Bản án 45/2018/HS-ST ngày 16/11/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THÁP MƯỜI, TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 45/2018/HS-ST NGÀY 16/11/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 16 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án Huyện, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 41/2018/TLST-HS ngày 28 tháng 9 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 52/2018/QĐXXST-HS ngày 26 tháng 10 năm 2018, đối với bị cáo:

Họ và tên: Nguyễn Song H, sinh năm 1964, tại Đồng Tháp; Nơi cư trú: ấp 1, xã H, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; nghề nghiệp làm thuê; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc kinh; giới tính nam; tôn giáo không; quốc tịch Việt Nam; con ông Nguyễn Văn L - sinh năm: 1922 (còn sống) và bà Nguyễn Cẩm H - sinh năm: 1931 (còn sống); có vợ tên Võ Thị Mỹ P, sinh năm: 1978 và có 02 người con (lớn sinh năm 1992, nhỏ sinh năm 1995; tiền án, tiền sự không; bị bắt ngày 23/10/2017; tạm giữ ngày 24/10/2017; tạm giam ngày 02/11/2017; bị cáo còn bị tạm giam và có mặt tại phiên tòa.

* Người bị hại:

1. Lê Hồng S- sinh năm: 1959 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp 1, xã H, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

2. Ngô Thị Đ- sinh năm: 1985 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp 1, xã H, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

3. Phạ Văn C- sinh năm: 1949 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp B, xã P, huyện C, An Giang.

4. Nguyễn Thị Lệ H- sinh năm: 1947 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp B, xã P, huyện C, An Giang.

5. Phạ Thanh H- sinh năm: 1980 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: Khóm 4, thị trấn M, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

* Người làm chứng:

1. Lâ Tấn K- sinh năm: 1975 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp 3, xã H, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

2. Nguyễn Thị Ngọc H- sinh năm: 1969 (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: 17/1 LĐ, phường H, Quận T, thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2003, Nguyễn Song H cùng vợ tên Nguyễn Thị Ngọc H làm nghề kinh doanh vật tư nông nghiệp và mua bán xăng dầu tại địa bàn ấp 1, xã H, huyện Tháp Mười. Để có vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh, H đã thế chấp toàn bộ tài sản của mình để vay vốn Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đ; Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện T; Ngân hàng TMCP Phương Nam và vay mượn của những người quen biết, họ hàng.

Vào khoảng đầu năm 2001, ông Lê Hồng S có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng không biết thủ tục vay. Do biết H có quen biết với nhiều cán bộ tín dụng Ngân hàng, nên ông S đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông mượn của ông Huỳnh Bình P trước đó rồi nhờ H làm thủ tục vay tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đ số tiền 50.000.000 đồng. Sau khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ông S, H nảy sinh ý định sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này vay riêng cho mình, nhưng không nói cho ông S và ông P biết với mục đích chiếm đoạt số tiền vay được. Ngày 05/02/2001, H làm hồ sơ và nhờ anh Lâm Tấn K đứng tên vay Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đ số tiền 150.000.000 đồng, trong đó H giả chữ ký của ông Huỳnh Bình P trong hợp đồng bảo lãnh vay số tiền 50.000.000 đồng bằng quyền sử dụng đất của ông P; 100.000.000 đồng còn lại được bảo đảm bằng các quyền sử dụng đất khác. Đến khoảng tháng 04/2001, ông S nhiều lần đến nhà H hỏi về việc nhờ vay tiền Ngân hàng, thì H nói dối là chưa vay được, hẹn khi nào vay được sẽ báo cho ông S biết. Đến tháng 9/2001, sau nhiều lần ông S yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì H thừa nhận đã vay được tiền và sử dụng hết vào việc cá nhân. H hứa sẽ trả tiền Ngân hàng lấy giấy chứng nhận về trả cho ông S, nhưng không thực hiện mà tiếp tục đáo hạn hợp đồng vay nhiều lần. Sau đó, ông S đã b ra số tiền 50.000.000 đồng tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất để trả cho ông P. Đến tháng 9/2003, H bỏ khỏi địa phương. Năm 2004, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đ thanh lý hợp đồng vay của H do anh K đứng tên, trong đó bán tài sản bảo lãnh thế chấp là quyền sử dụng đất của ông P còn dư số tiền 20.000.000 đồng và giao số tiền này cho ông S. Như vậy, với thủ đoạn trên bị cáo H đã lừa đảo chiếm đoạt của ông S số tiền 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, do làm ăn thua lỗ, cuối năm 2002, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đ rút vốn không cho H vay lại số tiền 200.000.000 đồng, dẫn đến H mất cân đối về tài chính, không còn khả năng trả các khoản nợ vay trước đó. Thời điểm này, H nợ tiền Ngân hàng khoảng 700.000.000 đồng, nợ vay bên ngoài khoảng 300.000.000 đồng và bị nhiều người đến yêu cầu trả nợ. Từ đó, H dùng thủ đoạn nói dối với nhiều người là hỏi vay mượn tiền để đáo hạn nợ vay Ngân hàng, hứa ít ngày sau sẽ trả lại tiền cho họ. Những người này tin tưởng giao tiền cho H. Sau khi nhận tiền, H không đáo hạn Ngân hàng mà sử dụng để trả nợ, lãi cho những người đã vay trước đó, dẫn đến không còn khả năng trả lại tài sản. Bằng thủ đoạn này, H đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 59.500.000 đồng của các bị hại sau:

