TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 291/2019/LĐ-PT NGÀY 11/04/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Trong các ngày 04 và 11 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 65/2018/TLPT-LĐ ngày 19 tháng 11 năm 2018 về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 306/2018/LĐ-ST ngày 05/10/2018 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1675/2019/QĐ-PT ngày 04 tháng 4 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Đặng Thanh V, sinh năm: 1971; Cư trú tại: 50/20 đường H, Phường A, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Bị đơn: Công ty L; Trụ sở tại: 214 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh;
Người đại diện theo pháp luật: Bà Ngô Xuân D, sinh năm 1989; Cư trú tại: 302 đường K, Thành phố G, Tỉnh G.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Đinh Phước T; sinh năm:1991; Cư trú tại: 04 đường T, phường T, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Theo Giấy ủy quyền ngày 30/7/2018 của Công ty L, Thành phố Hồ Chí Minh) (có mặt).
- Người làm chứng: Ông Trần Tuyết D1, sinh năm 1983; Cư trú tại: 2251/18 đường P, Khu phố G, thị trấn B, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).
- Người kháng cáo: Nguyên đơn là ông Đặng Thanh V.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn ông Đặng Thanh V có người đại diện theo ủy quyền là ông Tiết Thiên L1 trình bày:
Ông Đặng Thanh V bắt đầu làm việc tại Công ty L (gọi tắt là Công ty L) từ tháng 12/2015 theo Hợp đồng lao động số 012/2016/HĐLĐ-HL ngày 01/02/2016, thời hạn 24 tháng từ ngày 01/02/2016 đến ngày 31/01/2018, lương theo hợp đồng là 18.000.000 đồng/tháng, lương thực lãnh là 23.000.000.000 đồng/tháng (chưa trừ các khoản tham gia Bảo hiểm theo quy định do Công ty không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho ông V), nhận trực tiếp bằng tiền mặt, có ký nhận bảng lương. Công ty chấm công bằng máy quét vân tay.
Trước ngày 27/4/2016, ông V đã phát hiện ổ khoá ở thùng thu bóng thuộc máy đánh bóng hai đầu (nơi để trữ mạt vàng thu được trong quá trình đánh bóng trang sức) được khoá bằng ổ khoá Công ty, có dán niêm phong bằng tem của Công ty có dấu hiệu đã được mở (bẻ khoá). Do không tin tưởng nhân viên nên ông V đã thay ổ khoá mới. Tuy nhiên, ông V chưa kịp thông báo sự việc cho Ban giám đốc thì đến ngày 27/4/2016, Trưởng phòng nhân sự Công ty là ông Trần Tuyết D1 và quản lý nội bộ Công ty là bà Ma Thị Mỹ T1 kiểm tra khu sản xuất phát hiện ổ khoá bị thay nên đã báo cáo Ban giám đốc và lập biên bản vi phạm. Sau khi sự việc xảy ra, ông V đã được Ban giám đốc nhắc nhở và ông V đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, Ban giám đốc cũng đồng ý không truy cứu sự việc, không xử lý kỷ luật đối với ông V. Tuy nhiên, đến ngày 03/5/2016, Trưởng phòng nhân sự là ông D1 đã thông báo miệng với ông V rằng Ban giám đốc đã cho ông V thôi việc và yêu cầu ông V phải bàn giao công việc trong ngày 03/5/2016. Ông V đã bàn giao chìa khoá, văn bản giấy tờ, bàn làm việc. Công ty không lập biên bản bàn giao. Công ty chỉ thông báo miệng mà không ban hành bất kỳ văn bản cho thôi việc hay xử lý kỷ luật nào đối với ông V. Những ngày sau đó, ông V có đến Công ty để làm rõ về việc cho ông nghỉ việc không thông báo trước và cũng không có bất kỳ quyết định nào. Tuy nhiên, bảo vệ Công ty không cho ông V vào.
