TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 41/2021/KDTM-PT NGÀY 18/03/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Ngày 18/3/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 256/2020/TLPT-KDTM ngày 01/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 42/2020/KDTM-ST ngày 27/08/2020 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 31/2021/QĐ-PT ngày 15/01/2021; Quyết định hoãn phiên tòa số 56/2021/QĐ-PT ngày 26/01/2021;
Thông báo về việc thời gian mở lại phiên tòa số 98/2021/TB-TA ngày 08/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:
-Nguyên đơn: Công ty TNHH V Địa chỉ: Tòa nhà H, phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội Người đại diện theo pháp luật: Ông L.G – Giám đốc; có mặt
-Bị đơn: Tổng Công ty X Địa chỉ: phố S, phường N, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội Người đại diện theo pháp luật: Ông Đ.N.H – Tổng giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: Ông N.H.H, bà P.T.H.H. Địa chỉ: phường L, quận M, thành phố Hà Nội. (Theo giấy ủy quyền số 54/GUQ-TGĐ ngày 15/01/2020).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai, nguyên đơn và người đại diện của nguyên đơn trình bày:
Ngày 01/01/2017 Công ty TNHH V (sau đây viết tắt là Công ty V) và Công ty X - Chi nhánh Vĩnh Phúc (sau đây viết tắt là X Vĩnh Phúc) thuộc Tổng Công ty X ký hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu số 04/VPH/NV1/2017. Đối tượng bảo hiểm: Toàn bộ hàng hóa là nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của người được bảo hiểm, chở rời hoặc đóng gói trong container nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển nhập khẩu về Việt Nam. Phương tiện vận chuyển là tàu biển. Thời hạn thanh toán phí bảo hiểm: Trong 15 ngày đầu tiên của tháng kế tiếp bên mua sẽ thanh toán các đơn bảo hiểm hoặc sửa đổi bổ sung mà bên bán bảo hiểm đã cấp hoàn chỉnh cho từng chuyến hàng của tháng trước. Bên mua phải có trách nhiệm chuyển trả số phí bảo hiểm phát sinh cho các lô hàng đúng thời hạn nêu trên sau khi đã nhận đầy đủ các chứng từ.
Ngày 01/8/2018 Công ty V và X Vĩnh Phúc ký phụ lục hợp đồng bảo hiểm số 03/PL/VPH/NV1/2017 với nội dung: Chậm nhất vào ngày 25 hàng tháng, người được bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán cho người bảo hiểm toàn bộ phí bảo hiểm của các chuyến hàng có thời hạn bảo hiểm bắt đầu trong tháng liền kề trước đó theo các thông báo thu phí bảo hiểm, hóa đơn do người bảo hiểm phát hành trên cơ sở các đơn bảo hiểm đã được cấp....
Tháng 5/2018 Công ty V chuẩn bị nhập khẩu lô hàng là hạt đậu nành và yêu cầu X Vĩnh Phúc cấp đơn bảo hiểm. Ngày 22/5/2018 X Vĩnh Phúc đã cấp đơn bảo hiểm số O-18/VPH/HHA/1100/000103 và số O- 18/VPH/HHA/1100/000105. Ngày 14/9/2018 Công ty V nhận được 02 bộ chứng từ của lô hàng trên và đã thông báo cho X Vĩnh Phúc. Ngày 17/9/2018 X Vĩnh Phúc cấp đơn bảo hiểm số P-18/VPH/HHA/1100/000503 và đơn bảo hiểm số P-18/VPH/HHA/1100/000504. Ngày 26/9/2018 Công ty V đã thanh toán phí bảo hiểm cho 02 đơn bảo hiểm trên.
Khi tàu chở hàng đến cảng Hải Phòng đã tiến hành bốc, dỡ hàng từ ngày 29/9/2018 đến ngày 07/10/2018, các bên liên quan đã ghi nhận một số container bị móp, bẹp và có nước chảy vào nên đã mở niêm phong và ghi nhận sự việc.
Theo báo cáo giám định của Công ty giám định S (Do X chỉ định) thì hàng hóa của Công ty V bị tổn thất là 757.042.550 đồng.
Sau khi có kết quả giám định, Công ty V đã yêu cầu X Vĩnh Phúc bồi thường thiệt hại nhưng X Vĩnh Phúc từ chối bồi thường.
Công ty V yêu cầu Tòa án buộc Tổng Công ty X phải bồi thường giá trị hàng hóa bị tổn thất là 757.042.550 đồng và tiền lãi phát sinh do không bồi thường từ ngày 01/01/2019 đến ngày 28/02/2019 là 10.987.521 đồng; Tiếp tục tính lãi cho đến khi Tổng Công ty X thanh toán xong số tiền bồi thường.
Bị đơn và người đại diện của bị đơn trình bày:
X Vĩnh Phúc và Công ty V có ký hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu và phụ lục hợp đồng với các nội dung như Công ty V trình bày.