Của anh Phạm Văn C và chị Nguyễn Thị Lệ H:

Ngày 30/4/2003, anh Phạm Văn C và chị Nguyễn Thị Lệ H nhờ H làm thủ tục vay tiền ở Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đ với số tiền là 20.000.000 đồng, Hiệp đồng ý và xin vay ké số tiền 5.000.000 đồng, H trả lãi cho phần vay ké. Đến tháng 8/2003, sau khi thu hoạch lúa xong, anh C và chị H muốn trả tiền vay trước hạn để giảm tiền lãi nên đem số tiền 20.000.000 đồng đến nhà để yêu cầu H trả tiền vay Ngân hàng. Lúc này, H nói dối với anh C, chị H là cho H mượn số tiền 20.000.000 đồng để đáo hạn nợ vay Ngân hàng và hứa 03 ngày sau sẽ trả lại nên anh C, chị H đồng ý. Sau khi nhận được 20.000.000 đồng từ anh C, chị H, H không đáo hạn nợ vay Ngân hàng mà sử dụng để trả nợ và lãi của các khoản vay trước đó (H không nhớ cụ thể là đã trả cho những ai) dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho anh C, chị H. Đến tháng 9/2003, Hiệp b trốn kh i địa phương, anh C, chị H phải bỏ ra số tiền 25.000.000 đồng để trả nợ vay Ngân hàng.

Của chị Ngô Thị Đ:

Vào tháng 3/2003, do quen biết với chị Ngô Thị Đ nên H đến hỏi vay số tiền 9.500.000 đồng. Trước khi vay, H nói dối là để đáo hạn nợ vay Ngân hàng, hứa vài ngày sau sẽ trả lại. Chị Đ đồng ý cho vay do tin tưởng vào lời nói của H. Sau khi nhận được 9.500.000 đồng từ chị Đ, H không đáo hạn Ngân hàng mà sử dụng để trả nợ và lãi của các khoản vay trước đó (H không nhớ cụ thể là đã trả cho những ai) dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho chị Đ.

Của chị Phạm Thanh Hằng:

Vào ngày 08/4/2003, do có quen biết với chị Phạm Thanh H nên H đến hỏi vay số tiền 30.000.000 đồng, nói dối là để đáo hạn nợ vay Ngân hàng, hứa 10 ngày sẽ trả lại tiền cho chị H. Chị H đồng ý cho vay do tin tưởng vào lời nói của H. Sau khi nhận được 30.000.000 đồng từ chị H, H không đáo hạn nợ vay Ngân hàng mà sử dụng để trả nợ và lãi của các khoản vay trước đó (H không nhớ cụ thể là đã trả cho những ai) dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho chị H.

Như vậy, tổng số tiền bị cáo H đã lừa đảo để chiếm đoạt của các bị hại nêu trên là 109.500.000 đồng.

Đến tháng 9/2003, H bỏ trốn khỏi địa phương. Năm 2010, H liên lạc với gia đình thì biết mình đã bị khởi tố, truy nã và Cơ quan Công an nhiều lần đến nhà vận động H ra đầu thú, nhưng H không ra đầu thú vì sợ bị bắt. Đến ngày 23/10/2017, Cơ quan Công an bắt được H theo Quyết định truy nã khi đang trú tại phường B, quận T, thành Phố Hồ Chí Minh.

Ngoài khoản tiền 109.500.000 đồng mà H đã lừa đảo để chiếm đoạt của các bị hại nêu trên, trước thời điểm bỏ trốn khỏi địa phương, H còn nợ tiền gốc và lãi của 11 người với số tiền 246.612.000 đồng, nhưng xét đây là các giao dịch dân sự, nên không xem xét xử lý hình sự đối với H về các khoản tiền này. Hiện H đã trả lại được số tiền 186.729.000 đồng cho 09 chủ nợ, còn số tiền 44.000.000 đồng của bà Huỳnh Thị H và 15.883.000 đồng của chị Lê Thị T thì H chưa trả. Đối với khoản tiền của bà H và chị T không giải quyết trong vụ án này, khi có yêu cầu sẽ được giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự.

