Bản án 83/2017/HSPT ngày 16/06/2017 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN  

BẢN ÁN 83/2017/HSPT NGÀY 16/06/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG 

Ngày 16 tháng 6 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa  công  khai xét xử phúc thẩm vụ  án  hình  sự  thụ  lý  số  61/2017/HSPT  ngày 03/4/2017  đối với bị cáo Lô Văn T phạm tội “Hủy hoại rừng”. Do có kháng cáo của bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông Lô Văn X đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2017/HSST ngày 17/02/2017 của Tòa án nhân dân huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An.

* Bị cáo có kháng cáo: Lô Văn T;  Tên gọi khác: Không; Sinh năm: 1984 tại huyện Q, tỉnh Nghệ An; Trú tại: Bản L, xã C, huyện Q, tỉnh Nghệ An; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không;  Nghề nghiệp: Làm nông nghiệp; Trình độ văn hóa: Lớp 4/12; Con ông: Lô Văn X và bà Lương Thị N; Có vợ là Lô Thị D và có 02 con; Tiền án, tiền sự: Chưa có.

Bị cáo hiện đang tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án:

- Ông Lô Văn X; Sinh năm 1962 (có kháng cáo).

- Bà Lương Thị N, sinh năm 1964 (không có kháng cáo).

Cùng trú tại: Bản L, xã C, huyện Q, tỉnh Nghệ An; Ông X vắng mặt tại phiên tòa ủy quyền cho vợ là bà Lương Thị N theo giấy ủy quyền ngày 14/6/2017. Bà N có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra vụ án còn có nguyên đơn dân sự là UBND huyện Q, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Lô Thị V, nhưng không kháng cáo, Tòa án không triệu triệu tập đến phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Q thì vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Vào năm 2003, hộ gia đình ông Lô Văn X (Ông X là bố của Lô Văn T) được UBND huyện Q giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sau đây viết tắt là GCNQSD đất) lâm nghiệp theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ, tại thửa số 137, tờ bản đồ số 01, lô 01, khoảnh 06 và lô 01, 03 khoảnh 08, tiểu khu 170 thuộc xã C, huyện Q. Với mục đích sử dụng rừng tự nhiên sản xuất. Đến tháng 7/2015, do sức khỏe yếu nên ông X đã giao diện tích đất lâm nghiệp nói trên cùng GCNQSD đất cho con trai là Lô Văn T quản lý, khoanh nuôi và bảo vệ.

Vào tháng 3/2016, T đã nảy sinh ý định chặt cây rừng để chuyển đổi sang trồng cây keo trên phần diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho hộ gia đình ông X. T không bàn bạc với ai trong gia đình cũng như không làm thủ tục xin phép cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật mà tự ý vào rừng dựng lán và bắt đầu chặt, phát rừng liên tục từ ngày 08 đến ngày 15/3/2016. Trong thời gian này thì T còn thuê thêm 07 người khác để cùng chặt, phát rừng, gồm: Ông Hoàng Văn L bà Vi Thị L’ ông Hà Văn Đ, bà Vi Thị H, bà Lò Thị H, bà Vi Thị H và chị Nguyễn Thị H. Tiền công một ngày T trả cho mỗi người phát rừng thuê là 100.000đ. Ngoài ra, T còn thuê và sử dụng máy cưa X của anh Hoàng Văn T để cưa hạ các cây to trong rừng. Chiều ngày 15/3/2016, tổ công tác liên ngành Hạt kiểm lâm Q, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Q và Ủy ban nhân dân xã C đã kiểm tra và phát hiện hành vi chặt, phát rừng trái phép của Lô Văn T. Qua khám nghiệm hiện trường, xác định được diện tích rừng bị chặt, phát là 20.856m2. Gây thiệt hại: 1,929m3 gỗ nhóm 3; 4,025m3 gỗ nhóm 5; 11,763m3 gỗ nhóm 6; 9,729m3 gỗ nhóm 7 và 19,146m3  gỗ nhóm 8. Vào đầu tháng 4/ 2016, diện tích rừng mà T đã chặt phát trên đã bị cháy rụi hoàn toàn mà không xác định được nguyên nhân, người gây cháy.

Tại bản kết luận định giá số 11/KL - HĐĐG ngày 22/7/2016 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Q kết luận: Tổng giá trị lâm sản (gỗ) bị hủy hoại là 114.197.000đ (Một trăm mười bốn triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn đồng).

