TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 19A/2021/HSPT NGÀY 11/03/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 11 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ L số: 129/2020/TLPT-HS ngày 23 tháng 11 năm 2020 đối với các bị cáo Nguyễn Thanh H, Hoàng Thị L, Lương Thành H1 do có kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị L, Lương Thành H1 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 58/2020/HS-ST ngày 15/10/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Hoàng Thị L, sinh năm 1969 tại thành phố Hải Phòng; nơi cư trú: Thôn 6, xã N, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 7/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; con ông Hoàng Văn T và bà Nguyễn Thị N (đều đã chết); Có chồng là ông Lương Xuân H2, sinh năm 1965 và 03 con, lớn nhất sinh năm 1995 và nhỏ nhất sinh năm 2005. Bị bắt tạm giam từ ngày 06/10/2020 – Có mặt.
2. Lương Thành H1, sinh năm 1998 tại thành phố H; Nơi cư trú: Thôn 6, xã N, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lương Xuân H3, sinh năm 1965 và con bà Hoàng Thị L, sinh năm 1969. Hiện đang bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú– Có mặt.
Bị cáo bị kháng cáo: Nguyễn Thanh H, sinh năm 1992 tại tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú: Thôn 7, xã N, Huyện Đ, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Tấn D, sinh năm 1961 và con bà Bùi Thị Đ, sinh năm 1963. Hiện đang bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú – Có mặt.
Bị hại:
- Bà Hoàng Thị L, sinh năm 1969; nơi cư trú: Thôn 6, xã N, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – Có mặt.
- Anh Nguyễn Thanh H, sinh năm 1992; nơi cư trú: Thôn 7, xã N, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông– Có mặt.
Người bào chữa cho các bị cáo Hoàng Thị L và Lương Thành H1: Ông Nguyễn Thành T là Luật sư Công ty Luật TNHH MTV Nguyễn T – Miền Nam thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh– Có mặt.
Người làm chứng: Anh Nguyễn Tấn D– Có mặt; Anh Nguyễn D L– Có mặt; Bà Phạm Thị T1– Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Vào sáng ngày 07/5/2018, D nhờ em ruột là Nguyễn Thanh H và em họ là Nguyễn Duy L2 cùng trú tại thôn 7, xã N, huyện Đ đến giúp D kéo lưới B40 để rào phần ranh giới đất giữa hai gia đình Hoàng Thị L với gia đình D. Khi D, H, L2 đang kéo lưới thì Hoàng Thị L đi từ nhà sang, trên tay cầm theo con dao có lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ, kích thước 42 x 04cm, lưỡi dao dài 30cm đến ngăn cản không cho D, H và L2 kéo lưới, thì hai bên có lời qua tiếng lại, thách thức, cãi vã nhau. Lúc đó L2 đi đến đứng đối diện, chỉ tay vào người Hoàng Thị L chửi bới, thì Hoàng Thị L dùng dao chém L2, nhưng L2 tránh được nên không bị thương tích. Thấy L2 bị chém, H đi đến gần Hoàng Thị L đứng đối diện và đưa tay ra thách thức thì bị Hoàng Thị L dùng dao chém 01 nhát vào cẳng tay phải gây thương tích. Sau khi bị chém, H lùi lại và nói cho D biết, rồi lấy 01 cây sắt hình tròn (dạng ống tuýp, dùng để khiêng lưới B40), dài 145cm, đường kính 04cm để gần đó, cầm lên đánh vào người bà L 01 cái trúng cánh tay và hông. Khi biết H bị Hoàng Thị L chém, D nhảy vào vật, giằng co và lấy được con dao của Hoàng Thị L. Trong lúc này Lương Thành H1 (là con ruột của bà L) nghe có tiếng ồn ào nên chạy ra, trên tay cầm 01 gậy sắt (dạng ống tuýp nhỏ dùng làm cán xẻng, có kích thước 85 x 03 cm, một đầu được quấn bằng dây thun màu đen, đầu còn lại có cạnh sắt lồi ra) chạy