Bản án 110/2017/HSPT ngày 20/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ 

BẢN ÁN 110/2017/HSPT NGÀY 20/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 20.9.2017 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 123/2017/HSPT ngày 05.7.2017 do có kháng cáo của bị cáo và bị hại đối với bản án sơ thẩm số 23/2017/HSST ngày 23.5.2017 của Tòa án nhân dân huyện T.

Bị cáo kháng cáo:

1.  NGUYỄN TẤN C1, sinh năm 1985

Đăng ký thường trú: Ấp Đ, xã Đ, huyện T, Thành phố C. Dân tộc Kinh, Quốc tịch: Việt Nam, Tôn giáo: không. Nghề nghiệp: mua bán; Học vấn 4/12.

Con ông Nguyễn Việt T và bà Huỳnh Thị T. Vợ: Bùi Kim C có 02 con lớn sinh năm 2008, nhỏ sinh năm 2016.

Tiền án tiền sự: không.

Tạm giam: 02.02.2017. Có mặt tại phiên toà.

2.  NGUYỄN VŨ L, sinh năm 1990

Đăng ký thường trú: Ấp Đ, xã Đ, huyện T, Thành phố C. Dân tộc Kinh, Quốc tịch : Việt Nam, Tôn giáo: không. Nghề nghiệp: làm thuê; Học vấn 6/12.

Con ông Nguyễn Văn S  và bà Huỳnh Thị L. Tiền án, tiền sự: không.

Tại ngoại. Có mặt tại phiên toà.

3.  NGUYỄN HOÀNG C2, sinh ngày: 11/7/1998

Đăng ký thường trú: Ấp Đ, xã Đ, huyện T, Thành phố C. Dân tộc Kinh, Quốc tịch: Việt Nam, Tôn giáo: không. Nghề nghiệp: làm thuê; Học vấn 6/12.

Con ông Nguyễn Văn M  và bà Lê Thị C. Tiền án tiền sự: không.

Tại ngoại. Có mặt tại phiên toà.

Bị hại: Phạm Văn L, sinh năm 1985. Có mặt. Địa chỉ: ấp T, thị trấn T, huyện T, thành phố C. Luật sư Nguyễn Bác A – Đoàn Luật sư thành phố C bào chữa cho bị cáo Chân.

NHẬN THẤY

Theo Cáo trạng của  Viện Kiểm sát và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng hơn 18 giờ ngày 23.11.2016, Phạm Văn L đang hát karaoke tại quán nhậu karaoke H thuộc ấp Đ, xã Đ, huyện T, Thành phố C cùng với Lê Văn S (H lớn), Tô Thanh V, Nguyễn Thanh H (H nhỏ). Phòng cạnh bên có Nguyễn Tấn C, Nguyễn Vũ L, C1 và Đ cùng một số người khác cũng nhậu và hát karaoke. Khi H nhỏ và L từ phòng nhậu đi ra bên ngoài gặp nhau thì xảy ra mâu thuẫn, thách thức đánh nhau nhưng được mọi người can ngăn. L về nhà nột lúc sau nhớ lại chuyện cự cãi ở quán nên lấy 02 cây dao tự chế trở lại quán, trên đường đi thì gặp Nguyễn Hoàng C2 là cháu rể đang điều khiển xe máy biển kiểm soát 65F1- 8408 nên L kêu C2 chở đến quán H. C2 đồng ý chở L đi, được một đoạn thì gặp C1, L rủ C1 đi kiếm nhóm của H để đánh nhau, C1 đồng ý và cầm lấy một đoạn cây trúc có gắn lưỡi dao nhỏ nhọn một đầu( dùng để bẻ bắp chuối) vừa nhặt được ven đường, cùng lên xe để C2 chở đi. Khi đến trước cửa quán H, C2 dừng xe cho L và C1 cầm hung khí đến phòng nhậu mà nhóm H đang nhậu để đánh nhau. C1 lấy thêm 02 cây dao thái lan của quán nhậu H. L và C1 dùng hung khí chém, đạp phá cửa kính, xông vào phòng. Mọi người trong phòng bỏ chạy ra ngoài, H nhỏ chạy thoát. L và S can ngăn thì C1 dùng đoạn cây trúc có gắn dao nhọn đâm trúng vào cánh tay trái của L gây thương tích, còn L dùng dao tự chế chém vào người S, S dùng tay đỡ sau đó S và L được đưa đến bệnh viện. L và C1 tiếp tục đập phá cửa kính phòng karaoke. Người nhà của L, C1 hay tin đến can ngăn và chở L về, C1 được C2 chở về nhà. Vụ việc được trình báo cho công an huyện T.

Tại cơ quan điều tra, L và C thừa nhận có dùng hung khí gây thương tích cho L, S. C2 thừa nhận có chở C1, L đi và thấy có cầm hung khí nên biết là sẽ có đánh nhau với người khác.

Tại Kết luận giám định pháp y số 09/TgT ngày 13.01.2017 của Trung tâm giám định pháp y Thành phố C kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra cho Phạm Văn L hiện taị là 51%, cho Lê Văn S là 03%.

Về trách nhiệm dân sự gia đình bị cáo đã bồi thường cho Phạm Văn L85.000.000 đồng. L đã có đơn bãi nại cho L và C1. Riêng Lê Văn S không yêu cầu khởi tố và không yêu cầu bồi thường.

