TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 33/2020/KDTM-PT NGÀY 25/12/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Ngày 25 tháng 12 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 13/2020/TLPT-KDTM ngày 12 tháng 3 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” do có kháng cáo của nguyên đơn đối với bản án dân sự sơ thẩm số 41/2019/KDTM-ST ngày 08 và 09/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 9111/2020/QĐ-PT ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Công ty cổ phần F.
Địa chỉ: số 60B ngõ VH, phố T, phường HB, Quận Đ, Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Đỗ Thị Lan H, sinh năm 1977 chức vụ:
Giám đốc;
Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Nguyễn Thu H1, sinh năm 1976, chức vụ: Phó Giám đốc; đều có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Bà Đào Thị Thu H2 - Luật sư Văn phòng Luật sư Đỗ Cao Thắng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Bà Hạnh vắng mặt có gửi bản luận cứ bảo vệ cho nguyên đơn.
* Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm M.
Địa chỉ: tầng 15 Tòa nhà M, số 229 T, phường NT, quận Đ, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: ông Uông Đông H, chức vụ: Chủ tịch HĐQT. Người đại diện theo uỷ quyền: bà Nguyễn Thị Hải Y, chức vụ: Quyền Tổng giám đốc.
Người được uỷ quyền lại: bà Nguyễn Thị Hương L, chức vụ: Phó phòng pháp chế và điều tra chống trục lợi bảo hiểm; Ông Bùi Đăng H3, sinh năm 1997, chức vụ: Chuyên viên phòng pháp chế và điều tra chống trục lợi bảo hiểm. Ông H3có mặt; Bà L vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty MNBA Có trụ sở tại: Bairro, Simulambuco, Cabinda, A.
Đại diện theo uỷ quyền: Công ty CP F, có địa chỉ: Số 60B ngõ VH, phố T, phường HB, quận Đ, thành phố Hà Nội. Do bà Đỗ Thị Lan H, chức vụ: Giám đốc; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, bản tự khai và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn - Công ty cổ phần F (sau đây gọi tắt là Công ty F) trình bày:
Công ty F (là bên bán) đã ký kết hợp đồng số 05/Facom-MNBA/16 ngày 25/10/2016 với Công ty MNBA (sau đây gọi là Công ty MNBA là bên mua) về việc mua bán 01 chiếc xe ủi, model SD22F, động cơ Cummins NT855 – C280S10, công suất động cơ 162 KW/1800 vòng/phút, hàng mới 100%, sản xuất năm 2016 với tổng giá trị hợp đồng là 168.000 USD. Điều kiện giao hàng là CIF tại Cảng L, cộng hòa A, Châu Phi; hàng đi từ cảng Thượng Hải (S), Trung Quốc.
Ngày 08/11/2016, Công ty F có gửi giấy yêu cầu bảo hiểm hàng hoá về việc đề nghị Công ty M - Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân Đội Bảo hiểm hàng hoá (sau đây gọi là M) cho lô hàng theo hợp đồng mua bán hàng hoá nêu trên.
Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội đã chấp thuận ký hợp đồng bảo hiểm thông qua chứng nhận bảo hiểm số: 432/GCN-HH.1/051-PHH do Công ty Bảo hiểm M - Hà Thành. Theo đó M - Hà Thành đồng ý bảo hiểm đối với hàng hoá theo hợp đồng số 05/F-MNBA/16 ngày 25/10/2016 đã được ký kết giữa các bên với số tiền được bảo hiểm 100% CIF-USD 168.000 USD.
Theo vận đơn số IQDLUAW1701170 của Công ty F, ngày 09/01/2017 và Hải trình của Tàu vận chuyển, xe ủi Bulldozer SD22F được vận chuyển trên Tàu A theo hành trình từ cảng Quindao tới Cảng S (ngày 09/01/2017) rồi tiếp tục hành trình tới cảng L - A.
Ngày 12/02/2017, tàu A trên cung đường vận chuyển từ S tới L gặp hỏa hoạn vì lý do khách quan.
Ngày 22/02/2017, Công ty F nhận được email đính kèm thông báo hỏa hoạn của Richards Hogg Lindley (tổ chức giám định tổn thất do chủ tàu A chỉ định). Ngay trong ngày, Công ty F đã chuyển tiếp thông báo này cho M. Trong cùng ngày, M nhận được cập nhật 02 lần liên quan tới vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu A từ đơn vị giám định tổn thất bảo hiểm Matthew Robinson bên Dolphin Maritime & Aviation Services (“Dolphin”) do M chỉ định.
Theo kết luận của Công ty Giám định thì nguyên nhân tổn thất là do bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn.
Bà Lại Thị H4là nhân viên Công ty M được giao nhiệm vụ thay mặt Công ty để thực hiện công việc và giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hoá số: 432/GCN-HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016 ký kết giữa hai bên.
