Bản án 61/2018/HS-PT ngày 17/08/2018 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

BẢN ÁN 61/2018/HS-PT NGÀY 17/08/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 17 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 50/2018TLPT-HS ngày 16 tháng 5 năm 2018 đối với bị cáo Phạm Xuân S, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 15/2018/HS-ST ngày 05/04/2018 của Toà án nhân dân huyện Đắk Glong, tỉnh Đăk Nông.

Bị cáo có kháng cáo: Phạm Xuân S, sinh năm 1974 tại tỉnh Nghệ An; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Tổ dân phố 5, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông; đăng ký tạm trú: Tổ dân phố 6, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông; nguyên là Đội trưởng Đội phòng, chống khủng bố, thuộc Phòng PA88, Công an tỉnh Đ; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Xuân Đ (đã chết) và bà Nguyễn Thị H; có vợ là Phạm Thị Thu P và 02 con; bị tạm giam từ ngày 09-12-2017 đến ngày 20-7- 2018, hiện đang bị tạm trong vụ án khác tại Nhà tạm giữ Công an huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Có mặt.

Những người bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân S:

- Ông Hoàng Văn Hướng và ông Nguyễn Văn Thịnh, Luật sư của Văn phòng luật sư Hoàng Hưng thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội; địa chỉ: Phòng 202, Tòa nhà N3B, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội - Có mặt.

- Ông Thái Văn Chung, Luật sư của Công ty TNHH MTV Hãng Luật Nguyên Giáp thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: Số 70/1E1, Đường 109, Khu phố 5, phường Phước Long B, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh - Có mặt.

Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Phạm Đình Q; địa chỉ: Thôn 8, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh Nguyễn Văn D; địa chỉ: Thôn T, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Có mặt.

- Chị Bùi Thị H; địa chỉ: Thôn 1, xã Đ, thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

Người làm chứng:

- Anh Bế Văn C; địa chỉ: Thôn 8, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Nguyễn H, địa chỉ: Bon R, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Lương Văn L; địa chỉ: Buôn H, xã D, huyện C, tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.

- Anh Mai Hồng P; địa chỉ: Thôn K, xã H, huyện C, tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.

- Anh Lý Văn L; địa chỉ: Thôn Q, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.- Anh Hoàng Văn Đ; đang bị tạm giam  tại Nhà tạm giữ Công an thị xã G, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Lại Văn T; địa chỉ: Thôn 1, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Nguyễn Văn H; địa chỉ: Thôn 2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Lê T; địa chỉ: Thôn 8, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Anh Nguyễn Văn T; địa chỉ: Thôn 1B, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

Những người tham gia tố tụng khác:

- Điều tra viên: Ông Trương Văn H; đơn vị công tác: Công an huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.

- Giám định viên: Ông Đỗ Thiên L; đơn vị công tác: Chi cục kiểm lâm tỉnh Đ; địa chỉ: Số nhà 49, đường H, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk - Vắng mặt.

Ngoài ra, còn có bị cáo Trần Văn T không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị - Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng đầu năm 2015, Trần Văn T quen biết anh Trương Ngọc L và thường xuyên giới thiệu người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh Trương Ngọc L tại khu vực thuộc địa giới hành chính xã Đ, huyện Đ. Trong thời gian này, anh Hoàng Văn T trú tại xã, huyện Đ có biết anh Bế Văn C và một số người khác có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của anh Trương Ngọc L nên đã hỏi Trần Văn T với nội dung: anh Trương Ngọc L còn đất để chuyển nhượng không. Lúc này, Trần Văn T nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của anh Hoàng Văn T, nên đã nói dối anh Trương Ngọc L còn khoảng 10ha, giá 2.000.000đồng/ha. Sau đó, anh Hoàng Văn T cùng anh Nông Văn C thống nhất cùng nhận chuyển nhượng diện tích đất trên. Ngày 11-02-2015 anh Hoàng Văn T và anh Nông Văn C đã đưa cho Trần Văn T số tiền 20.000.000 đồng. Sau một thời gian không thấy Trần Văn T giao đất, anh Hoàng Văn T và anh Nông Văn C yêu cầu trả tiền nhưng Trần Văn T không trả nên đã làm đơn tố cáo hành vi của Trần Văn T.

