TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 07/2019/KDTM-PT NGÀY 19/04/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong ngày 19 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 10/2018/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 9 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”. Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 12/2018/KDTM-ST ngày 09/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo, kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 13/2018/QĐ-PT ngày 19 tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty PCM; Địa chỉ: Số 08 NTT, phường 8, thành phố C, tỉnh C
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Công B1, sinh năm 1964, chức vụ: Giám đốc; Địa chỉ: Số 08 NTT, phường 8, thành phố C, tỉnh C (Có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Lê Thanh Thuận – Văn phòng luật sư Lê Thanh Thuận thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau (Có mặt).
- Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần BHBĐ (PTI); Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà số 4A Láng Hạ, quận B, thành phố H.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn (theo Giấy ủy quyền số 08/GUQ-PTI- PCKSNB ngày 04/01/2019):
1. Bà Phạm Thị Thúy H, chức vụ: Giám đốc Ban Pháp chế - KSNB - PTI (Có mặt).
2. Bà Nguyễn Thị T, chức vụ: Chuyên viên Ban Pháp chế - KSNB - PTI (Vắng mặt).
3. Ông Nguyễn Văn D, chức vụ: Trưởng phòng Kinh doanh 02, Công ty BHBĐ CM – PTI (Có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Bà Trần Thị Kim Huế và bà Nguyễn Minh Huyền là Luật sư của Công ty Luật TNHH Luật Việt thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Công ty BHBĐ CM (PTI Cà Mau); Địa chỉ: Số 03 LTT, phường 5, thành phố C, tỉnh C.
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Văn D, chức vụ: Trưởng phòng Kinh doanh 02, Công ty BHBĐ CM – PTI (Theo Giấy ủy quyền số 13/GUQ-PTI-CM ngày 04/01/2019, có mặt)
2. Ngân hàng N chi nhánh thành phố Cà Mau (Vắng mặt); Địa chỉ: Đường Ngô Quyền, phường 2, thành phố C, tỉnh C
- Người giám định:
1. Công ty cổ phần Tư vấn và Điều chỉnh Savvy; Địa chỉ: Số 162 Pasteur, phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Anh Việt – Giám đốc (Có mặt).
2. Công ty cổ phần Giám định và Thẩm định EXIMVAS; Địa chỉ: Số 360C Bến Vân Đồn, phường 1, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn Phú – Tổng giám đốc (Vắng mặt).
3. Công ty Vietnam Inernational Adjuster; Ðịa chỉ: Lầu 5, tòa nhà Estar 147- 149, Võ Văn Tần, phường 6, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Trần Thị Phương Bình – Tổng giám đốc công ty đại diện theo pháp luật (Vắng mặt).
- Người kháng cáo: Công ty PCM là nguyên đơn và Tổng Công ty cổ phần BHBĐ (PTI) là bị đơn.
- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung và tại phiên toà anh B1 trình bày: Ngày 09/5/2016, Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Sản Xuất và Thương Mại Dịch Vụ PCM (gọi tắt là PCM) với Công ty Bảo Hiểm Bưu Điện Cà Mau(gọi tắt là PTI Cà Mau) ký hợp đồng Bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 0000009/HĐ/010 – P4/PHH.TS.3.2/2016(gọi tắt là hợp đồng hai bên), cùng ngày PCM với PTI Cà Mau cùng với Ngân hàng N Chi Nhánh thành phố Cà Mau (gọi tắt là Ngân Hàng) ký kết hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 0000009/HĐ/010 – P04/XO/2016(gọi tắt là hợp đồng ba bên). Nội dung giống nhau của hai hợp đồng:Tổng giá trị tài sản được bảo hiểm là 12.000.000.000đ, phí bảo hiểm là 24.000.000đ, thời hạn bảo hiểm là 12 tháng, kể từ ngày 09/5/2016 đến ngày 09/5/2017, thời gian nộp phí bảo hiểm là 15 ngày kể từ ngày ký. Nội dung khác nhau của hai hợp đồng: Hợp đồng ba bên có Ngân hàng tham gia ký kết với tư cách là người thụ hưởng, hợp đồng hai bên đươc ký phụ lục số PLSDBS01/HD/010-TSKT/PHH.TS/2016 ngày 24/5/2016 kéo dài thời hạn đóng phí bảo hiểm lên 45 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng. PCM đóng phí bảo hiểm ngày 16/6/2016.
Khoảng 01 giờ 30 phút ngày 08/9/2016, xảy ra vụ hỏa hoạn tại khu sản xuất của PCM làm cháy toàn bộ nhà xưởng chế biến, kho thành phẩm diện tích là 1.000 m2, dây chuyền sản xuất than nén gồm máy móc, thiết bị cùng nguyên liệu chế biến, hàng hóa thành phẩm, bao bì...và một số tài sản không thuộc bảo hiểm. Vụ cháy đã làm thiệt hại hoàn toàn khu vực nhà xưởng chế biến, kho thành phẩm diện tích 1.000 m2, nhà xưởng và hàng hóa bị cháy hoàn toàn.
