Bản án 183/2017/HSST ngày 30/08/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 183/2017/HSST NGÀY 30/08/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 30/8/2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 173/2017/HSST ngày 03/8/2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Võ Thế N; Tên gọi khác: không; Sinh năm: 1959; Tại: tỉnh Hà Tĩnh; Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: đường Y, phường E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 7/10; Tiền án; Tiền sự: Không; Con ông: Võ T, sinh năm: 1930; Con bà: Trần Thị C (đã chết). Bị cáo có vợ là Lê Thị A, sinh năm: 1961 và có 05 con, con lớn nhất sinh năm: 1986, con nhỏ nhất sinh năm: 2003.

Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa

Nguyên đơn dân sự: Sở A tỉnh ĐăkLăk

Ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Quang Tr - C/vụ: Giám đốc

Địa chỉ: đường T, Thành phố B, tỉnh Đăk Lăk

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tiến C – C/vụ: Phó trưởng phòng B (Vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt)

Địa chỉ: đường L, Thành phố B, tỉnh Đăk Lăk

NHẬN THẤY

Bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Tháng 11/1977 Võ Thế N gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, huấn luyện tại E600 - Công an vũ trang (Đóng quân tại huyện V, tỉnh Vĩnh Phú). Sau 06 tháng huấn luyện, N tham gia phục vụ và chiến đấu tại đơn vị Tiểu đội x Đại đội y, Tiểu đoàn z, Trung đoàn p, Đoàn Th - Công an vũ trang (Đóng quâ tại huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn). Đến khoảng năm 1980, Trung đoàn p, Đoàn Th -Công an vũ trang, sát nhập vào Sư đoàn G (không nhớ thuộc đơn vị nào), đóng quân tại xã A, huyện S, ngoại thành Hà Nội. Đến tháng 3/1981, N được xuất ngũ về xã L - huyện C - tỉnh Hà Tĩnh, để làm ăn và sinh sống. Quá trình tham gia Quân đội N chỉ bị thương duy nhất một lần vào ngày 27/02/1979. Khi N đang chiến đấu tại huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn (Chiến tranh Biên giới phía Bắc), bị thương do sức ép pháo (tư thế quỳ), làm nứt 03 xương lồng ngực và được điều trị tại trạm xá Trung đoàn p, Đoàn Th -Công an vũ trang. Sau 07 ngày điều trị thì N trở về lại đơn vị. Việc điều trị của N không có giấy tờ và cũng không được giám định thương tật hay hưởng chế độ gì. Khi xuất ngũ, N được Tiểu đoàn h, Trung đoàn k, Sư đoàn G, Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư Lệnh Thủ đô Hà Nội), cấp 01 Quyết định xuất ngũ và N đã nộp cho Ban chỉ huy Quân sự huyện C, tỉnh Hà Tĩnh, để đăng ký danh sách quân nhân dự bị và được cấp 06 tháng lương thực. Năm 1981 N chuyển vào thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, sinh sống lập gia đình và trú tại: Tổ dân phố 4, phường E, thành phố BB, tỉnh Đăk Lăk.