đến đánh H 02 cái, trong đó 01 cái trúng vào vùng mặt, 01 cái trúng vào chân vùng chân phải gây thương tích. Trong lúc lấy được con dao từ tay của Hoàng Thị L, D nhìn sang thấy H1 đang đánh H nên chạy đến lấy được cây gậy sắt và đuổi H1 bỏ chạy về hướng nhà của Hoàng Thị L, còn H đang nằm ngửa, trên tay vẫn cầm ống tuýp thì Hoàng Thị L nhặt đất, đá ném và xông về phía H thì bị H cầm ống tuýp bằng hai tay đâm thẳng phần đầu ống tuýp vào vùng mặt làm Hoàng Thị L té ngửa ra phía sau, sau đó Hoàng Thị L đứng dậy chạy về hướng D đuổi H1, vừa chạy vừa gọi “H1 ơi, H1 ơi” thì gặp D, trên tay cầm ống tuýp và dao đi ngược chiều lên, nhìn thấy D, Hoàng Thị L lao vào dùng tay cầm cổ áo của D, thì D thả ống tuýp ra dùng tay đẩy Hoàng Thị L ngã ngửa vào bồn của cây cà phê, lúc này D mới nhìn thấy rõ Hoàng Thị L bị thương ở mặt (vết thương bị xẻ thịt xệ xuống). Thấy vậy, D cầm dao và ống tuýp bỏ về nhà cùng L2 đưa H đi chữa trị, sau đó D đem giao nộp 02 ống tuýp và 01 con dao nêu trên. Ngày 21/5/2018 Hoàng Thị L làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để xử L Nguyễn Tấn D, Nguyễn Thanh H và Nguyễn D L2. Đến ngày 05/6/2018 Nguyễn Thanh H làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để xử L Hoàng Thị L và Lương Thành H1 theo quy định của pháp luật.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Đ đã Quyết định trưng cầu giám định pháp y về thương tích đối với Nguyễn Thanh H và Hoàng Thị L. Kết quả như sau:
Tại Bản giám định pháp y số: 190/TgT ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Phòng giám định pháp y – Sở y tế tỉnh Đắk Nông kết luận: Nguyễn Thanh H bị sẹo vết thương cẳng tay phải, cẳng chân phải. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là:
- Sẹo vết thương phần mềm, số lượng ít, kích thước trung bình, tỷ lệ 05%;
- Kết luận khác: Tổn thương ở tay phải, cẳng chân phải do tác động trực tiếp bởi vật sắc; tổn thương bầm tín vùng dưới mắt phải, chân phải do tác động trực tiếp bởi vật tày.
Vết bầm tím da vùng dưới mắt phải và cẳng chân phải trong Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014, quy định không có tỷ lệ phần trăm thương tích.
Ngày 01/7/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đ ban hành công văn yêu cầu Trung tâm giám định pháp y tỉnh Đắk Nông kết luận cụ thể về thương tích của Nguyễn Thanh H gồm:
- Tỷ lệ thương tích tại sẹo vết thương cẳng tay phải là bao nhiêu %.
- Tỷ lệ thương tích tại sẹo vết thương cẳng chân phải là bao nhiêu %.
Tại Công văn số 308/TTPY – CV ngày 04/7/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Nông trả lời: Căn cứ thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế, Quy định tại Chương 9, mục 1 (tổn thương cơ thể do tổn thương phần mềm), chỉ quy định số lượng, kích thước sẹo trên cơ thể. Do vậy Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Nông không thể tách từng sẹo vết thương phần mềm trên cơ thể được.
Ngày 13/7/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đ quyết định trưng cầu Phân viện pháp y quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh giám định tổn thương cơ thể của Nguyễn Thanh H: Vết thương cẳng tay phải là bao nhiêu %; vết thương cẳng chân phải là bao nhiêu %.
Tại Bản giám định pháp y số: 102/18/TgT ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Phân viện pháp y quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Căn cứ thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của Nguyễn Thanh H là:
- Sẹo nhỏ cẳng tay phải là có tỷ lệ là 02%.
