TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 232/2019/DS-PT NGÀY 14/11/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 14 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa công khai xét xử vụ án dân sự thụ lý số 133/TBPT-TA ngày 05/3/2019 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, do bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DS-ST ngày 07/5/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1456/2019/QĐ-PT ngày 20/10/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1934; trú tại: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; ông C vắng mặt.
Ông C ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Mộng D, sinh năm 1975, trú tại: Căn hộ 257, chung cư CT4A, khu đô thị V1, xã V2, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; chị D có mặt tại phiên tòa.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Thanh V, sinh năm 1934; trú tại: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; ông V vắng mặt.
Ông V ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Mỹ D, sinh năm 1970; trú tại: phố N, tỉnh Khánh Hòa; chị Duyên có mặt tại phiên tòa.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh V là Luật sư Bùi Văn N (Văn phòng luật sư B - Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa); Luật sư N có mặt tại phiên tòa.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ông Nguyễn Thành N, sinh năm 1941; trú tại: thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; ông N có mặt.
3.2. Ông Nguyễn Thành B, sinh năm 1945; trú tại: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; ông B có mặt.
3.3. Ông Nguyễn Thành T, chết ngày 23/5/2011.
Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông T gồm: Bà Trần Thị H (vợ ông T), chị Nguyễn Thị Mỹ V, anh Nguyễn Thanh Q, đều ủy quyền cho bà H (bà H trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà H vắng mặt tại phiên tòa.
3.4. Cụ Nguyễn Thị M, chết ngày 29/8/2011.
Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà M gồm: bà Nguyễn Thị Tuyết H1, bà Nguyễn Thị Tuyết R, ông Nguyễn Trí D; cùng trú tại: Tổ 8, thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa đều ủy quyền cho ông Võ Văn L (địa chỉ: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa), ông L có mặt tại phiên tòa
3.5. Ông Nguyễn Xuân V, chết ngày 08/6/2018;
3.6. Bà Nguyễn Thị B (vợ ông V);
3.7. Chị Nguyễn Thị Mộng T (con ông V);
3.8. Chị Bà Nguyễn Thị Mộng H2 (con ông V);
3.9. Anh Nguyễn Xuân Đ (con ông V);
3.10. Chị Nguyễn Thị Mộng X (con ông V);
3.11. Chị Nguyễn Thị Mộng Đ (con ông V);
Cùng trú tại: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa.
Bà B, chị T, chị H2, anh Đ, chị X đều ủy quyền cho chị D (địa chỉ: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa), chị D có mặt tại phiên tòa.
3.12. Bà Nguyễn Thị Ngọc H3; trú tại: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Bà H3 ủy quyền cho ông Nguyễn Khánh H (sinh năm 1958; địa chỉ: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa), ông Hòa có mặt.
3.13. Ông Nguyễn Văn Y, vắng mặt;
3.14. Ông Nguyễn Văn H4, vắng mặt;
3.15. Ông Nguyễn Văn L, vắng mặt;
3.16. Ông Nguyễn Văn L1, vắng mặt;
3.17. Ông Nguyễn Văn H5, vắng mặt;
3.18. Ong Nguyên Văn H6, vắng mặt;
3.19. Bà Nguyễn Thị Mỹ A, vắng mặt;
3.20. Bà Nguyễn Thị Mỹ L, vắng mặt;
3.21. Ông Nguyễn Văn C1, vắng mặt;
Cùng trú tại: Canada.
3.22. Ông Nguyễn Văn T1, trú tại USA vắng mặt.
3.23. Ủy ban nhân dân thành phố N, vắng mặt.
4 . Kháng cáo, kháng nghị: Đại diện bị đơn kháng cáo; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện đề ngày 09/10/1996 và trong quá trình tố tụng, phía nguyên đơn (ông Nguyễn Văn C) trình bày:
Vợ chồng cố Nguyễn G (chết năm 1957) và cố Phạm Thị K (chết năm 1962) đều không để lại di chúc; hai cụ có 05 người con gồm:
1. Cụ Nguyễn A chết năm 1968, có hai vợ: (i). Vợ thứ nhất là cụ Diệp Thị B, chết năm 1963, có 03 người con là ông Nguyễn Thanh V, ông Nguyễn Thành N và ông Nguyễn Thành B; (ii). Vợ thứ hai là cụ Nguyễn Thị T, chết năm 2006, có 01 con là bà Nguyễn Thị Ngọc H3.
2. Cụ Nguyễn K chết năm 1958, có vợ là cụ Nguyễn Thị Đ, đã chết, có 02 người con là ông Nguyễn Văn C và ông Nguyễn Văn K (ông K chết năm 1988, có vợ là bà Nguyễn Thị B và 07 con là chị Nguyễn Thị Mộng T, chị Nguyễn Thị Mộng H2, anh Nguyễn Xuân Đ, chị Nguyễn Thị Mộng X, anh Nguyễn Xuân V, chị Nguyễn Thị Mộng Đ và chị Nguyễn Thị Mộng D).
3. Cụ Nguyễn T4 chết năm 1981, có 02 vợ: (i). Vợ thứ nhất, không rõ tên đã chết từ lâu, có 03 người con là ông Nguyễn Văn Y, ông Nguyễn Văn H4 và ông Nguyễn Văn T1; (ii). Vợ thứ hai là cụ Đặng Thị Mỹ N (chết năm 2006, có 07 người con là ông Nguyễn Văn L, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn H5, ông Nguyễn Văn H6, bà Nguyễn Thị Mỹ A, bà Nguyễn Thị Mỹ L và ông Nguyễn Văn C1).
4. Cụ Nguyễn Thị T có chồng là liệt sĩ; hai cụ đều đã chết, không rõ năm; vợ chồng cụ T có 01 con là ông Nguyễn Thành T, chết ngày 23/5/2007, ông T có vợ là bà Trần Thị H và 02 người con là chị Nguyễn Thị Mỹ V và anh Nguyễn Thanh Q.
5. Cụ Nguyễn Thị M chết ngày 29/8/2011, có 03 con là bà Nguyễn Thị Tuyết H1, bà Nguyễn Thị Tuyết R và ông Nguyễn Trí D.
Theo nguyên đơn thì vợ chồng cố Nguyễn G, cố Phạm Thị K tạo lập để lại những tài sản sau: (1). Căn nhà từ đường cổ 03 gian, 01 tầng, mái ngói cùng diện tích 1.043,81m2 đất còn lại sau khi Nhà nước mở rộng Đường 23 tháng 10, thuộc thửa đất số 550, 551, tại thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi cố G, cố K chết, khối di sản này do cụ Diệp Thị B là vợ cụ Nguyễn A (cụ A đi tập kết), cùng cụ Nguyễn Thị M và cụ Nguyễn Thị T quản lý, sử dụng. Hiện nay, phần lớn diện tích nhà đất này do gia đình ông Nguyễn Thanh V quản lý, sử dụng; một phần do ông Nguyễn Thành N con cụ Nguyễn Thị T (cụ T chết không rõ năm) quản lý, sử dụng; một phần do các con cụ Nguyễn Thị M (cụ M chết ngày 29/8/2011) quản lý, sử dụng; (2). Lô đất màu dùng làm nghĩa địa có diện tích l.384 m2 thuộc thửa số 439, 440 cũng tại thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa hiện gia đình ông Nguyễn Thanh V quản lý toàn bộ. Năm 1993, ông Nguyễn Thanh V tự ý kê khai và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng toàn bộ các thửa đất trên; năm 1996, Nhà nước giải tỏa làm đường một phần đất thuộc thửa 550 và 551 thì cả ông Nguyễn Thanh V và cụ Nguyễn Thị M đều được đền bù. Nay phía nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế di sản của cố G, cố K đối với nhà từ đường cổ 03 gian, 01 tầng, mái ngói cùng diện tích 1.043,81m2 đất thuộc thửa 550, 551; không yêu cầu chia tiền Nhà nước đền bù khi thu hồi đất làm đường và không yêu cầu chia đất nghĩa địa.
- Phía bị đơn là gia đình ông Nguyễn Thanh V trình bày không thống nhất trước sau, cụ thể:
Biên bản lấy lời khai ngày 03/12/1996 (bút lục 44, 45) ông V khai vợ chồng cố G, cố K chết để lại 01 nhà từ đường gồm nhà trên và nhà dưới xây mái ngói diện tích khoảng 9m x 8m, 01 sân xi măng, 02 cái giếng, 02 cây dừa; quá trình ở, nhà có được sửa sang chút ít; toàn bộ tài sản trên nằm trên cái vườn diện tích khoảng l.000m2; cố G và cố K chết không để lại di chúc, nhà từ đường giao cho cụ Nguyễn A (cha ông V) quản lý, sử dụng, cụ A đi tập kết giao lại ông V quản lý, sử dụng; khi Nhà nước giải tỏa Đường 23/10, ông V có cất nhà không giấy phép, không thông qua anh em, “Ý tôi là vẫn để cho tôi duy trì giữ gìn từ đường của ông bà để lại theo phong tục cổ truyền. Nếu ông C yêu cầu chia di sản thừa kế thì tùy Tòa án giải quyết theo luật pháp, tôi chỉ yêu cầu xem xét đến công lao giữ gìn từ đường mấy chục năm nay…”.
Biên bản lấy lời khai ngày 31/05/1997 (bút lục 46), ông V lại khai “Từ trước đến nay, tôi lớn lên ở đây, nghe ba má nói là của ông bà nội tức ông G và bà K để lại, nhưng nay theo sổ bộ địa phương thấy đứng tên là của ông T nên tôi nói đất của ông T, còn nhà từ đường của ai cất tôi không biết…Năm 1972, ông T gọi vợ chồng tôi từ Cam Ranh về và làm giấy tờ giao nhà đất cho tôi, giấy này hiện nay đã bị thất lạc”.