Ngày 23/02/2017, trong thông báo của bà Lại Thị H4 (thể hiện qua tin nhắn Zalo) nhân viên của M và F, bà Lại Thị H4 xác nhận rằng M đã thực hiện sửa đổi bổ sung Đơn bảo hiểm số 432/GCN-HH.1/051-PHH sửa Cảng đi từ S sang Q đúng như Vận đơn cũng như bổ sung một số thông tin còn thiếu trong Đơn bảo hiểm. Như vậy, việc thay đổi Cảng đi đã được phía M biết và đồng ý.
Ngày 27/02/2017, Chủ tàu A tuyên bố Tổn thất chung (“General Average”). Trong cùng ngày, M cũng gửi email tới Richards Hogg Lindley (Bên tư vấn rủi ro đường biển và tính toán Tổn thất chung/Average adjuster) xác nhận mình là Bên bảo hiểm cho lô hàng tại Container PCIU 5463203 trên tàu A và thực hiện trách nhiệm bồi thường tổn thất chung.
Ngày 23/03/2017, M có gửi email yêu cầu Công ty F xác minh tình trạng hàng hóa.
Ngày 20/06/2017, Hải quan A kiểm tra hàng và xác nhận tình trạng hàng hóa: “bị cháy tương đối nhiều, phần động cơ và điện bị hỏng hết”. Công ty F nhận được thông báo từ Công ty MNBA - A về tình hình lô hàng xe ủi và Công ty F đã gửi email thông báo cho M trong cùng ngày.
Ngày 21/06/2017, trong email trao đổi giữa M và Dolphin liên quan đến thẩm định thiệt hại, M xác nhận M bảo hiểm lô hàng Xe ủi trên Tàu APL Australia theo Vận đơn số IQDLUAW1701170.
Ngày 09/08/2017, Dolphin xác nhận với M rằng lô hàng đã hoàn toàn bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn.
Ngày 01/4/2018, Công ty MNBA có hợp đồng chuyển giao quyền yêu cầu sang Công ty F.
Ngày 16/04/2018, Công ty F đã có công văn số 160418/CV yêu cầu Công ty Bảo hiểm M - Hà Thành thực hiện trách nhiệm bảo hiểm.
Ngày 20/4/2018, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội có Công văn số 559/2018/M-GĐBT về việc giải quyết tổn thất/sự cố cháy xe ủi theo đó M từ chối trách nhiệm bảo hiểm do Giấy chứng nhận bảo hiểm không có hiệu lực bảo hiểm đối với các tổn thất lô hàng xảy ra trong hành trình vận chuyển tử Cảng Q đến cảng L, A và lô hàng không thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
Ngày 21/6/2018, Công ty F và Bị đơn đã trực tiếp tiến hành trao đổi, thương lượng tại trụ sở chính của Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm Quân đội. Tuy nhiên, tại buổi họp này Công ty F và bị đơn đã không tìm được giải pháp cho tranh chấp này.
Trong các công văn trả lời và trong cuộc họp ngày 21/06/2018, bị đơn đều phủ nhận hiệu lực của việc sửa đổi đơn bảo hiểm do Bà Lại Thị H4 thực hiện ngày 23/02/2017. Tuy hành trình được bảo hiểm quy định trên đơn bảo hiểm là từ Shang hai tới L nằm trên hành trình vận chuyển thực tế và sự kiện bảo hiểm xảy ra trong hành trình này, M vẫn khẳng định rằng sự kiện bảo hiểm xảy ra ngoài phạm vi bảo hiểm.
Nay nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc M phải thanh toán số tiền 168.000 USD thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm hàng hoá số: 432/GCN-HH.1/051-PHH ngày 8-11-2016, ký kết giữa Công ty Cổ phần F và Công ty M cho Công ty cổ phần F, cùng lãi suất chậm thanh toán từ ngày 09/9/2017 đến nay là 780.864.000 đồng. Các tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn nộp cho Tòa án để chứng minh cho yêu cầu của mình cũng đã cung cấp cho M trước đó.
Bị đơn là Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (sau đây gọi tắt là M) do bà Nguyễn Thị Hương L, ông Ngô Xuân T - đại diện theo uỷ quyền trình bày:
Xác nhận Công ty F có địa chỉ tại Số 60B, ngõ VH, phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội đã được chấp thuận tham gia bảo hiểm tại M theo Hợp đồng bảo hiểm số 432/16/GCN-HH.1/051-PHH cấp ngày 08/11/2016. Đối tượng tham gia bảo hiểm là: 01 Máy ủi (Bulldozer) Model: SD22F. Số tiền bảo hiểm là 100% CIF-USD 168.000 USD.