- Sẹo nhỏ cẳng chân phải là có tỷ lệ là 01%.
Tổng tỷ lệ thương tích của Nguyễn Thanh H là 03%;
Do có kết quả khác nhau giữa kết luận tỷ lệ thương tích của Nguyễn Thanh H giữa Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Nông với Phân viện pháp y quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh, nên ngày 13/8/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Đ quyết định trưng cầu Viện pháp y quốc gia giám định thương tích của Nguyễn Thanh H.
Tại Bản giám định pháp y số: 108/18/TgT ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Viện pháp y quốc gia kết luận: Căn cứ thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của Nguyễn Thanh H là:
- Sẹo nhỏ cẳng tay phải là có tỷ lệ là 02%.
- Sẹo nhỏ cẳng chân phải là có tỷ lệ là 01% (BL 306-309).
Đối với thương tích của Hoàng Thị L:
Tại Bản giám định pháp y số: 192/TgT ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Trung tâm pháp y – Sở y tế tỉnh Đắk Nông kết luận:
1. Dấu vết chính qua giám định của Hoàng Thị L:
- Sẹo vết vùng má và môi trên bên phải, sẹo xấu - Mẻ răng số 4 hàm dưới bên phải.
2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là:
- Sẹo vết thương phần mềm, số lượng ít, kích thước lớn, ảnh hưởng thẩm mỹ. Tỷ lệ 12%.
- Mẻ răng số 4, hàm dưới bên phải trong hồ sơ Bệnh án không thể hiện nên không cho phần trăm thương tích.
- Các vết bầm tím vùng cánh tay trái, hạ sườn phải, vùng lưng trong Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế không có tỷ lệ phần trăm thương tích.
3. Kết luận khác: Tổn thương vùng má và môi trên bên phải của bà Hoàng Thị L được gây nên bởi vật sắc hoặc vật tày có cạnh.
Ngày 06/3/2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Đ ban hành công văn yêu cầu Trung tâm pháp y – Sở y tế tỉnh Đắk Nông trả lời về việc làm rõ Bản kết luận pháp y số 192/TgT ngày 24 tháng 5 năm 2018 về cơ chế hình thành vết thương trên má và môi trên, bên phải của Hoàng Thị L là vật sắc hay vật tày có cạnh gây nên.
Tại Công văn số 76/TTPY-CV ngày 26/3/2019 Trung tâm pháp y – Sở y tế tỉnh Đắk Nông kết luận: Đối với thương tích vùng má, môi trên bên phải của bà Hoàng Thị L sau khi nghiên cứu lại tài liệu, hồ sơ bệnh án và tham khảo ý kiến của Bác sỹ chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông điều trị cho Hoàng Thị L, kết luận đối với thương tích này là do vật sắc gây nên (BL 377).
Ngày 10/6/2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đ đã Quyết định trưng cầu giám định đến Phân viện khoa học hình sự - Bộ Công an tại thành phố Hồ Chí Minh để giám định con dao và ống tuýp sắt có gây ra được vết thương ở vùng môi, má trên, bên phải của Hoàng Thị L được hay không. Trong đó mẫu vật giám định là 01 ống tuýp và 01 con dao (đã thu giữ, như đã mô tả trong nội dung vụ án), kèm theo Hồ sơ bệnh án, bản ảnh thương tích của Hoàng Thị L; Bản kết luận pháp y và lời khai của các bị can, người làm chứng.
Tại Kết luận giám định pháp y trên hồ sơ số: 2881/C09B ngày 25/6/2019 của Phân viện khoa học hình sự - Bộ Công an tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận:
- Đặc điểm thương tích vùng má môi trên phải của Hoàng Thị L ghi nhận qua ảnh chụp ngày 07/5/2018: Một vết thương lóc da xệ xuống dạng chữ “L” ở vúng má môi trên phải, ghi nhận hình ảnh cầu tổ chức ở đáy vết thương qua hình ảnh. Kết luận:
- Vết thương vùng má môi trên phải của Hoàng Thị L thể hiện qua hồ sơ, bản ảnh gửi giám định có đặc điểm phù hợp do vật có cạnh sắc tác động tạo ra .