Bản tự khai ngày 09/02/2007, biên bản hòa giải ngày 07/6/2007 (bl 51, 196) ông V lại khai “Lô đất mà ông C đang trach chấp với tôi là lô đất của chú ruột tôi Nguyễn T4 (đã qua đời 1981) để lại cho tôi để ở và thờ cúng ông bà” nên không đồng ý chia di sản thừa kế theo yêu cầu của ông C.
Phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất ngày 30/01/2008 (bút lục 238 đến 248), ông V khai từ khi ông V sinh ra ở cùng cha mẹ và thấy ông bà nội cũng ở đây cho đến ngày ông bà nội chết. Lúc đầu, ông V nghĩ nhà đất của ông bà nội, nhưng khi biết giấy tờ đất đứng tên ông T thì ông V xác định nhà của ông bà nội, đất của ông T; nếu Tòa án có căn cứ chứng minh nhà đất ông đang quản lý là di sản của ông bà nội ông để lại thì ông V đồng ý chia di sản thừa kế theo pháp luật. Quá trình Tòa án giải quyết tiếp theo, ông V và người đại diện theo ủy quyền của ông V (chị Nguyễn Thị Mỹ D là con gái của ông V) lại khai (bl 947, 603) năm 1963, ông T đã đứng tên kê khai là đất “công thổ trường gia” tức là đất của nhà nước, còn nhà thì ông V không rõ ai làm; cố G và cố K có được thừa kế đất của tổ tiên nhưng ở chỗ khác, đã bị nhà nước thu hồi cấp lại cho người nông dân là ông Nguyễn N và ông Lê Văn C; ông V được cụ T giao cho quản lý nhà đất này từ năm 1972, có giấy giao nhà đất nhưng đã thất lạc; còn đất màu đã được hợp tác xã chia theo nhân khẩu cho gia đình ông V theo tiêu chuẩn. Hiện ông V đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993 đối với cả hai lô đất nên ông V không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn; nếu phải chia thừa kế thì phần của gia đình bà N giao cho ông thì ông nhận, sau đó, ông sẽ giải quyết với họ sau. Đến lần giải quyết sơ thẩm lại hiện nay, chị Duyên (đại diện theo ủy quyền của ông V) xác định lại lời khai của bị đơn là toàn bộ nhà, đất giáp Đường 23 tháng 10 là tài sản của cụ Nguyễn T4; cụ T được chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấp đất gọi là đất công thổ trường gia (đất của chế độ cũ cấp cho người không có đất). Sau đó, cụ T đã xây nhà cho cha mẹ là cố G cố K và cả gia đình cố G cố K ở, Năm 1972, cụ T cho ông V toàn bộ nhà đất nên nhà đất này là của ông V. Năm 1993, ông V đã kê khai đất và được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy, nhà đất tranh chấp là của ông V nên ông V không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế; các lời khai trước đây của phía bị đơn trái với lời khai này đều không có giá trị.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Thị M (chết ngày 29/8/2011) khi còn sống: (i). tại Biên bản lấy lời khai ngày 07/12/1996 (bút lục 74) cụ M trình bày nguồn gốc tài sản tranh chấp là của cha mẹ Cụ là vợ chồng cố G, cố K tạo lập, chết để lại “Khi cha mẹ tôi còn sống vào khoảng năm 1940 cha mẹ có cho tôi một mảnh đất vườn diẹn tích 160m2 tôi vẫn giữ và sử dụng cho đén nay hiện tôi đã làm nhà diện tích khoảng 75m2 nhà ngói tường xây nền tráng xi măng. Sau khi giải tỏa làm lại nhà này, đất cha mẹ tôi cho hiện giải tỏa làm đường chỉ còn đủ diện tích nhà tôi xây 75m2. Ngoài phần đất cha mẹ tôi cho còn lại khoảng 75m2 tôi đã xây nhà ở thì tôi không còn tài sản gì của cha mẹ để lại cả”; (ii). tại Biên bản lấy lời khai ngày 09/02/2007 (bút lục 75) cụ M trình bày “So với bản khai mà trước đây tôi đã khai báo với Tòa, thực chất đến nay cũng chẳng có gì thay đổi…Nhưng hiện tại diện tích nhà tôi chỉ còn 48m2 lý do quy hoạch, giải tỏa để làm giao thông lần 2 năm 2003…”; (iii). tại Đơn xác minh nguồn gốc di sản ngày 17/9/2007 (bl 82) cụ M viết “Ba năm sau khi cha tôi Nguyễn G chết, năm 1962 anh tôi Nguyễn T4 mới đứng tên kê khai sở hữu di sản cho mãi đến hôm nay có một lý giải hợp tình nhất, tích cực nhất đó là do thời cuộc vì từ năm 1927 gia đình chúng tôi, anh tôi Nguyễn A đã tham gia kháng chiến là Đảng viên (xem quyển lịch sử Đảng tỉnh Khánh Hòa, quyển 1 trang 46 có tên Nguyễn A) chị ruột tôi Nguyễn Thị T (em ruột Nguyễn A) là vợ liệt sỹ từ thời 1945 đến 1950. Vì là gia đình cách mạng nên bị chế độ Ngô Đình Diệm luôn theo dõi dòm ngó, chỉ có anh tôi là Nguyễn T4 làm sĩ quan cảnh sát cho chế độ Diệm nên ông T đã âm thầm đứng tên di sản thay mọi người để tránh cho di sản khỏi bị xâm hại. Trường hợp ông T đứng tên di sản năm 1962 cũng giống như trường hợp ông Nguyễn Thanh V đứng tên sổ đỏ năm 1992 vậy…”; (iv). Tại phiên tòa sơ thẩm do Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở ngày 30/01/2008 thì ông Võ Văn L là đại diện theo ủy quyền của cụ M đề nghị Tòa án nhập chung phần nhà đất của cụ M được cha mẹ chia cho trước đây và hiện cụ M đang sử dụng vào di sản của vợ chồng cố G, cố K để chia thừa kế; cụ M xin nhận thừa kế bằng hiện vật chung phần hiện vật chia cho ông T là con cụ Nguyễn Thị T (bl 242).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thành N trình bày:
Tài sản tranh chấp là di sản của ông bà nội của Ông (là vợ chồng cố G, cố K). Năm 1996, khi ông C mới khởi kiện, ông V đã thừa nhận trước Tòa án là di sản của cố G và cố K nhưng nay ông V vì lợi ích cá nhân lại phủ nhận cội nguồn thiêng liêng của ông bà mà cho rằng tài sản của cụ T, trong khi cụ T từ khi có gia đình không hề ở trên nhà đất của cha mẹ. Việc cụ Nguyễn T4 đứng ra kê khai đất vào năm 1963 là do hoàn cảnh lúc bấy giờ cụ Nguyễn K là cha của ông N đã chết năm 1958, cụ Nguyễn A đi theo cách mạng bị địch bắt, trốn trại tập kết ra Miền Bắc, còn cụ T là cảnh sát chế độ Diệm nên kê khai để giữ đất cho gia đình; ngay bản thân vợ con cụ Nguyễn T4 (những lời khai ban đầu) cũng thừa nhận là di sản của vợ chồng cố G, cố K. Từ năm 1996, khi ông C bắt đầu khởi kiện ra Tòa án tranh chấp thừa kế thì ông V đã phá bỏ tài sản do cố G, cố K xây dựng như nhà dưới, lấp giếng nước, năm 2003 ông V xây dựng cơi nới, năm 2005 thay mái ngói âm dương nhà từ đường cũ bằng ngói xi măng, lót nền gạch men nay ông N hoàn toàn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông C. Ông N tiếp quản nhà đất từ cụ Diệp Thị B và có xây dựng thêm nhà ở như hiện nay nên đề nghị được tiếp tục quản lý sử dụng phần nhà đất này.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông Nguyễn Thành B, ông Võ Văn L (đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Tuyết H1, bà Nguyễn Thị Tuyết R và ông Nguyễn Trí D) ông Nguyễn Khánh H (đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Ngọc H3) đều thống nhất với trình bày và yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn Văn C và ông Nguyễn Thành N. Ông Nguyễn Khánh H còn trình bày nếu ông V cho rằng cụ Nguyễn T4 được chính quyền chế độ cũ cấp đất thì xuất trình được quyết định cấp đất nhưng ông V không cung cấp được nên phải xác định cụ Nguyễn T4 chỉ đại diện cho gia đình đứng ra kê khai để giữ nhà đất trong hoàn cảnh lịch sử và gia đình lúc bấy giờ.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị H trình bày: Toàn bộ nhà đất là di sản của vợ chồng cố G, cố K tạo lập để lại. Ngay sau khi cha chồng của bà H là liệt sỹ Nguyễn Văn B (chồng cụ Nguyễn Thị T) nguyên bí thư huyện ủy huyện K hy sinh ngày 10/5/1948 thì cụ T và chồng bà H từ xã L, huyện N về N sinh sống với vợ chồng cố G, cố K trên diện tích đất hiện nay tranh chấp. Khi chồng bà H là ông Nguyễn Thành T đi tập kết, cụ T vẫn ở lại với vợ chồng cố G, cố K, cụ T chết năm 1985. Theo bà H thì chưa bao giờ bà H nghe ai nói nhà đất hiện ông V đang ở là của ai khác ngoài của vợ chồng cố G, cố K; ông V chỉ là cháu đích tôn nên theo truyền thống người Việt Nam, ông V được ở để trông coi từ đường.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ và các con của cụ Nguyễn T4 (cụ Đặng Thị Mỹ N, ông Nguyễn Văn Y, ông Nguyễn Văn H4, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn L, ông Nguyễn Văn L1, ông Nguyễn Văn H5, ông Nguyễn Văn H6, bà Nguyễn Thị Mỹ A, bà Nguyễn Thị Mỹ L, ông Nguyễn Văn C1) thì trình bày trước sau có sự mâu thuẫn, cụ thể: (i). Đơn đề ngày 07/4/1997 (bút lục 106, 108) cụ N trình bày “ông Nguyễn G chết năm 1957 và bà Phạm Thị K chết năm 1962 đều không để lại di chúc nhưng có giao quyền thừa hưởng nhà từ đường và đất đai của nhà từ đường cho con thứ là ông Nguyễn T4 vì lúc này ấy ông Nguyễn A và ông Nguyễn K đã chết và thời gian sau này ông Nguyễn T4 có làm giấy ủy quyền giao lại nhà từ đường và đất đai cho ông Nguyễn Thanh V là con trai trưởng nam của ông Nguyễn A và là cháu nội đích tôn của ông Nguyễn G để quản lý và phụng thờ tổ tiên ông bà sau này” ; (ii). Đơn đề ngày 01/10/2016 gửi về từ Canada (bl 622) các con của vợ chồng cụ Nguyễn T4, cụ N lại cho rằng đất tranh chấp do cha của họ (là cụ Nguyễn T4) được chế độ cũ cấp từ trước năm 1945 loại đất trường gia và cụ T đã xây dựng nhà ở từ đó nên không đồng ý chia thừa kế nhà đất này.