Dựa theo yêu cầu bảo hiểm của khách hàng, các thông tin chuyến hàng mà khách hàng kê khai và được chấp nhận trên Hợp đồng bảo hiểm bao gồm: Đối tượng bảo hiểm (Bulldozer model SD22F; số lượng 01; Hợp đồng mua bán số:
05/F-MNBA/16 ngày 25/10/2016 vận chuyển hàng từ cảng S, Ch (Trung Quốc) đến cảng L, cộng hòa A. Các thông tin báo sau bao gồm: Vận đơn, tên tàu, L/C, thời điểm khởi hành. Theo nguyên đơn thông báo thì ngày 12/2/2017 xảy ra sự cố cháy trên tàu vận chuyển lô hàng đó.
Theo báo cáo giám định MR/20616/17 ngày 28/03/2018 của đơn vị giám định Dolphin Maritime Aviation Services Ltd thì tổn thất thực tế là:
Lô hàng 01 xe ủi Bulldozer SD22F đóng trong flat rack container 40’ số PCIU546320/3 vận chuyển trên tàu A (hành trình từ cảng Quindao, Ch đến cảng L, A); được thông báo tổn thất do gặp sự cố cháy trên tàu vào ngày 12/02/2017. Sự cố được cho là việc cháy tự phát từ ít nhất 01 container có chứa loại hàng có chất Canxi Hyproclorit – Ca(ClO)2 xảy ra tại khoang dưới số 4. Sự cố đã gây ra nổ và cháy lan rộng trong khoang số 5. Hư hỏng kết cấu tàu lan sang ít nhất tại 01 két dầu và nắp hầm hàng số 4. Một số lượng lớn container bị thiệt hại với mức độ khác nhau do cháy/nổ và nước khi cứu hỏa.
Căn cứ báo cáo giám định số MR/20616/17 ngày 28/03/2018 của giám định Dolphin, mức độ tổn thất của tài sản được bảo hiểm là: Tổn thất hàng hóa: Xe ủi bulldozer SD22F (mới 100%) bị hư hỏng toàn bộ, trị giá là 168.000 USD (CIF). Người nhận hàng đề nghị muốn giữ lại một số phụ tùng máy trị giá 10.000 USD để giảm thiểu tổn thất.
Quan điểm của M cho rằng, trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn (M) xác nhận các tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn giao nộp cho Tòa án thì bị đơn đã được nguyên đơn sao gửi trước đó và bị đơn đã được sao chụp, kiểm tra và công nhận tính chính xác của các văn bản đó (kể cả các bản sao, bản photocopy). Bị đơn xác nhận tư cách khởi kiện của nguyên đơn do được chuyển giao quyền yêu cầu, xác nhận nguyên đơn khởi kiện trong thời hiệu. Tuy nhiên, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội không chấp nhận yêu cầu này; bởi vì:
Tổn thất đối với Máy ủi (Bulldozer) Model: SD22F này không nằm trong phạm vi được bảo hiểm theo hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm số 432/GCN- HH.1/051-HH cấp ngày 08/11/2016.
Theo Giấy yêu cầu Bảo hiểm Hàng hóa ngày 08/11/2016 của F yêu cầu bảo hiểm cho hàng hóa được bảo hiểm là Máy ủi Bulldozer SD22F M đi từ cảng S - Trung Quốc tới cảng L - A.
Thông tin Máy ủi Bulldozer SD22F theo Hợp đồng 05/F-MNBA/16 ngày 25/10/2016 Mục 7 Giao hàng cũng ghi nhận: Hàng đi từ cảng S -Trung Quốc.
Căn cứ Hợp đồng bảo hiểm số 432/GCN-HH.1/051-HH cấp ngày 08/11/2016 kèm yêu cầu bảo hiểm của Công ty F cùng ngày, xác định tài sản được bảo hiểm là Máy ủi Bulldozer SD22F được M chấp nhận bảo hiểm vận chuyển theo hành trình từ cảng S - Ch đến cảng L - A và không chuyển tải tại bất kỳ cảng nào khác.
Tuy nhiên, trên thực tế căn cứ Hóa đơn thương mại (Commercial invoice) số SD20161201 ngày 5/12/2016 và vận đơn (B/L) số IQDLUAW1701170 phát hành tại Q - Ch ngày 09/01/2017 (do F gửi cho cán bộ của M qua email vào 16h24’ ngày 21/02/2017) và tài liệu giám định liên quan thì hành trình vận chuyển của lô hàng 01 unit Bulldozer SD22F đã thay đổi (cảng khởi hành thay đổi từ cảng S sang cảng Q).