Vào khoảng năm 2007, có một người đàn ông (không rõ nhân thân,lai lịch), đến nhà N hỏi “Anh có tham gia sinh hoạt tại Hội cựu chiến binh, hiện nay Nhà nước đang làm chế độ ưu đãi những người có công, nếu muốn làm chế độ thương binh thì em giúp anh làm giấy chứng nhận bị thương và quyết định phục viên, với giá 15.000.000 đồng”. Đồng thời nói N cung cấp một số thông tin liên quan đến việc N tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam và bị thương, như: Đơn vị, ngày nhập ngũ, nơi bị thương, ngày bị thương, vết thương, tên thủ trưởng…,thì N đồng ý cung cấp các thông tin liên quan và mua các giấy giả để làm hồ sơ thương binh. Đến năm 2010, khi xem ti vi thì N biết Nhà nước đang làm chế độ ưu đãi những người có công với cách mạng. N đã lên Uỷ ban nhân dân phường E, thành phố Buôn Ma Thuột, xin các loại mẫu giấy tờ đề về làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh. Do mắt kém, nên N nhờ chị Võ Thị Hồng H (là con gái của N), sinh năm: 1986, trú tại: số x đường E, tổ 7, khối 4, phường E, thành phố B viết kê khai giúp các nội dụng trong mẫu, còn N kí tên xác nhận phía dưới. Sau đó, N mang các giấy tờ này, cùng 01 Giấy chứng nhận bị thương, số: 87 ngày 20/01/1982 và 01 Quyết định phục viên, số: 36 ngày 18/4/1982 (là các giấy tờ giả mà N đã mua trước đó), đến nộp cho Uỷ ban nhân dân phường E, thành phố B. Ngày 24/4/2013, N được Hội đồng giám định y khoa Quân khu M, Quân đội nhân dân Việt Nam, kết luận: Võ Thế N có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 22%, vĩnh viễn. Ngày 25/5/2013, Võ Thế N được Quân khu M, cấp giấy chứng nhận thương binh loại A, thương tật hạng: 4/4-22%-VV. Sau đó, N được Sở A tỉnh Đắk Lắk, chi trả tiền ưu đãi và tiền chính sách hàng tháng. Tổng số tiền N đã chiếm đoạt của Nhà nước (từ tháng 05/2013 đến tháng 02/2015) là 23.928.000 đồng. Số tiền này N đã sử dụng hết vào mục đích cá nhân. Ngày 24/11/2014, N làm giấy cấp sổ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo cho hai con của N là chị Võ Thị Thu Ph, sinh năm: 1996 và cháu Võ Ngọc Q, sinh năm: 2003. Đến năm 2015, việc làm giả hồ sơ để đề nghị hưởng chế độ thương binh của của Võ Thế N, bị cơ quan Điều tra hình sự Quân khu M, phát hiện. Ngày 04 và ngày 06/3/2015 Võ Thế N tự nguyện giao nộp, gồm: 01 giấy chứng nhận thương binh số 108842/AQ-K5, 01 sổ lĩnh tiền ưu đã hàng tháng và số tiền là 18.000.000 đồng, cho Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, để phục vụ công tác điều tra. Ngày 17/5/2017, Sở A tỉnh Đắk Lắk đã ra thông báo và Quyết định về việc đình chỉ trợ cấp và thu hồi chế độ thương binh, đối với Võ Thế N, lý do:“Giấy chứng nhận bị thương số: 87/GCN, đề ngày 20/01/1982 của Trung đoàn P, ghi cấp cho ông Võ Thế N, sinh năm 1958 - Ký hiệu A103. Phần chữ in phôi tài liệu được hình thành bằng các hạt mực laze. Hình dấu xác nhận mang tên “Trung đoàn 12” trên tài liệu có các chữ nội dung được hình thành bằng phương pháp kẻ, vẽ tay”. Sau đó Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục thu thập và tạm giữ: 01 bộ hồ sơ thương binh giả; Các bảng lương, danh sách chi trả tiền trợ cấp ưu đãi, đều mang tên Võ Thế N và biên lai số tiền 5.928.000 đồng (Nông đã giao nộp cho Sở A tỉnh Đắk Lắk), là các tang vật chứng của vụ án, để phục vụ công tác điều tra

Tại bản kết luận điều tra số: 01/KLĐT ngày 12/01/2015 và thông báo kết quả xác minh ngày 09/01/2017 của Cơ quan điều tra hình sự Quân Khu N kết luận:

- Trong đội hình Trung đoàn P, Sư đoàn S, Quân khu N qua các thời kỳ chỉ có các tiểu đoàn 4,5,6 chứ không có tiểu đoàn 1;

- Trong giai đoạn 1980 đến 1983, không có ai trong Ban chỉ huy Trung đoàn P, Sư đoàn S, Quân khu N có tên Tống Văn N, Thiếu tá;

- Xác minh sổ đămg ký quân nhân xuất ngũ, phục viên của Trung đoàn P, Sư đoàn S, Quân khu N năm 1982 không có ai tên là Võ Thế N, sinh năm 1958, quê quán xã S, huyện C, tỉnh Nghệ Tĩnh, nhập ngũ 1977, cấp bậc Trung sỹ, chức vụ Y tá, đơn vị d1-e12-f3-Quân khu N, xuất ngũ ngày 18/4/1982;

- Xác minh sổ đăng ký danh sách quân nhân bị thương của Trung đoàn P, Sư đoàn S, Quân khu N từ năm 1979-1980 không có ai tên là Võ Thế N ở địa chỉ nêu trên được đăng ký trong sổ

Ngày 07/02/2017 Cơ quan điều tra hình sự Quân khu N xác định: Trong biên chế tổ chức đội hình của Quân khu N, từ trước đến nay không có Sư đoàn 301. Qua giải mã phiên hiệu các đơn vị, hiện nay Sư đoàn G thuộc Bộ tư lệnh thu đô Hà Nội, địa chỉ: Phường Y, quận H, thành phố Hà Nội

Tại bản cáo trạng số 188/KSĐT-HS ngày 31/7/2017, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đã truy tố bị cáo Võ Thế N về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 Bộ Luật Hình sự

Kết quả xét hỏi tại phiên tòa hôm nay, bị cáo hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng như lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và bản cáo trạng mà đại diện Viện kiểm sát đã công bố tại phiên tòa

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội của bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố. Đồng thời, đề nghị HĐXX:

Áp dụng: khoản 1 Điều 139; điểm b, g, h, p khoản 1 Điều 46; khoản 1 Điều 60 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Võ Thế N mức án từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường E, Thành phố B, tỉnh Đăk Lăk để giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách

Các biện pháp tư pháp: Áp dụng Điều 41, Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 589 Bộ luật dân sự.

- Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 18.000.000 đồng do bị cáo Võ Thế N phạm tội mà có, để trả lại cho Sở A tỉnh Đắk Lắk, nộp ngân sách Nhà nước nhưng tiếp tục tạm giữ để đảm bảo công tác thi hành án.