- Tại văn bản số 571/UBND-VP ngày 24/01/2018, Ủy ban nhân dân thành phố N trình bày: Hiện nay, kho lưu trữ của Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa chi nhánh N không tìm thấy hồ sơ gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 08580 QSDĐ/1847-NT ngày 31/7/1993 do Ủy ban nhân dân thành phố N cấp cho ông Nguyễn Thanh V đối với thửa đất 550, 439 và 440 tờ bản đồ 3a xã V và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 06012 QSDĐ/981/NT ngày 09/6/1992 do Ủy ban nhân dân thành phố N cấp cho bà Nguyễn Thị M đối với thửa đất 551 tờ bản đồ 3a xã V. Do không còn hồ sơ lưu trữ nên Ủy ban nhân dân thành phố N không có cơ sở trả lời Tòa án về việc cấp các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên đúng hay sai. Hiện hồ sơ lưu trữ chỉ còn lưu danh sách các tổ chức cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất trên.
Tóm tắt kết quả giải quyết vụ án của Tòa án các cấp:
1. Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2008/DS-ST ngày 31/01/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định nhà cổ 03 gian và đất tại thửa 550, 551 và đất nghĩa địa, đất màu tại thửa 439, 440 tờ bản đồ số 3a Bản đồ địa chính xã V, thành phố N đều là di sản của vợ chồng cố G, cố K và chia thừa kế theo pháp luật cho 05 người con của cố G và cố K. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn ông Nguyễn Thanh V kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
2. Bản án dân sự phúc thẩm số 08/2008/DS-PT ngày 29/10/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng sửa bản án sơ thẩm, chỉ chia thừa kế theo pháp luật di sản của cố G, cố K là nhà cổ 03 gian và đất tại thửa 550, 551 và tính công sức trông coi, quản lý di sản cho ông V là 200.000.000đồng mà không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế đất nghĩa địa, đất màu tại thửa 439, 440 tờ bản đồ số 3a bản đồ địa chính xã V, thành phố N. Bị đơn ông Nguyễn Thanh V khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm bản án phúc thẩm.
3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 586/2010/DS- KN ngày 30/7/2010 kháng nghị bản án phúc thẩm, đề nghị xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại.
4. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 44/2013/DS-ST ngày 22/5/2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 08/2008/DS-PT ngày 29/10/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, giao hồ sơ cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại với nhận định: “(i). Về nhà từ đường và thửa đất 550, 551 tờ bản đồ 3a bản đồ địa chính xã V, thành phố N: Tất cả các đương sự và lời khai ban đầu của ông V đều xác định đây là tài sản của cụ Nguyễn G và cụ Phạm Thị K tạo lập. Ông V không có chứng cứ chứng minh đất tranh chấp do ông T tạo lập vì chính vợ ông T là bà N và các con ông T đều thừa nhận đây là tài sản của cụ G và cụ K để lại. Việc ông T đứng ra kê khai đất năm 1963 là phù hợp vì tại thời điểm đó cụ G chết (năm 1957), cụ K chết (năm 1962), con trai là ông K1 (chết năm 1958), con trai Nguyễn A đi tập kết, chỉ còn lại ông T là con trai. Mặc dù ông T kê khai đất nhưng trên đất vẫn còn nhà của cụ G và cụ K, 02 con gái của cụ G và cụ K là bà M và bà T vẫn có nhà và sinh sống tại khu đất này; không có tài liệu lưu trữ xác định cụ G, cụ K có di chúc để lại tài sản cho ông T. Ông V ở từ năm 1975 và có kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1993 nhưng cũng không có giấy tờ cụ G và cụ K cho riêng được ở; (ii). Về đất nghĩa địa, đất màu thuộc thửa 439 và 440 tờ bản đồ 3a bản đồ địa chính xã V, thành phố N: Các đương sự xác định có nguồn gốc là của cụ G và cụ K nhưng đây là đất nông nghiệp, ông V đã trực tiếp quản lý, canh tác từ năm 1975 đến nay và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1993 nên không còn là di sản của ông G và bà K; (iii). Tòa án cấp phúc thẩm tính công sức quản lý di sản cho ông V 200.000.000 đồng là không thỏa đáng, cần tính ít nhất là 1/2 kỷ phần thừa kế” 5. Bản án dân sự phúc thẩm số 31/2014/DSPT ngày 31/3/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng sửa bản án dân sự sơ thẩm số 03/2008/DS-ST ngày 31/01/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cụ thể: Chỉ chia thừa kế theo pháp luật di sản của cố G và cố K là nhà cổ 03 gian và đất tại thửa 550, 551 và tính công sức trông coi, quản lý di sản cho ông V là 1/2 giá trị kỷ phần thừa kế; không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế đất nghĩa địa, đất màu tại thửa 439, 440 tờ bản đồ số 3a bản đồ địa chính xã V, thành phố N. Bị đơn ông Nguyễn Thanh V khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm bản án phúc thẩm.
6. Tại Quyết định số 360/2014/DS-KN ngày 26/9/2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 31/2014/DSPT ngày 31/3/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2008/DS-ST ngày 31/01/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại.
7. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 24/2015/DS-ST ngày 15/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 31/2014/DSPT ngày 31/3/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2008/DS-ST ngày 31/01/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:“Thửa đất 183 tờ bản đồ số 2 diện tích 1.300m2 (nay là thửa 550, 551 diện tích 1.043m2) do ông T đúng tên tại “Sổ bộ ruộng đất” và kèm theo sổ bộ là tờ bản đồ số 02 năm 1960 thể hiện là đất công thổ trường gia - đất công do chính quyền chế độ cũ cấp cho các hộ gia đình không có đất ở. Quá trình giải quyết vụ án, tuy ban đầu, ông V thừa nhận nhà đất tranh chấp là của ông G và bà K nhưng sau đó, ông thay đổi lời khai cho rằng nhà đất là của ông T, khoảng năm 1975, vợ chồng ông T giao cho ông và ông quản lý, sử dụng liên tục đến nay. Trong khi đó, tuy ban đầu bà N (vợ ông T) và các con của ông T và bà N xác nhận nhà đất là của cụ G và cụ K nhưng sau đó lại xác nhận nhà đất là của vợ chồng ông T bà N và năm 1975 hai người giao cho ông V để thờ cúng, không được sang bán, cầm cố, thế chấp, phân chia làm của riêng. Mặt khác, theo lời khai của bị đơn ông V và xác nhận của ông Lê Văn C (trưởng thôn P, xã V, thành phố N) thì trước kia cụ G và cụ K có nhà đất ở chỗ khác, sau khi ông T được cấp đất thì cụ G và cụ K dỡ nhà và chuyển đến ở trên đất ông T được cấp, đất của cụ G cụ K được đưa vào hợp tác xã và sau đó cấp cho ông Nguyễn N và ông Lê Văn C; đất của cụ G cụ K trước đây thuộc các thửa 28, 29, 30, 41, 42 tờ bản đồ số 02 năm 1960 thôn P, xã V, thành phố N. Do đó, có cơ sở xác định nhà đất tranh chấp là của ông T được chính quyền cũ cấp theo diện công thổ trường gia. Ông T đã quản lý, sử dụng đất từ năm 1960, 1962 cho đến năm 1975 thì vợ chồng ông T giao cho ông V nhà đất để thờ cúng, không được bán, cầm cố, thế chấp, phân chia làm của riêng. Đối với nhà từ đường theo bà N và các con bà N và ông T thì gia đình ông T đã giao cho ông V quản lý, thờ phụng tổ tiên không được sang bán, phân chia làm của riêng nên cần xác định đây là nhà thờ chung của dòng họ, không phải tài sản của ông V”.
Quá trình Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa thụ lý giải quyết sơ thẩm lại vụ án thì nguyên đơn rút yêu cầu chia thừa kế đối với lô đất màu và đất nghĩa địa có diện tích 1.384 m2 thuộc thửa số 439 và 440 tại thôn P, xã V, thành phố N, chỉ yêu cầu chia thừa kế nhà cổ 03 gian và thửa đất 550, 551 tờ bản đồ 3a bản đồ xã P, tọa lạc tại thôn P, xã V, N. Nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa đều xác định việc kiện tranh chấp thừa kế là vì danh dự của dòng họ, không vì mục đích chia tài sản, do đó nếu bị đơn thừa nhận là đất của ông bà nội dùng vào việc thờ cúng chung thì họ sẽ rút đơn tranh chấp, bị đơn được tiếp tục sử dụng, quản lý nhà đất dùng vào việc thờ cúng chung. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà cho rằng toàn bộ nhà, đất tranh chấp là tài sản của bị đơn (ông V).
