Bản án 09/2019/KDTM-PT ngày 22/02/2019 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 09/2019/KDTM-PT NGÀY 22/02/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 22 tháng 2 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 06/2019/KTPT ngày 09/1/2019 về việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 13/2019/QĐ-PT ngày 22/1/2019 giữa:

* Nguyên đơn: Công ty TNHH J Trụ sở: Km 9 đường L, xã A, huyện H, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: P; Chức danh: Tổng giám đốc; Quốc tịch: Đ. Ông P có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: bà Đỗ Minh H, sinh năm 1985, có địa chỉ thường trú tại: tổ 16, N, quận C, Hà Nội. Địa chỉ liên lạc: tầng 6 Tòa nhà A, số 252 H, quận B, Hà Nội. Bà H có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: ông Trần Gia T - Luật sư Công ty Luật TNHH A. Ông T có mặt.

* Bị đơn: Tng Công ty CP B Trụ sở: Tầng 8, tòa nhà M, số 229 T, N, quận Đ, Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Uông Đông H, Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện theo ủy quyền: ông Ngô Xuân T, sinh năm 1986; chức vụ: Chuyên viên pháp chế và điều tra chống trục lợi MIC. Ông T có mặt.

* Nhân chứng: 1. Ông Vũ Thiện C, sinh năm 1981, trú tại: số 50/66 T, Đ L, H, Hải Phòng; hiện tạm trú tại: P605 Nhà H1-3 Khu tập thể S Đ, phường T, T, Hà Nội. Chức vụ: Trưởng phòng kỹ thuật bảo trì của Công ty TNHH J. Ông có mặt.

2. Bà Phan Thanh H, sinh năm 1982; trú tại: số 3 ngõ 406 phố Â, phường N, T, Hà Nội. Bà H xin vắng mặt do nghỉ việc từ năm 2018.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, vụ án có nội dung như sau:

Ngày 17/1/2018, Công ty TNHH J (sau đây gọi tắt là J) có đơn khởi kiện đối với Tổng công ty CP B (sau đây gọi tắt là M) yêu cầu khởi kiện buộc M phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường tổn thất cho J số tiền bản hiểm là 3.618.507.316 đồng.

Ngày 25/9/2018, J bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu M phải thanh toán tiền lãi phát sinh kể từ ngày 12/8/2017 đến ngày 30/9/2018 là 415/365 ngày x 8%/năm x 3.618.507.316 đồng = 329.135.460 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, các bên đương sự xác nhận nội dung vụ án như sau:

Ngày 20/4/2016, J và M ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số 275/16/HĐ-TS.1.1/015- KDBANCAS với nội dung cơ bản: M bảo hiểm tài sản cho J theo Quy tắc bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ban hành kèm theo Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ tài chính và các điều khoản mở rộng hay sửa đổi bổ sung; giá trị tài sản được bảo hiểm là 17.188.379.961 đồng; tỷ lệ phí bảo hiểm là 0,55% (đã bao gồm 10% thuế VAT); thời hạn bảo hiểm từ 20/4/2016 đến 20/4/2017. J đã đóng xong phí bảo hiểm cho M theo hợp đồng.

Khong 16 giờ ngày 26/3/2017, tại Phòng xi mạ của J xảy ra cháy, J đã thông báo cho M; M đã chỉ định Công ty cổ phần giám định Smart giám định tính toán thiệt hại và xác định phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. J cũng đã báo Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phong toả hiện trường. Tại kết luận số 376 ngày 08/6/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện H, thành phố Hà Nội xác định: nguyên nhân cháy là do chập mạch diện phòng xi mạ của J. Theo báo cáo giám định của Công ty cổ phần giám định S đã đề xuất M bồi thường cho J số tiền là 3.618.507.316 đồng so với số khiếu nại thiệt hại của J là 6.332.411.221 đồng. Ngày 10/8/2017, M có thông báo số tiền ước bồi thường theo đánh giá của Slà 3.618.507.316 đồng.

Trong các ngày 29/8/2017, 29/9/2017 và 6/10/2017, M có công văn gửi J yêu cầu cung cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền. Do J không cung cấp nên ngày 14/11/2017, M có công văn số 2624/2017/M-TGĐ gửi J thông báo M chế tài 80% số tiền bồi thường, tương đương 2.894.805.853 đồng, số tiền M đồng ý bồi thường là 723.701.463 đồng. J không đồng ý nên hai bên xảy ra tranh chấp.

Nguyên đơn yêu cầu M phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường tổn thất cho J số tiền bảo hiểm là: 3.618.507.316 đồng và tiền lãi phát sinh kể từ ngày 12.8.2017 đến ngày 30.9.2018 là 415/365 ngày x 8%/năm x 3.618.507.316 đồng = 329.135.460 đồng.