Với  nội  dung  trên  tại  Bản  án  hình  sự  sơ  thẩm  số  05/2017/HSST  ngày 17/02/2017 của Toà án nhân dân huyện Q, tỉnh Nghệ An đã quyết định tuyên bố bị cáo Lô Văn T phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 189; các Điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điểm i khoản 1 Điều 48; Điều 47 Bộ luật hình sự xử phạt Lô Văn T 03 (Ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Trách nhiệm dân sự: Áp dụng điều 42 BLHS; các Điều 584 và 589 BLDS. Buộc Lô Văn T phải có nghĩa vụ bồi thường cho ngân sách Nhà nước do UBND huyện Q, tỉnh Nghệ An đại diện với số tiền 28.500.000đ, được khấu trừ số tiền 2.000.000đ đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0007364 ngày 08/12/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, bị cáo có nghĩa vụ bồi thường tiếp số tiền 26.500.000đ (Hai mươi sáu triệu, năm trăm nghìn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về lãi suất chậm thi hành án, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự trong vụ án.

Ngày 02/3/2017 , bị cáo Lô Văn T làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Ngày 02/3/2017, ông Lô Văn X kháng cáo đề nghị xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của ông; Theo ông thì ông là người bị hại trong vụ án. Ông yêu cầu bị cáo khôi phục lại rừng chứ không phải bồi thường như án sơ thẩm đã tuyên;  Xin cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Tại phiên tòa, bị cáo Lô Văn T thay đổi nội dung kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Hủy hoại rừng” là đúng, chỉ xin xem xét  giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Bà Lương Thị N là người đại diện theo ủy quyền của ông X cũng thay đổi nội dung kháng cáo, không yêu cầu bị cáo trồng lại rừng; xin xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo T được hưởng án treo.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị Hội đồng xét xử: Bị cáo rút kháng cáo về phần xem xét lại tội danh, chỉ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo nên chỉ xem xét phần kháng cáo còn lại. Xét hành vi phạm tội của bị cáo theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 thì nhẹ hơn và chỉ bị xét xử theo khoản 2 Điều 243; Do vậy, cần xem xét để giảm nhẹ một phần cho bị cáo và lên cho bị cáo mức án từ 24 đến 30 tháng tù cũng đủ tính giáo dục và phòng ngừa chung; Không có căn cứ cho bị cáo được hưởng án treo.

Về kháng cáo của ông X đề nghị xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của ông thấy: Khách thể của tội “Hủy hoại rừng” là chế độ quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Ông X chưa có đầy đủ tư cách của một chủ sở hữu tài sản đối với rừng bị Lô Văn T hủy hoại. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đưa ông X vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là phù hợp; Với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nên ông X không có quyền kháng cáo về phần hình phạt đối với bị cáo nên phần kháng cáo của ông X đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo không được xem xét. Bà N cũng không đề nghị buộc bị cáo khôi phục lại rừng nên nội dung này cũng không xem xét.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo trong vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên toà, bị cáo Lô Văn T rút kháng cáo về phần xem xét lại tội danh và thừa nhận Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Hủy hoại rừng” là đúng nên về tội danh Hội đồng xét xử không xem xét lại.

Xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo thấy rằng: Tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai nhận:  Trong thời gian từ ngày 08/3/2016 đến ngày 15/3/2016 bị cáo đã tự mình và thuê thêm người khác chặt phát rừng để chuyển đổi sang trồng cây keo trên phần diện tích đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình ông Lô Văn X mà không bàn bạc với ai trong gia đình và cũng không làm thủ tục xin phép cấp có thẩm quyền. Qua khám nghiệm hiện trường, xác định diện tích rừng mà bị cáo T chặt phá là 20.856m2 thuộc thửa đất số 137, tờ bản đồ số 1 với giá trị lâm sản là 114.197.000đ.

Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA- VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tại Mục 3.6 Điều 3 Phần IV về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự quy định: “a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn là hủy hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính” và khoản 5 Điều 20 Nghị định số 157/2013/NĐ-Cp ngày 11/11/2013 của Chính phủ thì Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng pháp luật đối với bị cáo theo điểm a khoản 3 Điều 189 Bộ Luật hình sự năm 1999 là phù hợp.

Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng và rất nguy hiểm cho xã hội. Dù biết diện tích đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên được giao cho gia đình ông X không được chặt phát hoặc khai thác khi chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền; nhưng với ý thức coi thường pháp luật bị cáo đã tự mình và thuê thêm người khác chặt pháp rừng với diện tích đặc biệt lớn. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý rừng của nhà nước; đồng thời xâm phạm đến tài sản của nhà nước và tài sản của công dân. Vì vậy, cần phải xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật để trừng trị và giáo dục bị cáo đồng thời răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên cũng xét trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã khai báo thật thà thành khẩn; thực sự ăn năn hối hận với hành vi phạm tội của mình. Bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả thiệt hại nộp bồi thường được 2.000.000đ, nên có các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân chưa có tiền án tiền sự; Mặt khác xét khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì áp dụng pháp luật theo điểm a khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt 7 đến 15 năm tù; Nhưng hiện nay theo Bộ luật hình sự năm 2015 thì bị cáo chỉ phạm vào khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự 2015 có khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2017 thì “điều luật quy định một mức hình phạt nhẹ hơn…và quy định có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”. Do vậy cần căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015; khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội; Nghị quyết số 01/2016/NQ- HĐTP TANDTC ngày 30/6/2016 để áp dụng khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự 2015 và áp dụng Điều 47 khi lượng hình đối với bị cáo. Mặt khác tình tiết tặng nặng “Xâm phạm tài sản của nhà Nước” được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 1999 và Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng này khi lượng hình đối với bị cáo; nhưng tại Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 đã loại bỏ tình tiết tăng nặng này. Do vậy, nay không áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với bị cáo.

