Bản án 93/2018/HS-PT ngày 20/09/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 93/2018/HS-PT NGÀY 20/09/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 17 và 20 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên toà xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 104/2018/TLPT-HS ngày 24 tháng 7 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P. Do có kháng cáo của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 97/2018/HS-ST ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương.

- Bị cáo bị kháng cáo: Nguyễn Huỳnh Lam P, sinh năm 1979, tại tỉnh Đồng Nai; nơi cư trú: Số A1/232, khu phố 1, phường A, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; chỗ ở: Số 183A/3, khu phố C, phường D, thị xã T, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Hữu T, sinh năm 1954 và bà Huỳnh Thị H, sinh năm 1961; bị cáo có vợ tên Nguyễn Thị Bảo T, sinh năm 1978 và có 03 con; lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh năm 2006; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 17/02/2018; bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người tham gia tố tụng khác có kháng cáo:

Bị hại: Bà Đặng Tuyết Mơ A, sinh năm 1973; nơi cư trú: Số 25/1A, khu phố E, phường D, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Trần Thái B– Luật sư Văn phòng luật sư F, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bà Đặng Tuyết Mơ A1 và Nguyễn Huỳnh Lam P là tiểu thương buôn bán bánh mì tại chợ G, phường D, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Bà Đặng Tuyết Mơ A1 là người cung cấp bánh mì cho vợ chồng Nguyễn Huỳnh Lam P bán lẻ tại chợ G. Do có mâu thuẫn từ việc mua bán bánh mì nên vào khoảng 08 giờ ngày 11/7/2017, bà Đặng Tuyết Mơ A1 có gặp vợ của bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P là bà Nguyễn Thị Bảo T để đòi lại xe bánh mì và xảy ra cãi vã. Sau đó, bà Nguyễn Thị Bảo T về nhà và kể lại sự việc cho Nguyễn Huỳnh Lam P nghe. Sau khi nghe, Nguyễn Huỳnh Lam P đi đến khu vực chợ G thuộc khu phố H, phường D, thị xã T, tỉnh Bình Dương tìm gặp bà Mơ A1 để nói chuyện và xảy ra cãi vã. Lúc này, Nguyễn Huỳnh Lam P dùng tay đánh nhiều cái vào vùng mặt và vùng đầu của bà Mơ A1 gây thương tích.

Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số L/17/TgT ngày 03/11/2017 của Phân Viện pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận dấu hiệu chính qua giám định là gãy xương chính mũi và gãy thành ngoài hốc mắt trái, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của nạn nhân Đặng Tuyết Mơ A1 là 14% theo nguyên tắc cộng lùi, vết thương vùng mặt do vật tày tác động gây nên.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 97/2018/HS-ST ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

Áp dụng khoản 1 Điều 104; các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 (khoản 1 Điều 134; các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P 10 (mười) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm 08 (tám) tháng tính từ ngày tuyên án 15/6/2018.

Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P phải bồi thường cho bị hại Đặng Tuyết Mơ A1 số tiền 35.000.000 đồng, được khấu trừ 20.000.000 đồng bị cáo đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T theo Biên lai thu tiền số 0000262 ngày 14/5/2018 và Biên lai thu tiền số 0000259 ngày 02/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T, tiếp tục tạm giữ số tiền này để chi trả cho bị hại. Bị cáo còn phải bồi thường thêm cho bị hại số tiền 15.000.000 đồng.

Án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 27/6/2018, bị hại Đặng Tuyết Mơ A1 có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tăng nặng trách nhiệm hình sự và dân sự đối với bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P. Về trách nhiệm hình sự, bị hại cho rằng, bị cáo phạm tội với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” và tình tiết tăng nặng là “gây thương tích cho người không có khả năng tự vệ” nên đề nghị xử phạt bị cáo theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) (nay là điểm m khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015) với khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm và không được hưởng án treo. Về trách nhiệm dân sự, bị hại cho rằng, bị cáo có hành vi đánh bị hại tại nơi đông người gây tổn hại cho bị hại về danh dự, uy tín. Ngoài ra, bị hại còn mất thu nhập do những ngày nghỉ, thiệt hại về tài sản, vết thương của bị hại để lại di chứng lâu dài về sau nên tổn hại cho bị hại là rất lớn. Bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại tổng số tiền 107.472.132 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa trình bày quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng, bị hại kháng cáo trong thời gian quy định nên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm để xem xét giải quyết yêu cầu kháng cáo của bị hại là có cơ sở, đúng quy định của pháp luật.

