TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 42/2019/DS-PT NGÀY 08/10/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 08 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 27/2019/TLPT-DS ngày 05 tháng 7 năm 2019 về “Tranh chấp thừa kế tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2019/DSST ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 34/2019/QĐPT-DS ngày 16 tháng 8 năm 2019 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 40/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Trần Thị Thúy L, sinh năm: 1969; địa chỉ: tổ 09, thôn P, xã H, huyện H, thành phố Đ; có mặt.
- Bị đơn: Bà Trần Thị Q, sinh năm: 1968; địa chỉ: 133 Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ; Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Thị Thúy L. Sinh năm 1970; địa chỉ: tổ 03, thôn H, xã H, huyện H, thành phố Đ theo văn bản ủy quyền ngày 20/8/2019, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Bà Trần Thị Thúy V, sinh năm: 1968; địa chỉ: 133 Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ; có mặt.
+ Bà Trần Thị Thúy L1, sinh năm: 1971; địa chỉ: tổ 03, thôn H, xã H, huyện H, thành phố Đ; có mặt.
+ Bà Huỳnh Thị T, sinh năm: 1937; địa chỉ: H76/31/Kiệt 6 đường H, phường B,quận H, thành phố Đ; có mặt.
+ Bà Trần Thị T, sinh năm: 1970; địa chỉ: số 33 đường L, tổ 60 phường K, quận C, thành phố Đ; có mặt.
+ Ông Trần Đ, sinh năm: 1977; địa chỉ: H76/31/Kiệt 6 đường H, phường B, quận H, thành phố Đ; có mặt.
+ Bà Trần Thị B, sinh năm: 1974; địa chỉ: Phòng 308, tầng 3, Block CT02, tổ 16 phường H, quận C, thành phố Đ; có mặt.
- Người kháng cáo: Ông Trần Đ, bà Trần Thị T là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Nguyên đơn bà Trần Thị Thúy L trình bày: Ông nội bà tên là Trần N chết năm 2013 và bà nội bà tên là Nguyễn Thị L, chết năm 2016. Ông bà nội bà có 02 người con tên là Trần C, sinh năm 1954 (con ruột), chết năm 2000 và Trần Thị Q, sinh năm 1968 (con nuôi). Ông Trần C kết hôn với bà Lê Thị M (chết năm 1995) sinh được 03 người con là Trần Thị Thúy V, Trần Thị Thúy L và Trần Thị Thúy L1. Ngoài ra, ông nội bà là Trần N có quan hệ với bà Huỳnh Thị T sinh được 03 người con là Trần Thị T, Trần Thị B và Trần Đ. Lúc sinh thời, ông bà nội có tạo lập được tài sản là 01 ngôi nhà có cấu trúc tường xây, mái tôn, nền gạch hoa, sàn lửng đúc có diện tích xây dựng là 57,3m2, diện tích sử dụng là 78,7m2 tọa lạc trên thửa đất có diện tích 77m2, thửa số 291, tờ bản đồ số 07 tại địa chỉ số 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận Cẩm Lệ cấp ngày 02/02/2008 đứng tên ông Trần N và bà Nguyễn Thị L. Nhà và đất hiện nay do bà Trần Thị Q quản lý, sử dụng.
Ông Trần N và bà Nguyễn Thị L chết không để lại di chúc, hiện nay trong gia đình không thỏa thuận được với nhau về việc phân chia di sản thừa kế. Do vậy, bà yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của ông Trần N và bà Nguyễn Thị L theo quy định của pháp luật.