Tại Biên bản giám định ngày 09/09/2016 của PTI Cà Mau xác định nhà xưởng và kho thành phẩm(theo danh mục bảo hiểm số 03, 05, 06, 07 và 10) bị cháy hoàn toàn, thiệt hại do sự cố xảy ra tương đương 07 tỷ đồng. Sau khi vụ hoả hoạn xảy ra PCM đã nhiều lần yêu cầu PTI Cà Mau bồi thường nhưng PTI Cà Mau không đồng ý bồi thường.Ngày 03/4/2017Tổng Công Ty Cổ Phần Bảo Hiểm Bưu Ðiện (gọi tắt là PTI) có Công văn số 1467/PTI – TSKT chỉ chấp nhận bồi thường 1.547.408.720đ. Nay PCM yêu cầu Tòa án buộc PTI bồi thường các khoản gồm:
1. Nhà kho, xưởng chế biến (1.000m2), thành tiền là: 3.420.000.000 đ.
2. Dây chuyền máy nén mùn cưa (01 cái), thành tiền là: 560.000.000 đ.
3. Đường điện 3 pha (110m), thành tiền là: 110.000.000 đ.
4. Bao bì (2.100 cái), thành tiền là: 17.446.000 đ.
5. Thùng gỗ chứa thành phẩm (20 cái), thành tiền là: 100.000.000đ.
6. Than trắng thành phẩm (54.676kg), thành tiền là: 1.647.834.714 đ.
7. Than nén thành phẩm (3.715kg), thành tiền là: 50.251.588 đ.
8. Nguyên liệu mùn cưa (26.528kg), thành tiền là: 15.916.800 đ.
9. Máy nén mùn cưa (01 cái mới lắp đặt), thành tiền là: 66.000.000 đ.
Tổng giá trị thiệt hại: 5.987.449.102 đ. Khấu trừ 5 % hợp đồng, trừ phế liệu PTI thu hồi: 126.863.000đ. Giá trị yêu cầu bồi thường: 5.561.213.647 đ. Ngày 14/4/2017, PTI đã tiến hành tạm ứng bồi thường cho PCM số tiền 700.000.000đ,số tiền còn lại là 4.861.213.647đ.
Sau khi Toà án tiến hành hoà giải lần ba, PCM đăt ra yêu cầu giám định và thẩm định lại tài sản thiệt hại và yêu cầu Công ty cổ phần giám định và thẩm định EXIMVAS (gọi tắt là EXIMVAS) thực hiện giám định, kết quả giám định thiệt hại là 5.414.866.690đ (trong đó kết quả thẩm định chính thức là 5.205.503.890đ tại Chứng thư giám định thiệt hại số 17667/BCTĐ-EXIMVAS ngày 06/12/2017 và kết quả giám định bổ sung bằng 209.362.800đ tại thẩm định bổ sung tài sản số 001-18/CV-EXIMVAS ngày 09/01/2018), từ đó PCM thay đổi yêu cầu bồi thường so với đơn khởi kiện, yêu cầu PTI bồi thường số tiền 5.414.866.690đ, sau khi trừ các khoản: Khấu trừ 5% hợp đồng là 270.743.335đ; Trừ phế liệu thu hồi 126.863.000đ; Trừ tiền PCM đã nhận tạm ứng 700.000.000đ, còn lại PTI phải bồi thường cho PCM là 4.317.260.355đ.
Ngoài ra PCM còn yêu cầu phía PTI bồi thường bổ sung số tiền lãi chậm thanh toán trên số tiền 4.317.260.355đ với mức lãi 1%/tháng từ ngày 06/10/2016 cho đến nay là 22 tháng bằng 949.797.227đ. Tổng hai khoản PCM yêu cầu PTI bồi thường là 5.267.057.632đ.
- Quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên toà các đại diện của PTI trình bày: Công ty BHBĐ CM (PTI Cà Mau) trực thuộc PTI có ký kết hợp đồng và cấp chứng thư bảo hiểm cho PCM, về những điểm giống và khác nhau trong hai hợp đồng như đại diện PCM trình bày là đúng.
Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt số: 0000009/HĐ/010- P4/PHH.TS.3.2/2016 ngày 9/5/2016 (hợp đồng hai bên) cùng phụ lục hợp đồng và giấy chứng nhận bảo hiểm số: HD/010-P4/PHH.TS.3.2/2016 là hợp đồng có giá trị pháp lý. Tài sản được bảo hiểm tại ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau.