Về yêu cầu kháng cáo của bị hại:

Bị hại kháng cáo đề nghị áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” và không cho bị cáo được hưởng án treo đồng thời đề nghị tăng nặng mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ vụ án, các hóa đơn, chứng từ mà bị hại cung cấp, lời khai của bị cáo, lời khai của bị hại xác định do có mâu thuẫn từ trước giữa bị cáo và bị hại, bị hại có lời lẽ xúc phạm bị cáo nên bị cáo đánh bị hại gây thương tích. Bị cáo dùng tay để đánh bị hại do bức xúc từ lời lẽ xúc phạm của bị hại nên việc bị hại kháng cáo đề nghị áp dụng tình tiết định khung “có tình chất côn đồ” và không được hưởng án treo là không có căn cứ.

Về yêu cầu mức bồi thường thiệt hại: Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ và áp dụng quy định của pháp luật chấp nhận: Tiền thuốc, viện phí, chi phí đi lại trong quá trình khám chữa bệnh; các khoản chi phí khác như thu nhập bị mất trong thời gian điều trị thương tích; bồi thường tổn thất tinh thần do bị thương tích gây ra ở mũi và mắt ảnh với tổng số tiền 27.777.132 đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho bị hại số tiền 35.000.000 đồng, bị cáo đã nộp đủ tại cơ quan Thi hành án dân sự. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo chấp nhận bồi thường thêm cho bị hại số tiền 10.000.000 đồng, đây là sự tự nguyện của bị cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận. Bị hại kháng cáo có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, tuy nhiên, bị hại không chứng minh được thiệt hại xảy ra nên yêu cầu bị cáo bồi thường về danh dự, nhân phẩm là không có cơ sở chấp nhận.

Về kết luận giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể: Theo hồ sơ vụ án thể hiện Tại hồ sơ khám bệnh ngày 11/7/2017 tại Bệnh viện K xác định bị hại bà Đặng Tuyết Mơ A1 có dấu hiệu:

+ Xuất huyết nhu mô não vùng nhân bèo trái.

+ Gãy xương chính mũi.

Hồ sơ bệnh án ngày 13/7/2017 của Bệnh viện L ghi nhận tình trạng của bị hại bà Đặng Tuyết Mơ A1:

+ Xuất huyết nhân bèo trái.

+ Chấn thương sọ não.

Tuy nhiên, tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số L/17/TgT ngày 03/11/2017 của Viện Pháp y Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích của bị hại:

+ Gãy xương chính mũi.

+ Gãy cũ thành ngoài hốc mắt trái. Thương tích là 14%.