- Đầu ống tuýp sắt gửi giám định gây ra được vết thương vùng má môi trên bên phải của Hoàng Thị L.
Về đồ vật, tài liệu đã thu giữ:
- 01 con dao có can bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại màu đen, có kích thước 42cm, phần lưỡi dài 30cm, rộng 04cm;
- 01 ống tuýp sắt dài 145cm, đầu ống tuýp có đường kính 04cm, một đầu ống tuýp bị móp méo, biến dạng.
- 01 ống tuýp sắt dài 85cm, đầu ống tuýp có đường kính 03cm, một đầu một đầu được quấn bằng dây thun màu đen, đầu còn lại có cạnh sắt lồi ra;
- 01 áo thun dài tay màu vàng, ở ống tay áo bên phải có vết rách dài 03cm. Hiện những đồ vật trên đang được bảo quản tại kho vật chứng Công an Huyện Đ.
Bản án hình sự sơ thẩm số: 58/2020/HS-ST ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thanh H, Hoàng Thị L, Lương Thành H1 phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh H 02 (hai) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Hoàng Thị L 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 (mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lương Thành H1 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 (mười hai) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử L vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo.
Ngày 27-10-2020 bị cáo Hoàng Thị L và bị cáo Lương Thành H1 kháng cáo kêu oan, cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, giám định lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông sau khi phân tích các tình tiết của vụ án và cho rằng: Tại phiên tòa sơ thẩm, L không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cấp sơ thẩm lại áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo là không có căn cứ; L chỉ có một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự nhưng cấp sơ thẩm lại áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự để cho bị cáo được hưởng án treo là không đúng quy định; Cáo trạng truy tố H theo khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự nhưng Biên bản phiên tòa lại thể hiện khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự là không chính xác; Bản án sơ thẩm áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ tại các điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo L và H1 là trái với Biên bản nghị án. Về nội dung kháng cáo: Bản kết luận giám định thể hiện vết thương của L không đứt hẳn là phù hợp với lời khai của H; L và H1 kháng cáo cho rằng vật giám định không gây thương tích cho L là không căn cứ.
Do cấp sơ thẩm đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên mặc dù không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo về nội dung nhưng đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355, khoản 2 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự, hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày:
Đồng ý một phần với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về việc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Tuy nhiên không đồng ý với quan điểm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo vì quá trình điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, cụ thể:
Sau khi bị chém, L đã chụp hình ngay vết thương để làm bằng chứng, H khai giơ tuýp sắt từ dưới lên thì không thể hình thành vết thương trên mặt L. Ngoài H còn có D, Nam, L2 đánh nhau với L, giữa L và D có việc giằng co, sau đó D lấy con dao chém L nên L cho rằng D là người gây thương tích cho L là có căn cứ. Nếu vết thương mâu thuẫn với kết luận giám định thì phải giám định lại nhưng kết quả giám định lại không thể hiện rõ dụng cụ gây ra thương tích cho L, do đó không có căn cứ khẳng định H là người gây thương tích cho L.
H khai L dùng dao chém H từ trên xuống thì không thể hình thành vết thương 2% vì con dao rất sắc bén. Thực tế quá trình xô xát có nhiều người và xô xát tại vườn cà phê, việc vấp té có thể xảy ra nên chưa đủ căn cứ khẳng định vết thương của H là do L gây ra.