Như vậy, với các phân tích trên thì Tòa án cấp sơ thẩm lên cho bị cáo Lô Văn T mức án 3 năm tù là có nặng, nên cần chấp nhận kháng cáo và giảm hình phạt cho bị cáo xuống còn khoảng 20 tháng tù. Tuy nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, nhưng hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, hiện nay tình trạng đốt phá rừng tại các huyện miền núi xẩy ra nhiều nên cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để trừng trị, giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung; không có căn cứ để cho bị cáo được hưởng án treo.

Ông Lô Văn X kháng cáo: Theo ông X thì ông là người bị hại trong vụ án Xét nội dung kháng cáo này của ông X thấy: Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất rừng giao cho ông X là rừng tự nhiên sản xuất. Bị cáo đã thực hiện hành vi hủy hoại rừng với diện tích 20.856m2 gây thiệt hại về lâm sản gồm 46m3 gỗ các loại với tổng giá trị 144.197.000đ. Đối với diện tích rừng được giao này là giao cho gia đình ông X quản lý bảo vệ, khoanh nuôi. Ông X muốn khai thác lâm sản thì phải xin phép cấp có thẩm quyền cho phép thì mới được khai thác và khi khai thác thì gia đình ông được hưởng 70 đến 80% giá trị lâm sản theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7 Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ, phần còn lại thuộc nhà nước. Như vậy khi chưa xin phép và cho phép khai thác thì lâm sản thuộc rừng giao cho ông X bảo vệ quản lý vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước, chứ chưa thuộc quyền sở hữu của ông X. Ông X chưa có đủ quyền năng của một chủ sở hữu tài sản. Khách thể của tội “Hủy hoại rừng” là chế độ quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Do vậy ông không phải là người bị hại trong vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm đưa ông X tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi liên quan trong vụ án là phù hợp. Với tư cách người có quyền lợi liên quan trong vụ án thì kháng cáo của ông X về nội dung xin giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo không thuộc quyền kháng cáo của ông nên Hội đồng không xem xét nội dung kháng cáo này.

Tại phiên tòa bà N là người được ông X ủy quyền rút nội dung kháng cáo đề nghị bị cáo khôi phục lại rừng nên nội dung này Hội đồng xét xử không xét.

Tổng giá trị lâm sản thiệt hại được xác định 144.197.000đ. Theo quy định trên cần được chia theo tỷ lệ. Hộ gia đình ông X bị thiệt hại 75% tương ứng số tiền 85.697.000đ; 25% còn lại thuộc ngân sách nhà nước tương ứng số tiền 28.500.000đ. Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo bồi thường nộp số tiền này vào ngân sách nhà nước, đã nộp bồi thường được 2.000.000đ còn phải nộp tiếp 26.500.000đ. Nội dung này không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Trong quá trình cơ quan điều tra thu thập chứng cứ lấy lời khai và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bà Lương Thị N vợ ông X không yêu cầu bị cáo T bồi thường. Tại phiên tòa sơ thẩm ông X vắng mặt, nhưng quá trình điều tra ông X không yêu cầu bị cáo bồi thường. Tại phiên tòa phúc thẩm bà N nhận sự ủy quyền của ông X cũng không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại. Do vậy hội đồng xét xử không xem xét nội dung này.

Về án phí: Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải chịu 1.325.000đ án phí dân sự sơ  thẩm.

Theo quy định tại Điều 12 Nghị Quyết số 326/NQ-UBTVQH  ngày 30/12/2016 thì bị cáo thuộc hộ nghèo (có giấy tờ chứng minh trong hồ sơ vụ án) nên được miễn tiền án phí Dân sự sơ thẩm. Nội dung này không có kháng cáo, nhưng có lợi cho bị cáo nên cần xem xét và không buộc bị cáo phải chịu tiền án phí Dân sự sơ thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ vào Điểm b Khoản 2 Điều 248; Điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị cáo Lô Văn T; sửa bản án sơ thẩm, giảm một phần hình phạt cho bị cáo và sửa phần án phí Dân sự sơ thẩm.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 189; các Điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự; Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội; Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt Lô Văn T 20 (Hai mươi) tháng tù về tội “Hủy hoại rừng”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Về án phí: Bị cáo Lô Văn T không phải chịu 1.325.000đ (Một triệu, ba trăm hai lăm ngàn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1334
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 83/2017/HSPT ngày 16/06/2017 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:83/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/06/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về