Ba tài liệu trên mâu thuẫn về việc xác định thương tích của bị hại, chưa được điều tra làm rõ, bị cáo gây thương tích nào? Bao nhiêu thương tích? Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355, Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hủy Bản án sơ thẩm số 97/2018/HSST ngày 15/6/2018 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương để điều tra lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đặng Tuyết Mơ A1 vẫn giữ nguyên yêu cầu tại đơn kháng cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ nguyên nhân phạm tội của bị cáo, bị cáo có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của bị hại nên giữa bị cáo và bị hại mới xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, bị cáo còn dùng tay đánh vào mặt, vào đầu của bị hại gây tổn thương về cơ thể với tỷ lệ 14%, đây là hành vi “có tính chất côn đồ” nên Tòa án cấp sơ thẩm phải xét xử bị cáo theo quy định tại điểm m khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là chưa chính xác. Bị cáo đánh bị hại trong khi bị hại không có khả năng tự vệ, như vậy bị cáo đã “phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được”. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, đề nghị xét xử bị cáo theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (điểm m khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015), và với tình tiết tăng nặng nêu trên đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt tù có điều kiện đối với bị cáo.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P bồi thường cho bị hại số tiền 35.000.000 đồng là chưa phù hợp với những thiệt hại, tổn thất mà bị cáo đã gây ra cho bị hại. Bị cáo đánh bị hại ở nơi đông người gây tổn thất cho bị hại về danh dự, uy tín trong làm ăn buôn bán, nên bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường về danh dự, uy tín cho bị hại, thu nhập lò bánh mì trong những ngày nghỉ làm, thu nhập bị mất do nghỉ 30 ngày, bồi thường thiệt hại về tài sản, bồi thường tổn hại về sức khỏe, tinh thần với tổng số tiền là 107.472.132 đồng.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị hại, sửa nội dung của bản án sơ thẩm theo hướng: Xử phạt bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P theo quy định tại điểm m khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm tù và không cho hưởng án treo. Đồng thời, buộc bị cáo bồi thường cho bị hại với tổng số tiền là 107.472.132 đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm, bị cáo đã bồi thường đủ số tiền 35.000.000 đồng cho bị hại theo quyết định của bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo tự nguyện bồi thường thêm cho bị hại số tiền 10.000.000 đồng. Trong lời nói sau cùng, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P đã khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, bản cáo trạng và tại phiên tòa sơ thẩm như sau: Khoảng 08 giờ, ngày 11/7/2017, tại khu vực chợ G (phường D, thị xã T, tỉnh Bình Dương) do mâu thuẫn trong cách ứng xử, bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P đã có hành vi dùng tay đánh nhiều cái vào vùng mặt và vùng đầu gây thương tích cho bà Đặng Tuyết Mơ A1 với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 14%.

[2] Xét kháng cáo của bị hại về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Bị hại bà Đặng Tuyết Mơ A1 đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét lại điều khoản áp dụng đối với bị cáo nhưng bị hại không cung cấp thêm chứng cứ tài liệu nào khác. Hội đồng xét xử xét thấy, do có mâu thuẫn trong giao tiếp hàng ngày, bị hại đã có lời lẽ xúc phạm bị cáo nên bị cáo đã dùng tay đánh bị hại gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể 14%, hành vi phạm tội của bị cáo là vì bức xúc trước thái độ của bị hại nên không thể coi là hành vi “có tính chất côn đồ”. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 11/7/2017, căn cứ vào khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội về áp dụng tình tiết có lợi hơn cho bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Vào thời điểm xảy ra sự việc, bị hại là người có sức khỏe bình thường, không phải là người có khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần công tác hoặc các mặt khác. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định hành vi của bị cáo không thuộc các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có cơ sở.

[3] Khi quyết định hình phạt đối với bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để áp dụng hình phạt đối với bị cáo. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bị cáo đã nộp thêm số tiền 15.000.000 đồng để khắc phục hậu quả và tại phiên tòa bị cáo đồng ý bồi thường thêm cho bị hại số tiền 10.000.000 đồng. Do đó, bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên trường hợp của bị cáo đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 10 (mười) tháng tù nhưng cho hưởng án treo là đúng quy định của pháp luật.

[4] Xét kháng cáo của bị hại về bồi thường thiệt hại: Bị hại bị thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, nguyên nhân là do bị cáo đã dùng tay đánh vào mặt, vào đầu của bị hại gây thương tích ở mũi, ở mắt nên ảnh hưởng nhất định về thẩm mỹ ở mức độ nhẹ nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để buộc bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền 27.777.132 đồng, gồm: Tiền thuốc, viện phí, chi phí thuê xe đi lại trong quá trình khám chữa bệnh với số tiền 14.477.132 đồng; tiền thu nhập bị mất trong thời gian điều trị thương tích 07 ngày với số tiền 3.500.000 đồng; chi phí tiền công người chăm sóc với số tiền 2.000.000 đồng; tiền bồi thường tổn thất về tinh thần bằng 06 tháng lương cơ sở với số tiền 7.800.000 đồng, là phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất về danh dự, nhân phẩm: Tại phiên tòa, bị hại không chứng minh được thiệt hại của mình về danh dự, nhân phẩm nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của bị hại.

[5] Từ những phân tích trên, xét thấy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị hại; ý kiến của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại không có căn cứ để chấp nhận.