- Bị đơn bà Trần Thị Q trình bày: Bà xác nhận với bà Trần Thị Thúy L về quan hệ hôn nhân và hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ bà cũng như thời điểm chết của cha mẹ và vợ chồng ông Trần C như bà L đã trình bày. Bà cũng thừa nhận bà là con nuôi, được ông N và bà L nhận nuôi từ nhỏ. Lúc còn sống, cha mẹ bà có tạo lập được tài sản là 01 ngôi nhà có cấu trúc tường xây, mái tôn, nền gạch hoa, sàn lửng đúc có diện tích xây dựng là 57,3m2, diện tích sử dụng là 78,7m2 tọa lạc trên thửa đất có diện tích 77m2, thửa số 291, tờ bản đồ số 07 tại địa chỉ số 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận Cẩm Lệ cấp ngày 02/02/2008 đứng tên ông Trần N và bà Nguyễn Thị L. Nhà và đất hiện nay do bà đang quản lý, sử dụng. Cha mẹ bà chết không để lại di chúc. Trong quá trình Tòa án tiến hành hòa giải bà Trần Thị Q đồng ý chia di sản của cha mẹ bà để lại theo quy định của pháp luật, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, bà Q không đồng ý chia mà yêu cầu để di sản là ngôi nhà và quyền sử dụng đất lại làm nhà thờ, thờ cúng ông bà, cha mẹ. Đến giai đoạn phúc thẩm, bà Q đồng ý chia dia sản của cha mẹ để lại theo pháp luật và thống nhất giao nhà và đất cho cháu Trần Thị Thúy L, cháu L có nghĩa vụ thối tiền lại cho các đồng thừa kế.
-Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
-Bà Trần Thị Thúy V và Trần Thị Thúy L1 trình bày: Thống nhất như trình bày của bà Trần Thị Thúy L và yêu cầu giải quyết chia di sản thừa kế của ông nội là Trần N và bà nội là Nguyễn Thị L để lại cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Đối với phần di sản thừa kế mà bà L1, bà V được nhận, bà L1 và bà V đồng ý tặng lại cho bà Trần Thị Thúy L.
- Bà Trần Thị T trình bày: Cha bà là Trần N kết hôn với bà Nguyễn Thị L sinh ra một người con trai là Trần C và có nhận nuôi một người con nuôi từ nhỏ tên là Trần Thị Q. Do bà L bị tiêu buồng trứng nên bà L đồng ý cho ông N quan hệ với bà Huỳnh Thị T sinh được ba người con là Trần Thị T, Trần Thị B và Trần Đ. Trước đây, cha bà cùng với bà Nguyễn Thị L và hai người con là Trần C, Trần Thị Q sống tại ngôi nhà cấp 4 ở đường Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ, thành Đà Nẵng, sau đó cha bà đã bán ngôi nhà đó chia tiền cho con cháu và mua lại một ngôi nhà khác hiện nay là 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ. Cha bà là ông Trần Nchết năm 2013, bà Nguyễn Thị L chết năm 2016. Khi cha bà chết không để lại di chúc nhưng nguyện vọng của cha bà là muốn ngôi nhà tại địa chỉ 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ để làm nhà thờ tự ông bà. Ngôi nhà trên hiện do bà Trần Thị Q đang quản lý, sử dụng. Nay bà Trần Thị Thúy L yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cha bà là ông Trần N và bà Nguyễn Thị L để lại bà không đồng ý, bà yêu cầu không chia, để ngôi nhà và thửa đất để làm nhà thờ ông bà, cha mẹ.
- Ông Trần Đ trình bày: Ông thống nhất như lời trình bày của bà Trần Thị T. Ông không đồng ý chia thừa kế, ông Đ yêu cầu để nhà và đất trên để làm nhà thờ ông bà, cha mẹ.
- Bà Trần Thị B trình bày: Bà thống nhất như lời trình bày của bà Trần Thị T và xác định trong gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại và còn đánh nhau nên bà đồng ý chia thừa kế của cha bà là ông Trần N để lại cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật như bà Trần Thị Thúy L đã yêu cầu.