Qua điều tra xác minh của giám định tại A, lô hàng Xe ủi Bulldozer SD22F được xác định hư hỏng do bị cháy và ảnh hưởng bởi sức nóng trong sự cố hỏa hoạn xảy ra trên tàu A ngày 12/02/2017, khi đang trên hành trình từ cảng Q (ngày rời cảng là 09/01/2017) đến cảng L - A. Sự cố tổn thất đã được chủ tàu tuyên bố tổn thất chung và thông báo cho các chủ hàng sau đó.
Khoảng cách từ cảng Q tới cảng L bằng đường biển khoảng 600km. Tham khảo website chuyên dụng về hàng hải www.marinetraffic.com thì hải trình hàng hải phổ biến từ cảng Qingdao tới cảng L là 9586.6 NM (hải lý trên biển) nhưng hải trình hàng hải từ cảng Q tới cảng S sau đó tới cảng L tăng lên thành 9722.5 NM (hải lý trên biển). Ngoài việc tăng lên về quãng đường hải trình hàng hải thì hải trình hàng hải từ cảng Q tới cảng L cũng khác một số đoạn đường đi so với hải trình hàng hải từ cảng Q tới cảng S sau đó tới cảng L. Điều này dẫn tới việc hàng hóa đi từ cảng Q tới cảng L sẽ có sự khác biệt về rủi ro (ít rủi ro hơn) so với hàng hóa đi từ cảng Q tới cảng S sau đó tới cảng L.
Vận đơn (B/L) số IQDLUAW1701170 thể hiện hàng được giao theo phương thức “Port to Port or cobined transport bill of landing” Dịch: Cảng đến cảng - Vận đơn vận tải kết hợp. Port of Loading/Cảng xếp hàng và Place of Receipt/Nơi nhận đều thể hiện tài sản được bảo hiểm được đưa lên tàu vận chuyển tới L - A từ cảng Q - Ch.
Do đó, hành trình vận chuyển của lô hàng xe ủi Bulldozer SD22F đã thay đổi (cảng khởi hành thay đổi từ S sang Q). Theo Vận đơn (B/L) số IQDLUAW1701170.
Từ ngày M phát hành Hợp đồng gửi cho F (08/11/2016) cho tới trước khi thời điểm Xe ủi Bulldozer SD22F bị thiệt hại ngày 12/02/2017 bên phía F không có ý kiến gì với M các nội dung của Hợp đồng bảo hiểm số 432/GCN- HH.1/051-HH. Mặt sau của Hợp đồng bảo hiểm số 432/GCN-HH.1/051-HH phần Important Notice ghi cụ thể: “Right after receiving the Policy and annex/ endorsement attached, Please examine the Term and Conditions and advise us immediately (in writing) if any of these are not in acoordance with your requirements” Dịch: (THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Ngay sau khi nhận được Chính sách bảo hiểm và phụ lục/ Bản điều chỉnh kèm theo, vui lòng kiểm tra các Điều khoản, Điều kiện và thông báo cho chúng tôi ngay lập tức (bằng văn bản) nếu có bất kỳ điều gì không đúng với yêu cầu của Quý vị). Điều này thể hiện sự đồng ý, chấp nhận của F với các nội dung Hợp đồng bảo hiểm số 432/GCN- HH.1/051-HH.
Ngày 22/02/2017, phía F gửi bổ sung vận đơn và hóa đơn vận chuyển. Phía F sau đó thông báo cho M việc F nhận được thông tin tổn thất của tàu vận chuyển A và đề nghị thay đổi nội dung của Hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, đề nghị này được gửi tới cán bộ M sau thời điểm tài sản được bảo hiểm đã xảy ra tổn thất. Theo giải trình của cán bộ Bùi Thị H4 ngày 10/04/2019, Cán bộ H4 (lúc đó đang nghỉ thai sản) sau khi nhận được đề nghị sửa đổi thông tin trong Hợp đồng bảo hiểm đã nhờ phòng nghiệp vụ tại Đơn vị làm các thủ tục để trình Lãnh đạo M phê duyệt, tuy nhiên tờ trình thay đổi nội dung Hợp đồng bảo hiểm số 432/GCN-HH.1/051-HH không được chấp thuận do đề nghị này được gửi tới cán bộ M sau thời điểm tài sản được bảo hiểm đã xảy ra tổn thất.
Căn cứ theo nội dung Hợp đồng bảo hiểm số 432/GCN-HH.1/051-HH giữa M và F thì tổn thất của F thông báo ngày 22/02/2017 không thuộc phạm vi bảo hiểm, nếu M đồng ý với đề nghị của khách hàng là đã cố ý làm sai lệch thông tin để trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra là vi phạm Điều 213 Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 do vậy M đã không đồng ý với đề nghị của F.