[6] Đối với ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc hủy bản án sơ thẩm: Hội đồng xét xử xét thấy, tại Công văn số 50/PVPYQG- KGĐ ngày 18/9/2018 của Viện Pháp y quốc gia Phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời Công văn số 250/TA-HS ngày 14/9/2018 về “đề nghị giải thích kết luận giám định pháp y về thương tích” của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, như sau: Khi tiến hành giám định cho bà Đặng Tuyết Mơ A1 do có sự khác nhau giữa kết quả CT Scanner của Bệnh viện K và Bệnh viện nhân dân L Thành phố Hồ Chí Minh nên Hội đồng giám định đã đưa bà Đặng Tuyết Mơ A1 đi chụp não tại Phòng khám đa khoa M và hội chẩn với các chuyên gia để xem xét, kết quả như sau:

“+ Nốt đóng vôi nhu mô não vùng nhân bèo trái.

+ Gãy xương chính mũi, gãy thành ngoài hốc mắt trái.

+ Thương tổn và đóng vôi vùng sau nhãn cầu trái có khả năng là Hemangioma. Không có xuất huyết nhu mô não vùng nhân bèo trái.

Do phát hiện không có xuất huyết não và phát hiện có gãy thành ngoài hốc mắt trái nên kíp giám định đã kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể như đã mô tả trong bản giám định” Như vậy, bản kết luận giám định của Viện Pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ, so sánh và đánh giá lại kết quả khám bệnh của bà Đặng Tuyết Mơ A1 tại Bệnh viện K và Bệnh viện nhân dân L Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mới hội chẩn với các chuyên gia để đưa ra kết luận giám định cuối cùng. Ngoài ra, tại phiên tòa, bị cáo và bị hại đều không có ý kiến gì về kết luận giám định của cơ quan giám định. Bị cáo thừa nhận dùng tay đánh vào mặt bị hại. Bị hại khai nhận trước khi bị bị cáo đánh thì bị hại chưa từng bị tác động của ngoại lực đến vùng đầu, mặt. Do đó, kết luận giám định của Viện Pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích của bị hại:

+ Gãy xương chính mũi.

+ Gãy cũ thành ngoài hốc mắt trái.

Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 14 % là có cơ sở.

Từ những nhận định trên cho thấy ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xác định lại thương tích của bị hại là không cần thiết nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[7] Về áp dụng pháp luật:

Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng cùng lúc khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017; áp dụng cùng lúc hai điều luật của hai bộ luật quy định về án treo là Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ- HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là chưa chính xác. Bởi vì, Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về mức khung hình phạt bất lợi hơn đối với bị cáo so với quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xét xử thì Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa có hiệu lực pháp luật và Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định về hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách là quy định bất lợi hơn đối với bị cáo. Do đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Tòa án cấp sơ thẩm nên áp dụng khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo đối với bị cáo. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[8] Các phần khác của quyết định bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

[9] Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P không phải nộp.

Bị hại bà Đặng Tuyết Mơ A1 kháng cáo về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nên phải nộp án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự;

1/ Không chấp nhận kháng cáo của bị hại bà Đặng Tuyết Mơ A1 về trách nhiệm hình sự và dân sự đối với bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P; giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm 97/2018/HS-ST ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương.

- Về trách nhiệm hình sự: Áp dụng khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

Xử phạt bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P 10 (mười) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm 08 (tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 15/6/2018).

Giao bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P về Ủy ban nhân dân phường D, thị xã T, tỉnh Bình Dương trực tiếp giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật Thi hành án hình sự.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015: Bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P phải bồi thường cho bị hại Đặng Tuyết Mơ A1 số tiền 35.000.000 đồng (ba mươi năm triệu đồng), được khấu trừ 35.000.000 đồng bị cáo đã nộp tại các biên lai: Biên lai thu tiền số 0000262 ngày 14/5/2018; Biên lai thu tiền số 0000259 ngày 02/5/2018; Biên lai thu tiền số 0000279 ngày 23/8/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T, tỉnh Bình Dương, Ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam P về việc bồi thường thêm cho bị hại Đặng Tuyết Mơ A1 số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không chấp hành thì phải chịu lãi suất theo mức lãi nợ cơ bản do ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

2/ Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Bị hại Bà Đặng Tuyết Mơ A1 phải nộp 200.000 đồng.

3/ Các phần khác của quyết định án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

365
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 93/2018/HS-PT ngày 20/09/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:93/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về