Khoảng 00 giờ 29 phút ngày 08/9/2016, nhà xưởng sản xuất than sạch của PCM tại ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bị cháy. Ngày 09/9/2016, PCM gửi thông báo tổn thất cho PTI ước tổng giá trị thiệt hại do hỏa hoạn là: 7.073.449.102đ và yêu cầu PTI bồi thường. PTI đã cử cán bộ giám định thiệt hại cùng ngày 09/9/2016, ước tính thiệt hại ban đầu là 7 tỷ. Theo Báo cáo của Cảnh sát PCCC tỉnh Cà Mau ngày 08/9/2016 vụ cháy thiệt hại: Nhà xưởng bị cháy 100%, phân xưởng khung gỗ vách và mái lợp tole, thiết bị dây chuyền sản xuất và than thành phẩm; diện tích cháy 1000m2, nguyên nhân là do sự cố đường ống sấy mùn cưa (mạc cưa) gây cháy.
Ngày 14/9/2016, PTI gửi yêu cầu giám định tới Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Và Điều Chỉnh Savvy (gọi tắt là Savvy) để giám định thiệt hại vụ cháy. Ngày 14/12/2016 và ngày 20/3/2017 Savvy gửi Báo cáo giám định thiệt hại kết luận: phạm vi bảo hiểm: 1.656.966.686đ; Giá trị thu hồi: 126.863.000đ; Mức miễn thường: 82.847.834đ; Đề xuất bồi thường số tiền: 1.547.408.720đ.
Ngày 03/4/2017, PTI có công văn số 1467/PTI-TSKT thông báo kết quả giám định của Savvy, xác định số tiền bồi thường thiệt hại cho PCM là 1.547.408.720đ,tuy nhiên PCM không đồng ý với mức bồi thường này. Ngày 14/4/2017, PTI đã tiến hành tạm ứng bồi thường cho PCM số tiền 700.000.000đ theo yêu cầu tạm ứng của PCM.
Sau khi PCM yêu cầu EXIMVAS giám định, thẩm định có kết quả, PTI đã yêu cầu Công Ty Vietnam Inernational Adjuster (gọi tắt là VIA) giám định thẩm định lại tài sản thiệt hại của PCM trong cháy ngày 08/9/2016, kết quả thiệt hại là 1.492.076.142đ thấp hơn kết quả thẩm định của Savvy. Nay PCM yêu cầu PTI phải bồi thường tổn thất vụ cháy xảy ra ngày 08/9/2016 với số tiền 5.267.057.632đ, PTI không đồng ý mà vẫn giữ nguyên quan điểm bồi thường cho PCM theo kết quả giám định của Savvy là 1.547.408.720đ, trừ đi số tiền PCM đã tạm ứng 700.000.000đ còn lại là 847.408.720đ.
- Tại văn bản ngày 18/6/2016 Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam Chi Nhánh Thành Phố Cà Mau xác định hợp đồng bảo hiểm số 0000009/HĐ/010 – P04/XO/2016 ngày 09/5/2016(hợp đồng ba bên) là có giá trị pháp lý, giá trị bảo hiểm đươc PTI Cà Mau căn cứ vào thẩm định giá tài sản của Ngân hàng để bán bảo hiểm cho PCM. Số tiền PCM đươc bồi thường do hoả hoạn đề nghị chuyển vào tài khoản của Ngân hàng để thanh toán tiền vay và Ngân hàng xin không tham gia tố tụng.
- Ý kiến của anh Bình đại điện PTI Cà Mau: PTI Cà Mau tuy là chủ thể ký kết hợp đồng bảo hiểm với PCM nhưng chỉ là người đại diện ký kết, còn việc bồi thường là do PTI đươc quy định trong điều lệ hoạt động của PTI và PTI Cà Mau.
Tại bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại số 12/2018/KDTM-ST ngày 09/8/2018 của tòa án nhân dân thành phố Cà Mau đã quyết định: Căn cứ vào Điều 12 ,13 ,14 , 17, 18, 19, 46, 47, 48 Luật kinh doanh bảo hiểm; Điều 306 Luật thương mại; 147 Bộ luật tố tụng dân sự:
Chấp nhận một phần yêu cầu của PCM buộc PTI thanh toán cho PCM số tiền được bảo hiểm là: 4.317.260.355đ (Bốn tỷ, ba trăm mười bảy triệu, hai trăm sáu mươi ngàn, ba trăm năm mươi lăm đồng) và 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) tiền giám định khi án có hiệu lực.
Không chấp nhận một phần yêu cầu của PCM kiện đòi PTI thanh toán khoản tiền lãi là: 949.797.227đ (Chín trăm bốn mươi chín triệu, bảy trăm chín mươi bảy ngàn, hai trăm hai mươi bảy đồng)
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 20/8/2018 PTI kháng cáo nội dung: Yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng chỉ chấp nhận bồi thường cho PCM số tiền 1.547.408.720 đồng, khấu trừ số tiền PTI đã tạm ứng cho PCM là 700.000.000 đồng, còn lại 847.408.720 đồng và yêu cầu xem xét lại tiền án phí và chi phí giám định.