Bị cáo Hoàng Thị L tranh luận: Nam có tham gia đánh mẹ con bị cáo nhưng Cơ quan Điều tra không đưa Nam vào tham gia tố tụng trong vụ án. Nam khai về quê từ ngày 05/5/2018 nên tại thời điểm xảy ra sự việc, Nam vắng mặt tại địa phương là không đúng, vì chiều ngày 06/5/2018 Nam còn sang nhà anh Sang nhờ anh Sang mấy ngày nữa trông nhà hộ Nam để Nam về quê có việc
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên có sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Xét kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị L cho rằng cấp sơ thẩm xét xử oan sai, bỏ lọt tôi phạm vì thương tích của bị cáo L là do Nguyễn Tấn D dùng dao gây ra chứ không phải Nguyễn Thanh H dùng ông tuýp sắt gây ra. Hội đồng xét xử xét thấy: Kết luận giám định lại tại Bản kết luận pháp y số 2881/K09B ngày 25/6/2019 của Phân viện khoa học hình sự- Bộ công an tại thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp với lời khai của các bị cáo, người làm chứng có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với diễn biến vụ việc. Cụ thể: Vết thương trên vùng má, môi trên bên phải của bị cáo L có hình chứ “L” là do vật có cạnh sắc tác động tạo ra, hình ảnh vết thương qua bản ảnh chụp ngày 07/5/2018 ghi nhận có hình ảnh cầu tổ chức ở đáy vết thương (có nghĩa là ở đáy vết thương không đứt hoàn toàn, có những đoạn không bị đứt hẳn), phù hợp với lời khai nhận của bị cáo Nguyễn Thanh H là bị cáo đã dùng ống tuýp sắt đẩy từ dưới lên gây ra vết thương cho bị cáo L (Bút lục số 126, 127, 131, 135). Mặt khác, qua giám định tại bản kết luận giám định pháp y số 2881 ngày 25/6/2019 của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận: “Đầu ống tuýp sắt gửi giám định gây ra được vết thương vùng má môi trên bên phải của bà Hoàng Thị L”. Như vậy, đầu ống tuýp sắt là vật có cạnh sắt gây ra được vết thương cho bà L. Do dó, có đủ căn cứ dể kết luận: Vết thương tại vùng má, môi trên bên phải của bà L là do bị cáo Nguyễn Thanh H gây ra.
Bị cáo Hoàng Thị L cho rằng D đã dùng dao chém bị cáo gây ra vết thương tại vùng má, môi trên bên phải của bà L chứ không phải H gây ra nnhưng bị cáo không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì chứng minh, Hồ sơ vụ án thể hiện tại hiện trường vụ án không có ai chứng kiến, qua đối chất thì Nguyễn Tấn D cũng không thừa nhận mà chỉ dựa vào lời khai một phía của bà là không phù hợp nên không có căn cứ để chấp nhận. Do đó, việc cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Thanh H về tội “cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm.
[2]. Xét kháng cáo của bị cáo L và bị cáo H1 cho rằng các bị cáo không gây ra thương tích cho H. Xét thấy: Qua các lời khai của các bị cáo có trong hồ sơ vụ án thì các bị cáo L, H1 đều khai nhận khi xảy ra xô sát đánh nhau thì tại hiện trường chỉ có một mình bị cáo L là người cầm dao và khi H xông tới có ý định đánh bị cáo thì bị cáo có quơ và chém dao về phía trước nhưng không biết có trúng không (Bút lục số 168, 169, 170, 172); người bị hại Nguyễn Thanh H xác định vết thương trên cẳng tay phải của H là do bị cáo L dùng dao chém; bản kết luận giám định pháp y số 190 ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Đăk Nông kết luận: “tổn thương ở cẳng tay phải do tác động trực tiếp bởi vật sắc”. Như vậy có đủ căn cứ để xác định bị cáo L là người đã có hành vi dùng dao là hung khí nguy hiểm gây thương tích cẳng tay phải của Nguyễn Thanh H với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 2%. Bị cáo H1 qua các lời khai và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án (tại các bút lục số 154, 157, 160) thì cũng đều thừa nhận bị cáo có hành vi dùng ống tuýp sắt đánh 03 cái vào người của H và xác định có một cái trúng vào chân bên phải của H với tỷ lệ tổn thương cơ thể qua giám định là 1%. Do đó, việc cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo L, H1 về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, không oan.