Về chịu tách nhiệm dân sự:

Người bị hại Lê Hồng S yêu cầu H trả lại số tiền 30.000.000 đồng, người bị hại Ngô Thị Đ yêu cầu H trả lại số tiền 9.500.000 đồng, người bị hại Phạm Văn C và Nguyễn Thị Lệ H yêu cầu H trả lại số tiền 25.000.000 đồng, người bị hại Phạm Thanh H yêu cầu H trả lại số tiền 30.000.000 đồng, tất cả các bị hại không yêu cầu tính lãi đối với khoản tiền trên. Bị cáo H đồng ý trả các khoản tiền nêu trên cho các bị hại và đã trả xong.

Tại Bản Cáo trạng số 37/CT-VKSTM ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Viện kiểm sát huyện Tháp Mười, truy tố bị cáo Nguyễn Song H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 của Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, nay là điểm c khoản 2 Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 2015).

Tại phiên tòa sơ thẩm:

- Đại diện Viện kiểm sát huyện Tháp Mười thực hiện quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm luận tội, đã đưa ra những chứng cứ, lý lẽ kết tội đối với bị cáo. Sau khi phân tích hành vi phạm tội, căn cứ nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử:

+ Về tội danh: Căn cứ Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyễn Song H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

+ Về hình phạt: Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1 Điều 51 và điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt: Bị cáo Nguyễn Song H từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm tù.

+ Về trách nhiệm dân sự: Đã giải quyết xong.

- Tại phiên tòa, bị cáo H thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung Bản Cáo trạng đã truy tố.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Về hành vi, Quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Tháp Mười, Điều tra viên, Viện kiểm sát huyện Tháp Mười, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Quá trình điều tra, chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện điều hợp pháp.

 [2] Tại phiên tòa, bị cáo H khai nhận: Trong năm 2001 và năm 2003, do kinh doanh thua lỗ, mất cân đối, bị cáo vay tiền bên ngoài, vay của người này trả cho người khác dẫn đến mất khả năng chi trả nên bị cáo H đã dùng thủ đoạn gian dối để lừa các bị hại Lê Hồng S, Phạm Văn C, Nguyễn Thị Lệ H, Ngô Thị Đ, Phạm Thanh H, làm các bị hại tin tưởng giao tài sản cho bị cáo, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền tổng cộng 109.500.000 đồng, sử dụng hết vào mục đích cá nhân rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Xét lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với nội dung Bản Cáo trạng của Viện kiểm sát, lời khai của người bị hại, người làm chứng, vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

 [3] Do đó, Viện kiểm sát huyện Tháp Mười truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a)......................

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.”

 [4] Xét, bị cáo Hi là người đã thành niên, bị cáo nhận thức được hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật. Đáng lý ra, bị cáo phải biết tôn trọng và bảo vệ tài sản của người khác, nhưng ngược lại vì công việc làm ăn thua lỗ, bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi của bị cáo thực hiện với lỗi cố ý, chẳng những xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương.

 [5] Do đó, việc đưa bị cáo ra xét xử tại phiên tòa hôm nay là cần thiết, cần cách ly bị cáo một thời gian, để bị cáo có điều kiện học tập, cải tạo trở thành công dân tốt và sống có ích cho xã hội. Đồng thời, góp phần phòng ngừa trong toàn xã hội.

 [6] Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015, đồng thời xem xét các tình tiết giảm nhẹ “Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt là phù hợp với điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015.

 [7] Về trách nhiệm dân sự:

Người bị hại Lê Hồng S yêu cầu bị cáo H trả lại số tiền 30.000.000 đồng, người bị hại Ngô Thị Đ yêu cầu bị cáo Hiệp trả lại số tiền 9.500.000 đồng, người bị hại Phạm Văn C và Nguyễn Thị Lệ H yêu cầu bị cáo H trả lại số tiền 25.000.000 đồng, người bị hại Phạm Thanh H yêu cầu bị cáo H trả lại số tiền 30.000.000 đồng. Tất cả các bị hại không yêu cầu tính lãi đối với khoản tiền trên. Bị cáo H đồng ý trả các khoản tiền nêu trên cho các bị hại và đã trả xong, nên không xem xét.

 [8] Đối với anh Lâm Tấn K có hành vi thay bị cáo H đứng tên hợp đồng vay Ngân hàng (đối với khoản tiền bị cáo H chiếm đoạt của ông Sơn) nhưng không biết bị cáo H gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Xét không có yếu tố đồng phạm với bị cáo H, nên không xử lý đối với Ki là phù hợp.

 [9] Đối với chị Nguyễn Thị Ngọc H là vợ trước đây của bị cáo H, việc bị cáo H dùng thủ đoạn gian đối để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại, chị H không tham gia nên không xử lý là phù hợp.

 [10] Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

 [11] Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Song H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

2. Xử phạt: Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt: Bị cáo Nguyễn Song H 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 23/10/2017.

3. Về n phí: Áp dụng Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Nguyễn Song H phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án tỉnh Đồng Tháp trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Riêng, người bị hại có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án tỉnh Đồng Tháp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày niêm yết bản án tại nơi cư trú.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

286
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 45/2018/HS-ST ngày 16/11/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:45/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tháp Mười - Đồng Tháp
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về