Bản án 15/2021/KDTM-ST ngày 25/05/2021 về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN NAM TỪ LIÊM, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 15/2021/KDTM-ST NGÀY 25/05/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ

Ngày 25/5/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, mở phiên tòa công khai, xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 45/2020/TLST-KDTM ngày 09/10/2020, về việc “Tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 43/2021/QĐST-KDTM ngày 07/5/2021, Quyết định hoãn phiên tòa số 51/2021/QĐST-HPT ngày 18/5/2021, giữa:

- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P;

Địa chỉ: Tầng 14, Tòa nhà H, Khu đô thị mới Mễ Trì H, phường Mễ T, quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội;

Người đại diện hợp pháp của Nguyên đơn:

1. Bà Nguyễn Thu T; (Có mặt)

2. Ông Hà Hải N; (Có mặt)

Cùng địa chỉ: Số 20 phố T, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;

3. Bà Nguyễn Thị N; (Có mặt)

4. Ông Đỗ Khắc B; (Có mặt)

Cùng địa chỉ: Tòa nhà H, Khu đô thị mới Mễ Trì H, đường Phạm H, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội;

Theo giấy ủy quyền số 01/2021/UQ-TGĐ ngày 16/03/2021 của Ông Kim Je H Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thu T – Luật sư – Công ty Luật TNHH B. (Có mặt)

- Bị đơn: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K;

Địa chỉ: phường V, thành phố N, tỉnh K;

Người đại diện theo pháp luật: Bà Phạm Thị N, sinh năm 1989; Chức vụ: Giám đốc. (Vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Tại đơn khởi kiện đề ngày 02/6/2020, bản tự khai ngày 18/11/2020 và các biên bản hòa giải tại Tòa án nguyên đơn là Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P trình bày:

Ngày 12/9/2019, Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P (Sau đây gọi tắt là Công ty P) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K(Sau đây gợi tắt là Công ty K) đã ký kết Hợp đồng chấp nhận thanh toán trực tuyến số 102/2019/HDHT- GPTTTT/KD/PE – K(sau đây gọi là Hợp đồng số 102) theo đó Công ty K đồng ý sử dụng dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến do Công ty P cung cấp theo những điều kiện và điều khoản được quy định tại Hợp đồng. Cụ thể, Công ty P sẽ cung cấp dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến cho K bao gồm các giải pháp và hạ tầng thanh toán, liên kết giữa khách hàng, đơn vị kinh doanh trực tuyến và hệ thống ngân hàng. Khách hàng của Công ty K từ đó có thể mua hàng hóa/dịch vụ, thanh toán trực tiếp bằng các loại thẻ mang thương hiệu của các Tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Mastercard và JCB trên hệ thống website của Công ty K qua cổng thanh toán trực tuyến của Công ty P, trong đó hệ thống thanh toán trực tuyến được cung cấp bởi Ngân hàng S (sau đây gọi là S). Theo Hợp đồng số 102, Công ty K cam kết chỉ sử dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến do Công ty P cung cấp để chấp nhận thanh toán cho các giao dịch thanh toán trực tuyến phát sinh trên một (01) website duy nhất của Công ty K có tên miền http://vmallshop.com/ trong đó hàng hóa được Công ty K chào bán tới các khách mua hàng là các sản phẩm thời trang.

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, tổ chức thẻ quốc tế Mastercard đã thông báo tới S và khẳng định có hai (02) website là  www.reissdressukshop.com và  www.bognerjackesale.com  đã có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giao dịch thanh toán trực tuyến và có kết nối thanh toán qua Công ty P. Qua quá trình rà soát thông tin giao dịch, S đánh giá rằng có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai (02) website vi phạm kể trên với website http://vmallshop.com/ của Công ty K. Do đó, ngày 17/10/2019, S đã có Công văn số 987/2019/CV-TT (V/v: nghi ngờ vi phạm quy định của TCTQT và yêu cầu cung cấp chứng từ tài liệu) gửi tới Công ty P đề nghị Công ty P ngay lập tức ngừng cung cấp dịch vụ cổng thanh toán cho Công ty Kđồng thời tuyên bố về việc S sẽ tạm hoãn thanh toán các giao dịch của Công ty P để đảm bảo chi trả cho các khoản phạt có thể lên đến 215.000 USD (Bằng chữ: Hai trăm mười lăm nghìn Đô la Mỹ) từ Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giao dịch thanh toán trực tuyến.