[3]. Xét kháng cáo của bị cáo L về việc đề nghị trả hồ sơ để trưng cầu giám định lại lần hai về cơ chế hình thành thương tích trên má, môi trên bên phải của bị cáo L. Xét thấy: Qúa trình xét xử tại cấp sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hai lần về nội dung này nhưng Viện kiểm sát nhân dân Huyện Đ không chấp nhận và xác định kết luận giám định số 2881 ngày 25/6/2019 của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh không khác với kết luận giám định ban đầu. Mặt khác, quá trình xét xử tại cấp sơ thẩm thì bị cáo L cũng có đơn yêu cầu giám định lại nnhưng đã được cấp sở thẩm thông báo bằng văn bản và nêu rõ L do là không chấp nhận yêu cầu giám định lại là có căn cứ và đúng theo quy định tại Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, căn cứ vào Bản kết luận pháp y số 2881/K09B ngày 25/6/2019 của Phân viện khoa học hình sự- Bộ công an tại thành phố Hồ Chí Minh và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án phù hợp với thương tích tại vùng má và môi trên bên phải của bà L là do H dùng ống tuýp sắt gây ra. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo L.
[4]. Cấp sơ thẩm không giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án này là có căn cứ vì qúa trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bà Hoàng Thị L yêu cầu Nguyễn Tấn D, Nguyễn Thanh H, Nguyễn thanh Nam và Nguyễn D L2 cùng có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại số tiền 138.000.000 đồng nhưng chưa cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh ngoài H ra thì các đối tượng D, H, Nam, L2 cùng gây thương tích cho mình. Mặt khác bà cho rằng H không gây thương tích cho mình nên không yêu cầu H bồi thường và đồng thời bà cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại nên cấp sơ thẩm căn cứ Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự tách phần trách nhiệm dân sự ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự là phù hợp.
[5]. Xét quan đểm đề nghị hủy bản án sơ thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông vì cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo L là không có căn cứ; L chỉ có một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự nH1 cấp sơ thẩm lại cho bị cáo được hưởng án treo là không đúng quy định; Cáo trạng truy tố H theo khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự nhưng Biên bản phiên tòa lại thể hiện khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự là không chính xác;
Bản án sơ thẩm áp dụng một tình tiết giảm nhẹ tại điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo L và H1 là trái với Biên bản nghị án. Hội đồng xét xử xét thấy: Cấp sơ thẩm áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo L là có căn cứ bởi lẽ: Mặc dù tại phiên tòa bị cáo L kêu oan và cho rằng bị cáo không chém H nhưng qua các lời khai có trong hồ sơ vụ án thì bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án nên cấp sơ thẩm cho bị cáo L được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Tại biên bản phiên tòa (Bl số 520) thê hiện H bị truy tố theo khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự là phù hợp với cáo trạng chứ không có nội dung nào thể hiện H bị truy tố theo khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự như ý kiến của đại diện Viện kiểm sát; Đối với việc bản án phát hành chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là có sự sai sót. Tuy nhiên cấp sơ thẩm cũng đã ban hành thông báo sửa chữa, bổ sung bản án. Hơn nữa, tại phần nhận định của bản án cấp sơ thẩm cũng đã nhận đình rõ về việc áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ đối với bản bị cáo L. Vấn đề sai sót này cần thiết nêu ra để rút kinh nghiệm. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận đề nghị hủy bản án sơ thẩm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông.
[6]. Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị L và Lương Thành H1.
[7]. Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo bị cáo Hoàng Thị L và Lương Thành H1 phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị L và bị cáo Lương Thành H1, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 58/2020/HS-ST ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông.
1. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thanh H, Hoàng Thị L, Lương Thành H1 phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh H 02 (hai) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Hoàng Thị L 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 (mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lương Thành H1 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 (mười hai) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao các bị cáo Nguyễn Thanh H, Hoàng Thị L, Lương Thành H1 cho Ủy ban nhân dân xã N, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông và gia đình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.
2. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; áp dụng khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm thu nộp, quản L và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Buộc các bị cáo Hoàng Thị L, Lương Thành H1 mỗi người phải chịu 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 19a/2021/HSPT ngày 11/03/2021 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 19a/2021/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về