Đến ngày 13/5/2016, Trưởng phòng nhân sự Công ty là ông D1 liên hệ hẹn ông V ra quán cà phê (do Ban giám đốc không cho ông V vào Công ty) để nhận lương và các khoản khác còn lại sau khi khắc phục các thiệt hại về việc tự ý thay ổ khóa. Khi nhận tiền ông V có ký vào bảng lương (thiệt hại như Công ty trình bày bao gồm tiền công tác nước ngoài, bột đen đánh bóng bị mất do thay ổ khoá). Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật khi không có bất kỳ buổi họp xử lý vi phạm, ban hành thông báo cũng như quyết định gì. Nay ông V không có nguyện vọng quay trở lại Công ty làm việc, vì vậy, ông yêu cầu Công ty phải trả các khoản tiền sau:
- Tiền lương trong những ngày không được làm việc từ tháng 5/2016 đến tháng 01/2018 (thời gian còn lại của hợp đồng lao động) là 378.000.000 đồng.
- Tiền bảo hiểm xã hội là 47.520.000 đồng, tiền bảo hiểm thất nghiệp là 32.400.000 đồng, trợ cấp thôi việc là 4.500.000 đồng do Công ty không đăng ký tham gia Bảo hiểm cho ông V.
- Tiền phép năm chưa nghỉ từ tháng 12/2015 đến tháng 5/2016 là: 05 ngày là 3.461.540 đồng.
Tổng số tiền là: 465.881.540 đồng. Mức lương để tính các khoản bồi thường là 18.000.000 đồng/tháng theo hợp đồng lao động.
Tại bản tự khai và và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án bị đơn, Công ty L có người đại diện theo ủy quyền là ông Đinh Phước T trình bày:
Ông Đặng Thanh V được Công ty L nhận vào thử việc từ ngày 22/12/2015 đến ngày 22/01/2016. Sau đó, hai bên ký Hợp đồng lao động số 012/2016/HĐLĐ-HL ngày 01/02/2016, thời hạn 24 tháng từ ngày 01/02/2016 đến ngày 31/01/2018. Ông V chính thức được nhận vào làm việc từ ngày 01/02/2016; với công việc là quản lý sản xuất; mức lương theo hợp đồng lao động nói trên là 18.000.000 đồng/tháng, lương ông V thực lãnh còn lại là khoản tiền bổ sung khác tùy theo từng tháng mà Công ty thưởng cho người lao động.
Trong quá trình ông V làm việc tại Công ty, vào lúc 18 giờ 40 phút ngày 27/4/2016, theo yêu cầu của ông Hứa Như H - Tổng Giám đốc Công ty, Trưởng phòng nhân sự - ông Trần Tuyết D1 và Quản lý nội bộ - bà Ma Thị Mỹ T1 đi kiểm tra đột xuất khu sản xuất đã phát hiện hai ổ khóa của thùng thu bóng tại phòng đánh bóng xi mạ bị thay đổi hoàn toàn. Khoá thu bóng thuộc phòng đánh bóng hai đầu (con heo - nơi để trữ mạt vàng thu được trong quá trình đánh bóng trang sức) được khoá bằng khoá của Công ty, trên khoá dán niêm phong bằng tem của Công ty, chìa khoá do Ban giám đốc giữ để đảm bảo nhân viên không thể mở ra lấy mạt vàng. Sau sự việc, ông V là Quản lý sản xuất xác nhận đã tự ý thay ổ khoá hai tuần trước đó, nhưng thực tế ổ khoá được thay từ khi nào Công ty không thể xác định được. Nhận thấy sự việc có sự nghiêm trọng nên chiều ngày 28/4/2016, lãnh đạo Công ty đã họp để đưa vụ việc ra xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với hành vi vi phạm của ông V. Sau đó, khi ông V biết tin Công ty đã họp để xem xét kỷ luật lao động mình ngày 29/4/2016 ông V đã đến gặp Tổng giám đốc Công ty xin đền bù một khoản tiền heo (tiền bồi thường do tự ý thay ổ khóa làm thất thoát mạt vàng thu được trong quá trình sản xuất nữ trang) và ông V sẽ nghỉ việc. Đồng thời, ông V đề nghị Công ty không làm lớn chuyện, ảnh hưởng tới uy tín của ông V khi ông V đi xin việc tại nơi khác. Công ty cũng chấp nhận đề nghị nêu trên của ông V.