Bị đơn xác định: Do J không hoàn thiện hồ sơ phòng cháy chữa cháy nên M có quyền áp dụng chế tài đối với bên mua bảo hiểm, chỉ đồng ý thanh toán cho JSV 20% số tiền được bảo hiểm là 723.701.463 đồng.

Ti bản án sơ thẩm số 30/2018/KDTM-ST ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm của Công ty TNHH J đối với Tổng công ty CP B.

2. Buộc Tổng công ty CP B phải thanh toán số tiền bồi thường tổn thất cho Công ty TNHH J là 1.085.552.194 đồng.

3. Án phí: Tổng công ty CP B phải chịu 44.566.565 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Công ty TNHH J phải chịu 89.241.811 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Xác nhận Công ty TNHH J đã nộp 52.000.000 đồng tiền tạm ứng theo biên lai số 0006989 ngày 05/04/2018 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa nên còn phải nộp tiếp 37.241.811 đồng.

4. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Nguyên đơn kháng cáo cho rằng bị đơn phải thanh toán toàn bộ thiệt hại là 3,6 tỷ đồng.

Bị đơn kháng cáo cho rằng nguyên đơn có lỗi nên chỉ bồi thường 20% giá trị thiệt hại.

Viện kiểm sát nhân dân quận Đống Đa kháng nghị: cho rằng hai bên đều có lỗi, hợp đồng bảo hiểm có quy định bên mua phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy nhưng phía J (nguyên đơn) không có và vẫn để điện tại khu vực phòng xi mạ khi hết giờ làm mặc dù Cảnh sát PCCC khi tiến hành kiểm tra định kỳ có yêu cầu tắt các thiết bị máy móc không sử dụng, đồng thời ngắt điện các khu vực trước khi ra về nhưng công ty J không thực hiện.

Bị đơn cũng có lỗi khi đã không giải thích cho phía nguyên đơn các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, các giấy tờ cần phải có, không kiểm tra việc bên mua bảo hiểm thực hiện phòng chống cháy nổ như thế nào.

Do đó, xác định lỗi mỗi bên là 50% nên đề nghị cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bên đương sự không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ gì mới.

Nguyên đơn và bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và không đồng ý với Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Đống Đa.

Luật sư T - Công ty Luật T– Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty trách nhiệm hữu hạn J nhất trí với ý kiến của nguyên đơn và đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu kháng cáo và sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tng công ty CP Q vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, nguyên đơn có lỗi nên chỉ bồi thường 20% giá trị thiệt hại. Đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm theo hướng M bồi thường cho khách hàng 20% giá trị tổn thất như M đã thông báo tới khách hàng tại Công văn số 2624/2017/MIC-TGĐ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án đã đề nghị: giữ nguyên kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Đống Đa, bác kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn. Xác định lỗi các bên là 50% và M phải bồi thường 50% giá trị thiệt hại. Lãi chậm thanh toán không được chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

Công ty TNHH J và Công ty bảo hiểm M là đơn vị trực thuộc của Tổng Công ty CP Q đều là các pháp nhân thành lập hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đã giao kết hợp đồng một cách công khai tự nguyện nên hợp đồng có hiệu lực thi hành đối với hai bên.

Về quan hệ tranh chấp: tranh chấp giữa Công ty TNHH J và Tổng Công ty CP Q phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa hai bên là “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” là hoàn toàn phù hợp.

Về thẩm quyền giải quyết: Tổng công ty CP Q có trụ sở tại tầng 8 Tòa nhà M số 229 phố T, quận Đ,TP Hà Nội. Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân quận Đống Đa thụ lý và giải quyết sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

Thấy rằng đơn kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát trong thời hạn luật định, người kháng cáo đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo hợp lệ. Tòa án đã triệu tập các nhân chứng ….

[2]. Về nội dung vụ án và kháng cáo, kháng nghị:

Ngày 20/4/2016, J và M ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số 275/16/HĐ-TS.1.1/015-KDBANCAS với nội dung cơ bản: M bảo hiểm tài sản cho J theo Quy tắc bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ban hành kèm theo Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30.12.2010 của Bộ tài chính và các điều khoản mở rộng hay sửa đổi bổ sung; giá trị tài sản được bảo hiểm là 17.188.379.961 đồng; tỷ lệ phí bảo hiểm là 0,55% (đã bao gồm 10% thuế VAT); thời hạn bảo hiểm từ 20/4/2016 đến 20/4/2017. J đã đóng xong phí bảo hiểm cho M theo hợp đồng.

Khong 16 giờ ngày 26.3.2017, tại Phòng xi mạ của J xảy ra cháy, J đã thông báo cho M; M đã chỉ định Công ty cổ phần giám định S giám định tính toán thiệt hại và xác định phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Theo báo cáo giám định của Công ty cổ phần giám định S đã đề xuất M bồi thường cho J số tiền là 3.618.507.316 đồng so với số khiếu nại thiệt hại của J là 6.332.411.221 đồng. Ngày 10/8/2017, M có thông báo giá trị thiệt hại theo đánh giá của S là bồi thường số tiền 3.618.507.316 đồng.

- Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn buộc bị đơn bồi thường tổn thất cháy máy móc số tiền là 3.618.507.316 đồng; yêu cầu kháng cáo của bị đơn cho rằng nguyên đơn có lỗi nên chỉ bồi thường 20% giá trị thiệt hại.

Phía nguyên đơn/ Công ty mua bảo hiểm cháy nổ có quan điểm như sau:

1. Công ty J không thuộc đối tượng phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy và cũng không phải thuộc trường hợp phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.

2. Sự cố cháy tại Công ty J ngày 26/3/2017 nằm ngoài ý muốn của các bên và Công ty J không có lỗi gì trong sự cố cháy này và không có điều khoản loại trừ nào được áp dụng nên Công ty bảo hiểm Q phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là 3.618.507.316 đồng và lãi suất chậm trả từ 12/8/2017 đến khi xét xử phúc thẩm ngày 22/2/2019 mức lãi suất 10%/năm là 554.176.873 đồng.

3. Đề nghị tham khảo điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 23/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/4/2018.

Phía bị đơn/ Công ty bảo hiểm Q có quan điểm cơ bản như sau:

1. Công ty J thuộc đối tượng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.

2. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh Công ty J đã cố ý vi phạm quy trình phòng cháy chữa cháy, không thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của lực lượng kiểm tra công tác an toàn phòng cháy chữa cháy, đây là lỗi chính dẫn đến sự cố cháy phòng xi mạ nên bảo hiểm chỉ thanh toán 20% giá trị thiệt hại.

Xem xét các kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Đống Đa thì thấy rằng:

Căn cứ vào các tài liệu về hoạt động sản xuất của Công ty J và Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính Phủ; căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31.7.2014 của Chính Phủ thì Công ty J không buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Công ty J là đối tượng kiểm tra định kỳ của cơ quan quản lý công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy địa phương (cụ thể là Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 13 Hà Nội).

Theo các tài liệu do Công ty J xuất trình thì từ ngày 15/1/2016 đến ngày 13/1/2017, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 13 đã tiến hành kiểm tra định kỳ công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy đã lập biên bản 04 lần và lần nào cũng có nội dung: Để đảm bảo an toàn PCCC cho cơ sở trong quá trình hoạt động. Thực hiện Luật Phòng cháy và Chữa cháy, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Thủ tướng Chính Phủ, Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an. Phòng CS PCCC số 13 yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH Julie Sandlau Việt Nam thực hiện các nội dung sau đây:

1. Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hoạt động; Duy trì các mặt công tác phòng cháy chữa cháy đã đạt được, tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là ngoài giờ làm việc (khi hết thời gian hành chính: các bộ phận kiểm tra tắt hết các thiết bị máy móc không sử dụng, đồng thời ngắt điện tắt các khu vực trước khi ra về)”. Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện.

Nghiêm cấm việc đun nấu, thắp hương thờ cúng, hút thuốc tại các khu vực đã có quy đinh cấm. Không sử dụng thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc để xử lý ngay từ ban đầu các sự cố cháy nổ xảy ra… Như vậy là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đã phát hiện thấy quy định sản xuất của Công ty J có tiềm ẩn việc sử dụng điện không an toàn trong thời gian hết giờ làm việc và đã có yêu cầu thực hiện việc ngắt điện khi hết giờ làm việc nhưng Công ty J không thực hiện. Vẫn để hệ thống điện hoạt động trong phòng xi mạ khi hết giờ làm việc không có ai trong phòng nhằm mục đích không phải mất thời gian chờ khi bắt đầu giờ làm việc mới. Và đây là nguyên nhân dẫn đến việc chấp cháy phòng xi mạ vào ngày 26/3/2017 (ngày chủ nhật). Lỗi của Công ty J là vô ý quá tự tin là sự cố cháy không thể xảy ra.

Công ty J đã vi phạm khoản 2 Điều 10 Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính; khoản 2 Điều 13 Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính Phủ và điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính Phủ, điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ nên Công ty bảo hiểm M từ chối thanh toán toàn bộ thiệt hại là có căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 10 Thông tư số 220/2010 của Bộ Tài chính.