Thực hiện theo đúng quy định của Hợp đồng số 102, Công ty P đã có Văn bản số 198/2019/KD/P ngày 17/10/2019 (V/v: Thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ cổng thanh toán Megapay) gửi tới Công ty Kđể thông báo về việc sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cổng thanh toán đồng thời yêu cầu Công ty K giải trình về mối liên hệ của Công ty K với hai (02) website vi phạm, cung cấp các tài liệu chứng minh các sản phẩm, hàng hóa mà K cung cấp là có nguồn gốc xuất xứ và tuân thủ đầy đủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Công ty K sau đó bằng Văn bản số 003/2019/CV (V/v: phúc đáp cv số 198 Công ty E) gửi tới Công ty P – E đã thừa nhận việc Công ty K đã hợp tác với hai (02) website kể trên để quảng cáo sản phẩm, đặt liên kết thanh toán, chấp thuận cho khách mua sản phẩm được thực hiện việc thanh toán trực tuyến trực tiếp trên hai (02) website này thông qua cổng thanh toán trực tuyến của K P trong khoảng thời gian từ ngày 08/10/2019 đối với website www.bognerjackesale.com và từ ngày 11/10/2019 đối với website www.reissdressukshop.com cho đến ngày 17/10/2019 (thời điểm K P phát hành văn bản thông báo ngừng cung cấp dịch vụ) dẫn đến hậu quả là đã có ba (03) giao dịch mua hàng hóa được thực hiện thông qua hai (02) website vi phạm này.

Hàng hóa được Công ty K bán cho khách mua hàng trong các giao dịch thông qua hai (02) website kể trên là các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và việc Công ty Kkết nối sử dụng dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến do Công ty P cung cấp trên hai (02) website này để từ đó khách hàng có điều kiện sử dụng thẻ quốc tế Mastercard thanh toán cho các sản phẩm nhái, sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định, ảnh hưởng đến uy tín của Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard và phải gánh chịu chế tài thanh toán tiền phạt. Bên cạnh đó, việc Công ty K hợp tác và tự ý kết nối sử dụng dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến do Công ty P cung cấp trên hai (02) website kể trên mà không thông báo cho Công ty P cũng đồng thời là hành vi vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng số 102, bởi như đã đề cập Hợp đồng số 102 chỉ cho phép Công ty K được sử dụng dịch vụ cổng thanh toán do Công ty P cung cấp trên một (01) website duy nhất là http://vmallshop.com/. Sau khi biết được thông tin về việc các sai phạm mà Công ty K đã thực hiện tại hai (02) website kể trên sẽ bị Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard xử lý và đưa ra mức xử phạt, Công ty P đã chuyển toàn bộ các thông tin và tài liệu được Công ty K cung cấp cho S để S tiếp tục làm việc với Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard để xác định mức xử phạt cho hành vi vi phạm mà Công ty K đã thực hiện. Công ty P – E cũng yêu cầu Công ty K phối hợp làm việc để làm rõ các hành vi sai phạm của Công ty K đồng thời nhiều lần liên lạc qua điện thoại với Người đại diện theo pháp luật của Công ty K là bà Phạm Thị Ngân để trao đổi và sắp xếp lịch làm việc trực tiếp giữa hai bên nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Bà Ngân mặc dù đã xác nhận đồng ý qua điện thoại tuy nhiên sau đó lại liên tục trì hoãn, trốn tránh và cố tình không hợp tác theo yêu cầu của Công ty P.

Sau khi xem xét làm rõ nội dung sự việc, ngày 05/12/2019, S đã phát hành Văn bản số 1137/2019/CV-TTT (V/v thông báo và yêu cầu thanh toán số tiền phạt liên quan đến vi phạm quy định của Mastercard) gửi tới Công ty P để thông báo về số tiền phạt phải thanh toán cho Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard là 55.482,50 USD đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty K và thông báo về việc S sẽ tiến hành truy thu khoản tiền phạt này từ tài khoản ký quỹ của Công ty P.

Căn cứ theo quy định của Hợp đồng số 102, Công ty K có nghĩa vụ phải chịu mọi chi phí, thiệt hại hay bất kỳ khoản tiền nào phát sinh từ việc tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với các dịch vụ hợp tác mà Công ty K thực hiện. Do đó, Công ty P đã nhiều lần gửi các Văn bản để yêu cầu Công ty K thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản giá trị tiền phạt mà Sacombak đang yêu cầu thanh toán kể trên. Tuy nhiên, Công ty K tiếp tục trốn tránh và không hợp tác trước những yêu cầu mà Công ty P đã đưa ra. Do đó, Công ty P đã buộc phải thanh toán trước khoản tiền phạt trị giá 55.482,50 USD cho S chia làm hai (02) lần như sau:

Lần 1: Ngày 20/12/2019, S đã ghi nợ số tiền 644.290.531 VND tương đương 27.741,25 USD;

Lần 2: Ngày 20/3/2020: S đã ghi nợ số tiền 649.783.299 VND tương đương 27.741,25 USD.