Tuy nhiên, đến ngày 03/5/2016, ông V đã tự ý nghỉ việc mà không đến Công ty để bàn giao công việc. Sau 10 ngày kể từ ngày ông V tự ý nghỉ việc tức ngày 13/5/2016, Tổng giám đốc Công ty đã yêu cầu Trưởng phòng nhân sự liên hệ với ông V lên nhận lương và những khoản tiền khác. Ông V đã nhận đồng thời ký nhận vào phiếu lương. Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với ông V mà ông V đã tự ý nghỉ việc không thông báo và bàn giao lại công việc mình đang đảm nhận cho Công ty. Việc ông V tự ý nghỉ việc đã khiến Công ty chịu nhiều ảnh hưởng trong quá trình sản xuất như: Đơn hàng bị huỷ, chậm trễ, bồi thường đơn hàng, gây sự bất an trong việc quản lý nhân sự và các khoản thất thoát khác. Quá trình làm việc tại Công ty, ông V chưa nộp cho Công ty sổ Bảo hiểm xã hội do đó Công ty chưa đóng các khoản bảo hiểm theo quy định của pháp luật cho ông V trong thời gian ông V thực tế làm việc tại Công ty. Công ty đồng ý đóng các khoản tiền bảo hiểm cho ông V theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian ông V làm việc tại Công ty ngày 01/02/2016 đến ngày 02/5/2016. Ngoài ra, Công ty xác định các ngày phép năm ông V chưa nghỉ trong thời gian ông V làm việc là 05 ngày nên đồng ý trả cho ông V số tiền 3.461.540 đồng. Ngoài ra, bị đơn không đồng ý đối với các yêu cầu còn lại của nguyên đơn.
Tại bản tự khai và và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người làm chứng là ông Trần Tuyết D1 trình bày:
Thời điểm xảy ra vụ việc ông làm việc tại Công ty L với chức danh Trưởng phòng nhân sự Công ty. Ông xác nhận vào ngày 27/4/2016 khi Công ty phát hiện ra sự việc thay hai ổ khóa của thùng thu bóng tại phòng đánh bóng xi mạ bị thay đổi hoàn toàn. Khoá thu bóng thuộc phòng đánh bóng hai đầu (con heo - nơi để trữ mạt vàng thu được trong quá trình đánh bóng trang sức). Ông V xác nhận sự việc nêu trên và làm bản tường trình vào ngày 29/4/2016. Tuy nhiên, sau khi Ban giám đốc thay hai ổ khóa mới cũng đã thống nhất bỏ qua vụ việc nhưng sau đó ông nhận được lệnh từ Ban giám đốc qua tin nhắn điện thoại về việc yêu cầu ông V bàn giao công việc và các tài sản liên quan đến công việc. Sau khi vào Công ty tìm hiểu ông đã thực hiện đúng yêu cầu nêu trên của Ban giám đốc Công ty và sau đó báo cáo lại kết quả thông qua hệ thống ERP (hệ thống báo cáo trong nội bộ Công ty) kèm nội dung cũng như báo cáo bằng miệng. Ông xác nhận là người thanh toán tiền lương cho ông V khi ông V nghỉ việc, ông V cũng đã ký nhận. Ông cung cấp cho Tòa án bản chụp tin nhắn nội dung ông báo cáo về kết quả xử lý sự việc trên cho Ban giám đốc. Ông xác nhận Công ty không ban hành thông báo hay quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông V.
Quá trình chuẩn bị xét xử, nguyên đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ về việc Công ty không tham gia đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn theo quy định cũng như về việc Công ty báo cáo số lao động giảm tại Công ty trong 06 tháng đầu năm 2016. Nội dung Công văn số 1904/BHXH ngày 09/10/2017 của Bảo hiểm xã hội Quận A xác định Công ty L chưa đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho ông Đặng Thanh V và việc này được bị đơn thừa nhận. Ngoài ra, căn cứ công văn số 964/LĐTBXH ngày 28/11/2017, Phòng Lao động và Thương binh Xã hội - Ủy ban nhân dân Quận A cung cấptheo Báo cáo tình hình thay đổi về lao động 06 tháng đầu năm 2016 có ông Đặng Thanh V trong số lao động tăng trong kỳ và sau đó là số lao động giảm trong kỳ.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 306/2018/LĐ-ST ngày 05 tháng 10 năm 2018, Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Căn cứ Điều 41 Bộ luật lao động năm 2012;
Căn cứ các Điều 18; Điều 91; Điều 92 Luật bảo hiểm xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự 2008.
Xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn:
Công ty L có trách nhiệm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội cho ông Đặng Thanh V trong thời gian ông V làm việc tại Công ty từ ngày 01/2/2016 đến ngày 02/5/2016 tại cơ quản quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội có thẩm quyền, chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông V sau khi ông Đặng Thanh V giao sổ bảo hiểm xã hội cho Công ty.
Công ty L có trách nhiệm trả số tiền phép năm còn thiếu cho ông Đặng Thanh V là 3.461.540 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Các bên thi hành dưới sự giám sát của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
2. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn trả cho nguyên đơn tiền lương trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 03/5/2016 đến hết tháng 01/2018 là 378.000.000 đồng.
3. Án phí lao động sơ thẩm: Công ty L phải chịu án phí không có giá ngạch 300.000 đồng và án phí có giá ngạch 300.000 đồng.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự và quy định về thi hành án.
Ngày 19/10/2018, ông Đặng Thanh V nộp đơn kháng cáo một phần nội dung Bản án sơ thẩm số 306/2018/LĐ-ST ngày 05/10/2018 của Tòa án nhân dân Quận A, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do Tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá và nhận định chứng cứ không khách quan gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện và không rút đơn kháng cáo. Các đương sự không cung cấp thêm chứng cứ nào khác so với các tài liệu, chứng cứ đã nộp và thu thập được trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Nguyên đơn, bị đơn không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Nguyên đơn là ông Đặng Thanh V trình bày: Ông V xác nhận trong quá trình làm việc tại Công ty L, ông có vi phạm nội quy của Công ty là tự ý thay hai ổ khóa có niêm phong của Công ty mà không báo cáo cho Ban giám đốc Công ty biết. Tuy nhiên, Ban giám đốc Công ty không có quyết định kỷ luật lao động đối với ông. Ông V không tự ý nghỉ việc mà ngày 03/5/2016, ông Trần Tuyết D1 - Trưởng phòng nhân sự Công ty thông báo bằng miệng cho ông nghỉ việc mà không ban hành quyết định cho nghỉ việc đối với ông. Ông D1 yêu cầu ông đến Công ty để ban giao chìa khóa, văn bản giấy tờ, bàn làm việc nhưng không lập biên bản. Sau đó, ngày 05/5/2016, ông có đến Công ty làm việc nhưng bảo vệ Công ty không cho ông vào. Ông không báo sự việc này cho Ban giám đốc Công ty cũng như cơ quan lao động tại địa phương vì không hiểu biết pháp luật. Ông cũng không khiếu nại về việc Công ty cho ông nghỉ việc. Tòa cấp sơ thẩm không xem trọng lời khai của người làm chứng, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông là không có căn cứ pháp luật. Ông yêu cầu Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể xác định Công ty L đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông nên Công ty L phải bồi thường cho ông các khoản sau:
- Bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc từ 05/6/2016 đến tháng 01/2018 là 378.000.000 đồng
- Bồi thường tiền Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 47.520.000 đồng;
- Bồi thường tiền bảo hiểm thất nghiệp 32.400.000 đồng và tiền trợ cấp thôi việc 4.500.000 đồng.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn - ông Đinh Quốc T trình bày: Trong quá trình làm việc tại Công ty, ông V đã vi phạm nội quy của Công ty. Tuy nhiên, Công ty không ban hành quyết định kỷ luật lao động đối với ông V. Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông V mà ông V tự ý nghỉ việc từ ngày 03/5/2016. Công ty không đồng ý kháng cáo của ông V, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông V, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở phúc thẩm như sau:
- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong giai đoạn phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Về nội dung vụ án:
Ông V cho rằng ngày 03/5/2016, Công ty L thông báo bằng miệng cho ông nghỉ việc chứ ông không tự ý nghỉ việc. Ông có đến Công ty làm việc nhưng bảo vệ Công ty không cho ông vào làm việc. Tuy nhiên, ông V không có văn bản khiếu nại, chứng cứ thể hiện về việc Công ty không cho vào làm việc nên không có căn cứ xác định Công ty đã đơn phương chấm đứt hợp đồng lao động với ông V. Căn cứ công văn số 1904/BHXH ngày 19/10/2017 của Bảo hiểm xã hội Quận A xác định Công ty L chưa đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho ông V nhưng tại phần quyết định của bản án sơ thẩm, tòa cấp sơ thẩm không tuyên rõ số tiền cụ thể đối với nguyên đơn và bị đơn phải nộp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội trong thời gian ông V làm việc tại Công ty từ ngày 01/02/2016 đến ngày 02/5/2016 tại cơ quan có thẩm quyền.