- Bà Huỳnh Thị T trình bày: Bà có chồng (kết hôn vào khoảng năm 1960)
và sinh được hai người con, do vợ chồng sống không hạnh phúc nên vợ chồng bà ly hôn. Bà và hai người con thuê nhà sống tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Đến khoảng năm 1969, bà gặp ông Trần N và quạn hệ với ông Trần N sinh được 03 người con là Trần Thị T, Trần Đ và Trần Thị B. Lúc này, ông N đã có vợ là bà Nguyễn Thị L và có 02 người con là Trần C (con ruột) và Trần Thị Q (con nuôi). Vợ chồng ông N, bà L cùng hai người con sống tại phường H, quận C, thành phố Đ, còn bà và các con sống tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Lúc còn sống, ông N và bà Lc ó 01 ngôi nhà tại đường Ông Ích Đường, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, sau đó ông N, bà L bán ngôi nhà này và mua lại 01 ngôi nhà nhỏ hơn tại địa chỉ 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ. Ông N chết năm 2013 và bà L chết năm 2016 không để lại di chúc. Ngôi nhà và thửa đất do ông N bà L để lại hiện nay do bà Trần Thị Q quản lý, sử dụng. Bà không đồng ý chia di sản là ngôi nhà và thửa đất của ông N bà L, bà yêu cầu để lại làm nhà thờ ông bà tổ tiên, ngoài ra bà không có yêu cầu gì.
Với nội dung nói trên, Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2019/DSST ngày 21/5/2019 của Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã xử và quyết định:
Căn cứ vào các điều 609, 613, 623, 649, 650, 651, 660 của Bộ luật dân sự; các điều 147, 266, 267, 271 và 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên bố: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Thúy L đối với bà Trần Thị Q về việc chia di sản thừa kế của cụ Trần N và cụ Nguyễn Thị L để lại theo pháp luật.
Xử:
1. Di sản của cụ Trần N và cụ Nguyễn Thị L để lại gồm 01 ngôi nhà cấp 4, mái tole, nền gạch hoa, sàn lửng đúc có diện tích xây dựng 57,3m2, diện tích sử dụng 78,8m2; ngôi nhà được xây dựng trên thửa đất số 291, tờ bản đồ số 07, diện tích đất là 77,0m2 (đã được UBND quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 065653 ngày 02/02/2008 đứng tên người sử dụng đất là ông Trần N và bà Nguyễn Thị L), nhà và đất tọa lạc tại địa chỉ số 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ trị giá 2.345.573.694 đồng. (Hai tỷ ba trăm bốn mươi lăm triệu năm trăm bảy mươi ba nghìn sáu trăm chín mươi bốn đồng).
2. Bà Trần Thị Q được nhận di sản thừa kế của cụ Trần N và cụ Nguyễn Thị L để lại là 879.590.135 đồng; bà Trần Thị T được nhận di sản của cụ Trần N để lại là 195.464.474 đồng; ông Trần Đ được nhận di sản của cụ Trần N để lại là 195.464.474 đồng; Bà Trần Thị B được nhận di sản của cụ Trần N để lại là 195.464.474 đồng; bà Trần Thị Thúy L được nhận di sản thừa kế của cụ Trần N và cụ Nguyễn Thị L để lại là 879.590.135 đồng.
3. Giao cho bà Trần Thị Thúy L được quyền sở hữu và sử dụng 01 ngôi nhà cấp 4, mái tole, nền gạch hoa, sàn lửng đúc có diện tích xây dựng 57,3m2, diện tích sử dụng 78,8m2; ngôi nhà được xây dựng trên thửa đất số 291, tờ bản đồ số 07, diện tích đất là 77,0m2 (đã được UBND quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 065653 ngày 02/02/2008 đứng tên người sử dụng đất là ông Trần N và bà Nguyễn Thị L), nhà và đất tọa lạc tại địa chỉ số 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ trị giá 2.345.573.694 đồng. (Hai tỷ ba trăm bốn mươi lăm triệu năm trăm bảy mươi ba nghìn sáu trăm chín mươi bốn đồng). Nhà và đất có tứ cận như sau: Phía Đông giáp nhà bà Hương, phía Tây giáp nhà bà Hóa, phía Nam giáp đường kiệt, phía Bắc giáp sân chung công cộng phía trước rồi đến đường Bình Thái 1.
4. Bà Trần Thị Thúy L có nghĩa vụ thối lại cho bà Trần Thị Q giá trị phần di sản thừa kế với số tiền là 879.590.135 đồng, bà Trần Thị T số tiền 195.464.474 đồng, ông Trần Đ số tiền là 195.464.474 đồng, bà Trần Thị B số tiền là 195.464.474 đồng.
