Bản án 684/2020/HS-PT ngày 11/09/2020 về tội cố ý gây thương tích  

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 684/2020/HS-PT NGÀY 11/09/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 11/9/2020, tại Tòa án thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 626 ngày 10/8/2020; Do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thế T, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 39/2020/HS-ST ngày 18 và 23/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ứ, thành phố Hà Nội.

Bị cáo có kháng cáo:

Nguyễn Thế T, sinh năm 1996; Nơi ĐKHKTT: Phường T, thành phố L, tỉnh Lai Châu; Gới tính: Nam; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông Nguyễn Thế T và con bà Nguyễn T; Tiền án, tiền sự: Không; Tại ngoại (Có mặt).

Bị cáo và những người tham gia tố tụng không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị:

Các bị cáo:

1. Phạm Hữu K, sinh năm 1994;

2. Nguyễn Hà Đ, sinh năm 1995;

3. Phạm Văn Đ, sinh năm 1994;

4. Nguyễn Văn M, sinh năm 1997;

5. Lê Tuấn K, sinh năm 1993;

6. Bùi Đình Q, sinh ngày 27/10/2001;

7. Trần Văn C, sinh ngày 28/10/1998;

8. Đặng Văn H, sinh năm 1994;

9. Nguyễn Ngọc A, sinh năm 1992.

Người bào chữa cho bị cáo Bùi Đình Q và bị cáo Đặng Văn H: Ông Nguyễn Ngọc C, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội.

Người bào chữa cho bị cáo Trần Văn C: Bà Nguyễn Th, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giáp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội.

Người bị hại: Anh Nguyễn Văn P, sinh năm 1990; Trú tại thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứ, thành phố Hà Nội.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 19/9/2018, tại quán Karaoke H2, địa chỉ xã H, huyện Ứ, thành phố Hà Nội, do mâu thuẫn từ hát Karaoke đã xảy ra xô xát đánh nhau giữa các bị cáo Phạm Hữu K, Nguyễn Hà Đ, Phạm Văn Đ, Nguyễn Văn M, Lê Tuấn K, Bùi Đình Q, Nguyễn Thế T, Trần Văn C, Đặng Văn H và Nguyễn Ngọc A với anh Nguyễn Văn P. Bị cáo Phạm Hữu K cầm tuýp sắt gắn dao vụt vào người anh P nhiều phát; Bị cáo Đ cầm đao chọc phần cán đao vào mạn sườn anh P nhiều phát; Bị cáo Q cầm gậy cao su vụt vào chân anh P nhiều phát; Bị cáo Khang cầm gậy gỗ vụt vào người anh P nhiều phát; Bị cáo Đoàn cầm gậy gỗ vụt vào đầu bên phải của anh P 01 phát và dùng chân phải đá vào mặt, ngực anh P nhiều phát; Bị cáo M dùng dao chém phần cán dao vào người P 01 nhát. Hậu quả làm anh Nguyễn Văn P bị thương tích tổn hại 12% sức khoẻ. Bị cáo Nguyễn Thế T không trực tiếp gây thương tích cho anh P, nhưng bị cáo biết rõ bị cáo Nguyễn Hà Đ xảy ra mâu thuẫn đánh nhau với nhóm của Nguyễn Tiến T và anh P nhưng vẫn chở bị cáo Đ đi lấy tuýp sắt rồi quay lại quán H2. Sau đó, bị cáo Thái cùng nhóm của bị cáo Đ đuổi đánh nhóm của anh P. Trần Văn C và Đặng Văn H biết rõ nhóm của K đang xảy ra xô xát đánh nhau nhưng bị cáo C đã đưa tuýp sắt gắn dao cho bị cáo Nguyễn Đại H. Bị cáo C và bị cáo H tiếp tục mang dao và tuýp sắt đến khu vực quán H2 đưa cho K. Nguyễn Ngọc A cầm tuýp sắt đến đứng cùng nhóm của K với mục đích hỗ trợ rồi cùng các bị cáo khác đuổi đánh nhóm của anh P, bị cáo Ngọc A là người đuổi đánh anh Đ.