Về phần án phí sơ thẩm Tòa án cấp sơ thẩm tuyên Công ty L phải chịu án phí không có giá ngạch 300.000 đồng là không chính xác.
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm số 306/2018/LĐ-ST ngày 05/10/2018 của Tòa án nhân dân Quận A theo hướng phân tích nêu trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về hình thức: Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn: Đơn kháng cáo của ông Đặng Thanh V trong hạn luật định nên được chấp nhận.
[2]. Về nội dung:
- Xét kháng cáo của ông Đặng Thanh V:
Ông V bắt đầu thử việc tại Công ty L từ ngày 22/12/2015 đến ngày 22/01/2016. Hết thời hạn thử việc, ngày 01/02/2016, ông V và Công ty L ký Hợp đồng lao động số 012/2016/HĐLĐ-HL, thời hạn 24 tháng từ ngày 01/02/2016 đến ngày 31/01/2018. Công việc của ông V là quản lý sản xuất, mức lương theo hợp đồng lao động là 18.000.000 đồng/tháng, lương thực lãnh tùy thuộc vào từng tháng là khoản tiền Công ty thưởng thêm cho người lao động.
Trong quá trình làm việc tại Công ty, vào ngày 27/4/2016, Công ty cử nhân viên đi kiểm tra đột xuất khu sản xuất thì phát hiện hai ổ khóa của thùng thu bóng tại phòng đánh bóng xi mạ bị thay đổi. Khóa thu bóng thuộc phòng đánh bóng hai đầu (con heo - nơi để trử mạt vàng thu được trong quá trình đánh bóng trang sức), được khóa bằng khóa Công ty, trên khóa dán niêm phong bằng tem Công ty, chìa khóa do Ban giám đốc giữ để bảo đảm nhân viên không thể mở ra lấy mạt vàng đã được thay bằng hai ổ khóa khác. Sự việc đã được ông V xác nhận là ông V đã tự ý thay hai ổ khóa khác mà không thông báo cho Ban giám đốc Công ty biết. Công ty đã họp xem xét kỷ luật đối với vi phạm của ông V. Tuy nhiên, Công ty chưa có hành vi hay ban hành văn bản nào về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông V. Ông V xác định ngày 03/5/2016, ông Trần Tuyết D1 - Trưởng phòng nhân sự Công ty thông báo bằng miệng là Công ty cho ông V nghỉ việc và yêu cầu ông V phải bàn giao công việc trong ngày 03/5/2016. Việc này cũng đã được ông D1 xác nhận.
Tuy nhiên, lời trình bày của ông V và ông D1 không được người đại diện theo pháp luật của Công ty thừa nhận. Ông D1 ngoài bản chụp (photo) tin nhắn về việc ông D1 báo cáo kết quả xử lý vụ việc, ông D1 không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh cho việc Ban giám đốc Công ty đã chỉ đạo cho ông D1 thông báo cho ông V nghỉ việc, không có sự phản hồi của lãnh đạo Công ty đối với báo cáo của ông D1.
Ông V xác định Công ty chấm công bằng máy quét vân tay do Công ty quản lý và xác định ngày 03/5/2016, theo yêu cầu của ông D1, ông V có đến Công ty để bàn giao chìa khóa, văn bản giấy tờ và bàn làm việc, việc giao nhận không lập văn bản. Sau đó, đến ngày 05/5/2016, ông V có đến Công ty làm việc nhưng bảo vệ Công ty không cho ông vào. Căn cứ bảng chấm công mà Công ty L cung cấp thể hiện từ ngày 03/5/2016 ông V không đến Công ty làm việc. Ông V cho rằng ngày 05/5/2016 ông có đến Công ty làm việc nhưng bảo vệ Công ty không cho ông vào, tuy nhiên ông V không chứng minh được ngày 03/5/2016 ông có mặt tại Công ty để bàn giao công việc và ông cũng không có bất kỳ thông báo sự việc đến cơ quan quản lý lao động tại địa phương về việc bảo vệ Công ty không cho ông vào làm việc cũng như thông báo, khiếu nại Ban giám đốc Công ty về việc này. Công ty không ban hành văn bản nào về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông V. Ngày 13/5/2016 (10 ngày sau khi ông V không đến Công ty làm việc), ông V đã nhận đủ lương đến ngày 02/5/2016 và không thắc mắc, khiếu nại gì về số tiền lương đã được thanh toán. Do đó, Tòa cấp sơ thẩm xác định Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông V và không chấp nhận yêu cầu bồi thường của ông V do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là có căn cứ.