Về giá trị tổn thất hàng hóa của Công ty V, bị đơn không có ý kiến tranh chấp.
Lý do bị đơn từ chối bồi thường: Ngày 22/5/2018 X Vĩnh Phúc đã cấp đơn bảo hiểm số O-18/VPH/HHA/1100/000103 và số O-18/VPH/HHA/1100/000105 cho Công ty V.
Công ty V sau khi nhận đủ bộ chứng từ của lô hàng đã thông báo và được X Vĩnh Phúc cấp đơn bảo hiểm số P-18/VPH/HHA/1100/000503 và đơn bảo hiểm số P-18/VPH/HHA/1100/000504 ngày 17/9/2018.
Trong Đơn bảo hiểm đều thể hiện thời gian khởi hành là ngày 17/8/2019.
Ngày 17/9/2018, X Vĩnh Phúc đã phát hành thông báo thu phí bảo hiểm và hóa đơn GTGT dịch vụ bảo hiểm với số tiền 7.647.231 đồng. Công ty V đã nhận các chứng từ trên vào ngày 19/9/2018 nhưng đến ngày 26/9/2018 Công ty V mới thanh toán phí bảo hiểm cho các đơn bảo hiểm trên.
Do Công ty V chậm nộp phí bảo hiểm 01 ngày, vi phạm quy định của phụ lục hợp đồng đã ký nên bị đơn từ chối bồi thường tổn thất.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm 42/2020/KDTM-ST ngày 27/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã xử:
Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 92; Điều 143, 144, Điều 147; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 468 Bộ luật dân sự;
Điều 12, 13, 14, 15, 21, 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Án lệ số 37/2020 của Tòa án nhân dân Tối Cao;
Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH V đối với Tổng Công ty X.
Buộc Tổng Công ty X phải trả cho Công ty TNHH V số tiền tạm tính đến ngày 27/8/2020 là 882.524.945 đồng, trong đó số tiền bảo hiểm là 757.042.550 đồng, tiền lãi chậm trả là 125.482.395 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo ngày xử sơ thẩm, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền bảo hiểm cho đến khi trả xong số tiền bảo hiểm theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Về án phí: Tổng Công ty X phải chịu 38.475.748 đồng án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm Hoàn trả Công ty TNHH V 17.300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 9694 ngày 24/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án Không đồng ý với bản án sơ thẩm, Tổng Công ty X kháng cáo toàn bộ bản án với lý do án sơ thẩm dựa trên án lệ số 37/2020/AL ngày 05/02/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là không đúng bởi án lệ trái với các quy định pháp luật về bảo hiểm, áp dụng lãi suất 10% không đúng với hợp đồng bảo hiểm, đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa hôm nay: Các bên đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì mới. Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận nội dung đơn kháng cáo.
Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhận xét và đề nghị:
- Vế tố tụng: Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành các thủ tục tố tụng đúng pháp luật. Các đương sự chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự cung cấp và Tòa án thu thập được trong quá trình tiến hành tố tụng, sau khi đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] - Về thủ tục tố tụng:
Đơn kháng cáo của Tổng Công ty X được nộp trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ.
- Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết:
Tranh chấp giữa Công ty TNHH V với Tổng Công ty X phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu nên án sơ thẩm xác định tranh chấp kinh doanh thương mại là có căn cứ.
Bị đơn Tổng Công ty X có địa chỉ tại phố S, phường N, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, nên Tòa án nhân dân quận Đống Đa thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.
Về tư cách tham gia tố tụng: Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc là một chi nhánh của Tổng Công ty X, hoạt động theo sự ủy quyền của Tổng công ty và hạch toán phụ thuộc nên chưa đủ tư cách pháp nhân tham gia các giao dịch dân sự, mọi giao dịch của Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc được xác lập với danh nghĩa là người đại diện của Tổng Công ty X và chịu trách nhiệm trước Tổng công ty. Án sơ thẩm xác định Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là không đúng, nên sửa lại.
[2] - Về nội dung kháng cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
Công ty TNHH V với Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc thuộc Tổng Công ty X đã ký kết hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu số 04/VPH/NV1/2017 ngày 01/01/2017 và phụ lục hợp đồng bảo hiểm số 03/PL/VPH/NV1/2017 ngày 01/8/2018 với nội dung bảo hiểm toàn bộ hàng hóa là nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, chở rời hoặc đóng gói trong container vận chuyển bằng đường biển nhập khẩu về Việt Nam.
Ngày 22/5/2018 Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc đã cấp đơn bảo hiểm số O- 18/VPH/HHA/1100/000103 và số O-18/VPH/HHA/1100/000105. Ngày 14/9/2018 Công ty TNHH V nhận được 02 bộ chứng từ của lô hàng trên và đã thông báo cho Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc. Ngày 17/9/2018 Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc cấp đơn bảo hiểm số P-18/VPH/HHA/1100/000503 và đơn bảo hiểm số P-18/VPH/HHA/1100/000504.
