, chị C, cháu B vẫn luôn tồn tại theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2014. Việc Tòa án giao cháu B cho chị C nuôi dưỡng phải hiểu rằng không có giá trị vĩnh viễn cũng không làm mất đi vị trí pháp lý của cháu B trong mối quan hệ cha, mẹ, con (không phải cứ giao cho chị C nuôi dưỡng sau khi ly hôn thì cháu B không còn là con chung của hai anh chị).

Ngoài ra, căn cứ Điều 58 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, nếu không có sự việc bố mẹ ly hôn sẽ không xảy ra việc tranh chấp về nuôi con, do đó, khi việc ly hôn không còn (năm 2014, anh chị quay lại với nhau và có đăng ký kết hôn đúng quy định của pháp luật) thì việc làm này đã tái thiết lập mối quan hệ vợ chồng giữa T và C, giữa anh chị với con chung là cháu B. Do vậy, khi ly hôn lần 2, Tòa án thụ lý phải tiếp tục giải quyết đầy đủ các vấn đề có liên quan đến việc ly hôn của anh T và chị C, trong đó có cả tranh chấp về quyền nuôi con (khi có yêu cầu).

Loan Đỗ
2805

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]