Ngày 22/8/2018 PCM kháng cáo nội dung: Yêu cầu buộc PTI phải thanh toán tiền lãi suất là 949.797.227 đồng.
Ngày 24/8/2018 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau kháng nghị bản án sơ thẩm với nội dung: Buộc PTI bồi thường cho PCM số tiền là 847.408.720đ và bổ sung căn cứ áp dụng pháp luật tại phần quyết định của bản án đối với bên phải chịu chi phí giám định. Cụ thể:
Hai Công ty chỉ tranh chấp về số tiền bồi thường, vấn đề đăt ra là chấp nhận kết quả giám định của Công ty giám định nào và có tính lãi hay không. Kết luận giám định và thẩm định của Savvy đươc lập khi xảy ra vụ cháy, kết luận rõ ràng, chi tiết sát với thực tế. Kết luận giám định và thẩm định của EXIMVAS lập khi hiện trường vụ cháy không còn, chỉ căn cứ vào lời khai của PCM, biên bản ngày 09/9/2016 và văn bản khung giá của UBND tỉnh ban hành năm 2017 để giám định là không sát thực tế, về phía bị đơn chỉ ra những điểm bất hợp lý này đồng thời EXIMVAS lại không chịu trách nhiệm với kết luận của mình nên kết luận giám định thẩm định của Savvy là hợp lý, kiến nghị chấp nhận một phần yêu cầu của PCM theo quan điểm chấp nhận bồi thường của PTI. Về lãi suất phía PTI từ khi xảy ra vụ cháy đến nay vẫn đồng ý bồi thường, hai bên chỉ tranh chấp mức bồi thường, phía PCM đã nhận một phần bồi thường, PTI đã có văn bản yêu cầu PCM nhận tiếp số tiền còn lại nên PTI không có lỗi, kiến nghị không chấp nhận yêu cầu tính lãi của PCM.
Tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn đều giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau rút một phần kháng nghị về việc buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 847.408.720đ, giữ nguyên nội dung bổ sung căn cứ áp dụng pháp luật tại phần quyết định của bản án đối với bên phải chịu chi phí giám định.
Phía PCM tranh luận: Theo quy định tại Điều 576 Bộ luật dân sự, PCM đã cung cấp đầy đủ tài liệu nhưng PTI không thanh toán tiền bảo hiểm theo yêu cầu. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; PCM hàng tháng phải thanh toán lãi suất cho Ngân hàng nên yêu cầu phía PTI phải thanh toán lãi suất cho PCM. Công ty Savvy không phải là tổ chức giám định độc lập nên kết quả giám định của Savvy không khách quan. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu kháng cáo của PCM.
Phía PTI tranh luận:
Thứ nhất: Công ty cổ phần Giám định và Thẩm định EXIMVAS đã vi phạm nguyên tắc giám định, nghĩa vụ khảo sát thực tế và thu thập thông tin tài sản bị thiệt hại của quy trình thẩm định giá - Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 ban hành kèm theo Thông tư 158/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014. Cụ thể: không thực hiện khảo sát hiện trường vụ cháy khi giám định, không tính toán thiệt hại thực tế, chỉ căn cứ vào hồ sơ do PCM cung cấp như biên bản giám định sơ bộ thiệt hại của PTI ngày 09/9/2016 và lời trình bày của PCM mà không kiểm chứng, xác minh. EXIMVAS tham gia giám định sau khi vụ cháy phát sinh là 360 ngày, thời điểm này hiện trường không còn nguyên vẹn. Khối lượng thiệt hại chỉ căn cứ vào yêu cầu của PCM mà không căn cứ vào tài liệu hồ sơ là chưa đảm bảo tính có căn cứ.
Thứ hai: Giám định tài sản bị thiệt hại.
+ Giám định đối với nhà xưởng thì không tiến hành kiểm tra thực tế, chỉ căn cứ vào biên bản kiểm nhận công trình ngày 14/10/2015 của Phòng kinh tế hạ tầng huyện Thới Bình có kết cấu là “...Khung sườn bằng cây gỗ miền đồng, vách thiết, mái lợp Fibroximang” trong khi đó thiệt hại thực tế tại ngày xảy ra vụ cháy thì kết cấu của nhà xưởng là “...cột kèo gỗ,vách tôn cao, mái tôn hoa sen” theo biên bản do PCM xác nhận ngày 14/9/2016. Ngoài ra còn áp dụng đơn giá không đúng, thời điểm thiệt hại là năm 2016 nhưng EXIMVAS lại áp dụng đơn giá có hiệu lực năm 2017 để tính thiệt hại là không đúng theo Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm.