Trong quá trình điều tra hành vi chiếm đoạt 20.000.000 đồng của anh Hoàng Văn T và anh Nông Văn C, Trần Văn T còn khai nhận có quen biết Phạm Xuân S từ đầu năm 2015. Trong quá trình quen biết, S rủ vợ chồng Trần Văn T mua chung 03 héc ta đất tại khu vực đối diện xưởng cưa Thái T thuộc xã Đ, huyện Đ (thuộc lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697) do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ quản lý và đã dẫn Trần Văn T đi xem đất, thấy trên đất còn có cây rừng rậm rạp Trần Văn T có hỏi thì S nói chỉ chặt phát những cây nhỏ có đường kính từ 10cm trở xuống, cây bụi và cây dây leo. Sau khi xem đất vợ chồng Trần Văn T đã đưa cho S hai lần tổng số tiền 161.000.000 đồng và tiến hành thuê người phát dọn diện tích rừng theo như chỉ dẫn của S. Cụ thể, Trần Văn T yêu cầu anh Nguyễn Văn D (là người làm thuê trả tiền công theo năm cho gia đình Trần Văn T) vừa chăm sóc cà phê, chăn bò và tham gia chặt phát rừng trong thời gian khoảng 02 tháng. Ngoài ra, còn có chị Bùi Thị H tham gia phát rừng cùng với anh Nguyễn Văn D trong thời gian khoảng 10 ngày, Trần Văn T tham gia chặt phát khoảng 02 ngày.

Tổng diện tích rừng bị chặt phát được xác định là 8.404m2, trong đó anh Nguyễn Văn D tham gia chặt phá 4.757m2, chị Bùi Thị H tham gia chặt phá 1.526m2. Trong thời gian, anh Nguyễn Văn D, chị Bùi Thị H và Trần Văn T chặt phá rừng, S nhiều lần có mặt tại vị trí đất rừng trên và nói cho anh Nguyễn Văn D biết diện tích rừng anh Nguyễn Văn D chặt phá là của S mua chung với Trần Văn T, sau khi chặt phát xong S và Trần Văn T hứa sẽ cho anh Nguyễn Văn D 10m mặt đường để làm nhà; đồng thời đến để giải quyết tranh chấp với ông Nguyễn H là Giám đốc Công ty Q. Sau đó, thấy cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Đ thường xuyên tuần tra, Trần Văn T sợ bị xử lý trách nhiệm nên đòi lại số tiền đã đưa cho S và đã được trả số tiền 161.000.000 đồng.

Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 23-3-2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glong xác định: Tổng diện tích rừng bị hủy hoại là 8.404m2, thuộc lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ quản lý. Hiện trường rừng bị hủy hoại cách thời điểm khám nghiệm khoảng 02 năm. Tại hiện trường các gốc cây bị chặt hạ đã khô mục, phần lớn mọc chồi tái sinh; gốc cây có mặt cắt lớn nhất là 50cm, có mặt cắt nhỏ nhất là 10cm; nhiều thân cây đã khô mục nằm rải rác, vỏ đã bị đốt cháy xám than hóa màu đen, thân cây dài nhất là 6,2 m, nhiều thân cây khác đã bị lấy đi khỏi hiện trường. Tại hiện trường còn một số cây còn đứng và cây chồi tái sinh đường kính dưới 04cm. Dấu vết tại gốc và thân cây là do vật sắc gọn, những cây đường kính từ 20cm đến 50 cm dấu vết chặt hạ bằng cưa xăng, những cây có đường kính dưới 20 cm chặt hạ bằng dao phát; ước tính thiệt hại 97%.

Bản kết luận giám định ngày 10-4-2017 và giám định bổ sung ngày 07- 11-2017 kết luận: Diện tích 8.404m2 rừng bị chặt phát tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697: Trạng thái rừng thường xanh trung bình; thuộc rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất; giá trị thiệt hại là 107.747.240 đồng.