- Tại bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DS-ST ngày 07/5/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định:
Áp dụng khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 633, 634, 635, 674, 675, 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Đình chỉ xét xử đối với một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế lô đất màu và đất nghĩa địa có diện tích 1.384m2 thuộc thửa số 439 và 440 tờ bản đồ 3a bản đồ xã V, thành phố N, tọa lạc tại thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế tài sản của cụ Nguyễn G và cụ Phạm Thị K là 01 ngôi nhà cổ xưa 03 gian, 01 tầng, mái lợp ngói, kết cấu đế mái bằng gỗ, tường xây gạch 200, trụ gạch, tường quét vôi, nền lát gạch men, cửa gỗ, diện tích 93,08m2 (một phần của nhà có ký hiệu 1’ theo sơ đồ mặt bằng hiện trạng nhà kèm theo bản án) và lô đất có diện tích 1.043,81m2 (trong đó diện tích lưu không: 234,17m2; diện tích còn lại: 809,64m2) trích đo từ thửa số 550 + 551 (trích toàn phần) tờ bản đồ số 3a thuộc bộ bản đồ địa chính xã V, thành phố N, tọa lạc tại thôn P, xã V, thành phố N.
2.1. Chia hiện vật như sau:
2.1.1. Ông Nguyễn Thanh V được quyền sử dụng đất phần đất có diện tích 512,49m2, trong đó, đất ở đô thị là 100m2, còn lại là đất trồng cây lâu năm, diện tích đất lưu không là 46,03m2 (Ký hiệu 01 trên trích đo địa chính thửa đất kèm theo) thuộc thửa số 550 + 551 tờ bản đồ số 3a thuộc bộ bản đồ địa chính xã V, thành phố N và quyền sở hữu 01 ngôi nhà cố xưa 03 gian, 01 tầng, mái lợp ngói, kết cấu đế mái bằng gỗ, tường xây gạch 200, trụ gạch, tường quét vôi, nền lát gạch men, cửa gỗ, diện tích 93,08m2 (một phần của nhà có ký hiệu 1’ theo sơ đồ mặt bằng hiện trạng nhà kèm theo bản án) nằm trên lô đất ký hiệu 01 trên.
2.1.2. Ông Nguyễn Văn C và các ông bà Nguyễn Thị B, Nguyễn Xuân V, Nguyễn Thị Mộng T, Nguyễn Thị Mộng H2, Nguyễn Xuân Đ, Nguyễn Thị Mộng X, Nguyễn Thị Mộng Đ và Nguyễn Thị Mộng D được quyền sử dụng chung theo phần 02 lô đất thuộc thửa số 550 + 551 tờ bản đồ số 3a thuộc bộ bản đồ địa chính xã V, thành phố N (Ký hiệu số 02 và số 06 trên trích đo địa chính thửa đất kèm thẹo bản án), cụ thể:
- Lô đất ký hiệu 02 có diện tích 92,87m2, trong đó đất ở là 50m2, đất trồng cây lâu năm là 42,87m2;
- Lô đất ký hiệu 06 có diện tích 114m2, là đất trồng cây lâu năm, trong đó, điện tích đất quy hoạch giao thông là 26m2.
Các ông, bà Nguyễn Văn C, Nguyễn Xuân V, Nguyễn Thị B, Nguyễn Thị Mộng T, Nguyễn Thị Mộng H2, Nguyễn Xuân Đ, Nguyễn Thị Mộng X, Nguyễn Thị Mộng Đ và Nguyễn Thị Mộng D được quyền sở hữu chung theo phần 01 căn nhà 01 tầng, tường gạch, nền xi măng, mái tôn, không trần, cửa gỗ - sắt, tường quét vôi, có diện tích 65,226m2 (ký hiệu 1 theo sơ đồ mặt bằng hiện trạng nhà kèm theo bản án) nằm trên lô đất ký hiệu 02 trên và có trách nhiệm thanh toán giá trị căn nhà trên là 80.501.113đ cho gia đình ông V nhưng được trừ vào 30.051.920đ đã thanh toán vào ngày 10/4/2009; như vậy, các ông, bà trên chỉ còn phải thanh toán 50.449.193đ.
Phần quyền tài sản của ông Nguyễn Văn C trong khối tài sản chung là 1/2 tài sản chung; phần quyền tài sản của các ông, bà Nguyễn Xuân V, Nguyễn Thị B, Nguyễn Thị Mộng T, Nguyễn Thị Mộng H2, Nguyễn Xuân Đ, Nguyễn Thị Mộng X và Nguyễn Thị Mộng Đ, mỗi người là 1/16 tài sản chung.
2.1.3. Ông Nguyễn Thành N được quyền sử dụng lô đất diện tích 85,35m2, trong đó, diện tích quy hoạch giao thông là 85,35m2 thuộc thửa số 550 + 551 tờ bản đồ số 3a thuộc bản đồ địa chính xã V, thành phố N (ký hiệu 05 trên trích đo địa chính thửa đất kèm theo bản án).
2.1.4. Các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R, Nguyễn Trí D, Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q được quyền sử dụng chung 02 lô đất thuộc thửa 550 + 551 tờ bản đồ số 3a thuộc bộ bản đồ địa chính xã V, thành phố N (ký hiệu số 03 và số 04 trên trích đo địa chính thửa đất kèm theo bản án), cụ thể:
- Lô đất ký hiệu số 03 có diện tích 196,41m2, là đất trồng cây lâu năm, trong đó, diện tích quy hoạch giao thông là 34,10m2;
- Lô đất ký hiệu 04 có diện tích 42,69m2, quy hoạch giao thông toàn bộ 42,69m2.
Phần quyền tài sản của mỗi người trong khối tài sản chung là 1/6 tài sản chung.
2.2. Nghĩa vụ thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế:
2.2.1. Ông Nguyễn Thanh V phải thanh toán như sau:
- Thanh toán cho các ông, bà Nguyên Văn Y, Nguyễn Văn H4, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn H5, Nguyễn Văn H6, Nguyễn Thị Mỹ A, Nguyễn Thị Mỹ L và Nguyễn Văn C1 tổng cộng 2.402.682.860đ, mỗi người là 240.268.286đ.
- Thanh toán cho ông Nguyễn Thành N 260.384.782đ;
- Thanh toán cho ông Nguyễn Thành B 480:536.572đ;
- Thanh toán cho bà Nguyễn Thị Ngọc H3 961.073.144đ.
- Thanh toán cho các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R, Nguyễn Trí D, Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q tổng cộng 1.678.310.420đ, cụ thể, thanh toán cho mỗi người là 279.718.403đ.
2.2.2. Ông Nguyễn Văn C và các ông, bà Nguyễn Thị B, Nguyễn Xuân V, Nguyễn Thị Mộng T, Nguyễn Thị Mộng H2, Nguyễn Xuân Đ, Nguyễn Thị Mộng X, Nguyễn Thị Mộng Đ và Nguyễn Thị Mộng D phải thanh toán cho các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R, Nguyễn Trí D, Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q tổng cộng 538.400.335đ, cụ thể, thanh toán cho mỗi người là 89.733.389đ.
3. Nghĩa vụ thanh toán chi phí tố tụng: Các đương sự phải thanh toán chi phí tố tụng cho ông Nguyễn Văn C như sau:
- Các ông Nguyễn Thành N và Nguyễn Thành B, mỗi người phải thanh toán 236.028đ.
- Bà Nguyễn Thị Ngọc H3 phải thanh toán 472.056đ.
- Ông Nguyễn Thanh V phải thanh toán 826.098đ.
- Các ông, bà Nguyễn Thị B, Nguyễn Xuân V, Nguyễn Thị Mộng T, Nguyễn Thị Mộng H2, Nguyễn Xuân Đ, Nguyễn Thị Mộng X, Nguyễn Thị Mộng Đ và Nguyễn Thị Mộng D phải thanh toán 590.070đ.
- Các ông, bà Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn H4, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn H5, Nguyễn Văn H6, Nguyễn Thị Mỹ A, Nguyễn Thị Mỹ L và Nguyễn Văn C1 phải thanh toán 1.180.141đ.
Phần nghĩa vụ của các ông, bà Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn H4, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn H5, Nguyễn Văn H6, Nguyễn Thị Mỹ A, Nguyễn Thị Mỹ L và Nguyễn Văn C1 do ông Nguyễn Thanh V thực hiện và được trừ vào khoản tiền ông V phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho những người này.
- Các ông, bà Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q phải thanh toán 1.180.141đ.
- Các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R và Nguyễn Trí D phải thanh toán 1.180.141đ.
4. Án phí dân sự sơ thẩm:
- Ông Nguyễn Thành N phải chịu 23.221.462đ án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào 2.829.090đ án phí ông đã nộp theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032006 ngày 19/2/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa (nay là Cục Thi hành án dân sự tình Khánh Hòa). Như vậy, ông N chỉ còn phải nộp 20.392.372đ.
- Ông Nguyễn Thành B phải chịu 23.221.462đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 5.658.180đ án phí ông đã nộp theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032015 ngày 26/2/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, ông B chỉ còn phải nộp 17.563.282đ.
- Ông Nguyễn Thanh V phải chịu 62.456.340đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 30.051.920đ án phí ông đã nộp theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032050 ngày 10/4/2009 và 50.000đ (chuyển từ phiếu thu số 620 ngày 27/2/2008) theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032026 ngày 11/3/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, ông V chỉ còn phải nộp 32.354.420đ.