+ Đối với hàng hóa bị thiệt hại là than trắng thành phẩm thì không tiến hành kiểm tra các sổ sách, chứng từ mua bán của PCM mà chỉ căn cứ vào yêu cầu của PCM để tính toán khối lượng là không chính xác, không có căn cứ. Về áp giá để tính cũng không có căn cứ, thời điểm thiệt hại là là tháng 9 năm 2016 nhưng lại áp dụng giá tháng 01/2016. Khi tính bồi thường thiệt hại thì phải căn cứ vào mức độ thiệt hại, nhưng EXIMVAS lại tính giá đã bán, bao gồm cả lợi nhuận thu được là không hợp lý. Hàng đang còn tồn kho.
Thứ ba: Các danh mục như máy nén mùn cưa, bao bì, thùng gỗ chứa thành phẩm không có trong danh mục bảo hiểm. Việc tính giá máy nén mùn cưa và đường dây dẫn điện 3 pha không khấu hao tài sản là không đúng quy định của pháp luật. Đối với máy nén mùn cưa, nguyên đơn thừa nhận yêu cầu 02 lần.
Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kết luận giám định của Savvy làm căn cứ giải quyết vụ án vì khi tiến hành giám định Savvy đã tiến hành khảo sát hiện trường, thu thập tài liệu có liên quan, kiểm chứng thông tin, tính toán giá trị bồi thường theo thiệt hại thực tế của PCM và kết luận giám định này cũng phù hợp với kết luận giám định của VIA.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu:
Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.
Về nội dung: Rút một phần kháng nghị về việc buộc PTI bồi thường cho PCM số tiền 847.408.720 đồng. Đề nghị hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cà
Mau theo hướng: Chấp nhận một phần kháng cáo của PCM về yêu cầu lãi suất tính trên số tiền 3.469.851.635 đồng; Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau về việc bổ sung căn cứ áp dụng pháp luật là Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự quy định nghĩa vụ chịu chi phí giám định của đương sự.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của những người tham gia tố tụng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm phía PTI có đơn yêu cầu thẩm định lại tài sản bị thiệt hại, tổ chức thẩm định lại là các Sở trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 20/11/2018, Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để tiến hành thẩm định lại giá trị tài sản đã bị thiệt hại. Tòa án đã đề nghị Sở Công Thương, Sở Xây dựng tiến hành giám định nhưng Sở Công thương từ chối tham gia việc giám định, Sở Xây dựng không có máy móc, thiết bị để thực hiện giám định. Tại công văn số 249/STP-BTTP ngày 04/3/2019 của Sở tư pháp tỉnh Cà Mau giới thiệu trung tâm định giá liên quan đến thiệt hại về nhà xưởng, còn nội dung giám định thiệt hại về máy móc, hệ thống điện, hàng hóa thành phẩm chưa tìm ra tổ chức giám định phù hợp, đề nghị Tòa án tỉnh Cà Mau liên hệ đến Bộ tư pháp để hướng dẫn và giới thiệu. Do vụ án thụ lý phúc thẩm từ tháng 9/2018 đến nay thời gian đã lâu nhưng vẫn chưa tiến hành thẩm định giá lại được. Để đảm bảo vụ án được giải quyết kịp thời nên tòa án tiến hành mở phiên tòa để giải quyết căn cứ vào các kết quả giám định có trong hồ sơ, kết quả giám định nào tuân thủ theo quy định của pháp luật thì được chấp nhận. Vấn đề này phía PCM và PTI thống nhất, hồ sơ thể hiện có 04 kết luận giám định liên quan đến tài sản bị thiệt hại cụ thể:
Báo cáo giám định ngày 14/12/2016 của tổ chức giám định Savvy tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 1.447.245.852 đồng (sau khi đã trừ phế liệu thu hồi là 126.863.000 đồng, trừ mức miễn thường 5% là 82.847.834 đồng, BL 1004 đến 1012)
Chứng thư giám định thiệt hại số 17667/BCTĐ-EXIMVAS ngày 02/12/2017 của Công ty EXIMVAS, tổng tài sản bị thiệt hại của PCM là 5.205.503.890 đồng (BL 1151 đến 1163)
Công văn số 001-18/CV-EXIMVAS ngày 09/01/2018 của Công ty EXIMVAS kết luận giám định bổ sung tài sản bị thiệt hại của PCM là 209.362.800 đồng (BL 1400 đến 1402).
Báo cáo giám định số 1002215 ngày 09/5/2018 của VIA, tài sản bị thiệt hại 1.492.076.142 (sau khi đã trừ phế liệu thu hồi là 126.863.000 đồng, trừ mức miễn thường 5% là 85.207.323 đồng, BL 1240 đến 1248)
[2] Xét kháng cáo và tranh luận của PCM thấy rằng: Khi phát sinh tranh chấp PCM đã bị thiệt hại, tuy nhiên thời điểm Savvy thực hiện việc giám định cả 2 bên PCM và PTI đều hợp tác với nhau để tiến hành giám định thiệt hại thực tế của nguyên đơn, đến khi PCM biết được kết quả giám định của Savvy (BL 442, 1313, 1314) thì PCM không đồng ý dẫn đến tranh chấp, không thỏa thuận được và khởi kiện đến Tòa án. Xét quá trình này PTI không có lỗi nên không có căn cứ buộc PTI phải thanh toán tiền lãi suất là 949.797.227 đồng cho PCM theo như kháng cáo.