Bản án hình sự sơ thẩm số: 15/2018/HS-ST ngày 05-4-2018 của Toà án nhân dân huyện Đắk Glong đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Phạm Xuân S phạm tội “Hủy hoại rừng”. Áp dụng khoản 1 Điều 189; điểm s khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Phạm Xuân S 09 (Chín) tháng tù. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử phạt Trần Văn T 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 07 tháng tù về tội “Huỷ hoại rừng”; quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo. Ngày 19-4-2018 bị cáo Phạm Xuân S kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm Trần Văn T trình bày: Giữa Trần Văn T và Phạm Xuân S quen biết từ đầu năm 2015, S có đặt vấn đề chung tiền mua 03 ha đất tại xã Đ để canh tác. Sau đó, S có dẫn Trần Văn T đến khu vực trước xưởng cưa Thái T chỉ diện tích đất có tứ cận: Một chiều theo đường quốc lộ là 150m, một phía giáp Công ty Q, hai phía còn lại đều giáp đất rừng đã chặt phá trước. Khu vực đất S chỉ còn cây rừng um tùm, trong đó rải rác có cây gỗ đường kính khoảng 40cm trở lên, còn lại chủ yếu bụi rậm, dây leo và cây gỗ có đường kính 10cm trở xuống. Sau đó, S yêu cầu chỉ chặt phát những cây có đường kính 10cm trở xuống, cây dây leo và bụi rậm. Đến khoảng giữa tháng 3 năm 2015, Trần Văn T yêu cầu anh Nguyễn Văn D chặt phát khoảng 02 tháng, nhờ chị Bùi Thị H cùng chặt phát và Trần Văn T trực tiếp chặt phát khoảng 02 ngày. Trong quá trình chặt phát diện tích rừng trên có phát sinh tranh chấp với Công ty Q nên Trần Văn T có điện thoại cho S vào giải quyết. Ngày 23-3-2017, khi các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường có yêu cầu Trần Văn T, anh Nguyễn Văn D và chị Bùi Thị H cầm máy định vị để bấm các tọa độ diện tích rừng do mỗi người đã chặt phát trước đây. Khi lập biên bản, Trần Văn T có ký vào biên bản và không được nghe đọc lại biên bản. Hành vi của Trần Văn T, đã bị Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong đã kết án Trần Văn T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Hủy hoại rừng”, xử phạt 01 năm 01 tháng tù về hai tội là đúng, không oan (đã chấp hành xong hình phạt).

Anh Nguyễn Văn D trình bày: Anh là người làm thuê trả công theo năm cho gia đình Trần Văn T. Khoảng tháng 3 năm 2015, Trần Văn T yêu cầu anh Nguyễn Văn D vừa chăn thả đàn bò của Trần Văn T tại khu vực đối diện với xưởng cưa Thái T xã Đ, huyện Đ và kết hợp chặt phát những cây gỗ có đường kính từ 10cm trở xuống và cây dây leo tại khu vực trên. Anh Nguyễn Văn D đã sử dụng dao chặt phát khoảng 02 tháng, nhưng không liên tục và mỗi ngày chặt phát khoảng từ 02 đến 03 tiếng. Trong quá trình chặt phát trên có chị Bùi Thị H cùng tham gia; diện tích anh Nguyễn Văn D đã chặt phát khoảng trên1000m2, chị Bùi Thị H khoảng trên 1500m2, Trần Văn T cũng  trực tiếp tham gia chặt phát một thời gian; đồng thời S và Trần Văn T có hứa hẹn sẽ cho anh Nguyễn Văn D 10m mặt đường quốc lộ để làm nhà. Khi khám nghiệm hiện trường, anh Nguyễn Văn D và chị Bùi Thị H đã được hướng dẫn sử dụng máy định vị để đo đạc lại diện tích rừng đã chặt phát trước đó và có ký vào biên bản nhưng không được nghe đọc lại biên bản.

Tại phiên tòa phúc thẩm Phạm Xuân S thừa nhận có cùng vợ chồng Trần Văn T chung tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khoảng 03 ha, với mục đích để làm trang trại. Tuy nhiên, do chưa tìm được diện tích đất phù hợp nên S đã trả lại tiền cho vợ chồng Trần Văn T. Các cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử bị cáo là có dấu hiệu trù dập, tạo dựng chứng cứ trong khi bị cáo đang thực hiện việc khiếu nại, tố cáo hành vi của một số người có thẩm quyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có định kiến với bị cáo. Thực tế bị cáo không thực hiện những hành vi như Trần Văn T, Nguyễn Văn D và những người khác đã khai tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Do đó, Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong đã kết án oan bị cáo về tội “Hủy hoại rừng”.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông phát biểu: Tòa án nhân dân huyện Đăk Glong kết án Phạm Xuân S về tội “Hủy hoại rừng” theo khoản 1 Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, quyết định trưng cầu giám định, kết luận giám định không phù hợp với kết quả điều tra. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a, c khoản 1 Điều 355; Điều 356; Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo S, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt, tội danh và điều luật áp dụng; hủy một phần bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự để điều tra, xét xử lại.

Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày luận cứ: Biên bản khám nghiệm hiện trường không khách quan, bởi vì sự việc xảy ra từ tháng 3 năm 2015 nhưng đến ngày 23-3-2017 mới tiến hành khám nghiệm, đồng thời được lập cách hiện trường khoảng 10km; người tham gia khám nghiệm không được biết kết quả khám nghiệm, không được nghe đọc lại biên bản khi ký tên. Các chứng có trong hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn: Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 24-4-2015 trong một vụ án khác của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông đã căn cứ vào Bản đồ xác minh hiện trạng rừng theo Báo cáo số: 201/BC- CTY ngày 30-6-2014 của Công ty trách nhiệm hữu hạn T (viết tắt Công ty T); quyết định trưng cầu giám định số: 89/QĐ-TCGĐ-PC46 ngày 06-7-2015 đã trưng cầu diện tích, vị trí, trạng thái, loại rừng và mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng do hành vi chặt phát tại khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ quản lý. Kết quả phúc tra hiện trạng rừng tại Báo cáo số: 201/BC-CTY ngày 30-6-2014 của Công ty T xác định tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 thuộc địa giới hành chính xã Đ có tổng diện tích 0,986 ha là đất trống có cây gỗ tái sinh (ĐTccgts). Tuy nhiên, tại kết luận giám định ngày 10- 04-2017 và kết luận giám định bổ sung ngày 07-11-2017 trong vụ án này xác định: Trạng thái rừng tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ quản lý là rừng thường xanh trung bình, diện tích bị hủy hoại là 8.404m2; rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất. Căn cứ vào các chứng cứ nêu trên, có cơ sở xác định: Kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông tại thời điểm ngày 24 tháng 4 năm 2015 đảm bảo tính khách quan, vì gần với thời điểm xảy ra việc hủy hoại rừng theo như kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glong (tháng 3 năm 2015). Theo quy định tại Thông tư số 34/2009/TT- BNNPTNT, ngày 10-6-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về đất trống có cây gỗ tái sinh, thì thời điểm tháng 6 năm 2014, tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 không còn rừng. Do vậy, không có hành vi hủy hoại rừng xảy ra vào tháng 3 năm 2015 tại vị trí, tọa độ trên thuộc lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697. Mặt khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glong kết luận diện tích rừng bị hủy hoại theo lời khai của Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H có nhiều mâu thuẫn chưa được điều tra làm rõ giữa hiện trường và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Ngoài ra, căn cứ khởi tố vụ án không đúng với quy định của pháp luật, kết quả điều tra không khách quan; bị cáo có nhiều đơn thư khiếu nại trong hoạt động điều tra nhưng không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; trữ lượng gỗ, thiệt hại về lâm sản không phù hợp với kết quả điều tra. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự hành vi của Phạm Xuân S và Trần Văn T không cấu thành tội phạm “Hủy hoại rừng”. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án và tuyên bố Phạm Xuân S không phạm tội.

Bị cáo S bào chữa bổ sung: Lời khai của anh Trần Văn T, anh Nguyễn Văn D và chị Bùi Thị H không khách quan do bị dụ đỗ, đe dọa. Bị cáo bị bắt tạm giam khi đang thực hiện việc khiếu nại, tố cáo do đó có dấu hiệu trù dập, tạo dựng chứng cứ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do Luật sư bào chữa cho bị cáo đã sao chụp trong hồ sơ vụ án truy tố theo Cáo trạng số: 22/CTr-VKS-P3 ngày 15- 8-2015 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông trong đó có Phạm Xuân S là bị can bị truy tố về về tội “Hủy hoại rừng” được cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử xét thấy: Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 24-4-2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông cùng các cơ quan hữu quan đã tiến hành tại các khoảnh 1,2,5,7 tiểu khu 1685 thuộc địa giới xã Q và khoảnh 1, 3 tiểu khu 1697 (không thể hiện rõ tại lô nào của khoảnh 1 và khoảnh 3) thuộc địa giới xã Đ, huyện Đ. Biên bản khám nghiệm hiện trường này đã sử dụng bản đồ xác minh hiện trạng rừng theo Báo cáo số: 201/BC-CTY ngày 30-6-2014 của Công ty T (kèm theo bản đồ xác minh hiện trạng rừng có ký xác nhận của Công ty T và Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ) về kết quả phúc tra hiện trạng rừng và đất rừng làm cơ sở lập dự án trồng rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ (Dự án này đã được Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên G phê duyệt tại quyết định số: 114/QĐ-CT ngày 16-10-2014). Báo cáo số: 201/BC-CTY ngày 30-6-2014 của Công ty T thể hiện tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 (kèm theo biểu mẫu chi tiết) có tổng diện tích 0,986 ha là đất trống có cây gỗ tái sinh, không ghi nhận diện tích rừng tự nhiên còn lại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số: 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10-6-2009 thì: “Đất trống có cây gỗ tái sinh: là đất chưa có rừng quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, thực vật che phủ gồm cây bụi, trảng cỏ, lau lách và cây gỗ tái sinh có chiều cao 0,5 m trở lên đạt tối thiểu 500 cây/ha”.