- Bà Nguyễn Thị Ngọc H3 phải chịu 40.832.194đ án phí dân sự sơ thẩm.
- Ông Nguyễn Văn C phải chịu 48.040.242đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 6.872.725đ án phí Ông đã nộp theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032008 ngày 19/02/2009 và 200.000đ (chuyển từ phiếu thu số 483 ngày 29/10/1996) theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032025 ngày 11/3/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, ông C chỉ còn phải nộp 40.967.517đ.
- Các ông, bà Nguyễn Thị B, Nguyễn Xuân V, Nguyễn Thị Mộng T, Nguyễn Thị Mộng H2, Nguyễn Xuân Đ, Nguyễn Thị Mộng X, Nguyễn Thị Mộng Đ và Nguyễn Thị Mộng D phải chịu 48.040.242đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 7.072.725đ án phí các ông, bà trên đã nộp theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032007 ngày 19/02/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, các ông, bà trên chỉ còn phải nộp 40.976.517đ.
- Các ông, bà Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn H4, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn H5, Nguyễn Văn H6, Nguyễn Thị Mỹ A, Nguyễn Thị Mỹ L và Nguyễn Văn C1 phải chịu 80.053.657đ án phí dân sự sơ thẩm. Phần án phí của các ông, bà do ông Nguyễn Thanh V nộp và được trừ vào khoan tiền ông V nộp và được trừ vào khoản tiền ông V phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho họ.
- Các ông, bà Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q phải chịu 80.053.657đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 14.145.45l đ án phí ông Nguyễn Thành T đã nộp theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 023009 ngày 20/02/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, các ông, bà trên chỉ còn phải nộp 65.908.206đ.
- Các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R và Nguyễn Trí D phải chịu 80.053.657đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 14.145.45lđ án phí bà Nguyễn Thị M đã nộp theo biên lai thu tiền án phí, lệ phí số 032014 ngày 25/02/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, các ông, bà trên chỉ còn phải nộp 65.908.206đ.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án và bản án có hiệu lực thi hành, nếu người phải thi hành án không thi hành án thì còn phải trả lãi theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điêu 30 Luật Thi hành án dân sự.
- Ngày 14/5/2018, Tòa án tỉnh Khánh Hòa nhận được Đơn kháng cáo của bị đơn là ông Nguyễn Thanh V và người đại diện theo ủy quyền của ông V là chị Nguyễn Thị Mỹ D, cho rằng: (i). Tòa án tỉnh Khánh Hòa nhận định “bị đơn không cung cấp được quyết định cấp đất thì thời điểm sớm nhất cụ T cấp đất và xây dựng nhà ở (nếu có) là tháng 10/1955, khi chế độ Việt Nam cộng hòa được thành lập ở Miền Nam Việt Nam” là nhận định suy diễn không có căn cứ vì chính sách cấp đất của chế độ cũ không bắt buộc phải có quyết định cấp đất mà chỉ cần khai báo với chính quyền, vào sổ đăng ký hoặc thông qua Lý trưởng; (ii). Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhìn vào ảnh đám cưới mà xác định “chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể xác định được xây từ rất lâu trước năm 1955” là nhận định suy diễn không có căn cứ, cảm tính; (iii). Tòa án cấp sơ thẩm dùng Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (1930-2005) và Lịch sử đấu tranh cách mạng Đảng bộ và nhân dân xã V (1930- 1975) làm chứng cứ khi giải quyết vụ án là không đúng; như vậy, căn cứ các chứng cứ trên, Tòa án tỉnh Khánh Hòa xác định nhà đất tranh chấp là của cố G, cố K là không đúng nên đề nghị cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, theo hướng bác yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Tại Quyết định số 606/QĐKNPT-DS ngày 21/5/2018, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Phía nguyên đơn và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm;
- Phía bị đơn giữ nguyên kháng cáo.
- Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:
+ Về tố tụng: thì Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;
+ Về nội dung: Thừa ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tại phiên tòa rút Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 606/QĐKNPT-DS ngày 21/5/2018 của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đối với bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DS-ST ngày 07/5/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa; về kháng cáo của phía bị đơn thì đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận mà giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DS-ST ngày 07/5/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
- Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ việc hỏi và tranh luận; căn cứ ý kiến của những người tham gia tố tụng và ý kiến của vị đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Vợ chồng cố Nguyễn G, cố Phạm Thị K có 5 người con, hiện nay các con, cháu của vợ chồng cố G, cố K ở cả 5 chi đều xác định và thừa nhận nhà từ đường 03 gian cũ và thửa đất số 550, 551 tại thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa hiện do gia đình ông Nguyễn Thanh V quản lý, sử dụng là tài sản do vợ chồng cố G, cố K tạo lập nên yêu cầu chia thừa kế di sản của hai cố theo pháp luật. Ông Nguyễn Thanh V tại Biên bản lấy lời khai ngày 03/12/1996 (bl 44, 45) ông V cũng trình bày vợ chồng cố G, cố K tạo lập được 01 nhà từ đường gồm nhà trên, nhà dưới, giếng nước diện tích vườn khoảng l.000m2, hai cố chết không để lại di chúc nhưng có giao nhà từ đường cho cụ Nguyễn A (cha ông V) quản lý, sử dụng, cha ông V đi tập kết giao lại ông V quản lý, sử dụng “Ý tôi là vẫn để cho tôi duy trì giữ gìn từ đường của ông bà để lại theo phong tục cổ truyền. Nếu ông C yêu cầu chia di sản thừa kế thì tùy Tòa án giải quyết theo luật pháp, tôi chỉ yêu cầu xem xét đến công lao giữ gìn từ đường mấy chục năm nay…”; như vậy, ông V cũng thừa nhận nhà đất hiện gia đình ông đang sử dụng có tranh chấp do vợ chồng cố G, cố K tạo lập để lại nhưng sau đó ông V thay đổi, cho rằng “Từ trước đến nay, tôi lớn lên ở đây, nghe ba má nói là của ông bà nội tức ông G và bà K để lại, nhưng nay theo sổ bộ địa phương thấy đứng tên là của ông T nên tôi nói đất của ông T, còn nhà từ đường của ai cất tôi không biết” (bl 46). Xét, mặc dù ngày 31/7/1993, ông V đã được UBND thành phố N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 08580 QSDĐ/1847-NT công nhận có quyền sử dụng thửa đất số 550 tờ bản đồ 3a, diện tích 1.225m2 đất thổ cư nhưng tại Biên bản họp của bà con để ghi nhận giải quyết cho đất nhà từ đường ngày 10/10/1995 có sự tham gia, ký tên của cụ Nguyễn Thị M, ông V, ông C, ông N và ông B thì ông V vẫn thừa nhận đất của ông bà để lại, ông V chỉ là cháu đích tôn có trách nhiệm trông coi, quản lý và các thành viên trong gia đình đang bàn bạc về việc sử dụng nhà đất này (bl 07A).
[2]. Cụ Đặng Thị Mỹ N (vợ cụ Nguyễn T4) tại Văn bản đầu tiên ngày 07/4/1997 gửi từ Canada về (bút lục 106, 108) khai“ông Nguyễn G chết năm 1957 và bà Phạm Thị K chết năm 1962 đều không để lại di chúc nhưng có giao quyền thừa hưởng nhà từ đường và đất đai của nhà từ đường cho con thứ là ông Nguyễn T4 vì lúc này ấy ông Nguyễn A và ông Nguyễn K đã chết và thời gian sau này ông Nguyễn T4 có làm giấy ủy quyền giao lại nhà từ đường và đất đai cho ông Nguyễn Thanh V là con trai trưởng nam của ông Nguyễn A và là cháu nội đích tôn của ông Nguyễn G để quản lý và phụng thờ tổ tiên ông bà sau này”. Xét, cụ N (là người có quyền sở hữu, sử dụng phần lớn nhà đất tranh chấp nếu nhà đất tranh chấp do cụ Nguyễn T4 tạo lập do được chế độ cũ cấp “đất công thổ trường gia” thì cụ N được hưởng phần lớn tài sản vì là vợ cụ T) đã thừa nhận nhà đất tranh chấp do cố G, cố K tạo lập trước khi chết “có giao quyền thừa hưởng nhà từ đường và đất đai của nhà từ đường cho con thứ là ông Nguyễn T4 vì lúc này ấy ông Nguyễn A và ông Nguyễn K đã chết” (sau khi cụ N chết thì các con cụ T, cụ N có Văn bản đề ngày 01/10/2016 gửi từ Canada về cho rằng nhà đất tranh chấp do chế độ cũ giao cho cha họ là cụ Nguyễn T4 từ trước năm 1945 - bl 674, 692).
[3]. Cụ Nguyễn Thị M là một trong 5 người con của vợ chồng cố G, cố K còn sống khi xảy ra vụ kiện thì trước sau cụ M đều xác định nhà đất tranh chấp do cha mẹ tạo lập “khoảng năm 1940 cha mẹ có cho tôi một mảnh đất vườn diện tích 160m2 tôi vẫn giữ và sử dụng cho đến nay…Ba năm sau khi cha tôi Nguyễn G chết, năm 1962 anh tôi Nguyễn T4 mới đứng tên kê khai sở hữu di sản cho mãi đến hôm nay có một lý giải hợp tình nhất, tích cực nhất đó là do thời cuộc vì từ năm 1927 gia đình chúng tôi, anh tôi Nguyễn A đã tham gia kháng chiến là Đảng viên (xem quyển lịch sử Đảng tỉnh Khánh Hòa, quyển 1 trang 46 có tên Nguyễn A) chị ruột tôi Nguyễn Thị T (em ruột Nguyễn A) là vợ liệt sỹ từ thời 1945 đến 1950. Vì là gia đình cách mạng nên bị chế độ Ngô Đình Diệm luôn theo dõi dòm ngó, chỉ có anh tôi là Nguyễn T4 làm sĩ quan cảnh sát cho chế độ Diệm nên ông T đã âm thầm đứng tên di sản thay mọi người để tránh cho di sản khỏi bị xâm hại. Trường hợp ông T đứng tên di sản năm 1962 cũng giống như trường hợp ông Nguyễn Thanh V đứng tên sổ đỏ năm 1992 vậy” (bl 74, 75, 82).