[3] Xét kháng cáo của PTI không đồng ý kết quả giám định của EXIMVAS thấy rằng:
Khi phát sinh thiệt hại của PCM thì PTI đã kịp thời có mặt tại hiện trường và tiến hành các thủ tục cần thiết như thu thập thông tin, phối hợp với PCM để tiến hành giám định thiệt hại, khi PTI thực hiện thủ tục cần thiết là chỉ định Công ty Savvy là đơn vị giám định độc lập để giám định thì phía PCM vẫn hợp tác, không có ý kiến phản đối.
Trình tự, thủ tục giám định phía Savvy đã tuân thủ giám định thiệt hại thực tế theo quy định tại Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm và áp dụng các văn bản để giám định thiệt hại thực tế tại thời điểm phát sinh thiệt hại, cụ thể :
+ Đối với nhà xưởng: Thiệt hại thực tế còn tại hiện trường là “...cột kèo gỗ, vách tôn cao, mái tôn hoa sen.” và Savvy đã căn cứ vào bản khối lượng mà PCM đã thống nhất với Savvy theo email ngày 20/10/2016 (BL 953) và bảng giá vật liệu xây dựng do Sở xây dựng Cà Mau cung cấp ngày 09/8/2016 về giá vật liệu thời điểm tháng 7/2016 để tính toán số tiền thiệt hại là 809.167.273 đồng. Savvy đã tuân thủ theo Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm. Về kết quả giám định của EXIMVAS chỉ căn cứ vào biên bản kiểm nhận công trình ngày 14/10/2015 của Phòng kinh tế hạ tầng huyện Thới Bình có kết cấu là “...Khung sườn bằng cây gỗ miền đông, vách thiết, mái lợp Fibroximang” và áp dụng giá năm 2017 để định giá là không đúng quy định nên có căn cứ chấp nhận giám định của Savvy.
+ Đối với máy nén mùn cưa và đường điện 03 pha, Savvy đã tính toán căn cứ vào bảng báo giá cùng thời điểm và khấu hao quá trình sử dụng để xem xét là có cơ sở đúng theo quy định tại điểm b mục 1 phụ lục 01 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 về thẩm định giá đối với máy móc thiết bị...ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ tài chính ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07. Kết luận giám định của EXIMVAS chỉ xác định giá trị theo hóa đơn của PCM cung cấp khi mua dây chuyền sản xuất than là 560.000.000đ là thiếu cơ sở khoa học.
Về thành phẩm than trắng, cả hai phía PCM và PTI đều không thống nhất về khối lượng thực tế là bao nhiêu, theo phía PCM xác định khối lượng thực tế còn tại xưởng khi bị cháy là 54.676kg và EXIMVAS áp dụng giá thời điểm tháng 01 năm 2016 giá mỗi kg là 34.125đ. Phía Savvy nhận định than không bị cháy, chỉ bị ngấm nước chữa cháy và theo phương pháp trừ lượng nước ngấm vào than để tính ra khối lượng thực tế than còn lại là 23.335kg và giá thành thời điểm bị cháy là 19.052đ/kg.
Để xem xét thực tế số lượng than trắng thành phẩm còn lại là bao nhiêu thì căn cứ vào tài liệu sổ sách trước đó do PCM lập, điều này cả PCM và PTI đều thống nhất. Tuy nhiên, tại phiên tòa phía PCM không lý giải được vì sao tính ra số lượng hàng tồn kho là 54.676kg. Căn cứ trên sổ sách do PCM theo dõi hàng nguyên liệu nhập vào, phía bị đơn không chấp nhận các số liệu do nguyên đơn cung cấp như giấy mua hàng viết tay, không phải là chứng cứ để xem xét, cụ thể hàng hóa mua không có hóa đơn hợp pháp. Báo cáo xuất nhập tồn nguyên vật liệu, báo cáo xuất nhập tồn thành phẩm, bảng cân đối kế toán, phiếu nhập kho, bảng kê mua hàng thời gian từ tháng 01 đến tháng 8/2016 của PCM có sự mâu thuẫn. Cụ thể nguyên liệu đầu vào và đầu ra không phù hợp, tại phiên tòa PCM cũng thừa nhận số nguyên liệu đầu vào củi Bạch đàn là 370 tấn và củi Đước là 326 tấn, nguyên liệu đầu vào năm 2015 là 2.516 kg (BL 762). Nếu tính chấp nhận nguyên liệu đầu vào như phía PCM trình bày khi sản xuất 1kg than trắng cần 13,2kg củi, 1kg than đen cần 4,2kg củi thì cũng không thể ra số liệu của than trắng thành phẩm là 54.676kg theo như yêu cầu của PCM được, trong khi đó số than đen thành phẩm không thiệt hại đã là 48.335,5kg (BL 759).