- Chấp nhận việc Võ Thế N đã tự nguyện giao nộp số tiền 5.928.000 đồng, do phạm tội mà có, cho Sở A tỉnh Đắk Lắk, để nộp ngân sách nhà nước.

Lưu hồ sơ vụ án: 01 Giấy chứng nhận bị thương, số: 87 ngày 20/01/1982; 01 Quyết định phục viên, số: 36 ngày 18/4/1982; 01 giấy chứng nhận thương binh số 108842/AQ-K5; 01 sổ lĩnh tiền ưu đã hàng tháng; 01 bộ hồ sơ thương binh giả và Các bảng lương, danh sách chi trà, truy lĩnh tiền trợ cấp ưu đãi (từ tháng 05/2013 đến tháng 02/2015), đều mang tên Võ Thế N, đề đảm bảo công tác xét xử.

Bị cáo không tranh luận, bào chữa gì thêm chỉ đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, đã có đủ cơ sở để khẳng định: Vào năm 2010, Võ Thế N dùng thủ đoạn gian dối, sử dụng các giấy tờ giả gồm: Quyết định phục viên và giấy chứng nhận bị thương để làm hồ sơ thương binh tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk nhằm mục đích hưởng chế độ thương binh và các khoản ưu đãi khác của Nhà nước dành cho thương binh từ tháng 05/2013 đến tháng 02/2015. Tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt của Nhà nước là 23.928.000 đồng. Do đó, hành vi bị cáo thực hiện đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự.

* Tại Điều 139 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

......

Xét tính chất hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những trực tiếp xâm phạm đến tài sản của Nhà nước mà còn gây nên những ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Bị cáo là người có đủ khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của bản thân trong cuộc sống, bị cáo nhận thức được rằng tài sản hợp pháp của người khác được pháp luật quan tâm bảo vệ, mọi hành vi xâm hại trái pháp luật đều bị trừng trị một cách thích đáng. Song vì ham tư lợi mà bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cần thiết áp dụng mức hình phạt tương xứng với hành vi của bị cáo thì mới đảm bảo phát huy tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.

Tuy nhiên, sau khi phạm tội, tại cơ quan điều tra và tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả; phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn. Đồng thời, bị cáo đã từng tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam và chiến đấu trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc, có đóng góp một phần công sức trong công cuộc bảo vệ tổ quốc. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, g, h,Pkhoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự nên cần xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt nhằm thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật Nhà nước. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt và có nơi cư trú rõ ràng nên không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chỉ cần áp dụng chế định miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện để bị cáo cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng để giáo dục bị cáo trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Trong vụ án này còn có: Đối với đối tượng đã bán giấy tờ giả cho Võ Thế N thì Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk chưa xác minh được nhân thân lai lịch. Đối với Võ Thị Hồng H, Võ Thị Thu P và Võ Ngọc Q (là các con của N) không biết Võ Thế N dùng các giấy tờ giả để được hưởng chế độ thương binh và các khoản ưu đãi khác của Nhà nước dành cho thương binh (sổ ưu đãi trong giáo dục) nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý là phù hợp.

Về trách nhiệm dân sự: Quá tình điều tra, bị cáo đã bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt là 23.928.000 đồng. Trong đó, gồm: Bị cáo giao nộp 18.000.000 đồng cho Cơ quan anh ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và 5.928.000 đồng cho Sở A tỉnh Đắk Lắk. Xét việc bồi thường trên là đúng với quy định tại các Điều 584, Điều 585, Điều 589 Bộ luật Dân sự nên cần chấp nhận. Đồng thời, cần giao trả cho Sở A tỉnh Đắk Lắk số tiền 18.000.000 đồng để nộp vào ngân sách Nhà nước là phù hợp

Căn cứ vào Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án; Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: bị cáo Võ Thế N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Áp dụng khoản 1 Điều 139; điểm b, g, h,Pkhoản 1 và khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự

Xử phạt Võ Thế N 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường E, Thành phố B, tỉnh Đăk Lăk là nơi bị cáo thường trú để giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự

* Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, Điều 585, Điều 589 Bộ luật Dân sự

Chấp nhận bị cáo đã bồi thường số tiền 23.928.000 đồng cho Sở A tỉnh Đăk Lăk để nộp vào ngân sách Nhà nước. (Trong đó, gồm: Bị cáo giao nộp 18.000.000 đồng cho Cơ quan anh ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và 5.928.000 đồng cho Sở A tỉnh Đắk Lắk)

Giao trả cho Sở A tỉnh Đắk Lắk số tiền 18.000.000 đồng để nộp ngân sách Nhà nước (Số tiền này hiện đang được lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Buôn Ma Thuột theo biên lai thu tiền số AA/2013/14060 ngày 04/8/2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột)

* Về án phí : Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Bị cáo Võ Thế N phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng tiền án phí Hình sự sơ thẩm

Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

693
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 183/2017/HSST ngày 30/08/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:183/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:30/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về