Toàn bộ quá trình thanh toán kể trên của Công ty P đã được S xác nhận trong Văn bản số 187/2020/CV-TTT ngày 23/3/2020 (V/v: xác nhận P đã thanh toán đầy đủ phí phạt vi phạm quy định Mastercard).

Ngày 31/3/2020, đại diện có thẩm quyền của Công ty P và Công ty K đã tham dự buổi họp được thực hiện bằng hình thức họp trực tuyến tuy nhiên hai bên không đạt được thỏa thuận chung. Tính đến ngày nộp Đơn khởi kiện này, Công ty P vẫn không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ Công ty K.

Nay, Công ty P khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty K phải thanh toán cho Công ty P – E khoản tiền có giá trị 55.482,50 USD, tương đương 1.296.903.438 VND (Một tỷ, hai trăm chín mươi sáu triệu, chín trăm linh ba nghìn, bốn trăm ba mươi tám Đồng Việt Nam), tạm tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô La Mỹ của Ngân hàng S ngày 21/5/2020: 1 Đô la Mỹ = 23.375 VND, là khoản tiền mà Công ty K có nghĩa vụ thanh toán bồi hoàn lại cho Công ty P – E do hành vi vi phạm mà Công ty K đã thực hiện.

- Bị đơn là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K hiện tại không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, Tòa án đã tiến hành các thủ tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng không có đại diện của Bị đơn đến Tòa án làm việc, không có lời khai.

Tại phiên tòa:

- Nguyên đơn giữ nguyên quan điểm khởi kiện và đề nghị Tòa án tuyên buộc Công ty K phải thanh toán cho Nguyên đơn khoản tiền 1.294.073.830 đồng (Một tỷ, hai trăm chín mươi tư triệu, không trăm bẩy mươi ba nghìn, tám trăm ba mươi Đồng Việt Nam), là khoản tiền mà Công ty K có nghĩa vụ thanh toán bồi hoàn lại cho Công ty P – E do hành vi vi phạm mà Công ty K đã thực hiện.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm phát biểu ý kiến:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán: Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định tại Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự. Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án tại phiên tòa: HĐXX đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật TTDS về phiên tòa sơ thẩm. Các quy định về phiên tòa, thủ tục bắt đầu phiên tòa, tranh tụng đều được HĐXX thực hiện theo đúng quy định tại Chương 14 BLTTDS. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Nguyên đơn đã thực hiện đúng các quy định tại Điều 70, 71, 72, 234 Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn không thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về quyền và nghĩa vụ của mình.

Ý kiến về việc giải quyết vụ án: sau khi phân tích đại diện viện kiểm sát đề nghị Bị đơn đã có vi phạm hợp đồng do vậy căn cứ vào Khoản 5.2 và Khoản 11.4 của Hợp đồng để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là tranh chấp về hợp đồng cung ứng dịch vụ, cả hai bên đều có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận do vậy là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định taij Khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn lựa chọn Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội là Tòa án nơi có trụ sở của Nguyên đơn và nơi hợp đồng được thực hiện. Do vậy, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 35, Điểm b Khoản 1 Điều 39, Điểm g Khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K không có trụ sở tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Tòa án đã ủy thác tống đạt và tiến hành thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 180 của Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng bị đơn vẫn vắng mặt không có lý do, mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ, vì vậy Hội đồng xét xử áp dụng Điểm b Khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự xét xử vắng mặt bị đơn .

[2] Về nội dung:

Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng , các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện cung cấp cho Tòa án gồm: Công văn số 187 ngày 23/3/2020, số 236 ngày 23/12/2019, số 233 ngày 16/12/2019, số 1137 ngày 05/2/2019, số 214 ngày 15/11/2019, số 198 ngày 17/10/2019 gửi Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K; Công văn số 003 ngày 23/10/2019 của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K gửi Công ty P; Công văn số 987 ngày 17/10/2019 của Trung tâm thẻ Ngân hàng S gửi Công ty Cổ phần Thanh toán điện tử P; Bản sao Hợp đồng chấp nhận thanh toán trực tuyến số 102/2019 ngày 12/9/2019; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty Cổ phần Thanh toán điện tử P.