Do chứng cứ của PCM không phù hợp nên cách thức giám định của Savvy được phía Công ty PTI chấp nhận, do đó căn cứ vào giám định này để chấp nhận thiệt hại hàng hóa thành phẩm than trắng của PCM là 23.335kg.
Kết quả giám định của Savvy cũng tương đồng với kết quả giám định của VIA và PTI chấp nhận bồi thường cho PCM số tiền là 1.547.408.720 đồng theo kết quả giám định của Savvy để có lợi cho PCM là có căn cứ.
[4] Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của phía PCM buộc PTI bồi thường máy nén mùn cưa 66.000.000 đồng là thiếu căn cứ vì tại phiên tòa phía nguyên đơn cũng thừa nhận do hàng hóa bị cháy và thực tế máy nén mùn cưa mới mua cũng bị cháy nên đề xuất bồi thường, việc bồi thường như thế nào do Công ty bảo hiểm quyết định, PTI không chấp nhận bồi thường vì máy nén này không thuộc trong danh mục hợp đồng bảo hiểm. Trong danh mục thể hiện dây chuyền máy nén mùn cưa gồm “Máy ép củi mùn cưa, máy sấy mùn cưa, cụm lò đốt củi ba lò” với giá trị là 560.000.000 đồng và được Savvy thẩm định giá là 509.091.000 đồng. Máy nén mùn cưa giá 66.000.000 đồng được mua vào là mua sau thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm.
Đối với nguyên liệu mùn cưa giá 15.916.800 đồng và thùng chứa thành phẩm 100.000.000 đồng cũng không thuộc danh mục mua bảo hiểm nhưng cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của PCM buộc PTI bồi thường là không có căn cứ.
[5] Đối với tranh luận của phía nguyên đơn không chấp nhận kết quả giám định của phía Savvy vì giữa Savvy và PTI chưa tính toán về chi phí giám định nên kết quả giám định không hợp pháp và vai trò của Savvy là một công ty thuộc PTI. Khi Tòa án thụ lý vụ án các bên mới tiến hành giám định, Savvy không thực hiện theo tố tụng nên không chấp nhận Savvy với tư cách giám định độc lập. Hội đồng xét xử thấy rằng, theo đoạn 2 Điều 6 của hợp đồng bảo hiểm thể hiện “Sau khi nhận được thông báo của bên A trong vòng 48 giờ bên B phải phối hợp với bên A và đơn vị thi công để giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm cơ sở cho việc bồi thường thiệt hại và khiếu nại...” Điểm b mục 7.2 Điều 7 của hợp đồng thể hiện trách nhiệm của bên B “Trong trường hợp xảy ra tổn thất, cử giám định viên của mình đến hiện trường tiến hành giám định trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được thông báo..”. Các quy định này thể hiện rõ trách nhiệm của bên B là trong vòng 48 tiếng từ khi xảy ra tổn thất thì bên B phải có trách nhiệm đến nơi xảy ra thiệt hại để thực hiện thủ tục. Do đó phía PTI đã cử giám định viên đến lập biên bản ngày 09/9/2016 (BL 230-231) có nội dung “Xác định mức độ tổn thất: 7 tỷ đồng”, gắn liền với mục “Về tài sản như nhà chế biến, nhà kho(03), máy ép, máy sấy(02); lò đốt(03), hàng hóa thành phẩm”. Giá trị thiệt hại ước tính có ghi nội dung “Kiểm tra sau”. Như vậy biên bản ngày 09/9/2016 chỉ ghi nhận nội dung thiệt hại tài sản còn về giá trị thiệt hại thì chưa xác định được. Từ việc chưa xác định được thiệt hại thực tế nên PTI mới yêu cầu tổ chức giám định độc lập là Savvy để thực hiện việc giám định, việc này PCM biết, không phản đối (BL 446) và trong quá trình giám định thiệt hại PCM đã hợp tác với Savvy cung cấp hóa đơn chứng từ và những chứng cứ liên quan đến nhà xưởng, hàng hóa, máy móc liên quan đến tài sản bị thiệt hại để Savvy thực hiện việc giám định. Savvy hoạt động với tư cách độc lập và tại phiên tòa có cung cấp hợp đồng nguyên tắc về dịch vụ giám định, trong hợp đồng có quy định về phí dịch vụ và phương thức thanh toán. Do đó không chấp nhận lời tranh luận của phía PCM về việc chưa thanh toán chi phí nên kết quả giám định không hợp pháp và không chấp nhận Savvy là đơn vị giám định độc lập.
Từ nhận định trên, không có căn cứ chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau.