- Ngoài ra, theo Luật và tập quán (Law and Practice) dẫn chiếu trong điều khoản Insitute Cargo Clauses (A) 01/01/1982, Hợp đồng bảo hiểm/Hợp đồng bảo hiểm này áp dụng Luật và tập quán Anh, trong đó: Căn cứ Khoản 43, Thay đổi cảng khởi hành (Alteration of port of departure) trong Luật hàng hải Anh 1906 (Marine Insurance Act 1906) quy định như sau:
“Where the place of departure is specified by the policy, and the ship instead of sailing from that place sails from any other place, the risk does not attach”.
Lời dịch: “Địa điểm khởi hành được chỉ định trên Hợp đồng bảo hiểm, và khi tàu thay vì khởi hành từ địa điểm được chỉ định trên Hợp đồng bảo hiểm đó thì khởi hành từ địa điểm khác thì rủi ro theo đơn bảo hiểm không có hiệu lực”.
Như vây, Hợp đồng bảo hiểm 432/GCN-HH.1/051-HH chỉ bắt đầu có hiệu lực bảo hiểm khi lô hàng xe ủi Bulldozer SD22F rời từ cảng S - Ch và kết thúc khi hàng được giao đến cảng L - A; đồng nghĩa rằng: Hợp đồng bảo hiểm này không có hiệu lực bảo hiểm đối với các tổn thất lô hàng xảy ra trong hành trình vận chuyển từ cảng Q đến cảng L, A.
Do vậy, đề nghị Tòa án chấp nhận việc M từ chối bồi thường đối với tổn thất đối với lô hàng xe ủi Bulldozer SD22F được vận chuyển trên tàu APL đi từ cảng Q - Ch đến cảng L, A của công ty F ngày vào 12/02/2017 là đúng quy định của pháp luật và có căn cứ.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty MNBA do bà Đỗ Thị Lan H trình bày:
Công ty MNBA xác nhận có mua của công ty F 01 xe ủi, model SD22F, động cơ Cummins NT855 -C280S10, công suất động cơ 162 KW/1800 vòng/phút, hàng mới 100%, sản xuất năm 2016 với tổng giá trị hợp đồng là 168.000 USD. Điều kiện giao hàng là CIF (bao gồm tiền hàng, cước phí, bảo hiểm lô hàng mua) tại Cảng L, A, Châu Phi; hàng đi từ cảng Thượng Hải, Trung Quốc.
Ngày 08/11/2016, Công ty F thông báo với Công ty MNBA là đã mua bảo hiểm cho lô hàng theo hợp đồng mua bán hàng hoá nêu trên của Công ty M - Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân Đội (sau đây gọi là M) với số tiền được bảo hiểm 100% CIF-USD 168.000 USD.
Công ty MNBA đã hoàn thành việc thanh toán giá trị hợp đồng này tại Biên bản cấn trừ công nợ số 11/2016/ BB-F ngày 23/11/2016 với Công ty F. Do lô hàng (máy ủi) bị hỏa hoạn nên cháy hỏng, MNBA đã có văn bản đề nghị M thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm nhưng bị từ chối.
Ngày 01/04/2018, Công ty MNBA có làm Hợp đồng chuyển giao quyền yêu cầu và ủy quyền cho công ty F thay mặt Công ty MNBA tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để yêu cầu M thanh toán bảo hiểm.
Quan điểm của Công ty MNBA là yêu cầu khởi kiện của Công ty F là có căn cứ.
Tại Bản án sơ thẩm số 41/2019/KDTM-ST ngày 08 và 09 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
Áp dụng:
- Khoản 1 Điều 30, Điều 37, Điểm a khoản 3 Điều 38, Điều 39, Điều 147, Điều 200, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Điều 03, Điều 12, 14, 15, 16, 18, 19 và Điều 25, Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010;
- Quy tắc bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu điều kiện ICC (A) (01/1/1982);
- Luật hàng hải Anh năm 1906;
- Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần F đối với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội với yêu cầu buộc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội phải bồi thường toàn bộ thiệt hại liên quan đến sự cố bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hàng hóa số 432/GCN-HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016 với tổng số tiền là 3.904.320.000 đồng (tương đương 168.000 USD, tỷ giá quy đổi 1 USD = 23.240 VNĐ) và tiền lãi phát sinh với mức lãi suất 10%/năm tính từ ngày 09/9/2017 đến ngày 08/10/2019 là 25 tháng số lãi là 813.400.000 đồng.
- Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí; thi hành án theo luật Thi hành án dân sự và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 23/10/2019, Nguyên đơn là Công ty Công ty cổ phần F do bà Đỗ Thị Lan H đại diện theo pháp luật có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa Công ty cổ phần F không rút đơn khởi kiện, giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội bồi thường tổn thất hàng hóa đúng theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Căn cứ kháng cáo cụ thể:
Hàng đã mua bảo hiểm đã được giao xuống tàu APL tại cảng Q - Ch sau đó đi đến cảng S rồi tiếp tục hành trình đến L nên việc thay đổi cảng không ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, thiệt hại xảy ra trên hành trình từ S đi L như trong hợp đồng.