Các tài liệu nêu trên là bản sao có công chứng hợp pháp do vậy được xác định là chứng cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 95 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Quá trình giải quyết vụ án, đại diện theo pháp luật của Bị đơn vắng mặt, không đến Tòa án , Tòa án không lấy được lời khai. Do vậy, hội đồng xét xử căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do Nguyên đơn cung cấp để giải quyết vụ án là phù hợp với quy định tại Điều 91 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Căn cứ vào các tài liệu do Nguyên đơn giao nộp thì có đủ căn cứ xác định: Ngày 12/9/2019, Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P (Sau đây gọi tắt là Công ty P) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K(Sau đây gợi tắt là Công ty K) đã ký kết Hợp đồng chấp nhận thanh toán trực tuyến số 102/2019/HDHT- GPTTTT/KD/PE – K(sau đây gọi là Hợp đồng số 102) theo đó Công ty K đồng ý sử dụng dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến do Công ty P cung cấp theo những điều kiện và điều khoản được quy định tại Hợp đồng. Mục đích và nội dung của Hợp đồng số 102 không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, chủ thể tham gia giao dịch có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự do vậy Hợp đồng có hiệu lực.

Theo Hợp đồng số 102, Công ty K cam kết chỉ sử dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến do Công ty P cung cấp để chấp nhận thanh toán cho các giao dịch thanh toán trực tuyến phát sinh trên một (01) website duy nhất của Công ty K có tên miền  http://vmallshop.com/ trong đó hàng hóa được Công ty K chào bán tới các khách mua hàng là các sản phẩm thời trang và phải tuân thủ đầy đủ các quy định của các tổ chức thẻ quốc tế và Ngân hàng có mối quan hệ hợp tác phát triển dịch vụ với P.

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, tổ chức thẻ quốc tế Mastercard đã thông báo tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (S) là đơn vị có hợp đồng hợp tác thanh toán trực tuyến thẻ quốc tế với Nguyên đơn và khẳng định có hai (02) website là www.reissdressukshop.com và www.bognerjackesale.com đã có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giao dịch thanh toán trực tuyến và có kết nối thanh toán qua Công ty P. Công ty K bằng Văn bản số 003/2019/CV gửi tới Công ty P – E đã thừa nhận việc Công ty K đã hợp tác với hai (02) website kể trên để quảng cáo sản phẩm, đặt liên kết thanh toán, chấp thuận cho khách mua sản phẩm được thực hiện việc thanh toán trực tuyến trực tiếp trên hai (02) website này thông qua cổng thanh toán trực tuyến của K P dẫn đến hậu quả là đã có ba (03) giao dịch mua hàng hóa được thực hiện thông qua hai (02) website vi phạm này.

Do vậy có đủ căn cứ xác định công ty K đã vi phạm Điểm 3.1 của hợp đồng số 102. Việc vi phạm hợp đồng của bị đơn dẫn đến việc Nguyên đơn bị phạt liên quan đến vi phạm quy định của tổ chức thẻ quốc tế Mastercard. Căn cứ vào thông báo của Ngân hàng S thì mức tiền phạt Nguyên đơn phải chịu là 55.482,50 USD và Nguyên đơn đã thanh toán cho Ngân hàng S là 1.294.073.830 vào các ngày 20/12/2019 và ngày 20/3/2020. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải thanh toán bồi hoàn số tiền mà Nguyên đơn đã nộp phạt nêu trên là đúng với thỏa thuận tại các Điểm o và p Khoản 5.2 của hợp đồng số 102 và phù hợp với quy định tại các Điều 302 và 303 của Luật Thương mại.

Tại phiên tòa Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán bồi thường theo số tiền phạt bằng tiền đồng Việt Nam mà nguyên đơn đã nộp cho Ngân hàng S là 1.294.073.830 đồng là có cơ sở nên được chấp nhận. Nguyên đơn tự nguyện không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết về tiền lãi do chậm trả.

Về án phí: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với số tiền phải bồi thường thiệt hại cho Nguyên đơn. Trả lại Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào: Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35, Điểm b Khoản 1 Điều 39, Điểm g Khoản 1 Điều 40 và các Điều 147, 227, 264, 266, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 116, 117, 119, 275 của Bộ luật Dân sự; các Điều 3, 74, 302 và 303 của Luật Thương mại năm 2005; Khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2015/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án;

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P đối với bị đơn là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng chấp nhận thanh toán trực tuyến số 102/2019/HDHT-GPTTTT/KD/PE – Kngày 12/9/2019.

Buộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P là 1.294.073.830 đồng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3. Về án phí: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ K phải chịu 50.822.000 đồng án phí sơ thẩm.

Hoàn trả Công ty Cổ phần Thanh toán Điện tử P số tiền 25.453.000 tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 9696 ngày 08/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Nam Từ Liêm.

4. Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt hợp lệ bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3478
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 15/2021/KDTM-ST ngày 25/05/2021 về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ

Số hiệu:15/2021/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Nam Từ Liêm - Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:25/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về