[4]. Ông V không cung cấp được quyết định cấp “đất công thổ trường gia” đất của chế độ Việt Nam Cộng hòa cho cụ Nguyễn T4 mà trình bày chế độ Việt Nam Cộng hòa cấp đất cho cụ T trước năm 1960, nhưng trình bày này của ông V mâu thuẫn với cung cấp của Ủy ban nhân dân xã V cho Tòa án nhân dân tối cao ngày 04/8/2014 rằng“đất công thổ trường gia” là đất công, đất của làng cấp cho các đối tượng không có đất vào khoảng năm 1960 -1962, mâu thuẫn với trình bày của cụ N (vợ cụ T) là cố Nguyễn G “chết năm 1957 và bà Phạm Thị K chết năm 1962 đều không để lại di chúc nhưng có giao quyền thừa hưởng nhà từ đường và đất đai của nhà từ đường cho con thứ là ông Nguyễn T4 vì lúc này ấy ông Nguyễn A và ông Nguyễn K đã chết” (bl 106, 108). Chế độ Việt Nam Cộng hòa thành lập ở miền Nam Việt Nam tháng 10/1955 nên nếu có việc cụ T được chế độ Việt Nam Cộng hòa giao đất như trình bày của ông V thì đất này phải được giao sau tháng 10/1955 cũng là mâu thuẫn với trình bày của cụ M xác định nhà đất tranh chấp do cha mẹ tạo lập “khoảng năm 1940 cha mẹ có cho tôi một mảnh đất vườn diện tích 160m2 tôi vẫn giữ và sử dụng cho đến nay…Ba năm sau khi cha tôi Nguyễn G chết, năm 1962 anh tôi Nguyễn T4 mới đứng tên kê khai sở hữu di sản…” (bl 74, 75, 82).
[5]. Lời khai của ông V cho rằng đất tranh chấp cụ Nguyễn T4 được chế Việt Nam Cộng hòa cấp, sau đó cụ T làm nhà đón cha mẹ về ở cùng, còn đất cố G cố K được “bà nội Nho” di chúc để lại nằm rất sâu bên trong đường lộ, lối đi chỉ là bờ ruộng và ông Nguyễn A ở với cha mẹ, không có nhà đất riêng nào khác tại thôn P, xã V là mâu thuẫn với ghi chép tại trang 21 quyển Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã V 1930 – 2005 (bl 602, 603) là cụ Nguyễn A (TA) là chủ nghiệp đoàn xe mã (xe ngựa) ở thôn P, vào năm 1939 đã tổ chức biểu tình không cho Pháp lấy xe vì nghiệp đoàn xe ngựa chỉ có thể mở ở phần đất giáp đường lớn là nơi thuận tiện giao thương mà hiện nguyên đơn đang tranh chấp với ông V. Lời khai của người làm chứng-ông Lê Thành Hổ “Tôi sinh năm 1933, cách đất tranh chấp khoảng 1-2km. Năm 1944 tôi đi học tại trường Nam N (nay là trường Nguyễn Văn Trỗi) khi đi học tôi thường đi ngang nhà tranh chấp, nhà này người ta nói là nhà ông TA do ông TA là chủ xe ngựa lớn ở khu này, tôi thấy ông TA sống cùng cha mẹ (tôi không biết tên) và các con ông TA. Cha tôi và ông TA cùng hoạt động cách mạng nên có biết nhau. Ông TA làm chủ tịch xã P, cha tôi làm chủ tịch xã T, hai xã gần nhau, vào năm 1947 trước năm 1954 ông TA bị bắt và đày đi côn đảo đến năm 1954 thì được trao trả ra Bắc” (bl 770) cũng phù hợp với lời khai ban đầu của ông V tại Biên bản lấy lời khai ngày 03/12/1996 (bl 44, 45) là cố G, cố K tạo lập được 01 nhà từ đường gồm nhà trên, nhà dưới, giếng nước diện tích vườn khoảng l.000m2, hai cố chết không để lại di chúc nhưng có giao nhà từ đường cho cụ Nguyễn A (cha ông V) quản lý, sử dụng.
[6]. Về nhận định tại Quyết định giám đốc thẩm 24/2015/DS-ST ngày 15/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là “Mặt khác, theo lời khai của bị đơn ông V và xác nhận của ông Lê Văn C (trưởng thôn P, xã V, thành phố N) thì trước kia cụ G và cụ K có nhà đất ở chỗ khác, sau khi ông T được cấp đất thì cụ G và cụ K dỡ nhà và chuyển đến ở trên đất ông T được cấp, đất của cụ G cụ K được đưa vào hợp tác xã và sau đó cấp cho ông Nguyễn N và ông Lê Văn C; đất của cụ G cụ K trước đây thuộc các thửa 28, 29, 30, 41, 42 tờ bản đồ số 02 năm 1960 thôn P, xã V, thành phố N”, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
[6.1]. Theo trình bày của ông V thì cụ T được chế độ Việt Nam Cộng hòa giao đất trước năm 1960 (nếu có thì phải sau tháng 10/1955 khi chế độ Việt Nam Cộng hòa thành lập) nên ông Lê Văn C sinh năm 1952 không thể biết và không đủ khả năng ghi nhớ sự kiện trước năm 1955 cố G, cố K đã có nhà đất ở chỗ khác, sau khi cụ T được cấp đất thì cố G cố K dỡ nhà và chuyển đến ở cùng cụ T nên lời khai của ông Chưng tại Biên bản xác minh do Tòa án nhân dân tối cao lập ngày 04/8/2014 không có cơ sở để tin tưởng. Hơn nữa, sau này tại Biên bản lấy lời khai ngày 21/12/2017 ông Chưng khai “Lời trình bày của tôi tại biên bản xác minh ngày 04/8/2014 là những gì tôi biết chẳng qua là do tôi nghe người ta nói, tôi có trình bày với cán bộ Tòa án là tôi không biết gì về nguồn gốc đất đai của gia đình này nhưng cán bộ cứ nói tôi biết gì nói nấy. Nay tôi xác định là tất cả những lời khai của tôi tại biên bản trên là không chính xác; tôi xin rút lại lời khai đó. Nhà tôi với nhà đất ông C, ông V đang tranh chấp cách nhau vào trăm m, cùng thôn nên từ khi tôi hiểu biết được thì tôi thấy trong nhà đó có ông V, ông N, bà Chín, bà M, bà Chín và bà M bán quán. Tôi không thấy, không biết ông Nguyễn T4 là ai, tôi sinh năm 1952 khi đó còn nhỏ nên cũng không biết cố G, cố K là ai” (bl 771).
[6.2]. Ông V cho rằng nhà đất của cố G và cố K được “bà nội Nho” lập di chúc cho nằm ở vị trí khác, là phần đất phần đất màu, nghĩa địa thuộc thửa 439, 440 và phần đất thổ sau này ông V đã phá làm ruộng, rồi đưa vào hợp tác xã và hợp tác xã cấp lại cho ông Nguyễn N, ông Lê Văn C. Tuy nhiên, ông Nguyễn N, sinh năm 1947 khai “Nhà đất của cha mẹ tôi được ông bà cố chia cho gần sát với phần đất của ông bà cố để lại cho ông Nguyễn G. Trên đám đất mấy sào của ông G có một gò đất cao hơn, tôi nghe cha mẹ tôi nói đấy là cái nền nhà của ông cố bà cố. Từ khi tôi sinh ra gia đình ông G đã không ở đó, cũng không thấy ngôi nhà nào hết ngoài cái nhà mà gia đình ông G ở ngôi nhà gần đường 23/10 mà hiện nay ông V đang ở và có tranh chấp” (bl 665). Như vậy, đất của cha mẹ ông Nạy được ông bà cố cho khác với đất cố Nguyễn G được ông bà cố chia cho và từ khi nhận biết được thì ông Nạy (sinh năm 1947) đã không thấy cụ G ở trên đất cha mẹ chia cho mà ông Nạy đã thấy cố G sống tại nhà đất hiện nay ông V đang quản lý, sử dụng có tranh chấp.
Như vậy, người làm chứng là ông Lê Văn C và ông Nguyễn N cũng không xác nhận vợ chồng cố G dỡ nhà được cha mẹ chia cho ở sâu trong xóm để ra ngoài đường lớn ở cùng cụ Nguyễn T4 như trình bày của ông V; hơn nữa, nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm là một người có thể có nhiều nhà đất nên nhà đất cố G được di chúc năm 1924 nằm ở chỗ khác không có nghĩa là nhà đất tranh chấp không phải do cố G, cố K tạo lập là phù hợp.