5. Bà Trần Thị Thúy L có nghĩa vụ liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp đổi, sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
6. Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
7. Về án phí và chi phí tố tụng:
* Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Trần Thị Q phải chịu là 38.387.704 đồng; Bà Trần Thị T phải chịu là 9.773.223 đồng; Ông Trần Đ phải chịu là 9.773.223 đồng; Bà Trần Thị B phải chịu là 9.773.223 đồng; Bà Trần Thị Thúy L phải chịu là 38.387.704 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí là 2.812.000 đồng (đã nộp tại biên lai thu số 0005440 ngày 01/10/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Cẩm Lệ). Như vậy, bà L còn phải nộp tiếp số tiền là 35.575.704 đồng.
* Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản là 10.500.000.000 đồng: Bà Q phải chịu 3.675.000 đồng, bà T phải chịu 1.050.000 đồng, ông Đ phải chịu 1.050.000 đồng, bà B phải chịu 1.050.000 đồng, bà L phải chịu 3.675.000 đồng. Do bà L đã tạm ứng trước nên bà Q phải có nghĩa vụ trả lại cho bà L số tiền 3.675.000 đồng; bà T, ông Đ, bà B mỗi người trả lại cho bà L số tiền là 1.050.000 đồng.
Ngoài ra án sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự biết theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05/6/2019, bà Trần Thị Q, bà Trần Thị T, bà Trần Thị B, ông Trần Đ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung: Không đồng ý chia di sản của ông N và bà L để lại, di sản làm nơi thờ tự hương hỏa cha mẹ, ông bà. Đề nghị giao khối di sản đó cho bà Q quản lý, sử dụng và cam kết dùng mục đích thờ tự, không được chuyển nhượng, mua bán, tặng cho hay bất cứ hình thức chuyển nhượng nào. Trường hợp giao cho bà L thì họ không nhận phần thừa kế của mình mà chuyển giao cho bà L với điều kiện bà L không được chuyển nhượng, mua bán, tặng cho và để bà Q được sinh sống ở đó cho đến lúc mất. Ngày 13/6/2019, bà Trần Thị Q và bà Trần Thị B có đơn không yêu cầu kháng cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên toà, sau khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến, sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị T vắng mặt có lý do. Tuy nhiên, xét thấy bà T là người không thuộc hàng thừa kế của cụ N, đồng thời cũng không phải là người kháng cáo. Việc vắng mặt không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt theo quy định Điều 296 của Bộ luật tố tụng Dân sự.
[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của bà Trần Thị T, ông Trần Đ thì thấy: Bà Q, bà T, ông Đ, bà T (trong đó ông Đ, bà T kháng cáo) yêu cầu để ngôi nhà và thửa đất lại làm nơi thờ cúng ông bà, cha mẹ là một yêu cầu chính đáng nhưng dùng vào mục đích thờ tự, không được chuyển nhượng, mua bán, tặng cho là không thể chấp nhận vì cụ N, cụ L không để lại di chúc và không có một văn bản nào thể hiện di sản của cụ N, cụ L dùng vào việc thờ cúng. Do vậy, di sản thừa kế của cụ N và cụ L được chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T, ông Đ khai thêm ông Trần C còn quan hệ như vợ chồng với 3 người phụ nữ khác sinh được 3 người con ngoài giá thú tên Trần Thị L, Trần Nguyễn Lệ H và Lê Thị N. Hội đồng xét xử phúc thẩm phải tạm ngừng phiên tòa để ông Đ, bà T thu thập thêm chứng cứ. Căn cứ vào đơn trình bày và biên bản lấy lời khai bổ sung thì các bà Trần Thị L, Trần Nguyễn Lệ H và Lê Thị N đều thừa nhận ông Trần C là cha ruột của mình. Ông