[2]. Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 23-3-2017 của Cơ quan điều tra Công an huyện Đăk Glong xác định diện tích rừng bị hủy hoại là 8.404m2 tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ quản lý xảy ra trước thời điểm khám nghiệm khoảng 02 năm (bút lục số 160). Tại biên làm việc ngày 26-01-2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glong với đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Đ (bút lục sô 568), căn cứ Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 24-4-2015 và ngày 06-8-2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông, xác định: Diện tích rừng bị hủy hoại trên nằm ngoài diện tích 102ha đã khám nghiệm, không trùng với diện tích đất của Công ty L đã được cấp giấy chứng nhận.Các Kết luận giám định ngày 10-4-2017 và Kết luận giám định bổ sung ngày 07-11-2017 của Giám định viên đều căn cứ vào Quyết định số: 2024/QĐ-UBND ngày 02-12-2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lại ba loại rừng và Quyết định số: 67/QĐ-UBND ngày 14 - 01-2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ về việc phê duyệt, công bố kết quả kiểm kê rừng tại tỉnh Đ (căn cứ vào Quyết định số: 2024/QĐ-UBND ngày 02-12-2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ ban hành trước thời điểm Báo cáo số: 201/BC-CTY ngày 30-6-2014 của Công ty T về kết quả phúc tra hiện trạng rừng và đất rừng làm cơ sở lập dự án trồng rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ) để xác định diện tích rừng bị hủy hoại tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 là rừng thường xanh trung bình, thuộc rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất không phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường từ ngày 24-4-2015 đến ngày 27-4-2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông và Báo cáo số: 201/BC-CTY ngày 30-6-2014 của Công ty T về kết quả phúc tra hiện trạng rừng.

[3]. Các Quyết định trưng cầu giám định số 46 ngày 03-4-2017 và số 03 ngày 16-10-2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glong yêu cầu giám định toàn bộ giá trị thiệt hại đối với diện tích rừng 8.404m2 tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ quản lý tại thời điểm tháng 3 năm 2015 là không phù hợp với kết quả điều tra ( Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H sử dụng dao chặt phát những cây dây leo và cây gỗ có đường kính 10cm trở xuống).

[4]. Mặc dù, Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành Điều 189 của Bộ luật hình sự năm 1999: Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT//BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08-7-2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, có quy định diện tích rừng, loại rừng bị hủy hoại là căn cứ để định tội và định khung hình phạt. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 45 của Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định căn cứ quyết định hình phạt không những căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự phải mà còn cân nhắc hậu quả, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo. Ngoài ra, kết luận giá trị thiệt hại còn liên quan đến quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí dân sự đối với các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[5]. Từ những đánh giá, phân tích tại các mục [1], [2], [3] và [4] nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần phải điều tra để xác định lại hiện trạng rừng, diện tích rừng do Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H hủy hoại tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Đ quản lý tại thời điểm tháng 3 năm 2015; trưng cầu giám định thiệt hại lâm sản và môi trường theo kết quả điều tra. Những nội dung trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể bổ sung được, do đó cần hủy bản án sơ thẩm số: 15/2018/HS-ST ngày 05-4-2018 của Toà án nhân dân huyện Đắk Glong về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm đối với Phạm Xuân S; trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm đối với đối với Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H để điều tra lại. Do bản bản án hình sự sơ thẩm bị hủy một phần có có liên quan đến trách nhiệm hình sự của bị cáo S nên Hội đồng xét xử không xem xét nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo.

[6]. Về án phí: Bị cáo Phạm Xuân S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[7]. Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

1. Hủy bản án hình sự sơ thẩm thẩm số: 15/2018/HS-ST ngày 05-4-2018 của Toà án nhân dân huyện Đắk Glong về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm đối với Phạm Xuân S; trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm đối với đối với Trần Văn T, Nguyễn Văn D và Bùi Thị H để điều tra lại.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glong giải quyết theo thủ tục chung.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

571
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 61/2018/HS-PT ngày 17/08/2018 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:61/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về