[7]. Xét, các giấy tờ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng thửa đất 183 tờ bản đồ số 2 năm 1960 diện tích 0,13ha (nay là thửa đất số 550 và 551 tờ bản đồ 3a Bản đồ xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa) như: (i). Một cuốn Sổ đã cũ (không ghi tên sổ), tạm gọi là Sổ bộ ruộng đất, kèm theo tờ Bản đồ số 02 thôn P, xã V do chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập ngày 20/3/1960 (bút lục 21, 22) ghi cụ Nguyễn T4 đứng tên kê khai thửa đất 183 và xác nhận của Chủ tịch UBND xã V ngày 21/4/1997 là “Theo hồ sơ của chính quyền cũ để lại đất ông V đang ở thuộc lô 182 tờ bản đồ số 2 do ông Nguyễn T4 đứng tên đất công thổ trường gia được chính quyền cũ cấp” (bl 15) ; (ii). Sổ đăng ký ruộng đất lập tại xã V ngày 05/11/1985 (bl 27) ghi cụ Nguyễn Thị M đăng ký kê khai thửa 197 tờ số 03, diện tích 164m2 và Sổ đăng ký ruộng đất lập tại xã V ngày 04/6/1992 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A294586 do UBND thành phố N cấp ngày 09/6/1992 (bl 26, 32) ghi cụ Nguyễn Thị M đăng ký và được cấp quyền sử dụng thửa đất số 551 tờ bản đồ 3a, diện tích 165m2, trong đó 105m2 đất thổ cư và 60m2 lưu không; (iii). Sổ mục kê ruộng đất lập tại xã V năm 1992 (bl 29a) ghi ông Nguyễn Thanh V đăng ký kê khai thửa đất 550 tờ bản đồ 3a, diện tích 1.225m2 đất thổ cư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 08580 QSDĐ/1847-NT do UBND thành phố N cấp ngày 31/7/1993 ghi ông V có quyền sử dụng thửa đất 550, đều đã được Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa thu thập lưu vào hồ sơ vụ án trước khi xét xử sơ thẩm lần thứ nhất vào ngày 31/01/2008; (iv). Còn lời khai của các con, cháu của vợ chồng cố G, cố K ở cả 5 chi và cả ông V ở những lời khai ban đầu cũng đều xác định, thừa nhận đất và 03 gian nhà từ đường cũ hiện có tranh chấp là do vợ chồng cố G, cố K tạo lập, nhưng 02 lần Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại thì nhận định trong Quyết định giám đốc thẩm số 24/2015/DS-ST ngày 15/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lại trái với nhận định tại Quyết định giám đốc thẩm số 44/2013/DS-ST ngày 22/5/2013 cũng của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên lần xét xử phúc thẩm này Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét, giải quyết vụ án trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, theo đúng quy định của pháp luật.
[8]. Từ các tài liệu, chứng cứ được dẫn chứng, phân tích tại luận điểm [2] đến [6] nêu trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy rằng các con, cháu của vợ chồng cố G, cố K ở cả 5 chi và cả ông V ở những lời khai ban đầu đều xác định, thừa nhận đất và nhà từ đường cũ hiện tranh chấp là do vợ chồng cố G, cố K tạo lập; có đủ cơ sở xác định nhà đất này cố G, cố K tạo lập trước năm 1940 vì năm 1940 hai cố đã chia cho cụ M một phần đất vườn và cụ M làm nhà sử dung đến nay, còn lý do cụ Nguyễn T4 đứng tên kê khai tại Sổ bộ ruộng đất, kèm tờ Bản đồ số 02 thôn P, xã V do chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập ngày 20/3/1960 đã được cụ M (con cố G, cố K và là em ruột cụ T) khai rõ “vì là gia đình cách mạng nên bị chế độ Ngô Đình Diệm luôn theo dõi dòm ngó, chỉ có anh tôi là Nguyễn T4 làm sĩ quan cảnh sát cho chế độ Diệm nên ông T đã âm thầm đứng tên di sản thay mọi người để tránh cho di sản khỏi bị xâm hại”; Lời khai của người làm chứng (ông Lê Thành Hổ sinh năm 1933) rằng đất tranh chấp là nơi cụ Nguyễn A mở Nghiệp đoàn xe ngựa từ trước năm 1944 phù hợp với Sổ ghi chép về Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã V 1930 – 2005 và cũng phù hợp với lời khai ban đầu của ông V thừa nhận nhà đất do Giản, cố K tạo lập, hai cố chết giao cho cụ Nguyễn A (cha ông V) quản lý, sử dụng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận lời trình bày thay đổi sau này của ông V cũng như của vợ con cụ Nguyễn T4 cho rằng nhà đất tranh chấp do cụ Nguyễn T4 tạo lập trên đất “công thổ trường gia” mà chế độ cũ cấp cho cụ Nguyễn T4, mà xác định nhà từ đường cổ 3 gian và diện tích đất còn lại tại thửa số 550 + 551, tờ bản đồ số 3a, thôn P, xã V, thành phố N là di sản do cố Nguyễn G, Phạm Thị K tạo lập để lại, từ đó chia thừa kế theo pháp luật là có cơ sở, đúng pháp luật.
[9]. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng di sản thừa kế của vợ chồng cố G, cố K; xác định đúng diện và hàng thừa kế; sau khi thẩm định, định giá đã chia hiện vật, thanh toán giá trị kỷ phần và tính công sức bảo quản cho ông V tương đương ½ kỷ phần thừa kế là có cơ sở, đúng pháp luật và các đương sự không kháng cáo về việc phân chia của Tòa án cấp sơ thẩm (bị đơn chỉ kháng cáo không đồng ý chia thừa kế vì cho rằng không phải di sản thừa kế do cố G, cố K tạo lập). Đối với Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 606/QĐKNPT-DS ngày 21/5/2018 của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đối với bản án sơ thẩm thì tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thừa ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng rút Quyết định kháng ngị phúc thẩm này.
[10]. Vụ án đã trải qua nhiều vòng tố tụng, khi Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa giải quyết, xét xử sơ thẩm ngày 07/5/2018 thì đa số các đương sự trong vụ án là người cao tuổi nhưng chưa có đơn xin miễn giảm án phí hợp pháp gửi cho Tòa án, do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa buộc các đương sự phải chịu án phí sơ thẩm và khấu trừ với số tiền tạm ứng án phí các đương sự đã nộp là đúng pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự nộp Đơn và đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm miễn, giảm án phí dân sự sơ thẩm nhưng Hội đồng xét xử thấy rằng Đơn chưa có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đa số các đương sự xin miễn, giảm án phí vắng mặt nên đã giải thích để các đương sự làm lại đơn xin xác nhận gửi sớm nhất đến Tòa án cấp phúc thẩm để có cơ sở xét miễn, giảm án phí sơ thẩm cho các đương sự là người cao tuổi theo đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã nhận được đơn xin miễn, giảm án phí của đương sự có xác nhận của chính quyền địa phương nên căn cứ quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn,giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Luật người cao tuổi xét miễn phần án phí sơ thẩm mà các đương sự là người cao tuổi đã có đơn xin miễn, giảm án phí hợp pháp còn phải nộp. Về án phí phúc thẩm, bị đơn kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí kháng cáo 300.000 đồng, trừ vào số tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
I/ Áp dụng khoản 1 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 giữ nguyên quyết định tại Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DS-ST ngày 07/5/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cụ thể như sau:
Áp dụng khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 633, 634, 635, 674, 675, 676 Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật người cao tuổi và điểm đ Khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Đình chỉ xét xử đối với một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế lô đất màu và đất nghĩa địa có diện tích 1.384m2 thuộc thửa số 439 và 440 tờ bản đồ 3a bản đồ xã V, thành phố N, tọa lạc tại thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế tài sản của cố Nguyễn G và cố Phạm Thị K là 01 ngôi nhà cổ xưa 03 gian, 01 tầng, mái lợp ngói, kết cấu đế mái bằng gỗ, tường xây gạch 200, trụ gạch, tường quét vôi, nền lát gạch men, cửa gỗ, diện tích 93,08m2 (một phần của nhà có ký hiệu 1’ theo sơ đồ mặt bằng hiện trạng nhà kèm theo bản án) và lô đất có diện tích 1.043,81m2 (trong đó diện tích lưu không: 234,17m2; diện tích còn lại: 809,64m2) trích đo từ thửa số 550 + 551 (trích toàn phần) tờ bản đồ số 3a thuộc bộ bản đồ địa chính xã V, thành phố N, tọa lạc tại thôn P, xã V, thành phố N.
2.1. Chia hiện vật như sau:
2.1.1. Ông Nguyễn Thanh V được quyền sử dụng đất phần đất có diện tích 512,49m2, trong đó, đất ở đô thị là 100m2, còn lại là đất trồng cây lâu năm, diện tích đất lưu không là 46,03m2 (Ký hiệu 01 trên trích đo địa chính thửa đất kèm theo) thuộc thửa số 550 + 551 tờ bản đồ số 3a thuộc bộ bản đồ địa chính xã V, thành phố N và quyền sở hữu 01 ngôi nhà cố xưa 03 gian, 01 tầng, mái lợp ngói, kết cấu đế mái bằng gỗ, tường xây gạch 200, trụ gạch, tường quét vôi, nền lát gạch men, cửa gỗ, diện tích 93,08m2 (một phần của nhà có ký hiệu 1’ theo sơ đồ mặt bằng hiện trạng nhà kèm theo bản án) nằm trên lô đất ký hiệu 01 trên.
2.1.2. Ông Nguyễn Văn C và bà Nguyễn Thị B, anh Nguyễn Xuân V, chị Nguyễn Thị Mộng T, chị Nguyễn Thị Mộng H2, anh Nguyễn Xuân Đ, chị Nguyễn Thị Mộng X, chị Nguyễn Thị Mộng Đ và chị Nguyễn Thị Mộng D được quyền sử dụng chung theo phần 02 lô đất thuộc thửa số 550 + 551 tờ bản đồ số 3a thuộc bộ bản đồ địa chính xã V, thành phố N (Ký hiệu số 02 và số 06 trên trích đo địa chính thửa đất kèm thẹo bản án), cụ thể:
- Lô đất ký hiệu 02 có diện tích 92,87m2, trong đó đất ở là 50m2, đất trồng cây lâu năm là 42,87m2;
- Lô đất ký hiệu 06 có diện tích 114m2, là đất trồng cây lâu năm, trong đó, điện tích đất quy hoạch giao thông là 26m2.