Trần C quan hệ tình cảm với bà Trần H sinh ra bà Trần Thị L. Ông Cân còn quan hệ tình cảm với bà Nguyễn Thị R sinh ra bà Trần Nguyễn Lệ H. Ngoài ra, ông còn quan hệ tình cảm với bà Lê Thị T sinh ra bà Lê Thị N. Tuy nhiên, bà L, bà H, bà N đều xác nhận trong giấy khai sinh không khai tên ông Trần C và gia phả của ông Trần C không có tên các bà. Các bà được bà L, bà L1, bà V là các con trong giá thú của ông Trần C thừa nhận cho về giỗ kỵ, hương khói ông Trần C. Tại phiên tòa hôm nay, ông Trần Đ nhận diện khuôn mặt của bà Trần Thị L, Trần Nguyễn Lệ H và Lê Thị N qua giấy chứng minh nhân dân và thừa nhận đúng các bà là con của ông Trần C. Ngoài ra, ông Trần Đ, bà T cũng xác nhận các bà không có tên trong gia phả nhà ông Trần C. Xét thấy, phần thủ tục hỏi tại phiên tòa phúc thẩm ông Đ, bà T mới xác định bà Trần Thị L, Trần Nguyễn Lệ H và Lê Thị N là con của ông Trần C. Việc cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ để xác định hàng thừa kế thế vị của ông Trần C là thiếu sót. Tuy nhiên, bà L, bà N, bà H đều từ chối không nhận và không có yêu cầu gì về quyền lợi. Do đó, không nhất thiết phải giao hồ sơ vụ án về giải quyết lại vì nếu đưa những người này vào thì kỷ phần thừa kế vẫn không thay đổi và cũng không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế còn lại. Vì vậy, cấp sơ thẩm xác định kỷ phần thừa kế là đúng.
[3] Di sản thừa kế của cụ Trần N và cụ Nguyễn Thị L: Cụ N và cụ L có tạo lập được tài sản là 01 ngôi nhà cấp 4, tường xây, mái tole, nền gạch hoa, sàn lửng đúc có diện tích xây dựng là 57,3m2, diện tích sử dụng là 78,7m2 tọa lạc trên thửa đất có diện tích 77m2, thửa số 291, tờ bản đồ số 07 tại địa chỉ số 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 065653 do UBND quận Cẩm Lệ cấp ngày 02/02/2008 đứng tên ông Trần N và bà Nguyễn Thị L.
Theo kết quả chứng thư thẩm định giá số 5190018/CT – BTCVALUEĐN ngày 12/02/2019 của Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value – Chi nhánh Đà Nẵng thì tổng giá trị quyền sử dụng đất và công trình vật kiến trúc trên đất là 2.345.573.694 đồng, trong đó giá trị quyền sử dụng đất ở là 77m2 x 29.529.353 đồng = 2.273.760.181 đồng; giá trị vật kiến trúc trên đất là 71.813.513 đồng.
[3.1] Thời điểm mở thừa kế cụ Trần N là năm 2013 và khối di sản của cụ N: Ngôi nhà và quyền sử dụng đất là tài sản chung của cụ N và cụ L tạo dựng được trong thời kỳ hôn nhân nên mỗi cụ được ½ tài sản là 2.345.573.694 đồng : 2 = 1.172.786.847 đồng/ 1 người. Các đồng thừa kế xác định cụ N, cụ L không để lại nghĩa vụ gì và bà Q không có yêu cầu gì về công sức bảo quản di sản thừa kế nên không xem xét và di sản của cụ N, cụ L được chia theo quy định của pháp luật.
[3.1.1] Về hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trần N: Cụ N và cụ L kết hôn trước năm 1945, Cụ N và cụ L có 02 người con chung là Trần C (con ruột) và Trần Thị Q (con nuôi). Ngoài ra, Cụ N có quan hệ với bà Huỳnh Thị T và có 03 người con riêng gồm Trần Thị T, Trần Đ và Trần Thị B. Cụ L không có con riêng, bố mẹ Cụ Nvà cụ L đều đã qua đời. Ông Trần C kết hôn với bà Lê Thị M sinh được 03 người con gồm Trần Thị Thúy V, Trần Thị Thúy L và Trần Thị Thúy L1. Ông Trần C chết năm 2000, bà Lê Thị M chết năm 1995 nên các con của ông C và bà M được thừa kế thế vị của ông Trần C. Cụ N chết năm 2013, cụ L chết năm 2016 chết sau Cụ N nên cụ L được hưởng một phần thừa kế của Cụ N để lại.
Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của Cụ N có 6 người gồm: cụ Nguyễn Thị L, ông Trần C (hàng thừa kế thế vị của Trần C có Trần Thị Thúy V, Trần Thị Thúy L và Trần Thị Thúy L1, trong đó đối với kỷ phần của bà V, bà L1 được hưởng được tặng cho bà Trần Thị Thúy L), Trần Thị Q, Trần Thị T, Trần Đ và Trần Thị B.
[3.1.2] Phân chia di sản thừa kế của cụ Trần N: Được chia 6 phần gồm: Nguyễn Thị L, Trần Thị Q, Trần C ( hàng thừa kế thế vị của ông Trần C gồm có Trần Thị Thúy V, Trần Thị Thúy L và Trần Thị Thúy L1) Trần Thị T, Trần Đ, Trần Thị B. Như vậy, mỗi phần di sản có giá trị là 1.172.786.847 đồng : 6 = 195.464.474 đồng. Như vậy, cụ Lệ, bà L, bà Q, bà T, bà B, ông Đ mỗi người được hưởng 195.464.474 đồng/1 suất.
[3.2] Thời điểm mở thừa kế cụ Nguyễn Thị L là năm 2016 và khối di sản được hưởng: 1.172.786.847 đồng + 195.464.474 đồng = 1.368.251.321 đồng [3.2.1] Hàng thừa kế thứ nhất của cụ L có 2 người gồm: ông Trần C (hàng thừa kế thế vị của Trần C có Trần Thị Thúy V, Trần Thị Thúy L và Trần Thị Thúy L1, trong đó đối với kỷ phần của bà Vân, bà L1 được hưởng được tặng cho bà Trần Thị Thúy L) và Trần Thị Q.
[3.2.2] Phân chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị L: Được chia 2 phần gồm có bà Trần Thị Q và ông Trần C (hàng thừa kế thế vị của ông Trần C gồm có Trần Thị Thúy V, Trần Thị Thúy L và Trần Thị Thúy L1). Như vậy, mỗi kỷ phần di sản có giá trị là: [(1.172.786.847 đồng + 195.464.474 đồng) : 2] = 684.125.661 đồng/ 1 người. Bà Quýt, bà L được hưởng mỗi người 684.125.661 đồng/ 1 suất.
[4] Xác định kỷ phần thừa kế của các đồng thừa kế được hưởng di sản thừa kế của Cụ N và cụ L:
Bà Trần Thị Q được nhận di sản thừa kế của Cụ N và cụ L là 195.464.474 đồng + 684.125.661 đồng = 879.590.135 đồng.
Bà Trần Thị Thúy L được nhận di sản của Cụ N và cụ L để lại là 195.464.474 đồng + 684.125.661 đồng = 879.590.135 đồng.
Bà Trần Thị T, ông Trần Đ, bà Trần Thị B mỗi người được nhận di sản của cụ N: 195.464.474 đồng.
Bà Trần Thị Thúy L có yêu cầu được nhận ngôi nhà và quyền sử dụng đất và thối tiền chênh lệch tài sản cho bà Q, bà T, ông Đ và bà B. Các đồng thừa kế còn lại không có yêu cầu nhận nhà và quyền sử dụng đất. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm giao cho bà L được quyền sở hữu và sử dụng ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ trị giá 2.345.573.694 đồng là hoàn toàn có cơ sở. Vì vậy, buộc bà L phải có nghĩa vụ thối trả tiền chia di sản thừa kế: Bà Q 879.590.135 đồng, bà T 195.464.474 đồng, ông Đ 195.464.474 đồng, bà B 195.464.474 đồng là đúng pháp luật.
[5] Từ những phân tích trên HĐXX không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của ông Trần Đ và bà Trần Thị T.