Căn cứ Công văn số 1904/BHXH ngày 19/10/2017 của Bảo hiểm xã hội Quận A thì trong thời gian ông V làm việc tại Công ty L từ ngày 01/02/2016 đến ngày 02/5/2016, Công ty chưa đăng ký tham gia và đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc cho ông V theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty L (người sử dụng lao động) có nghĩa vụ phải đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của luật bảo hiểm xã hội cho ông V trong thời gian ông V làm việc tại Công ty L từ ngày 01/02/2016 đến ngày 02/5/2016 tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội có thẩm quyền là đúng pháp luật. Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm không xác định mức lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội và không buộc ông V (người lao động) cũng phải có nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của luật bảo hiểm xã hội là thiếu sót. Do đó, Hội đồng xét xử sửa phần này của bản án sơ thẩm.
- Về án phí lao động sơ thẩm:
Ông V khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và yêu cầu thanh toán tiềm bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án thì ông V thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí và án phí. Tòa sơ thẩm thông báo ông V phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 300.000 đồng là không đúng quy định pháp luật. Ông V thuộc trường hợp không phải chịu án phí lao động sơ thẩm nhưng tòa sơ thẩm trong phần quyết định không tuyên trả lại cho ông V số tiền tạm ứng án phí lao động sơ thẩm mà ông V đã nộp là thiếu sót.
Công ty L chỉ phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 300.000 đồng đối với khoản tiền nghỉ phép năm phải trả cho ông V. Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm buộc Công ty L phải trả cả án phí không có giá ngạch 300.000 đồng là không có căn cứ.
Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa phần án phí sơ thẩm như đã phân tích nêu trên.
[3] Về án phí lao động phúc thẩm: Ông V không phải chịu án phí lao động phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của ông Đặng Thanh V và sửa một phần bản án sơ thẩm.
Xét đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sửa một phần bản án sơ thẩm là có căn cứ nên chấp nhận
Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng nghị, kháng cáo nên có hiệu lực thi hành.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 32; điểm b khoản 1 Điều 38; Điều 147; Điều 148; Điều 273; Điều 293; Điều 296; khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 41 Bộ luật lao động năm 2012;
Căn cứ các Điều 18; Điều 91; Điều 92 Luật bảo hiểm xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự 2008.
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Đặng Thanh V. Sửa một phần Bản án lao động sơ thẩm số 306/2018/LĐ-ST ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn:
- Công ty L có nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội cho ông Đặng Thanh V trong thời gian ông V làm việc tại Công ty L từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 đến ngày 02 tháng 5 năm 2016 tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội có thẩm quyền; mức lương làm cơ sở đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc cho ông V là 18.000.000 đồng/1 tháng.
- Ông Đặng Thanh V có nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội trong thời gian ông V làm việc tại Công ty L từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 đến ngày 02 tháng 5 năm 2016 tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội có thẩm quyền; mức lương làm cơ sở đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc là 18.000.000 đồng/1 tháng.
- Công ty L có nghĩa vụ trả số tiền phép năm còn thiếu cho ông Đặng Thanh V là 3.461.540 (Ba triệu bốn trăm sáu mươi mốt nghìn năm trăm bốn mươi) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Đặng Thanh V về việc buộc Công ty L bồi thường cho ông V tiền lương trong những ngày không được làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tính từ ngày 03 tháng 5 năm 2016 đến hết tháng 01 năm 2018.
3. Về án phí:
- Án phí lao động sơ thẩm: Ông Đặng Thanh V không phải chịu án phí lao động sơ thẩm. Hoàn lại cho ông Đặng Thanh V số tiền tạm ứng án phí lao động sơ thẩm đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0019166 ngày 01 tháng 3 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty L phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng.
- Án phí lao động phúc thẩm: Ông Đặng Thanh V không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.
Việc thi hành án được thực hiện tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 291/2019/LĐ-PT ngày 11/04/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 291/2019/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 11/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về