Xem xét mức độ lỗi trong vụ án này thấy phía Công ty bảo hiểm không chủ động phát hiện quy trình sản xuất của Công ty J có chứa đựng vi phạm rủi ro cháy nổ để tìm cách hỗ trợ khắc phục hay có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà chỉ đến khi xảy ra sự cố mới biết và từ chối thanh toán một phần thiệt hại. Phía Công ty J thì không tuân thủ yêu cầu phòng chống cháy nổ của lực lượng kiểm tra chuyên ngành trong một thời gian dài; khi xảy ra sự cố thì lực lượng bảo vệ của công ty cũng không chủ động phát hiện được mà đến giờ đi làm bình thường nhân viên tạp vụ mới phát hiện và báo cáo. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi và trách nhiệm trong thiệt hại này của Công ty J là 70%, của Công ty bảo hiểm M là 30% là có căn cứ phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 576 Bộ luật dân sự 2005. Kháng cáo của các bên và kháng nghị của Viển kiểm sát nhân dân quận Đống Đa không được chấp nhận.

- Đối với yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải trả lãi của số tiền chậm trả với mức lãi suất 10%/năm thì thấy rằng khi khởi kiện và tài phiên tòa sơ thẩm phía nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn phải trả lãi chậm trả là 8%/năm. Sau khi Tòa án sơ thẩm xét xử thì đến cấp phúc thẩm nguyên đơn mới bổ sung thêm yêu cầu đòi lãi chậm trả với mức lãi suất 10%/năm là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Nếu yêu cầu này của nguyên đơn đưa trước khi Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử thì sẽ được xem xét giải quyết. Nay mới yêu cầu bổ sung thì không được chấp nhận xem xét mức lãi suất 10%/năm mà chỉ có thể xem xét chấp nhận mức lãi suất 8%/năm (theo quy định tại Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự). Thời điểm tính lãi chậm trả nguyên đơn yêu cầu từ ngày 12/8/2017 đến khi Tòa án Hà Nội xét xử phúc thẩm cũng không đúng Bộ luật tố tụng, chỉ được tính đến khi xét xử sơ thẩm ngày 30/9/2018.

Do đó, số tiền lãi phát sinh kể từ ngày 12/8/2017 đến ngày 30/9/2018 là 415/365 x 8%/năm x 1.085.552.194 đồng = 98.740.638 đồng.

Đi với đề nghị của nguyên đơn vận dụng điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính Phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 để xem xét miễn trừ tối đa 10% nghĩa vụ phải thanh toán của phía bị đơn nếu cho rằng phía nguyên đơn có vi phạm. Về vấn đề này, HĐXX thấy rằng Nghị định 23 này ban hành sau khi các bên ký hợp đồng và xảy ra sự cố nên không thể áp dụng điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP mà nguyên đơn viện dẫn và nội dung cũng không đúng trong trường hợp này vì điều luật đó là trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị còn ở đây là không thực hiện trong một thời gian dài các kiến nghị yêu cầu. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn trình bày luận cứ tương tự kháng cáo của phía nguyên đơn đã được phân tích khi xém xét kháng cáo của nguyên đơn nên không phải nhắc lại. Kháng nghị và quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa hôm nay không phù hợp nhận định của HĐXX nên không được chấp nhận.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán số tiền bồi thường tổn thất cho nguyên đơn là 1.085.552.194 đồng và số tiền lãi tính từ ngày 12/8/2017 đến ngày 30/9/2018 là 98.740.638 đồng, tổng cộng là 1.184.292.832 đồng.

Về án phí: Án phí sơ thẩm bị đơn phải chịu trên số tiền phải thanh toán, nguyên đơn phải chịu án phí của số tiền không được chấp nhận. Do sửa án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng:

- Điều 308, Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005;

- Điều 7,Điều 8, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 17 và Điều 18 Luật kinh doanh Bảo hiểm năm 2000 được sửa đổi năm 2010;

- Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng cháy và chữa cháy;

- Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính Phủ; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31.7.2014 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 66/2014/TT-BTC ngày 16.12.2014 của Bộ công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2014/NĐ-CP; Điều 10 Thông tư số 220/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

- Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 30/2018/KDTM-ST ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm của Công ty TNHH J đối với Tổng công ty CP Q.

Buộc Tổng công ty CP Q phải thanh toán số tiền bồi thường tổn thất cho Công ty TNHH J là 1.085.552.194 đồng và số tiền lãi tính từ ngày 12/8/2017 đến ngày 30/9/2018 là 98.740.638 đồng, tổng cộng là 1.184.292.832 đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí:

Tng công ty CP Q phải chịu 48.447.787 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Đối trừ số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0007954 ngày 15/11/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa, thành phố Hà Nội thì Tổng công ty Q phải chịu 46.447.787 đồng án phí.

Công ty TNHH J phải chịu 87.266.999 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Đối trừ số tiền 52.000.000 đồng tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0006989 ngày 05/04/2018 và số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0007921 ngày 08/11/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa, thành phố Hà Nội thì Công ty TNHH J phải chịu 33.266.999 đồng án phí.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản bán phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 22/2/2019.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1449
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2019/KDTM-PT ngày 22/02/2019 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Số hiệu:09/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 22/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về