+ Theo quyết định số 03/2016 ngày 01/1/2016 của M về điều khoản bảo hiểm Điều 2.1 không thấy có trường hợp nào loại trừ bảo hiểm khi hàng xuống tàu không đúng cảng ghi ở hợp đồng bảo hiểm.
+ M không giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm các hình thức thông báo chuyển, hủy hợp đồng như thế nào là hợp lệ và không giải thích quyền lợi bảo hiểm cho bên mua.
Ngày 22/2/2017, công ty F đã thông báo với bà H4 là nhân viên đại diện của M - Hà Thành thường hay làm việc với F để thay đổi cảng đi thông qua tin nhắn Zalo và còn được bà H4 xác nhận. Vì vậy xác định M phải có trách nhiệm thanh toán bảo hiểm theo chứng nhận bảo hiểm số 432/GCN-HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016; Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Luật sư Đào Thị Thu H2 có gửi bản luận cứ bảo vệ cho công ty F đề ngày 21/12/2020 có nội dung như đã trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, nêu các căn cứ pháp lý và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm buộc M phải thanh toán toàn bộ thiệt hại như đã ký kết trong hợp đồng bảo hiểm số 432 ngày 08/11/2016.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và kết luận:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và các đương sự chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Kháng cáo của nguyên đơn làm trong hạn và hợp lệ nên cần được chấp nhận để xét.
Về quan hệ pháp luật có tranh chấp thì đây là tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.
Về nội dung: Các bên đều xác nhận đã ký kết và không có tranh chấp gì đối với hợp đồng bảo hiểm số 432/GCN-HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016. Theo nội dung hợp đồng này có thỏa thuận bảo hiểm chiệc xe ủi đi từ cảng S đến cảng L, A và không chuyển tải bất kỳ cảng nào khác.
Ngày 09/01/2017, hàng đã được chuyển lên tàu APL tại cảng Q; như vậy là đã có sự thay đổi cảng đi, thay đổi hành trình nhưng F không thông báo với M để sửa đổi hợp đồng bảo hiểm mà sau khi đã có tổn thất hàng hóa xảy ra vào ngày 12/02/2017 thì đến ngày 22/02/2017 F mới liên hệ và thông báo với M để thay đổi sửa cảng đi trên hợp đồng bảo hiểm đã ký từ 08/11/2016 là không phù hợp. Trong hồ sơ không hề có đơn đề nghị thay đổi hợp đồng bảo hiểm của F cũng như không có văn bản trả lời chấp thuận thay đổi của M. Căn cứ vào giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ có giá trị khi cảng khởi hành là cảng S đến cảng L, còn việc thay đổi điểm khởi hành không được chấp nhận. Do đó tại bản án sơ thẩm đã quyết định không chấp nhận nội dung khởi kiện của công ty F là có căn cứ, đúng quy định. Nay không có thêm chứng cứ gì mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm số 41/2019/KDTM- ST ngày 08 và 09 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà nội.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên toà. Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến của các đương sự. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy:
1. Về tố tụng: Bản án sơ thẩm số 41/2019/KDTM-ST ngày 08 và 09 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Đơn kháng cáo của nguyên đơn đề ngày 23/10/2019 của Công ty cổ phần F do bà Đỗ Thị Lan H đại diện theo pháp luật, đã nộp tạm ứng án phí trong hạn nên được chấp nhận để xét.
2. Xét nội dung kháng cáo:
Nguyên đơn là Công ty cổ phần F (gọi tắt là công ty F) khởi kiện và nay kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (gọi tắt là M) phải bồi thường toàn bộ thiệt hại liên quan đến sự kiện bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hàng hóa số 432/GCN-HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016 với tổng số tiền là 168.000 USD tương đương 3.904.320.000 đồng (tỷ giá quy đổi 1 USD = 23.240 VNĐ) và tiền lãi phát sinh với mức lãi suất 10%/năm tính từ ngày 09/9/2017 đến ngày 08/10/2019 là 25 tháng số tiền lãi là 813.400.000 đồng.
Hội đồng xét xử thấy:
[2.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bên đương sự đều xác nhận giữa công ty F và M chi nhánh Hà Thành đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm số 432/16/GCN- HH.1/051-PHH theo giấy chứng nhận bảo hiểm cấp ngày 08/11/2016. Đối tượng được bảo hiểm là: 01 Máy ủi (Bulldozer), Model: SD22F; Số tiền bảo hiểm là 100% CIF-USD 168.000 USD. Công ty F đã đóng phí bảo hiểm cho M đầy đủ.