Khi tàu đến cảng Hải Phòng và tiến hành bốc dỡ hàng từ ngày 29/9/2018 đến ngày 07/10/2018 thì phát hiện hàng hóa trên một số container bị ướt, mốc. Theo chứng thư giám định của Công ty cổ phần giám định S (do X chỉ định) về việc giám định tổn thất hàng hóa theo đơn bảo hiểm số P- 18/VPH/HHA/1100/000503 và số P-18/VPH/HHA/1100/000504 xác định tổng giá trị thiệt hại của 02 lô hàng là 757.042.550 đồng.
- Về thời hạn bảo hiểm:
Tại Điều 3 điểm 3.2.2 Hợp đồng nguyên tắc quy định: «…Bên A có trách nhiệm bảo hiểm cho tất cả các chuyến hàng khai báo bảo hiểm của bên B…».
Theo thông báo của Công ty TNHH V cho Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc thì ngày khởi hành là ngày 17/8/2018. Do đó xác định thời hạn bảo hiểm kể từ ngày 17/8/2018.
Căn cứ vào Phụ lục hợp đồng bảo hiểm số 03/PL/VPH/NV1/2017 ngày 01/8/2018 giữa Công ty TNHH V với Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc, hai bên đã thống nhất thời hạn thanh toán: «Chậm nhất vào ngày 25 hàng tháng, người được bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán cho người bảo hiểm toàn bộ phí bảo hiểm… » và « Trong trường hợp người được bảo hiểm không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn, người bảo hiểm sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường cho bất kỳ chi phí, tổn thất hoặc tổn hại nào đối với các chuyến hàng bị vi phạm nghĩa vụ thanh toán phí ». Trong vụ án này, Công ty TNHH V nộp phí bảo hiểm cho Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc vào ngày 26/9/2018, chậm hơn một ngày so với thỏa thuận.
Tuy nhiên, Công ty X – Chi nhánh Vĩnh Phúc không có văn bản thông báo cho Công ty TNHH V về việc đóng phí bảo hiểm chậm, mà vẫn nhận phí bảo hiểm do Công ty TNHH V nộp ngày 26/9/2018, vẫn xuất hóa đơn giá trị gia tăng và hạch toán khoản tiền phí bảo hiểm của Công ty TNHH V, nên mặc nhiên chấp nhận việc đóng phí bảo hiểm chậm của Công ty TNHH V và thừa nhận hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực thi hành. Do đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Tổng Công ty X phải có trách nhiệm bồi thường theo thỏa thuận trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Án sơ thẩm tuyên buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền bảo hiểm là 757.042.550 đồng cùng với 125.482.395 đồng tiền lãi do chậm thanh toán theo mức lãi suất quy định của tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 10%/năm với thời hạn tính từ ngày vi phạm nghĩa vụ thanh toán (01/01/2019) đến ngày xét xử sơ thẩm (27/8/2020) là có căn cứ, bởi lẽ hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu số 04/VPH/NV1/2017 được ký ngày 01/01/2017 khi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật. Do đó không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của bị đơn.
Do các bên không thỏa thuận về lãi chậm thanh toán trong hợp đồng, nên phải áp dụng điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Án sơ thẩm tuyên: “Kể từ ngày tiếp theo ngày xử sơ thẩm, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền bảo hiểm cho đến khi trả xong số tiền bảo hiểm theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015” là không đúng, cần sửa lại phần này của án sơ thẩm.
Về án phí: Do sửa một phần bản án sơ thẩm, nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Từ những nhận định trên.
Căn cứ Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Điều 30; Điều 37; Điều 38; Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự Áp dụng Điều 357; Điều 468 của Bộ luật Dân sự Áp dụng Điều 12; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 21; Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm;
Áp dụng Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty X Sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 42/2020/KDTM-ST ngày 27/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội và xử như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH V đối với Tổng Công ty X.
2. Buộc Tổng Công ty X phải trả cho Công ty TNHH V: Nợ gốc: 757.042.550 đồng Nợ lãi: 125.482.395 đồng Tổng số là 882.524.945 đồng
3. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Về án phí sơ thẩm:
Tổng Công ty X phải chịu 38.475.748 đồng án phí sơ thẩm Hoàn trả Công ty TNHH V 17.300.000 đồng tạm ứng án phí (đã nộp) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009694 ngày 24/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa.
5. Về án phí phúc thẩm:
Hoàn trả Tổng Công ty X 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí (đã nộp) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0014807 ngay 17/9/2020 tại Chi cục thi hanh án dân sự quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 41/2021/KDTM-PT ngày 18/03/2021 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 41/2021/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 18/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về