[6] Về chi phí giám định: Theo quy định tại điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định “Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu”, nên bản án sơ chấp nhận yêu cầu của PCM và áp dụng điều luật này để buộc PTI phải chịu là có căn cứ, nếu giữ nguyên bản án sơ thẩm thì không cần phải áp dụng bổ sung điều luật về căn cứ buộc đương sự phải chịu chi phí giám định vì điều luật đã thể hiện rõ, kháng nghị của Viện kiểm sát bổ sung Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự là không cần thiết.
Tuy nhiên, trong vụ án này do ban đầu đơn vị giám định Savvy đã thực hiện việc giám định, phía PCM không chấp nhận kết quả giám định của Savvy nên khởi kiện và có yêu cầu EXIMVAS giám định, kết quả giám định của EXIMVAS phía PTI không chấp nhận và yêu cầu tổ chức giám định VIA thực hiện giám định. Phía PTI đã chịu chi phí giám định cho tổ chức giám định là Savvy và VIA. Kết quả giám định của EXIMVAS không đủ cơ sở để giải quyết theo yêu cầu bảo hiểm, cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm như nhận định trên, trường hợp này cần phải áp dụng theo Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự là “Các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác...” để buộc Công ty PCM chịu chi phí giám định đối với kết quả giám định của Công ty EXIMVAS.
[7] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: PTI và PCM phải chịu theo quy định tại điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quá trình khởi kiện PCM có đơn yêu cầu xin giảm miễn đươc cấp sơ thẩm xét giảm ½ nên PCM đươc giảm ½ án phí sơ thẩm có giá ngạch. Án phí phúc thẩm PCM phải chịu, PTI không phải chịu.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ:
khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần BHBĐ (PTI); Không chấp nhận kháng cáo của Công ty PCM.
Đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần đối với kháng nghị số 68/QĐKNPT- VKS-KDTM ngày 24/8/2018 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau về nội dung buộc Tổng Công ty cổ phần BHBĐ (PTI) bồi thường cho Công ty PCM số tiền là 847.408.720 đồng.
Không chấp nhận kháng nghị số 68/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 24/8/2018 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau về nội dung bổ sung căn cứ áp dụng pháp luật tại phần quyết định của bản án đối với bên phải chịu chi phí giám định.
Sửa bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 12/2018/KDTM-ST ngày 09/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.
Căn cứ vào Điều 12, 13, 14, 17, 18, 19, 46, 47, 48 Luật kinh doanh bảo hiểm; Điều 306 Luật thương mại; 147, 161 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
1. Buộc Tổng Công ty cổ phần BHBĐ (PTI) bồi thường cho Công ty PCM số tiền bảo hiểm là 847.408.720 đồng (Tám trăm bốn mươi bảy triệu, bốn trăm lẻ tám ngàn, bảy trăm hai mươi đồng).
2. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty PCM kiện đòi Tổng Công ty cổ phần BHBĐ (PTI) thanh toán khoản thiệt hại là 3.469.851.615 đồng (Ba tỉ, bốn trăm sáu mươi chín triệu, tám trăm năm mươi mốt ngàn, sáu trăm mười lăm đồng) và khoản tiền lãi là: 949.797.227 đồng (Chín trăm bốn mươi chín triệu, bảy trăm chín mươi bảy ngàn, hai trăm hai mươi bảy đồng).
Kể từ ngày Công ty PCM có đơn yêu cầu thi hành án mà Tổng Công ty cổ phần Bảo Hiểm Bưu Ðiện (PTI) chậm thực hiện nghĩa vụ trả khoản tiền nói trên, thì hàng tháng PTI còn phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
3. Về chi phí giám định: Chi phí giám định: Buộc Công ty PCM phải chịu chi phí giám định 100.000.000 đồng (Đã nộp xong).
4. Về án phí: Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch: Buộc Tổng Công ty cổ phần Bảo Hiểm Bưu Ðiện (PTI) phải chịu 37.422.261 đồng.
Buộc Công ty PCM phải chịu 50.698.516 đồng, ngày 26/4/2017 và ngày 27/02/2018 PCM đã dự nộp 28.390.000 đồng và 8.339.000 đồng tại biên lai số 0003026, 0000392, PCM đươc đối trừ và phải nộp tiếp 13.969.516 đồng khi án có hiệu lực.
Án phí phúc thẩm: Công ty PCM phải chịu 2.000.000 đồng, đã dự nộp 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0001236 ngày 22/8/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự Thành phố Cà Mau được chuyển thu án phí.
Tổng Công ty cổ phần Bảo Hiểm Bưu Ðiện (PTI) không phải chịu 2.000.000 đồng, đã dự nộp 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0001224 ngày 20/8/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự Thành phố Cà Mau được nhận lại.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 07/2019/KDTM-PT ngày 19/04/2019 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 07/2019/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 19/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về