Ông Nguyễn Văn C, bà Nguyễn Thị B, anh Nguyễn Xuân V, chị Nguyễn Thị Mộng T, chị Nguyễn Thị Mộng H2, anh Nguyễn Xuân Đ, chị Nguyễn Thị Mộng X, chị Nguyễn Thị Mộng Đ và chị Nguyễn Thị Mộng D được quyền sở hữu chung theo phần 01 căn nhà 01 tầng, tường gạch, nền xi măng, mái tôn, không trần, cửa gỗ - sắt, tường quét vôi, có diện tích 65,226m2 (ký hiệu 1 theo sơ đồ mặt bằng hiện trạng nhà kèm theo bản án) nằm trên lô đất ký hiệu 02 trên và có trách nhiệm thanh toán giá trị căn nhà trên là 80.501.113đ cho gia đình ông V nhưng được trừ vào 30.051.920đ đã thanh toán vào ngày 10/4/2009; như vậy, ông C, Bà B và các anh chị trên chỉ còn phải thanh toán cho ông V số tiền 50.449.193đ.
Phần quyền tài sản của ông Nguyễn Văn C trong khối tài sản chung là 1/2 tài sản chung; phần quyền tài sản của bà Nguyễn Thị B, anh Nguyễn Xuân V, chị Nguyễn Thị Mộng T, chị Nguyễn Thị Mộng H2, anh Nguyễn Xuân Đ, chị Nguyễn Thị Mộng X và chị Nguyễn Thị Mộng Đ, mỗi người là 1/16 tài sản chung.
2.1.3. Ông Nguyễn Thành N được quyền sử dụng lô đất diện tích 85,35m2, trong đó, diện tích quy hoạch giao thông là 85,35m2 thuộc thửa số 550 + 551 tờ bản đồ số 3a thuộc bản đồ địa chính xã V, thành phố N (ký hiệu 05 trên trích đo địa chính thửa đất kèm theo bản án).
2.1.4. Các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R, Nguyễn Trí D, Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q được quyền sử dụng chung 02 lô đất thuộc thửa 550 + 551 tờ bản đồ số 3a thuộc bộ bản đồ địa chính xã V, thành phố N (ký hiệu số 03 và số 04 trên trích đo địa chính thửa đất kèm theo bản án), cụ thể:
- Lô đất ký hiệu số 03 có diện tích 196,41m2, là đất trồng cây lâu năm, trong đó, diện tích quy hoạch giao thông là 34,10m2;
- Lô đất ký hiệu 04 có diện tích 42,69m2, quy hoạch giao thông toàn bộ 42,69m2.
Phần quyền tài sản của mỗi người trong khối tài sản chung là 1/6 tài sản chung.
2.2. Nghĩa vụ thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế:
2.2.1. Ông Nguyễn Thanh V phải thanh toán như sau:
- Thanh toán cho các ông, bà Nguyên Văn Y, Nguyễn Văn H4, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn H5, Nguyễn Văn H6, Nguyễn Thị Mỹ A, Nguyễn Thị Mỹ L và Nguyễn Văn C1 tổng cộng 2.402.682.860đ, mỗi người là 240.268.286đ.
- Thanh toán cho ông Nguyễn Thành N 260.384.782đ;
- Thanh toán cho ông Nguyễn Thành B 480:536.572đ;
- Thanh toán cho bà Nguyễn Thị Ngọc H3 961.073.144đ.
- Thanh toán cho các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R, Nguyễn Trí D, Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q tổng cộng 1.678.310.420đ, cụ thể, thanh toán cho mỗi người là 279.718.403đ.
2.2.2. Ông Nguyễn Văn C và bà Nguyễn Thị B, anh Nguyễn Xuân V, chị Nguyễn Thị Mộng T, chị Nguyễn Thị Mộng H2, anh Nguyễn Xuân Đ, chị Nguyễn Thị Mộng X, chị Nguyễn Thị Mộng Đ và chị Nguyễn Thị Mộng D phải thanh toán cho các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R, Nguyễn Trí D, Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q tổng cộng 538.400.335đ, cụ thể, thanh toán cho mỗi người là 89.733.389đ.
3. Nghĩa vụ thanh toán chi phí tố tụng: Các đương sự phải thanh toán chi phí tố tụng cho ông Nguyễn Văn C như sau:
- Các ông Nguyễn Thành N và Nguyễn Thành B, mỗi người phải thanh toán 236.028đ.
- Bà Nguyễn Thị Ngọc H3 phải thanh toán 472.056đ.
- Ông Nguyễn Thanh V phải thanh toán 826.098đ.
- Bà Nguyễn Thị B, anh Nguyễn Xuân V, chị Nguyễn Thị Mộng T, chị Nguyễn Thị Mộng H2, anh Nguyễn Xuân Đ, chị Nguyễn Thị Mộng X, chị Nguyễn Thị Mộng Đ và chị Nguyễn Thị Mộng D phải thanh toán 590.070đ.
- Các ông, bà Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn H4, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn H5, Nguyễn Văn H6, Nguyễn Thị Mỹ A, Nguyễn Thị Mỹ L và Nguyễn Văn C1 phải thanh toán 1.180.141đ.
Phần nghĩa vụ của các ông, bà Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn H4, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn H5, Nguyễn Văn H6, Nguyễn Thị Mỹ A, Nguyễn Thị Mỹ L và Nguyễn Văn C1 do ông Nguyễn Thanh V thực hiện và được trừ vào khoản tiền ông V phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho những người này.
- Các ông, bà Trần Thị H, Nguyễn Thị Mỹ V và Nguyễn Thanh Q phải thanh toán 1.180.141đ.
- Các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R và Nguyễn Trí D phải thanh toán 1.180.141đ.
4. Án phí dân sự sơ thẩm:
- Ông Nguyễn Thành N phải chịu 23.221.462đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền 2.829.090đ tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032006 ngày 19/2/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa (nay là Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa); như vậy, ông N còn phải nộp 20.392.372 đồng nhưng được miễn nộp vì là người cao tuổi và ông N có đơn xin miễn, giảm.
- Ông Nguyễn Thành B phải chịu 23.221.462đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền 5.658.180đ tạm ứng đã nộp theo Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032015 ngày 26/2/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa; như vậy, ông B còn phải nộp 17.563.282đ nhưng được miễn nộp vì là người cao tuổi và ông N có đơn xin miễn, giảm.
- Ông Nguyễn Thanh V phải chịu 62.456.340đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền 30.051.920đ tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032050 ngày 10/4/2009 và 50.000đ (chuyển từ phiếu thu số 620 ngày 27/2/2008) theo Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032026 ngày 11/3/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa; như vậy, ông V còn phải nộp 32.354.420đ nhưng được miễn nộp vì là người cao tuổi và ông V có đơn xin miễn, giảm.
- Bà Nguyễn Thị Ngọc H3 phải chịu 40.832.194đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được miễn nộp vì là người cao tuổi và Bà H3 có đơn xin miễn, giảm.
- Ông Nguyễn Văn C phải chịu 48.040.242đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền 6.872.725đ tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032008 ngày 19/02/2009 và 200.000đ (chuyển từ phiếu thu số 483 ngày 29/10/1996) theo Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032025 ngày 11/3/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa; như vậy, ông C còn phải nộp 40.967.517đ nhưng được miễn nộp vì là người cao tuổi và ông C có đơn xin miễn, giảm.
- Bà Nguyễn Thị B, anh Nguyễn Xuân V, chị Nguyễn Thị Mộng T, chị Nguyễn Thị Mộng H2, anh Nguyễn Xuân Đ, chị Nguyễn Thị Mộng X, chị Nguyễn Thị Mộng Đ và chị Nguyễn Thị Mộng D phải chịu 48.040.242đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền 7.072.725đ tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 032007 ngày 19/02/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa; như vậy, các ông, bà trên còn phải nộp 40.976.517đ nhưng được miễn nộp vì bà Nguyễn Thị B (người thuộc hàng thừa kế được nhận kỷ phần) là người cao tuổi và Bà B có đơn xin miễn, giảm.
- Các ông, bà Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn H4, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Văn H5, Nguyễn Văn H6, Nguyễn Thị Mỹ A, Nguyễn Thị Mỹ L và Nguyễn Văn C1 phải chịu 80.053.657đ án phí dân sự sơ thẩm. Phần án phí của các ông, bà do ông Nguyễn Thanh V nộp và được trừ vào khoản tiền ông V phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho họ.
- Bà Trần Thị H, chị Nguyễn Thị Mỹ V và anh Nguyễn Thanh Q phải chịu 80.053.657đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 14.145.45l đ án phí ông Nguyễn Thành T đã nộp theo biên lai thu tiền phí, lệ phí số 023009 ngày 20/02/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, bà H, chị Vinh, anh Quang còn phải nộp 65.908.206đ nhưng được miễn nộp vì bà H là người cao tuổi và bà H có đơn xin miễn, giảm.
- Các ông, bà Nguyễn Thị Tuyết H1, Nguyễn Thị Tuyết R và Nguyễn Trí D phải chịu 80.053.657đ án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào 14.145.45lđ án phí cụ Nguyễn Thị M đã nộp theo Biên lai thu tiền án phí, lệ phí số 032014 ngày 25/02/2009 của Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa; như vậy, các ông, bà trên còn phải nộp 65.908.206đ nhưng được miễn nộp vì là người cao tuổi và có đơn xin miễn, giảm án phí của bà Nguyễn Thị Tuyết R.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
II/ Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Thanh V phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp (do chị Nguyễn Thị Mỹ D nộp thay) theo Biên lai thu số 0000559 ngày 23/5/2019 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa thì ông V đã thi hành xong khoản tiền này.
Bản án 232/2019/DS-PT ngày 14/11/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 232/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 14/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về