Thông tin chuyến hàng mà khách hàng kê khai và được chấp nhận trên Hợp đồng bảo hiểm bao gồm: Đối tượng bảo hiểm (Bulldozer model SD22F; số lượng 01; Hợp đồng mua bán số: 05/F-MNBA/16 ngày 25/10/2016 vận chuyển hàng từ cảng S - Ch (Trung Quốc) đến cảng L, cộng hòa A. Các thông tin báo sau bao gồm: Vận đơn, tên tàu, L/C, thời điểm khởi hành.
Việc ký kết hợp đồng này là hoàn toàn tự nguyện, đúng pháp luật và đến nay không có tranh chấp về điều khoản và giá trị hợp đồng.
Theo các tài liệu có trong hồ sơ và một lần nữa được tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm thì: sự kiện pháp lý phát sinh có tranh chấp dẫn đến khởi kiên yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường tổn thất là: Vào ngày 22/2/2017 công ty F thông qua tin nhắn Zalo gửi cho bà H4 là nhân viên thường giao dịch của M Hà Thành về việc có yêu cầu thay đổi một phần nội dung của hợp đồng bảo hiểm số 432/16/GCN-HH.1/051-PHH theo giấy chứng nhận bảo hiểm cấp ngày 08/11/2016 (cụ thể yêu cầu này là do phía chủ tàu APL yêu cầu kiểm tra nội dung của hợp đồng bảo hiểm và vận đơn của hàng hóa đã được bảo hiểm). Nguyên đơn xác nhận thời điểm này thì công ty F mới được bên bán hàng cung cấp vận đơn và biết rằng hàng được vận chuyển lên tàu từ cảng Q ngày 09/01/2017 nên công ty F mới có văn bản yêu cầu thay đổi cảng khởi hành trong hợp đồng số 423 này từ cảng S thành cảng khởi hành là cảng Q. Và trong ngày 23/2/2017 thì F mới biết sự cố xảy ra trên tàu APL vận tải lô hàng từ ngày 12/02/2017 mà F có mua bảo hiểm nhưng chưa biết chính xác là lô hàng đó có bị thiệt hại không.
Như vậy, việc M - Hà Thành đã ký và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm số 432/16/GCN-HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016 đối với đối tượng được bảo hiểm là 01 chiếc máy ủi (Bulldozer model SD22F; theo Hợp đồng mua bán số: 05/F- MNBA/16 ngày 25/10/2016 được vận chuyển hàng từ cảng S, Ch (Trung Quốc) đến cảng L, A. Các thông tin được báo sau bao gồm: Vận đơn, tên tàu, L/C, thời điểm khởi hành. Theo chính hợp đồng 05/F-MNBA/16 ngày 25/10/2016 về việc F bán máy ủi cho MNBA tại mục 7 về giao hàng cũng ghi nhận: Hàng đi từ cảng S -Trung Quốc; tại giấy yêu cầu Bảo hiểm Hàng hóa ngày 08/11/2016 của F yêu cầu bảo hiểm cho hàng hóa được bảo hiểm là Máy ủi Bulldozer SD22F M đi từ cảng S - Trung Quốc tới cảng L - A. Do đó M Hà thành chỉ cấp giấy bảo hiểm cho hàng hóa này theo điều kiện từ cảng đến cảng tức là chỉ bảo hiểm hàng hóa được xếp lên tàu từ S, Ch (Trung Quốc) để vận chuyển đến cảng L, A theo điều kiện ICC (A) ngày 01/1/1982. Tại mục 18 của Quy tắc bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu điều kiện A (01/1/1982) Luật pháp và tập quán: Bảo hiểm này tuân thủ theo pháp luật và tập quán Anh. Tại Điều 43 Luật bảo hiểm hàng hải của Anh quy định: “địa điểm khởi hành được chỉ định trên hợp đồng bảo hiểm và khi tàu thay vì khởi hành từ địa điểm được chỉ định trên hợp đồng bảo hiểm đó thì khởi hành từ địa điểm khác thì rủi ro theo đơn bảo hiểm không có hiệu lực”.Theo vận đơn (B/L) số IQDLUAW1701170 và được chính nguyên đơn thừa nhận tại phiên tòa thì thể hiện tài sản được bảo hiểm được đưa lên tàu vận chuyển tới L - A từ cảng Q - Ch là đã có sự thay đổi không đúng cảng khởi hành đã được quy định trong giấy chứng nhận bảo hiểm nêu trên, mà không được F thông báo hoặc yêu cầu thay đổi sửa chữa cảng khởi hành như nội dung thông báo tại mục cuối cùng của hợp đồng/chứng thư bảo hiểm có nội dung là sau khi nhận chứng thư có thay đổi gì thì phải thông báo ngay lập tức. Thực tế theo vận đơn nói trên thì hàng được xếp lên tàu APL tại cảng Qingdao - Ch từ ngày 09/01/2017 nhưng F không hề thông báo hoặc có văn bản yêu cầu thay đổi phạm vi bảo hiểm cho M; ngày 12/02/2017 đã xảy ra sự cố (cháy) trên tàu APL thì mãi đến ngày 22/02/2017 F mới có Email thông báo cho bà H4 là nhân viên của M Hà Thành đã phụ trách việc giao kết hợp đồng này trước đây. Việc yêu cầu thay đổi này xảy ra sau khi đã phát sinh sự kiện pháp lý về bảo hiểm nên chưa hề được M chấp nhận bằng văn bản nên không phát sinh nghĩa vụ bảo hiểm ngoài phạm vi bảo hiểm đã ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm số 432/16/GCN- HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016.