Chủ quán H là Nguyễn Ngọc L xác định tài sản hư hỏng chỉ bể kính giá trị không lớn nên không yêu cầu bồi thường.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 23/2017/HSST ngày 23.5.2017 của Tòa án nhân dân huyện T đã áp dụng khoản 3 Điều 104, điểm p khoản 1 và 2 Điều 46, Điều 47, Điều 20 Bộ luật Hình sự đối với ba bị cáo, riêng C1 và L được áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Tấn C1 3 năm tù, Nguyễn Vũ L 03 năm tù và Nguyễn Hoàng C2 02 năm tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bản án còn tuyên phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi tuyên án sơ thẩm, ngày 31.5.2017 bị cáo C2 kháng cáo xin hưởng án treo, bị cáo L kháng cáo xin giảm nhẹ, bị hại Phạm Văn L kháng cáo xin giảm án cho L và C1, yêu cầu cho C2 được hưởng án treo; ngày 02.6.2017 bị cáo C1 kháng cáo xin giảm án.

Đến ngày 26.6.2017 Nguyễn Tấn C1 có đơn xin rút kháng cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Tại phiên toà, các bị cáo thừa nhận án sơ thẩm đã xét xử đúng hành vi, bị cáo C1 xác định đã có đơn xin rút kháng cáo; bị cáo L và C2 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo như đã nêu trong đơn. Bị cáo L trình bày lý do kháng cáo là lao động chính, cha mẹ già, bị cáo nghe nói bị hại có một vết thương cũ nên yêu cầu xem xét lại về kết quả giám định thương tích; bị cáo C2 nêu lý do kháng cáo xin hưởng án treo là để về phụ giúp gia đình.

Bị hại xác định hiện tại sức khỏe đã ổn định, đã được bồi thường theo yêu cầu và nhận thấy bị cáo C2 trong quá trình sinh sống tại địa phương không có sai phạm gì nên giữ nguyên yêu cầu kháng cáo cho C2 hưởng án treo và giảm án cho C1 và L.

Luật sư bào chữa cho bị cáo C2 thống nhất về nội dung và điều khoản áp dụng đối với bị cáo. Tuy nhiên đề nghị chỉ xem bị cáo là đồng phạm chứ không phải là đồng phạm giúp sức vì bị cáo C2 không hề biết mâu thuẫn giữa L và H, vì cả nể L là cậu vợ nên nghe lời chở L, C1 đến nơi gây án. Nếu không có bị cáo C2 thì các bị cáo còn lại vẫn đến được tận nơi nên vai trò của bị cáo C2 không lớn, bị hại cũng có kháng cáo xin giảm án và cho bị cáo hưởng án treo. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì khung hình phạt tương ứng là từ 05 năm đến 10 năm tù nên đề nghị hội đồng xét xử áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo để chấp nhận kháng cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định: căn cứ vào các chứng cứ đã được thu thập hợp pháp thì cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo là có căn cứ. Với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi của các bị cáo thì mức án đã tuyên là còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội. Đối với yêu cầu kháng cáo nhận thấy không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hội đồng xét xử xét thấy đơn kháng cáo của các bị cáo và bị hại làm trong hạn luật định nên chấp nhận đơn hợp lệ. Quá trình tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm đã đảm bảo tuân thủ quy định về tố tụng.

Về nội dung: với hành vi sử dụng dao tự chế đâm, chém trực tiếp vào cơ thể người bị hại gây thương tích tổn hại sức khỏe cho bị hại đến 51%, án sơ thẩm đã xét xử bị cáo C1 và L về tội “ Cố ý gây thương tích “ theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ. Đối với bị cáo C2 đã biết mục đích của L và C1 đi đánh nhau mà vẫn không can ngăn còn chở đi và chở về nên bị xác định là đồng phạm giúp sức là đúng người đúng tội. Các bị cáo đã thực hiện hành vi có tính côn đồ, thương tích gây ra cho bị hại là rất nặng, hình phạt đã tuyên là nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe, giáo dục đối với các bị cáo và xã hội.

Xét kháng cáo của các bị cáo, bị hại thấy rằng án sơ thẩm đã vận dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình, các tình tiết nêu trong đơn kháng cáo và được trình bày tại phiên tòa không mới nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo, cần giữ nguyên án sơ thẩm như Kiểm sát viên đề nghị để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp.

Đối với ý kiến bào chữa của Luật sư nhận thấy về vai trò của bị cáo C2 đã được án sơ thẩm đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm, hình phạt đã tuyên là tương xứng. Riêng ý kiến về việc áp dụng các quy định có lợi cho bị cáo theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng theo nguyên tắc áp dụng chính sách hình sự mới, tuy nhiên xét mức hình phạt đã tuyên vẫn nằm dưới mức khởi điểm của khung hình phạt quy định tại điều khoản trên nên việc áp dụng điều luật của án sơ thẩm vẫn không gây bất lợi cho bị cáo.

Việc bị cáo C2 rút yêu cầu kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm là tự nguyện nên đình chỉ xét xử yêu cầu này, bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các vấn đề khác không có kháng cáo kháng nghị nên đã có hiệu lực từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của Nguyễn Tấn C1.

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo L, C2 và bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Áp dụng: khoản 3 Điều 104, điểm p khoản 1 và 2 Điều 46, Điều 47, Điều 20 Bộ luật Hình sự 1999 đối với ba bị cáo, riêng C1 và L được áp dụng thêm điểm b khoản1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt:

Nguyễn Tấn C1 03 năm tù; Nguyễn Vũ L 03  năm tù;

Nguyễn Hoàng C2 02 năm tù cùng về tội “ Cố ý gây thương tích”.

Thời hạn phạt tù đối với C1 tính từ ngày 02.02.2017, đối với L và C2 tính từ ngày chấp hành án.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bị cáo L và C2 mỗi người phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo C1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

465
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 110/2017/HSPT ngày 20/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:110/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:20/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về