Tại Bản kết luận giám định số: 6152/C09-TT1 ngày 18/01/2019 của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an kết luận thương tích đối với anh Nguyễn Văn P như sau:

Qua kết quả nghiên cứu hồ sơ, khám giám định, khám chuyên khoa, hội chẩn và các xét nghiệm, xác định anh Nguyễn Văn P bị chấn thương ngực kín, gãy xương sườn VII, VIII, IX, X bên phải, tràn dịch màng phổi phải mức độ ít;

Chấn thương phần mềm vùng đầu đã được điều trị. Hiện tại có các thương tích sau:

- Sẹo vùng thái dương - Chẩm phải;

- Gãy xương sườn VII, VIII, IX, X bên phải, can tốt;

- Tràn dịch màng phổi phải mức độ ít không để lại di chứng;

Đối chiếu bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích ban hành kèm theo Thông tư số: 20/2017/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của từng thương tích, di chứng chấn thương như sau:

- So vùng thái dương - Chẩm phải: 01% (Mục 1, phần I, Chương 9);

- Gãy xương sườn VII, VIII, IX, X bên phải, can tốt: 07% (Mục 5, phần II, Chương 4);

- Tràn dịch màng phổi phải, mức độ ít không để lại di chứng: 04% (Mục 1, phần III, Chương 4);

Áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích quy định tại Thông tư số: 20 ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, xác định tổng tỷ lệ phân trăm tổn thương cơ thể của anh Nguyễn Văn P tại thời điểm giám định là: 12%.

Cơ chế hình thành thương tích: Các tổn thương tại vùng đầu, ngực của anh Nguyễn Văn P do vật tày tác động gây nên.

Các bị cáo đều tác động gia đình và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức khoẻ cho anh Nguyễn Văn P; Nguyên nhân của sự việc một phần cũng do lỗi của người bị hại; Người bị hại Nguyễn Văn P có đơn xin giảm trách nhiệm hình sự cho tất cả các bị cáo; Riêng đối với bị cáo Bùi Đình Q tại thời điểm phạm tội bị cáo Q mới được 16 tuổi 10 tháng 8 ngày, nên được áp dụng các quy định của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Đối với thương tích của chị Lò N: Ngày 19/9/2018, chị Nh bị Nguyễn Tiến T ném 01 cốc thuỷ tinh trúng vào má trái, do thương tích nhẹ, chị Nh không đi điều trị và không có đề nghị gì. Công an huyện Ứ đã Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Tiến T về hành vi đánh nhau.

Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thế T chưa thật sự khai báo thành khẩn. Vì vậy áp dụng Điều 38 Bộ luật hình sự về hình phạt tù có thời hạn, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục bị cáo.

Bản Cáo trạng số: 14 ngày 20/02/2020 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ứ đã truy tố các bị cáo Phạm Hữu K, Nguyễn Hà Đ, Phạm Văn Đ, Nguyễn Văn M, Lê Tuấn K, Nguyễn Thế T, Bùi Đình Q, Trần Văn C, Đặng Văn H và Nguyễn Ngọc A về tội “Cố ý gây thương tích ” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 39 ngày 18 và 23/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ứ, thành phố Hà Nội quyết định:

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s (Đối với bị cáo Đ) khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 47, Điều 38 (Đối với các bị cáo Chiến, K, Ngọc A, Huy và Thái); Điều 65 (Đối với các bị cáo Đ1, Đ, M, K và Q), Điều 56 (Đối với bị cáo H), Điều 101 (Đối với bị cáo Q) Bộ luật hình sự; Điều 106, Điều 135 và khoản 2 Điều 136, Điều 331, Điều 333 Bộ luật tố tụng Hình sự; Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số: 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đối với các bị cáo Trần Văn C, Đặng Văn H và Nguyễn Ngọc A; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án:

- Tuyên bố các bị cáo Phạm Hữu K, Nguyễn Hà Đ, Phạm Văn Đ, Nguyễn Văn M, Lê Tuấn K, Nguyễn Thế T, Bùi Đình Q, Trần Văn C, Đặng Văn H và Nguyễn Ngọc A phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

1. Xử phạt bị cáo Phạm Hữu K 24 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

2. Xử phạt bị cáo Trần Văn C 24 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án; Được trừ thời hạn tạm giữ từ ngày 08/10/2019 đến 14/10/2019.

3. Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc A 24 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án; Được trừ thời hạn tạm giữ từ ngày 30/9/2019 đến ngày 09/10/2019.

4. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thế T 24 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

5. Xử phạt bị cáo Đặng Văn H 24 tháng tù. Tổng hợp với Bản án số: 26 ngày 18/02/2020 của Tòa án nhân dân quận T xử phạt bị cáo H 05 năm, 02 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy", buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 07năm 02 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 18/10/2019. Được trừ thời hạn tạm giữ từ ngày 28/9/2019 đến ngày 04/10/2019.

6. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hà Đ 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng kể từ ngày tuyên án.

7. Xử phạt bị cáo Phạm Văn Đ 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng kể từ ngày tuyên án.

8. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn M 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng kể từ ngày tuyên án.

9. Xử phạt bị cáo Lê Tuấn K 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng kể từ ngày tuyên án.

10. Xử phạt bị cáo Bùi Đình Q 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng kể từ ngày tuyên án.

Giao các bị cáo được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân nơi cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định ghi nhận về bồi thường dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 06/7/2020, bị cáo Nguyễn Thế T kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

1. Bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin được hưởng án treo.

2. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

- Bị cáo nộp đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận giải quyết yêu cầu kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.

- Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Sửa án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Ứ, thành phố Hà Nội.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thế T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 134; Điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định sau:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị cáo đảm bảo hình thức, thời hạn, đủ điều kiện giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét nội dung kháng cáo:

Căn cứ lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở để kết luận:

Ngày 19/9/2018, tại quán Karaoke H2, địa chỉ xã H, huyện Ứ, thành phố Hà Nội, do mâu thuẫn từ hát Karaoke đã xảy ra xô xát đánh nhau giữa các bị cáo Phạm Hữu K, Nguyễn Hà Đ, Phạm Văn Đ, Nguyễn Văn M, Lê Tuấn K, Bùi Đình Q, Nguyễn Thế T, Trần Văn C, Đặng Văn H và Nguyễn Ngọc A với anh Nguyễn Văn P. Bị cáo Phạm Hữu K cầm tuýp sắt gắn dao vụt vào người anh P nhiều phát; Bị cáo Đ cầm đao chọc phần cán đao vào mạn sườn anh P nhiều phát; Bị cáo Q cầm gậy cao su vụt vào chân anh P nhiều phát; Bị cáo Khang cầm gậy gỗ vụt vào người anh P nhiều phát; Bị cáo Đoàn cầm gậy gỗ vụt vào đầu bên phải của anh P 01 phát và dùng chân phải đá vào mặt, ngực anh P nhiều phát; Bị cáo M dùng dao chém phần cán dao vào người P 01 nhát. Hậu quả làm anh Nguyễn Văn P bị thương tích tổn hại 12% sức khoẻ. Bị cáo Nguyễn Thế T không trực tiếp gây thương tích cho anh P, nhưng bị cáo biết rõ bị cáo Nguyễn Hà Đ xảy ra mâu thuẫn đánh nhau với nhóm của Nguyễn Tiến T và anh P nhưng vẫn chở bị cáo Đ đi lấy tuýp sắt rồi quay lại quán H2. Sau đó, bị cáo T cùng nhóm của bị cáo Đ đuổi đánh nhóm của anh P. Trần Văn C và Đặng Văn H biết rõ nhóm của K đang xảy ra xô xát đánh nhau nhưng bị cáo C đã đưa tuýp sắt gắn dao cho bị cáo Nguyễn Đại H. Bị cáo C và bị cáo H tiếp tục mang dao và tuýp sắt đến khu vực quán H2 đưa cho K và Cần. Nguyễn Ngọc A cầm tuýp sắt đến đứng cùng nhóm của K với mục đích hỗ trợ rồi cùng các bị cáo khác đuổi đánh nhóm của anh P, bị cáo Ngọc A là người đuổi đánh anh Đ.

Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.

Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo, nhận thấy:

Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định bị cáo Nguyễn Thế T không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Đồng thời đã xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Thái chưa thật sự khai báo thành khẩn; Đã xử phạt bị cáo Thái 24 tháng tù là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Xét thấy, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thế T đã nhận tội, thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, không có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu; Đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho người bị hại, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo không trực tiếp gây thương tích cho người bị hại mà phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức; Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng và có khả năng tự cải tạo và việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Xét thấy cáo Thái đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự và Nghị quyết số: 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát; Chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt 24 tháng tù đối với bị cáo Thái nhưng cho hưởng án treo.

Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự:

1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thế T.

2. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 39 ngày 18 và 23/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ứ, thành phố Hà Nội về hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thế T:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thế T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo:

Nguyễn Thế T 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo cho UBND phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của Bản án trước và tổng hợp với hình phạt của Bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự.

Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

205
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 684/2020/HS-PT ngày 11/09/2020 về tội cố ý gây thương tích  

Số hiệu:684/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về