Mặt khác, như đã nhận định ở trên, tuy ngày 22/2/2017 công ty F có yêu cầu thay đổi một phần nội dung của hợp đồng bảo hiểm số 432/16/GCN- HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016 này về nội dung thay đổi “cảng đi” liên quan đến hàng hoá được bảo hiểm thông qua nhân viên của M là chị Lại Thị H4qua tin nhắn zalo. Nhưng căn cứ quy định tại Điều 25 về sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm của Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2010 quy định: “1. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.”. Vì vậy, việc trao đổi tin nhắn Zalo hoặc email giữa chị Hà của Công ty F và chị H4 nhân viên của M Hà Thành tuy diễn ra trên thực tế nhưng không đúng theo hình thức văn bản đã quy định trên; thông báo yêu cầu sửa đổi sau khi sự cố đã xảy ra (tức là F đã biết có tổn thất đối với hàng hoá nên mới có văn bản thay đổi cảng đi). Vì thế đến nay vẫn không được người có thẩm quyền của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội hoặc chi nhánh M Hà Thành chấp thuận hoặc phê chuẩn bằng văn bản theo quy định nên không có giá trị pháp lý để M phải có nghĩa vụ thực hiện.
Do đó, tại bản án sơ thẩm của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần F là có căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cho rằng việc thay đổi cảng xếp hàng là lỗi của công ty SYNIC là bên bán hàng cho F không thông báo cũng như không giao vận đơn cho F nên F không biết để yêu cầu thay đổi. Đây là quan hệ pháp luật giữa F và bên bán hàng, không liên quan đến vụ án này nên không xem xét.
[2.2] Đối với luận cứ của luật sư bảo vệ cho nguyên đơn cho rằng, căn cứ theo hợp đồng bảo hiểm số 432/16/GCN-HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016 thì lô hàng là Xe ủi bulldozer SD22F được bảo hiểm từ cảng S (Thượng Hải) - Trung Quốc đến cảng L - A. Tuy lô hàng này lên tàu tại cảng Q nhưng sau đó tàu có đi qua cảng S (Thượng Hải) rồi mới tiếp tục đi đến cảng L. Sự cố hàng hải xảy ra trên đường từ cảng S đến cảng L nên phải được bảo hiểm là không đúng như Hội đồng xét xử đã nhận định trên nên không được chấp nhận.
Do không có tài liệu chứng cứ nào mới nên không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn.
Kết luận và đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp chứng cứ có trong hồ sơ, có căn cứ đúng quy định của pháp luật và nhận định của HĐXX nên được chấp nhận.
[3]. Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên công ty F phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
Không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần F. Giữ nguyên các quyết định của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 41/2019/KDTM-ST ngày 08 và 09 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Cụ thể:
Áp dụng:
- Khoản 1 Điều 30, Điều 37, Điểm a khoản 3 Điều 38, Điều 39, Điều 147, Điều 200, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Điều 03, Điều 12, 14, 15, 16, 18, 19 và Điều 25, Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010;
- Quy tắc bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu điều kiện ICC (A) (01/1/1982);
- Luật hàng hải Anh năm 1906;
- Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần F đối với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội với yêu cầu buộc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội phải bồi thường toàn bộ thiệt hại liên quan đến sự cố bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hàng hóa số 432/GCN-HH.1/051-PHH ngày 08/11/2016 với tổng số tiền là 3.904.320.000 đồng (tương đương 168.000 USD, tỷ giá quy đổi 1 USD = 23.240 VNĐ) và tiền lãi phát sinh với mức lãi suất 10%/năm tính từ ngày 09/9/2017 đến ngày 08/10/2019 là 25 tháng số lãi là 813.400.000 đồng.
2. Về án phí: Công ty cổ phần F phải chịu 112.717.720 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 3.000.000 đồng án phí phúc thẩm. Đối trừ số tiền 55.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí số 17054 ngày 26/2/2019 tại Cục thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội, còn phải nộp 60.717.720 đồng.
Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 33/2020/KDTM-PT ngày 25/12/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 33/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 25/12/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về