[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Các đồng thừa kế phải chịu án phí đối với phần họ được hưởng thừa kế. Riêng đối với bà Q đã cung cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, có đơn xin miễn án phí theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 nên bà Qđược miễn toàn bộ án phí. Do đó, xét cần sửa một phần án phí DSST.
[7] Chi phí tố tụng: Bà L đã tạm ứng trước 10.500.000.000 đồng (Đã nộp và chi xong) nên các đồng thừa kế phải có nghĩa vụ trả lại cho bà L tương ứng với kỷ phần thừa kế mình đã nhận.
[8] Do không chấp nhận kháng cáo nên ông Đ, bà T phải chịu án phí DSPT.
[9] Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, sửa một phần bản án sơ thẩm về án phí dân sự sơ thẩm với nội dung không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Đ và bà Trần Thị T, đề nghị HĐXX chia di sản thừa kế của Cụ N và cụ L theo quy định pháp luật như cấp sơ thẩm đã tuyên. Xét thấy phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 296, Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 609, 613, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật dân sự; điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Đ, bà Trần Thị T.
2. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2019/DSST ngày 21/5/2019 của Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng về án phí DSST.
2.1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Thúy L đối với bà Trần Thị Q về việc ‟Tranh chấp thừa kế tài sản‟.
Xử:
Giao cho bà Trần Thị Thúy L được quyền sở hữu và sử dụng 01 ngôi nhà cấp 4, tường xây, mái tole, nền gạch hoa, sàn lửng đúc có diện tích xây dựng là 57,3m2, diện tích sử dụng là 78,7m2 tọa lạc trên thửa đất có diện tích 77m2, thửa số 291, tờ bản đồ số 07 tại địa chỉ số 133 đường Bình Thái 1, phường H, quận C, thành phố Đ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 065653 do UBND quận Cẩm Lệ cấp ngày 02/02/2008 đứng tên ông Trần N và bà Nguyễn Thị L, có tứ cận: Phía Đông giáp nhà bà Hương, phía Tây giáp nhà bà Hóa, phía Nam giáp đường kiệt, phía Bắc giáp sân chung công cộng phía trước rồi đến đường Bình Thái
1. Trị giá nhà và đất 2.345.573.694 đồng. (Hai tỷ ba trăm bốn mươi lăm triệu năm trăm bảy mươi ba nghìn sáu trăm chín mươi bốn đồng).
Bà Trần Thị Thúy L có nghĩa vụ liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp đổi, sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Bà Trần Thị Thúy L có nghĩa vụ thối trả lại tiền chênh lệch tài sản chia thừa kế cho bà Trần Thị Q số tiền là 879.590.135 đồng, bà Trần Thị T số tiền 195.464.474 đồng, ông Trần Đ số tiền là 195.464.474 đồng, bà Trần Thị B số tiền là 195.464.474 đồng.
Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
2.2. Án phí DSST:
- Bà Trần Thị Q được xét miễn toàn bộ án phí.
- Bà Trần Thị T, ông Trần Đ, bà Trần Thị B mỗi người phải chịu là 9.773.223 đồng - Bà Trần Thị Thúy L phải chịu là 38.387.704 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí là 2.812.000 đồng đã nộp tại biên lai thu số 0005440 ngày 01/10/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Cẩm Lệ. Bà L còn phải nộp tiếp số tiền là 35.575.704 đồng.
2.3. Chi phí tố tụng: 10.500.000.000 đồng (Đã nộp và chi xong). Bà Q, bà L mỗi người phải chịu 3.675.000 đồng. Bà T, ông Đ, bà B mỗi người phải chịu 1.050.000 đồng. Do bà L là người tạm ứng tiền trước nên bà Q phải có nghĩa vụ trả lại cho bà L 3.675.000 đồng; bà T, ông Đ, bà B mỗi người phải trả lại cho bà L 1.050.000 đồng.
3. Án phí DSPT: Bà Trần Thị T phải chịu 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0000544 ngày 10/6/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Cẩm Lệ. Ông Trần Đ phải chịu 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0000549 ngày 11/6/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Cẩm Lệ.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 42/2019/DS-PT ngày 08/10/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 42/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đà Nẵng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/10/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về